Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5 (Cánh diều): Cấu trúc của tế bào

5.7 K

Với giải sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Sinh học 10. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào

Bài 5.1 trang 16 SBT Sinh học 10: Đặc điểm khác biệt chính giữa tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực là gì?

A. Tế bào nhân sơ không có DNA, còn tế bào nhân thực thì có.

B. Tế bào nhân sơ không có nhân, còn tế bào nhân thực thì có.

C. Tế bào nhân sơ không có màng sinh chất, còn tế bào nhân thực thì có.

D. Tế bào nhân sơ không thể lấy năng lượng từ môi trường, còn tế bào nhân thực thì có thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Đặc điểm khác biệt chính giữa tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực là:

- Tế bào nhân sơ không có nhân hoàn chỉnh, vật chất di truyền của tế bào nhân sơ nằm trong vùng nhân không có màng bao bọc.

- Tế bào nhân thực có nhân hoàn chỉnh, vật chất di truyền của tế bào nhân thực nằm trong nhân có màng kép bao bọc.

Bài 5.2 trang 16 SBT Sinh học 10: Bào quan nào sau đây chỉ có ở tế bào động vật mà không có ở tế bào thực vật?

A. Trung thể.

B. Ti thể.

C. Nhân.

D. Bộ máy Golgi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Trung thể là bào quan chỉ có ở tế bào động vật mà không có ở tế bào thực vật.

- Ti thể, nhân, bộ máy Golgi có ở cả tế bào động vật và tế bào thực vật.

Bài 5.3 trang 17 SBT Sinh học 10: Một tế bào có thành tế bào, lục lạp, không bào trung tâm là

A. tế bào vi khuẩn.

B. tế bào thực vật.

C. tế bào động vật.

D. tế bào nấm men.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

- Một tế bào có thành tế bào, lục lạp, không bào trung tâm là tế bào thực vật.

- Tế bào vi khuẩn có thành tế bào nhưng không có lục lạp và không bào trung tâm.

- Tế bào động vật không có thành tế bào, lục lạp, không bào trung tâm.

- Tế bào nấm men không có lục lạp, không bào trung tâm.

Bài 5.4 trang 17 SBT Sinh học 10: Sự khác biệt giữa tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực là

A. tế bào nhân sơ có màng sinh chất.

B. tế bào nhân sơ có nhân.

C. tế bào nhân thực có chất di truyền.

D. tế bào nhân thực có ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Sai. Cả tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ đều có màng sinh chất.

B. Sai. Tế bào nhân sơ không có nhân mà chỉ có vùng nhân.

C. Sai. Cả tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ đều có chất di truyền.

D. Đúng. Tế bào nhân thực có ti thể, tế bào nhân sơ không có các bào quan có màng bao bọc như ti thể.

Bài 5.5 trang 17 SBT Sinh học 10: Các bào quan có màng kép bao bọc là

A. nhân, lưới nội chất và lysosome.

B. ti thể, bộ máy Golgi và lục lạp.

C. nhân, lục lạp và ti thể.

D. peroxisome, ti thể và lưới nội chất.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

- Có 3 bào quan có màng kép bao bọc là nhân, lục lạp và ti thể.

- Lưới nội chất, lysosome, bộ máy Golgi, peroxisome là những bào quan có màng đơn.

Bài 5.6 trang 17 SBT Sinh học 10: Tế bào nhân thực phức tạp hơn tế bào nhân sơ vì chúng có

A. màng sinh chất.

B. kích thước nhỏ hơn.

C. tốc độ sinh sản cao hơn.

D. các bào quan có màng bao bọc.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Sai. Tế bào nhân thực và tế bào nhân thực đều có màng sinh chất.

B. Sai. Tế bào nhân thực thường có kích thước lớn hơn tế bào nhân sơ.

C. Sai. Nhờ kích thước nhỏ, tế bào nhân sơ có tỉ lệ S/V lớn dẫn đến tốc độ trao đổi chất với môi trường nhanh, nhờ đó tốc độ chuyển hóa vật chất, năng lượng và sinh sản nhanh.

D. Đúng. Tế bào nhân thực có các bào quan có màng bao bọc còn tế bào nhân sơ không có các bào quan có màng bao bọc.

Bài 5.7 trang 17 SBT Sinh học 10: Bào quan nào sau đây có ở tế bào người?

A. Không bào co bóp.

B. Lysosome.

C. Lục lạp.

D. Không bào trung tâm.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

- Trong các bào quan trên, tế bào người có lysosome – bào quan tiêu hóa của tế bào, có khả năng phân giải các phân tử lớn như protein, nucleic acid, lipid và polysaccharide.

- Không bào co bóp có ở nguyên sinh vật sống trong môi trường nước ngọt làm nhiệm vụ điều hòa áp suất thẩm thấu của tế bào.

- Lục lạp, không bào trung tâm là các bào quan đặc trưng của tế bào thực vật.

Bài 5.8 trang 17 SBT Sinh học 10: Phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Tế bào của tất cả các sinh vật đều có nhân.

B. Cả tế bào động vật và tế bào thực vật đều có thành tế bào.

C. Ở tế bào nhân sơ, không có bất kì bào quan nào được bao bọc bởi màng.

D. Tế bào được hình thành từ các nguyên liệu không sống.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

A. Sai. Tế bào nhân sơ chưa có nhân mà chỉ có vùng nhân (vật chất di truyền không được bao bọc trong màng nhân).

B. Sai. Tế bào động vật không có thành tế bào.

C. Đúng. Ở tế bào nhân sơ, không có bất kì bào quan nào được bao bọc bởi màng.

D. Sai. Các thành phần trong tế bào tương tác với nhau để tạo nên sự sống của tế bào.

Bài 5.9 trang 17 SBT Sinh học 10: Thành phần nào sau đây không phải là của một tế bào nhân sơ?

