Sách bài tập Ngữ Văn 7 Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn | Kết nối tri thức

7.2 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 

Bài tập 1. trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc lại bài thơ Đồng dao mùa xuân (từ Ba lô con cóc đến hết) trong SGK (tr. 40 - 41) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nhận xét về đặc điểm hình thức của đoạn thơ trên các phương diện như số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp.

Trả lời:

Nhận xét về đặc điểm hình thức của đoạn thơ xét trên các phương diện như số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp:

- Về số tiếng trong mỗi dòng thơ: mỗi dòng thơ có bốn tiếng, ngắn gọn như một nhát chạm khắc sắc nét, góp phần tạc vào kí ức độc giả hình tượng người lính đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ.

- Về cách gieo vần: vần chân được gieo ở hầu hết các dòng thơ. Ví dụ: xanh - lành,

vàng - gian, ngàn - non, lành - xanh,...

- Về cách ngắt nhịp: nhịp chẵn (2/2) đan xen các biến tấu linh hoạt. Ví dụ:

Ba lô /con cóc

Tấm áo /màu xanh

Làn da / sốt rét

Cái cười /hiền lành

 

Anh ngồi / lặng lẽ

Dưới cội / mai vàng

Dài /bao thương nhớ

Mùa xuân “nhân gian

 

Anh ngồi / rực rỡ

Màu hoa / đại ngàn

Mắt / như suối biếc

Vai / đầy núi non...

Nhịp nền 2/2 được hình thành một cách tự nhiên (do tính bình ổn của cảm xúc và thói quen ưa sự nhịp nhàng khi làm thơ của người Việt chi phối) khiến bài thơ có một tiết tấu uyển chuyển. Đồng thời, những biến tấu rất tự nhiên ghi lại chân thực cảm xúc riêng của nhà thơ và truyền được đến độc giả cảm xúc đó. Tính từ dài được ngắt nhịp riêng tạo thành nhịp 1/3 ở dòng thơ Dài/ bao thương nhớ làm nổi bật tình cảm, nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi.

Hai dòng thơ:

Mắt / như suối biếc

Vai / đầy núi non

cũng được ngắt nhịp 1/3. Biến tấu ở hai dòng này tạo cho người đọc ấn tượng về hình ảnh người lính với vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng và sự hi sinh cao cả. Hình ảnh người lính đã vĩnh viễn hoà vào núi non, sông suối, làm nên hồn thiêng đất nước.

Câu 2 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua miêu tả của nhà thơ, hình ảnh người lính hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm như thế nào?

Trả lời:

Qua miêu tả của nhà thơ, hình ảnh người lính hiện lên trong đoạn thơ giản dị, khiêm nhường nhưng cũng rất đỗi cao đẹp, thiêng liêng:

- Hành trang của anh chẳng có gì ngoài một chiếc ba lô con cóc, một tấm áo mang màu xanh tươi dung dị của cỏ cây.

- Ngoại hình: Làn da sốt rét gợi về cuộc sống gian nan, cực nhọc trên chiến trường và trong những chặng đường hành quân. Đây cũng là đặc điểm chung của hình ảnh người lính trong thơ ca kháng chiến:

Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ.

(Tố Hữu, Cá nước)

Quân xanh màu lá, dữ oai hùm.

(Quang Dũng, Tây Tiến)

Nhưng trên môi người lính luôn nở nụ cười lạc quan và rất đỗi hiền hoà. Dường như mọi gian khổ, hi sinh đối với anh chỉ nhẹ tựa lông hồng.

Dáng ngồi lặng lẽ của anh thể hiện đức khiêm nhường, âm thầm cống hiến, âm thầm hi sinh. Anh ra đi để lại mùa hoa rực rỡ. Dáng hình anh hoà với dáng hình xứ sở, làm nên mùa xuân cho đất nước.

- Tình cảm của người lính: Hai dòng thơ Dài bao thương nhớ / Mùa xuân nhân gian có thể hiểu là nỗi thương nhớ những mùa xuân nhân gian tươi đẹp của người lính đã hi sinh, cũng có thể hiểu là nỗi nhớ thương những người con anh dũng dài theo năm tháng của nhân gian.

Câu 3 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em cảm nhận như thế nào về tình cảm nhà thơ dành cho người lính?

Trả lời:

Cảm nhận về tình cảm nhà thơ dành cho người lính:

- Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong toàn bộ bài thơ. Đó là niềm thương xót, tự hào, cảm phục, biết ơn những người lính đã hi sinh tuổi xanh, hi sinh cuộc đời cho độc lập dân tộc.

- Riêng trong đoạn thơ này, tình cảm của nhà thơ thể hiện ở nỗi nhớ thương tha thiết, thái độ ngợi ca vẻ đẹp bình dị mà cao cả, thiêng liêng, lòng biết ơn những hi sinh thầm lặng của người lính.

Câu 4 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong hai dòng thơ sau, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

Mắt như suối biếc

Vai đầy núi non...

Trả lời:

Trong hai dòng thơ, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ:

Mắt như suối biếc: so sánh mắt với suối biếc.

Vai đầy núi non: ẩn dụ (dùng hình ảnh núi non để chỉ trọng trách bảo vệ, giữ gìn núi sông đang đặt trên vai người lính).

Những so sánh, ẩn dụ sử dụng hình ảnh thiên nhiên vĩnh cửu làm sự vật đối chiếu có tác dụng nhấn mạnh niềm tin của nhà thơ rằng dáng hình người lính đã vĩnh viễn hoà vào núi non, sông suối. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối đều thấp thoáng hình bóng của anh. Anh đã “hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm).

Câu 5 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng.

Trả lời:

Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và tác dụng của chúng:

Lặng lẽ: nghĩa trong từ điển là “không lên tiếng, không có tiếng động, tiếng ồn” Trong dòng thơ này, từ lặng lẽ thể hiện sự khiêm nhường và những cống hiến, hi sinh âm thầm của người lính.

- Rực rỡ: nghĩa trong từ điển là “có màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ và nổi bật hẳn lên, làm cho ai cũng phải chú ý“. Trong dòng thơ Anh ngồi rực rỡ, từ rực rỡ còn có nghĩa là vẻ đẹp của người lính toả chiếu vào thiên nhiên.

Câu 6 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Giải thích nghĩa của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành.

Trả lời:

Nghĩa của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành:

- Từ ngọt có một số nghĩa cơ bản như sau:

1) có vị như đường, mật;

2) dịu dàng, êm ái.

- Từ lành có một số nghĩa:

1) hiền từ;

2) tốt;

3) không độc;

4) không rách;

5) hết bệnh.

