Lý thuyết Địa lí 10 Bài 20 (Chân trời sáng tạo 2024): Cơ cấu dân số

6.5 K

Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 20: Cơ cấu dân số sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 10.

Địa lí lớp 10 Bài 20: Cơ cấu dân số

Video giải Địa lí 10 Bài 20: Cơ cấu dân số - Chân trời sáng tạo

A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 20: Cơ cấu dân số

I. CƠ CẤU SINH HỌC

1. Cơ cấu dân số theo giới

- Có 2 cách tính: một là phân chia tổng dân số thành tỉ lệ giới nam và nữ; hai là tương quan tỉ số giới tính nam so với 100 nữ.

- Cơ cấu dân số theo giới biến động theo thời gian khác nhau ở từng nước, từng khu vực, châu lục.

Lý thuyết Bài 20: Cơ cấu dân số - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

2. Cơ cấu dân số theo tuổi

- Là tập hợp những nhóm người được sắp xếp theo những nhóm tuổi nhất định. Dựa vào khoảng cách tuổi chia thành hai loại:

+ Độ tuổi có khoảng cách đều nhau: có thể là 1 năm, 5 năm hoặc 10 năm (khoảng cách 5 năm được sử dụng nhiều hơn).

+ Độ tuổi có khoảng cách không đều nhau và thường chia thành 3 nhóm tuổi gồm 0 - 14 tuổi, 15 - 64 tuổi và từ 65 tuổi trở lên.

- Căn cứ vào tỉ lệ dân số của ba nhóm tuổi để xác định các cơ cấu dân số các nước già hay trẻ.

+ Cơ cấu dân số trẻ: tỉ lệ người trong độ tuổi từ 0 -14 tuổi > 35% và tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm < 7% số dân cả nước (thường là các nước đang phát triển).

+ Cơ cấu dân số già: tỉ lệ người trong độ tuổi từ 0 -14 tuổi 30 - 35% và tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên > 7% số dân cả nước (thường là các nước phát triển).

- Tháp dân số: biểu hiện cơ cấu sinh học của dân số, có ba kiểu tháp cơ bản: mở rộng, thu hẹp, ổn định.  Phản ánh cơ cấu tuổi, giới tính trong hiện tại và sự phát triển dân số trong tương lai của mỗi lãnh thổ.

+ Kiểu mở rộng: dáng nhọn, đáy rộng, càng về đỉnh tháp càng hẹp; thể hiện tỉ suất sinh cao, tỉ suất tử thấp, tuổi thọ trung bình thấp, dân số tăng nhanh, phần lớn dân thuộc nhóm tuổi trẻ (thường là các nước chậm phát triển).

+ Kiểu ổn định: dáng nhọn, chiều cao lớn hơn; thể hiện tỉ suất sinh cao, tỉ suất tử thấp, tuổi thọ trung bình đang tăng dần (thường là các nước đang phát triển).

+ Kiểu thu hẹp: không còn dáng nhọn, đáy tháp hẹp lại; sự chênh lệch độ rộng giữa đáy và đỉnh tháp không đáng kể; thể hiện tỉ suất sinh và tử đều thấp, tuổi thọ trung bình cao (thường là các nước phát triển).

Lý thuyết Bài 20: Cơ cấu dân số - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

II. CƠ CẤU XÃ HỘI

Cơ cấu dân số về mặt xã hội phản ánh những khía cạnh xã hội của dân cư ở một lãnh thổ và bao gồm một số loại như cơ cấu dân số theo lao động, cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá,...

1. Cơ cấu dân số theo lao động

Cơ cấu dân số theo lao động cho biết nguồn lao động và dân số hoạt động theo khu vực kinh tế.

a. Nguồn lao động

- Là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, bao gồm bộ phận dân số trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. Chia thành hai nhóm: dân số hoạt động kinh tế và dân số không hoạt động kinh tế.

- Nguồn lao động chiếm khoảng 41,6% tổng số dân thế giới, số dân hoạt động kinh tế ở các nước dao động từ 25% đến 50% tổng số dân.

b. Dân số hoạt động theo khu vực kinh tế

- Là sự phân chia hoạt động kinh tế của dân số theo ba khu vực: khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản); khu vực II (công nghiệp và xây dựng); khu vực III (dịch vụ). Phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế thay đổi theo thời gian ở từng quốc gia, từng khu vực trên thế giới. Ở các nước đang phát triển, lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỉ lệ cao và đang có xu hướng giảm, tỉ lệ lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đang có xu hướng tăng; ở các nước phát triển, tỉ lệ lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng tăng.

Lý thuyết Bài 20: Cơ cấu dân số - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

2. Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá

- Phản ánh trình độ dân trí và học vấn của dân cư, là tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống của một quốc gia. Xác định dựa vào:

- Tỉ lệ người biết chữ (của nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên).

- Số năm đi học trung bình (của nhóm dân số từ 25 tuổi trở lên).

- Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá có sự khác nhau giữa các nước, các khu vực trên thế giới, giữa thành thị và nông thôn.

