Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 1: Các lĩnh vực của sử học | Kết nối tri thức

41.8 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 1: Các lĩnh vực của sử học sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 1: Các lĩnh vực của sử học

I. Thông sử và Lịch sử theo lĩnh vực

Mở đầu trang 6 Chuyên đề Lịch sử 10: Vậy đối tượng, phạm vi, nội dung cơ bản của mỗi hình thức đó là gì? Em có thể vận dụng những cách thức nào để trình bày một sản phẩm nghiên cứu lịch sử của mình?...

Trả lời:

- Lịch sử dân tộc:

+ Đối tượng nghiên cứu: toàn bộ các quá trình lịch sử trên các phương diện, như: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội…

+ Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu ở một cộng đồng quốc gia - dân tộc

+ Nội dung chính: phản ánh quá trình vận động, phát triển chung của tất cả các địa phương, tất cả các cộng đồng người đã và đang sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia, bao trùm tất cả các lĩnh vực từ thời nguyên thuỷ đến ngày nay.

- Lịch sử thế giới:

+ Đối tượng nghiên cứu: toàn bộ các quá trình lịch sử chung trên các phương diện, như: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội…

+ Phạm vi nghiên cứu: phạm vi toàn cầu hoặc một số quốc gia/ châu lục/  khu vực…

+ Nội dung chính: thể hiện quá trình vận động của nhân loại trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự,ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội,... đó là lịch sử tương tác giữa nhiều chủ thể, nhiều quốc gia,  dân tộc, xu hướng và lực lượng trong lịch sử.

- Để trình bày một sản phẩm nghiên cứu lịch sử của mình, chúng ta có thể vận dụng những cách thức sau:

+ Biên niên (ghi chép các sự kiện và quá trình lịch sử theo tuần tự thời gian);

+ Thực lục (ghi chép thực tế những gì diễn ra, chủ yếu là những việc làm, lời nói của vua và các quan);

+ Cương mục (ghi chép các sự kiện, quá trình lịch sử được phân chia theo các mạch nội dung);

+ Truyện (trình bày dưới hình thức các câu chuyện hoàn chỉnh về các nhân vật hay sự kiện lịch sử);

+ Phim; kịch; ca, múa....

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 1 trang 8 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy giới thiệu tóm tắt một số cách trình bày lịch sử truyền thống và nêu ví dụ.

Trả lời:

Một số cách trình bày lịch sử truyền thống:

- Biên soạn những tác phẩm lịch sử bằng chữ viết:

+ Đây là hình thức trình bày lịch sử phổ biến nhất.

+ Các tác phẩm lịch sử bằng chữ viết, có thể được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, như: biên niên (ghi chép các sự kiện và quá trình lịch sử theo tuần tự thời gian); thực lục (ghi chép thực tế những gì diễn ra, chủ yếu là những việc làm, lời nói của vua và các quan); cương mục (ghi chép các sự kiện, quá trình lịch sử được phân chia theo các mạch nội dung); các công trình nghiên cứu khoa học

+ Ví dụ: Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch sử chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư,...

Trình bày lịch sử dưới dạng truyện kể:

+ Tái hiện lịch sử dưới dạng các câu truyện.

+ Ví dụ: các câu truyện về Bác Hồ; sự tích về Lý Ông Trọng; Thần thoại Hy Lạp…

- Trình bày lịch sử dưới dạng: lễ hội, phim, kịch, ca múa… Ví dụ:

+ Lễ hội Tịch điền; Lễ hội đền Hùng; Lễ hội đền Gióng…

+ Phim về đề tài lịch sử, như: Thái sư Trần thủ Độ (của đạo diễn Đào Duy Phúc); Phượng khấu (của đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh)…

+ Vở kịch: Bài ca giữ nước (của Tào Mạt).

2. Thông sử

Câu 1 trang 9 Chuyên đề Lịch sử 10Thông sử là gì? Nêu nội dung chính của thông sử.

Trả lời:

- Thông sử là hình thức trình bày lịch sử chung nhất, đề cập đến tất cả các lĩnh vực đời sống trong quá khứ của địa phương, quốc gia, khu vực hoặc toàn thế giới) như: chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật,... từ khởi nguyên đến ngày nay.

- Nội dung chính của thông sử:

+ Trình bày tổng hợp và toàn diện về lịch sử, thường chú trọng hơn vào các nhân vật, sự kiện và quá trình lịch sử được cho là quan trọng nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ và có ý nghĩa nhất trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hoá,... của một địa phương, một quốc gia hoặc toàn thế giới.

+ Khi trình bày thông sử, nguyên tắc lịch đại kết hợp đồng đại được đề cao, nhưng tính chất lịch đại thường nổi bật hơn. Tức là, các nhân vật, sự kiện, quá trình lịch sử quan trọng nhất sẽ được lựa chọn và trình bày theo thời gian lịch sử từ trước đến sau, từ xưa đến nay.

Câu 2 trang 9 Chuyên đề Lịch sử 10Theo em, những cuốn sách như trong Hình 6 (tr. 8) có phải là thông sử không? Vì sao?