- Nghĩa chung của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành là tốt đẹp, ngọt ngào, hạnh phúc.

Bài tập 2. trang 10, 11, 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc bài thơ Tiếng ve của Thanh Thảo và trả lời các câu hỏi:

Tiếng ve bùng lên

Cồn cào như lửa

Tiếng ve màu đỏ

Cháy trong vòm cây

 

[...] Tiếng ve thức giấc

Long lanh ánh ngày

Tiếng ve toả chậm

Mùi hoa ngất say

Tiếng ve loáng thoáng

Đuôi sóc chuyền cây

Tiếng ve dai dằng

Cưa ngang rừng dày

Tiếng ve xanh ngát

Trầm trầm mây bay

Tiếng ve loá mắt

Trảng tranh nắng đầy

 

Tiếng ve trên cao

Oà như thác đồ

Tiếng ve len lỏi

Suối chảy một mình

 

Giai điệu thành hình

Qua từng âm sắc

 

Tiếng ve nín bặt

Trái tim tiếp lời.

(Thanh Thảo, Dấu chân qua trảng cỏ,

NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015, tr. 67 - 69)

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Kẻ bảng vào vở và điền thông tin về bài thơ Tiếng ve theo mẫu sau:

Đặc điểm thể thơ

Số tiếng trong mỗi dòng

 

 

Số dòng trong mỗi khổ

 

 

Cách gieo vần

 

 

Cách ngắt nhịp

 

 

Hình ảnh

 

 

 

Trả lời:

Đặc điểm

thể thơ

Số tiếng trong mỗi dòng

4 tiếng / dòng

Ngắn gọn, phù hợp với nhịp tiếng ve xôn xao rừng vắng.

Số dòng trong mỗi khổ.

- Khổ 1 và 3:4 dòng

- Khổ 2: 12 dòng

- Khổ 4và 5:2 dòng

 

- Khổ 2 gồm 12 dòng kéo dài như tiếng ve không dứt, như niềm say mê, chìm đắm trong khúc nhạc thiên nhiên của nhà thơ.

- Khổ 4,5 ngắn, chỉ gồm 2 dòng: tiếng ve như dần ngưng lặng để tâm hồn lên tiếng.

Cách gieo vần

Vần chân: cây- ngày – say - dày - bay - đầy, mình -hình

Vần chân nối nhau miên man như tiếng ve, như những liên tưởng không dứt của nhà thơ.

Cách ngắt nhịp

Tiếng ve/trên cao

Oà/như thác đổ

Tiếng ve /len lỏi

Suối chảy/một mình

Trên nền nhịp 2/2 đều đặn, nhịp 1/3 trong dòng thơ Oà /như thác đổ nhấn mạnh khoảnh khắc tiếng ve đột nhiên bật lên thành tiếng đồng loạt, vang dội.

Hình ảnh

 

Khu rừng già tràn ngập tiếng ve, cây xanh mát, sóc chuyền cành, mây

bay, suối chảy,...

Thiên nhiên trong trẻo, hoang sơ mà vẫn gần gũi, ấm áp.

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tiếng ve là âm thanh hiện diện xuyên suốt bài thơ. Qua miêu tả, tiếng ve hiện lên với những đặc điểm gì?

Trả lời:

Tiếng ve là âm thanh hiện diện xuyên suốt bài thơ. Qua miêu tả, tiếng ve hiện lên với những đặc điểm:

- Cường độ: lúc thì như bừng tỉnh giấc, bật lên thành tiếng rất to, tràn ra mọi nẻo; lúc thì loáng thoáng khi có khi không rồi nín bặt.

- Trường độ: lúc thì toả chậm như hương hoa, róc rách như suối chảy, lúc kéo dài dai dẳng không dứt.

- Cao độ: lúc như thác đổ mạnh, lúc trầm trầm như mây bay...

- Âm sắc: khi cồn cào như lửa cháy, khi dịu êm mát lành như suối; khi ào ào như thác đổ, khi lại róc rách như nước chảy trong khe; khi xanh ngát trầm trầm mây bay, khi loá mắt như trảng tranh nắng đầy;…

- Tiếng ve như độc chiếm không gian, tác động đến vạn vật trong rừng già.

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em hãy nêu một số biện pháp tu từ được dùng để miêu tả tiếng ve và tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

Một số biện pháp tu từ được dùng để miêu tả tiếng ve và tác dụng của các biện pháp tu từ đó:

- So sánh: Cồn cào như lửa, Oà như thác đổ...

- Ẩn dụ: Tiếng ve màu đỏ/ Cháy trong vòm cây, Tiếng ve dai dẳng/ Cưa ngang rừng dày, Tiếng ve xanh ngát,...

- Điệp ngữ: tiếng ve.

Các biện pháp tu từ được sử dụng cho thấy khả năng liên tưởng, tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Tiếng ve biến hoá khi hữu hình rực rỡ màu sắc, khi vô hình trong suốt; khi sắc như cưa, khi mềm mại như nước; khi bùng cháy như lửa, khi dịu êm như suối mát lành;...

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua cách miêu tả tiếng ve, em cảm nhận như thế nào về người lính trong bài thơ.

Trả lời:

Qua cách miêu tả tiếng ve, có thể thấy người lính trong bài thơ có tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, có khả năng liên tưởng và trí tưởng tượng vô cùng phong phú,... Đó cũng là một người lính đang trên đường hành quân đi chiến đấu, sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hãy tìm những từ láy trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của chúng:

Tiếng ve thức giấc

Long lanh ánh ngày

Tiếng ve toả chậm

Mùi hoa ngất say

Tiếng ve loáng thoáng

Đuôi sóc chuyền cây

Tiếng ve dai dẳng

Cưa ngang rừng dày.

Trả lời:

- Những từ láy trong đoạn thơ: long lanh, loáng thoáng, dai dẳng.

- Các từ láy loáng thoáng, dai dẳng đã diễn tả chính xác những cung bậc của tiếng ve: khi thưa thớt lúc có lúc không (loáng thoáng), khi kéo dài miên man không dứt (dai dẳng). Từ láy long lanh miêu tả ánh sáng lúc bình minh phản chiếu trên vật trong suốt, tạo vẻ trong sáng, sinh động, từ đó, làm nổi bật liên tưởng của tác giả về tác động của tiếng ve lên vạn vật.

Bài tập 3. trang 12, 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc lợi bài thơ Chiều sông Thương trong SGK (tr. 56) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Thể thơ của bài Chiều sông Thương có giống với bài Tiếng ve không? Nêu nhận xét của em về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.

