TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện 2024 SIÊU HAY

3.8 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện Ngữ văn 12 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

Đề bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện.

Dàn ý Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

- Mở bài: Giới thiệu hai tác phẩm truyện được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá, nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.

- Thân bài: Cần triển khai các ý:

+ Thông tin chung về từng sản phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,..

+ Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy.

+ Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy.

- Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - Mẫu 1

So sánh hai đoạn kết truyện “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ”

Tô Hoài và Kim Lân đều là một trong những tác giả tiêu biểu của văn xuôi thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các tác phẩm của họ đều lấy cảm hứng từ cuộc sống hiện thực của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng tám. Hai tác phẩm “Vợ Nhặt” và “Vợ chồng A Phủ” tuy phản ánh số phận của hai người nông dân khác nhau nhưng đều mang một kết thúc mở. Nơi mà niềm hy sinh về cuộc sống mới tự do và hạnh phúc của họ được gửi gắm. Kết truyện không chỉ là những tình tiết khép lại câu chuyện mà còn là nơi mà các nhà văn thể hiện những quan niệm, tư tưởng và mở ra những con đường cho nhân vật của mình. Nếu kết thúc truyện Chí Phèo là sự giải thoát cho một kiếp người bị tha hóa bởi xã hội thì cái kết của "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ" lại được nhà văn Kim Lân, Tô Hoài mở ra bằng một hướng đi mới cho những số phận đau khổ cho những con người trong hai tác phẩm đó.

Hai tác phẩm "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ" là hai tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của hai tác giả. Nếu như Kim Lân viết về tình cảnh thê thảm, tang thương của những người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945 thì Tô Hoài lại viết về cuộc sống tủi nhục, tối tăm của những người nông dân nghèo vùng núi Tây Bắc. Tuy khác nhau về chủ đề và cách thức thể hiện nhưng cả hai tác phẩm đều có những nét tương đồng, cả hai truyện ngắn đều viết về cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo; đều thể hiện sự đồng cảm, trân trọng của nhà văn với số phận và vẻ đẹp của các nhân vật, điều này được thể hiện rõ nét qua phần kết của hai tác phẩm.

Truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân được viết năm 1954 về cuộc sống của những người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhân vật chính của câu chuyện là Tràng - một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí sống trong xóm Ngụ Cư. Trước sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của mọi người, Tràng bất ngờ có vợ ngay khi nạn đói đang hoành hành dữ dội nhất. Truyện kết thúc trong chi tiết bữa cơm thảm hại ngày đói của gia đình Tràng: "có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo" và tiếng tiếng trống thúc thuế dồn dập. Trong đầu Tràng hiện lên hình ảnh những dòng người "ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm".

Kết thúc của Vợ nhặt được Kim Lân lấy cơ sở từ chính hiện thực cuộc sống của đất nước ta lúc bấy giờ. Bởi sau nạn đói năm 1945, cả đất nước ta đang chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền và tiên phong chính là phong trào đi phá kho thóc Nhật để chia cho dân nghèo. Những người nông dân cả đời chân lấm tay bùn, họ ít học, ít hiểu, thế những cái đói khát cùng cực đã giúp họ nhận rõ kẻ thù của mình, đó chính là thực dân Pháp và Phát xít Nhật. Trong khi thực dân Pháp thực hiện chính sách vơ vét của cải thì bọn phát xít Nhật lại bắt dân ta "nhổ cỏ trồng đay", đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ra thảm họa nạn đói khủng khiếp 1945 cho dân tộc Việt Nam. Sống trong đói khát, trong cái chết rình rập nên những người nông dân đã ý thức được và tìm cách đấu tranh giành lấy sự sống. Và họ đến với cách mạng như một điều tất yếu, một lẽ đương nhiên. Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không thể hiện rõ ràng rằng Tràng có đi theo "lá cờ đỏ" ấy không, nó chỉ mở ra một hướng liên tưởng cho người đọc. Thế nhưng phải chăng qua cái "kết thúc mở" ấy, nhà văn Kim Lân muốn cho người đọc hiểu rằng cuộc đời của các nhân vật trong câu chuyện của mình rồi sẽ thay đổi nếu như họ bắt gặp được ánh sáng Cách mạng? Cuộc đời của Tràng mở ra bằng ánh chiều tà chập choạng với những cảnh "đói sầm vì đói khát", thế nhưng khi kết thúc lại là ánh bình minh của người mới với hình ảnh của "lá cờ đỏ" kia. Tuy là một kết thúc mở nhưng nó đã gieo vào lòng chúng ta niềm tin mãnh liệt vào sự đổi đổi của Tràng, của gia đình Tràng, của hàng ngàn người dân nghèo khác.

Với "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài lại dẫn người đọc đến với cuộc sống của những người nông dân nghèo vùng Tây Bắc. Nhân vật chính trong truyện là Mị và A Phủ. Nếu như Mị là cô "con dâu gạt nợ" nhà thống lý Pá Tra, phải sống kiếp "con trâu, con ngựa", bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần thì A Phủ trở thành người ở không công cho nhà thống lí chỉ vì đánh nhau với con quan. Hai con người đau khổ ấy gặp nhau, cảm thông, thấu hiểu cho nhau từ những giọt nước mắt và họ đã quyết định giải thoát cho nhau khỏi thân phận nô lệ.

Truyện kết thúc ở chi tiết Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và vụt chạy theo A Phủ để giải phóng chính mình. Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở về với cuộc sống lầm lũi, cam chịu như trước kia. Trong một lần "thổi lửa hơ tay", Mị đã bắt gặp "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ. Chính dòng nước mắt ấy đã làm cho Mị bừng tình, nhận thức được quyền sống của mỗi con người, nhận thức được sự độc ác của giai cấp thống trị. Vậy nên Mị đã "rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây" cắt đứt sợi dây trói cho A Phủ và thả A Phủ chạy thoát. Thế nhưng chỉ vài phút "đứng lặng trong bóng tối", Mị cũng "vụt chạy ra" theo A Phủ. Và rồi hai con người khốn khổ ấy "lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi". Sau này, hai người trở thành vợ chồng và dưới ánh sáng của cách mạng, họ cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương.

Cái kết của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã cho chúng ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc giữa những con người khốn khổ, cho ta thấy được sức sống tiềm tàng của họ, nhận thực sâu sắc của họ về quyền sống, quyền được tự do và hạnh phúc cùng với đó là tinh thần đấu tranh với bọn địa chủ phong kiến. Nếu như trước đây, Mị sống "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", sống vô cảm, vô hồn thì giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức trong tâm hồn Mị ý thức về sự sống. Hành động cắt đứt dây trói giải thoát cho A Phủ của Mị cũng là sự giải thoát cho chính bản thân mình. Giọt nước mắt ấy đã đánh thức khao khát sống tự do, hạnh phúc của cô. Và rồi hai con người đau khổ của đất Hồng Ngài đã dẫn nhau "lẳng lặng" "lao chạy xuống dốc núi" trốn thoát khỏi những hủ tục phong kiến, những sự thống trị tàn bạo và dã man, đó là sự tự ý thức của họ về quyền sống, tự do của một con người.