Trả lời:

- Những cuốn sách như trong Hình 6 (tr. 8) là những cuốn sách thông sử, bởi những cuốn sách này đề cập đến tất cả các lĩnh vực đời sống trong quá khứ của đất nước Việt Nam và của thế giới từ khởi nguyên đến nay, cụ thể:

Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập khái quát tình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa,... của Việt Nam từ thời nguyên thủy cho đến năm 2000.

Word history khái quát về các lĩnh vực của lịch sử thế giới từ khởi nguyên đến nay.

3. Lịch sử theo lĩnh vực

Câu 1 trang 9 Chuyên đề Lịch sử 10: Giới thiệu khái quát một số lĩnh vực của lịch sử.

Trả lời:

- Một số lĩnh vực của lịch sử: lịch sử chính trị, lịch sử quân sự, lịch sử kinh tế, lịch sử văn hoá, lịch sử xã hội, lịch sử tư tưởng, lịch sử khoa học và công nghệ, lịch sử giáo dục, lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng, lịch sử văn học, lịch sử ngoại giao,...

Câu 2 trang 9 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy giải thích ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực.

Trả lời:

- Ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực:

+ Việc nghiên cứu lịch sử theo lĩnh vực mang lại cho người đọc nhận thức sâu sắc, cụ thể về một lĩnh vực nào đó;

+ Là một cơ sở giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ hơn toàn bộ lịch sử của địa phương, quốc gia - dân tộc, khu vực hoặc thế giới.

4. Lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới

Câu 1 trang 10 Chuyên đề Lịch sử 10: Nêu khái niệm và nội dung chính của lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới.

Trả lời:

- Lịch sử dân tộc:

+ Khái niệm: Lịch sử dân tộc là lịch sử của một cộng đồng quốc gia - dân tộc, sinh sống trên một lãnh thổ nhất định và được quản lí bởi một nhà nước thống nhất.

+ Nội dung chính: lịch sử chung của tất cả các địa phương, tất cả các cộng đồng người đã và đang sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia, bao trùm tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật,... từ thời nguyên thuỷ đến ngày nay.

- Lịch sử thế giới:

+ Khái niệm: Lịch sử thế giới là lịch sử của toàn nhân loại hoặc một số khu vực trên thế giới từ khi con người xuất hiện cho đến ngày nay.

+ Nội dung chính: thể hiện quá trình vận động của lịch sử nhân loại trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội,... Đó không phải là phép cộng đơn thuần của lịch sử các quốc gia, khu vực, cũng không giới hạn ở lịch sử của một số quốc gia hay khu vực nào đó được cho là có vai trò nổi bật, mà đó là lịch sử tương tác giữa nhiều chủ thể, nhiều quốc gia, dân tộc, xu hướng và lực lượng trong lịch sử.

Câu 2 trang 10 Chuyên đề Lịch sử 10Kể tên một số cuốn sách lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Trả lời:

- Một số cuốn sách lịch sử dân tộc:

+ Bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê biên soạn, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê (1675).

+ Sách Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập do GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm và PGS. Lê Mậu Hãn đồng chủ biên khái quát lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 2000.

+ Sách Sử Trung Quốc của của tác giả Nguyễn Hiến Lê khái lược về từng lĩnh vực của đất nước Trung Quốc trong các thời kì lịch sử.

- Một số cuốn sách lịch sử thế giới:

+ Cuốn sách Lịch sử thế giới cổ đại do GS. Lương Ninh chủ biên giới thiệu một thời gian dài của lịch sử loài người, từ khi con người xuất hiện trên Trái đất, đến tổ chức xã hội đầu tiên của loài người là thị tộc, bộ lạc, và cho đến hết thời Cổ đại.

+ Cuốn sách Lịch sử thế giới hiện đại do Nguyễn Anh Thái chủ biên khái quát lịch sử thế giới từ năm 1917 đến năm 2000.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

II. Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam

1. Lịch sử văn hóa Việt Nam

Câu 1 trang 13 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy cho biết đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hoá Việt Nam.

Trả lời:

Đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hoá Việt Nam:

- Đối tượng của lịch sử văn hoá Việt Nam: là toàn bộ đời sống văn hoá, bao gồm các thành tựu, giá trị, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam trong lịch sử.

- Phạm vi của lịch sử văn hoá Việt Nam: là toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam từ thời nguyên thuỷ đến ngày nay.

Câu 2 trang 13 Chuyên đề Lịch sử 10Em hãy chỉ rõ các thời kì phát triển của văn hoá Việt Nam và nêu nét chính của từng thời kì.

Trả lời:

- Các thời kì phát triển của văn hóa Việt Nam bao gồm: thời nguyên thủy, thời kì dựng nước, thời kì Bắc thuộc, thời kì quân chủ độc lập, thời kì cận đại (thời Pháp thuộc) và thời kì hiện đại (từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay).

Nét chính của từng thời kì:

- Thời nguyên thuỷ: Trên đất nước Việt Nam đã có con người sinh sống với những bằng chứng, dấu tích cư trú và lao động của con người từ thời kì đồ đá đã được tìm thấy có niên đại cách ngày nay từ khoảng 1 vạn đến 80 vạn năm.

