Tài liệu soạn bài Viết quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động Ngữ văn lớp 9 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:
Soạn bài Viết quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động
1. Định hướng
1.1. Quảng cáo là loại văn bản cung cấp rộng rãi các thông tin, tri thức liên quan đến hàng hoá, dịch vụ, nhằm mục đích tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu hoạt động của các tổ chức, doạnh nghiệp.
Quảng cáo được thực hiện bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như báo chí, truyền hình, Internet, tờ rơi, tin nhắn, pa nô, áp phích, băng rôn trên đường phố và phương tiện giao thông – vận tải, hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các nơi công cộng.
Để tăng sức hấp dẫn, quảng cáo thường các hình ảnh minh hoạ, âm thanh, ca nhạc,…
1.2. Khi xâu dựng một văn bản quảng cáo, người quảng cáo cần chú ý đến các yêu cầu sau:
- Cần tìm hiểu và biết rõ về sản phẩm, dịch vụ để nêu được các nội dung thông tin.
- Hướng đến đúng khách hàng có nhu cầu.
- Quảng cáo có mục tiêu, nội dung giống nhau nhưng cách trình bày có thể khác nhau. Với quảng cáo bằng lời, ngôn ngữ phải cô đọng, gây được ấn tượng. Quảng cáo có thể kết hợp giữa ngôn ngữ và hình ảnh phải hài hoà, hấp dẫn.
- Cần tuân thủ Luật Quảng cáo và các quy định có liên quan, ví dụ: không được đề cao sản phẩm của mình bằng cách hạ thấp sản phẩm của người khác.
- Lựa chọn đúng thời điểm và công cụ quảng cáo
2. Thực hành
2.1. Thực hành viết theo các bước
Bài tập (trang 121 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Xây dựng văn bản quảng cáo cho một món ăn đặc sản, một di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương em.
a) Chuẩn bị
- Tìm hiểu nội dung thông tin về đối tượng cần quảng cáo.
- Lựa chọn, xác định hình thức quảng cáo.
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Tiêu đề của quảng cáo thế nào? Tên món ăn đặc sản là gì?
=> Phở Hà Nội - Đặc Sản Hà Nội "Vạn Người Mê"
+ Đặc điểm của món ăn đặc sản có gì độc đáo (công dụng, chất lượng, uy tín và quy trình tạo nên sản phẩm,…)?
=> Phở Hà Nội là món ăn truyền thống lâu đời, mang hương vị riêng của đất Bắc. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa phở Hà Nội và phở trong Nam chính là bánh phở dẹp và to hơn, đồng thời, một số nơi sẽ ăn kèm phở với quẩy. Khách du lịch Hà Nội có thể chọn phở gà, phở bò hay phở ngan tùy theo sở thích ăn uống của mỗi người.
+ Sản phẩm có các điều kiện ưu đãi về giá cả và hình thức khuyến mãi như thế nào?
+ Địa chỉ liên hệ để mua sản phẩm như thế nào?
=> Một số địa chỉ ăn phở ngon mà bạn có thể nghía qua:
Phở Bát Đàn: địa chỉ ở 49 Bát Đàn, quán mở lúc sáng từ 6h30 tới 8h30, giá khoảng 30,000 VND - 55,000 VND / bát.
Phở Thìn: 13 phố Lò Đúc, quán mở cửa từ 5h đến 21h, giá khoảng 40,000 VND - 60,000 VND / bát.
Phở Lý Quốc Sư: giá khoảng 50,000 VND - 77,000 VND / bát, giờ mở cửa 6h tới 14h và 17h30 tới 22h. Bạn có thể tìm thấy tại 3 địa chỉ: Địa chỉ 1: Số 10 Lý Quốc Sư - Địa chỉ 2: 42 Hàng Vôi – Địa chỉ 3: N2A Hoàng Minh Giám
Phở Sướng: có 2 địa chỉ Ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt (khu phố cổ) HOẶC Nguyên Hồng, giá khoảng 40,000 VND - 55,000 VND / bát.
- Từ các ý đã tìm được, lập dàn ý cho bài quảng cáo theo ba phần: mở đầu, nội dung chính và kết thúc.
(1) Mở đầu: Nêu tiêu đề của quảng cáo, tên món ăn đặc sản
(2) Nội dung:
+ Đặc điểm của món ăn đặc sản có gì độc đáo (công dụng, chất lượng, uy tín và quy trình tạo nên sản phẩm,…)?
+ Sản phẩm có các điều kiện ưu đãi về giá cả và hình thức khuyến mãi như thế nào?
