SBT Ngữ văn 7 Bài 2: Đọc trang 19, 20, 21, 22, 23, 24 | Chân trời sáng tạo

2 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 2: Đọc trang 19, 20, 21, 22, 23, 24 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 2: Đọc trang 19, 20, 21, 22, 23, 24

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc hai văn bản Thỏ và rùa, Chuyện bó đũa và trả lời các câu hỏi phía dưới:

THỎ VÀ RÙA

Ngày xưa, thỏ lúc nào cũng cười mũi con rùa về sự chậm chạp. Nhưng rùa thì dằn lòng trước sự khoe khoang của thỏ.

Một hôm, trước đông đủ bá thú, rùa thách thỏ chạy thi. Thỏ trả lời:

- Đừng có đùa dai! Bạn không biết là tôi có thể chạy cả chục vòng quanh bạn hay sao.

Rùa mỉm cười:

- Không cần nhiều lời. Muốn biết ai nhanh thì cứ việc thi.

Thế là trường đua được vạch ra. Con cáo làm trọng tài. Nó hú ba tiếng là cuộc thi bắt đầu.

Thoắt một cái, con thỏ đã biến mất. Con rùa cứ chậm chạp bước theo. Các thú khác ở dọc đường cổ võ1.

Một lúc sau, thỏ đứng lại đợi rùa, nhân tiện diễu2 chơi cho bõ ghét. Đợi một lúc mà rùa vẫn chưa tới. Thỏ vừa thiêm thiếp vừa lẩm bẩm:

- Ta cứ chợp mắt một tí trên bãi cỏ này. Khi trời mát xuống ta sẽ chạy tiếp cũng chẳng muộn gì!

Thế rồi nó dạng chân, duỗi tay, nhắm mắt ngủ ngon lành. Một lúc sau, con rùa ì ạch bò tới.

Nó bỏ qua chỗ con thỏ đang ngủ say, rồi đến được mức cuối. Tiếng reo hò náo nhiệt.

Lúc đó, con thỏ vừa mở mắt. Biết mình thua cuộc, thỏ xấu hổ trốn vào rừng.

1 Cổ võ: tác động, khích lệ tỉnh thần; làm cho hăng hái, phấn chấn và hoạt động tích cực hơn lên.

2 Diễu: chế nhạo, làm cho đối phương cảm thấy hổ thẹn.

CHUYỆN BÓ ĐŨA

Ngày xưa, có ông lão nông dân nọ rất thông minh. Ông rất buồn vì thấy trong gia đình, các con ông hay cãi cọ với nhau. Ông cố khuyên nhủ, nhưng vô ích.

Một hôm, nằm trên giường bệnh, ông gọi các con lại. Ông buộc đũa thành một bó, để trước mặt các con. Sau đó, ông truyền cho mỗi đứa đến bẻ bó đũa ra làm đôi, nhưng không đứa nào bẻ nổi. Cuối cùng, ông cởi bó đũa ra, đưa cho mỗi đứa một chiếc. Ai nấy bẻ gãy dễ dàng.

Mấy đứa con nhìn nhau, không biết người cha có ý nói gì. Ông già nghiêm

nghị bảo:

- Các con yêu dấu! Bao giờ các con còn đoàn kết như bó đữa này thì không kẻ thù nào làm hại được các con. Nhưng nêu các con cứ chia rẽ và cãi vã, thì các con sẽ sớm bị tiêu diệt1.