- Thời kì dựng nước:

+ Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, từ gần 3 000 năm trước đã hình thành và phát triển ba trung tâm văn minh gắn với ba quốc gia là: Văn Lang - Âu Lạc ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (ra đời khoảng thế kỉ VII TCN), Lâm Ấp - sau này là Chăm-pa ở Trung Bộ (ra đời năm 192) và Phù Nam ở Nam Bộ (ra đời khoảng thế kỉ I).

+ Trải qua quá trình thích ứng, chế ngự thiên nhiên, tổ chức cuộc sống, các cộng đồng cư dân cổ ở Việt Nam đã kiến tạo cơ sở của nền văn hoá bản địa: sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước là chính; gắn bó với sông biển; tổ chức cộng đồng địa phương theo hình thức làng, bản; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên,... Trên cơ sở đó, họ đã tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá từ bên ngoài, nhất là từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Thời kì Bắc thuộc: Văn hóa truyền thống phát triển gắn liền với cuộc đấu tranh chống sự đồng hoá của người Hán, giữ gìn bản sắc văn hoá, đồng thời tiếp thu một số tinh hoa văn hóa Trung Hoa để làm giàu nền văn hóa dân tộc.

- Thời kì quân chủ độc lập (từ thế kỉ X):

+ Diễn ra quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá từ bên ngoài, gắn liền với việc chủ động bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.

+ Đến khoảng giữa thế kỉ XVI, văn hoá Việt Nam ngày càng tiếp xúc, giao lưu, chọn lọc và tiếp thu các thành tựu và tinh hoa văn hoá phương Tây.

Thời kì cận đại:

+ Quá trình giao lưu, tiếp biển văn hoá càng diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

+ Dân tộc Việt Nam tiếp tục đấu tranh bảo tồn các giá trị, truyền thống văn hoá tốt đẹp, đồng thời chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại.

- Thời kì hiện đại:

+ Xây dựng nền văn hoá Việt Nam mới theo ba nguyên tắc: dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá.

+ Những năm 1945 - 1975, đời sống văn hoá Việt Nam thấm đẫm tinh thần yêu nước và cách mạng, góp phần to lớn vào những chiến công hiển hách của dân tộc.

+ Từ năm 1986 - nay, văn hoá là nền tảng tinh thần, đồng thời là một nguồn lực phát triển quan trọng đang được toàn Đảng, toàn dân Việt Nam xây dựng và phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Lịch sử tư tưởng Việt Nam

Câu 1 trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy cho biết đối tượng, phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Trả lời:

- Đối tượng của lịch sử tư tưởng Việt Nam: là toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung và của từng cộng đồng người nói riêng. Trong đó, các tôn giáo, lí thuyết triết học, tư tưởng chính trị và các trường phái khoa học,... được xem là những hình thức thể hiện tiêu biểu nhất của tư tưởng, tạo nên bộ phận cốt lõi, có ảnh hưởng to lớn nhất trong đời sống tư tưởng của con người.

- Phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam:

+ Theo nghĩa rộng nhất, lịch sử tư tưởng Việt Nam bao gồm toàn bộ hoạt động nhận thức của con người Việt Nam về thế giới xung quanh, tức là toàn bộ đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong quá khứ.

+ Theo nghĩa hẹp, lịch sử tư tưởng Việt Nam tập trung nghiên cứu và tái hiện lịch sử các tôn giáo, tín ngưỡng, các lí thuyết triết học, tư tưởng chính trị và các tư tưởng khoa học, nghệ thuật và văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Câu 2 trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy giới thiệu nét chính của lịch sử tư tưởng Việt Nam qua các thời kì.

Trả lời:

- Thời kì dựng nước: nhiều tư tưởng về vai trò quan trọng của việc cần cù lao động, cùng nhau chung sống lương thiện, nhân ái, đoàn kết, dũng cảm đương đầu với thiên tai, địch hoạ của người Việt Nam được gửi gắm trong các truyền thuyết, huyền thoại. Đây là cơ sở, định hình bước đầu của tư tưởng truyền thống Việt Nam.

- Từ khoảng đầu Công nguyên đến giữa thế kỉ XIX:

+ Dân tộc Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc nhiều tư tưởng từ bên ngoài, làm giàu thêm kho tàng tư tưởng của dân tộc.

+ Dân tộc Việt Nam đã sáng tạo ra những trường phái tư tưởng của riêng mình, như Phật giáo Trúc Lâm (thời Trần) và Phật giáo Bửu Sơn Kì Hương (nửa đầu thế kỉ XIX).

- Thời kì cận đại và hiện đại: dân tộc Việt Nam lại tiếp nhận ảnh hưởng từ nhiều trường phái tư tưởng phương Tây và phương Đông:

+ Tư tưởng dân chủ, tự do của các nhà tư tưởng Pháp, Anh,... tiêu biểu nhất là tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp (1789).

+ Tư tưởng tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc)

+ Chủ nghĩa Mác - Lênin được tiếp thu và truyền bá ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

+ Quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.

=> Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và tinh thần nhân ái là những yếu tố cốt lõi nhất của lịch sử tư tưởng Việt Nam.