Trả lời:

Thể thơ của bài Chiều sông Thương không giống với bài Tiếng ve. Bài thơ Tiếng ve thuộc thể bốn chữ, bài thơ Chiều sông Thương thuộc thể năm chữ.

Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ:

- Cách gieo vần: vần của bài thơ được gieo khá linh hoạt: ngõ - họ, hái - nói, lên - Yên, Hạ - quả, nổi - mới, sang - màng, cau - nâu, bưởi - đợi,... Các âm a và â trong au / âu (cau/ nâu), ươ và ơ trong ươi / ơi (bưởi / đợi) gần nhau nên có thể coi các tiếng mà chúng cấu tạo bắt vần với nhau.

- Ngắt nhịp: Đi suốt / cả ngày thu

vẫn chưa về/ tới ngõ

dùng dằng /hoa Quan họ

nở tím /bên sông Thương

 

nước / vẫn nước / đôi dòng

chiều / vẫn chiều / lưỡi hái

những gì / sông muốn nói

cánh buồm / đang hát lên

Nhịp thơ linh hoạt, chủ yếu ngắt nhịp 2/3, 3/2, tuy nhiên cũng có dòng đặc biệt ngắt nhịp 1/2/2: nước / vẫn nước / đôi dòng, chiều / vẫn chiều / lưỡi hái thể hiện cảm xúc của tác giả trước dòng sông quê thân thương, gần gũi, không có gì thay đổi sau rất nhiều năm cách xa. Quê hương là vậy, luôn ân tình, ân nghĩa, thuỷ chung như nhất.

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trừ dòng thơ đầu tiên, chữ đầu các dòng thơ còn lại ở bài thơ Chiều sông Thương không viết hoa. Theo em, đặc điểm này có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm xúc, nội dung bài thơ?

Trả lời:

Bài thơ có một đặc điểm riêng là trừ dòng thơ đầu tiên, chữ đầu các dòng thơ còn lại không viết hoa. Đặc điểm này giúp bài thơ biểu lộ được cảm xúc của nhà thơ đối với quê hương nhân một lần thăm quê. Cảnh quê, người quê, tình quê trải dài, miên man theo mỗi bước chân người đi. Cảm xúc da diết trào dâng không nốt ngừng lặng.

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh sông Thương và quê hương quan họ hiện lên như thế nào trong bài thơ?

Trả lời:

Hình ảnh sông Thương và quê hương quan họ hiện lên trong bài thơ với các đặc điểm sau:

- Đẹp lãng mạn, nên thơ: hoa Quan họ nở tím bên sông Thương, nắng thu trải đầy, trăng non múi bưởi, lúa cúi mình giấu quả, ruộng bời con gió xanh,...

- Đẹp bình dị, thân thương: mấy cô coi máy nước / mắt dài như dao cau, bên cầu con nghé đợi / cả chiều thu sang sông.

- Đẹp tràn đầy sức sống: mạ đã thò lá mới / trên lớp bùn sếnh sang /cho sắc mặt mùa màng/ đất quê mình thịnh vượng / những gì ta gửi gắm /sắp vàng hoe bốn bên, con sông màu nâu, con sông màu biếc, bồi cho mùa phôi thai,...

Vẻ đẹp sông Thương hiện lên qua đôi mắt của một người yêu tha thiết quê hương mình.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm từ láy trong những dòng thơ sau và nêu tác dụng của những từ láy đó:

dùng dằng hoa Quan họ

nở tím bên sông Thương

- mạ đã thò lá mới

trên lớp bùn sếnh sang

Trả lời:

Từ láy trong bốn dòng thơ: dùng dằng, sếnh sang.

Dùng dằng là lưỡng lự, chưa quyết định dứt khoát xem nên đi hay nên ở. Trong bài thơ, từ dùng dằng diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ trước vẻ đẹp của hoa xoan, loài hoa có màu tím nhẹ, nở thành từng chùm rất đẹp. Hoa xoan có nhiều ở vùng quê quan họ, nhất là bên sông Thương nên được nhà thơ gọi là hoa Quan họ.

Sếnh sang trong bài thơ chỉ đặc điểm của lớp bùn màu mỡ, gợi cảm giác mịn màng, mượt mà, từ đó gợi lên vẻ trù phú, thịnh vượng của quê hương.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong các dòng thơ dưới đây, nhà thơ đã dùng những biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó.

ôi con sông màu nâu

ôi con sông màu biếc

- những gì sông muốn nói

cánh buồm đang hát lên

Trả lời:

Các biện pháp tu từ và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó:

ôi con sông màu nâu

ôi con sông màu biếc

Trong hai dòng thơ này, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Điệp ngữ ôi con sông thể hiện tình cảm tha thiết của nhà thơ dành cho dòng sông. Tình cảm trào dâng khiến nhà thơ cất lên thành lời gọi chan chứa yêu thương.

những gì sông muốn nói

cánh buồm đang hát lên

Nhân hoá là biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ trên. Những cụm động từ vốn được dùng để chỉ hoạt động của con người như muốn nói, hát lên giờ đây được gắn cho những vật vô tri như con sông, cánh buồm. Con sông, cánh buồm đã giúp nhà thơ thể hiện cảm xúc phơi phới đang trào dâng trong tâm hồn.

Câu 6 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Theo em, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào về sông Thương và quê hương quan họ?

Trả lời:

Nhà thơ bộc lộ tình cảm yêu thương trìu mến dành cho sông Thương và quê hương quan họ. Tình cảm ấy đôi khi được bộc lộ trực tiếp qua thái độ dùng dằng, lưu luyến trước vẻ đẹp của sông Thương đến độ đi suốt cả ngày thu / vẫn chưa về tới ngõ, ở lời gọi ôi con sông tha thiết; có khi ẩn kín trong niềm tự hào về một miền quê gần gũi, bình dị mà nên thơ, trù phú, thịnh vượng,...

Câu 7 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Vẽ sơ đồ tư duy khái quát những đặc điểm chính về hình thức và nội dung của bài thơ.

Trả lời:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập 3 trang 12, 13 Kết nối tri thức

Bài tập 4. trang 13, 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc bài thơ Bố đứng nhìn biển cả của Huy Cận và trả lời các câu hỏi:

Bố đứng nhìn biển cả

Con xếp giấy thả diều

Bố trời chiều bóng ngả

Con sóng sớm bừng reo.

 

Chuyện bố bố con con

Dập dồn như lớp sóng

Biển bốn phía biển tròn

Diều bay trong gió lộng

 

Bố dạy con hình học

Đo góc biển chân trời

Khi vừng dương mới mọc

Nhuộm tím màu xa khơi.