(158 Truyện Ngụ ngôn Aesop, Phan Như Huyên, 1995,

https://sites.google.com/site/158truyenngungonaesop/131-—150)

1Tiêu diệt: làm cho chết hoặc mất hẳn khả năng hoạt động.

a. Nêu các đặc điểm chính của truyện ngụ ngôn được thể hiện trong văn bản trên.

b. Sau khi đọc truyện Thỏ và rùa, một số bạn cho rằng, việc rùa thắng thỏ là khó xảy ra trong thực tế (nếêu không phải vậy thì đã chẳng có câu: “Chậm như rùa!”). Các bạn khác lại cho rằng việc rùa thắng thỏ là xứng đáng và rất thuyết phục. Em đồng tình với ý kiến nào? Vì sao?

e. Một số bạn băn khoăn không dám chắc Chuyện bó đũa là truyện ngụ ngôn hay là truyện cổ tích. Nếu được các bạn ấy hỏi ý kiến trong việc xác định thể loại, em sẽ trả lời các bạn thế nào?

d. Theo em, cách kết thúc của hai văn bản Chuyện bó đĩa và Hai người bạn đồng hành và con gấu có điểm gì giống nhau? Điểm giống nhau ấy giúp em rút ra lưu ý gì khi đọc các truyện ngụ ngôn có cách kết thúc tương tự?

đ. Dựa vào các thông tin (tình huống, tác dụng, bài học) trong bảng đưới đây đối với truyện Thỏ và rùa, hãy hoàn tất các thông tin đối với truyện Chuyện bó đũa:

Nội dung

Thỏ và rùa

Chuyện bó đũa

Tình huống

Bị thỏ chê là chậm chạp, rùa thách thỏ chạy

thi trước sự chứng kiến của bá thú. Thỏ ỷ mình chạy nhanh, xem thường đối thủ nên

thua cuộc; rùa chăm chỉ chạy hết sức mình

nên đã chiến thắng.

 

Tác dụng

Thể hiện sự kiêu ngạo, khinh thường đối thủ

của thỏ; sự cần mẫn, chăm chỉ và tự tin của

rùa.

Thể hiện bài học mà câu chuyện muốn đề cập

qua thất bại của thỏ và chiến thắng của rùa.

 

Bài học

Sự chăm chỉ, cần mẫn, tự tin có thể làm nên chiến thắng.

Chậm mà chắc và tự biết sức mình, hơn nhanh mà ỷ lại, kiêu ngạo; cần phải biết người biết ta;...

 

e. Dựa vào bảng dưới đây, tóm tắt tình huống truyện, chuỗi sự kiện được kể (cốt truyện), bài học ứng xử trong truyện Chuyện bó đũa:

Nội dung

Thỏ và rùa

Chuyện bó đũa

Tình huống

Thỏ và rùa thách nhau chạy thi. Thỏ ỷ mình chạy nhanh, xem thường đối phương nên thua cuộc; rùa chăm chỉ chạy hết sức mình nên đã chiến thắng.

 

Chuỗi sự kiện(cốt truyện)

- Thỏ vốn khinh thường rùa và chê rùa chậm chạp. Rùa công khai thách thỏ chạy thi và cuộc thi được tiến hành trước sự chứng kiến của bá thú.

- Vào cuộc thi, rùa cần mẫn chăm chỉ.

- Thỏ ỷ mình chạy nhanh cứ nhởn nhơ, trêu chọc rùa, thậm chí lại còn ngủ một

giấc ngon lành.

- Lúc thỏ tỉnh dậy thì rùa đã về đích. Biết mình thua cuộc không thể chối cãi, thỏ ta xấu hổ lánh mặt vào rừng.

 

Bài học

Chăm chỉ sẽ giúp đến đích sớm hơn; hơn

thua ở việc làm, hành động thực tế, không ở lời nói suông;...

 

g. Có bạn cho rằng: bài học vẫn không có gì thay đổi, nếu thay hai nhân vật thỏ và rùa trong truyện bằng hai nhân vật đều là thỏ hoặc hai nhân vật đều là rùa chạy thi với nhau; và vì một lí do nào đó, con vật tưởng là yếu hơn, chậm hơn đã giành chiến thắng. Em có đồng ý như vậy không? Vì sao?

Trả lời:

a. Cả hai câu chuyện Thỏ và Rùa, Chuyện bó đũa đều là các câu chuyện ngụ ngôn vì:

+ Đề tài: là những vấn đề đạo đức hay cách thức ứng xử trong cuộc sống.