B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 20: Cơ cấu dân số

Câu 1. Nhân tố nào sau đây không ảnh hưởng đến cơ cấu theo giới?

A. Tuổi thọ.

B. Thiên tai.

C. Chuyển cư.

D. Kinh tế.

Đáp án: B

Giải thích: Cơ cấu dân số theo giới tính biến động theo thời gian và khác nhau ở từng nước, từng khu vực. Cơ cấu dân số theo giới tính chịu tác động của các nhân tố kinh tế, tuổi thọ và chuyển cư. Ví dụ: Ở những vùng nhập cư thường nam nhiều hơn nữ và ngược lại hay ở nhóm tuổi trên 65 nữ thường nhiều hơn nam,…

Câu 2. Nguyên nhân nào sau đây là chủ yếu nhất làm tăng tỉ số giới trong một thời gian tương đối dài ở các quốc gia?

A. Bệnh tật.

B. Tai nạn.

C. Chiến tranh.

D. Thiên tai.

Đáp án: C

Giải thích: Nguyên nhân chủ yếu nhất làm tăng tỉ số giới trong một thời gian tương đối dài ở các quốc gia là do ảnh hưởng của chiến tranh, giới nam tham gia chiến tranh và chết nhiều nên mất cân bằng giới tính; sau giải phóng có thời điểm sinh bù nên mất cân bằng giới tính (thường giới nam nhiều hơn giới nữ),…

Câu 3. Nguyên nhân nào sau đây có tác động mạnh mẽ nhất làm cho ở các nước phát triển có nữ nhiều hơn nam?

A. Kinh tế.

B. Tuổi thọ.

C. Tự nhiên.

D. Tập quán.

Đáp án: B

Giải thích: Nguyên nhân có tác động mạnh mẽ nhất làm cho ở các nước phát triển có nữ nhiều hơn nam là tuổi thọ. Ở các nước phát triển gia tăng tự nhiên thấp, số trẻ em sinh ra ít nhưng nhờ sự phát triển của nền kinh tế, y học, giáo dục, dinh dưỡng,… nên tuổi thọ của người dân ngày càng tăng nhưng do lao động nam thường làm việc trong môi trường nặng nhọc, môi trường độc hại nên tuổi thọ thấp hơn lao động nữ.

Câu 4. Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá phản ánh

A. học vấn và nguồn lao động.

B. trình độ dân trí và học vấn.

C. dân trí và người làm việc.

D. nguồn lao động và dân trí.

Đáp án: B

Giải thích: Cơ cấu dân số theo trình độ văn hoá là một trong những thước đo quan trọng phản ánh trình độ dân trí, trình độ học vấn, chất lượng dân số ở mỗi quốc gia. Trình độ văn hoá của dân cư đã được cải thiện đáng kể. Tỉ lệ biết chữ của thế giới năm 2019 là 86,5 % (tăng 2,5 % so với năm 2010).

Câu 5. Tỉ số giới tính được tính bằng

A. số nam trên số nữ.

B. số nữ trên tổng dân.

C. số nam trên tổng dân.

D. số nữ trên số nam.

Đáp án: A

Giải thích: Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 - 106/100 trẻ em gái -> Tỉ số giới tính được tính bằng số nam trên số nữ.

Câu 6. Tháp dân số của một nước thể hiện

A. Tỷ suất sinh và tỷ suất tử hằng năm.

B. Tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên.

C. Tỷ lệ tăng dân số cơ học.

D. Tỷ lệ các nhóm tuổi và giới tính.

Đáp án: D

Giải thích: Để biểu hiện cơ cấu sinh học của dân số, người ta thường sử dụng tháp dân số. Có ba kiểu tháp dân số cơ bản: kiểu mở rộng, kiểu thu hẹp và kiểu ổn định. Mỗi kiểu tháp dân số có những đặc điểm riêng về hình dạng phản ánh cơ cấu tuổi, giới tính trong hiện tại và sự phát triển dân số trong tương lai của mỗi lãnh thổ.

Câu 7. Chính sách dân số mà một số nước đang thực hiện nhằm mục đích nào sau đây?

A. Điều chỉnh sự gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học.

B. Điều chỉnh cho tỉ lệ tử giảm xuống ở mức thấp nhất.

C. Phát triển dân số phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế.

D. Làm giảm tỉ lệ sinh tăng ở mức phù hợp với dân số.

Đáp án: C

Giải thích: Chính sách dân số mà một số nước đang thực hiện nhằm mục đích điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế.

Câu 8. Kết cấu dân số theo khu vực kinh tế là một thước đo

A. tổ chức đời sống xã hội.

B. trình độ phát triển kinh tế

C. đặc điểm sinh của dân số.

D. trình độ quản lí nhà nước.

Đáp án: B

Giải thích: Kết cấu dân số theo khu vực kinh tế là tỉ trọng lao động trong các khu vục kinh tế (nông -lâm - ngư nghiệp, công nghiệp -xây dựng, dịch vụ). Vì vậy, dựa vào tỉ trọng lao động phân bố ở các khu vực kinh tế có thể biết được trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Ví dụ: Lao động khu vực nông - lâm - ngư - nghiệp cao, công nghiệp xây dựng và dịch vụ thấp chứng tỏ nền kinh tế phát triển ở trình độ thấp; Lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cao thể hiện trình độ phát triển kinh tế cao.

