Soạn bài Cảnh rừng Việt Bắc | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

1 K

Tài liệu soạn bài Cảnh rừng Việt Bắc Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Cảnh rừng Việt Bắc

Đọc văn bản sau, chọn phương án đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5) và trả lời các câu hỏi (từ câu 6 đến câu 10):

Cảnh rừng Việt Bắc

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay,

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.

Kháng chiến thành công ta trở lại,

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Câu 1 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc đã sử dụng hình thức thơ nào?

A. Thơ thất ngôn bát cú, viết bằng chữ Nôm

B. Thơ thất ngôn bát cú, viết bằng chữ Quốc ngữ

C. Thơ tự do, viết bằng chữ Nôm

D. Thơ bảy chữ, viết bằng chữ Hán

Trả lời:

Chọn đáp án B

Câu 2 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chi tiết nào cho biết bối cảnh sáng tác của bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc?

A. Nhan đề bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc

B. Ghi chú: NXB Văn học, Hà Nội, 1970

C. Ghi chú cuối văn bản: Năm 1947

D. Dòng thơ “Kháng chiến thành công ta trở lại”

Trả lời:

Chọn đáp án D

Câu 3 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Trạng thái cảm xúc chủ đạo trong bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc là gì?

A. Vui vẻ, lạc quan

B. Buồn bã, ưu tư

C. Nuối tiếc, bâng khuâng

D. Xúc động, sung sướng

Trả lời:

Chọn đáp án A

Câu 4 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Dòng thơ nào sau đây sử dụng biện pháp liệt kê?

A. Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

B. Vượn hót chim kêu suốt cả ngày

C. Săn về thường chén thịt rừng quay

D. Kháng chiến thành công ta trở lại

Trả lời:

Chọn đáp án B

Câu 5 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nội dung chính của bài thơ là gì?

A. Cuộc sống giản dị, đơn sơ ở núi rừng Việt Bắc và tâm trạng tràn đầy lạc quan, tin tưởng của nhân vật trữ tình

B. Cuộc đời hoạt động cách mạng bí mật gian khổ, thiếu thốn mà vẫn ung dung và tràn đầy lạc quan của Bác Hồ

C. Hình ảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, quyết liệt nhưng tràn đầy sự lạc quan, vui vẻ

D. Cuộc sống khắc nghiệt ở chiến khu Việt Bắc và những nỗi băn khoăn, lo lắng của nhân vật trữ tình

Trả lời:

Chọn đáp án A

Câu 6 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Mở đầu bài thơ, Bác viết “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay”. Em hiểu nghĩa của từ “hay” ở đây như thế nào?

Trả lời:

Từ “hay” xuất hiện ở cuối câu thơ đã bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, cảm thán trước cảnh đẹp thiên nhiên, không khí rộn ràng ở vùng núi rừng Việt Bắc. Tâm hồn nhà thơ cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của Việt Bắc. Qua đó, thể hiện sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên.

Câu 7 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nhận xét về âm hưởng và giọng điệu bao trùm bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc.

Trả lời:

- Âm hưởng: Vui tươi, hào hùng. Trong tác giả chan chứa cảm xúc rộn ràng, phấn khởi khi được trở về nơi đã từng gắn bó - núi rừng Việt Bắc với biết bao cảnh đẹp.

- Giọng điệu: Êm đềm, da diết, thể hiện dòng nội tâm trầm lắng, nỗi nhớ sâu sắc núi rừng Việt Bắc trong tác giả và tình cảm gắn bó giữa con người với thiên nhiên.

Câu 8 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Những từ ngữ nào trong bài thơ thể hiện sắc thái tình cảm của chủ thể trữ tình?

Trả lời:

- Những từ ngữ thể hiện sắc thái tình cảm :

+ “Thật là hay” : bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, cảm thán trước cảnh đẹp thiên nhiên, không khí rộn ràng ở vùng núi rừng Việt Bắc. Thể hiện tình yêu thiên nhiên và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

+ “Chén thịt rừng quay”: Gợi không khí thân mật, thể hiện niềm vui sướng khi được thưởng thức thành quả cuộc đi săn.

+ “Tha hồ dạo”: Niềm hứng khởi trước cảnh sắc thiên nhiên bao la, rộng lớn của núi rừng Việt Bắc.

+ “Mặc sức say”: Thể hiện niềm say mê, phấn khởi trước những đặc sản rượu ngọt chè tươi nơi núi rừng Việt Bắc. Đằng sau đó chính là niềm lạc quan phơi phới, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước

Câu 9 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Từ hiểu biết của em về nghĩa của từ “mời” và từ “chén”, chỉ ra sự phù hợp của hai từ này trong hai dòng thơ:

Khách đến thì mời ngô nếp nướng

Săn về thường chén thịt rừng quay

Trả lời:

- Từ “mời” thường được dùng cho người ở bề trên hoặc dùng cho khách đến chơi nhà, đó là từ ngữ thể hiện phép lịch sự và lòng hiếu khách.

- Từ “chén” thường sử dụng trong mối quan hệ gần gũi, gắn bó. Dùng để mời anh em, bạn bè thân thiết.

→ Ở câu thơ thứ tư, Bác dùng chữ “chén” thay cho chữ “ăn”. Nghe thân mật mà có thoáng nét cười. Gợi lên không khí vui tươi, tình cảm thiết tha, mặn nồng giữa những người chiến sĩ. 

Câu 10  (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Qua bài thơ, em hiểu thêm được gì về tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Trả lời:

- Tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ: Bác sáng tác bài thơ trong hoàn cảnh hành quân đến địa điểm mới phải lội suối, leo đèo, vô cùng mệt mỏi. Tuy vậy, Bác vẫn giữ tinh thần vui tươi, hòa mình vào cảnh vật.

 - Phong thái ung dung, thư thái: Dẫu bận trăm công nghìn việc trong lúc lãnh đạo cuộc kháng chiến, Bác vẫn giữ tư thế ung dung, thư thái dạo gót ngắm cảnh thiên nhiên.

- Tình yêu thiên nhiên sâu sắc: Thể hiện qua bút pháp miêu tả cảnh vật vô cùng sinh động. Hồn thơ hoà hợp với thiên nhiên, lắng nghe âm thanh của núi rừng.

- Niềm tin chiến thắng: Bác hẹn với lòng mình sẽ trở lại Việt Bắc để được thưởng thức cái hay, cái đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

 
Đánh giá

0

0 đánh giá