Tuy hai nhà văn Kim Lân và Tô Hoài viết về hai đề tài khác nhau nhưng cách kết thúc trong hai truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" và "Vợ nhặt" lại có những điểm tương đồng. Đầu tiên đó là hai cái kết đều mở ra một tương lai mới tươi sáng và tự do cho người nông dân nghèo khổ. Cả hai nhà văn đều hướng những nhân vật của mình đến với ánh sáng của cách mạng với hy vọng chắc chắn rằng cách mạng sẽ giúp họ đổi đời. Tuy có nhiều điểm giống nhau nhưng Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ cũng có những điểm khác biệt rất rõ ràng. Nếu như Vợ nhặt là hình ảnh của những người nông dân phải sống trong đói nghèo, trong cái chết rình rập, họ thấy được tội ác của bọn phát xít thực dân để từ đó hình ảnh "lá cờ đỏ" cùng đoàn người đi "phá kho thóc Nhật" in đậm trong tâm trí họ, cho họ thấy được con đường thoát khỏi đói nghèo thì Vợ chồng A Phủ lại cho ta thấy sức sống tiềm tàng của những người nông dân, họ tự vùng lên để giải thoát cho chính mình.

Hai chi tiết, hai cái kết trong Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt là khác nhau nhưng ta thấy rõ được những tâm tư, những tình cảm, những giá trị nhân đạo mà cả Kim Lân và Tô Hoài đều hướng tới. Đó là lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc trước những số phận đau khổ bị đày đọa bởi đói nghèo, bởi giai cấp thống trị. Để từ đó hướng họ tới một tương lai tươi sáng hơn khi họ vùng lên dưới ánh sáng cách mạng.

TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - Mẫu 2

Đề tài viết về tình cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945 là một trong những đề tài tập trung nhiều nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam trong thời kì đó. Nam Cao và Kim Lân là những ngòi bút tiêu biểu nhất. Trong tác phẩm “Chí Phèo” – Nam Cao và “Vợ nhặt” – Kim Lân tình cảnh người nông dân trước Cách mạng đã được miêu tả rất sinh động và chân thực. Bằng phong cách riêng, cách nhìn nhận riêng của mình và bằng lòng nhân đạo cao cả, mỗi nhà văn đã viết nên những tác phẩm đặc sắc về số phận riêng của người nông dân.

Đến với “Chí Phèo” cũng như “Vợ nhặt” là ta đến với số phận và cảnh ngộ của người nông dân dưới hai tròng áp bức của thực dân và phong kiến. Tuy nhiên, bằng cách nhìn nhận của riêng mình, mỗi nhà văn đã bộc lộ những khám phá riêng trong từng tác phẩm về số phận, tình cảnh của người nông dân. Do vậy, dù có chung một đề tài song mỗi người đã tạo ra được cho mình cách đi riêng và tác phẩm tiêu biểu.

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã làm sống dậy một làng Vũ Đại với những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… Những số phận khác nhau, những tính cách khác nhau ở trong một môi trường nhỏ. Nổi bật lên tất cả là những khám phá của Nam Cao về sự thống trị của chế độ phong kiến, bóng dáng của lũ thực dân và sự chà đạp lên những giá trị cơ bản nhất của con người trong xã hội dưới chế độ đó.

Đi vào tác phẩm, bằng một giọng kể lạnh lùng, Nam Cao đã đưa ta đến một số phận đau khổ và là nhân vật trung tâm, Chí Phèo, hiện ra bằng chân dung của một tên lưu manh, côn đồ trông đặc như thằng săng đá. Hắn vừa ở tù ra, tóc thì cắt trọc, mặt chi chít những sẹo. Cái hình dáng dữ tợn của hắn khiến cho trẻ con trông thấy phải khóc thét lên. Hắn chẳng biết hắn bao nhiêu tuổi, cha mẹ hắn là ai, mà chỉ biết hắn được một anh đi đặt ống lươn tìm thấy trong cái lò gạch cũ. Đi tù bảy tám năm, ra tù hắn về làng suốt ngày ngồi quán rượu và cũng suốt ngày hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đời nhưng trời có của riêng nhà nào, đời cũng chẳng của riêng ai. Vậy là hắn quay sang chửi cả làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng không được ai đáp lại, vì họ có coi Chí là người đâu. Với họ, đấy là một con thú hung tợn và điên dại. Bất lực, hắn quay sang chửi chính người nào đã sinh ra hắn. Chao ôi! Tội nghiệp Chí! Bằng cái giọng kể lạnh lùng của mình, Nam Cao đã cho người đọc hiểu rằng Chí đã bị tước mất quyền làm người, bị chà đạp tàn nhẫn cả về nhân tính lẫn nhân hình. Trên cuộc đời và trong làng Vũ Đại, Chí chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì để có thể cứu vớt được con người hắn.

Hình tượng Chí Phèo chính là một khám phá riêng đặc sắc của Nam Cao. Vì khi ông miêu tả Chí, ta không những không thấy ghê sợ mà còn thương cảm cho Chí. Qua “Chí Phèo” ta cũng thấy sống dậy cả một tầng lớp nông dân đói khổ bị dồn đến con đường cùng, bị chà đạp cả nhân tính lẫn nhân hình và bị tước mất những quyền cơ bản nhất của một con người. Nhưng ai là thủ phạm đã đẩy Chí cùng những số phận nghèo khổ khác đến chân tường vậy? Không dừng lại ở khám phá đó, Nam Cao đã đi dần, bóc vỏ bọc để lộ rõ chân tướng của thế lực đen tối đó. Đó chính là giai cấp thống trị trong xã hội thực dân phong kiến mà đại diện tiêu biểu là cha con Bá Kiến. Trong quá trình tha hóa nhân phẩm của Chí, Bá Kiến luôn có mặt, can thiệp thô bạo hay nói đúng ra là nguyên nhân đẩy Chí đi vào con đường tha hóa. Chỉ vì một sự ghen tuông với Chí về bà Ba – một người đàn bà lẳng lơ mà Bá Kiến đã không ngần ngại đẩy Chí vào tù. Vậy là một anh nông dân cần cù khỏe mạnh và trung thực đến độ bóp đùi cho bà Ba cũng không khỏi run tay, Chí trở thành lưu manh. Cuộc sống trong tù đối mặt với mọi cái xấu xa, gian trá nhất trên đời đã đánh cắp cái phần người, phần nhân tính trong Chí. Vậy nhưng Bá Kiến đã tha cho Chí đâu. Ra tù, Chí bị lão lợi dụng vào những trò tranh giành quyền chức bẩn thỉu của lão. Bằng cái kinh nghiệm dùng người của sự quỷ quyệt gian manh và tiếng cười Tào Tháo, Bá Kiến đã biến Chí thành tay sai của mình trong khi đã cướp sạch của hắn những thứ quý giá nhất: quyền được sống và quyền làm người.