 

Ống nhòm theo biển dài

Thấy buồm lên thích quá!

Theo con nhìn tương lai

Khấp khởi mừng trong dạ

 

Trên boong tàu gió mát

Trên biển cả sóng cồn

Diều con lên bát ngát

Tưởng mọc vừng trăng non.

7-1982

(Huy Cận, Hạt lại gieo, NXB Văn học, Hà Nội, 1984, tr. 48 - 49)

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Bài thơ Bố đứng nhìn biển cả thuộc thể thơ nào? Nêu nhận xét của em về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ Bố đứng nhìn biển cả thuộc thể thơ năm chữ. Bài thơ sử dụng vần chân, kiểu vần gián cách (cả - ngả, diều - reo, con - tròn, sóng - lộng,...). Nhịp chính của bài thơ là 3/2:

Bố đứng nhìn/ biển cả

Con xếp giấy /thả diều

Bố trời chiều / bóng ngả

Con sóng sớm / bừng reo.

Nhịp thơ và vần được gieo đều đặn, gợi cảm giác về con tàu bồng bềnh, dập dềnh trên sóng nước.

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong bài thơ, khi đứng nhìn biển cả, người bố có những suy tư, cảm xúc như thế nào?

Trả lời:

Trong bài thơ, khi đứng nhìn biển cả, người bố có những suy tư, cảm xúc sau:

- Cảm nhận được sự tiếp nối của cuộc đời con với cuộc đời mình - một sự tiếp nối tươi trẻ, đầy sức sống và hi vọng: Bố trời chiều bóng ngả / Con sóng sớm bừng reo.

- Ý thức được trách nhiệm dạy con tri thức để con trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống: Bố dạy con hình học / Ðo góc biển chân trời.

- Hạnh phúc khi cùng con nhìn về tương lai, hi vọng, tin tưởng về một ngày mai tốt đẹp: Theo con nhìn tương lai / Khấp khởi mừng trong dạ.

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh biển cả có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Hình ảnh biển cả có những ý nghĩa sau:

- Tượng trưng cho cuộc đời rộng lớn, nhiều thử thách.

- Tượng trưng cho kho tàng tri thức, những bí ẩn mà con người cần khám phá.

- Tượng trưng cho tương lai rộng mở đang chờ con phía trước.

Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm một số từ láy trong bài thơ và nêu tác dụng của các từ láy đó.

Trả lời:

Một số từ láy trong bài thơ và tác dụng của các từ láy đó:

Dập dồn: diễn tả những lớp sóng xô nhau liên tục, nhanh, mạnh trên biển cả. Những câu chuyện của hai bố con được so sánh với trạng thái dập dồn của những con sóng biển, cho thấy đó là những câu chuyện tuôn trào không dứt với nhiều cung bậc cảm xúc.

Khấp khởi: vui mừng rộn rã nhưng kín đáo. Trong bài thơ, từ này diễn tả trạng thái cảm xúc của người bố khi cùng con nhìn về tương lai.

Bát ngát. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê Chỉ biên), bát ngát vốn có nghĩa “rộng lớn đến mức tầm mắt không sao bao quát hết được” Trong dòng thơ Diều con lên bát ngát, từ bát ngát gợi lên một không gian cao rộng, nơi cánh diều chao liệng và bay lên cao mãi. Hình ảnh này cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho khát vọng bay cao, bay xa của con đến những chân trời mới.

Câu 5 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm cụm động từ trong những dòng thơ sau. Xác định động từ trung tâm và những ý nghĩa mà động từ đó được bổ sung.

a. Bố dạy con hình học.

b. Diều bay trong gió lộng.

Từ mỗi động từ trung tâm đó, hãy tạo thêm ba cụm động từ mới.

Trả lời:

a. Cụm động từ: dạy con hình học.

Động từ trung tâm: dạy.

Phần phụ sau: con, hình học => bổ sung ý nghĩa đối tượng của hành động.

b. Cụm động từ: bay trong gió lộng.

Động từ trung tâm: bay.

Phần phụ sau: trong gió lộng => bổ sung ý nghĩa về địa điểm.

- Từ mỗi động từ trung tâm đó, tạo thêm ba cụm động từ mới.

+ Với động từ dạy, có thể tạo thêm các cụm động từ: đang dạy học sinh trên lớp, dạy Văn rất giỏi, dạy làm thơ rất hay,...

+ Với động từ bay, có thể tạo thêm các cụm động từ: đang bay rất nhanh, bay trên không trung,...

Bài tập 5. trang 14, 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc bài thơ Mùa cam trên đất Nghệ của Phạm Tiến Duật và trả lời các câu hỏi:

Mùa ngọt dần lên ngọn

Gió heo may chớm sang

Trái hồng vừa trắng cát

Vườn cam cũng hoe vàng

 

Cam Xã Đoài mọng nước

Giọt vàng như mật ong

Bổ cam ngoài cửa trước

Hương bay vào nhà trong

 

Bà mẹ thôn Nghi Vạn

Con tòng quân vắng nhà

Trẩy cam mỗi buổi sáng

Bồn chồn nhớ con xa

 

- “Cam này thơm lại ngọt

Các con ăn mẹ gọt

[...] Các con mẹ đi mãi

Không ăn cam vườn nhà

Đã có phần cây quả

Của các mẹ quê xa”

 

Ra trận là dũng sĩ

Bên mẹ thành trẻ con

Bầu sữa quê ta đó

Rót vào chùm quả ngon.

(Phạm Tiến Duật, Vầng trăng quầng lửa, NXB Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 27 - 28)

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Xác định thể thơ của bài thơ Mùa cam trên đất Nghệ. Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ Mùa cam trên đất Nghệ được viết theo thể thơ năm chữ.

- Cách gieo vần: Bài thơ gieo vần chân cách quãng. Ví dụ:

Cam Xã Đoài mọng nước

Giọt vàng như mật ong

Bổ cam ngoài cửa trước

Hương bay vào nhà trong.

- Ngắt nhịp: Bài thơ ngắt nhịp 3/2, 2/3, phù hợp để diễn tả tình cảm, cảm xúc.

Bà mẹ /thôn Nghi Vạn

Con tòng quân / vắng nhà

Trẩy cam /mỗi buổi sáng

Bồn chồn / nhớ con xa

Ví dụ, cách ngắt nhịp 2/3 ở dòng thơ Bồn chồn / nhớ con xa làm nổi bật tâm trạng nôn nao, thấp thỏm nhớ thương, lo lắng cho người con cầm súng chiến đấu xa nhà của người mẹ.

