15 câu Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 6 (Chân trời sáng tạo 2024) có đáp án: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

3.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Lịch sử lớp 7 Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Lịch sử 7. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

Phần 1. Trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

Câu 1. Những nghề thủ công nổi tiếng nhất của Trung Quốc dưới thời Minh - Thanh là

A. dệt tơ lụa, làm đồ sứ, đóng thuyền, làm giấy.

B. làm đồ sứ, dệt vải, đúc tiền, khảm trai.

C. dệt vải lụa, làm giấy, đan lát, làm gốm sứ.

D. đúc đồng, đóng thuyền, ươm tơ, chế tạo vũ khí.

Đáp án đúng là: A

Những nghề thủ công nổi tiếng nhất của Trung Quốc thời kì này là nghề dệt tơ lụa, làm đồ sứ, đóng thuyền, làm giấy,… (SGK - Trang 28)

Câu 2. Nội dung nào sau đây diễn tả sự phát triển của thương nghiệp Trung Quốc dưới thời Đường?

A. Hình thành những khu vực sản xuất chuyên môn hóa.

B. Quảng Châu trở thành thương cảng lớn nhất cả nước.

C. Nhà nước hạn chế giao thương, cấm buôn bán bằng đường biển.

D. Con đường tơ lụa trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế.

Đáp án đúng là: D

Con đường tơ lụa trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế với sự tham gia của thương nhân khắp thế giới (SGK - Trang 27)

Câu 3. Chính sách “lấy ruộng đất công và ruộng đất bỏ hoang chia cho nông dân” thực hiện dưới thời Đường được gọi là

A. quân điền.

B. tỉnh điền.

C. tịch điền.

D. điền địa.

Đáp án đúng là: A

Nhà Đường ban hành những chính sách phát triển nông nghiệp như miễn giảm sưu thuế, lấy ruộng đất công và ruộng đất bỏ hoang chia cho nông dân, gọi là chế độ quân điền (SGK - Trang 27)

Câu 4. Nội dung nào sau đây không phải là biểu hiện của sự phát triển thịnh vượng dưới thời Đường?

A. Thương nghiệp bị hạn chế, cấm buôn bán bằng đường biển.

B. Bộ máy nhà nước được củng cố, hoàn thiện, lãnh thổ mở rộng.

C. Nhà nước mở rộng khoa cử để tuyển chọn nhân tài.

D. Con đường tơ lụa trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế.

Đáp án đúng là: A

* Những biểu hiện cho thấy sự phát triển thịnh vượng dưới thời Đường:

- Về tổ chức bộ máy nhà nước:

+ Bộ máy nhà nước được củng cố hoàn thiện hơn từ trung ương đến địa phương

+ Nhà nước mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài.

- Về đối ngoại:

+ Tiến hành chính sách bành trướng lãnh thổ bằng các cuộc chiến tranh xâm lược.

+ Cuối thế kỉ VII lãnh thổ nhà Đường rộng gần gấp đôi nhà Hán.

- Về kinh tế:

+ Nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển

+ Con đường tơ lụa trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế của nhiều thương nhân khắp thế giới.

Câu 5. Để phát triển nông nghiệp, các vua đầu triều nhà Minh và nhà Thanh thường ban hành những chính sách gì?

A. Xây dựng nhiều đồn điền chuyên canh ngũ cốc, chè, bông.

B. Giảm thuế, chia ruộng đất cho nông dân, chú trọng thủy lợi.

C. Tịch thu ruộng đất của địa chủ để chia cho dân cày nghèo.

D. Nhập nhiều giống cây trồng mới (khoai lang, ngô, lạc, ớt,…).

Đáp án đúng là: B

Thời kì Minh - Thanh, sản xuất nông nghiệp gia tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Các vua đầu triều Minh, Thanh thường giảm thuế khóa, chia ruộng đất cho nông dân đồng thời chú trọng công tác thủy lợi (SGK - Trang 28)

Câu 6. Hai triều đại phong kiến không phải do người Hán lập ra là

A. Hán và Nguyên.

B. Tống và Minh.

C. Nguyên và Thanh.

D. Đường và Thanh.

Đáp án đúng là: C

Ở Trung Quốc, hai triều đại không phải do người Hán lập nên là: triều Nguyên (do người Mông Cổ thành lập) và triều Thanh (do người Mãn thành lập)

Câu 7. Triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc là

A. nhà Thanh.

B. nhà Minh.

C. nhà Tống.

D. nhà Đường.

Đáp án đúng là: A

Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc (SGK - Trang 26)

Câu 8. Trung Quốc thời phong kiến phát triển rực rỡ về cả chính trị, kinh tế và văn hóa dưới thời kì của các triều đại nào?