Trong sự rộng lớn về đề tài người nông dân trước Cách mạng, Nam Cao đã biết khám phá những mảng riêng bằng con mắt của mình. Bên cạnh sự thống trị của một giai cấp tàn ác và tham lam, thì khám phá quan trọng nhất và sâu sắc nhất của Nam Cao là giá trị trong mỗi con người.

Nam Cao không chỉ lạnh lùng chỉ ra cho ta thấy một Chí Phèo lưu manh, tha hóa đến tột cùng, một Thị Nở ngây ngây dại dại, xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn; mà trong những con người đó, ông tìm ra cái phần nhân tính cao đẹp vẫn ẩn giấu trong tâm hồn họ qua bao nhiêu lớp bọc. Chí Phèo uống rượu không phải chỉ để say. Hắn cố uống cho say, song lại tỉnh. Ra tù, hắn nhận ra hắn đã bị cướp đoạt đi cả nhân tính lẫn nhân hình. Lần thứ hai hắn bị xã hội vứt bỏ và lần này thì chẳng còn ai chìa tay cứu vớt hắn. Đau đớn và tuyệt vọng, hắn tìm đến rượu. Song trong cơn say, bản năng muốn làm người trỗi dậy làm nảy sinh trong hắn ý định trả thù. Hắn nhận ra Bá Kiến là kẻ thù, là kẻ đã gây ra cho hắn hậu quả ấy. Song đau đớn thay, vì một lần nữa hắn lại rơi vào âm mưu gian xảo của Bá Kiến.

Trong cái tuyệt vọng khốn cùng, một hạnh phúc hiếm hoi đã đến với hắn, thức tỉnh cái ước muốn làm người trong hắn một cách mạnh mẽ. Sự cứu vớt ấy là tình yêu của Thị Nở - một người đàn bà dở dở ương ương cũng bị xã hội coi thường. Thị cũng như Chí, cũng là con người dưới đáy xã hội. Nhưng trong con người thị vẫn tiềm ẩn một khả năng, khả năng yêu – cái chức năng cơ bản của người phụ nữ, một con người. Bát cháo hành của thị đã có một sức mạnh làm trỗi dậy khát vọng làm người trong Chí. Tình yêu ấy đã khiến Chí sống lại với mơ ước một thời là có một gia đình, một hạnh phúc đơn sơ, giản dị. Song khi chuỗi thời gian năm ngày hạnh phúc ngắn ngủi của Chí kết thúc thì Chí nhận ra tất cả đã quá muộn rồi: Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “Ai cho tao lương thiện?”.

Trong rất nhiều khía cạnh của đề tài này, Nam Cao đã có những khám phá riêng và sâu sắc. Tựu chung lại, ông đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn tiềm ẩn và có sức sống mạnh mẽ trong những con người như Chí, như Thị Nở… Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, … đã trở thành nhân vật điển hình và những khám phá riêng của Nam Cao cũng trở thành điển hình.

Cũng đề cập đến đề tài trên, nhưng với con mắt riêng của mình, Kim Lân cũng đã có những khám phá riêng trong tác phẩm “Vợ nhặt”. “Vợ nhặt” là bức tranh về cuộc sống của người nông dân nơi xóm ngụ cư tồi tàn, nhưng trong những lúc đói khát khốn cùng nhất, họ vẫn nuôi mơ ước về một hạnh phúc đầm ấm, giản dị trong tương lai.

Đối ngược với chất giọng lạnh lùng của Nam Cao, với giọng nhẹ nhàng, tình cảm, Kim Lân đã miêu tả về cuộc sống của những con người đang lay lắt giữa cái sống và chết, khi nạn đói cứ rình chực như cơn bão lăm le cướp đi tất cả. Tràng là một người kéo xe thuê, với hình dáng bên ngoài to lớn và vập vạp, hai con mắt nhỏ tí gà gà, hai quai hàm bạnh ra, bao giờ cũng nhấp nhoáng những ý nghĩ vừa dữ tợn vừa thú vị. Nạn đói với sức tung hoành khủng khiếp của nó đã cuốn lấy tất cả trên những con đường đã đi qua Người chết như ngả rạ – Không khí vẩn lên mùi thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Nạn đói cũng khiến cho Tràng trở nên nặng nề và mệt mỏi. Những đứa trẻ ở xóm ngụ cư – đại diện cho sự sống vui tươi cũng trở nên ủ rũ. Để trêu chọc Tràng được một câu, chúng cũng phải cong cổ gào mới bật ra mấy tiếng Anh Tràng ơ! Chông vợ hài.

Khám phá của Kim Lân không phải là nạn đói ấy, mà ngòi bút của ông đã đào sâu sắc sảo để phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người cho dù trong cơn khốn quẫn nhất vẫn lấp lánh những ước mơ.

Nam Cao đặt các nhân vật của mình trong một không gian làng Vũ Đại, nơi thống trị lâu đời của chế độ phong kiến. Đằng sau những Bá Kiến – ta vẫn thấy thấp thoáng bóng thực dân. Còn Kim Lân lại đề cập đến xóm ngụ cư và có sự hiện hình rõ rệt của bọn thực dân, phát xít Nhật. Nhân vật của Kim Lân, không phải được khám phá ở phương diện bị bóc lột, chà đạp mà Tràng, người vợ là đại diện cho sức sống mãnh liệt, những con người dù đang sống giữa ranh giới của cái sống và chết vẫn không nghĩ tới ngày mai. Trong cái tao đoạn khốn khổ nhất, Tràng lại lấy vợ. Một sự kiện bất ngờ mà cũng lắm éo le. Cũng có lúc Tràng lo ây về sự kiếm sống để nuôi gia đình. Nhưng ý nghĩ ấy bị lấn át đi bởi cái hạnh phúc bất ngờ của anh. Trên khuôn mặt Tràng có nét gì phơ, ý nghĩ có vợ khiến Tràng thấy vui vui. Hạnh phúc dù đến trong cảnh khốn cùng nhưng nó vẫn đủ sưởi ấm cho tâm hồn ấy.

Bà cụ Tứ không khỏi ngạc nhiên khi con lấy vợ trong hoàn ảnh ấy. Bà thương cho con mình. Trong lòng người mẹ ấy đan xen bao nhiêu tình cảm. Chao ôi, có lòng người mẹ nào lại không đau xót khi không lo nổi cho hạnh phúc của con. Hai con mắt của bà nhoèn ra, Bà lo âu rồi không biết chúng nó có qua nổi cái tao đoạn này không? Nhưng rồi cùng với tấm lòng người mẹ, bà hiểu ra tất cả với một nỗi cảm thông có thế nào người ta mới lấy con mình mà con mình mới có vợ.Rồi bỏ qua những lo âu đó, bà lại nghĩ cho tương lai về sau, bà nói về những dự định trong tương lai và bà hi vọng.

