Giải SGK Kinh tế Pháp luật 12 Bài 4 (Kết nối tri thức): An sinh xã hội

1.8 K

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 12 Bài 4: An sinh xã hội sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KTPL 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KTPL 12 Bài 4: An sinh xã hội

Mở đầu trang 33 KTPL 12: Các hình ảnh trên gợi cho em về chính sách an sinh xã hội nào của Nhà nước ta? Em hãy chia sẽ những hiểu biết của mình về chính sách đó.

Các hình ảnh trên gợi cho em về chính sách an sinh xã hội nào của Nhà nước ta

Lời giải:

- Hình ảnh 1 và 2 gợi cho em liên tưởng đến chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước Việt Nam.

- Chia sẻ hiểu biết: Chính sách trợ giúp xã hội nhằm bảo vệ phổ cập đối với mọi thành viên trong xã hội trên cơ sở sự tương trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro. Nó bao gồm: các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, người khuyết tật nặng, trẻ mồ côi...) và trợ cấp xã hội đột xuất cho người dân khi gặp phải những rủi ro, khó khăn bất ngờ như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh.,... giúp họ ổn định cuộc sống.

1. An sinh xã hội và một số chính sách an sinh xã hội cơ bản

Câu hỏi 1 trang 35 KTPL 12: Em hãy đọc các nội dung trên và cho biết an sinh xã hội là gì. Hãy nêu tên, đặc điểm và ý nghĩa của các chính sách an sinh xã hội cơ bản.

Lời giải:

- Khái niệm: An sinh xã hội là hệ thống các chính sách can thiệp của Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm giảm mức độ nghèo đói, nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân và xã hội trước những rủi ro hay nguy cơ giảm hoặc mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội.

- Các chính sách an sinh xã hội cơ bản:

+ Chính sách hỗ trợ việc làm, thu nhập và giảm nghèo: Hỗ trợ người lao động nâng cao cơ hội tìm việc làm, tham gia thị trường lao động để có thu nhập, từng bước bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo, thanh niên, lao động nông thôn và các nhóm lao động dễ bị tổn thương khác cải thiện cuộc sống góp phần chuyển đổi cơ cấu việc làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, xoá đói, giảm nghèo và ổn định xã hội.

+ Chính sách về bảo hiểm: Hỗ trợ người dân phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất sức lao động, hết tuổi lao động. Gồm một số chính sách về: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…

+ Chính sách trợ giúp xã hội: Bảo vệ phổ cập đối với mọi thành viên trong xã hội trên cơ sở sự tương trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro. Nó bao gồm: các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, người khuyết tật nặng, trẻ mồ côi...) và trợ cấp xã hội đột xuất cho người dân khi gặp phải những rủi ro, khó khăn bất ngờ như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh.,... giúp họ ổn định cuộc sống.

+ Chính sách bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản: Hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu như các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch thông tin... đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Câu hỏi 2 trang 35 KTPL 12: Qua những thông tin trên, em hãy giải thích sự cần thiết của các chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

An sinh xã hội ra đời nhằm bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trong xã hội trước những rủi ro trong cuộc sống.

2. Vai trò của an sinh xã

Câu hỏi 1 trang 37 KTPL 12: Qua các thông tin trên, em hãy nhận xét kết quả của việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Qua các thông tin trên, em hãy nhận xét kết quả của việc thực hiện các chính sách an sinh

Lời giải:

- Tới năm 2022, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, ví dụ như:

+ Gia tăng việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

+ Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên.

+ Nhà nước cũng thực hiện hỗ trợ thường xuyên và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và các nguyên nhân khách quan khác.

+ Tỉ lệ biết chữ, tuổi thọ của người dân gia tăng.

- Những thành tựu đạt được của nhà nước Việt Nam đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp năm 2013.

Câu hỏi 2 trang 37 KTPL 12: Theo em, các chính sách an sinh xã hội có vai trò như thế nào đối với người thụ hưởng chính sách và sự phát triển kinh tế - xã hội?

Lời giải:

Vai trò của an sinh xã hội:

- Đối với đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội:

+ Được hỗ trợ giải quyết việc làm;

+ Tăng thu nhập cho người yếu thế;

+ Được cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở, thông tin,...

- Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội:

+ Giúp nâng cao hiệu quả quản lí xã hội;

+ Góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống theo vùng, các nhóm dân cư.

+ Góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 37 KTPL 12: Em hãy cho biết ý kiến của mình về những nhận định sau:

a. An sinh là hệ thống các chính sách, chương trình do Nhà nước thực hiện.

b. An sinh xã hội là sự đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của con người.

c. An sinh xã hội là chính sách dành cho tất cả mọi người trong xã hội

d. Hệ thống chính sách an sinh xã hội gồm chính sách hỗ trợ việc làm, chính sách về bảo hiểm và chính sách trợ giúp xã hội.

Lời giải:

- Ý kiến a. Đồng tình. An sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,...

- Ý kiến b. Đồng tình. An sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản của con người.

- Ý kiến c. Không đồng tình, vì: Ở Việt Nam, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Như vậy, “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” là quyền công dân. Đây không phải là quyền dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành riêng cho công dân Việt Nam; những người không có quốc tịch Việt Nam thì không có quyền này theo Hiến pháp năm 2013.

- Ý kiến D. Không đồng tình. Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam bao gồm các chính sách cơ bản sau: chính sách hỗ trợ việc làm, chính sách về bảo hiểm, chính sách trợ giúp xã hội, chính sách bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.

Luyện tập 2 trang 38 KTPL 12: Em hãy cho biết các thông tin dưới đây đề cập đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội nào. Điều này mang lại lợi ích gì cho những người thụ hưởng và xã hội?

a. Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh C đã tổ chức “Hội chợ việc làm”, các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và mời chuyên gia tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất.

b. Chị H là lao động tự do, có tham gia bảo hiểm y tế. Một lần, chẳng may bị tai nạn giao thông, chị đã được hưởng các chính sách về chăm sóc sức khoẻ, được hỗ trợ thanh toán chi phí khám chữa bệnh và được hỗ trợ một phần thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

c. Ở tỉnh A, các gia đình, người có công với cách mạng nhận được nhiều chế độ ưu đãi: được trợ cấp thường xuyên, ưu tiên về nhà ở, chăm sóc sức khoẻ, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công được hỗ trợ,... Tỉnh còn có các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Chính sách an sinh xã hội: chính sách hỗ trợ việc làm

+ Lợi ích: đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo bền vững, tăng cường cơ hội việc làm cho người lao động yếu thế.

- Trường hợp b.

+ Chính sách an sinh xã hội: chính sách bảo hiểm xã hội

+ Lợi ích: giúp người lao động và gia đình của họ phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, ổn định cuộc sống khi thu nhập bị giảm hoặc bị mất khi gặp phải rủi ro.

- Trường hợp c.

+ Chính sách an sinh xã hội: chính sách hỗ trợ người có công và thân nhân người có công với cách mạng

+ Lợi ích: tri ân những người có công với cách mạng; giúp những người có công với cách mạng và thân nhân của họ giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống.

Luyện tập 3 trang 38 KTPL 1: Em hãy kể tên và làm rõ vai trò của các chính sách an sinh xã hội cơ bản trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân nơi em đang sống.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Chính sách hỗ trợ việc làm => vai trò: đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo bền vững, tăng cường cơ hội việc làm cho người lao động yếu thế.

- Chính sách bảo hiểm xã hội => vai trò: giúp người lao động và gia đình của họ phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, ổn định cuộc sống khi thu nhập bị giảm hoặc bị mất khi gặp phải rủi ro.

- Chính sách hỗ trợ người có công và thân nhân người có công với cách mạng => vai trò: tri ân những người có công với cách mạng; giúp những người có công với cách mạng và thân nhân của họ giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống.

