Giải Chuyên đề Sinh học 11 Cánh diều Ôn tập chuyên đề 3

1.7 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Sinh học lớp 11 Ôn tập chuyên đề 3 sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Sinh học 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Sinh học 11 Ôn tập chuyên đề 3

Câu hỏi 1 trang 73 Chuyên đề Sinh học 11Các nhận định dưới đây về vệ sinh an toàn thực phẩm là đúng hay sai? Giải thích.

(1) Thực phẩm đun sôi kĩ sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

(2) Động vật vừa bị chết do bệnh có thể sử dụng để chế biến thực phẩm nếu nấu chín kĩ.

(3) Thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh sẽ không bị nhiễm tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.

(4) Bao bì (chai, can, túi) đựng thực phẩm có thể rửa sạch để tái sử dụng đựng thực phẩm.

Lời giải:

(1) Sai. Không phải cứ đun sôi kĩ thực phẩm sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ví dụ như thực phẩm chứa sẵn chất độc thì việc đun sôi kĩ cũng không loại bỏ được chất độc.

(2) Sai. Vì trong động vật bị bệnh có chứa các mầm bệnh, các mầm bệnh này có thể lây truyền cho người chế biến hoặc có những mầm bệnh có thể sống ở nhiệt độ cao thì việc nấu chín cũng không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

(3) Sai. Vì nếu trong thực phẩm đó đã có tác nhân gây ngộ độc thì bảo quản trong ngăn đá cũng sẽ không loại bỏ hết được hoặc tác nhân gây ngộ độc có thể xâm nhiễm từ dụng cụ bao gói thực phẩm trong quá trình bảo quản.

(4) Sai. Việc có tái sử dụng được bao bì đựng thực phẩm hay không còn tuỳ thuộc vào chất liệu làm bao bì, có những loại có thể tái sử dụng được nhiều lần nhưng cũng có những loại chỉ sử dụng được 1 lần.

Câu hỏi 2 trang 73 Chuyên đề Sinh học 11: Tại sao thực phẩm cần được kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường? Theo em, thực phẩm cần được kiểm nghiệm những chỉ tiêu gì? Vì sao?

Lời giải:

- Thực phẩm cần được kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường vì để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, việc thực phẩm cần được kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường cũng sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó, tạo ra thế mạnh cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

- Thực phẩm cần được kiểm nghiệm những chỉ tiêu sau:

+ Hàm lượng các chất dinh dưỡng

+ Hàm lượng các loại kim loại nặng

+ Lượng virus, vi sinh vật gây bệnh

+ Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

+ Dư lượng thuốc thú y

+ Hàm lượng chất phụ gia thực phẩm

+ Ngoài ra, tuỳ loại thực phẩm thì có thêm các tiêu chí khác về các chất khác trong thực phẩm có thể gây hai đến sức khoẻ, tính mạng của con người.

Câu hỏi 3 trang 73 Chuyên đề Sinh học 11Nêu một số đặc điểm mà dựa vào đó em có thể nhận biết và lựa chọn thực phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, đồ hộp,...) an toàn cho sức khỏe.

Lời giải:

Một số đặc điểm mà dựa vào đó em có thể nhận biết và lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khỏe:

- Cần chọn loại tươi sạch, không có các dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng, kể cả vỏ đồ hộp đựng thực phẩm,… so với bình thường.

- Đối với những thực phẩm được đóng gói sẵn, cần chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; phải còn nguyên tem mác thể hiện đầy đủ các thông tin của sản phẩm như nhà sản xuất, ngày sản xuất, lô sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thành phần cấu tạo chính của sản phẩm, ngày hết hạn.

Câu hỏi 4 trang 73 Chuyên đề Sinh học 11Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, cần thực hiện những biện pháp gì và vai trò của các biện pháp đó trong các trường hợp sau:

a) Sản xuất (nuôi trồng động, thực vật)

b) Bảo quản thực phẩm

c) Chế biến thực phẩm

Lời giải:

Trường hợp

Biện pháp

Vai trò của biện pháp

a) Sản xuất (nuôi trồng động, thực vật)

- Chọn giống an toàn, sạch bệnh.

- Đảm bảo môi trường nuôi trồng an toàn, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm bởi các tác nhân như kim loại nặng, hoá chất công nghiệp, kí sinh trùng, virus,…

- Sử dụng các loại thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học, kháng sinh,… được cấp phép và sử dụng đúng về liều lượng, đảm bảo thời gian cách li.

Đảm bảo cho các nguyên liệu thực phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứa các tác nhân gây hại cho sức khoẻ của con người.

b) Bảo quản thực phẩm

- Thực phẩm sau khi nấu, không ăn luôn cần được đậy kín, không cho ruồi, bọ, gián,... tiếp xúc với thực phẩm.

- Đảm bảo các dụng cụ chứa đựng, bao gói an toàn, không thôi nhiễm, không thủng, rò rỉ, có nắp kín, dễ dàng vệ sinh.

- Không để ô nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào thực phẩm chín hoặc ô nhiễm từ môi trường vào thực phẩm.