(3) Kết thúc:
+ Địa chỉ liên hệ để mua sản phẩm như thế nào?
c) Xây dựng văn bản quảng cáo
Dựa vào dán ý đã làm và các yêu cầu đã nêu trong mục 1. Định hướng để xây dựng một văn bản quảng cáo.
* Bài tham khảo
Phở Hà Nội - Đặc Sản Hà Nội "Vạn Người Mê"
Phở Hà Nội là món ăn truyền thống lâu đời, mang hương vị riêng của đất Bắc. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa phở Hà Nội và phở trong Nam chính là bánh phở dẹp và to hơn, đồng thời, một số nơi sẽ ăn kèm phở với quẩy. Khách du lịch Hà Nội có thể chọn phở gà, phở bò hay phở ngan tùy theo sở thích ăn uống của mỗi người.
Một số địa chỉ ăn phở ngon mà bạn có thể nghía qua:
Phở Bát Đàn: địa chỉ ở 49 Bát Đàn, quán mở lúc sáng từ 6h30 tới 8h30, giá khoảng 30,000 VND - 55,000 VND / bát.
Phở Thìn: 13 phố Lò Đúc, quán mở cửa từ 5h đến 21h, giá khoảng 40,000 VND - 60,000 VND / bát.
Phở Lý Quốc Sư: giá khoảng 50,000 VND - 77,000 VND / bát, giờ mở cửa 6h tới 14h và 17h30 tới 22h. Bạn có thể tìm thấy tại 3 địa chỉ: Địa chỉ 1: Số 10 Lý Quốc Sư - Địa chỉ 2: 42 Hàng Vôi – Địa chỉ 3: N2A Hoàng Minh Giám
Phở Sướng: có 2 địa chỉ Ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt (khu phố cổ) HOẶC Nguyên Hồng, giá khoảng 40,000 VND - 55,000 VND / bát.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
- Xem xét kết quả sản phẩm văn bản quảng cáo đã xây dựng bằng cách đối chiếu với các yêu cầu về quảng cáo đã nêu ở mục 1. Định hướng và dàn ý đã làm. Chú ý các mục: tiêu đề của quảng cáo, tên sản phẩm, đặc điểm của sản phẩm, điều kiện và địa chỉ liên hệ,…
- Căn cứ vào việc kiểm tra trên để nêu cách chỉnh sửa văn bản quảng cáo đã làm.
2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Vận dụng tổng hợp các thao tác và phương thức biểu đạt.
a) Cách thức
Một văn bản bao giờ cũng có một phương thức biểu đạt chính được lựa chọn trong các phương thức: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh,… Mỗi phương thức ấy sử dụng một hoặc một số thao tác chính. Ví dụ: Phương thức tự sự chủ yếu sử dụng các thao tác kể và tả; phương thức nghị luận sử dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận, so sánh,…; phương thức thuyết minh thường sử dụng các thao tác giới thiệu theo một trình tự, nêu số liệu, miêu tả,…
Khi rèn kĩ năng viết, các em cần luyện tập theo từng thao tác và phương thức cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, để tạo ra một văn bản, người viết luôn vận dụng tổng hợp các thao tác và phương thức. Mục đích kết hợp là để bài viết sinh động, linh hoạt và uyển chuyển trong cách diễn đạt. Ví dụ, trong văn bản nghị luận không chỉ có nghị luận mà còn kết hợp với phương thức tự sự và biểu cảm,…; cũng không chỉ sử dụng một thao tác giải thích hay chứng minh mà còn kết hợp các thao tác khác như bác bỏ, phân tích, bình luận,… Tương tự, văn tự sự không không chỉ có kể mà còn kết hợp các thao tác và phương thức như miêu tả, thuyết minh, nghị luận,…
b) Bài tập (trang 122 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):Hãy viết một văn bản quảng cáo một danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử của đất nước, trong đó có sử dụng kết hợp các thao tác và phương thức biểu đạt khác nhau.
Trả lời:
Tam Cốc - Bích Động thuộc cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 100km về phía Nam.
Tam Cốc - Bích Động là một danh lam thắng cảnh được ngợi ca là “Nam thiên đệ nhị động”. Cảnh sắc ở đây không chỉ đượm mùi Thiền mà còn gợi nhớ, còn ghi những dấu tích lịch sử hơn nghìn năm về trước: nơi trú quân của Đinh Bộ Lĩnh trong những năm tháng đánh dẹp “nhị thập sứ quân”, nơi Thái hậu Dương Vân Nga du xuân cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Thiên nhiên Tam Cốc - Bích Động là điểm du lịch nổi tiếng cho những du khách muốn tẩy sạch “bụi trần”. Cái thú là đến với Tam Cốc bằng thuyền con. Tam Cốc gồm có ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Hang nào cũng lung linh huyền ảo sắc màu với hàng nghìn nhũ đá với bao huyền tích. Cảnh rồng cuộn hổ quỳ, cảnh tiên nga tắm mát, cảnh tiều phu gánh củi, cảnh ngư ông râu tóc bạc phơ ngồi trên thạch bàn câu cá, cảnh đàn cồng vũ hội, v.v... thấp thoáng, ẩn hiện trên vòm hang vách động, như dẫn hồn du khách vào thế giới Bồng Lai. Sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vào vách hang lúc nghe rì rào róc rách, lúc lao xao rì rầm hoà cùng tiếng gió thì thầm thì thào như tiếng thần Núi từ cõi linh thiêng từ ngàn xưa vọng về.
