Giải SGK Kinh tế Pháp luật 12 Bài 1 (Kết nối tri thức): Tăng trưởng và phát triển kinh tế

201

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 12 Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KTPL 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KTPL 12 Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế

Mở đầu

Mở đầu trang 6 KTPL 12: Em hãy quan sát biểu đồ thể hiện tỉ lệ hộ nghèo ở nước ta giai đoạn 2016 - 2020 và cho biết tỉ lệ này thay đổi thế nào. Nêu ý nghĩa của sự thay đổi đó.

Em hãy quan sát biểu đồ thể hiện tỉ lệ hộ nghèo ở nước ta giai đoạn 2016 - 2020

Lời giải:

- Từ năm 2016 - 2020, tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh, từ mức 9,2% (năm 2016), xuống còn 4,8% (năm 2020).

- Tỉ lệ giảm nghèo có xu hướng giảm, phần nào đã cho thấy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.

1. Tăng trưởng kinh tế

Câu hỏi trang 7 KTPL 12: Em có nhận xét gì về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nước ta qua thông tin trên?

Em có nhận xét gì về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nước ta qua thông tin trên

Lời giải:

- Từ 2020 - 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng tăng. Tính chung trong cả giai đoạn, GPD của Việt Nam đã tăng: 5.15% (từ mức 2,87% - năm 2020 lên mức 8,02 - năm 2022). Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đều qua các năm. Cụ thể:

+ Năm 2020 - 2021: tốc độ tăng trưởng GDP giảm 0.31%.

+ Năm 2021 - 2022: tốc độ tăng trưởng GDP tăng 5,46%

Câu hỏi trang 8 KTPL 12: Từ bảng số liệu trên, em hãy nhận xét sự khác nhau trong việc phản ánh kết quả tăng trưởng giữa chỉ tiêu GDP và chỉ tiêu GDP/người

Từ bảng số liệu trên, em hãy nhận xét sự khác nhau trong việc phản ánh kết quả tăng trưởng

Lời giải:

- Sự khách nhau trong việc phản ánh kết quả tăng trưởng giữa chỉ tiêu GDP và chỉ tiêu GDP/người

+ GDP là thước đo sản lượng quốc gia, đánh giá mức độ hoạt động của nền kinh tế, phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

+ GDP bình quân đầu người liên quan đến tổng giá trị sản phẩm hằng năm trên tổng số dân cư, được tính bằng cách chia tổng sản phẩm quốc nội GDP trong năm cho dân số trung bình của năm tương ứng. GDP/người được sử dụng phổ biến như một thước đo mức sống người dân của một quốc gia vì nó chỉ ra khối lượng sản phẩm hằng năm mà bình quân một người dân có thể có.

- Phân tích từ bảng số liệu:

+ Trung Quốc có quy mô GDP lớn hơn so với Singapore (năm 2022, quy mô GDP của Trung Quốc gấp khoảng 3847 lần quy mô GDP Singapore).

+ Tuy nhiên, do có quy mô dân số rất lớn, nên GDP/ người của Trung Quốc lại thấp hơn Singapore (năm 2022, GDP/người của Singapore gấp khoảng 6,5 lần so với Trung Quốc).

Câu hỏi 1 trang 9 KTPL 12: Em hãy so sánh GDP và GNI của Việt Nam trong từng năm 2021, 2022 và nêu ý nghĩa của từng chỉ tiêu tăng trưởng này.

Em hãy so sánh GDP và GNI của Việt Nam trong từng năm 2021, 2022 và nêu ý nghĩa

Lời giải:

- So sánh:

+ Về chỉ số GDP, năm 2021 - 2022, quy mô GDP của Việt Nam có sự tăng trưởng. Năm 2022, GDP tăng lên 42.66 tỉ USD so với năm 2021.

+ Về chỉ số GNI, năm 2022, GNI của Việt Nam tăng thêm 41.5 tỉ USD so với năm 2021.

- Ý nghĩa: sự tăng lên của các chỉ số GDP và GNI đã phần nào phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập, mức sống của người dân có sự cải thiện.

Câu hỏi 2 trang 9 KTPL 12: Em có nhận xét gì về sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 so với năm 2021?

Em có nhận xét gì về sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 so với năm 2021

Lời giải:

Nhận xét: so với năm 2021, kinh tế của Việt Nam năm 2022 đã có sự tăng trưởng cả về quy mô và tổng thu nhập quốc dân.