A. DNA.

B. Lưới nội chất.

C. Màng sinh chất.

D. Ribosome.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Tế bào nhân sơ không chứa các bào quan có màng bao bọc mà lưới nội chất là bào quan có màng đơn → Tế bào nhân sơ không chứa bào quan là lưới nội chất.

Bài 5.10 trang 17 SBT Sinh học 10: Bào quan nào không có màng bán thấm?

A. Ribosome.

B. Peroxisome.

C. Bộ máy Golgi.

D. Lysosome.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Peroxisome, bộ máy Golgi, lysosome đều là những bào quan có màng đơn.

- Ribosome là bào quan không có màng bao bọc, được cấu tạo từ rRNA và protein. Chính vì vậy, ribosome là bào quan duy nhất được tìm thấy ở tế bào nhân sơ.

Bài 5.11 trang 18 SBT Sinh học 10: Kích thước của hầu hết các tế bào động vật và thực vật vào khoảng

A. 0,1 ÷ 0,2 µm.

B. 0,5 ÷ 5,0 µm.

C. 10 ÷ 100 µm.

D. 1,0 ÷ 2,0 mm.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Tế bào động vật và tế bào thực vật là những tế bào nhân thực → Kích thước của hầu hết các tế bào động vật và thực vật vào khoảng 10 ÷ 100 µm, lớn hơn so với tế bào nhân sơ (khoảng 0,5 – 10 µm).

Bài 5.12 trang 18 SBT Sinh học 10: Bào quan nào sau đây là đặc điểm chung ở cả tế bào thực vật và tế bào động vật?

A. Lục lạp.

B. Trung thể.

C. Không bào trung tâm.

D. Ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Sai. Lục lạp chỉ có ở tế bào thực vật.

B. Sai. Trung thể chỉ có ở tế bào động vật.

C. Sai. Không bào trung tâm chỉ có ở tế bào thực vật.

D. Đúng. Ti thể là bào quan có cả ở tế bào động vật và tế bào thực vật.

Bài 5.13 trang 18 SBT Sinh học 10: Màng sinh chất

A. cho phép tất cả các chất đi vào và đi ra khỏi tế bào.

B. ngăn không cho tất cả các chất đi vào và đi ra khỏi tế bào.

C. được cấu tạo chủ yếu từ lớp protein kép.

D. được cấu tạo chủ yếu bới lớp lipid kép.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Màng sinh chất là màng bán thấm (có tính thấm chọn lọc đối với các chất tức là cho phép một số chất nhất định đi ra hoặc đi vào tế bào) → A, B sai.

- Màng sinh chất được cấu tạo từ 2 thành phần chính là protein và lipid trong đó các phân tử protein nằm xen kẽ trong lớp lipid kép tạo thành cấu trúc khảm động của màng → C sai, D đúng.

Bài 5.14 trang 18 SBT Sinh học 10Những phân tử nào sau đây là thành phần cấu tạo chính của màng sinh chất?

A. Phospholipid và triglyceride.

B. Carbohydrate và protein.

C. Phospholipid và protein.

D. Glycoprotein và cholesterol.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Màng sinh chất được cấu tạo từ 2 thành phần chính là protein và phospholipid trong đó các phân tử protein nằm xen kẽ trong lớp phospholipid kép tạo thành cấu trúc khảm động của màng.

Bài 5.15 trang 18 SBT Sinh học 10: Phân tử nào sau đây định vị ở cả hai lớp lipid kép?

A. Protein xuyên màng.

B. Cholesterol.

C. Protein bám màng.

D. Oligosaccharide.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Protein xuyên màng nằm xuyên qua lớp lipid kép nên sẽ định vị ở cả hai lớp lipid kép.

Bài 5.16 trang 18 SBT Sinh học 10Phân tử nào sau đây không nằm trong lớp lipid kép?

A. Protien xuyên màng.

B. Glycolipid.

C. Protein bám màng.

D. Glycoprotein.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Protein bám màng là các phân tử protein bám vào các phân tử protein khác ở mặt trong hay mặt ngoài của màng → Protein bám màng không nằm trong lớp lipid kép.

Bài 5.17 trang 18 SBT Sinh học 10: Cặp phân tử nào sau đây tương ứng với cặp chức năng duy trì tính lỏng của màng/ nhận biết tế bào?

A. Glycolipid/ cholesterol.

B. Cholesterol/ glycoprotein.

C. Glycolipid/ glycoprotein.

D. Phospholipid/ cholesterol.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

- Trên màng sinh chất của tế bào động vật, các phân tử cholesterol nằm xen kẽ với các phân tử phospholipid có tác dụng làm tăng tính ổn định của màng.

Glycoprotein được hình thành do carbohydrate liên kết với protein đóng vai trò làm tín hiệu nhận biết, tham gia tương tác, truyền thông tin giữa các tế bào.

Bài 5.18 trang 18 SBT Sinh học 10: Trong số các chức năng sau, chức năng nào là của glycoprotein và glycolipid ở màng tế bào động vật?

A. Vận chuyển các chất theo chiều gradient nồng độ của chúng.

B. Vận chuyển tích cực các chất ngược chiều gradient nồng độ của chúng.

C. Tăng tính lỏng của màng ở nhiệt độ thấp.

D. Đảm bảo sự phân biệt một loại tế bào với một loại tế bào khác ở xung quanh.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Ở màng tế bào động vật, glycoprotein và glycolipid đặc trưng cho từng loại tế bào có vai trò là dấu hiệu nhận biết các tế bào của cùng một cơ thể cũng như tế bào của cơ thể khác.

Bài 5.19 trang 19 SBT Sinh học 10: Cholesterol trong màng sinh chất của tế bào một số loài động vật

A. làm cho tất cả các chất đi vào và đi ra khỏi tế bào động vật.

B. làm cho các phân tử lipid và protein chuyển động trong màng sinh chất.

C. làm cho màng giữ trạng thái lỏng dễ dàng hơn khi nhiệt độ tế bào giảm.

D. làm cho màng kém linh hoạt, cho phép nó chịu được áp lực lớn hơn từ bên trong tế bào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Cholesterol là thành phần quan trọng của màng tế bào ở một số loài động vật, có vai trò làm cho màng giữ trạng thái lỏng dễ dàng hơn khi nhiệt độ tế bào giảm.