Hang Cả là hang đẹp nhất của Tam Cốc. Con thuyền nan nhỏ nhẹ luồn vào hang Cả dài 127 mét, nằm trong lòng một trái núi lớn; hai bên hai dãy núi tựa dãy trường thành che chắn dòng sông uốn khúc, nước xanh trong. Cửa hang rộng hơn 20 mét, vách hang uốn vòng cung theo vòm hang, về mùa hè, không khí trong hang mát lạnh, ai cũng cảm thấy khoan khoái, thư thái cả tâm hồn.
Qua hang Cả, ta nhìn thấy một màu xanh bao la của đồng lứa. Xa xa bên sườn non, từng đàn dê hiền lành nhởn nhơ ăn lá cây. Vách núi cheo leo, lủng lẳng những nhành phong lan, hoặc đỏ hồng, hoặc tím biếc, hoặc trắng phau như đàn bướm sặc sỡ đang rập rờn bay.
Đi tiếp, ta sẽ đến hang Hai, hang Ba, như lần bước vào cõi thâm u, tĩnh lặng của thần Sông, thần Núi. Du khách bâng khuâng tự hỏi: "Có phải nơi đây Thái hậu Dương Vân Ngà mừng đón Lê Đại Hành đại phá giặc Tống từ ải Bắc trở về..?" Suối Tiên chính là đây, cách hang Cả non 4km. Dòng suối trong vắt có thể nhìn thấu đến tận đáy. Từng đàn cá nhỏ và dài nối đuôi nhau bơi lượn, ẩn hiện giữa bao lớp rong rêu. Tam nước suối Tiên, da thiếu nữ sẽ ánh lên màu ngà ngọc. Hoa súng tím hồng lơ thơ nhô lên làm cảnh suối Tiên thêm hữu tình, thơ mộng.
Từ suối Tiên ta đến thăm Bích Động. Nam thiên đệ nhị động là đây. Bích Động nghĩa đen là Động Xanh. Xanh trời, xanh ruộng, xanh suối, xanh núi, xanh hang, xanh động mênh mông.
Bích Động có ba ngôi chùa được xây cất, tôn tạo trên sườn non vách núi: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Qua Thạch Kiều uốn cong, du khách nhìn thấy một cây si xanh biếc bốn mùa mọc trên một mỏm đồi, được gọi là Bánh Dày. Theo truyền thuyết, ai đói khổ đến ôm gốc cây si này sẽ được ấm no.
Từ chùa Hạ leo qua khoảng 60 bậc đá thì đến chùa Trung, ngôi chùa bán mái. Chính điện nằm thụt vào vách núi, hang sâu. Tường chùa được xây toàn bằng đá, một chiếc khánh đá rất to có từ xa xưa.
Vượt qua hơn 30 bậc đá nữa, ta sẽ tới chùa Thượng. Tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của thi hào Nguyễn Du, từng lưu lại vần thơ: "Níu đá, vin cây tới đỉnh chùa".
Các chùa ở Bích Động có nhiều mộ tháp bằng đá nhấp nhô trong vườn chùa. Có rất nhiều tượng Phật rất cổ kính quý giá. Vườn chùa xanh um, cây ăn trái, hàng trăm loài hoa đẹp đua sắc khoe hương quanh năm. Bích Động có 5 ngọn núi bao quanh chầu về gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Chỉ một tiếng chuông chùa ngân lên tức thì có năm tiếng chuông từ vách núi Ngũ Nhạc Sơn vọng lại.
Du khách nào may mắn đến vãn cảnh Bích Động hái được vài đóa Sơn Kim Cúc bé xíu như chiếc cúc vàng, đem về nhà ướp vào trà, pha nước suối Tiên, chỉ một chén nhỏ mắt sẽ sáng lên. Món quà Trời cho ấy đâu dễ có?
Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Thực hành đọc hiểu: Phân tích bài "Khóc Dương Khuê"
Viết quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động
Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự
Tự đánh giá: Hình ảnh con thuyền, người dân chài trong bài thơ "Quê hương"