Giải SGK Khoa học tự nhiên 9 Bài 44 (Kết nối tri thức): Nhiễm sắc thể giới tính và cơ chế xác định giới tính

480

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 9 Bài 44: Nhiễm sắc thể giới tính và cơ chế xác định giới tính chi tiết sách Kết nối tri thức giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KHTN 9. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KHTN 9 Bài 44: Nhiễm sắc thể giới tính và cơ chế xác định giới tính

Mở đầu trang 191 Bài 44 KHTN 9: Một cặp vợ chồng có thể sinh con trai hoặc con gái. Theo em, giới tính của con do bố hay mẹ truyền cho? Giải thích.

Trả lời:

Cơ chế xác định giới tính ở người là sự phân li của cặp NST giới tính trong quá trình phát sinh giao tử (giảm phân) và sự tổ hợp lại cặp NST giới tính trong thụ tinh:

- Trong giảm phân: Nam giới (giới dị giao tử) sinh ra hai loại giao tử (tinh trùng) là tinh trùng mang NST X và tinh trùng mang NST Y. Nữ giới (giới đồng giao tử) chỉ sinh ra một loại giao tử cái (trứng) mang NST X.

- Trong thụ tinh: Hai loại tinh trùng kết hợp ngẫu nhiên với một loại trứng. Nếu tinh trùng mang NST X kết hợp với trứng mang NST X tạo hợp tử XX, phát triển thành con gái. Nếu tinh trùng mang NST Y kết hợp với trứng mang NST Y tạo ra hợp tử XY, phát triển thành cơ thể con trai.

I. Nhiễm sắc thể thường và nhiễm sắc thể giới tính

Hoạt động trang 191 KHTN 9: Đọc thông tin trên kết hợp quan sát Hình 44.1, thực hiện các yêu cầu sau:

Đọc thông tin trên kết hợp quan sát Hình 44.1, thực hiện các yêu cầu sau

1. Nhận xét về số lượng, hình dạng của NST thường, NST giới tính.

2. Nêu khái niệm NST thường, NST giới tính.

Trả lời:

1. Nhận xét về số lượng, hình dạng của NST thường, NST giới tính:

- Về số lượng: NST thường có nhiều cặp (ví dụ ở người có 22 cặp NST thường), NST giới tính có một cặp.

- Về hình dạng: NST thường tồn tại thành từng cặp tương đồng, giống nhau ở hai giới; NST giới tính tồn tại thành cặp tương đồng (giới đồng giao) hoặc không tồn tại thành cặp tương đồng (giới dị giao), khác nhau ở hai giới.

2. Khái niệm NST thường, NST giới tính:

- NST thường gồm nhiều cặp tương đồng giống nhau giữa giới đực và cái, chứa gene quy định tính trạng thường.

- NST giới tính thường có một cặp tương đồng hoặc không tương đồng, khác nhau giữa giới đực và cái, chứa các gene quy định giới tính và các gene khác.

II. Cơ chế xác định giới tính

Hoạt động trang 192 KHTN 9: Quan sát Hình 44.2 và đọc thông tin trên, thực hiện các yêu cầu sau:

Quan sát Hình 44.2 và đọc thông tin trên, thực hiện các yêu cầu sau

1. Trình bày cơ chế xác định giới tính ở người.

2. Giải thích vì sao trong thực tế, tỉ lệ bé trai và bé gái sơ sinh xấp xỉ 1 : 1.

Trả lời:

1. Cơ chế xác định giới tính ở người:

- Ở nam giới, khi giảm phân có sự phân li của cặp NST giới tính XY, tạo ra hai loại tinh trùng X và Y với tỉ lệ bằng nhau; còn ở nữ giới, phân li cặp NST giới tính XX tạo ra một loại trứng X.

- Sự tổ hợp của các NST giới tính khi thụ tinh hình thành hai loại hợp tử, hợp tử mang cặp NST giới tính XX phát triển thành con gái, hợp tử mang cặp NST giới tính XY phát triển thành con trai.

→ Như vậy, cơ chế xác định giới tính là sự phân li của cặp NST giới tính trong giảm phân và tố hợp lại trong thụ tinh.

2. Dựa trên cơ chế xác định giới tính ở người, do sự phân li và tổ hợp của cặp NST giới tính thì tỉ lệ phân li giới tính là 1 : 1. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ bé trai và gái không phải là 1 : 1 mà chỉ xấp xỉ 1: 1 do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường trong (các hormone sinh dục), các yếu tố môi trường ngoài đến sự gặp gỡ của tinh trùng và trứng khi thụ tinh, đến sự tồn tại và phát triển của hợp tử và của cơ thể.

III. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân hóa giới tính

Câu hỏi trang 193 KHTN 9: Nêu những yếu tố ảnh hưởng đến sự phân hóa giới tính và lấy thêm ví dụ

Trả lời:

Sự phân hóa giới tính ở đa số các loài do cặp NST giới tính quy định. Bên cạnh đó giới tính cũng bị ảnh hưởng bới các nhân tố bên trong cơ thể và bên ngoài cơ thể:

- Yếu tố bên trong: Hormone sinh dục có thể tác động vào những giai đoạn sớm trong sự phát triển. Ví dụ: Dùng hormone sinh dục đực methyltestosterone tác động vào cá vàng cái có thể làm cá cái chuyển thành cá đực trong khi cặp NST giới tính không thay đổi.

- Yếu tố bên ngoài: Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans), nhiệt độ ấp trứng trong khoảng 25 - 26 °C nở ra toàn rùa đực, trong khoảng 28 - 29 °C nở ra số lượng con đực và con cái tương đương nhau, trên 30 °C nở ra toàn rùa cái; hoa lan (Catasetum viridiflavum) sinh trưởng và phát triển trong điều kiện có ánh sáng mạnh cho hoa cái, ngược lại trong điều kiện có ánh sáng yếu cho hoa đực;…

Xem thêm các bài giải bài tập Khoa học tự nhiên 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 43. Nguyên phân và giảm phân

Bài 44. Nhiễm sắc thể giới tính và cơ chế xác định giới tính

Bài 45. Di truyền liên kết

Bài 46. Đột biến nhiễm sắc thể

Bài 47. Di truyền học với con người

Bài 48. Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống

Đánh giá

0

0 đánh giá