- Không dùng các hoá chất, phương pháp bảo quản trái quy định.

- Đối với thức ăn còn dư, muốn giữ lại cần bảo quản nóng (gần hoặc trên 60°C) hoặc bảo quản lạnh (gần hoặc dưới 10°C). Sau bảo quản, đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn.

- Đảm bảo với mỗi loại thực phẩm đều được bảo quản theo quy định riêng, tránh hư hỏng, ẩm mốc.

Đảm bảo cho các nguyên liệu thực phẩm chưa qua chế biến hoặc thực phẩm đã qua chế biến không bị nhiễm các tác nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian bảo quản.

c) Chế biến thực phẩm

- Sử dụng nguyên liệu an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sử dụng nguồn nước sạch. Sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến đúng quy định.

- Người chế biến cần đảm bảo vệ sinh cá nhân: trang phục gọn gàng, sạch sẽ khi chế biến thực phẩm; không tiếp xúc với thực phẩm khi đang mắc các bệnh truyền nhiễm; không khạc nhổ, hút thuốc,... trong khi tiếp xúc gần thực phẩm hoặc các khu vực chế biến, ăn uống; rửa tay đúng cách và đúng thời điểm; không dùng tay không trực tiếp bốc, chia thực phẩm;…

- Dụng cụ chế biến an toàn: phải được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo; sử dụng các loại dụng cụ không gây ô nhiễm các chất hoá học từ dụng cụ vào thực phẩm; không dùng chung dụng cụ cho thực phẩm sống và chín;…

- Khu vực chế biến an toàn: gọn gàng, sạch sẽ, khô ráo, không ẩm mốc.

- Thực hiện sơ chế, chế biến phù hợp với từng loại thực phẩm nhất là những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như cá nóc, cóc, sắn, măng,...

- Nấu chín kĩ trước khi ăn. Ăn ngay sau khi nấu chín.

- Rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng. Không nên ăn các thực phẩm sống, tái, gỏi.

Đảm bảo cho các thực phẩm sau chế biến không bị nhiễm các tác nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trinh chế biến.

Câu hỏi 5 trang 73 Chuyên đề Sinh học 11Khi phát hiện có người bị ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nôn và tiêu chảy, các cách xử lí dưới đây là đúng hay sai? Giải thích

(1) Uống thuốc chống nôn, chống tiêu chảy.

(2) Uống nhiều dung dịch oresol.

(3) Tự điều trị bằng các bài thuốc dân gian.

(4) Ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, bù lại lượng dinh dưỡng đã mất.

Lời giải:

(1) Sai. Phản ứng nôn và tiêu chảy là phản ứng phản vệ của cơ thể chống lại chất độc và đào thải chất độc ra ngoài, do đó, việc uống thuốc chống nôn, chống tiêu chảy ngay lập tức sẽ không có lợi. Việc uống thuốc chống nôn, chống tiêu chảy chỉ được thực hiện khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

(2) Đúng. Vì oresol giúp bù nước và chất điện giải rất cần thiết khi bệnh nhân gặp tình trạng nôn và tiêu chảy.

(3) Sai. Vì các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng về tính an toàn và hiệu quả, do đó, nếu bị ngộ độc thực phẩm đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

(4) Sai. Vì ăn thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng trong trường hợp này sẽ tạo áp lực lên hệ thống tiêu hóa dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu; trong trường hợp này, chỉ nên ăn các chất dễ hấp thụ như cháo loãng, nước canh, nước hầm, chuối,...

Câu hỏi 6 trang 73 Chuyên đề Sinh học 11Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và phụ gia thực phẩm thường được sử dụng trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm. Vai trò của những chất này đối với quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm là gì? Khi sử dụng chúng cần chú ý những gì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Lời giải:

- Vai trò của những chất trên:

+ Thuốc bảo vệ thực vật giúp phòng, trừ sinh vật hại cây trồng và nông sản, kích thích cây trồng sinh trưởng, từ đó, giúp nâng cao năng suất cây trồng.

+ Thuốc thú y giúp nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị dịch bệnh cho vật nuôi, đảm bảo vật nuôi tăng trưởng và phát triển ổn định.

+ Phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của thực phẩm.

- Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và phụ gia thực phẩm cần lưu ý:

+ Sử dụng đúng loại được cấp phép và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

+ Sử dụng đúng liều lượng và quy trình theo chỉ dẫn của nhà sản xuất hoặc những người có chuyên môn (kĩ sư nông nghiệp, bác sĩ thú y).

+ Đảm bảo đủ thời gian cách li an toàn.

Xem thêm các bài giải chuyên đề học tập Sinh học lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Ôn tập chuyên đề 2

Bài 8: Vệ sinh an toàn thực phẩm và nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Bài 9: Tác hại của mất vệ sinh an toàn thực phẩm | Cách phòng và điều trị ngộ độc thực phẩm

Bài 10: Dự án điều tra về hiện trạng an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương

Ôn tập chuyên đề 3

Đánh giá

0

0 đánh giá