+ Nhân vật: con vật và con người. Người đọc, người nghe có thể rút ra được bài học sâu sắc từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật trong truyện.

+ Sự kiện: thường xoay quanh một sự kiện chính.

+ Cốt truyện: xoay quanh một sự kiện (hành vi, ứng xử, quan niệm…) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

b.

+ Việc đồng nhất nhân vật thỏ, rùa trong truyện ngụ ngôn (thường được hư cấu, phóng đại,...) với hình ảnh thỏ, rùa ngoài đời thực là sai lầm (ý kiến thứ nhất).

+ Việc cho rằng rùa thắng thỏ là “xứng đáng và rất thuyết phục” nhưng lại không nói rõ “trong truyện ngụ ngôn Thỏ và rửa” hay trong đời thực là không chặt chẽ; không đưa ra lí lẽ, bằng chứng nên chưa thuyết phục (ý kiến thứ hai).

- Kết luận của em có thể đưa ra theo hướng: Đồng tình với ý kiến thứ hai nhưng đưa thêm lí lẽ, bằng chứng và diễn đạt sao cho chặt chẽ hơn.

c.

Chuyện bó đũa là truyện ngụ ngôn, không phải truyện cổ tích. Vì câu chuyện nêu lên tình huống: Người cha đưa cho các con cả bó đũa yêu cầu bẻ làm đôi, không ai có thể bẻ gãy; sau lại đưa cho các con từng chiếc đũa riêng lẻ, họ bẻ gãy dễ dàng. Từ đó khuyên các con chỉ có đoàn kết mới tránh được mối nguy bị tiêu diệt.

d.

- Em cần đọc lại hai truyện, chú ý phần kết thúc:

+ Cuối truyện Hai người bạn đồng hành và con gấu có cuộc đối thoại giữa hai người bạn và kết thúc truyện là câu trả lời bất ngờ của người bạn suýt bị gấu vồ chết trong gang tấc:

“... người trên cây trèo xuống gặp bạn, cười và nói rằng: “Ông Gấu thì thầm với cậu điều gì đó?”

“Ông ấy bảo tớ rằng”, người kia nói, “không nên tin vào những kẻ bỏ mặc bạn bè trong cơn hoạn nạn.”

+ Cuối truyện Chuyện bó đũa là lời khuyên dạy của người cha đối với những người con:

“- Các con yên dấu! Bao giờ các con còn đoàn kết như bó đũa này thì không kẻ thù nào làm hại được các con. Nhưng nếu các con cứ chia rẽ và cãi vã, thì các con sẽ sớm bị tiêu diệt.”

- Kết luận mà em cần nêu lên là:

+ Hai truyện giống nhau ở chỗ bài học của truyện được nêu lên bằng một câu nói của nhân vật ở cuối truyện.

+ Điều này cho thấy: một trong những cách nêu bài học ở truyện ngụ ngôn là sử dụng một lời thoại của nhân vật ở phần kết thúc truyện. Vậy khi đọc một số truyện ngụ ngôn có cấu trúc tương tự, người đọc có thể dựa vào lời thoại của nhân vật để rút ra bài học mà tác giả gửi gắm.

đ.

- Em cần đọc kĩ ví dụ (cột bên trái) về cách tóm tắt tình huống, tác dụng, bài học trong truyện Thỏ và rùa để thực hiện yêu cầu của đề bài đối với truyện Chuyện bó đũa.

- Tình huống, tác dụng, bài học trong Chuyện bó đũa có thể tóm tắt trong sự đối chiếu với các yếu tố này trong truyện Thỏ và rùa qua bảng sau:

Nội dung

Thỏ và rùa

Chuyện bó đũa

Tình huống

Bị thỏ chê là chậm chạp, rùa thách thỏ chạy thi trước sự chứng kiến của bá thú. Thỏ ỷ mình chạy nhanh, xem thường đối thủ nên thua cuộc; rùa chăm chỉ chạy hết sức mình nên đã chiến thắng.