Bài 5.20 trang 19 SBT Sinh học 10: Một tế bào động vật thiếu oligosaccharide trên bề mặt ngoài của màng tế bào có khả năng sẽ bị suy giảm chức năng nào sau đây?

A. Vận chuyển các chất ngược gradient nồng độ.

B. Thông tin giữa các tế bào.

C. Liên kết với bộ khung tế bào.

D. Tạo rào cản đối với sự khuếch tán của các phân tử tích điện.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Oligosaccharide trên bề mặt ngoài của màng tế bào có chức năng tiếp nhận thông tin giữa các tế bào, đảm bảo tính thống nhất hoạt động trong cơ thể → Một tế bào động vật thiếu oligosaccharide trên bề mặt ngoài của màng tế bào có khả năng sẽ bị suy giảm chức năng thông tin giữa các tế bào.

Bài 5.21 trang 19 SBT Sinh học 10: Lipid màng nào sau đây không chứa đuôi acid béo?

A. Phospholipid.

B. Glycolipid.

C. Cholesterol.

D. Lipoprotein.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Cholesterol là một loại steroid đặc biệt, không chứa phân tử acid béo, các nguyên tử carbon của chúng liên kết với nhau tạo nên 4 vòng.

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

Bài 5.22 trang 19 SBT Sinh học 10: Tế bào biểu mô ở người bị bệnh xơ nang có khiếm khuyết trong cấu trúc của màng sinh chất tác động đến khả năng vận chuyển ion Cl- ra ngoài tế bào. Thành phần nào của màng liên quan đến hiện tượng này?

A. Cholesterol.

B. Phospholipid.

C. Glycolipid.

D. Protein.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Khiếm khuyết trong cấu trúc của màng sinh chất này tác động đến đến khả năng vận chuyển ion Cl- ra ngoài tế bào. Mà ion Cl- được vận chuyển chủ động qua màng nhờ các protein xuyên màng đặc hiệu. Do đó, thành phần của màng liên quan đến hiện tượng trên là protein.

Bài 5.23 trang 19 SBT Sinh học 10: Thành phần nào sau đây đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hình dạng của tế bào thực vật?

A. Thành tế bào.

B. Màng sinh chất.

C. Lưới nội chất.

D. Cầu sinh chất.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Tế bào thực vật có thành tế bào bao phủ bên ngoài màng sinh chất làm nhiệm vụ bảo vệ, tạo hình dạng đặc trưng và tham gia điều chỉnh lượng nước đi vào tế bào.

Bài 5.24 trang 19 SBT Sinh học 10: Thành tế bào của vi khuẩn, nấm, tế bào thực vật và chất nền ngoại bào của tế bào động vật đều ở bên ngoài màng sinh chất. Phát biểu nào dưới đây là đúng về đặc điểm của tất cả những cấu trúc ngoại bào này?

A. Chúng ngăn chặn nước và các phân tử nhỏ để điều hòa việc trao đổi chất và năng lượng với môi trường.

B. Chúng cho phép truyền thông tin giữa tế bào chất và nhân.

C. Chúng cung cấp một cấu trúc cứng nhắc để duy trì tỉ lệ thích hợp giữa diện tích bề mặt tế bào và thể tích tế bào.

D. Chúng được xây dựng bằng các vật liệu được tổng hợp phần lớn trong tế bào chất và sau đó được vận chuyển ra ngoài tế bào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Sai. Chất nền ngoại bào không có chức năng ngăn chặn nước và các phân tử nhỏ để điều hòa việc trao đổi chất và năng lượng với môi trường.

B. Sai. Thành tế bào không có chức năng truyền thông tin giữa tế bào chất và nhân.

C. Sai. Chất nền ngoại bào không có chức năng cung cấp một cấu trúc cứng nhắc để duy trì tỉ lệ thích hợp giữa diện tích bề mặt tế bào và thể tích tế bào.

D. Đúng. Cả thành tế bào và chất nền ngoại bào đều được xây dựng bằng các vật liệu được tổng hợp phần lớn trong tế bào chất và sau đó được vận chuyển ra ngoài tế bào.

Bài 5.25 trang 20 SBT Sinh học 10Trong cơ thể thực vật, các phân tử nhỏ và ion có thể di chuyển từ tế bào chất của một tế bào này đến tế bào chất của một tế bào liền kề qua

A. cầu sinh chất.

B. lưới nội chất.

C. túi vận chuyển.

D. protein vận chuyển.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Các tế bào thực vật được ghép nối với nhau bằng mối nối được gọi là cầu sinh chất. Cầu sinh chất cho phép các tế bào liên thông với nhau, nhờ đó tế bào có thể chuyển đổi các chất cho nhau.

Bài 5.26 trang 20 SBT Sinh học 10: Cấu trúc hay vị trí nào sau đây là nơi định vị của các sợi nhiễm sắc trong tế bào nhân thực?

A. Lỗ màng nhân.

B. Chất nhân.

C. Màng nhân.

D. Nhân con.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Chất nhân (chất nền của nhân) là dịch bên trong nhân chứa các sợi nhiễm sắc và nhiều phân tử khác như enzyme, RNA, nucleotide,…

Bài 5.27 trang 20 SBT Sinh học 10: Các tế bào có nhu cầu năng lượng cao thường có bào quan nào sau đây với số lượng lớn hơn các tế bào khác?

A. Lysosome.

B. Peroxisome.

C. Ti thể.

D. Túi vận chuyển.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Ti thể là nơi diễn ra quá trình hô hấp tế bào, tạo ra phần lớn ATP cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào → Các tế bào có nhu cầu năng lượng cao thường có bào quan ti thể với số lượng lớn hơn các tế bào khác.

Bài 5.28 trang 20 SBT Sinh học 10: Ở tế bào nhân thực, ATP được tổng hợp chủ yếu ở đâu trong tế bào?