3. Lịch sử xã hội Việt Nam

Câu 1 trang 19 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy cho biết đối tượng của lịch sử xã hội Việt Nam.

Trả lời:

- Đối tượng của lịch sử xã hội Việt Nam: là toàn bộ đời sống xã hội loài người trong quá khứ, bao gồm:

+ Các cấu trúc xã hội, các giai cấp, tầng lớp, các tổ chức và các phong trào xã hội;

+ Các quan hệ xã hội, vai trò và vị thế của cá nhân và nhóm trong xã hội;

+ Các hình thức của phân biệt xã hội và kì thị xã hội;

+ Sự di động xã hội của cá nhân và nhóm,... 

Câu 2 trang 19 Chuyên đề Lịch sử 10Hãy tóm tắt nét chính của lịch sử xã hội Việt Nam.

Trả lời:

Những nét chính của lịch sử xã hội Việt Nam:

- Giá trị chủ đạo: Yêu nước, đoàn kết và khoan hoà, nhân ái.

- Cơ sở nền tảng: Sự tồn tại bền vững của cộng đồng địa phương; vai trò của gia đình; phân hoá xã hội không triệt để.

- Xã hội qua các thời kì:

+ Thời kì cổ - trung đại (xã hội truyền thống): Gồm: sĩ - nông - công - thương. Xã hội hài hoà, tính di động xã hội khá cao.

+ Thời kì cận - hiện đại (xã hội hiện đại): Phân hoá giai cấp, phân tầng xã hội, phân nhóm ngày càng phức tạp. Nhiều hình thức xung đột xã hội; tính di động xã hội cao.

4. Lịch sử kinh tế Việt Nam 

Câu 1 trang 21 Chuyên đề Lịch sử 10Giải thích đối tượng của lịch sử kinh tế Việt Nam.

Trả lời:

- Đối tượng của lịch sử kinh tế Việt Nam , bao gồm toàn bộ:

+ Các hoạt động sản xuất, kinh doanh;

+ Các ngành và lĩnh vực kinh tế;

+ Các phương thức sản xuất, bao gồm cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

+ Các tổ chức kinh tế và các sản phẩm của lao động sản xuất,...

Câu 2 trang 21 Chuyên đề Lịch sử 10Tóm tắt nét chính về lịch sử kinh tế Việt Nam qua các thời kì.

Trả lời:

Những nét chính về lịch sử kinh tế Việt Nam qua các thời kì.

- Thời kì cổ đại: Nền kinh tế sơ khai: kinh tế tự nhiên, nông nghiệp trồng lúa nước, giao lưu thương mại (sơ khai).

- Thời kì trung đại: Nền kinh tế truyền thống: nông nghiệp trồng lúa nước, thủ công nghiệp, thương nghiệp (hạn chế).

- Thời kì cận đại: Nền kinh tế thuộc địa:

+ Nông nghiệp trồng lúa nước, công nghiệp, thương nghiệp.

+ Yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại đan xen.

- Thời kì hiện đại: Nền kinh tế hiện đại:

+ Trước năm 1986: từng bước xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

+ Từ năm 1986 đến nay: chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế nhiều thành phần, mở, năng động hơn.

- CÂU HỎI CUỐI BÀI

Luyện tập 1 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Lập bảng thống kê những hình thức trình bày lịch sử và nêu ví dụ cụ thể.

Trả lời:

Bảng thống kê những hình thức trình bày lịch sử:

Hình thức trình bày

Ví dụ cụ thể

Cách trình bày truyền thống

Dạng chữ viết

- Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu

- Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử gia thời Lê

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục co Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn…

Truyện kể

- Truyền thuyết Thánh Gióng

- Con ngựa thành Tơ-roa…

Lễ hội

- Lễ cày tịch điền Đọi Sơn

- Lễ hội đền Gióng…

Phim, kịch…

Thái sư Trần Thủ Độ (đạo diễn Đào Duy Phúc)

Đường lên Điện Biên (đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng)

Thông sử

- Sách Đại Cương Lịch sử Việt Nam toàn tập (Tác giả: GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn đồng chủ biên)

Lịch sử theo

lĩnh vực

Lịch sử văn hóa

- Sách Việt Nam văn hoá sử cương (Tác giả: GS. Đào Duy Anh)

Lịch sử xã hội

- Sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (tác giả Lê Nguyễn)

Lịch sử kinh tế

- Sách Cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858 - 1945) của Nguyễn Văn Khánh

Lịch sử tư tưởng

- Sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Tác giả: ThS. Hoàng Ngọc Vĩnh)

Luyện tập 2 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Tại sao thông sử là hình thức trình bày lịch sử phổ biến nhất?

Trả lời:

- Giải thích: Thông sử là hình thức trình bày lịch sử chung nhất, đề cập đến tất cả các lĩnh vực đời sống trong quá khứ của địa phương, quốc gia, khu vực hoặc toàn thế giới) như: chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật,... từ khởi nguyên đến ngày nay. => Do ưu điểm trình bày nhiều tri thức tổng quan, toàn diện, đầy đủ về quá trình lịch sử, nên thông sử thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Luyện tập 3 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy cùng nhóm bạn tìm hiểu và giới thiệu về một bộ thông sử Việt Nam hoặc thế giới.

