Giải SGK Kinh tế Pháp luật 12 Bài 6 (Kết nối tri thức): Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

82

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 12 Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KTPL 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KTPL 12 Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Mở đầu trang 46 KTPL 12: Em hãy nêu hoạt động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và cho biết việc làm đó đã mang lại lợi ích gì cho cộng đồng, xã hội.

Lời giải:

- Một số việc làm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội:

+ Bảo vệ môi trường.

+ Đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người lao động.

+ Cung ứng những sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn cho khách hàng.

+ Thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế,…

- Lợi ích: đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội và sự phát triển bền vững của quốc gia

1. Khái niệm, hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Câu hỏi 1 trang 48 KTPL 12: Từ thông tin, em hiểu thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp? Hãy nêu nội dung các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Lấy ví dụ thực tế để minh hoạ cho mỗi hình thức.

Từ thông tin, em hiểu thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Lời giải:

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là toàn bộ trách nhiệm bắt buộc và tự nguyện mà doanh nghiệp thực hiện đối với xã hội bằng những chính sách và việc làm cụ thể, mang lại những ảnh hưởng tích cực đến xã hội, cộng đồng, đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội và sự phát triển bền vững quốc gia.

- Trách nhiệm xã hội được thực hiện qua một số hình thức cơ bản sau:

+ Trách nhiệm kinh tế: tiết kiệm chi phí, đạt doanh thu, lợi nhuận cao, đảm bảo việc làm cho người lao động, cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn cho khách hàng,...

+ Trách nhiệm pháp lí: tuân thủ pháp luật kinh doanh; thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế;...

+ Trách nhiệm đạo đức: thực hiện tốt đạo đức kinh doanh; làm điều đúng, chính đáng, công bằng; tránh gây hại cho con người, xã hội và môi trường,...

+ Trách nhiệm nhân văn: tham gia các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, nhân đạo, đóng góp các nguồn lực cho cộng đồng,...

Câu hỏi 2 trang 48 KTPL 12: Em hãy cho biết doanh nghiệp V đã thực hiện các hình thức trách nhiệm xã hội nào của doanh nghiệp. Theo em, Ban lãnh đạo doanh nghiệp V đã thể hiện trách nhiệm công dân khi tham gia điều hành doanh nghiệp như thế nào?

Em hãy cho biết doanh nghiệp V đã thực hiện các hình thức trách nhiệm xã hội nào của doanh nghiệp

Lời giải:

- Công ty V đã thực hiện hình thức trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lí, trách nhiệm nhân văn đối với cộng đồng, xã hội.

- Trách nhiệm công dân của người điều hành doanh nghiệp:

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, an toàn trong doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp;

+ Duy trì chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi, niềm tin của người tiêu dùng; kết hợp hài hoà lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng;

+ Cùng tập thể lãnh đạo xây dựng chính sách, kế hoạch và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng phù hợp với lĩnh vực hoạt động, điều kiện và khả năng thực hiện của doanh nghiệp.

Câu hỏi 3 trang 48 KTPL 12: Theo em, doanh nghiệp T đã thực hiện đúng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa? Vì sao?

Theo em, doanh nghiệp T đã thực hiện đúng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa? Vì sao

Lời giải:

Công ty T chưa thực hiện đúng trách nhiệm xã hội vì công ty không mua bảo hiểm xã hội cho người lao động hợp đồng từ 1 tháng trở lên của pháp luật. Công ty còn chậm trả lương cho người lao động là trách nhiệm lao động (vi phạm cả trách nhiệm pháp lí lẫn trách nhiệm đạo đức).

2. Ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Câu hỏi trang 49 KTPL 12: Từ các thông tin trên, em hãy cho biết việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mang lại những ý nghĩa gì đối với xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp.

Lời giải:

- Việc tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mang lại nhiều ý nghĩa đối với xã hội và doanh nghiệp.