Người cha đưa cho các con cả bó đũa yêu cầu bẻ làm đôi, không ai có thể bẻ gãy; sau lại đưa cho các con từng chiếc đũa riêng lẻ thì họ bẻ gãy dễ dàng. Từ chuyện bó đũa, ông khuyên các con đoàn kết, thương yêu để không bao giờ bị tiêu diệt.

Tác dụng

-Thể hiện sự kiêu ngạo, khinh thường đối thủ của thỏ, sự cần mẫn, chăm chỉ và tự tin của rùa.

- Thể hiện bài học mà câu chuyện muốn đề cập qua thất bại của thỏ và chiến thắng của rùa.

- Thể hiện sự từng trải, khôn khéo của người cha trong việc mượn sự yếu ớt của chiếc đũa và sức mạnh của bó đũa để khuyên dạy con.

- Thể hiện bài học một cách giản dị, thuyết phục về sức mạnh đoàn kết từ “chuyện bó đũa“.

Bài học

- Sự chăm chỉ, cần mẫn, tự tin có thể làm nên chiến thắng.

- Chậm mà chắc và tự biết sức mình, hơn nhanh mà ỷ lại, kiêu ngạo; cần phải biết người biết ta;...

- Đoàn kết làm nên sức mạnh; “ba cây chụm lại thành hòn núi cao”;…

- Sự tương trợ nhau làm nên chỗ dựa vững vàng cho mọi thành viên trong gia đình;...

e. Có thể tóm tắt tình huống truyện, chuỗi sự kiện được kể (cốt truyện), bài học ứng xử trong truyện Thỏ và rùaChuyện bó đũa theo mẫu bảng sau:

Nội dung

Thỏ và rùa

Chuyện bó đũa

Tình huống

Thỏ và rùa thách nhau chạy thi. Thỏ ở mình chạy nhanh, xem thường đối phương nên thua cuộc; rùa chăm chỉ chạy hết sức mình nên đã chiến thắng.

Người cha đưa cho các con cả bó đũa yêu cầu bẻ làm đôi, không ai có thể bẻ gãy; sau lại đưa cho các con từng chiếc đũa riêng lẻ, họ bẻ gãy dễ dàng. Từ đó khuyên các con chỉ có đoàn kết mới tránh được mối nguy bị tiêu diệt.

Chuỗi sự kiện (cốt truyện)

- Thỏ vốn khinh thường rùa và chê rùa chậm chạp. Rùa công khai thách thỏ chạy thi và cuộc thi được tiến hành trước sự chứng kiến của bá thú.

- Vào cuộc thi, rùa cần mẫn chăm chỉ.

- Thỏ ỷ mình chạy nhanh cứ nhởn nhơ, trêu chọc rùa, thậm chí lại còn ngủ một giấc ngon lành.

- Lúc thỏ tỉnh dậy thì rùa đã về đích. Biết mình thua cuộc không thể chối cãi, thỏ ta xấu hổ lánh mặt vào rừng.

- Một người cha có những đứa con hay cãi vã nhau. Ông đã nhiều lần khuyên các con thôi cãi vã nhau, nhưng không được. Khi nằm trên giường bệnh, ông lại tìm cách khuyên con.

- Đầu tiên, ông buộc những chiếc đũa lại với nhau thành một bó rồi truyền cho các con lần lượt bẻ đôi. Không ai bẻ gãy được.

- Sau đó ông lại truyền cho các con bẻ đôi từng chiếc đũa; chiếc đũa bị bẻ gãy rất dễ dàng.

- Từ chuyện bó đũa, ông già khuyên các con phải đoàn kết để tránh bị tiêu diệt.

Bài học

Chăm chỉ sẽ giúp đến đích sớm hơn; hơn thua ở việc làm, hành động thực tế, không ở lời nói suông;...

Sức mạnh của đoàn kết; “ba cây chụm lại thành hòn núi cao”;...

g.