Câu 9. Cơ cấu theo giới không ảnh hưởng đến

A. đời sống xã hội.

B. phân bố sản xuất.

C. tuổi thọ dân cư.

D. phát triển sản xuất.

Đáp án: C

Giải thích: Cơ cấu dân số theo giới tính có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, phân bố sản xuất và tổ chức đời sống xã hội của mỗi quốc gia.

Câu 10. Ở Trung Quốc tỉ lệ giới nam lớn hơn giới nữ là do nguyên nhân chủ yếu nào sau đây?

A. Chiến tranh.

B. Tuổi thọ nữ cao.

C. Chuyển cư.

D. Tâm lý xã hội.

Đáp án: D

Giải thích: Ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng lâu dài của hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu (Nho giáo), trọng nam khinh nữ; mặt khác cùng với sự phát triển của công nghệ và chính sách dân số triệt để (mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 con), con người ngày nay có thể phát hiện sớm và lựa chọn giới tính ngay từ trong bụng mẹ dẫn đến tỉ lệ nam cao hơn nữ ở quốc gia này.

Câu 11Cơ cấu dân số theo giới không phải biểu thị tương quan giữa giới

A. nữ so với giới nam.

B. nam so với tổng dân.

C. nam so với giới nữ.

D. nữ so với tổng dân.

Đáp án: A

Giải thích: Cơ cấu dân số theo giới tính biểu thị tương quan giữa giới nam so với giới nữ hoặc giữa từng giới so với tổng số dân. Cơ cấu dân số theo giới tính có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Cơ cấu dân số theo giới tính biến động theo thời gian và khác nhau ở từng nước, từng khu vực.

Câu 12. Nguyên nhân chủ yếu ở các nước đang phát triển phải thực hiện chính sách dân số là do

A. tỉ lệ phụ thuộc rất lớn, lực lượng lao động giảm xuống.

B. mất cân đối giữa gia tăng dân số với phát triển kinh tế.

C. tình trạng dư thừa lao động, tỉ lệ thất nghiệp rất lớn.

D. dân số tăng quá nhanh, làm dư thừa nguồn lao động.

Đáp án: B

Giải thích: Ở các nước đang phát triển phải thực hiện chính sách dân số chủ yếu là do ở các nước đang phát triển có sự mất cân đối giữa sự gia tăng dân số với phát triển kinh tế.

Câu 13. Ở các quốc gia Đông Á thường có tỉ lệ nam cao hơn nữ là do nguyên nhân chủ yếu nào sau đây?

A. Chuyển cư sang các nước công nghiệp.

B. Tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam.

C. Chiến tranh nhiều nam giới ra trận.

D. Tâm lý xã hội và phong tục tập quán.

Đáp án: D

Giải thích: Các nước Đông Á (đặc biệt là Trung Quốc) chịu ảnh hưởng lâu dài của hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu (Nho giáo), trọng nam khinh nữ; mặt khác cùng với sự phát triển của công nghệ nên con người ngày nay có thể phát hiện sớm và lựa chọn giới tính ngay từ trong bụng mẹ dẫn đến tỉ lệ nam cao hơn nữ ở các quốc gia này. Ngoài ra còn do tuổi thọ của Nam thấp hơn nữ.

Câu 14. Đặc trưng nào sau đây không đúng với các nước có cơ cấu dân số trẻ?

A. Nguồn lao động dự trữ dồi dào.

B. Tỉ lệ dân số dưới 15 tuổi thấp.

C. Việc làm, y tế là vấn đề nan giải.

D. Tỉ lệ dân số phụ thuộc cao.

Đáp án: B

Giải thích: Dân số trẻ, tỉ lệ trẻ em (0 - 14) và người già lớn cao -> tỉ lệ dân số phụ thuộc nhiều; nguồn lao động dự trữ dồi dào => Tỉ lệ dân số dưới 15 tuổi thấp không phải là đặc trưng các nước có cơ cấu dân số trẻ.

Câu 15. Hiện nay, ở các nước đang phát triển tỉ suất giới của trẻ em mới sinh ra thường cao (bé trai rất nhiều hơn bé gái), chủ yếu là do tác động của

A. tự nhiên - sinh học.

B. hoạt động sản xuất.

C. chính sách dân số.

D. tâm lí, tập quán.

Đáp án: D

Giải thích: Hiện nay, ở các nước đang phát triển tỉ suất giới của trẻ em mới sinh ra thường cao (bé trai rất nhiều hơn bé gái), chủ yếu là do tác động của tâm lí, tập quán (sinh con trai nỗi dõi tông đường, cha truyền con nối, nhà có nhiều con trai là có phúc,…).

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 20: Cơ cấu dân số

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 23: Nguồn lực phát triển kinh tế

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 25: Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Đánh giá

0

0 đánh giá