A. Trong bào tương.

B. Trên màng trong ti thể.

C. Trên màng lưới nội chất.

D. Trên màng sinh chất.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Ở tế bào nhân thực, ATP được tổng hợp chủ yếu ở bào quan ti thể. Tại ti thể, xảy ra quá trình hô hấp tế bào, quá trình này sử dụng O2 tạo ra phần lớn năng lượng cho các hoạt động của tế bào.

Bài 5.29 trang 20 SBT Sinh học 10: Giống như nhân, ti thể có hai lớp màng. Màng ti thể có đặc điểm gì khác với màng nhân?

A. Màng trong ti thể hầu như không có các protein.

B. Màng trong ti thể có nhiều nếp gấp.

C. Màng ngoài của ti thể gắn với màng của lưới nội chất.

D. Màng ngoài của ti thể có ribosome liên kết.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Ti thể là bào quan có màng kép trong đó màng ngoài trơn nhẵn còn màng trong ti thể có nhiều nếp gấp tạo các cấu trúc gọi là mào. Mào là nơi chứa các enzyme của chuỗi truyền electron và tổng hợp ATP.

Bài 5.30 trang 20 SBT Sinh học 10: Thylakoid được định vị

A. giữa hai màng của lục lạp.

B. trên màng ngoài của lục lạp.

C. phía bên trong màng trong của lục lạp.

D. phía bên ngoài của lục lạp.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Lục lạp là bào quan đặc biệt của tế bào thực vật và một số nguyên sinh vật. Lục lạp có màng kép; bên trong lục lạp có các túi dẹt (thylakoid) nối với nhau, nằm xếp chồng lên nhau tạo thành các hạt grana; các hạt grana nối với nhau bằng các ống mảnh. Như vậy, thylakoid được định vị phía bên trong màng trong của lục lạp.

Bài 5.31 trang 20 SBT Sinh học 10Một nhà sinh học nghiền lá cây và sau đó li tâm phân đoạn để tách các bào quan. Các bào quan trong một phân đoạn nặng hơn sản xuất ATP trong điều kiện có ánh sáng, trong khi đó các bào quan trong phân đoạn nhẹ hơn có thể sản xuất ATP trong bóng tối. Các phân đoạn nặng hơn và nhẹ hơn có nhiều khả năng chứa thành phần tương ứng là

A. ti thể và lục lạp.

B. lục lạp và peroxisome.

C. peroxisome và lục lạp.

D. lục lạp và ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Các bào quan trong một phân đoạn nặng hơn sản xuất ATP trong điều kiện có ánh sáng → Đây chính là bào quan lục lạp (lục lạp là bào quan có khả năng chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học).

- Các bào quan trong phân đoạn nhẹ hơn có thể sản xuất ATP trong bóng tối → Đây chính là bào quan ti thể (ti thể là bào quan có khả năng hô hấp tế bào để tạo năng lượng cho các hoạt động của tế bào).

Bài 5.32 trang 21 SBT Sinh học 10Hầu hết quá trình tổng hợp màng mới diễn ra ở đâu trong tế bào nhân thực?

A. Bộ máy Golgi.

B. Lưới nội chất.

C. Màng sinh chất.

D. Ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Nhiều hợp chất được tổng hợp ở lưới nội chất như protein, lipid, carbohydrate được vận chuyển trong các túi nhỏ hình cầu đến bộ máy Golgi và sau đó chuyển đến các bào quan khác hay ra màng tế bào để tổng hợp nên màng tế bào.

Bài 5.33 trang 21 SBT Sinh học 10Bào quan nào sau đây chủ yếu tham gia vào quá trình tổng hợp các loại dầu, phospholipid và steroid?

A. Ribosome.

B. Peroxisome.

C. Lưới nội chất trơn.

D. Ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Lưới nội chất trơn chứa nhiều enzyme tổng hợp lipid, chuyển hóa đường và khử độc cho tế bào,… Lưới nội chất trơn còn là nơi tổng hợp nên các sterol và phospholipid cấu tạo nên các loại màng của tế bào và các hormone sinh dục, tổng hợp và dự trữ triglyceride, tổng hợp và phân giải glycogen giúp điều hòa đường huyết.

Bài 5.34 trang 21 SBT Sinh học 10Cấu trúc nào là nơi tổng hợp các protein có thể được xuất ra khỏi tế bào?

A. Lưới nội chất hạt.

B. Lysosome.

C. Lưới nội chất trơn.

D. Bộ máy Golgi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trên màng lưới nội chất hạt có các hạt ribosome. Protein tổng hợp được ở ribosome sẽ được đưa vào trong lưới nội chất để chuyển qua túi vận chuyển (túi tiết) và vận chuyển tới bộ máy Golgi. Tại bộ máy Golgi, các protein được chế biến, lắp ráp, đóng gói để chuyển đến các vị trí khác nhau trong tế bào hoặc xuất ra ngoài qua màng tế bào.

Bài 5.35 trang 21 SBT Sinh học 10: Hình bên thể hiện một loại tế bào ở cơ thể người. Tế bào này có bào quan nào sau đây với số lượng lớn hơn so với nhiều tế bào khác?

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

A. Nhân.

B. Lysosome.

C. Ti thể.

D. Bộ máy Golgi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Hình trên là thể hiện tế bào cơ. Tế bào cơ là loại tế bào hoạt động mạnh nên có nhu cầu năng lượng ATP cao → Tế bào này có bào quan ti thể với số lượng lớn hơn so với nhiều tế bào khác.

Bài 5.36 trang 21 SBT Sinh học 10: Các bào quan khác ngoài nhân chứa DNA bao gồm

A. ribosome.

B. ti thể.

C. lục lạp.

D. ti thể và lục lạp.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Các bào quan khác ngoài nhân chứa DNA bao gồm ti thể và lục lạp. DNA ti thể và DNA lục lạp có kích thước nhỏ, dạng vòng kép, mã hóa một số protein, tRNA, rRNA,… của bào quan. Chính vì có chứa DNA, ti thể và lục lạp có khả năng nhân lên không phụ thuộc vào sự nhân lên của tế bào.