- Em cần rút ra một số bài học chính từ truyện Thỏ và rùa. Chẳng hạn: chăm chỉ sẽ giúp đến đích sớm hơn; hơn thua nhau ở việc làm, hành động thực tế, không ở lời nói suông; kẻ kiêu ngạo, chủ quan sẽ chuốc lấy thất bại,...

- Xem xét, so sánh hai tình huống của truyện chỉ ra điểm giống nhau, điểm khác nhau cơ bản giữa hai tình huống:

A. Hai nhân vật đều là thỏ hoặc hai nhân vật đều là rùa, chạy thi với nhau; và vì một lí do nào đó, con vật tưởng là yếu hơn, chậm hơn đã giành chiến thắng.

B. Thỏ và rùa thách nhau chạy thi; thỏ ỷ mình chạy nhanh, xem thường đối phương nên thua cuộc; rùa chăm chỉ chạy hết sức mình nên đã chiến thắng.

- Suy nghĩ tìm câu trả lời theo hai hướng:

+ Thay đổi tình huống, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của bài học sẽ thay đổi: sẽ có một bài học khác hẳn.

+ Thay đổi tình huống, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của bài học có thể không thay đổi nhưng mức độ thấm thía của bài học có thể sẽ giảm đi (hoặc tăng lên).

Kết luận: Với tình huống A, việc thua cuộc trở nên kém bất ngờ, nhục nhã, các bài học nêu lên từ đó (chăm chỉ sẽ giúp đến đích sớm hơn; hơn thua nhau ở việc làm, hành động thực tế, không ở lời nói suông; kẻ kiêu ngạo, chủ quan sẽ chuộc lấy thất bại,...) sẽ không được tô đậm như tình huống B, trở nên kém sâu sắc, thấm thía.

Câu 2 trang 22 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc văn bản Con cáo và quả nho và trả lời các câu hỏi phía dưới:

CON CÁO VÀ QUẢ NHO

Một hôm, có con cáo kia vừa đói bụng vừa khát nước. Nó lẻn vào vườn nho để ăn trộm. Vườn nho đầy những trái bóng mọng, lủng lẳng trên giàn, nhưng lại quá cao. Cáo nhảy lên rớt xuống cả chục lần mà vẫn không bắt được một chùm thấp nhất. Cuối cùng, nó bước đi và lẫm bẩm:

- Ai mà thèm những trái nho xanh lè đó. Chua lắm! Không chừng lại có cả sâu trong đó nữa.

(158 Truyện Ngụ ngôn Aesop, Phan Như Huyên, 1995,

https://sites.google.com/site/158truyenngungonaesop/1 31-—150)

a. Tóm tắt tình huống truyện, chuỗi sự kiện (cốt truyện) truyện Con cáo và quả nho và hoàn thành theo mẫu bảng đưới đây. Dựa vào các bài tập mà em đã thực hiện, cho biết: việc tóm tắt tình huống truyện với tóm tắt chuỗi sự kiện (cốt truyện) khác nhau như thế nào?

Nội dung

Con cáo và quả nho

Tình huống

 

Chuỗi sự kiện (cốt truyện)

 

b. Trong khi chứng minh về tính ngắn gọn hàm súc của truyện ngụ ngôn, nhiều ý kiến thống nhất rằng các truyện Hai người bạn đồng hành và con gấu, Con cáo và quả nho là những truyện tiêu biểu. Nhưng khi cần xác định trong hai truyện này, truyện nào ngắn gọn hơn, ý kiến chưa ngã ngũ. Theo em, cần thực hiện việc so sánh như thế nào để kết luận đưa ra thuyết phục được mọi người?

c. Giả sử những quả nho trong truyện Con cáo và quả nho biết nói, theo em chúng sẽ nói gì với con cáo hoặc với chính mình trong trường hợp này?