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh trái cam, mùa cam trên đất Nghệ được miêu tả như thế nào và có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Mùa cam trên đất Nghệ được tác giả miêu tả rất tinh tế. Đó là thời khắc giao mùa, gió heo may chớm sang. Trái cây bước vào độ chín. Nhà thơ đã mở rộng các giác quan để cảm nhận sự vận động đó của thiên nhiên (vị giác để cảm nhận độ ngọt của cây trái, xúc giác để cảm nhận gió heo may về, thị giác để cảm nhận màu trắng cát của trái hồng chín, màu hoe vàng của trái cam vừa độ hái).

Trong những hương vị phong phú của quê hương xứ Nghệ, nhà thơ đặc biệt ấn tượng với trái cam Xã Đoài - một đặc sản nổi tiếng. Qua vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm nổi bật hình ảnh trái cam Xã Đoài: vỏ mỏng, mọng nước; nước cam vàng óng, đặc sánh như mật ong; hương thơm nồng nàn lan toả trong không gian.

Trái cam ngon ngọt kết tinh tình cảm của những bà mẹ nói riêng, người dân xứ Nghệ nói chung, rộng ra là tình cảm của người dân mọi miền quê dành cho những người con đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước.

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Xác định biện pháp tu từ trong các dòng thơ dưới đây và nêu tác dụng của chúng:

Cam Xã Đoài mọng nước

Giọt vàng như mật ong.

Trả lời:

Trong hai dòng thơ Cam Xã Đoài mọng nước / Giọt vàng như mật ong, nhà thơ

sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hình ảnh mật ong giúp người đọc hình dung được màu vàng đậm, hương vị ngọt ngào, độ đặc sánh của những giọt nước cam Xã Đoài - đặc sản xứ Nghệ. Từ đó, người đọc cảm nhận được hương vị thơm ngon của một loại quả quý.

Câu 4 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tình cảm của người mẹ thôn Nghi Vạn nói riêng và của các bà mẹ Việt Nam nói chung dành cho những người con đi chiến đấu xa nhà thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Tình cảm của người mẹ thôn Nghi Vạn nói riêng và của các bà mẹ Việt Nam nói chung dành cho những người con đi chiến đấu xa nhà:

- Xa con, mẹ không nguôi lo lắng, thương nhớ con. Không được chăm sóc, thể hiện trực tiếp tình yêu dành cho con mình, mẹ trao tình cảm, sự chăm lo cho những người con của các bà mẹ khác cũng xa nhà đi chiến đấu. Mẹ chăm sóc tỉ mỉ, dành cho các anh những gì thơm ngọt nhất của quê hương.

- Tình mẫu tử đã mở rộng, nâng lên thành tình yêu quê hương, đất nước. Các mẹ chính là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến vững tâm chiến đấu, giành lại bình yên cho quê hương.

Câu 5 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nêu cảm nhận của em về tình cảm của người lính dành cho những người mẹ và quê hương.

Trả lời:

Tình cảm của người lính dành cho những người mẹ và quê hương được thể hiện:

- Thấu hiểu tấm lòng, tình cảm bao la của mẹ dành cho những người lính qua những cử chỉ chăm sóc ân cần, tỉ mỉ, giản dị: gọt cam cho các anh ăn. Sự chăm sóc đó khiến các anh thấy mình trở nên nhỏ bé bên mẹ: Ra trận là dũng sĩ/ Bên mẹ thành trẻ con.

- Lên đường chiến đấu để bảo vệ sự bình yên cho mẹ và quê hương.

Câu 6 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chỉ ra những nét tương đồng giữa hai bà mẹ trong hai bài thơ Gặp lá cơm nếp và Mùa cam trên đất Nghệ.

Trả lời:

Những nét tương đồng giữa hai bà mẹ trong hai bài thơ Gặp lá cơm nếp và Mùa cam trên đất Nghệ:

- Cuộc sống lam lũ, vất vả.

- Tần tảo vun vén, chắt chiu cho con.

- Yêu con vô bờ bến.

- Tình yêu gia đình gắn với tình yêu quê hương, đất nước. Các mẹ sẵn sàng tiễn các con ra đi chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Bài tập 6. trang 15, 16, 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh và trả lời các câu hỏi:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục... cục tác cục ta”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

 

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

 

[...] Tiếng gà trưa

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chịu

Cho con gà mái ấp

 

Cứ hàng năm hàng năm,

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.

 

Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt.

 

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

2-7-1965 (Xuân Quỳnh, Hoa dọc chiến hào, NXB Văn học, Hà Nội, 1968, tr. 5 — 7)

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nêu một số đặc điểm hình thức của bài thơ Tiếng gà trưa trên các phương diện: số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi khổ, cách gieo vần, ngắt nhịp.

Trả lời:

Một số đặc điểm hình thức của bài thơ:

- Bài thơ Tiếng gà trưa viết theo thể thơ năm chữ. Tuy nhiên, có ba khổ mà dòng đầu mỗi khổ chỉ có ba tiếng: Tiếng gà trưa. Việc lặp lại những dòng thơ ba tiếng đó nhấn mạnh ấn tượng của người cháu về âm thanh tiếng gà mỗi buổi trưa hè. Tiếng gà vang lên trong thực tại gợi nhớ về tiếng gà tuổi thơ - khi cháu được sống bên bà, được bà yêu thương, chăm sóc.

- Số dòng trong mỗi khổ không đều nhau: Khổ 1 dài nhất với 7 dòng. Các khổ còn lại chỉ gồm 4 hoặc 6 dòng.

- Cách gieo vần của bài thơ cũng khá linh hoạt:

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

- Ngắt nhịp: đa phần các dòng trong bài thơ ngắt nhịp 3/2 và 2/3, luân phiên khá nhịp nhàng.

Trên đường /hành quân xa

Dừng chân / bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai/ nhảy ổ:

“Cục... cục tác / cục ta”

Nghe xao động / nắng trưa

Nghe bàn chân / đỡ mỏi

Nghe gọi về / tuổi thơ

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tiếng gà trưa là một bài thơ có yếu tố tự sự. Em hãy cho biết ai là người kể chuyện và nội dung câu chuyện được kể là gì.

Vẽ sơ đồ theo mẫu sau vào vở và điền vào sơ đồ những sự việc chính trong câu chuyện:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 15, 16, 17 Kết nối tri thức

Trả lời:

Tiếng gà trưa là một bài thơ có yếu tố tự sự. Người kể chuyện là người cháu đang trên đường hành quân đi chiến đấu.