Bài 5.37 trang 21 SBT Sinh học 10: Các chất được tạo ra trong một tế bào và xuất ra bên ngoài tế bào sẽ đi qua

A. lưới nội chất và bộ máy Golgi.

B. nhân và bộ máy Golgi.

C. lưới nội chất và lysosome.

D. nhân và ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Các chất được tạo ra trong một tế bào và xuất ra bên ngoài tế bào sẽ đi qua lưới nội chất và bộ máy Golgi: Các chất được tổng hợp ở lưới nội chất sẽ được đưa vào trong lưới nội chất để chuyển qua túi vận chuyển (túi tiết) và vận chuyển tới bộ máy Golgi. Tại bộ máy Golgi, các chất được chế biến, lắp ráp, đóng gói để chuyển đến các vị trí khác nhau trong tế bào hoặc xuất ra ngoài qua màng tế bào.

Bài 5.38 trang 21 SBT Sinh học 10Gan tham gia vào giải độc rất nhiều chất độc và thuốc. Cấu trúc nào sau đây chủ yếu tham gia vào quá trình này và có số lượng phong phú trong các tế bào gan?

A. Lưới nội chất hạt.

B. Lưới nội chất trơn.

C. Bộ máy Golgi.

D. Lysosome.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Gan tham gia vào giải độc rất nhiều chất độc và thuốc. Mà trong tế bào, lưới nội chất trơn chứa các enzyme tham gia quá trình chuyển hóa và khử độc cho tế bào. Bởi vậy, tế bào gan sẽ chứa nhiều lưới nội chất trơn.

Bài 5.39 trang 22 SBT Sinh học 10: Thành phần nào sau đây sản xuất và sửa đổi các protein sẽ được tiết ra ngoài tế bào?

A. Bộ máy Golgi.

B. Không bào.

C. Lysosome.

D. Peroxisome.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Bộ máy Golgi bao gồm hệ thống các túi dẹt. Bào quan này có chức năng sửa đổi, phân loại, đóng gói và vận chuyển các sản phẩm tổng hợp từ lưới nội chất trong đó có protein.

Bài 5.40 trang 22 SBT Sinh học 10: Một tế bào thiếu khả năng tổng hợp và tiết glycoprotein rất có thể sẽ bị thiếu

A. DNA nhân.

B. ribosome.

C. bộ máy Golgi.

D. ribosome và bộ máy Golgi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

- Protein được tổng hợp từ ribosome trên lưới nội chất hạt được gửi đến bộ máy Golgi bằng các túi vận chuyển. Tại đây, chúng được gắn thêm các chất khác, như chuỗi đường ngắn tạo nên glycoprotein rồi bao gói vào trong các túi vận chuyển để chuyển đến các vị trí khác nhau trong tế bào hoặc xuất ra ngoài qua màng tế bào.

- Theo đó, tế bào trên thiếu khả năng tổng hợp và tiết glycoprotein nhưng không thiếu protein nên tế bào này có thể sẽ bị thiếu bộ máy Golgi.

Bài 5.41 trang 22 SBT Sinh học 10: Bào quan trong hình dưới đây thực hiện quá trình nào trong các quá trình sau?

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

A. Hô hấp tế bào.

B. Quang hợp.

C. Tổng hợp protein.

D. Tổng hợp lipid.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Bào quan trên hình chính là ti thể mà ti thể là “nhà máy năng lượng” của tế bào, là nơi diễn ra quá trình hô hấp tế bào (chu trình Krebs, chuỗi truyền electron và tổng hợp ATP) để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào.

Bài 5.42 trang 22 SBT Sinh học 10Thành phần nào sau đây có chứa các enzyme chuyển hydrogen từ các chất khác nhau đến oxygen tạo ra H2O2?

A. Lysosome.

B. Không bào.

C. Bộ máy Golgi.

D. Peroxisome.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Peroxisome là bào quan thực hiện chức năng oxi hóa các chất. Peroxisome chứa các enzyme chuyển hydrogen từ các chất khác nhau như chất độc, alcohol đến oxygen tạo ra H2O2, sau đó được enzyme khác phân giải thành nước và oxygen.

Bài 5.43 trang 22 SBT Sinh học 10Virus, vi khuẩn và các bào quan già, hỏng sẽ bị phá vỡ tại

A. ribosome.

B. lysosome.

C. peroxisome.

D. ti thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Lysosome là bào quan tiêu hóa của tế bào. Lysosome có khả năng phân giải các phân tử lớn như protein, nucleic acid, lipid và polysaccharide. Lysosome tiêu hóa các vật liệu đưa từ bên ngoài vào và tiêu hóa cả những bào quan bị hỏng hoặc không cần thiết cho tế bào. Ngoài ra, bào quan này còn tiêu hóa cả các virus, vi khuẩn gây bệnh.

Bài 5.44 trang 22 SBT Sinh học 10: Khi phân tử nước di chuyển từ đất vào không bào của một tế bào lông hút ở rễ, nó phải đi qua một số thành phần cấu trúc của tế bào. Trật tự nào sau đây thể hiện các cấu trúc mà phân tử nước sẽ lần lượt đi qua?

A. Màng sinh chất → thành tế bào → tế bào chất → màng không bào.

B. Thành tế bào → màng sinh chất → bào tương → màng không bào.

C. Thành tế bào → tế bào chất → màng sinh chất → màng không bào.

D. Màng không bào → thành tế bào → màng sinh chất → bào tương.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Trật tự thể hiện các cấu trúc mà phân tử nước sẽ lần lượt đi qua khi di chuyển từ đất vào không bào của một tế bào lông hút ở rễ là: Thành tế bào → màng sinh chất → bào tương → màng không bào.

Bài 5.45 trang 22 SBT Sinh học 10: Bào quan nào sau đây thường chiếm thể tích lớn trong tế bào thực vật?

