Lý thuyết Địa lí 10 Bài 24 (Chân trời sáng tạo 2024): Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

4.3 K

Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 10.

Địa lí lớp 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

Video giải Địa lí 10 Bài 24: Cơ cấu kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế - Chân trời sáng tạo

 

A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

I. CƠ CẤU KINH TẾ

1. Khái niệm cơ cấu kinh tế

- Là tập hợp các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế hợp thành tổng thể nền kinh tế.

- Nội dung: Tập hợp các bộ phận (thành phần) hợp thành và các bộ phận có mối quan hệ hữu cơ tương đối ổn định theo một tương quan hay tỉ lệ nhất định.

2. Phân loại cơ cấu kinh tế

a. Cơ cấu ngành kinh tế

- Là tập hợp tất cả các ngành hình thành nền kinh tế và các mối quan hệ tương đối ổn định giữa chúng với nhau.

- Là bộ phận cơ bản nhất của cơ cấu kinh tế, phản ánh trình độ phân công lao động xã hội và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Có ba nhóm ngành chính: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ.

Lý thuyết Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam năm 2018

b. Cơ cấu thành phần kinh tế

- Được hình thành dựa trên cơ sở chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất. Các thành phần kinh tế này có tác động qua lại với nhau, vừa hợp tác lại vừa cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật.

- Việt Nam có các thành phần: kinh tế trong nước (kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Lý thuyết Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Đóng góp của các thành phần kinh tế vào GDP Việt Nam năm 2017

c. Cơ cấu lãnh thổ

- Là một bộ phận của nền kinh tế, là sản phẩm của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ.

- Dựa vào quy mô lãnh thổ sẽ có các cấp: toàn cầu và khu vực, quốc gia, các vùng lãnh thổ trong phạm vi quốc gia.

II. MỘT SỐ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

– Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là tổng giá trị sản phẩm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng mà một nền kinh tế tạo ra bên trong một quốc gia, không phân biệt do người trong nước hay người nước ngoài làm ra ở một thời kì nhất định, thường là một năm. GDP thể hiện số lượng nguồn của cải tạo ra bên trong quốc gia và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tăng trưởng kinh tế.

– Tổng thu nhập quốc gia (GNI) là tổng thu nhập từ sản phẩm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng do công dân một quốc gia tạo ra (bao gồm công dân cư trú trong nước và ở nước ngoài) trong một thời kì nhất định, thường là một năm. Chỉ số GNI thường được sử dụng để đánh giá thực lực kinh tế ở mỗi quốc gia.

– GDP và GNI bình quân đầu người được xác định bằng GDP hoặc GNI chia cho tổng số dân của quốc gia đó ở một thời điểm nhất định. Được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống.

Lý thuyết Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

Câu 1. Cơ cấu thành phần kinh tế được hình thành dựa trên cơ sở

A. chế độ sở hữu.

B. chức năng sản xuất.

C. thành phần lãnh đạo.

D. quy mô sản xuất.

Đáp án: A

Giải thích: Cơ cấu thành phần kinh tế được hình thành dựa trên cơ sở chế độ sở hữu.

Câu 2. Các thành phần kinh tế có tác động với nhau như thế nào?

A. Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật.

B. Vừa tạo động lực, vừa tạo cơ sở bình ổn cho sự phát triển kinh tế.

C. Vừa thúc đẩy, vừa kìm hãm nhau trên thị trường kinh tế trong nước.

D. Vừa tác động trực tiếp, vừa tác động gián tiếp đến hoạt động kinh tế.

Đáp án: A

Giải thích: Các thành phần kinh tế có tác động qua lại với nhau, vừa hợp tác lại vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật.

Câu 3. Đặc điểm nào sau đây thể hiện cơ cấu kinh tế phân theo khu vực của các nước phát triển?

A. Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng cao nhất.

B. Ngành nông - lâm - ngư nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn.

C. Tỉ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế tương đương nhau.

D. Ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng cao.

Đáp án: D

Giải thích: Cơ cấu ngành kinh tế của các nước phát triển có đặc điểm là tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ cao.

Câu 4. Cơ cấu nền kinh tế bao gồm có

A. cơ cấu lao động, cơ cấu lãnh thổ, cơ cấu thành phần kinh tế.

B. cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ.

C. cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lãnh thổ.

D. cơ cấu kinh tế trong nước, cơ cấu kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáp án: C

Giải thích: Cơ cấu nền kinh tế bao gồm cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lãnh thổ.

Câu 5. Cơ cấu ngành phản ánh đặc điểm nào sau đây?

A. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

B. Quan hệ hợp tác, phân bố thành phần kinh tế.

C. Chế độ sở hữu kinh tế và quan hệ hợp tác.

D. Phân bố sản xuất và chế độ sở hữu kinh tế.

Đáp án: A

Giải thích: Cơ cấu ngành phản ánh rất rõ trình độ phân công lao động xã hội và phát triển của lực lượng sản xuất.

Câu 6. Đặc điểm nào sau đây thể hiện cơ cấu kinh tế phân theo khu vực của các nước đang phát triển?

