Soạn bài Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 9

3.3 K

Tài liệu soạn bài Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga

* Trước khi đọc

Câu hỏi (trang 71 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhân vật anh hùng mà em yêu thích là ai? Điều gì ở nhân vật ấy gây ấn tượng nhất với em?

Trả lời:

- Nhân vật anh hùng mà em yêu thích nhất là Thánh Gióng.

- Điều ở nhân vật gây ấn tượng nhất với em là sự dũng cảm, gan dạ. Sau khi nghe tin đất nước có giặc ngoại xâm, thánh Gióng không ngần ngại, lập tức nhờ triều đình rèn cho mình áo giáp, vũ khí, ngựa để đánh giặc. Chàng một mình lao ra chiến trường, nhổ bụi tre mà đánh thắng được giặc Ân.

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc: 

1. Theo dõi: Hành động và lời nói của Lục Vân Tiên.

- Hành động:

+ Ghé lại bên đàng.

+ Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.

+ Kêu.

+ Tả đột hữu xông.

+ Dẹp rồi lũ kiến chòm ong.

+ Hỏi

+ Nghe nói liền cười.

- Lời nói:

+ Bớ đảng hung đồ, / Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.

+ Ai than khóc ở trong xe nầy?

+ Làm ơn há dễ trông người trả ơn. / Nay đà rõ đặng nguồn cơn, / Nào ai tính thiệt so hơn làm gì,  / Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, / Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

2. Hình dung: Hình ảnh Lục Vân Tiên giữa vòng vây của bọn cướp.

- Hình ảnh Lục Vân Tiên giữa vòng vây của bọn cướp vô cùng hào kiệt, anh dũng, t toát lên được chí khí anh hùng của chàng:

+ Vũ khí của chàng chỉ là cành cây, nhưng lại “nhắm làng xông vô”, tra hỏi bọn cướp.

+ Khi bị địch tứ phía vây hãm, chàng ‘tả đột hữu xông”, tung hoành dũng mãnh, phá vỡ vòng vây bọn cướp.

+ Tên tướng bị Lục Vân Tiên “một gậy” mà bị “thân vong”.

3. Theo dõi: Lời nói của nhân vật Kiều Nguyệt Nga.

Lời nói của Kiều Nguyệt Nga:

+ Tôi Kiều Nguyệt Nga, / Con nầy tì tất tên là Kim Liên. Quê nhà ở quân Tây Xuyên, / Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.

+ Sai quân đem bức thơ về, / Rước tôi qua đó định bề nghi gia. / Làm con đâu dám cãi nha,/ Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành.

+ Chẳng qua là sự bất bình, / Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi. / Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,/ Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

+ Trước xe quân tử tạm ngồi,/ Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa./ Chút tôi liễu yếu đào thơ,/ Giữa đường lâm phải bụi dơ dã phần.

+ Hà Khê qua đó cũng gần,/ Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng./ Gặp dây đương lúc giữa đàng,/ Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không./ Gẫm câu báo đức thù công,/ Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

4. Theo dõi: Lời đáp của Lục Vân Tiên.

Lời đáp của Lục Vân Tiên:

+ Làm ơn há dễ trông người trả ơn./ Nay đà rõ đặng nguồn cơn,/ Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.

+ Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Đoạn trích kể về câu chuyện Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga. Qua đó, nhà thơ thể hiện sự dũng cảm, gan dạ, anh hùng, không màng danh lợi hào Lục Vân Tiên và tấm lòng biết nghĩa, biết ơn của Kiều Nguyệt Nga.

Soạn bài Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga | Hay nhất Soạn văn 9 Kết nối tri thức

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc: 

Câu 1 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định bố cục của đoạn trích và nêu nội dung của từng phần.

Trả lời:

- Bố cục của đoạn trích: 3 phần

+ Phần 1: Từ đầu đến “thác rày thân vong”: Cảnh Lục Vân Tiên đánh bọn cướp.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “tấm lòng cùng ngươi”: Sự báo ân của Kiều Nguyệt Nga.

+ Phần 3: Còn lại: Quan niệm của Lục Vân Tiên về người anh hùng.

Câu 2 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hãy chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời đối thoại của các nhân vật trong đoạn trích.

Trả lời:

- Lời đối thoại của các nhân vật trong đoạn trích: Là những câu thơ được đặt sau dấu hai chấm và trong ngoặc kép:

+ Bớ đảng hung đồ… hại dân.

+ Thằng nào dám tới lẫy lừng…. bốn phía phủ vây bịt bùng.

+ Ai than khóc ở trong xe nầy?

+ Tôi Kiều Nguyệt Nga tấm lòng cùng ngươi.

+ Làm ơn há dễ trông người trả ơn cũng phi anh hùng.

- Lời người kể chuyện: phần còn lại.