A. Nhân.

B. Ti thể.

C. Không bào trung tâm.

D. Bộ máy Golgi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Bào quan thường chiếm thể tích lớn trong tế bào thực vật là không bào trung tâm. Tế bào thực vật trưởng thành có không bào trung tâm với kích thước lớn và tồn tại lâu dài. Không bào trung tâm là khoang linh động, chứa nhiều nước và đóng vai trò cân bằng lượng nước trong tế bào. Không bào trung tâm có thể chứa các chất dự trữ như protein, acid hữu cơ, đường, muối khoáng, hoặc chứa chất thải hay sắc tố.

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

Bài 5.46 trang 22 SBT Sinh học 10: Tế bào nào sẽ làm mẫu nghiên cứu tốt nhất về lysosome?

A. Tế bào cơ.

B. Tế bào thần kinh.

C. Tế bào biểu mô.

D. Tế bào bạch cầu chuyên thực bào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Lysosome có khả năng phân giải các phân tử lớn như protein, nucleic acid, lipid và polysaccharide; tiêu hóa các vật liệu đưa từ bên ngoài vào và tiêu hóa cả những bào quan bị hỏng hoặc không cần thiết cho tế bào. Ngoài ra, bào quan này còn tiêu hóa cả các virus, vi khuẩn gây bệnh.

- Trong các tế bào đã cho, tế bào bạch cầu chuyên thực bào có chức năng tiêu hóa các vi sinh vật gây bệnh nên tế bào này sẽ có chứa nhiều lysosome. Như vậy, tế bào bạch cầu chuyên thực bào sẽ làm mẫu nghiên cứu tốt nhất về lysosome.

Bài 5.47 trang 22 SBT Sinh học 10Bào quan nào sau đây không được phép đúng với chức năng của nó?

A. Bộ máy Golgi – sửa đổi, đóng gói và vận chuyển protein.

B. Lysosome – phân giải các phân tử lớn.

C. Peroxisome – tổng hợp ATP.

D. Lưới nội chất – tổng hợp lipid.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

A. Đúng. Bộ máy Golgi có chức năng sửa đổi, đóng gói và vận chuyển protein.

B. Đúng. Lysosome có khả năng phân giải các phân tử lớn như protein, nucleic acid, lipid và polysaccharide.

C. Sai. Peroxisome không có chức năng tổng hợp ATP mà có chức năng oxi hóa các chất.

D. Đúng. Lưới nội chất cụ thể là lưới nội chất trơn có chức năng tổng hợp lipid.

Bài 5.48 trang 23 SBT Sinh học 10: Một số lượng lớn ribosome có trong các tế bào chuyên sản xuất phân tử nào sau đây?

A. Triglyceride.

B. Tinh bột.

C. Protein.

D. Steroid.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Ribosome là bộ máy tổng hợp protein của tế bào → Một số lượng lớn ribosome có trong các tế bào chuyên sản xuất phân tử protein.

Bài 5.49 trang 23 SBT Sinh học 10: Thành phần nào sau đây cấu tạo nên bộ khung tế bào?

A. Màng nhân.

B. Vi sợi.

C. Ti thể.

D. Sợi nhiễm sắc.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Bộ khung tế bào (khung xương tế bào) là mạng lưới gồm vi ống, sợi trung gian và vi sợi, được cấu tạo từ các phân tử protein. Bộ khung tế bào đóng vai trò như “bộ xương” của tế bào làm nhiệm vụ nâng đỡ, duy trì hình dạng của tế bào và tham gia sự vận động của tế bào.

Bài 5.50 trang 23 SBT Sinh học 10: Hoạt động nào sau đây của tế bào không liên quan đến vi ống?

A. Vận động của tế bào.

B. Vận chuyển phân tử tích điện qua màng.

C. Vận chuyển bào quan trong tế bào.

D. Sự di chuyển của nhiễm sắc thể trong quá trình phân chia nhân.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

- Vi ống trong bộ khung tế bào tham gia sự vận động của tế bào, vận chuyển bào quan trong tế bào; các vi ống cũng cấu tạo nên trung thể có vai trò trong sự phân chia tế bào (trong quá trình phân chia tế bào, các vi ống xung quanh trung thể phát triển thành thoi phân bào để giúp nhiễm sắc thể di chuyển).

- Vi ống không có chức năng vận chuyển phân tử tích điện qua màng.

Bài 5.51 trang 23 SBT Sinh học 10: Mối quan hệ nào sau đây giữa các thành phần cấu trúc tế bào và chức năng của chúng là đúng?

A. Thành tế bào: hỗ trợ, bảo vệ.

B. Lục lạp: vị trí chính của hô hấp tế bào.

C. Nhiễm sắc thể: bộ khung của nhân.

D. Ribosome: tiết protein.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

A. Đúng. Thành tế bào có nhiệm vụ bảo vệ, tạo hình dạng đặc trưng và tham gia điều chỉnh lượng nước đi vào tế bào.

B. Sai. Ti thể là nơi diễn ra quá trình hô hấp tế bào còn lục lạp là nơi diễn ra quá trình quang hợp.

C. Sai. Nhiễm sắc thể là vật chất di truyền nằm trong nhân.

D. Sai. Ribosome là bộ máy tổng hợp protein của tế bào.

Bài 5.52 trang 23 SBT Sinh học 10: Mỗi tổ hợp sau đây gồm 3 từ/ cụm từ chỉ: thành phần cấu trúc, thành phần hóa học và chức năng của cấu trúc đó. Tổ hợp nào thể hiện đúng mối liên quan giữa 3 từ/ cụm từ đó?

A. Tế bào chất, uracil, tổng hợp protein.

B. Nhân, lipid, tổng hợp mRNA.

C. Ti thể, phosphate, tổng hợp ATP.

D. Không bào, glycogen, phân giải glucose.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

A. Sai. Tế bào chất chứa nước, các chất vô cơ khác và các phân tử sinh học như enzyme, carbohydrate, acid hữu cơ,… các bào quan. Tế bào chất là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sống của tế bào.

