Giải Chuyên đề Lịch sử 10 Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa | Kết nối tri thức

17.7 K

Với giải Chuyên đề Lịch sử 10 Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Kết nối tri thức chi tiết trong Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề Lịch sử 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Chuyên đề 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam

1. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa 

Câu 1 trang 28 Chuyên đề Lịch sử 10Bảo tồn di sản văn hoá là gì?

Trả lời:

- Bảo tồn di sản văn hóa là bảo vệ, giữ gìn sự tồn tại và những giá trị của di sản theo dạng thức vốn có của nó.

Câu 2 trang 28 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy phân tích mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Lấy ví dụ minh hoạ.

Trả lời:

- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và tác động lẫn nhau:

+ Muốn phát huy giá trị của di sản, trước hết cần phải giữ gìn và bảo vệ sự tồn tại của di sản theo đúng dạng thức vốn có của nó. Do đó, bảo tồn được coi là cơ sở nền tảng để phát huy giá trị của di sản.

+ Ngược lại, khi phát huy tốt giá trị của di sản trong đời sống thực tiễn sẽ góp phần tạo ra nguồn lực vật chất, tinh thần,... để bảo tồn di sản tốt hơn.

- Ví dụ: Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) có mối quan hệ mật thiết:

+ Việc bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc theo đúng dạng thức ban đầu sẽ góp phần giữ gìn nguyên tính lịch sử của các công trình kiến trúc cổ, từ đó tạo ra giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, góp phần gìn giữ văn hóa Việt Nam thời kì chúa Nguyễn và nhà Nguyễn.

+ Ngược lại, khi phát huy được giá trị lịch sử và văn hóa, quần thể di tích cố đô Huế sẽ thu hút được nhiều khách tham quan, du lịch, từ đó tạo ra nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như có nguồn vốn để bảo tồn các công trình kiến trúc.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản 

Câu 1 trang 29 Chuyên đề Lịch sử 10Phân tích cơ sở khoa học của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Trả lời:

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần dựa trên nhiều cơ sở khoa học:

- Xác định được giá trị của di sản, bao gồm giá trị lịch sử, văn hoá; giá trị giáo dục; giá trị khoa học; giá trị kinh tế;...

- Dựa trên các quan niệm, nhận thức, tiêu chí chuẩn mực về bảo tồn, được quy định trong:

+ Những văn bản pháp quy của Nhà nước như Luật Di sản văn hoá Việt Nam (sửa đổi năm 2013);

+ Các nghị định của Chính phủ có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản;

+ Các công ước quốc tế liên quan;

+ Hệ thống lí thuyết chuyên ngành;...

- Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát đặc điểm, hiện trạng của di sản, gồm có:

+ Tình trạng thực tế của di sản;

+ Các điều kiện tự nhiên, xã hội đang tác động tới di sản;

+ Các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đang áp dụng;...

- Phân tích tổng hòa lợi ích của các bên liên quan: Nhà nước; doanh nghiệp; cộng đồng; cá nhân;...

Câu 2 trang 29 Chuyên đề Lịch sử 10Em hãy cho biết những cơ sở khoa học nào không được tuân thủ trong quá trình bảo tồn di sản Thung lũng En-bơ (Đức).

Trả lời:

- Thung lũng En-bơ (Đức) được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới (năm 2004) với giá trị về cảnh quan thiên nhiên và văn hoá. Tuy nhiên, sau đó chính quyền thành phố Đre-xđen đã cho xây một cây cầu bắc qua sông En-bơ để giảm tải lưu lượng giao thông vào thành phố. Năm 2009, UNESCO đã đưa Thung lũng En-bơ ra khỏi danh mục Di sản thế giới vì cho rằng cây cầu đã làm hỏng cảnh quan của di sản.

- Như vậy, trong quá trình bảo tồn di sản Thung lũng En-bơ, chính quyền thành phố Đre-xđen đã không tuân thủ những cơ sở khoa học sau:

+ Không dựa trên các quan niệm, nhận thức, tiêu chí chuẩn mực về bảo tồn, được quy định trong những văn bản pháp quy của nhà nước, của các công ước quốc tế liên quan,...

+ Không căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát đặc điểm, hiện trạng của di sản, gồm có tình trạng thực tế của di sản; các điều kiện tự nhiên, xã hội đang tác động tới di sản; các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đang áp dụng;...

=> Chính vì không tuân thủ các cơ sở khoa học trong bảo tồn di sản, chính quyền thành phố Đre-xđen đã có hành động xây cầu qua sông En-bơ, làm mất giá trị cảnh quan của Thung lũng En-bơ.

Câu 3 trang 30 Chuyên đề Lịch sử 10: Nêu một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Trả lời:

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá:

- Tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn di sản:

+ Nâng cao nhận thức của tập thể và cá nhân về giá trị của di sản.

+ Giáo dục ý thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng về việc bảo vệ di sản.

- Đầu tư cho cơ sở vật chất:

+ Đầu tư cho việc nghiên cứu, khảo sát về di sản,...

+ Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn vốn để bảo tồn di sản; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn đầu tư đó,...

+ Đầu tư cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để quản lí di sản.

- Tăng cường biện pháp bảo vệ di sản

+ Tăng cường năng lực tổ chức, quản lý nhà nước đối với di sản.

+ Xã hội hoá công tác bảo vệ, thông qua phát huy vai trò của cộng đồng địa phương.

+ Giải quyết hài hoà giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội.

+ Xử lí kịp thời những vi phạm trong quá trình bảo vệ, khai thác giá trị di sản.

3. Vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan

Câu 1 trang 31 Chuyên đề Lịch sử 10Giải thích vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Trả lời:

- Hệ thống chính trị:

+ Tạo ra khuôn khổ pháp lí và cơ chế chính sách cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá.

+ Quản lí các di sản văn hoá.

- Doanh nghiệp: Cung cấp nguồn vốn và nhân lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Cộng đồng dân cư: Là chủ thể của di sản, đóng vai trò then chốt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Công dân: Trực tiếp tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Câu 2 trang 31 Chuyên đề Lịch sử 10Thông qua sự kiện UNESCO ghi danh Hát Xoan là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, hãy cho biết trách nhiệm của các bên liên quan (Nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, cộng đồng,...) trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trả lời:

Trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan:

- Nhà nước:

+ Ban hành các văn bản pháp quy về di sản văn hoá.

+ Tổ chức, quản lí di sản văn hoá.

+ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hoá.

+ Đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Tổ chức xã hội:

+ Thực hiện quản lí di sản văn hóa theo phân cấp.

+ Cung cấp nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Nhà trường:

+ Đào tạo, nâng cao nhận thức của người học về giá trị di sản văn hoá.

+ Phát huy giá trị di sản văn hoá thông qua các hoạt động giáo dục.

+ Tham gia nghiên cứu để nhận diện rõ hơn các giá trị của di sản; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Cộng đồng:

+ Trực tiếp tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

+ Khai thác, sử dụng di sản văn hoá hợp lí vì mục tiêu phát triển bền vững.

+ Giao lưu, quảng bá các giá trị của di sản văn hoá.

- Công dân:

+ Chấp hành luật pháp, chính sách, quy định về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá.

+ Trực tiếp tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

+ Sẵn sàng đóng góp và vận động người khác cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

I. Di sản văn hóa

III. Một số di sản văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam

Đánh giá

0

0 đánh giá