A. nhà Đường, nhà Hán và nhà Tùy.

B. nhà Đường, nhà Tống và nhà Minh.

C. nhà Tống, nhà Thanh và nhà Minh.

D. nhà Tần, nhà Hán và nhà Thanh.

Đáp án đúng là: B

Nhà Đường, nhà Tống và nhà Minh là những triều đại phát triển rực rỡ về cả chính trị, kinh tế và văn hóa (SGK - Trang 26)

Câu 9. Triều đại nào dưới đây ở Trung Quốc do người Mông Cổ lập ra?

A. Đường (618 - 907).

B. Tống (960 - 1279).

C. Nguyên (1271 - 1368).

D. Minh (1368 - 1644).

Đáp án đúng là: C

Nhà Nguyên (1271 - 1368) là triều đại do người Mông Cổ lập ra.

Câu 10. Thương cảng lớn nhất, thu hút nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán dưới thời Minh - Thanh là

A. Cảnh Đức.

B. Tô Châu.

C. Quảng Châu.

D. Phúc Kiến.

Đáp án đúng là: C

Dưới thời Minh - Thanh, Quảng Châu trở thành thương cảng lớn nhất thu hút nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán (SGK - Trang 28)

Câu 11. Nội dung nào sau đây không phải biểu hiện của sự phát triển thủ công nghiệp dưới thời Minh - Thanh?

A. Nhiều nghề thủ công nổi tiếng như: dệt tơ lụa, làm đồ sứ, đóng thuyền, làm giấy.

B. Các xưởng thủ công xuất hiện khắp nơi, tập trung chủ yếu ở thành thị.

C. Những khu vực chuyên môn hóa được hình thành với đông đảo người làm thuê.

D. Con đường tơ lụa hình thành và dần trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế.

Đáp án đúng là: D

- Sự phát triển của thủ công nghiệp thời Minh - Thanh:

+ Xuất hiện những ngành nghề thủ công nổi tiếng: Dệt tơ lụa, làm đồ sứ, đóng thuyền, làm giấy,…

+ Các xưởng thủ công xuất hiện ngày càng nhiều ở thành thị.

+ Thời nhà Thanh, hình thành nên những khu vực chuyên môn hóa sản xuất cao, đông đảo người làm thuê đến.

Câu 12. Từ cuối triều Minh, nhà nước phong kiến Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách

A. hạn chế ngoại thương.

B. bành trướng lãnh thổ.

C. miễn giảm sưu, thuế.

D. chia ruộng đất cho nông dân.

Đáp án đúng là: A

Từ cuối triều Minh, nhà nước bắt đầu chính sách hạn chế ngoại thương, thậm chí cấm buôn bán bằng đường biển. Đến thời nhà Thanh, sự cấm đoán càng ngặt nghèo hơn (SGK - Trang 29)

Câu 13. Đến cuối thế kỉ VII, lãnh thổ nhà Đường có sự thay đổi như thế nào so với thời Hán?

A. Bị thu hẹp hơn nhiều.

B. Mở rộng gần gấp đôi.

C. mở rộng gần gấp 3 lần.

D. Không có sự thay đổi.

Đáp án đúng là: B

Cuối thế kỉ VII, lãnh thổ nhà Đường mở rộng gần gấp đôi nhà Hán (SGK - trang 27).

Câu 14. Trấn Cảnh Đức (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) nổi tiếng với sản phẩm thủ công nào dưới đây?

A. Tơ lụa.

B. Gốm sứ.

C. Giấy.

D. Khảm trai.

Đáp án đúng là: B

Trấn Cảnh Đức (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) nổi tiếng với sản phẩm gốm sứ.

Câu 15. Người sáng lập ra triều Minh ở Trung Quốc là

A. Lý Thế Dân.

B. Triệu Khuông Dẫn.

C. Chu Nguyên Chương.

D. Hốt Tất Liệt.

Đáp án đúng là: C

Năm 1368, Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên, lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Minh.