B. Sai. Nhân chứa chất nhân, sợi nhiễm sắc, nhân con có chức năng là trung tâm thông tin, điều khiển các hoạt động sống của tế bào.

C. Đúng. Ti thể có chứa phosphate và là nơi tổng hợp ATP của tế bào.

D. Sai. Không bào không có chức năng phân giải glucose mà có nhiều chức năng khác tùy loại tế bào và loài sinh vật như ở tế bào thực vật, không bào đóng vai trò cân bằng nước, chứa chất dự trữ hoặc chất thải hay sắc tố; ở tế bào nguyên sinh vật, không bào co bóp làm nhiệm vụ điều hòa áp suất thẩm thấu của tế bào.

Bài 5.53 trang 23 SBT Sinh học 10Ghép mỗi tên của thành phần cấu tạo trong tế bào nhân thực với đúng mô tả về nó.

(a) Mào

(1) Túi chứa sắc tố trong lục lạp

(b) Túi dẹt

(2) Phần gấp nếp bên trong của màng ti thể

(c ) Thylakoid

(3) Túi hình đĩa trong bộ máy Golgi

Lời giải:

(a) – (2): Mào là phần gấp nếp bên trong của màng ti thể.

(b) – (3): Túi dẹt là túi hình đĩa trong bộ máy Golgi.

(c) – (1): Thylakoid là túi chứa sắc tố trong lục lạp.

Bài 5.54 trang 24 SBT Sinh học 10: Quan sát hình sau đây và xác định mỗi tế bào từ 1 đến 4 thuộc loại tế bào nhân sơ hay tế bào nhân thực.

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

Lời giải:

(1) là tế bào trùng roi, (2) là tế bào thực vật đều có nhân hoàn chỉnh → (1) và (2) là tế bào nhân thực.

(2) là tế bào vi khuẩn không có nhân hoàn chỉnh, vật chất di truyền nằm trong vùng nhân → (3) là tế bào nhân sơ.

Bài 5.55 trang 24 SBT Sinh học 10Hình bên biểu diễn một tế bào.

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

a) Tế bào này là tế bào nhân sơ hay tế bào nhân thực?

b) Hãy chỉ ra những đặc điểm cấu tạo đặc trưng của loại tế bào này.

c) Xác định tên của các thành phần cấu trúc có kí hiệu từ (1) đến (6).

d) Cho ví dụ về nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào này.

Lời giải:

a) Tế bào trên không có nhân, vật chất di truyền nằm trong vùng nhân → Hình biểu diễn tế bào nhân sơ.

b) Những đặc điểm cấu tạo đặc trưng của tế bào nhân sơ: không có nhân và các bào quan có màng, DNA dạng vòng kép, có thành tế bào.

c) Xác định tên của các thành phần cấu trúc có kí hiệu từ (1) đến (6): (1) roi; (2) vỏ nhầy; (3) thành tế bào; (4) màng sinh chất; (5) DNA; (6) ribosome.

d) Ví dụ nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào nhân sơ: vi khuẩn.

Bài 5.56 trang 24 SBT Sinh học 10: Cho các thành phần cấu trúc sau:

a) Màng sinh chất

b) Thành tế bào

c) Nucleic acid

d) Nhân

e) Lưới nội chất

f) Ribosome

g) Plasmid

h) Ti thể

Hãy lập bảng và xếp chúng vào nhóm tế bào nhân sơ hay tế bào nhân thực tùy theo sự có mặt hay không của chúng ở các tế bào này. Ghi chú thành phần chỉ có ở một số tế bào trong hai nhóm này.

Lời giải:

Tế bào nhân sơ

Tế bào nhân thực

Màng sinh chất

Màng sinh chất

Thành tế bào

Thành tế bào (một số tế bào)

Nucleic acid

Nucleic acid

 

Nhân

 

Lưới nội chất

Ribosome (70S)

Ribosome (80S)

Plasmid (một số tế bào)

 

 

Ti thể

Bài 5.57 trang 24 SBT Sinh học 10: Sắp xếp các thành phần cấu trúc sau theo thứ tự từ ngoài vào trong của một tế bào rễ.

(1) Sợi nhiễm sắc

(2) Bào tương

(3) Màng sinh chất

(4) Thành tế bào

(5) Màng nhân

Lời giải:

Các thành phần cấu trúc theo thứ tự từ ngoài vào trong của một tế bào rễ là: Thành tế bào, màng sinh chất, bào tương, màng nhân, sợi nhiễm sắc.

Bài 5.58 trang 24 SBT Sinh học 10: Quan sát hình bên và cho biết:

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

a) Tế bào này là tế bào động vật hay tế bào thực vật?

b) Nêu ít nhất 3 đặc điểm cấu tạo của tế bào trong hình vẽ để chứng minh cho câu a) và dùng mũi tên chú thích chúng trong hình.

Lời giải:

a) Tế bào trong hình là tế bào thực vật.

b) Ba đặc điểm chứng minh tế bào trên là tế bào thực vật là: thành tế bào, lục lạp, không bào trung tâm.

Sách bài tập Sinh học 10 Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào - Cánh diều (ảnh 1)

Bài 5.59 trang 25 SBT Sinh học 10: Người ta quan sát một tế bào và phát hiện được các đặc điểm sau:

- Tế bào có ribosome.

- Tế bào có DNA.

- Tế bào có ti thể.

a) Từ các đặc điểm trên, có thể kết luận tế bào này thuộc loại nào? Giải thích.

b) Khi tiến hành quan sát kĩ hơn, người ta phát hiện tế bào có lysosome. Kết quả này có làm thay đổi kết luận ở câu a) không? Nếu có thì thay đổi đó là gì? Giải thích.