Trả lời:

(*) Lựa chọn: Giới thiệu sách Đại Việt sử kí toàn thư

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ quốc sử viết bằng chữ Hán của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương (năm 2879 TCN) đến năm 1675, đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.

- Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức năm 1697. Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.

- Bộ sử bắt đầu được Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan làm việc trong Sử quán dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (năm 1479).

- Đại Việt sử kí toàn thư gồm 15 quyển. Sau khi hoàn thành, Đại Việt sử ký toàn thư không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm:

+ Khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1663 - 1671) đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ, sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sĩ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1428 (đời vua Lê Thái Tổ) đến năm 1662 (đời vua Lê Thần Tông) nhà Hậu Lê. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở.

+ Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 (đời vua Lê Huyền Tông) đến năm 1675 (đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê). Bộ quốc sử này lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư, theo đúng tên mà sử gia Ngô Sĩ Liên cách đó gần hai thế kỷ đã đặt cho bộ sử của ông, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông (năm 1697).

- Sau khi xuất bản, Đại Việt sử ký toàn thư tiếp tục được tái bản bởi các hiệu in của chính quyền và tư nhân, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, trong nhiều thế kỷ sau. Nửa cuối thế kỷ 20, ở Việt Nam xuất hiện các bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư ra chữ quốc ngữ, phổ biến nhất là bản dịch dựa trên cơ sở bản in Nội các quan bản - hiện đang lưu giữ tại thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ ở Paris, do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội phát hành lần đầu năm 1993.

- Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú, không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Luyện tập 4 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Hãy thể hiện nét chính của lịch sử Việt Nam theo các lĩnh vực (văn hoá, tư tưởng, xã hội, kinh tế,...) trên trục thời gian.

Trả lời:

(*) Trục thời gian: lịch sử kinh tế Việt Nam

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam  - Kết nối tri thức (ảnh 1)

(*) Trục thời gian: Lịch sử văn hóa Việt Nam

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam  - Kết nối tri thức (ảnh 1)

(*) Trục thời gian: Lịch sử xã hội Việt Nam

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam  - Kết nối tri thức (ảnh 1)

(*) Trục thời gian: Lịch sử tư tưởng Việt Nam

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam  - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Vận dụng 1 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Thu thập sử liệu và trình bày một vấn đề của lịch sử Việt Nam theo một trong số các lĩnh vực chuyên biệt: văn hoá, tư tưởng, xã hội, kinh tế.

Trả lời:

(*) Lựa chọn: Tình hình kinh tế Việt Nam thời Bắc thuộc (thế kỉ II TCN - thế kỉ X)

Năm 179 TCN, Âu Lạc rơi vào ách cai trị của nước Nam Việt, mở đầu thời kì Bắc thuộc ở nước ta. Dưới ách cai trị của phong kiến phương Bắc, đời sống kinh tế của người Việt có nhiều biến chuyển:

- Về nông nghiệp:

+ Công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến thay thế công cụ sản xuất bằng đồng. Từ thời Âu Lạc, người Việt cổ đã nắm được kĩ thuật luyện sắt để chế tạo công cụ sản xuất, song đồ sắt thuở ấy còn ít, chưa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống xã hội. Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù chính quyền đô hộ nắm độc quyền về sắt, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế tạo và mua bán đồ sắt, nhưng nhân dân ta vẫn rèn đúc, chế tạo được nhiều công cụ bằng sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và cuộc sống. Đồ sắt được sử dụng ngày càng nhiều vào sản xuất, lấn dần các nông cụ bằng đồng, mặc dù công nghệ đúc đồng vẫn tiếp tục tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong việc chế tạo đồ dùng trong sinh hoạt. Trong các mộ cổ thuộc thời kỳ Bắc thuộc có rất ít vũ khí, công cụ bằng đồng. Nhiều vật dụng trong gia đình cũng được chế tạo bằng sắt (kiềng nấu bếp, đèn, đỉnh). Việc nhà Hán đặt chức thiết quan trông coi việc thu thuế sắt đã chứng tỏ từ đầu Công nguyên trở về sau, cư dân Việt cổ đã bước vào thời đại đồ sắt phát triển.

+ Cùng với việc sử dụng rộng rãi các công cụ sản xuất bằng sắt, kỹ thuật dùng trâu bò làm sức kéo trong nông nghiệp cũng ngày càng phổ biến, nhờ thế mà diện tích đất trồng trọt được mở rộng dần, các công trình thuỷ lợi có điều kiện phát triển. Dọc những con sông lớn như sông Hồng, sông Mã đã có đê phòng lụt. Nhiều kênh, ngòi, mương, máng được đào thêm hay nạo vét hàng năm. Giao Châu kí có ghi chép sự việc huyện Phong Khê (trung tâm Cổ Loa) có đê phòng lụt. Sách Nam Việt chí phản ánh việc Mã Viện “chất đá làm thành đê ngăn sóng biển” ở vùng Tạc Khẩu (Tam Điệp, Ninh Bình). Hậu Hán thư ghi lại sự việc Mã Viện “sửa sang kênh ngòi”. Biện pháp dùng các loại phân để bón ruộng (có thể cả phân bắc) cũng được thực hiện trong nông nghiệp.