Câu 3 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đọc mười bốn dòng thơ đầu và thực hiện các yêu cầu sau:

a. Chỉ ra lí do khiến Lục Vân Tiên quyết định ra tay trừng trị bọn cướp.

b. Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu thể hiện tính cách của nhân vật Lục Vân Tiên.

c. Cho biết người kể chuyện thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào đối với nhân vật Lục Vân Tiên.

Trả lời:

a. Lí do khiến Lục Vân Tiên quyết định ra tay trừng trị bọn cướp là:

- Bọn cướp có thói càn bậy, chuyên đi hại dân lành.

- Lục Vân Tiên là người chính trực, dũng cảm, luôn muốn trừng trị những điều sai trái trong cuộc sống.

b. Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu thể hiện tính cách của nhân vật Lục Vân Tiên.

- Hình ảnh Lục Vân Tiên “tả đột hữu xông” được Nguyễn Đình Chiểu ví như Triệu Tử phá vòng Đương Dang. “Tả đột hữu xông” ý chỉ những đón tấn công quyết liệt, đánh trái, đánh phải, thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán, tài năng binh lược hơn người của chàng.

- Hình ảnh “bẻ cây làm gậy” là hình ảnh đặc sắc nhất trong mười hai câu thơ đầu. Đối mặt với đám cướp hung hăng, thứ vũ khí duy nhất trên tay Lục Vân Tiên chỉ là cành cây nhỏ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không làm chàng sợ hãi, mà ngược lại, còn trở thành “đao gươm” trong tay của con người trí dũng song toàn như Lục Vân Tiên.

- Từ “nhắm” miêu tả một tư thế hùng dũng, lao nhanh về phía trước, sẵn sàng đánh bại khó khăn. Đây cũng là “từ ngữ vàng” bộc lộ sự dũng cảm của Lục Vân Tiên.

c. Thái độ, tình cảm của người kể chuyện với Lục Vân Tiên:

- Thái độ trân trọng, ngợi ca tài năng, phẩm chất của Lục Vân Tiên.

- Tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ.

Câu 4 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu cảm nhận của em về nhân vật Kiều Nguyệt Nga. Những từ ngữ, hình ảnh nào khiến em có cảm nhận như vậy?

Trả lời:

 Cảm nhận của em về nhân vật Kiều Nguyệt Nga:

- Kiều Nguyệt Nga là tiểu thư đài các, sống tình cảm, có hiếu với cha mẹ, thể hiện qua:

+ Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.

+ Làm con đâu dám cãi cha.

+ Từ “đành

- Nàng là người biết ơn, luôn mong muốn được báo ân người đã giúp đỡ mình, thể hiện qua:

+ Hình ảnh Kiểu Nguyệt Nga ngồi quỳ lạy Lục Vân Tiên.

+ Từ “đền ân”.

+ Gẫm câu báo đức thù công.

+ Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

- Kiều Nguyệt Nga cũng là cô gái thông minh, biết điều phải trái.

+ Hình ảnh Kiều Nguyệt Nga khiêm tốn nhận mình là “liễu yếu đào tơ

+ Từ “xin”, “theo cùng

Câu 5 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Câu nói nào của Lục Vân Tiên đã thể hiện quan niệm của nhân vật về người anh hùng? Em có đồng tình với quan niệm đó không? Vì sao?

Trả lời:

- Câu nói của Lục Vân Tiên thể hiện quan niệm về người anh hùng: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

- Em đồng tình với quan niệm đó vì:

+ Người anh hùng phải là người đánh bại cái xấu, thấy cái ác đang làm hại điều thiện thì không thể “khoanh tay đứng nhìn”.

+ Người anh hùng cũng không nên cứu giúp người khác với mong muốn được trả ơn. Điều khiến người anh hùng ấy cảm thấy tự hào, vui vẻ là đã giúp ích được cho cuộc đời.

Câu 6 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong đoạn trích

Trả lời:

- Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:

+ Các nhân vật được xây dựng với những đặc điểm riêng, dễ dàng nhận thấy.

+ Nhân vật xuất hiện trong tình huống hợp lý, gỡ nút thắt của cao trào.

+ Tác giả tạo dựng các nhân vật với tâm lý, trạng thái, cảm xúc phong phú bằng những câu thoại.

- Nhận xét nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ:

+ Ngôn ngữ bình dân kết hợp với ngôn ngữ bác học, trong đó Nguyễn Đình Chiểu ưu tiên sử dụng ngôn ngữ đời thường.

+ Động từ trong bài chủ yếu là động từ mạnh, phù hợp với kiểu nhân vật Lục Vân Tiên.

+ Ngôn từ giàu sức biểu cảm, tạo nhịp điệu nhịp nhàng cho đoạn thơ.