Trả lời:

a. Với yêu cầu thứ nhất, có thể tóm tắt tình huống truyện, chuỗi sự kiện (cốt truyện) truyện Con cáo và quả nho như sau:

Nội dung

Con cáo và quả nho

Tình huống

Cáo đang trong cơn đói khát, lên vào vườn nho hái trộm nho

chín. Giàn nho cao, nhiều lần cố hái nhưng không thể với tới

được, cáo tự an ủi mình bằng cách chê nho xanh, chua và có

sâu.

Chuỗi sự kiện (cốt truyện)

- Đang đói bụng và khát nước, con cáo lẻn vào vườn nho tìm cách hái trộm.

- Nho bóng mọng lủng lẳng trên giàn cao; cáo nhiều lần nhảy lên cố hái nhưng không thể với tới được.

- Cáo đành bỏ đi, nhưng vừa đi vừa lẩm bẩm chê nho xanh, chua và có sâu.

Với yêu câu thứ hai, có thể nêu lưu ý cách tóm tắt tình huống khác với cách liệt kê sự kiện khi tóm tắt cốt truyện ở chỗ: với tình huống, chỉ nêu sự kiện cốt lõi cho thấy tình thế nguyên nhân - kết quả các hành động của nhân vật hướng đến thể hiện bài học của truyện ngụ ngôn.

b.

Số câu, chữ

Hai người bạn đồng hành và con gấu

Con cáo và quả nho

Số câu

7

5

Số chữ

126

79

c.

“Cáo lẩm bẩm:

- Ai mà thèm những trái nho xanh lè đó. Chua lắm! Không chừng lại có cả sâu trong đó nữa.

Quả nho nghĩ bụng:

- Những anh chàng như cáo mà phải chịu đói khát thật đáng đời.”

Hoặc:

“Quả nho nghe cáo lẩm bẩm, nói rì rào theo gió nhẹ:

- Lêu lêu... ! Mắc cỡ. Lêu lêu... !"

Câu 3 trang 23 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Dựa vào bảng sau, xác định tình huống truyện, bài học, tác dụng của tình huống trong việc thể hiện bài học trong các truyện Hai người bạn đồng hành và con gấu, Chó sói và chiên con:

Nội dung

Hai người bạn đồng hành và con gấu

Chó sói và chiên con

Tình huống truyện

   

Bài học

   

Tác dụng của tình huống truyện (trong việc thể hiện bải học)

   

Trả lời:

Nội dung

Hai người bạn đồng hành và con gấu

Chó sói và chiên con

Tình huống truyện

Một con gấu xuất hiện khiến hai người bạn đồng hành hoảng sợ. Một người nhanh chân leo lên cây thoát thân. Người kia chạy không kịp đành nằm im chờ chết. Gấu đến ngửi ngửi anh ta rồi đi. Người thoát thân tò mò hỏi ông gấu nói gì và nhận được câu trả lời vừa là phê phán, vừa là bài học.

Một con sói đang trong cơn đói, muốn ăn thịt chiên con, nhưng lại muốn kiếm cớ làm cho việc ăn thịt chiên trở nên “phải lẽ” Các lí lẽ sói nêu ra đều quá vô lí, bịa đặt, bị chiên phủ nhận dễ dàng. Cuối cùng sói quy tội: đã là chiên, chó, gười thì đều có tội và đều đáng bị sói ăn thịt.

Bài học

- Không nên tin vào những kẻ bỏ mặc bạn bè trong cơn hoạn nạn.

- Bỏ mặc bạn bè trong hoạn nạn là ích kỉ, xấu xa.

- Kẻ mạnh thường nói càn.

- Lí lẽ của kẻ yếu không bằng móng vuốt kẻ mạnh.

- Khi kẻ mạnh, kẻ ác lộng hành, lẽ phải, công lí sẽ bị chà đạp.

Tác dụng của tình huống truyện (trong việc thể hiện bài học)

Làm cho câu chuyện bất ngờ, hồi hộp gây ấn tượng mạnh, từ đó nhấn mạnh bài học về việc nhìn nhận con người.

Tô đậm tính cách độc ác, hung hãn, bất chấp lẽ phải của sói, làm cho sự việc trở nên hài hước và bài học cảnh báo trở nên sâu sắc, nhức nhối hơn.

