Giải SGK Kinh tế Pháp luật 10 Bài 22 (Kết nối tri thức): Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

8.4 K

Lời giải bài tập Giáo dục pháp luật lớp 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Pháp luật 10 Bài 22 từ đó học tốt môn KTPL 10.

Giải bài tập KTPL lớp 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

Video giải Kinh tế Pháp luật Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân - Kết nối tri thức

Mở đầu

Mở đầu trang 140 KTPL 10: Em cùng các bạn xem một số hình ảnh hoặc clip xét xử của một phiên tòa và chia sẻ những hiểu biết của em về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

Phương pháp giải:

Em dựa vào hiểu biết của mình để hoàn thành bài tập.  

Trả lời:

- Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp Toà án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính để bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan đảm nhiệm chức năng: thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

Khám phá

1. Toà án nhân dân 

Câu hỏi trang 140, 141 KTPL 10: Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 1)

1. Tòa án nước ta thực hiện các hoạt động xét xử nhằm mục đích gì?

2. Theo em, Tòa án nhân dân có vai trò gì?

Phương pháp giải:

- Đọc các thông tin và nêu lên mục đích tòa án thực hiện các hoạt động xét xử.

- Nêu được vai trò của Tòa án nhân dân.

Trả lời:

1. Hoạt động xét xử của Toà án nhằm mục đích thực hiện quyền tư pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của đất nước.

2. Toà án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền Công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Câu hỏi trang 141, 142 KTPL 10: Dựa vào sơ đồ 1 và hình 1, em hãy trình bày cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.

 Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Quan sát sơ đồ và hình ảnh, nêu được cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.

Trả lời:

- Toà án nhân dân được tổ chức thành:

+ Toà án nhân dân tối cao gồm: Toà án nhân dân cấp cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện.

+ Toá án quân sự gồm: Tòa án quân sự trung ương, Toàn án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.

Mỗi tòa án có một cơ cấu tổ chức riêng được quy định trong luật và được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

- Hoạt động của tòa án

+ Toà án nhân dân xét xử công khai.

+ Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Toà án nhân dân có thể xét xử kín.

+ Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

2. Viện kiểm sát nhân dân

Câu hỏi trang 142 KTPL 10: Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

1. Từ các thông tin trên, em hãy cho biết Viện kiểm sát nhân dân thành phố H thực hiện chức năng gì.

2. Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm soát nhân dân là gì?

3. Nêu ví dụ về việc Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố tại một phiên tòa.

Phương pháp giải:

Đọc các thông tin để tìm câu trả lời phù hợp. 

Trả lời:

1. Viện kiểm sát nhân dân thành phố H thực hiện chức năng thực hiện quyền hành công tố, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án và đề nghị mức án tử hình đối với cha dượng và tù chung thân đối với mẹ ruột bạo hành con gái 3 tuổi tử vong.

2. Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm soát nhân dân là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án hình sự.

3. Ví dụ về việc Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố tại một phiên tòa: xét xử vụ cha dượng bạo hành bé gái 3 tuổi ở Hà Nội.

- Viện kiểm sát nhân dân thực hiện khởi tố đối với 2 bị can: Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh liên quan đến vụ bạo hành bé N.N.M (3 tuổi, con của Lan Anh) dẫn đến tử vong.

- Viện kiểm sát nhân dân thực hiện truy tố bị can trước tòa trên cơ sở kết quả điều tra vụ án.

- Buộc tội các bị cáo Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh các tội: giết người; tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.

Câu hỏi trang 143 KTPL 10: Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:

 Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 3)

Em hiểu thế nào về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân? Nêu ví dụ minh họa.

Phương pháp giải:

Em đọc thông tin và dựa vào hiểu biết của bản thân để lí giải về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Nêu được ví dụ.

Trả lời:

- Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp. Chức năng này được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết các vụ án; thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Ví dụ: Xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Câu hỏi trang 144 KTPL 10: Dựa vào sơ đồ 2 và thông tin trên, em hãy trình bày cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 4) 

 Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 5)

Phương pháp giải:

Em đọc thông tin và dựa vào hiểu biết của bản thân để trình bày cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Trả lời:

- Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam là:

+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm: Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

+ Viện kiểm sát quân sự gồm: Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quan khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.

- Hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là:

+ Tất cả các Viện kiểm sát đều do Viện trưởng lãnh đạo.

+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

+ Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Luyện tập 

Luyện tập 1 trang 145 KTPL 10: Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai. Vì sao?

Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 6)

Phương pháp giải:

Em đọc các ý kiến dựa vào hiểu biết để nói lên suy nghĩ của mình.  

Trả lời:

a. Sai. Vì Toà án nhân dân được phân chia thành các cấp do đó khi cần, người dân cần nộp đơn ở toà án phù hợp để được giải quyết vấn đề của bản thân.

b. Đúng. Vì Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, huỷ bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Do đó, nếu không chấp thuận, đồng tình với quyết định của Viện kiểm sát, người dân có thể khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp cao hơn.

c. Đúng. Vì cần bảo mật những thông tin liên quan đến trẻ em để tránh gây ảnh hưởng tới cuộc sống hoặc tương lai sau này của trẻ em nên được xét xử kín.

d. Sai. Vì trong một số trường hợp, bản án của Toà án có thể xảy ra sai sót và sẽ được huỷ bỏ.

Luyện tập 2 trang 145 KTPL 10: Em đồng tình hay không đồng tình với hành vi nào sau đây? Vì sao?

  Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 7)

Phương pháp giải:

Em đọc các tình huống và nói lên suy nghĩ của mình.  

Trả lời:

a. Không đồng tình vì hành vi của cán bộ Viện kiểm sát A đã tiết lộ các thông tin của vụ án, có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình điều tra vụ án.

b. Đồng tình. Chị B đã thực hiện tốt trách nhiệm của bản thân trong công việc, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

c. Đồng tình. Thông qua các phiên toà giả định về bạo lực học đường, học sinh được cung cấp kiến thức bổ ích về pháp luật, nâng cao ý thức trong phòng, chống bạo lực học đường.

d. Đồng tình về việc làm của ông N. Việc làm của ông có thể sẽ hỗ trợ kiểm sát viên phát hiện một số sai sót (nếu có) và đưa ra những quyết định chính xác hơn.

Luyện tập 3 trang 145 KTPL 10: Em hãy xử lí các tình huống sau:

 Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 8)

Nếu là N, em sẽ làm gì để B thay đổi ý định?

 Pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân | Kết nối tri thức (ảnh 9)

Nếu là H, em sẽ làm gì để mẹ thay đổi ý định? 

Phương pháp giải:

Em đọc các tình huống và dựa vào kiến thức đã học để xử lí tình huống.

Trả lời:

a. Nếu là N, em sẽ giải thích cho B những lợi ích của việc đi xem xét xử vụ án ma tuý. Giúp nâng cao nhận thức về pháp luật và những vấn đề liên quan, có thể giúp bản thân và những người xung quanh tránh phạm phải những sai lầm tương tự trong tương lai.

b. Nếu là H, em sẽ giải thích để mẹ hiểu anh trai đã làm sai nên cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khuyên mẹ không nên nhờ người làm giả giấy tờ, cung cấp lời khai giả vì đây là những hành vi trái với quy định của pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Vận dụng 

Vận dụng 1 trang 145 KTPL 10: Em hãy viết bài luận tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ công lí của Tòa án nhân dân và chia sẻ với thầy cô cùng các bạn.

Phương pháp giải:

Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập. 

Trả lời:

Trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, chỉ có tòa án, chứ không phải cơ quan nhà nước nào khác, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý có nghĩa là tòa án phải đem đến lẽ phải, sự công bằng trong các vụ tranh chấp mà mình xét xử. Quan trọng hơn, tòa án cũng phải cho xã hội thấy rằng lẽ phải, sự công bằng đã được thực thi trong mỗi vụ tranh chấp mà nó phân xử. Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp đầu tiên quy định rõ tòa án có nhiệm vụ thi hành công lý. 

Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng có nghĩa là mỗi khi người dân cho rằng quyền của mình đã bị xâm phạm thì đều có quyền kiện tới tòa án để được bảo vệ. Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ kiện theo thẩm quyền cụ thể quy định tại các luật tố tụng, xác định cụ thể hành vi vi phạm, mức độ vi phạm và chế tài tương ứng đối với các vi phạm đối với quyền con người, quyền công dân. Cho dù chủ thể xâm phạm quyền con người, quyền công dân là ai cũng phải chấp hành quyết định của tòa án.