* Viết kết nối với đọc 

Bài tập (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích nét tính cách mà em yêu thích của một nhân vật trong đoạn trích.

Đoạn văn tham khảo

       Đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga đã khiến em hết sức thích thú và bất ngờ, bởi tính cách hào sảng, không màng danh lợi của Lục Vân Tiên. Tính cách cao cả, đẹp đẽ ấy thể hiện ở lời từ chối của chàng khi Kiều Nguyệt Nga tỏ ý muốn đền ân: “Nào ai tính thiệt so hơn làm gì”. Lục Vân Tiên mang bản chất là con người dám xả thân, quên đi sự hiểm nguy để giúp mọi người, việc chàng từ chối vàng bạc, hay lời báo ơn của Kiều Nguyệt Nga cũng là điều dễ hiểu. Đối với Lục Vân Tiên, chàng quan niệm: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, tức là đã làm việc thiện thì không nên bắt buộc, mong chờ người được giúp sẽ trả ơn mình ngay lập tức. Chính vì nét tính cách tuyệt vời ấy của chàng mà sau này, khi gặp hiểm nguy, chàng được Kiều Nguyệt Nga và tất cả mọi người cứu giúp, che chở. Như vậy, ngoài sự dũng cảm, gan dạ, chí phí ngút trời, Lục Vân Tiên còn “sáng ngời” phẩm chất “cho đi mà không cần nhận lại”. Mặc dù Lục Vân Tiên là con người cách chúng ta đến cả thế kỉ, song, mọi người vẫn nên học hỏi những nhân cách tốt đẹp của chàng để trở thành con người có ích trong xã hội.

Bố cục Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga

- Phần 1 (16 câu đầu): Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, tiêu diệt tên cầm đầu Phong Lai.

- Phần 2 (còn lại): Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Xuất xứ Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga

* Truyện Lục Vân Tiên được viết vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, gồm 2082 câu thơ lục bát (số lượng câu thơ có sự khác nhau giữa các bản in), kể về Lục Vân Tiên, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Trên đường đi thi, Lục Vân Tiên đã ra tay trừng trị bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Nàng mời Lục Vân Tiên về nơi cha mình đang làm quan để được đền ơn cứu mạng nhưng chàng từ chối. Kiều Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Lục Vân Tiên, nàng vẽ một bức chân dung chàng và luôn mang theo bên mình.

Sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất liền trở về quê chịu tang; trên đường về, chàng bị đau mắt nặng, rồi mù cả hai mắt. Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông nhưng được giao long cứu và được gia đình ông Ngư cưu mang. Sau đó, chàng bị cha con Võ Công bội ước, hãm hại, đem bỏ vào hang sâu; Lục Vân Tiên được Du thần và ông Tiều cứu giúp.

Nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga rất đau khổ và thề sẽ thủ tiết suốt đời. Nàng từ chối lời cầu hôn của con trai Thái sư đương triều, khiến tên Thái sư nổi giận, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Khi thuyền tới biên giới, nàng ôm tấm hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử và được Phật Bà Quan Âm cứu, đưa nàng dạt vào vườn nhà họ Bùi. Bùi Kiệm muốn ép Kiều Nguyệt Nga lấy hắn nên nàng phải trốn vào rừng, nương náu ở nhà một bà cụ làm nghề dệt vải.

Lục Vân Tiên được tiên cho thuốc, mắt sáng lại, trở về thăm cha và qua thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Chàng lại đi thi, đỗ Trạng nguyên, rồi được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Vân Tiên thắng giặc nhưng bị lạc trong rừng và gặp lại Kiều Nguyệt Nga. Chàng trở về triều, tâu vua hết sự tình. Những kẻ gian ác bị trừng trị; Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được đoàn tụ, hạnh phúc.

Truyện Lục Vân Tiên ca ngợi những con người hiếu thảo, nhân hậu, thủy chung, nghĩa khí; lên án những kẻ bất nhân, phi nghĩa, tráo trở; thể hiện ước mơ của nhân dân về mẫu người anh hùng “cứu khốn, phò nguy” và khát vọng công lí. Tác phẩm cũng kết tinh nhiều thành tựu nghệ thuật; xây dựng được nhiều nhân vật có tính cách rõ nét, sinh động; ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân; kết hợp tính cổ điển, bác học với chất dân gian và đậm đà màu sắc Nam Bộ.

* Đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của tác phẩm, từ câu 123 đến câu 180, kể lại sự việc Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Thực hành tiếng Việt trang 71

Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu)

Thực hành tiếng Việt trang 75

Tự tình (bài 2) (Hồ Xuân Hương)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay)

Trình bày ý kiến về một vấn đề có tính thời sự trong đời sống của lứa tuổi học sinh hiện nay

Đánh giá

0

0 đánh giá