+ Đối với xã hội: Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, thách thức của cộng đồng và xã hội; góp phần bảo vệ môi trường.

+ Đối với doanh nghiệp: Thực hiện trách nhiệm xã hội mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với công chúng, người lao động, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp,... nhờ đó doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 50 KTPL 12Ý kiến nào dưới đây là đúng khi nói về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp? Vì sao?

a. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động là trách nhiệm bắt buộc của doanh nghiệp đối với xã hội.

b. Đảm bảo kinh doanh đạt hiệu quả không phải là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

c. Đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng không phải là trách nhiệm bắt buộc của doanh nghiệp đối với xã hội.

d. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất thân thiện với môi trường là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Lời giải:

- Ý kiến a. Đúng. Vì: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động là quy định của pháp luật đòi hỏi các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ.

- Ý kiến b. Sai. Vì: Đảm bảo kinh doanh đạt hiệu quả là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì phải kinh doanh đạt hiệu quả mới đảm bảo sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, việc làm, thu nhập cho người lao động, có điều kiện để thực hiện những hoạt động vì cộng đồng.

- Ý kiến c. Sai. Vì: Pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng yêu cầu doanh nghiệp có nghĩa vụ và trách nhiệm phải cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị pháp luật xử lí, người tiêu dùng tố cáo, lên án.

- Ý kiến d. Đúng. Vì: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất thân thiện với môi trường góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ cho người tiêu dùng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Luyện tập 2 trang 50 KTPL 12: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

Trường hợp a. Là một doanh nghiệp nhỏ ngành dệt may ở một xã thuần nông, doanh nghiệp V đã cung ứng cho thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường. Công ty đã thu hút được những lao động là thanh niên trong xã, đào tạo họ trở thành những người thợ lành nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Hằng năm, doanh nghiệp còn hỗ trợ kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã được đi học đại học, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng trong xã. Nhờ vậy, uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng, người lao động và xã hội ngày càng tăng, công việc kinh doanh ngày càng phát triển.

Trường hợp b. Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, Công ty A đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát chất lượng đầu vào, luôn chọn những nhà cung cấp tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về hồ sơ pháp lí; ưu tiên chọn nhà cung cấp có chứng nhận VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn, chứng nhận hữu cơ, hàng Việt Nam chất lượng cao,... Ngoài ra, công ty còn định kì khảo sát, đánh giá trực tiếp điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà xưởng cũng như rà soát quá trình tiếp nhận, phân loại, sơ chế, sản xuất, đóng gói của nhà cung cấp. Vì vậy, sản phẩm của công ty ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng, ưa chuộng, doanh thu ngày càng tăng.

- Em hãy cho biết các doanh nghiệp trong những trường hợp trên đã thực hiện những hình thức trách nhiệm xã hội nào.

- Theo em, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trên mang lại lợi ích gì cho xã hội và doanh nghiệp?

Lời giải:

- Trường hợp a. Doanh nghiệp V đã thực hiện những hình thức trách nhiệm xã hội: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm nhân văn. Những việc làm của doanh nghiệp V mang lại lợi ích cho người lao động, cho cộng đồng, xã hội. Với doanh nghiệp: mang lại uy tín của doanh nghiệp với khách hàng, người lao động và xã hội, từ đó kinh doanh thuận lợi hơn.

- Trường hợp b. Doanh nghiệp A thực hiện hình thức trách nhiệm kinh tế, pháp lí, đạo đức; đảm bảo cung cấp hàng hóa chất lượng cho người tiêu dùng, quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, mang lại uy tín với khách hàng, xã hội, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Luyện tập 3 trang 51 KTPL 12: Phát biểu nào dưới đây phản ánh đúng ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp? Giải thích vì sao.

a. Thực hiện trách nhiệm xã hội làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

b. Thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ xây dựng được hình ảnh tốt, tăng uy tín với khách hàng giúp doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh cao hơn.

c. Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội góp phần cùng Nhà nước giải quyết những thách thức của phát triển bền vững.