Luyện tập 4 trang 38 KTPL 12: Em hãy nêu trách nhiệm của bản thân trong việc góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Lời giải:

- Để phát huy trách nhiệm công dân về an sinh xã hội, mỗi cá nhân, tổ chức cần:

+ Nhận thức đúng đắn về vai trò của an sinh xã hội;

+ Tích cực tham gia và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện các chính sách về an sinh xã hội để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

+ Phê phán, đấu tranh chống lại các hành vi đi ngược lại chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Vận dụng

Vận dụng trang 38 KTPL 12: Em hãy tìm hiểu một số chính sách an sinh xã hội ở địa phương và viết báo cáo thu hoạch thể hiện ý nghĩa của chính sách đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Hà Nội phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân

Chính sách an sinh xã hội đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống... Trong Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu tổng quát là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội; trong đó, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân; phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.

Tính đến cuối năm 2021, toàn thành phố Hà Nội còn khoảng 0,2% hộ nghèo và 1,56% hộ cận nghèo; có 11/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới); đã giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,2% kế hoạch; hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 5 triệu lượt người; hỗ trợ những người gặp khó khăn bằng tiền mặt; hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch; miễn, giảm học phí,… với tổng ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của thành phố lên đến 10.640,4 tỷ đồng và riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 6.527,9 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến trung tuần tháng 9-2022, thành phố đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”, thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng, với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được quan tâm, triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm, 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh(1) tại các quận, huyện...; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng nhanh và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội… Ngoài ra, thành phố Hà Nội thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân, để giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, các cấp, ngành cần chú trọng đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Song song với đó là đa dạng hóa các nguồn lực huy động, đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số..., tạo điểm tựa an sinh vững chắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Bảo hiểm thành phố Hà Nội Hà Nội đã chi trả cho trên 1,680 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 4.000 tỷ đồng, theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP “Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.

Đối với sách đặc thù cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay, các địa phương đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND; rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho trên 297.000 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là hơn 316 tỷ đồng, đã tổ chức chi trả cho trên 296.000 đối tượng với kinh phí gần 315 tỷ đồng.

Từ năm 2022, một số trường hợp đặc biệt còn được hỗ trợ theo chính sách đặc thù để có mức sống trên mức chuẩn nghèo. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Đối với trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân sẽ nhận mức hỗ trợ hằng tháng là 440.000 đồng/người. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo...

Để triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU, các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bằng các đề án, kế hoạch, cụ thể. Kết quả: Về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,1% dân số (kế hoạch Chương trình 08-CTr/TU năm 2022 là 92,5%). Trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành phố Hà Nội duy trì hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 với số mắc liên tục giảm từ giữa tháng 3-2022. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng. Các bệnh viện tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, bố trí khoa khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, như ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; nợ bảo hiểm xã hội tồn đọng, kéo dài; tình hình sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện việc trích nộp hằng tháng theo quy định...; một số văn bản thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU còn chậm được ban hành; nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội dù được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 3: Bảo hiểm

Bài 4: An sinh xã hội

Bài 5: Lập kế hoạch kinh doanh

Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Bài 7: Quản lí thu, chi trong gia đình

Bài 8: Quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 12 Bài 4: An sinh xã hội

1. An sinh xã hội và một số chính sách an sinh xã hội cơ bản

- An sinh xã hội là hệ thống các chính sách can thiệp của Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm giảm mức độ nghèo đói, nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân và xã hội trước những rủi ro hay nguy cơ giảm hoặc mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội.

Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 12 Kết nối tri thức Bài 4: An sinh xã hội | Kinh tế Pháp luật 12

- Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam bao gồm các chính sách cơ bản sau:

+ Chính sách hỗ trợ việc làm;

+ Chính sách về bảo hiểm;

+ Chính sách trợ giúp xã hội;

+ Chính sách bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.

Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 12 Kết nối tri thức Bài 4: An sinh xã hội | Kinh tế Pháp luật 12

2. Vai trò của an sinh xã

- Đối với đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội:

+ Được hỗ trợ giải quyết việc làm;

+ Tăng thu nhập cho người yếu thế;

+ Được cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở, thông tin,...

- Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội:

+ Giúp nâng cao hiệu quả quản lí xã hội;

+ Góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống theo vùng, các nhóm dân cư.

+ Góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 12 Kết nối tri thức Bài 4: An sinh xã hội | Kinh tế Pháp luật 12

Đánh giá

0

0 đánh giá