Sơ đồ những sự việc chính trong câu chuyện:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 15, 16, 17 Kết nối tri thức

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh đàn gà của bà trong kí ức của cháu được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh đàn gà của bà trong kí ức của cháu được miêu tả rất sinh động:

- Đó là một đàn gà mái nhiều màu sắc, con nào cũng đẹp và rất khoẻ mạnh. Có con gà mái mơ mình vàng với những đốm lông màu trắng như hoa mơ, có con gà lông màu vàng óng như màu nắng. Có ổ rơm hồng những trứng.

- Biện pháp tu từ điệp ngữ này con gà khiến hình ảnh những con gà mái trong kí ức tuổi thơ của người cháu lần lượt hiện lên rõ nét.

- Biện pháp tu từ so sánh lông óng như màu nắng làm nổi bật vẻ đẹp óng ả, mượt mà, đầy sức sống của những con gà.

Vẻ đẹp, sự khoẻ mạnh, đông đúc của đàn gà cho thấy bà chăm chút đàn gà rất cẩn thận, chu đáo; thể hiện tình yêu, sự quan tâm và mong ước của người bà rằng cháu sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Câu 4 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tiếng gà trưa gợi người cháu nhớ về tuổi thơ được bà yêu thương. Nêu cảm nhận của em về tình cảm của bà dành cho người cháu.

Trả lời:

Tiếng gà trưa gợi người cháu nhớ về tuổi thơ được bà yêu thương. Tình cảm của bà dành cho người cháu thể hiện một cách hết sức giản dị: dành dụm, chắt chiu từng quả trứng để gà ấp nở ra gà con, lo lắng đàn gà toi, mong trời đừng sương muối để cuối năm bán gà sắm sửa quần áo mới cho cháu.

Câu 5 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Xác định biện pháp tu từ điệp ngữ trong khổ thơ sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Trả lời:

Trong khổ thơ cuối, từ được lặp lại là từ vì. Biện pháp tu từ điệp ngữ có tác dụng nhấn mạnh những ý nghĩa của hành động ra đi chiến đấu của người cháu. Người cháu xa bà, xa gia đình vì mục đích cao cả là giành độc lập cho đất nước, cũng là vì những điều bình dị, gần gũi, thân thương như bình yên cho xóm làng, gia đình và người bà đáng kính.

Câu 6 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chỉ ra những nét tương đồng giữa hình ảnh người cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa và hình ảnh người con trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.

Trả lời:

Những nét tương đồng giữa hình ảnh người cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa và hình ảnh người con trong bài thơ Gặp lá cơm nếp:

- Đều là những người lính xa nhà đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước.

- Tình cảm với gia đình, người thân rất sâu sắc. Một tiếng gà trưa bên xóm nhỏ, một mùi hương lá cây cơm nếp trên rừng Trường Sơn cũng gợi cho những người lính nhớ về bà, về mẹ, về những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm bên bà, bên mẹ, được yêu thương, chăm sóc, che chở.

- Tình cảm yêu kính bà, yêu kính mẹ gắn liền với tình yêu làng xóm, yêu quê hương, đất nước. Chính vì vậy, những người lính đã lên đường chiến đấu để mang lại cuộc sống bình yên cho người thân, cho nhân dân.

Bài tập 7. trang 18, 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc bài thơ Sao không về Vàng ơi! của Trần Đăng Khoa và trả lời các câu hỏi:

Tao đi học về nhà

Là mày chạy xổ ra

Đầu tiên mày rối rít

Cái đuôi mừng ngoáy tít

Rồi mày lắc cái đầu

Khịt khịt mũi, rung râu

Rồi mày rún chân sau

Chân trước chồm, mày bắt

Bắt tay tao rất chặt

Thế là mày tất bật

Đưa vội tao vào nhà

Dù tao đi đâu xa

Cũng nhớ mày lắm đấy...

 

Hôm nay tao bỗng thấy

Cái cổng rộng thế này

Vì không thấy bóng mày

Nằm chờ tao trước cửa

Không nghe tiếng mày sủa

Như những buổi trưa nào

Không thấy mày đón tao

Cái đuôi vàng ngoáy tít

Cái mũi đen khịt khịt

Mày không bắt tay tao

Tay tao buồn làm sao...

 

Sao không về hả chó?

Nghe bom thằng Mỹ nổ

Mày bỏ chạy đi đâu?

Tao chờ mày đã lâu

Cơm phần mày để cửa

Sao không về hả chó?

Tao nhớ mày lắm đó

Vàng ơi là Vàng ơi!...

(Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2016, tr. 20 - 22)

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em hãy chỉ ra một số đặc điểm hình thức của bài thơ như thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp.

Trả lời:

Một số đặc điểm hình thức của bài thơ như thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp:

- Bài thơ được sáng tác theo thể thơ năm chữ.

- Cách gieo vần: Bài thơ gieo vần chân và là vần liền:

Tao đi học về nhà

Là mày chạy xổ ra

Đầu tiên mày rối rít

Cái đuôi mừng ngoáy tít

Rồi mày lắc cái đầu

Khịt khịt mũi, rung râu

- Ngắt nhịp: Bài thơ có nhịp chủ đạo là 3/2. Có một số dòng ngắt 2/3 (Tay tao / buồn làm sao, Vàng ơi/ là Vàng ơi) tạo điểm nhấn, thể hiện, tô đậm sự buồn bã và tiếng gọi Vàng tha thiết của bạn nhỏ.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Sắp xếp các sự việc diễn ra trong bài thơ theo trật tự đúng.

Bạn nhỏ nhớ Vàng, để phần cơm chờ Vàng về.

 

Bom Mỹ nổ khiến Vàng hoảng sợ, bỏ đi mất

 

Bạn nhỏ đi học về, không thấy Vàng ra đón.

 

Mỗi khi bạn nhỏ đi học về là con chó Vàng mừng rỡ ra đón.

Trả lời:

Các sự việc trong bài thơ diễn ra theo trật tự sau:

1. Mỗi khi bạn nhỏ đi học về là con chó Vàng mừng rỡ ra đón.

 

2. Bom Mỹ nổ khiến Vàng hoảng sợ, bỏ đi mất.

 

3. Bạn nhỏ đi học về, không thấy Vàng ra đón.

 

4. Bạn nhỏ nhớ Vàng, để phần cơm chờ Vàng về.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh con chó Vàng hiện lên như thế nào qua miêu tả của nhà thơ?

Trả lời:

Hình ảnh con chó Vàng hiện lên rất sinh động, đáng yêu:

- Rất yêu người bạn nhỏ: bạn nhỏ đi học là nằm chờ ở cửa, bạn nhỏ về là mừng rối rít.

- Tinh nghịch và rất hiếu động.