Câu hỏi trang 9 KTPL 12: Từ bảng số liệu trên, em hãy nhận xét sự khác nhau trong việc phản ánh kết quả tăng trưởng giữa chỉ tiêu GNI và chỉ tiêu GNI/người.

Từ bảng số liệu trên, em hãy nhận xét sự khác nhau trong việc phản ánh kết quả tăng trưởng

Lời giải:

- Sự khác nhau trong việc phản ánh kết quả tăng trưởng giữa chỉ tiêu GNI và chỉ tiêu GNI/người:

+ GNI là thước đo về thu nhập của nền kinh tế trong một thời kì nhất định, được tính bằng tổng thu nhập từ hàng hóa, dịch vụ cuối cùng do công nhân của quốc gia đó tạo ra (bao gồm cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia) trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

+ GNI/người là thước đo trung bình mức thu nhập một người dân trong quốc gia thu được trong năm, được tính bằng cách chia tổng thu nhập quốc dân trong năm cho dân số trung bình của năm tương ứng.

- Phân tích từ bảng số liệu:

+ Năm 2022, GNI của Trung Quốc gấp khoảng 4569 lần so với Việt Nam và gấp khoảng 4737 lần so với Singapore.

+ Tuy nhiên, cũng trong năm 2022, chỉ số GNI/ người của Trung Quốc chỉ gấp 3,2 lần so với Việt Nam và thấp hơn rất nhiều so với Singapore. Ở Singapore, năm 2022, chỉ chố GNI/ người gấp 5,2 lần so với Trung Quốc.

Câu hỏi 1 trang 10 KTPL 12: Em hãy chỉ ra vai trò của tăng trưởng kinh tế được đề cập trong thông tin trên.

Em hãy chỉ ra vai trò của tăng trưởng kinh tế được đề cập trong thông tin trên

Lời giải:

Vai trò của tăng trưởng kinh tế được đề cập đến trong đoạn thông tin trên là:

- Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần thiết để khắc phục tình trạng đói nghèo lạc hậu, tạo điều kiện để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục, thể thao... góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân;

Câu hỏi 2 trang 10 KTPL 12: Hãy lấy ví dụ cụ thể ở địa phương em để minh chứng cho vai trò của tăng trưởng kinh tế.

Lời giải:

Ví dụ cụ thể tại Hà Nội

- Theo số, liệu của Tổng cục Thống kê:

+ Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hà Nội tăng 6.27% so với năm 2022;

+ Tính đến quý III/2023, thu nhập bình quân lao động của Hà Nội đạt 9.9 triệu đồng (đạt mức cao nhất trong cả nước).

2. Phát triển kinh tế

Câu hỏi 1 trang 12 KTPL 12: Em hiểu thế nào là phát triển kinh tế? Phát triển kinh tế được xác định qua các chỉ tiêu cơ bản nào?

Lời giải:

- Phát triển kinh tế là sự lớn lên về quy mô cùng với những thay đổi về cấu trúc nền kinh tế, mang lại những chuyển biến tích cực về xã hội.

- Chỉ tiêu phát triển kinh tế bao gồm:

+ Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

+ Chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế

+ Chỉ tiêu về tiến bộ xã hội.

Câu hỏi 2 trang 12 KTPL 12: Các thông tin, biểu đồ trên phản ánh các chỉ tiêu nào của phát triển kinh tế? Em có nhận xét gì về kết quả thực hiện các chỉ tiêu đó ở nước ta?

Các thông tin, biểu đồ trên phản ánh các chỉ tiêu nào của phát triển kinh tế

Lời giải:

- Thông tin 1 và biểu đồ 1, phản ánh về chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Thông tin 2 và biểu đồ 3, phản ánh về chỉ tiêu tiến bộ xã hội

- Nhận xét:

+ Về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế: trong giai đoạn từ 2018 - 2022, cơ cấu kinh tế của nước ta đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, với việc: giảm tỉ trọng ngành nghiệp; tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.

+ Về tiến bộ xã hội: trong giai đoạn 2018 - 2022, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn. Ví dụ như: chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2022 đạt mức 0.737 (tăng 0.044 so với năm 2018); hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập năm 2022 đạt mức 0.375 (giảm 0.05 so với băm 2018)

Câu hỏi 3 trang 12 KTPL 12: Hãy phân biệt tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế.

Lời giải:

Phân biệt tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế:

+ Tăng trưởng kinh tế đơn thuần chỉ là sự thay đổi về lượng, chưa phản ánh sự biến đổi về chất của một nền kinh tế.