Sự xuất hiện một thành viên mới, bỗng thay đổi cả cái gia đình hiu quạnh ấy. Ai nấy đều chung tay sửa soạn, dường như họ nghĩ nếu như dọn dẹp cho khung cảnh được quang quẻ, thì cuộc sống cũng có cơ khấm khá hơn. Người đàn bà đã đúng là người vợ đúng mực. Tràng thì cũng xăm xăm muốn góp công vào tu sửa nhà cửa Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Song cái thảm hại toát lên từ đĩa rau chuối thái rối với niêu cháo lõng bõng chỉ có thể họ bớt một chút vui, chứ không ngăn được những mơ ước của họ. Bà cụ Tứ trong suốt bữa ăn chỉ nói chuyện vui sướng về sau, gợi lên trong vợ chồng Tràng một viễn cảnh tươi sáng.

Trong mỗi tác phẩm, các tác giả có mỗi cách kết thúc khác nhau. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao kết thúc truyện bằng một cuộc “khởi nghĩa” nhân tính của Chí Phèo. Trong cơn tuyệt vọng tột cùng vì nhận ra mình đã mất đi quyền được làm người, Chí đã tìm đâm Bá Kiến – kẻ thù hiểm độc nhất của mình rồi tự sát. Còn trong “Vợ nhặt”, kết thúc câu chuyện là lời kể về cuộc khởi nghĩa phá kho thóc và hình ảnh đám người đói cùng lá cờ đỏ sao vàng vẫn lởn vởn trong đầu Tràng. Cái chết của Chí Phèo không gợi lên sự bi thảm hay tối tăm như tương lai chị Dậu. Mà nếu như Chí Phèo đã thực hiện một cuộc “khởi nghĩa” đầy nhân tính, thì Tràng của Kim Lân lại được nhận thức về một cuộc cách mạng không xa trong tương lai để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc. Chí Phèo đã chấp nhận lấy cái chết để đánh đối sự lương thiện nhân tính. Hắn chết nhưng phần linh hồn lại được gột rửa sạch, trở về đúng nghĩa một con người. Và vì vậy cái chết của Chí cũng là một kết thúc điển hình và hợp lí. Với “Vợ nhặt”, ta tin rằng trong tương lai không xa rồi Tràng cũng sẽ tham gia cách mạng, đi dưới lá cờ đỏ ấy để thực hiện ước mơ của mình, của những người dân xóm ngụ cư.

Qua đó, ta đã hoàn toàn có thể thấy rõ được tư tưởng nhân đạo bao trùm hai tác phẩm. Mỗi nhà văn sáng tác đều dựa trên tấm lòng nhân đạo của mình. Tư tưởng nhân đạo nổi bật ở từng số phận Tràng, Chí Phèo…và xuyên suốt tác phẩm qua diễn biến câu chuyện.

Với “Chí Phèo”, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo đặc sắc và chủ đạo của ông là ở sự bộc lộ của mỗi nhân vật. Bằng một giọng điệu lạnh lùng với trái tim nồng ấm yêu thương, Nam Cao đã nhận ra phần người bị khuất lấp đằng sau những hình dáng dữ tợn, xấu xí… Ông đã biện minh một cách lặng lẽ cho nhân tính của những người dưới đáy xã hội như Chí Phèo, Thị Nở, đồng thời cũng lên án mạnh mẽ giai cấp thống trị đương thời.

Kim Lân qua “Vợ nhặt”, đã làm toát lên sức sống mãnh liệt của những người dân Việt Nam trong những sức vóc nhỏ bé ấy lại là cả một sức mạnh tiềm tàng, một tâm hồn phong phú. Không nhiều lời, song ông cũng đã phơi bày được tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật qua những trò như thu thóc tạ đã bóc lột nhân dân đến tận cùng.

“Chí Phèo”, “Vợ nhặt” – tự những tác phẩm ấy đã nói lên giá trị của mình và với những giá trị đó, nó xứng đáng vào hàng ngũ những tác phẩm thành công nhất của văn học thời kì trước Cách mạng.

TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện 2024 SIÊU HAY (ảnh 3)

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - Mẫu 3

Nam Cao là những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Chí Phèo và Lão Hạc là hai truyện ngắn tiêu biểu của ông, có những nét tương đồng nhưng cũng mang dấu ấn riêng.

Chí Phèo và Lão Hạc được sáng tác trước Cách mạng tháng Tám 1945. Dựa vào những cảnh thật, người thật mà Nam Cao được chứng kiến và nghe kể về làng Đại Hoàng.

Truyện Chí Phèo vào tháng 2 năm 1941. Nội dung kể về Chí Phèo - một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong một cái lò gạch cũ, được người làng thay nhau nuôi. Lớn lên, Chí đi ở hết nhà này tới nhà nọ, trong đó có nhà bá Kiến. Vì một chuyện ghen tuông, bá Kiến đẩy Chí vào tù. Ở tù về, Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo bị bá Kiến lợi dụng, trở thành tay sai cho lão, chuyên vạch mặt ăn vạ và gây tai họa cho người trong làng. Cuộc gặp gỡ với thị Nở khiến Chí Phèo khao khát được làm người lương thiện. Nhưng bà cô của thị Nở và cái xã hội đương thời đã chặn đứng đường về “cõi người” của Chí Phèo. Tuyệt vọng, hắn tìm giết Bá Kiến và tự sát. Nghe tin Chí chết, thị Nở nhìn xuống bụng và thầm nghĩ đến một cái lò gạch bỏ không vắng người qua lại.

Còn truyện Lão Hạc được đăng trên báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về lão Hạc - một người nông dân nghèo khổ sống. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó, nói dối là để đánh bả con chó nhưng thực ra là để tự tử.

Cả hai tác phẩm truyện đều viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Qua đó, Nam Cao đã khắc họa số phận bất hạnh của họ cùng với hiện thực xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Đồng thời, nhà văn thể hiện thái độ đồng cảm, thương xót cho số phận của họ. Cả hai truyện đều giàu giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, cũng như thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy với những nét độc đáo về nghệ thuật như miêu tả tâm lí, khắc họa nội tâm nhân vật.

Song, Chí Phèo và Lão Hạc đều có những nét riêng. Trong Lão Hạc, nhân vật lão Hạc hiện lên là một người nông dân lương thiện, giàu lòng tự trọng. Lão Hạc là một ông nông dân già yếu, không nơi nương tựa; sống một mình, tự kiếm ăn nuôi thân, con trai bỏ đi đồn điền cao su. Sau một trận ốm, trong nhà không còn gì để ăn, lão quyết định bán cậu Vàng - kỉ vật mà anh con trai để lại, không chỉ là một con vật mà còn giống như một người bạn. Sau khi bán cậu Vàng, lão Hạc vô cùng đau khổ, ân hận và day dứt. Lão quyết định tìm đến cái chết, đến xin Binh Tư bả chó để bắt một con chó, nhưng thực chất là để tự tử. Có thể thấy, lão Hạc là một người nông dân có lòng tự trọng. Lão cùng là một người cha hết mực yêu thương con, thà chết đi cũng không muốn đụng đến của hồi môn của con. Từ đầu đến cuối, lão Hạc vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, lương thiện. Có thể thấy, lão Hạc đã khắc họa chân thực cuộc đời của người nông dân Việt Nam trước cách mạng cùng với đó là phẩm chất cao quý của họ.