Nhà thơ đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để miêu tả con chó Vàng:

- Biện pháp tu từ nhân hoá: gọi con Vàng là mày, tả hành động của chó như con người (rối rít mừng, bắt tay, tất bật đưa bạn nhỏ vào nhà,...).

- Tả tỉ mỉ hoạt động của con Vàng với nhiều động từ: chạy xổ ra, đuôi mừng ngoáy tít, khịt khịt mũi, rung râu, chân trước chồm, rún chân sau,...

- Dùng nhiều từ láy: khịt khịt, rối rít, tất bật,...

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng để miêu tả hình ảnh con chó Vàng trong đoạn thơ sau. Biện pháp tu từ đó có tác dụng như thế nào?

Chân trước chồm, mày bắt

Bắt tay tao rất chặt

Thế là mày tất bật

Đưa vội tao vào nhà.

Trả lời:

Biện pháp tu từ mà nhà thơ sử dụng để miêu tả hình ảnh con chó Vàng trong đoạn thơ là nhân hoá. Bạn nhỏ gọi con chó của mình là mày, xưng tao như cách xưng hô giữa những người bạn thân thiết. Cử chỉ, hành động của con chó cũng được miêu tả như hành động, cử chỉ của một người bạn thân thiện, nồng nhiệt, vô cùng mừng rỡ, vồn vã khi gặp bạn: bắt tay bạn nhỏ rất chặt, tất bật đưa bạn nhỏ vào nhà.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong dòng thơ Tay tao buồn làm sao, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

Trong dòng thơ Tay tao buồn làm sao, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, dùng bộ phận để nói tổng thể. Bạn nhỏ nói tay buồn để diễn tả cảm giác trống trải khi không được bắt tay, không được vuốt ve con Vàng, cũng là nỗi buồn của mình khi mất chó.

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm từ láy trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của các từ láy đó:

Đầu tiên mày rối rít

Cái đuôi mừng ngoáy tít

Rồi mày lắc cái đầu

Khịt khịt mũi, rung râu.

Trả lời:

Từ láy trong đoạn thơ là rối rít, khịt khịt. Từ láy rối rít gợi tả vẻ vội vã, tỏ ra mất

bình tĩnh. Khịt khịt là từ láy mô phỏng âm thanh phát ra khi con vật thở mạnh. Hai từ láy có tác dụng miêu tả vẻ mừng rỡ, vồn vã của con chó Vàng khi bạn nhỏ đi học về, từ đó, làm nổi bật tình cảm yêu mến mà Vàng dành cho bạn nhỏ.

Câu 7 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nêu cảm nhận của em về tình cảm của bạn nhỏ dành cho con chó Vàng.

Trả lời:

Tình cảm của bạn nhỏ dành cho con chó Vàng: rất yêu quý, thân thiết, coi con

chó Vàng như một người bạn:

- Gọi con chó Vàng là mày, xưng tao.

- Mừng rỡ khi gặp con chó Vàng sau mỗi buổi đi học về.

- Cảm thấy trống vắng, buồn bã, nhớ thương khi không thấy Vàng chờ mình ở cửa.

- Vẫn phần cơm, chờ đợi, mong mỏi Vàng trở về.

Viết trang 20

Bài tập 1 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Lập dàn ý cho đề văn sau:

Viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Tiếng ve của Thanh Thảo.

Trả lời:

* Gợi ý về dàn bài cho đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Tiếng ve của Thanh Thảo:

- Mở đoạn: Giới thiệu tên bài thơ (Tiếng ve), tên tác giả (Thanh Thảo), nêu cảm xúc chung về bài thơ.

- Thân đoạn: Nêu cảm xúc về một số nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung của bài thơ như thể thơ bốn chữ, cách gieo vần, ngắt nhịp; cách sử dụng hình ảnh, biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, từ láy,.. .; tình yêu thiên nhiên...

- Kết đoạn: Khái quát lại ấn tượng chung của em về bài thơ.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

“Tiếng ve” của Thanh Thảo là một bài thơi hay và độc đáo. Bài thơ 4 chữ ngắn gọn, phù hợp với nhịp tiếng ve xôn xao rừng vắng. Nếu khổ 2 gồm 12 dòng kéo dài như tiếng ve không dứt, như niềm say mê, chìm đắm trong khúc nhạc thiên nhiên của nhà thơ thì khổ 4,5 ngắn, chỉ gồm 2 dòng: tiếng ve như dần ngưng lặng để tâm hồn lên tiếng. Vần chân nối nhau miên man như tiếng ve, như những liên tưởng không dứt của nhà thơ. Trên nền nhịp 2/2 đều đặn, nhịp 1/3 đan xen nhấn mạnh khoảnh khắc tiếng ve đột nhiên bật lên thành tiếng đồng loạt, vang dội. Hàng loạt các hình ảnh như: Khu rừng già tràn ngập tiếng ve, cây xanh mát, sóc chuyền cành, mây bay, suối chảy,... gợi thiên nhiên trong trẻo, hoang sơ mà vẫn gần gũi, ấm áp. Tiếng ve là âm thanh hiện diện xuyên suốt bài thơ và nó như độc chiếm không gian, tác động đến vạn vật trong rừng già. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, hàng loạt các từ láy được sử dụng cho thấy khả năng liên tưởng, tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Tiếng ve biến hoá khi hữu hình rực rỡ màu sắc, khi vô hình trong suốt; khi sắc như cưa, khi mềm mại như nước; khi bùng cháy như lửa, khi dịu êm như suối mát lành;... Qua cách miêu tả tiếng ve, có thể thấy người lính trong bài thơ có tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, có khả năng liên tưởng và trí tưởng tượng vô cùng phong phú,... Đó cũng là một người lính đang trên đường hành quân đi chiến đấu, sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Bài thơ để lại nhiều dư âm trong lòng độc giả.

Bài tập 2 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh.

Trả lời:

- Về hình thức: Đảm bảo trình bày đúng quy cách đoạn văn như lùi đầu dòng, chữ đầu tiên viết hoa, chấm câu khi kết thúc đoạn. Số lượng câu phù hợp với yêu cầu của để.

Về nội dung: Nêu được cảm xúc về một số nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung của bài Tiếng gà trưa (thể thơ năm chữ, đặc điểm về cách gieo vần, ngắt nhịp; yếu tố tự sự và miêu tả; hình ảnh nổi bật; biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ,.. .; cách sử dụng từ láy; tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước;...).