Câu 4 trang 23 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Thể hiện cách đọc sáng tạo về một truyện ngụ ngôn đã học, đã đọc bằng cách làm một bài thơ (lục bát, bốn chữ, năm chữ, song thất lục bát,...) hoặc vẽ một bức tranh.

Trả lời:

Lấy cảm hứng từ một truyện ngụ ngôn đã học, đã đọc, dựa vào cảm nhận, trải nghiệm của bản thân để chọn một cách thể hiện sự sáng tạo của mình theo gợi ý của đề bài:

- Làm một bài thơ (lục bát, bốn chữ, năm chữ, Song thất lục bát,...).

- Vẽ một bức tranh.

Nếu em không có khả năng vẽ tranh thì làm bài thơ theo một thể thơ nào đó. Có thể tham khảo một số bài thơ đưới đây:

Con cáo và chùm nho

Thái Bá Tân

Một con cáo đang khát

Bỗng thấy một chùm nho

Một chùm nho vừa chín

Quả rất mọng và to

Nó nhảy lên, định hái

Mà nho lại quả cao

Rồi thử mấy lần nữa

Tiếc là chẳng lần nào

Với được chùm nho ấy

Cuối cùng đành bỏ đi

Vừa đi, nó vừa nghĩ:

“Nho còn xanh, ngon gì!”

……

(In trong Thái Bá Tân, Ngụ ngôn Ê-dốp bằng thơ, NXB Kim Đồng, 2015)

Con cáo và chùm nho

Thấy chùm nho mọng trên giàn

Cáo tìm mọi cách hái ăn đỡ thèm

Nhảy lên tụt xuống mấy phen

Bực mình chẳng được, cáo bèn chê bôi:

- Nho còn xanh quá đi thôi...

Con cáo và chùm nho

Chó sói kia ở nơi rừng ấy,

Đương đói lòng lại thấy giàn nho.

Máy chùm vừa chín vừa to,

Nước da đỏ thắm, thơm tho ngọt ngào.

Cậu sói cũng ước ao được bữa,

Nhưng giàn cao không với đến nơi.

Chê bai sói lại được lời:

- Nho xanh chẳng xứng niệng người phong lưu.

Con qua và cái bình

Con quạ khôn ngoan

Nó đang khát nước

Qua tìm kiếm được

Bình nước trên sân.

Nó bay lại gần

Đáy bình có mước

Làm sao với được

Cổ khát lắm rồi

Quạ đi tìm tòi

Tha từng viên sỏi

Thả cho nước nổi

Dâng dần lên cao

Quạ thò đầu vào

Tha hồ uống nước.

(Tập truyện thơ ngụ ngôn, Lev Tolstoy, Tập 1,

http://4orums.vinagames.org/showthread.php?t=26546)

Câu 5 trang 25 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Vận dụng cách nói thú vị, hài hước để kể lại truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.

Trả lời:

Để đáp ứng yêu cầu vận dụng cách nói thú vị, hài hước khi kể lại truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, em cần:

- Xem lại các bài thực hành nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn, Sử dụng và thưởng thức cách nói hài hước thú vị trong giao tiếp.

- Cố gắng:

+ Tô đậm yếu tố, tính chất hài hước một cách bất ngờ trong câu chuyện được kể.

Sử dụng hình thức chế, nhại (chế, nhại từ ngữ, câu nói của một nhân vật mà sự phê phán hướng đến trong câu chuyện một cách nhã nhặn).

+ Sử dụng một số biện pháp diễn đạt hài hước: chơi chữ, nói quá, so sánh, dùng câu nói hài hước học được từ người khác.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

II. Tiếng Việt (trang 24, 25, 26, 27 SBT Ngữ Văn lớp 7)

III. Viết (trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 7)

IV. Nói và nghe (trang 27, 28 SBT Ngữ Văn lớp 7)

Đánh giá

0

0 đánh giá