Còn trong truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã xây dựng hình tượng Chí Phèo trở thành nhân vật điển hình. Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức ở nông thôn trước Cách mạng. Chí Phèo đại diện cho người nông dân hiền lành đã bị nhà tù thực dân biến thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Trước đó, Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, đi ở cho nhà bá Kiến. Chỉ vì một chuyện ghen tuông, bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Chính bà Kiến đã tiếp tay cho nhà tù thực dân đẩy Chí vào con đường tha hóa. Ở tù về, Chí Phèo thay đổi cả về nhân hình lẫn nhân tính, dần bị bá Kiến biến thành tay sai. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí, hắn khao khát trở về làm người lương thiện. Nhưng rồi do bà cô của Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo. Bà cô đại diện cho những định kiến trong xã hội xưa đã tước đoạt đi quyền làm người của Chí. Để rồi, Chí uống rượu rồi xách dao đên nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, đó là một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thế xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay cả trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính.

Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao có nét tương đồng nhưng cũng có nét riêng. Cả hai tác phẩm truyện đều thể hiện được tư tưởng cũng như tài năng của nhà văn Nam Cao.

Top 30 Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện (điểm cao)

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - Mẫu 4

Nếu như Hoàng tử bé của Ăng-toan đơ Xanh-tơ - Ê-xu-pe-ri được mệnh danh là kiệt tác của văn chương thiếu nhi trên thế giới thì ở Việt Nam, độc giả cũng có thể tìm đọc Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, để được lên chuyến tàu trở về miền ký ức tuổi thơ đẹp đến mơ màng, một tuổi thơ trong trẻo, tươi sáng đầu chất thơ, nơi những đứa trẻ được hòa mình với thiên nhiên, được sống hồn nhiên, vô tư, êm đềm bên gia đình.

Hơn 80 năm từ khi ra đời, Hoàng Tử Bé vẫn là cuốn sách được hàng triệu độc giả trên thế giới yêu quý. Được dịch ra hơn 250 thứ tiếng khác nhau, được chuyển thể thành phim hoạt hình, truyện tranh và nhiều ấn bản khác, Hoàng Tử Bé với mái tóc vàng thực sự đã có sức sống rất mãnh liệt. Và rất nhiều người đọc trung thành của cuốn sách thiếu nhi này lại đến từ người lớn. Với rất nhiều người, không chỉ là trẻ con, Hoàng Tử Bé là cuốn sách của những giấc mơ, nhẹ nhàng và trong trẻo. Nhưng có lẽ mỗi người khi đọc cuốn sách này sẽ có những cảm nhận khác nhau. Cùng là chính ta nhưng ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, mỗi người sẽ hiểu cuốn sách theo một cách khác. Và cứ thế mỗi lần đọc, người ta lại ngạc nhiên, càng thích thú vì cứ chiêm nghiệm được nhiều điều hơn nữa.

Cuốn sách dạy cho ta hiểu rằng trong cuộc sống chúng ta phải trải qua nhiều điều mới hiểu được đâu mới là tình yêu đích thực. Trong cuộc sống, có những thứ rất dễ để khiến chúng ta từ bỏ nhưng khi muốn tìm lại thì vô cùng khó, tình yêu là một trong số đó. Và tình yêu là điều kỳ diệu mà ta sẽ chỉ được cảm nhận bằng trái tim. Cũng không thể phủ nhận rằng trong tình yêu, lý trí cũng rất cần thiết và quan trọng nhưng dẫu thế nào, sự rung động từ chính trái tim mới chính là quan trọng nhất.

Cuốn sách cũng được lồng ghép khéo léo những hạn chế của chính người lớn khi họ sinh sống trong thế giới có phần thực dụng, không còn mộng mơ như ngày xưa bé. Trong cuộc sống này, sự hạn hẹp về tầm nhìn, vội vàng buông lời chê bai diễn ra xung quanh chúng ta. Đôi khi ta thực sự không ngờ chính những lời nói vô tình ấy lại có sự tác động lớn đến vậy. Những phán xét vội vàng, những cái nhìn định kiến là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thế giới này! Thế nên đừng đưa ra kết luận vội vàng khi đứng trước một sự vật, hiện tượng. Những điều ấy, thật không thể ngờ, khi lại được tìm thấy trong cuốn sách tưởng chừng như rất mộng mơ là Hoàng Tử Bé.

Mặt khác, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là là một cuốn sách đơn thuần hơn khi xoay quanh cuộc sống của mỗi đứa trẻ thời thơ ấu. Bằng một lối kể chuyện rất lạ , Nguyễn Ngọc Thuần trở thành ''người ôm giấc mơ'' dẫn lối chúng ta về với những lấp lánh trong vắt của một thời bé. Toàn bộ cuốn sách trôi qua rất nhẹ nhàng, nhẹ như khi ta đi vào một khu vườn khẽ chạm tay vào một nhành hoa đọng sương mà chỉ thấy tay mình ươn ướt, cảm nhận cái gì dễ vỡ chứ hem có rõ là vừa chạm vào sương ý. Hầu như tất cả những vấn đề nghe thì thật nặng nề với người lớn như : cái chết, sự hi sinh, mất mát, nỗi đau, thiếu thốn... đều được nhắc đến trong từng chương sách chỉ dài vài trang nhưng triết lí thì là cả đại dương. Những vấn đề được đưa ra sâu sắc nhưng dưới góc nhìn của một đứa trẻ, nỗi sầu buồn nào cũng khiến lòng người êm dịu đón nhận thay vì đau đơn, tê tái. Cuốn sách cho thấy những cảm nhận tinh tế của những đứa trẻ.

Ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Thuần rất lâng lâng và mơ màng. Cách kể cứ vô tư, hồn nhiên. Mà bài học cũng giản dị đến khó tin, nhưng chắc phải đi cả đời mới phần nào hiểu hết. Đọc sách nhưng không hề có sự lên lớp dạy đời. Những vấn đề khó khó thì dẫn :'' Bố tôi nói'', '' mẹ tôi kể'', '' chú Hùng bảo''... Có thể nói, cuốn sách giống như Hoàng tử bé của Việt Nam vì đều viết về những điều rất phức tạp bằng sự trong vắt và đơn giản không ngờ luôn ý. Sách cho trẻ con nhưng người lớn đọc lại có vẻ còn phù hợp hơn. Một cuốn sách mà cả người lớn và trẻ con đều có thể say mê.