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Xuân Quỳnh là cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam, thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ "Tiếng gà trưa" là một trong những thi phẩm nổi tiếng của bà. Bài thơ viết về tình bà cháu thiêng liêng và cảm động. Trong một buổi hành quân, người cháu đã nghe được tiếng gà trưa và những kỉ niệm về bà ùa về trong kí ức. Cả một tuổi thơ gắn bó bên bà, được bà yêu thương chăm sóc. Bà dành dụm, chắt chiu từng quả trứng, chăm đàn gà từng con một kể cả khi trời gió rét mưa dầm. Những gì thu được từ đàn gà, bà đều dành cho cháu: nào là cái quần chéo go, ống rộng dài quét đất, nào là cái áo cánh trúc bâu... Tình yêu của bà thể hiện qua những điều giản dị, bình thường. Chính tình yêu thương của bà đã trở thành động lực để người cháu chiến đấu. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận tình bà cháu thắm thiết, đồng thời đó cũng là tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc. Đúng như một nhà văn nước ngoài đã nói: Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ những tình cảm nhỏ bé, thiêng liêng, đó là yêu những gì gần gũi nhất với mình.

Bài tập 3 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1Viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Sao không về Vàng ơi! của Trần Đăng Khoa.

Trả lời:

- Về hình thức: Đảm bảo trình bày đúng quy cách đoạn văn như lùi đầu dòng, chữ đầu tiên viết hoa, chấm câu khi kết thúc đoạn. Số lượng câu phù hợp với yêu cầu của để.

- Về nội dung: Nêu cảm nhận, đánh giá về một số nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung của bài thơ Sao không về Vàng ơi! (thể thơ năm chữ; những đặc điểm về cách gieo vần, ngắt nhịp; yếu tố tự sự và miêu tả; hình ảnh nổi bật; biện pháp tu từ điệp ngữ, nhân hoá,...; từ láy; tình yêu thương đối với loài vật).

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Bài thơ “Sao không về Vàng ơi” của Trần Đăng Khóa là bài thơ hay và xúc động, kể về cậu bé có một chú chó tên là Vàng. Cậu bé với con chó của mình luôn gắn bó, quấn quýt, yêu thương nhau. Nhưng một ngày, Vàng biến mất đi, để lại sự trống trải trong lòng người bạn. Kể từ đó, lòng cậu bé không thôi ngóng trông đợi Vàng về. Ngay từ những dòng thơ đầu đã cho thấy tình cảm của chủ với tớ trong căn nhà nhỏ ngày còn chiến tranh. Tình cảm tha thiết giữa con chó và tác giả được thể hiện một cách nồng thắm ở mỗi dòng thơ chỉ 5 chữ vỏn vẹn. Đoạn thở đầu còn sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ làm cho tình chủ tớ giữa chó và tác giả càng được thể hiện rõ ràng rằng nó to lớn đến mức nhường nào. Cho đến khi nghe thấy tiếng bom nổ của Mĩ, Vàng - chó của tác giả đã chạy. Người bạn thân nhất của tác giả đã không còn ở nhà. Tác giả nhớ thương nó đến nhường nào và trong các chi tiết "Tao chờ mày đã lâu"; "cơm phần mày để cửa"; "tao nhớ mày lắm đó" đã thể hiện sự nhớ thương của tác giả đối với chú chó. Tình cảm của tác giả và Vàng hiện hữu, thắm thiết bao nhiêu thì cuộc đời lại đau thương bấy nhiêu.

Nói và Nghe trang 20

Bài tập 1 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trình bày ý kiến của em về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân
Trả lời:

HS có thể chuẩn bị nội dung bài nói theo các ý sau:

- Tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường là điều cần có ở mỗi người.

- Tình yêu thiên nhiên là sự yêu mến, gắn bó với thiên nhiên

- Ý thức bảo vệ môi trường là sự tự giác, chủ động của con người trong việc bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta

- Môi trường thiên nhiên có vai trò rất lớn đối với cuộc sống con người, cung cấp nguồn nước, nguồn thức ăn phong phú cho con người, mang lại một bầu không khí trong lành, thoáng đãng cho mọi người.

- Mỗi người cần thực hiện nhiều hành động để bảo vệ thiên nhiên như: không vứt rác bừa bãi, không chặt cây, phá rừng, hạn chế sử dụng bao bì ni lông, ...

- Mọi người cần dành ra một ngày cuối tuần để cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, làm cho môi trường xung quanh ta luôn sạch đẹp.

- Nâng cao khẩu hiệu: Vì một môi trường xanh – sạch – đẹp

Bài tập 2 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trao đổi về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em thích

Trả lời:

HS có thể trao đổi với các bạn trong lớp về bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh theo các ý sau:

- Nội dung: Bài thơ ca ngợi tình cảm bà cháu thiêng liêng, sâu sắc và tình cảm yêu mến, nhớ thương bà của người chiến sĩ khi đi xa, nghe được âm thanh tiếng gà trưa và nhớ về kí ức tuổi thơ cùng hình ảnh người bà. Qua đó cho thấy bà chính là động lực để người cháu chiến đấu chống lại quân thù, bảo vệ quê hương và mang lại cuộc sống bình yên cho người bà của mình.

- Nghệ thuật: Điệp từ “Tiếng gà trưa” được lặp lại nhiều lần như ngân vang điệp khúc của nỗi nhớ, kéo người chiến sĩ trở về những năm tháng tuổi thơ và kí ức bên người bà của mình. Cùng với đó là việc sử dụng thể thơ 5 chữ biến thể (ở đầu mỗi khổ chỉ có 3 chữ), cách gieo vần chân, ngắt nhịp 2/3, 3/2 linh hoạt khiến tác giả dễ dàng hồi tưởng lại quá khứ và bộc lộ cảm xúc của bản thân về nỗi nhớ bà mỗi khi nghe thấy âm thanh của tiếng gà.

Bài tập 3 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người

Trả lời: 

HS có thể trình bày bài nói của mình theo các ý sau:

- Quê hương là một phần máu thịt luôn gắn bó sâu đậm đối với mỗi con người

- Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, gắn với những kí ức tuổi thơ của mỗi người

- Quê hương dạy ta biết yêu thương gia đình, bạn bè, hàng xóm, yêu những cảnh đẹp quê nhà

- Quê hương nuôi dưỡng cho con người một tình yêu lớn lao, ngọt ngào và hình thành trong ta một nỗi nhớ quê da diết, khôn cùng

- Mỗi người chúng ta hãy cố gắng phấn đấu học tập để sau này trở thành những người công dân có ích xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 1: Bầu trời tuổi thơ

Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn

Bài 3: Cội nguồn yêu thương

Đọc mở rộng trang 34 tập 1

Bài 4: Giai điệu đất nước

Đánh giá

0

0 đánh giá