+ Phát triển kinh tế có phạm vi rộng hơn, toàn diện hơn, bao hàm cả tăng trưởng kinh tế lẫn chuyển dịch cơ cấu và tiến bộ xã hội

Câu hỏi 1 trang 14 KTPL 12: Em hãy chỉ ra vai trò của phát triển kinh tế được đề cập trong những thông tin trên.

Thông tin

Giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm ( 2011 2020), cùng với những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều bước tiến trong việc nâng cao chất lượng phát triển.

Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao hơn. Tỉ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 48,6% năm 2010 xuống còn 34% năm 2020. Tỉ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 21,7% lên 30,3%; ngành dịch vụ từ 29,7% lên khoảng 35,7% trong cùng giai đoạn;...

Kết quả này làm cho chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đồng thời, tạo tiền đề vật chất cho việc thực hiện tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thể hiện qua một số kết quả sau:

Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. Thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp, năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và y đức được nâng lên; y tế cơ sở được chú trọng. Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020.

(Theo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020 của Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII)

Lời giải:

Đoạn thông tin trên đề cập đến nhiều vai trò của phát triển kinh tế. Cụ thể là:

+ Phát triển kinh tế với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực góp phần nâng cao trình độ phát triển, tạo đà phát triển nhanh, vững chắc cho nền kinh tế.

+ Với những tác động từ kết quả tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, phát triển kinh tế đảm bảo những tiền đề vật chất cần thiết cho việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia.

+ Với việc thực hiện tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế không chỉ tạo điều kiện vật chất mà còn tạo điều kiện đảm bảo thực hiện tiến bộ xã hội như xây dụng thể chế kinh tế tiến bộ, nâng cao năng lực tổ chức quản lí của Nhà nước, thực hiện phân phối công bằng, hợp lí,…

Câu hỏi 2 trang 14 KTPL 12: Hãy lấy ví dụ cụ thể ở địa phương em để minh chứng cho vai trò của tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Lời giải:

Ví dụ cụ thể tại Hà Nội

- Theo số,liệu của Tổng cục Thống kê:

+ Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hà Nội tăng 6.27% so với năm 2022;

+ Tính đến quý III/2023, thu nhập bình quân lao động của Hà Nội đạt 9.9 triệu đồng (đạt mức cao nhất trong cả nước).

3. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

Câu hỏi 1 trang 15 KTPL 12: Từ thông tin 1, em hiểu thế nào là phát triển bền vững?

Từ thông tin 1, em hiểu thế nào là phát triển bền vững

Lời giải:

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp hợp lí, hài hoà giữa ba mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Câu hỏi 2 trang 15 KTPL 12: Từ thông tin 2, em hãy chỉ ra những tác động tích cực, tiêu cực của tăng trưởng kinh tế tới phát triển bền vững và ngược lại.

Từ thông tin 2, em hãy chỉ ra những tác động tích cực, tiêu cực của tăng trưởng kinh tế tới phát triển bền vững

Lời giải:

- Tác động từ tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững:

+ Tác động tích cực: Tăng trưởng kinh tế ổn định là tiêu chí hàng đầu của phát triển bền vững bởi đó là sự đảm bảo điều kiện vật chất cho sự phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

+ Tác động tiêu cực: Nếu tăng trưởng không gắn với mục tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường… sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn, tạo ra sự bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, làm cản trở đến phát triển kinh tế, không thực hiện được phát triển bền vững.

- Tác động từ phát triển bền vững đến tăng trưởng kinh tế:

+ Tác động tích cực: Phát triển bền vững với việc nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, duy trì trong thời gian dài, gắn với đó là quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và bảo đảm tiến bộ xã hội… thể hiện tính bền vững của xã hội phát triển và có tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

+ Tác động tiêu cực: Nếu xã hội chứa đựng nhiều mâu thuẫn, tiến bộ và công bằng xã hội không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 16 KTPL 12: Em hãy cho biết chỉ tiêu nào dưới đây được chọn để đánh giá tăng trưởng kinh tế. Vì sao?

a. Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong một thời kì nhất định.

b. Tỉ lệ lạm phát của nền kinh tế quốc gia trong một thời kì nhất định.

c. Mức tăng tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trong một thời kì nhất định.

d. Mức tăng dân số của một quốc gia trong một thời kì nhất định.

e. Mức tăng chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.

Lời giải:

- Những chỉ tiêu được lựa chọn để đánh giá tăng trưởng kinh tế là:

+ Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong một thời kì nhất định (GDP) => Lý do: GDP là thước đo sản lượng quốc gia, đánh giá mức độ hoạt động của nền kinh tế, phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

+ Mức tăng tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trong một thời kì nhất định (GNI/ người) => Lý do: GNI/người là thước đo trung bình mức thu nhập một người dân trong quốc gia thu được trong năm, được tính bằng cách chia tổng thu nhập quốc dân trong năm cho dân số trung bình của năm tương ứng.

