Với giải Câu hỏi trang 156 Địa Lí 11 Kết nối tri thức chi tiết trong Bài 30: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Địa lí 11. Mời các bạn đón xem:
Giải bài tập Địa Lí lớp 11 Bài 30: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi
Câu hỏi trang 156 Địa Lí 11: Dựa vào thông tin mục II và hình 30.1, hãy: Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội Cộng hòa Nam Phi.
Lời giải:
- Ảnh hưởng của địa hình và đất:
+ Khu vực nội địa với địa hình cao nguyên tương đối bằng phẳng nhưng đất chủ yếu là đất xám hoang mạc, xa van khô cằn ít dinh dưỡng, không thuận lợi cho trồng trọt, phần nhỏ diện tích có thể phát triển đồng cỏ để chăn nuôi gia súc.
+ Khu vực ven biển và thung lũng các sông có địa hình đồng bằng, đất màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và cư trú.
+ Địa hình núi dãy Đrê-ken-béc dài hơn 1000km chia cắt gây khó khăn cho giao thông và kết nối thị trường trong nước.
- Ảnh hưởng của khí hậu:
+ Vùng nội địa có khí hậu nhiệt đới lục địa khô hạn chỉ phù hợp để chăn nuôi gia súc.
+ Vùng duyên hải đông nam có khí hậu nhiệt đới ẩm thuận lợi trồng các loại cây công nghiệp (mía, chè, cọ dầu, cây ăn quả).
+ Vùng ven biển phía nam có khí hậu cận nhiệt địa trung hải thuận lợi trồng các cây ăn quả cận nhiệt.
+ Khí hậu tạo cho Nam Phi có cơ cấu cây trồng vật nuôi đa dạng có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn tương đối khô hạn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
- Ảnh hưởng của sông, hồ:
+ Một số sông có giá trị thủy điện và cung cấp nước cho công nghiệp khai thác khoáng sản, canh tác nông nghiệp, ít có giá trị về giao thông.
+ Ít có hồ tự nhiên, chủ yếu là các hồ nhân tạo phục vụ cho tưới tiêu, thủy điện.
- Ảnh hưởng của tài nguyên sinh vật:
+ Hệ sinh thái điển hình Xa-van là nơi cung cấp nguồn gen và các nguyên liệu có giá trị cho sản xuất và đời sống.
+ Sự đa dạng độc đáo về tài nguyên sinh vật là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch.
- Ảnh hưởng của tài nguyên thiên nhiên: tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn có ý nghĩa then chốt thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và đem lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
- Ảnh hưởng của biển:
+ Tài nguyên sinh vật biển phong phú, trữ lượng thủy sản lớn, nhiều loài có giá trị cao tạo điều kiện cho ngành khai thác thủy sản phát triển.
+ Vùng biển có nhiều cảng nước sâu thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải biển, du lịch.
Lý thuyết Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
1. Địa hình và đất
♦ Phần lớn lãnh thổ Cộng hòa Nam Phi có địa hình cao nguyên với độ cao trung bình khoảng 2 000 m. Địa hình có thể chia thành ba khu vực chính:
- Khu vực nội địa:
+ Địa hình cao nguyên tương đối bằng phẳng với nhiều bậc địa hình.
+ Đất ở khu vực này chủ yếu là đất xám hoang mạc và bản hoang mạc, đất xa van, khô cằn, ít dinh dưỡng, không thuận lợi cho trồng trọt, một phần nhỏ diện tích có thể phát triển đồng cỏ để chăn nuôi gia súc.
- Khu vực ven biển và thung lũng các sông:
+ Địa hình đồng bằng.
+ Đất màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và cư trú.
- Dãy Đrê-ken-béc:
+ Dài hơn 1.000 km, hình thành ranh giới ngăn cách giữa các cao nguyên rộng lớn trong nội địa với các đồng bằng và vùng thấp ven Ấn Độ Dương.