Phần 2. Lý thuyết Lịch sử 7 Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

1. Khái lược tiến trình lịch sử trung quốc từ thế kỉ thứ VII đến giữa thế kỉ XIX.

- Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XIX Trung Quốc trải qua các triều đại lớn:

Thời gian

Tên triều đại/ thời kì

618 - 907

Nhà Đường

907 - 960

Thời kì Ngũ Đại Thập quốc

960 - 1279

Nhà Tống

1271 - 1368

Nhà Nguyên

1368 - 1644

Nhà Minh

1644 - 1911

Nhà Thanh

- Trong đó có 2 triều đại không phải do người Hán lập nên là triều Nguyên (người Mông Cổ thành lập) và triều Thanh ( người Mãn thành lập).

- Những triều đại phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa là nhà Đường, Tống, Minh.

- Nhà Thanh là triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc. Từ giữa thế kỉ XIX nhà Thanh suy yếu, Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị thực dân phương Tây xâm lược.

Tranh vẽ người Mông Cổ tràn vào Trung Quốc lập ra triều Nguyên (minh họa)

2. Sự thịnh vượng của Trung Quốc dưới thời Đường

a. Tổ chức bộ máy nhà nước:

- Bộ máy nhà nước được củng cố hoàn thiện hơn từ trung ương đến địa phương

- Cử người thân tín đi cai quản các địa phương

- Mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài.

b. Chính sách đối ngoại:

- Tiến hành chính sách bành trướng lãnh thổ bằng các cuộc chiến tranh xâm lược: Triều Tiên, Nội Mông, Tây Vực, cũng cố chế độ cai trị ở An Nam.

- Cuối thế kỉ VII lãnh thổ nhà Đường rộng gần gấp đôi nhà Hán.

c. Tình hình kinh tế:

- Vê nông nghiệp: Thi hành nhiều biện pháp giảm tô, lấy ruộng công và ruộng bỏ hoang chia cho nông dân. Thực hiện chế độ quân điền, do đó sản xuất phát triển.

- Thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển. Gốm sứ và tơ lụa theo con đường tơ lụa đi đến tận Phương Tây

- Thương nghiệp: hình thành con đường tơ lụa và trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế của nhiều thương nhân khắp thế giới.

=> Kinh tế phát triển phồn thịnh.

Thương nhân buôn bán trên con đường tơ lụa

3. Sự phát triển kinh tế thời Minh – Thanh.

Năm 1368, Chu Nguyên Chương lập đổ nhà Nguyên, lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Minh.

- Ba thế kỉ sau, lợi dụng sự bất ổn cuối nhà Minh, người Mãn từ phía Đông Bắc tràn xuống, xâm chiếm toàn bộ Trung Quốc lập ra nhà Thanh (1644).

- Triều Minh - Thanh đã thi hành nhiều biện pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế:

* Nông nghiệp:

Sản xuất nông nghiệp gia tăng về sản lượng, diện tích, năng suất.

+ Giảm thuế khóa, chia ruộng đất cho nông dân, chú trọng canh tác thủy lợi.

+ Áp dụng luân canh cây trồng, chọn giống cây mới

+ Xây dựng nhiều đồn điền chuyên canh trồng ngũ cốc, chè, bông,…

* Thủ công nghiệp:

+ Xuất hiện những ngành nghề thủ công nổi tiếng: Dệt tơ lụa, làm đồ sứ, đóng thuyền, làm giấy,…

+ Các xưởng thủ công xuất hiện ngày càng nhiều ở thành thị. Thời nhà Thanh hình thành nên những khu vực chuyên môn hóa sản xuất cao, đông đảo người làm thuê đến.

Gốm men xanh thời Minh

* Thương nghiệp: Hoạt động buôn bán trong và ngoài nước phát triển.

+ Quảng Châu trở thành thương cảng lớn nhất thu hút thương nhân nước ngoài đến buôn bán. + Hàng hóa trao đổi buôn bán với các nước như Ấn Độ, Ba Tư, các nước Đông Nam Á,….

+ Cuối nhà Minh, thực hiện chích sách hạn chế ngoại thương, cấm buôn bán bằng đường biển.

+ Đến thời nhà Thanh cấm đoán ngặt nghèo hơn => mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện.

Xem thêm các bài trắc nghiệm Lịch sử 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 5: Phong trào cải cách tôn giáo

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 7: Các thành tựu văn hóa chủ yếu của Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 8: Vương triều Gúp-ta

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 9: Vương triều Hồi giáo Đê-li

Trắc nghiệm Lịch Sử 7 Bài 10: Đế quốc Mô-gôn

Đánh giá

0

0 đánh giá