Luyện tập 2 trang 16 KTPL 12: Phát biểu nào dưới đây phản ánh đúng cách hiểu về phát triển kinh tế? Giải thích vì sao.

a. Phát triển kinh tế là quá trình tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội.

b. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là xây dựng được cơ cấu kinh tế hiện đại.

c. Muốn phát triển kinh tế cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.

Lời giải:

- Ý kiến a. Đúng, vì: Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo tiến bộ xã hội.

- Ý kiến b. Không đúng: Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia là sự tiến bộ xã hội cho con người, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được về mặt kinh tế.

- Ý kiến c. Không đúng: Muoond phát triển kinh tế cần chú trọng thực hiện phát triển bền vững (có sự kết hợp hài hòa giữa 3 mặt: phát triển kinh tế; phát triển xã hội và bảo vệ môi trường).

Luyện tập 3 trang 16 KTPL 12: Em hãy thuyết trình về vai trò của tăng trưởng, phát triển kinh tế đối với các vấn đề dưới đây:

a. Tăng trưởng, phát triển kinh tế tạo điều kiện để phát triển văn hoá, giáo dục.

b. Phát triển kinh tế góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế.

c. Phát triển kinh tế góp phần giảm bớt chênh lệch trình độ phát triển giữa các vùng

Lời giải:

(*) Tham khảo: Thuyết trình về vấn đề: Tăng trưởng, phát triển kinh tế tạo điều kiện để phát triển văn hoá, giáo dục.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển bền vững đất nước phụ thuộc vào việc giải quyết hài hòa và hợp lý các mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã nêu là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó có mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhận thức toàn diện và sâu sắc về mối quan hệ này trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn.

Nhìn một cách tổng quát, phát triển kinh tế chính là tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển văn hóa và con người, tạo điều kiện để con người có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất, truyền bá và thụ hưởng các giá trị văn hóa ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế bền vững với bảo đảm các vấn đề xã hội và môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người là mục tiêu hàng đầu. Nền kinh tế được xác định là nền kinh tế thị trường nhân văn, kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự điều tiết và quản lý thống nhất của Nhà nước, để vừa bảo đảm tự do cho kinh tế thị trường phát triển, vừa bảo đảm định hướng chính trị ưu việt của chế độ XHCN.

Mặt khác, văn hóa phát triển sẽ góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, tạo lập môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học công nghệ, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế và văn hóa là nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại hạnh phúc thực sự cho con người. Đây chính là điểm tương đồng, nơi hội tụ định hướngphát triển của kinh tế và văn hóa.

Sự khác biệt giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa ở đây chính là sự khác biệt về vai trò, chức năng xã hộitrong việc tham gia vào quá trình phát triển con người để tạo nên sự phát triển tổng thể cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người (bao gồm cá nhân và cộng đồng, dân tộc và nhân loại, các giai cấp và các tầng lớp xã hội khác nhau).

Luyện tập 4 trang 17 KTPL 12: Ý kiến nào dưới đây phản ánh đúng cách hiểu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững? Giải thích vì sao.

a. Muốn phát triển bền vững phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

b. Phát triển bền vững là sự bảo đảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

c. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là điều kiện đủ để phát triển bền vững.

Lời giải:

- Nhận định đúng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững là: Phát triển bền vững là sự bảo đảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Giải thích: Phát triển bền vững với những yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng cùng với thực hiện các chính sách phát triển xã hội tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Luyện tập 5 trang 17 KTPL 12: Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Thông tin. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII xác định mục tiêu hành động: "Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc, có lí tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khoẻ, văn hoá, kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ năng sống; có nghề nghiệp, ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

- Từ thông tin trên, em hãy cho biết nhiệm vụ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với phát triển kinh tế đất nước.

Lời giải:

Nhiệm vụ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với phát triển kinh tế đất nước

+ Tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ kiến thức và kĩ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

+ Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc thi khoa học - kĩ thuật dành cho học sinh, sinh viên.

+ Suy nghĩ, đề xuất, phát triển và hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp.