+ Tất cả những biện pháp kỹ thuật nói trên được đưa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng năng suất lúa. Theo một số tài liệu cũ thì “lúa mỗi năm trồng hai lần về mùa hè và mùa đông, sản xuất từ Giao Chỉ, lúa Giao Chỉ chín hai mùa”.

Đầu thời Bắc thuộc, triều Tây Hán phải chở thóc gạo vào Giao Chỉ để cung cấp cho bọn quan lại đô hộ và quân lính chiếm đóng, thì đến thời Đông Hán, số thóc thuế mà chính quyền đô hộ đã vơ vét của nhân dân Giao Chỉ lên tới 13.600.000 hộc, tương đương 272.000 tấn thóc.

+ Ngoài lúa, nhân dân ta còn trồng nhiều loại hoa màu và các loại cây có củ như khoai, đậu, sắn, ngô. Ở mỗi vùng đất, tuỳ theo khí hậu, thổ nhưỡng, nhân dân ta trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, vải, chuối, cam, quýt, mơ, mận, táo, trầu, cau, khế v.v.. Cây công nghiệp thì có bông, mía, dâu. Việc trồng dâu nuôi tằm gắn liền với nghề nông nghiệp truyền thống lâu đời và nghề ươm tơ dệt lụa. Nhân dân ta bấy giờ còn biết trồng trọt và khai thác một số loại cây để làm thuốc (đậu khấu, ý dĩ, quế, gừng gió), cây lấy gỗ, làm các vật dụng trong đời sống, chăn nuôi trâu bò, chó, lợn, gà, vịt, voi, ngựa. Bên cạnh nghề làm ruộng, nghề làm vườn cũng khá phổ biến trong nhân dân.

- Trong thủ công nghiệp:

+ Kỹ thuật rèn sắt phát triển hơn trước công nguyên. Công cụ bằng sắt có nhiều loại đa dạng như rìu, mai, cuốc, dao, vũ khí, đèn, đinh và một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình.

+ Nghề đúc đồng vẫn tiếp tục nhưng chủ yếu chế tạo các đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân (nồi niêu, lư hương, đồ trang sức).

+ Nghề làm đồ gốm phát triển mạnh, nhiều loại đồ dùng trong nhà như nồi đất, vò, bình, bát, đĩa, đèn… được sản xuất ngày càng nhiều. Bên cạnh loại gốm trơn (thường) còn có loại gốm tráng men. Gạch ngói cũng có nhiều loại khác nhau (gạch thường, gạch hình múi bưởi để xây vòm cuốn, ngói bản, ngói ống…).

+ Nghề dệt vải, lụa, là những nghề thủ công gia đình phổ biến ở nhiều địa phương; các nghề mộc, đan lát, xây dựng nhà cửa cũng có bước phát triển đáng kể.

+ Việc khai thác vàng, bạc, châu ngọc trong nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhiều kiểu, loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế (vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai v.v...) chủ yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp thống trị và quý tộc.

+ Nghề mộc, đóng thuyền, nghề xây dựng chùa chiền, đền đài, lăng mộ cũng khá phát triển. Người thợ thủ công nước ta bấy giờ đã thể hiện là những người thợ có trình độ mỹ thuật cao và rất khéo tay. Dưới thời nhà Ngô đô hộ nước ta, hàng nghìn thợ thủ công đã bị bắt đưa sang Trung Quốc để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp, nhiều thợ thủ công bị trưng tập vào lao động trong các xưởng thủ công của chính quyền đô hộ. Đây là nguyên nhân làm chậm bước chuyên môn hoá để hình thành các làng và phường thủ công chuyên nghiệp, mặc dù đã có sự tách rời ít nhiều của một bộ phận lao động thủ công khỏi nông nghiệp.

+ Người Việt đã biết tiếp thu một số kỹ thuật công nghệ của các nước, đã làm nảy sinh thêm một số nghề thủ công mới như nghề làm giấy từ các nguyên liệu như rêu biển, vỏ cây, lá cây, nhất là sản xuất được giấy trầm hương có vân rất đẹp và có giá trị. Lái buôn Trung Quốc đã mua giấy trầm hương ở nước ta đem về Trung Quốc, vua nhà Tấn (cuối thế kỷ III) đã sai các quan lại Trung Quốc dùng giấy này để chép lại các sách Xuân thu và Kinh truyện để dâng vua. Từ thế kỷ IV, trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật chế tạo thuỷ tinh của Ấn Độ và một số nước, người Việt đã thổi được những bình, bát bằng thuỷ tinh nhiều màu sắc xanh, tía. Các nghề thủ công khác như mộc, sơn the, thuộc da, nấu rượu, làm cối, khánh đá cũng khá phát triển trong nhân dân.

- Về thương nghiệp:

+ Sự chuyển biến trong nông nghiệp và thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương nghiệp phát triển hơn trước. Mặt khác, sự phong phú về tài nguyên và nhiều đặc sản của vùng nhiệt đới đã thu hút nhiều lái buôn nước ngoài đến nước ta, làm cho việc buôn bán ở Việt Nam thời Bắc thuộc thêm phần phát triển.