Lời giải:

a) Tế bào trên là tế bào nhân thực (tế bào động vật hoặc tế bào thực vật) vì tế bào có ti thể - bào quan có màng bao bọc.

b) Nếu phát hiện tế bào có lysosome thì có làm thay đổi kết luận ở câu (a). Thay đổi đó chính là kết luận được tế bào quan sát được là tế bào động vật vì tế bào có lysosome – bào quan chỉ có ở tế bào động vật mà không có ở tế bào thực vật.

Bài 5.60 trang 25 SBT Sinh học 10: Khi lipid được thêm vào dung dịch chất tẩy rửa, các hạt lipid lớn bị vỡ thành các hạt nhỏ hơn nhiều. Vậy chất tẩy rửa có tác dụng gì đối với tính toàn vẹn của các tế bào? Giải thích.

Lời giải:

Chất tẩy rửa phá vỡ các giọt lipid → Chất tẩy rửa sẽ phá vỡ màng tế bào vì phá vỡ lớp lipid kép của màng.

Bài 5.61 trang 25 SBT Sinh học 10: Hãy tìm thành phần cấu trúc của tế bào tương ứng với các chức năng dưới đây và chỉ ra ít nhất một đặc điểm về cấu tạo của thành phần này phù hợp với chức năng đã cho.

a) Trung tâm điều khiển của tế bào

b) Nơi kiểm soát sự ra, vào tế bào của các chất

c) Nơi sản xuất năng lượng có thể sử dụng trực tiếp cho tế bào

d) Nơi tiêu hóa các bào quan bị hỏng

e) Nơi khử độc bằng cách chuyển hydrogen đến các chất độc, alcohol

f) Nơi chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học của carbohydrate

g) Nơi tổng hợp và đóng gói protein, lipid đưa đến bào quan khác

h) Nâng đỡ và duy trì hình dạng tế bào

Lời giải:

a) Trung tâm điều khiển của tế bào – Nhân – chứa chất di truyền quyết định sự tổng hợp protein tham gia vào các hoạt động sống của tế bào.

b) Nơi kiểm soát sự ra, vào tế bào của các chất – Màng – chứa lipid và protein, lipid chỉ cho các phân tử nhỏ và các phân tử kị nước đi qua, protein vận chuyển các phân tử ưa nước và tích điện qua màng.

c) Nơi sản xuất năng lượng có thể sử dụng trực tiếp cho tế bào  - Ti thể - màng trong gấp nếp tăng diện tích bề mặt chứa chuỗi truyền electron và enzyme tổng hợp ATP.

d) Nơi tiêu hóa các bào quan bị hỏng – Lysosome – chứa các enzyme phân giải các phân tử lớn như lipid, protein, carbohydrate và nucleic acid.

e) Nơi khử độc bằng cách chuyển hydrogen đến các chất độc, alcohol – Peroxisome – chứa enzyme phân giải hydrogen peroxide thành nước và oxygen.

f) Nơi chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học của carbohydrate – Lục lạp – các túi dẹt thylakoid chứa diệp lục và các sắc tố hấp thu năng lượng ánh sáng.

g) Nơi tổng hợp và đóng gói protein, lipid đưa đến bào quan khác – Lưới nội chất – hệ thống túi dẹt bên ngoài có ribosome bám vào.

h) Nâng đỡ và duy trì hình dạng tế bào – Bộ khung tế bào – hệ thống ống, sợi đan xen trong tế bào chất nâng đỡ màng và các bào quan.

Bài 5.62 trang 25 SBT Sinh học 10: Tế bào hồng cầu trưởng thành có chức năng vận chuyển oxygen đến các tế bào và mô trong cơ thể. Tế bào hồng cầu không có ti thể. Hãy giải thích điều này.

Lời giải:

Tế bào hồng cầu trưởng thành có chức năng vận chuyển oxygen còn ti thể lại sử dụng oxygen để phân giải chất hữu cơ tạo ra ATP. Vì vậy, để hạn chế sự thất thoát oxygen được vận chuyển, tế bào hồng cầu trưởng thành đã biệt hóa không có ti thể.

Bài 5.63 trang 25 SBT Sinh học 10: Tại sao tế bào hồng cầu trưởng thành không có khả năng tổng hợp protein?

Lời giải:

Tế bào hồng cầu trưởng thành ở người không có nhân và ribosome.

Bài 5.64 trang 25 SBT Sinh học 10Tế bào của tuyến bã nhờn ở da làm nhiệm vụ tiết chất nhờn giàu lipid trên bề mặt da. Tế bào này có lưới nội chất trơn phát triển. Hãy giải thích đặc điểm cấu tạo này của tế bào tuyến bã nhờn.

Lời giải:

Lưới nội chất trơn có chức năng tổng hợp lipid nên thành phần này phát triển ở tế bào tuyến bã nhờn để giúp tế bào nhờn thực hiện chức năng tiết chất nhờn giàu lipid trên bề mặt da.

Bài 5.65 trang 25 SBT Sinh học 10: Người ta đánh dấu để theo dõi các phân tử insulin ở tế bào tuyến tụy. Hãy mô tả con đường di chuyển của các phân tử insulin từ khi được tổng hợp đến khi được tiết ra ngoài tế bào.

Lời giải:

Con đường di chuyển của các phân tử insulin từ khi được tổng hợp đến khi được tiết ra ngoài tế bào tuyến tụy: Insulin được tổng hợp ở ribosome bám trên màng lưới nội chất hạt → insulin được vận chuyển vào bên trong lưới nội chất hạt → insulin được đóng gói vào túi vận chuyển → túi vận chuyển mang insulin đến bộ máy Golgi → insulin được sửa đổi và đóng gói vào túi tiết → túi tiết đi ra màng sinh chất, dung hợp với màng → insulin được tiết ra ngoài.

Xem thêm các bài giải SBT Sinh học lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Chủ đề 4: Thành phần hóa học của tế bào

Chủ đề 5: Cấu trúc của tế bào

Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào

Chủ đề 7: Thông tin giữa các tế bào, chu kì tế bào và phân bào

Chủ đề 8: Công nghệ tế bào

Đánh giá

0

0 đánh giá