Hai cuốn sách Hoàng tử bé của Ăng-toan đơ Xanh-tơ - Ê-xu-pe-ri và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần có những điểm tương đồng lớn khi cùng đưa độc giả lạc vào thế giới rực rỡ dưới lăng kính của những đứa trẻ, để thấy được sự hồn nhiên, ngây thơ nhưng ở đó, những đứa trẻ nhắc nhở người lớn về những bài học bất ngờ về tình yêu thương và sự tử tế - những bài học mà trong cuộc đời, khi trải qua nhiều mất mát, biến cố, mỗi người chúng ta thường quên đi mất.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - Mẫu 5

Nơi nghệ thuật ta kiếm tìm hiện thực ở những góc nhìn khác. Những góc nhìn mà ở nơi ấy hiện thực được toàn vẹn là chính nó với những góc khuất, những niềm đau và cũng là chính nó với những điều đẹp đẽ và cao cả. Để rồi giữa những hiện thực được nhìn nhận ấy, ta nuôi dưỡng nơi mình một khát vọng được sống và được yêu thương, một niềm tin vào chính mình và cuộc đời. Nếu dưới ngòi bút của Thạch Lam giữa những ngày đất nước chưa tìm lại được độc lập, hiện thực hiện lên tựa như cảnh phố huyện nghèo chỉ sáng chói lúc con tàu vụt qua thì dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu giữa những ngày đất nước vẫn chìm đắm sau ánh hào quang mà cuộc chiến để lại, những điều ta ngỡ là tất cả lại đổ vỡ trước ánh nhìn cận cảnh.

Có người từng nói, nhà văn là những nhà thư ký trung thành của thời đại. Hai bức tranh về hiện thực được dựng xây bởi Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu có lẽ cũng đem theo hiện thực lịch sử ấy.

Thạch Lam khắc họa lên khung cảnh phố huyện nghèo, nơi con người khó khăn kiếm lấy cho mình chút gì đó để sống qua ngày. Câu truyện bắt đầu với ánh chiều dần tắt, những cửa hàng nhỏ lên đèn, những ánh sáng leo lắt khiến cho con dường một bên sáng một bên tối, tất cả tựa như bị nuốt chửng trước khoảnh khắc ngày tàn. Cảm nhận về ánh sáng mong manh hơn trước sự rệu rã nơi con người. Có lẽ nỗi đói khổ, sự tuần hoàn yên ả nơi phố huyện đã lấy đi nơi họ những khát vọng về một ánh sáng. Những kiếp đời sống mòn trước ngưỡng cửa của hiện thực. Tiếng cười dài của bà cụ Thi vang vọng khắp phố huyện. Tiếng cười của những cơn say, tiếng cười của những nỗi ám ảnh về kiếp sống rệu rã mỏi mệt. Sự chán nản của chị Tý dẫu dọn hàng sớm hay muộn thì có khác gì, sự im lặng của nhà bác hát sẩm khi khác chưa bước tới, cái bóng của bác phở Siêu đổ dài trước ánh lửa. Bức tranh về hiện thực phố huyện ở những năm đất nước chưa lấy được lại độc lập hiện lên trước mắt người đọc, một bức tranh buồn, mỏi mệt, rệu rã.

Bức tranh đầu tiên Nguyễn Minh Châu đem tới trước mắt người đọc lại là một bức tranh rất đẹp. Bức tranh khiến Phùng ngỡ đó là mục đích của cả chuyến đi dài, là điều mà nghệ thuật hướng tới. Con thuyền nơi ngoài xa đẹp và yên bình trên mặt biển mờ sương. Cả gia đình ngồi im lặng trên chiếc thuyền nhỏ. Tất cả khắc tạc lên một vẻ đẹp toàn bích. Có lẽ đó cũng là bức tranh của đất nước sau những năm giành lại được độc lập. Chúng ta sống giữa những hào quang sau cuộc chiến, những hạnh phúc sau khi nhận được chiến thắng, tựa như phùng khoảnh khắc nhìn thấy con tàu giữa bóng sương mờ, anh cả thấy trái tim mình tự như bị bóp chặt.

Nhưng hiện thực không chỉ nằm nơi những bề nổi dễ thấy. Hiện thực nằm nơi chúng được đổ bóng. Nơi chúng được cho một khoảng không để trọn vẹn là chính chúng.

Phố huyện nghèo nơi những áng văn của Thạch Lam như được thắp lên một niềm hi vọng khi đoàn tàu đến. Đoàn tàu tựa như một Hà Nội đã xa trong chị em Liên, đoàn tàu tựa như thứ ánh sáng có thể xua đi bóng đêm nơi phố huyện nghèo. Cảm thức về một Hà Nội, về một cuộc sống đa sắc màu dường như nuôi dưỡng trong chị em Liên và những người đợi chờ con tàu ấy một khát vọng. Một khát vọng hướng tới ánh sáng, một khát vọng chấm dứt những rệu rã và mỏi mệt. Tiềm ẩn sau bức tranh phố huyện nghèo là một khát vọng, một khát vọng được hướng tới ánh sáng, thoát khỏi sự bao trùm của bóng đêm.

Con thuyền ngoài xa nơi áng văn của Nguyễn Minh Châu hiện lên rõ nét trước ánh nhìn cận cảnh. Phùng chứng kiến cảnh từng người trên chiếc thuyền ấy cố gắng đánh đập thậm chí lấy đi mạng sống của nhau. Người chồng đánh vợ mình và người đàn bà không làm gì ngoài chịu đựng trong khi đứa trẻ có gắng giết cha của mình. Một hiện thực trần trụi, một hiện thực không được giải quyết sau hai chữ độc lập một hiện thực không được nhìn nhận dưới hai chữ dân chủ bình đẳng. Một hiện thực trái ngược với bức ảnh anh đã định nghĩa nó là nghệ thuật. Nghệ thuật là gì nếu khi đối diện với hiện thực, chúng đổ nát và méo mó. Độc lập là gì nếu chúng chỉ là cái cớ để ta chìm đắm trong những gì đã qua.

Khắc họa hai bức tranh về hiện thực, hai tác phẩm đem đến cho người đọc những điểm nhìn mới và đem đến những thông điệp lịch sử. Có lẽ chỉ dưới cái nhìn của nghệ thuật, những ngày tháng đã qua mới có thể hiện lên toàn vẹn là chính nó với những hiện thực bề nổi và những tiềm lực.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - Mẫu 6

Nhà văn Nguyễn Minh Châu có lần nói đại ý rằng “Người cầm bút có biệt tài là có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc với một vài sự diễn biến sơ sài nhưng đó có khi lại là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại. Đúng như vậy, trong cái dòng đời xuôi chảy ấy các nhà văn sẽ tìm được một khoảnh khắc –một khoảnh khắc – một điểm sáng nghệ thuật có ý nghĩa làm nổi bật tính cách của nhân vật và góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Kết truyện “Vợ chồng A Phủ” với hình ảnh Mị cứu A Phủ rồi “Hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi” và “Vợ nhặt” với hình ảnh “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” chính là điểm sáng ấy. Tuy nhiên mỗi nhà văn lại có những khám phá mới mẻ.