+ Nhu cầu của việc vận chuyển vật cống, thuế khóa thu được ở nước ta về Trung Quốc cũng đã thúc đẩy chính quyền đô hộ chăm lo đến việc sửa chữa, xây đắp đường sá, dẫn đến sự thông thương giữa các quận trong nước và giữa nước ta với Trung Quốc. Cuối thế kỷ I, con đường dọc sông Thương sang Trung Quốc được xây đắp. Từ trung tâm Luy Lâu, Long Biên có đường thuỷ ngược xuôi các ngả nối liền các vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nhiều con đường bộ liên vùng theo các hướng Tây - Tây Nam - Đông Bắc và Nam - Tây Nam - Bắc - Đông Bắc gặp nhau ở trung tâm Luy Lâu và nhiều đường bộ khác trong 3 quận, cùng với đường biển được mở mang càng làm cho việc buôn bán trong nước và với nước ngoài, nhất là với Trung Quốc khá phát triển. Hàng hoá bán ra các nước chủ yếu là hương liệu, lâm sản quý, vải, gấm, giấy bản, đường. Hàng hoá nhập vào gồm nhiều chủng loại nhưng đại bộ phận là các hàng xa xỉ phẩm, phục vụ cho bọn quan lại đô hộ và tầng lớp quý tộc giàu có.

+ Tuy nhiên, chính quyền đô hộ và bọn lái buôn người nước ngoài đã lũng đoạn nền thương mại ở nước ta thời bấy giờ. Sự phát triển ngoại thương càng làm giàu thêm cho bọn đô hộ, nhân dân bản địa phải chịu thêm ách lao dịch, bóc lột nặng nề. Dù là vậy, việc đẩy mạnh quan hệ giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong nước (ở Châu Giao) và giữa Châu Giao với các nước quanh vùng cũng đã có tác dụng nhất định trong việc kích thích nền kinh tế ở Châu Giao phát triển.

Kết luận: Nhìn chung, kinh tế Việt Nam thời kì Bắc thuộc có nhiều chuyển biến và có bước phát triển mới, nhưng sự phát triển kinh tế chủ yếu nhằm phục vụ cho chính quyền đô hộ phương Bắc. Đời sống của nhân dân ta vẫn khổ cực.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 22 Chuyên đề Lịch sử 10: Giả sử lớp em được giao nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của ngôi trường các em đang học tập. Hãy cùng thảo luận và xác định một số vấn đề sau đây rồi báo cáo trước lớp:

- Em sẽ lựa chọn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu này theo hình thức nào: thông sử hay theo lĩnh vực?

- Đối tượng, phạm vi của vấn đề nghiên cứu là gì?

- Nêu nội dung cơ bản của vấn đề nghiên cứu.

- Hoàn thiện kết quả nghiên cứu của nhóm và báo cáo trước lớp.

Trả lời:

Ví dụ: Tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

- Hình thức triển khai nhiệm vụ: trình bày theo thông sử.

Đối tượng nghiên cứu: trường THPT Chu Văn An.

- Phạm vi nghiên cứu: các lĩnh vực của nhà trường (cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, hệ thống lớp học, kết quả đào tạo,...) từ khi thành lập đến nay.

- Nội dung cơ bản của vấn đề nghiên cứu: quá trình hình thành và phát triển của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Kết quả nghiên cứu: bài báo cáo về lịch sử hình thành và phát triển của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

(*) Bài tham khảo:

Trường THPT Chu Văn An (tiền thân là trường Bưởi) được chính quyền Pháp thành lập năm 1908. Hơn một thế kỉ đã trải qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, tên gọi trường Bưởi - Chu Văn An vẫn luôn hiện hữu trong trái tim biết bao thế hệ học trò, thầy cô giáo, và trong cả tấm lòng của người dân Thủ đô với hình ảnh một ngôi trường yên bình, thơ mộng, ghi dấu trong tâm thức mỗi người như chiếc nôi của truyền thống “Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi”.

Về cơ sở vật chất: trường THPT Chu Văn An có cơ sở vật chất pha trộn giữa phong cách kiến trúc của các nhà học kiểu Pháp đã gần 100 năm tuổi với các công trình mới được xây dựng trong thời gian gần đây nằm trong dự án xây dựng trường điểm quốc gia của chính phủ. Hệ thống nhà học gồm 3 dãy nhà 3 tầng là nhà A, B và E, 2 dãy nhà 1 tầng là nhà C và D đã được xây dựng từ thời Pháp và liên tục được cải tạo trên cơ sở giữ nguyên những nét kiến trúc cổ và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Phục vụ cho công tác thực hành thực nghiệm, trường có một nhà học thực nghiệm (nhà T) gồm phòng đa phương tiện (multimedia), phòng đựng giáo cụ trực quan và đồ thí nghiệm, phòng thí nghiệm, một nhà Hội đồng sư phạm (nhà S) gồm phòng Hội đồng các phòng học tiếng và tin học. Về mảng tự học và ngoại khóa của học sinh, trường có một thư viện, phòng truyền thống, một hội trường hiện đại với 200 chỗ ngồi tên là Hội trường Thăng Long, khu nhà thi đấu và các khu luyện tập thể chất ngoài trời, một sân bóng đá, một sân bóng rổ, và vườn trường. Ngoài ra trường còn có ký túc xá dành cho các học sinh ở xa và 3 căng tin: hai căng tin mới ở nhà K (ký túc xá) và căng tin cũ cạnh nhà I (nhà tập). Sân vận động của trường từ 3 sân đất đã được tu sửa trở thành 3 sân cỏ nhân tạo và 1 sân quần vợt, 1 sân bóng rổ. Sân cỏ sau nhà A cũng được xây thành sân bê tông dành cho môn bóng rổ.