A. Tỉ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỉ trọng rất cao.

B. Tỉ trọng nông nghiệp còn cao, tỉ trọng công nghiệp đã tăng.

C. Tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng có xu hướng giảm.

D. Tỉ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng tăng.

Đáp án: B

Giải thích: Cơ cấu ngành kinh tế (theo khu vực kinh tế) của các nước đang phát triển có đặc điểm là tỉ trọng nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao mặc dù công nghiệp, dịch vụ đã tăng.

Câu 7. Trong các bộ phận hợp thành cơ cấu kinh tế, bộ phận nào có vai trò quan trọng nhất?

A. Các đặc khu, vùng kinh tế.

B. Cơ cấu thành phần kinh tế.

C. Cơ cấu lãnh thổ.

D. Cơ cấu ngành kinh tế.

Đáp án: D

Giải thích: Trong các bộ phận hợp thành cơ cấu kinh tế, bộ phận có vai trò quan trọng nhất là cơ cấu ngành kinh tế (nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ).

Câu 8. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành là quá trình thay đổi tích cực, phù hợp với

A. khả năng phát triển sản xuất của các ngành.

B. trình độ phát triển của các nước phát triển.

C. quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia.

D. các nhóm nước phát triển hơn về kinh tế.

Đáp án: C

Giải thích: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành là quá trình thay đổi tích cực, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế.

Câu 9. Phát biểu nào sau đây không đúng về nguyên nhân của sự phát triển không giống nhau giữa các vùng kinh?

A. Khác nhau về điều kiện tự nhiên.

B. Khác biệt về quy mô lãnh thổ.

C. Khác biệt về lịch sử hình thành.

D. Khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội.

Đáp án: B

Giải thích:

Những khác biệt về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, những nguyên nhân lịch sử… đã dẫn đến sự phát triển không giống nhau giữa các vùng.

Như vậy, “khác biệt về quy mô lãnh thổ” không phải là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không giống nhau giữa các vùng.

Câu 10. GNI lớn hơn hay nhỏ hơn GDP phụ thuộc vào

A. tính chất nền kinh tế.

B. trình độ người lao động.

C. các yếu tố nước ngoài.

D. các yếu tố trong nước.

Đáp án: C

Giải thích: GNI phản ánh nội lực của nền kinh tế. GNI lớn hơn hay nhỏ hơn GDP phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Những nước có GNI lớn hơn GDP thường là những nước phát triển, có đầu tư ra nước ngoài nhiều. Những nước có GNI nhỏ hơn GDP thường là những nước đang hoặc kém phát triển, đang tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Câu 11. Bộ phận cơ bản nhất của cơ cấu kinh tế, phản ánh trình độ phân công lao động xã hội và trình độ phát triển lực lượng sản xuất là cơ cấu

A. thành phần kinh tế.

B. trung tâm kinh tế.

C. ngành kinh tế.

D. lãnh thổ.

Đáp án: C

Giải thích: Cơ cấu ngành kinh tế là bộ phận cơ bản nhất của cơ cấu kinh tế, phản ánh trình độ phân công lao động xã hội và trình độ phát triển lực lượng sản xuất.

Câu 12. Cơ cấu kinh tế phân theo lãnh thổ là kết quả của

A. sự phân bố tài nguyên theo lãnh thổ.

B. khả năng thu hút vốn đầu tư theo lãnh thổ.

C. sự phân hóa khí hậu, nguồn nước theo lãnh thổ.

D. quá trình phân công lao động theo lãnh thổ.

Đáp án: D

Giải thích: Cơ cấu lãnh thổ là kết quả của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ.

Câu 13. Cơ cấu kinh tế là tổng thể

A. các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.

B. các khu vực kinh tế và trung tâm kinh tế trên một vùng lãnh thổ nhất định hợp thành.

C. các cơ quan, tổ chức kinh tế có vai trò lãnh đạo, chi phối sự phát triển của đất nước.

D. các thành phần, hình thức tổ chức kinh tế có mối quạn hệ chặt chẽ nhau hợp thành.

Đáp án: A

Giải thích: Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.

Câu 14. Cơ cấu nền kinh tế không bao gồm các bộ phận nào dưới đây?

A. Toàn cầu và khu vực, quốc gia, vùng.

B. Khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển và đặc khu kinh tế.

C. Nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ.

D. Khu vực kinh tế trong nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáp án: B

Giải thích: Cơ cấu nền kinh tế bao gồm các bộ phận là: Nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; Khu vực kinh tế trong nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Toàn cầu và khu vực, quốc gia, vùng.

Câu 15. Nhận định nào sau đây đúng với GDP?

A. Đo lường tổng giá trị công dân mang quốc tịch.

B. Đánh giá sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.

C. GDP dùng để phân tích quy mô, cơ cấu kinh tế.

D. GDP là thước đo tổng hợp nhất của nền kinh tế.

Đáp án: C

Giải thích: GDP được tạo ra bởi các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ quốc gia ở một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm). Các thành phần kinh tế đóng góp vào GDP gồm cả thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó. Chỉ số GDP được dùng để phân tích quy mô, cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng và sức mạnh kinh tế của một quốc gia.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 23: Nguồn lực phát triển kinh tế

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 25: Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 26: Địa lí các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, vấn đề và định hướng phát triển nông nghiệp

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 29: Cơ cấu, vai trò và đặc điểm công nghiệp, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp

Đánh giá

0

0 đánh giá