Tô Hoài và Kim Lân đều là những tác giả tiêu biểu của văn xuôi thời kì kháng chiến chống Pháp. Tô Hoài có những trang văn viết chân thực với quan niệm “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Kim Lân lại có những trang việt chân thực về đời sống làng quê với những thú vui tao nhã của người nông dân quê mình mà ông gọi đó là “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng”. Ông cũng viết chân thực về những người nông dân quê mình chất phác, hóm hỉnh mà rất tài hoa.

Cả hai tác phẩm đều viết về hình tượng người nông dân trong quá trình đến với cách mạng. Ở họ là một cuộc sống khó khăn bất hạnh nhưng vẫn sáng lên những phẩm chất cao đẹp và điều đặc biệt là họ đang trong quá trình đến với cách mạng.

Vợ chồng A Phủ phản ánh cuộc sống của người nông dân miền núi qua nhân vật Mị và A Phủ. Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lí phải sống một thân phận nô lệ, bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần. A Phủ vì đánh con quan nên bị bắt về nhà thống lí, bị đánh đập rồi phải trở thành người ở trừ nợ cho nhà thống lí. Hai thân phận nô lệ ấy đã gặp nhau và giải thoát cho nhau. Một đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị trở dậy ngồi sưởi lửa hơ tay thì bắt gặp “Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Giọt nước mắt ấy đã tác động đến nhận thức và tình cảm của nhân vật Mị khiến cô đã có hành động táo bạo “Lấy con dao nhỏ cắt lúa cắt nút dây mây” giải thoát cho A Phủ. Sau đó Mị cũng chạy theo A Phủ bởi “Ở đây thì chết mất”. Rồi “Hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”. Đây là chi tiết quan trọng trong tác phẩm bởi trước hết đã thể hiện cho tấm lòng đồng cảm của các nhân vật. Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị đã nhớ lại tình cảnh của mình những lần trước Mị cũng bị trói ở đó “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không lau đi được”. Cô đồng cảm sâu sắc với A Phủ, đó là niềm đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ. Từ người khác, nghĩ đến hoàn cảnh của mình rồi từ lòng thương mình dẫn đến thương người để rồi cô có hành động táo bạo, quyết liệt ấy. Những chi tiết ấy đã thể hiện cho sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người ở đây là người nông dân miền núi dưới sự áp bức đè nén của bọn phong kiến chúa đất. Nếu như trước đây “Sống lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”, Mị sống cũng như chết, cam chịu, Mị mất hết ý thức về quyền sống thì bây giờ giọt nước mắt của A Phủ đã làm cho sức sống của cô như được trỗi dậy. Hành động Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ cũng là giải thoát cho chính mình có thể là hành động tự phát lúc bấy giờ bởi trong hoàn cảnh cụ thể, Mị nhận thấy không thể sống ở đây được. Rồi Mị sẽ phải trói vào cái cột kia cho đến chết. Nghĩ đến đó Mị rùng mình và khi cái chết đang gần kề trong con người ấy bỗng trỗi dậy niềm ham sống mãnh liệt. Nhưng xét đến cùng đó là hành động tự giác, ý thức vùng lên ấy đã được “chuẩn bị” tâm lí từ trước. Phải có sức sống của cô Mị trỗi dậy khi có ý định ăn lá ngón tự tử đặc biệt phải có sự vùng lên mạnh mẽ trong đêm tình mùa xuân thì bây giờ cô Mị mới có hành động táo bạo liều lĩnh như vậy. Hành động của Mị chính là kết quả tất yếu của cả một quá trình nhận thức. Hành động giải thoát của Mị và A Phủ thể hiện sự nhận thức sâu sắc của người nông dân về quyền sống, quyền tự do. Trước đây với Mị sống hay chết cũng như nhau bởi “Sống lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”. Bây giờ Mị và A Phủ không mãi cam chịu thân phận nô lệ nữa, họ muốn một cuộc sống tự do, sống đúng nghĩa cuộc sống của một con người chứ không phải kiếp sống trâu ngựa trong nhà quan nữa. Mị sợ cái chết “ Ở đây thì chết mất”, sợ cái chết cũng là ý thức cao độ về quyền sống mà nhất là cuộc sống tự do. Với A Phủ cũng thế, lúc này khát khao tự do ở trong anh cũng trở nên mãnh liệt. Trước đây, A Phủ cũng đã có nhiều cơ hội để anh trốn thoát, khi anh rong ruổi một mình ngoài gò ngoài rừng để chăn bò, chăn ngựa. Nhưng cũng giống như Mị, khi đó anh sống trong sự cam chịu, nhẫn nhục. Còn bây giờ khi cái chết đang đến gần anh đã quật sức vùng lên chạy, A Phủ muốn giải thoát cuộc sống nô lệ để đến với tự do.

Kết thúc truyện cũng thể hiện cho tinh thần đấu tranh của người dân chống lại bọn địa chủ phong kiến với quy luật có áp bức thì có đấu tranh. Bọn địa chủ phong kiến với bao chính sách tàn bạo với chế độ cho vay nặng lãi, tục cướp dâu đã biến Mị trở thành con dâu gạt nợ. Với cường quyền của chúng cũng biến A Phủ thành kiếp tôi đòi. Lúc này người nông dân không còn chịu dưới những luật lệ hà khắc. Họ nhận thấy rõ tội ác của bọn địa chủ phong kiến. Mị nhận ra “Chúng nó thật độc ác”. Điều này không phải là điều dễ dàng với người nông dân lúc bấy giờ bởi đã từ lâu lắm cô Mị chẳng còn ý thức chỉ suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, chỉ làm bạn với căn buồng kín mít lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng, rồi cứ ở đó mà nhìn ra đến bao giờ chết thì thôi. Nhưng hôm nay cô Mị thấy mình và A Phủ cùng bao nhiêu nông dân thật đáng thương và bọn địa chủ phong kiến và bọn địa chủ phong kiến kia thật tàn bạo. Suy nghĩ “chúng nó thật độc ác” như một lời kết tội của những người nông dân dành cho kẻ thù. Chính vì vậy họ không thể cam chịu mà phải trốn thoát khỏi nơi áp bức cường quyền ấy.

Hành động Mị và A Phủ giải thoát và cùng nhau trốn khỏi Hồng Ngài là chi tiết đặc biệt quan trọng thể hiện cho sức sống mạnh mẽ của nhân vật. Đồng thời là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của nhân vật góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nếu không có chi tiết ấy thì cuộc đời của Mị và A Phủ vẫn trong tăm tối của kiếp sống nô lệ, cuộc sống của người nông dân vẫn mãi cam chịu và sáng tác của Tô Hoài vẫn là sự bế tắc. Chính ánh sáng của cách mạng đã giúp nhà văn hướng cho nhân vật của mình đến một hướng giải thoát. Hành động đó cũng thể hiện rõ cho phong cách của nhà văn Tô Hoài. Ông có vốn am hiểu phong phú sâu sắc về đời sống của những người nông dân vùng cao và viết chân thực về cuộc đời của họ. Không khí của cuộc cách mạng trên mảnh đất Tây Bắc đã khiến nhà văn phản ánh được sức sống mãnh liệt của họ.