+ Tham gia các hoạt động cộng đồng, như: bảo vệ môi trường, thiện nguyện,…

Luyện tập 5 trang 17 KTPL 12: Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Thông tin. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII xác định mục tiêu hành động: "Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc, có lí tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khoẻ, văn hoá, kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ năng sống; có nghề nghiệp, ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

- Hãy nêu một tấm gương thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế và rút ra bài học đối với bản thân.

Lời giải:

- Tấm gương về thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế: anh Phạm Ngọc Ánh (xóm An Lão, thôn Bắc Thái, xã Thái thủy, tỉnh Thái Bình) đã phát triển mô hình “Trồng cây ăn quả kết hợp với hồ câu dịch vụ giải trí và nhà hàng”, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

- Bài học: luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội…

Vận dụng

Vận dụng trang 17 KTPL 12: Em hãy viết bài luận về những việc mình có thể thực hiện để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong nền kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo

Theo thống kê năm 2020, thanh niên Việt Nam từ 16 - 30 tuổi có khoảng 22,609 triệu người, chiếm khoảng 23,2% dân số cả nước (14). Vai trò của lực lượng này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, cụ thể nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát huy thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”.

Việc được Đảng và nhà nước tạo mọi điều kiện ổn định để phát triển, học tập và rèn luyện là cơ hội tốt để thanh niên Việt Nam chuẩn bị và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng tốt cơ hội từ nền kinh tế số dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như đã phân tích ở trên, thanh niên Việt Nam cũng như thanh niên trên thế giới đang đứng trước một sự chuyển đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và điều kiện kinh tế xã hội. Để có thể thành công tận dụng các cơ hội của kinh tế số cũng như khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội XIII của Đảng cũng như mục tiêu đề ra trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, thanh niên Việt Nam cần nhận thức một cách đầy đủ về cơ hội thách thức, điểm mạnh điểm yếu của nền kinh tế số cũng như đặc điểm của Việt Nam và bản thân, từ đó có các kế hoạch và hành động phù hợp. Bài viết này đưa ra một số suy nghĩ cá nhân mang tính khuyến nghị giải pháp như sau:

Một là, thanh niên Việt Nam cần được định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp, học tập phù hợp với năng lực và sở trường để tránh tình trạng làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo, gây lãng phí về thời gian và nguồn lực của xã hội. Thanh niên có đam mê và yêu thích các lĩnh vực công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhà nước ưu tiên phát triển như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tế ảo/thực tế tăng cường, chuỗi khối, in ba chiều hay các lĩnh vực về khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học, kinh doanh, doanh nghiệp (STEAM) cần nghiêm túc tìm hiểu, xác định ngành nghề và kiên trì theo đuổi để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Ngoài ra cần mạnh dạn kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư để giải phóng năng lực tuổi trẻ, cống hiến, vì sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc nhờ vào phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.

Hai là, thanh niên Việt Nam cần liên tục cập nhật, trang bị kiến thức và hiểu biết về cách thức vận hành, luật lệ của nền kinh tế số (ví dụ như các vấn đề liên quan đến mối quan hệ khách hàng-nhà cung cấp với các nền tảng toàn cầu), sở hữu trí tuệ, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, ngoài ra tránh việc vô ý vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức, đặc biệt khi có sự khác biệt về pháp luật giữa quốc gia nơi mà nhà cung cấp dịch vụ ở và quốc gia nơi mà người dùng sử dụng dịch vụ.

Ba là, trong một môi trường đầy biến động và đa chiều của nền kinh tế số, thanh niên Việt Nam cần nâng cao bản lĩnh chính trị, tự trang bị cho mình kiến thức để có “vắc xin” với các luồng thông tin độc hại, chưa rõ tính xác thực, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ mắc phải những sai phạm về đạo đức, tiêu cực và tệ nạn xã hội, hoặc bị lợi dụng, kích động lôi kéo vào các hành vi gây rối, vi phạm pháp luật. Đặc biệt cần cảnh giác trước nhiều luồng thông tin xấu của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề kinh tế xã hội trong nước kích động lôi kéo, lợi dụng tinh thần yêu nước của người dân để tiến hành các hoạt động chống phá, âm mưu thực hiện diễn biến hòa bình và cách mạng màu tại Việt Nam.

Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đóng với vai trò hạt nhân chính trị quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, cổ vũ thanh niên thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm góp phần tạo nên những thành tựu mới to lớn và có ý nghĩa cho nước nhà như lời Bác dạy “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế

Bài 2: Hội nhập kinh tế quốc tế

Bài 3: Bảo hiểm

Bài 4: An sinh xã hội

Bài 5: Lập kế hoạch kinh doanh

Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Đánh giá

0

0 đánh giá