Toà nhà cổ kính và đẹp nhất của trường là khu thư viện hay được gọi với cái tên Nhà Bát Giác, được xây dựng từ năm 1898. Ngày nay phòng đọc đã được di chuyển xuống tầng hầm, các tầng còn lại được sử dụng làm phòng hiệu trưởng, phòng học đàn và phòng vi tính. Phòng truyền thống của trường vốn ở nhà Bát Giác đã được chuyển tới tòa nhà nằm sau khu Hội trường Thăng Long. Đây nguyên là nơi ở của ông hiệu phó trường trung học bảo hộ mới được xây dựng lại năm 2006. Ngày 19 tháng 1 năm 2007, trường đã khánh thành bức tượng Danh sư Chu Văn An, một trong các công trình chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 100 năm trường Bưởi - Chu Văn An. Ngày 5 tháng 9 năm 2019, trong khuôn khổ lễ khai giảng năm học 2019 - 2020, trường đã khánh thành bức tượng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Về cơ cấu tổ chức: Trường được tổ chức với mô hình ban giám hiệu điều hành và quản lý chung với một hiệu trưởng và hai hiệu phó. Công tác giáo dục được phân chia thành 15 bộ môn riêng biệt: Công nghệ, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Hóa học, Lịch sử, Văn học, Sinh học, Thể dục, Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tin học, Toán học, Vật lí, Địa lí và khối Song bằng. Ngoài ra còn các phòng ban thực hiện công tác phục vụ vận hành trường gồm: Văn thư, Thí nghiệm, Thư viện, Bảo vệ, Quản trị, Lao công và Y tế.

Về hệ thống lớp học:

Tính cho đến niên khóa 2007 - 2010, hệ thống lớp học của trường Chu Văn An bao gồm có 11 lớp chuyên: Toán, Lý, Hóa, Tin, Văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, Địa, Sử và Sinh. Đây là các lớp được dạy tăng cường (số tiết, khối lượng kiến thức nhiều hơn so với các lớp còn lại) các môn chuyên tương ứng. Học sinh của các lớp chuyên hàng năm có thể tham gia các kì thi học sinh giỏi cấp trường và thành phố. Ngoài ra, trường còn có 1 lớp song ngữ tiếng Pháp (F): đây là lớp thuộc hệ thống lớp song ngữ do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ và đào tạo, học sinh sẽ được dạy các môn chính khóa song song tiếng Pháp và tiếng Việt. Ngoài các lớp chuyên trên, trường Chu Văn An còn có 7 lớp đào tạo chất lượng cao (từ A1 đến A7).

Từ niên khóa 2007 - 2010, Chu Văn An là trường trung học phổ thông đầu tiên tại Hà Nội mở lớp tiếng Nhật, đây là đề án hợp tác của Bộ Giáo dục Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Trong thời gian Bộ Giáo dục còn sử dụng hệ thống giáo dục phân ban (ban Tự nhiên - ban Xã hội) thì hệ thống lớp không chuyên của Chu Văn An được chia thành các lớp A (ban Tự nhiên - ban A) và các lớp C (ban Xã hội - ban C).

Trong niên khóa 2009 - 2012, nhà trường bắt đầu triển khai hệ thống lớp học mới, chia các lớp thành hai nhóm lớp chuyên và không chuyên. Nhóm lớp chuyên có các lớp: Toán, Tin, Nhật, Anh, Văn, Sử, Địa, Pháp 1, Pháp 2 (tăng cường), Lý (từ khóa 2011 - 2014), Hóa (từ khóa 2011 - 2014), Sinh (từ khóa 2011 - 2014). Nhóm lớp không chuyên có các lớp: A1, A2 theo định hướng khối A và D1, D2, D3 theo định hướng khối D.

Từ niên khóa 2017 - 2018, trường THPT Chu Văn An là trường công lập đầu tiên thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài.

Về kết quả đào tạo: Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh thường xấp xỉ 100%, tỷ lệ đỗ đại học trên 70%, trường Chu Văn An được coi là cơ sở đào tạo cấp phổ thông trung học có chất lượng cao ở Hà Nội và Việt Nam. Học sinh Chu Văn An luôn có thành tích tốt trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Trong các kì thi Olympic Toán Quốc tế, học sinh Chu Văn An đạt được nhiều huy chương bạc, đồng.

Đánh giá

0

0 đánh giá