Lời giải:

- Ý kiến a. Sai. Vì: Thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp có thể phải tăng một số chi phí nhưng bù lại doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn, uy tín cao hơn, lợi nhuận thu về sẽ nhiều hơn và năng lực cạnh tranh cũng cao hơn.

- Ý kiến b. Đúng. Vì: Thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp tạo hình ảnh tốt, tăng uy tín với khách hàng, đạt kết quả kinh doanh tốt hơn.

- Ý kiến c. Đúng. Vì: Những thách thức của phát triển bền vững chính là những vấn đề về môi trường, vấn đề xã hội như bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo, tăng trưởng kinh tế không bền vững. Với các hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp góp phần giải quyết, giảm bớt các thách thức này.

Luyện tập 4 trang 51 KTPL 12: Em hãy bày tỏ ý kiến của mình đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các trường hợp dưới đây:

a. Công ty Q chuyên chế biến thuỷ, hải sản, sử dụng nhiều lao động thời vụ. Một số lao động đã kí hợp đồng làm việc có thời hạn trên 3 tháng với công ty nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội. Công ty cũng thường trả chậm lương cho nhân viên.

b. Công ty xây dựng B đã thu của nhiều khách hàng hàng trăm tỉ đồng tiền bán nhà nhưng không giao nhà theo tiến độ cam kết. Đã quá hạn giao nhà theo hợp đồng hơn 7 năm nhưng các khách hàng vẫn chưa được nhận nhà.

Lời giải:

- Nhận xét: Những việc làm của ban lãnh đạo các công ty Q, công ty B trong cả hai trường hợp đều không thực hiện đúng trách nhiệm công dân đối với xã hội, cần bị lên án và ngăn chặn, xử lí kịp thời.

Vận dụng

Vận dụng trang 51 KTPL 12: Em hãy tìm hiểu hoạt động thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường /trách nhiệm nhân văn của doanh nghiệp ở địa phương và cho biết em sẽ làm gì để góp phần lan toả hoạt động đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Hoạt động thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp tại Việt Nam:

- Việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không chỉ còn là nghĩa vụ “phải làm” đối với các doanh nghiệp, mà từng bước đã trở thành “động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững” cho doanh nghiệp. Điển hình đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn có ý tưởng kinh doanh chuyển hướng đầu tư nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, như: TH Truemilk, Vinamilk, VinGroup, Công ty Organic Đà Lạt,…

- Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, hay tham gia vào hỗ trợ các chương trình có mục đích bảo vệ môi trường.

- Hàng loạt các mô hình phong trào bảo vệ môi trường hiệu quả được ghi nhận. Có thể kể đến:

+ Các mô hình thu gom rác thải, mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới như: Mô hình “dòng sông không rác” ở Nam Định; Mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” ở Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long,...); mô hình “tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững” ở Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định,… mô hình tuyến đường hoa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai.

+ Mô hình đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại các khu bảo tồn biển hay bãi biển; mô hình kết hợp xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại như Công ty ETC ở Nam Định, Công ty TNHH TM&MT Hậu Sanh tại Bình Định, Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Môi trường Xanh tại Hải Dương, Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Anh Đăng tại Thái Nguyên,…

+ Mô hình xử lý chất thải làng nghề tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre); làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc (Đồng Tháp); làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, Châu Thành (Đồng Tháp);...

(*) Liên hệ bản thân: Để góp phần lan toả hoạt động đó, em có thể:

+ Viết bài tuyên truyền, giới thiệu về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.

Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 4: An sinh xã hội

Bài 5: Lập kế hoạch kinh doanh

Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Bài 7: Quản lí thu, chi trong gia đình

Bài 8: Quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế

Bài 9: Quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản và tôn trọng tài sản của người khác

Đánh giá

0

0 đánh giá