Tác phẩm Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Kim Lân dựa vào một phần của cốt truyện cũ để viết tác phẩm “Vợ nhặt”. Tác phẩm được đưa vào tập “Con chó xấu xí” (Xuất bản 1962).

Hình ảnh lá cờ ở cuối tác phẩm mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Kết thúc ấy có cơ sở từ thực tiễn đời sống. Câu chuyện có bối cảnh là nạn đói năm 1945- một thời điểm lịch sử có thật trong đất nước ta vào những năm tháng chuẩn bị cho cuộc cách mạng và đó là những ngày tiền khởi nghĩa với phong trào phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo. Vậy nên trong hoàn cảnh đói khát cùng cực ấy người nông dân nhận ra kẻ thù gây đau khổ cho mình là bọn Pháp và Nhật. Thực dân Pháp thi hành những “luật pháp dã man’, vơ vét của cải còn phát xít Nhật thì bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu rồi cùng với thiên tai, lũ lụt…Tất cả đều là căn nguyên dẫn đến thảm cảnh nạn đói năm 1945. Những người dân sống trong hoàn cảnh đó họ sẽ ý thức được mình phải đứng lên đấu tranh tìm con đường cho mình. Họ sẽ tìm đến với cách mạng như một điều tất yếu.

Truyện kết thúc nhưng đã mở ra cho người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện không nói cụ thể rõ ràng là cuộc sống của Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt sẽ đi đến đâu, cuộc sống của họ tiếp theo sẽ như thế nào để gượng ép trói buộc suy nghĩ của bạn đọc thiên về một hướng và nhiều khi chỉ suy nghĩ theo chiều hướng ấy. Và thật khéo léo khi Kim Lân để “lửng”. Kết thúc “lửng” ấy chứa đựng bao suy nghĩ của tác giả. Phải chăng nhà văn Kim Lân đang thầm kín bày tỏ sự trân trọng với cách tiếp cận, nhận thức của độc giả đồng thời cũng hướng họ rằng nên phải suy nghĩ, chiêm nghiệm để viết tiếp câu chuyện ấy với sự phù hợp và đúng đắn nhất theo quan điểm nhận thức của mỗi người. Việc tạo ra kết thúc mở cũng khơi sâu sự tìm tòi khám phá một góc độ của cuộc sống, của xã hội thay vì chỉ là đọc trên giấy và hiểu tác phẩm một cách đơn thuần. Rõ ràng với ánh sáng “le lói ở cuối đường hầm” kia người đọc có quyền hiểu và ngẫm theo nhiều cách. Theo quan điểm của bản thân có thể suy ngẫm Tràng sẽ được theo cách mạng, theo ánh sáng của Đảng cùng với quần chúng khởi nghĩa và rồi cuộc sống của anh và gia đình cùng những người nông dân Việt Nam sẽ ấm no hơn, hạnh phúc hơn khi cách mạng giành thắng lợi.

Kết truyện của Kim Lân đã mở ra một tương lai tươi sáng cho người dân. Không giống như văn học hiện thực phê phán trước cách mạng. Trước đây, nhà văn Nam Cao đã để cho nhân vật Chí Phèo cảm nhận hương vị của cuộc sống, để cho hắn cảm nhận tình yêu thương…nhưng rồi Chí Phèo lại rơi vào bi kịch bế tắc. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng để nhân vật của mình- Chị Dậu vùng lên chống lại ách áp bức của bọn địa chủ nhưng rồi cuối cùng trước mắt chị là “trời tối đen như mực giống như cái tiền đồ của chị”. Họ đều rơi vào luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát. Ở “Vợ nhặt”, Kim Lân đã để cho những người nông dân hướng về tương lai. Liệu tác phẩm có thể kết thúc trong cảnh “bữa cơm ngày đói” với khung cảnh trông thật thảm hại “Giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo” và “không ai nói câu gì. Họ cắm đầu ăn cho xong lần. Họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mỗi người”. Nếu kết thúc như thế thì cái đói, cái nghèo vẫn bao trùm, cuộc sống của nhân dân vẫn rơi vào bế tắc. Nhưng Kim Lân không dừng lại ở đó. Ông đã hướng họ vào ánh sáng của tương lai, của cách mạng “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”,”. Thật là ông đã để những con người trong hoàn cảnh khốn cùng cận kề cái chết nhưng họ không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng đến sự sống, vẫn hi vọng tin tưởng ở tương lai. Những người đói ấy vẫn khao khát về cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Nhà văn đã để người dân nhận thức đúng về cách mạng khơi lên tinh thần đấu tranh. Thực tiễn lịch sử cách mạng Tháng tám 1945 đã thắng lợi thì con người và đặc biệt là người nông dân càng có thêm động lực niềm tin vào tương lai tươi sáng ấm no. Thật là một cách kết truyện sáng mở ra cuộc sống tươi sáng cho con người. Cách kết truyện của Kim Lân cũng mang lại giá trị nhân đạo sâu sắc. Nhà văn luôn cảm nhận được ở những người nông dân dù cận kề cái chết nhưng họ luôn nghĩ đến sự sống từ đó mà mở ra cho họ một con đường đi đến tương lai.

Cả hai cách kết truyện đều mở ra một tươi lai tươi sáng cho người nông dân. Đều hướng họ đến với ánh sáng cách mạng. Các chi tiết ấy đều được viết bằng bút pháp lãng mạn cách mạng. Có điểm chung ấy là bởi cả Kim Lân và Tô Hoài đều là những nhà văn cách mạng. Họ được lí tưởng cách mạng soi sáng nên nhìn cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan nên họ đã nhìn thấy sức mạnh của người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn. Tô Hoài và Kim Lân đều nhìn thấy ánh sáng của cách mạng với người nông dân. Hai nhà văn đã khẳng định chỉ có ánh sáng của cách mạng mới giúp người dân thoát khỏi cuộc sống tăm tối khổ đau.

Tuy nhiên, cả hai tác phẩm cũng có những điểm riêng. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” từ sức sống tiềm tàng của bản thân họ đã tự giải thoát cho mình. Tác phẩm “Vợ nhặt”, trong cuộc sống nghèo đói bởi tội ác của bọn thực dân và phái xít, họ đã nhìn thấy con đường để thoát khỏi cuộc sống đói khát cùng cực ấy. Có nét khác nhau ấy là bởi mỗi tác phẩm gắn với mỗi hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” viết về người nông dân miền núi bị áp bức bởi bọn địa chủ phong kiến miền núi, họ bị mất tự do và họ đã vùng lên giải thoát cho mình để tìm đến tự do. Còn “Vợ nhặt” viết về nạn đói do những chính sách tàn bạo của bọn thực dân pháp và phát xít Nhật nên Kim Lân đã cho họ nhìn thấy con đường để thoát khỏi tình cảnh đói nghèo ấy.

Đánh giá

0

0 đánh giá