Chế độ Xã hội Chủ nghĩa là chế độ được xây dựng trên nền tảng dân chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và bản chất nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ Xã hội Chủ nghĩa lấy nhân dân làm gốc và người dân làm trung tâm của sự phát triển. Cao hơn cả, một chế độ dân chủ với nhân dân phải là một chế độ coi trọng công lý, coi trọng lẽ phải và lẽ công bằng. Chế độ đó cũng phải là chế độ tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Khi người dân thấy rằng trong xã hội có công lý và sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân thì niềm tin vào chế độ xã hội được củng cố vững chắc. Như vậy, tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý cũng là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Ngược lại, nếu tòa án không bảo vệ được công lý, không cho thấy có công lý trong xã hội hoặc công lý quá xa với người dân thì sẽ lại là phản tác dụng. Bởi khi đó người dân sẽ không tin tưởng vào tòa án, vào công lý, dẫn tới mất lòng tin vào chế độ.

Thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý cũng là cơ sở để tạo ra lòng tin của người dân đối với tòa án. Tòa án không bảo vệ được công lý là điều tồi tệ nhất. Khi đó người dân sẽ nghĩ rằng tòa án không phải là nơi có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình và họ sẽ không tìm đến tòa án mỗi khi có tranh chấp. Nói cách khác họ mất niềm tin vào tòa án. Từ đó, họ mất đi niềm tin vào công lý trong xã hội. Mất đi lòng tin của người dân, sự tồn tại của tòa án sẽ trở thành vô nghĩa đối với xã hội. Tóm lại, chỉ khi nào hoàn thành được nhiệm vụ “bảo vệ công lý” thì tòa án mới có thể giành được niềm tin của xã hội.

Vận dụng 2 trang 145 KTPL 10: Em hãy viết bài luận tuyên truyền chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân nhằm đảm bảo xét xử kịp thời, nghiêm chỉnh, đúng pháp luật.

Phương pháp giải:

Em dựa vào hiểu biết và kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.  

Trả lời:

Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm: Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

1. Tòa án nhân dân

a) Chức năng của Tòa án nhân dân

- Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp Toà án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính để bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Đồng thời, Toà án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.

b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân

- Toà án nhân dân được tổ chức thành:

+ Toà án nhân dân tối cao;

+ Toà án nhân dân cấp cao;

+ Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương.

+ Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

+ Toá án quân sự.

- Mỗi tòa án có một cơ cấu tổ chức riêng được quy định trong luật và được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

- Toà án nhân dân xét xử công khai, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Toà án nhân dân có thể xét xử kín.

- Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức).

2. Viện kiểm sát nhân dân

a) Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân

Chức năng thực hành quyền công tố

- Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

- Hoạt động thực hành quyền công tố bao gồm:

+ Khởi tố bị can (để có được quyết định khởi tố bị can, cơ quan công tố phải khởi tố vụ án và điều tra, xác minh);

+ Truy tố bị can ra trước toà án trên cơ sở kết quả điều tra vụ án và chứng minh được người phạm tội;

+ Buộc tội bi cáo và bảo vệ sự buộc tội trước phiên toà bằng cách công bố bản cáo trạng, tham gia xét hỏi, trình bày lời luận tội và tranh luận trước phiên toà sơ thẩm (nếu vụ án bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì có mặt để tham gia xét hỏi và trình bày lời kết luận về kháng cáo, kháng nghị trước phiên toà phúc thẩm).

Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp

- Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

- Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam bao gồm:

+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

+ Viện kiểm sát quân sự

- Cơ cấu tổ chức các Viện kiểm sát do luật định, tuy nhiên tất cả các Viện kiểm sát đều do Viện trưởng lãnh đạo.

- Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Xem thêm các bài giải SGK Kinh tế Pháp luật lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 18: Nội dung cơ bản của Hiến pháp về bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 21: Quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Bài 22: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

Bài 23: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Đánh giá

0

0 đánh giá