+ Địa hình núi chia cắt gây khó khăn cho giao thông và kết nối thị trường trong nước.
2. Khí hậu
♦ Đặc điểm:
- Nằm trong các đới khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt;
- Có sự phân hóa giữa phía bắc với phía nam, giữa ven biển phía tây và ven biển phía đông, giữa vùng ven biển với vùng nội địa.
+ Vùng nội địa và duyên hải phía tây có khí hậu nhiệt đới lục địa khô hạn, lượng mưa ít, cảnh quan chủ yếu là hoang mạc, xa van, cây bụi,… chỉ phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc.
+ Vùng duyên hải đông nam có khí hậu nhiệt đới ẩm, lượng mưa hàng năm khá cao, thuận lợi trong các loại cây công nghiệp và cây ăn quả.
+ Vùng ven biển phía nam có khí hậu cận nhiệt địa trung hải, thuận lợi trong các loại cây ăn quả cận nhiệt như nho, cam, chanh….
♦ Ảnh hưởng:
- Tạo điều kiện cho Cộng hòa Nam Phi có cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là các loại cây trồng nhiệt đới, cận nhiệt có giá trị xuất khẩu.
- Khí hậu tương đối khô hạn, chỉ khoảng 1/3 diện tích lãnh thổ có đủ lượng mưa cho hoạt động trồng trọt. Vì vậy, Cộng hòa Nam Phi đã phải đầu tư xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi nhằm cung cấp nước cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân.
3. Sông, hồ
- Sông:
+ Có nhiều sông nhưng sông thường ngắn, dốc. Một số sông lớn ở Cộng hòa nam Phi là: O-ran-giơ và Lim-pô-pô,…
+ Các công thường bắt nguồn từ vùng cao nguyên nội địa và dãy Đrê-ken-béc, chảy ra Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
+ Sông có nguồn cung cấp nước chủ yếu là nước mưa nên mùa lũ trùng mùa mưa.
+ Một số sông có giá trị thuỷ điện và cung cấp nước cho công nghiệp khai thác khoáng sản, canh tác nông tuy nhiên ít có giá trị về giao thông.
- Hồ: có ít hồ tự nhiên, chủ yếu là hồ nhân tạo phục vụ mục đích tưới tiêu, thuỷ điện.
4. Sinh vật
- Xavan là hệ sinh thái điển hình ở Cộng hòa Nam Phi, chiếm 34,3% diện tích đất nước.
- Cộng hòa Nam Phi có hệ động vật rất phong phú, đa dạng, với nhiều loài đặc hữu như: sư tử, báo, voi, tê giác, hươu cao cổ, ngựa vắn, hà mã,... Đây là nơi cung cấp nguồn gen và các nguyên liệu có giá trị cho sản xuất và đời sống của người dân.
- Sự đa dạng và độc đáo về tài nguyên sinh vật là một trong những đặc điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch tới Cộng hòa Nam Phi.
5. Khoáng sản
- Tài nguyên khoáng sản phong phú, các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là kim loại, khoáng sản năng lượng, tập trung ở vùng cao nguyên trong nội địa.
- Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa then chốt thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và đem lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
6. Biển
- Vùng biển Cộng hòa Nam Phi có tài nguyên sinh vật biển phong phú do có nhiều dòng biển chảy qua, đặc biệt là vùng biển phía tây nam là nơi có trữ lượng thuỷ sản lớn nhất, nhiều loài có giá trị cao, tạo điều kiện cho ngành khai thác thuỷ sản phát triển.
- Vùng biển Cộng hòa Nam Phi còn thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển (một số cảng nước sâu như: Kếp-tao, Po Ê-li-da-bét) và du lịch.
Video bài giảng Địa Lí 11 Bài 30: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Cộng hòa Nam Phi - Kết nối tri thức
Xem thêm lời giải bài tập Địa Lí lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Xem thêm các bài giải SGK Địa lí lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: