Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề)

Tải xuống 21 1.4 K 8

Tài liệu Bộ đề thi Sinh học lớp 10 Giữa học kì 1 có đáp án năm học 2021 – 2022 gồm 4 đề thi tổng hợp từ đề thi môn Sinh học 10 của các trường THPT trên cả nước đã được biên soạn đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Giữa học kì 1 Sinh học lớp 10. Mời các bạn cùng đón xem: 

Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề) - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa học kì 1

Môn: Sinh Học 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 1)

A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)

Câu 1: Điểm chung của giới Nấm và giới Động vật là

A. đều thích ứng cao trong môi trường nước.

B. đều sống dị dưỡng.

C. đều sống cố định.

D. đều chưa có cấu tạo tế bào.

Câu 2: Cấu trúc nhân của giới sinh vật nào dưới đây có nhiều khác biệt nhất so với các giới còn lại?

A. Giới Động vật

B. Giới Nguyên sinh

C. Giới Khởi sinh

D. Giới Nấm

Câu 3: Đặc tính nào ở nước là tiền đề, cơ sở cho mọi tính chất kì diệu của nước trong tế bào?

A. Hóa hơi

B. Dẫn điện

C. Dẫn nhiệt

D. Phân cực

Câu 4: Nguyên tố nào dưới đây là nguyên tố vi lượng trong tế bào?

A. H

B. Zn

C. N

D. Ca

Câu 5: Đường saccarôzơ được tạo thành nhờ sự kết hợp của

A. đường fructôzơ và đường glucôzơ.

B. 2 phân tử đường glucôzơ.

C. đường glucôzơ và đường galactôzơ.

D. đường mantôzơ và đường lactôzơ.

Câu 6: Sự kết hợp của hai hay nhiều chuỗi pôlipeptit sẽ tạo nên cấu trúc bậc mấy của prôtêin?

A. Cấu trúc bậc 1

B. Cấu trúc bậc 2

C. Cấu trúc bậc 3

D. Cấu trúc bậc 4

Câu 7: Phân tử prôtêin rất dễ bị biến tính trong điều kiện nào dưới đây?

A. Độ ẩm cao

B. Nhiệt độ cao

C. Áp suất thấp

D. Ánh sáng yếu

Câu 8: Thành tế bào có chức năng chính là gì?

A. Bảo vệ và quy định hình dạng tế bào

B. Trao đổi chất giữa tế bào với môi trường

C. Là điểm tựa cho hoạt động phân chia, hình thành bào quan mới

D. Tất cả các phương án còn lại đều đúng

Câu 9: Bào quan nào dưới đây có ở cả tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực?

A. Bộ máy Gôngi

B. Lizôxôm

C. Ribôxôm

D. Ti thể

Câu 10: Khi nói về sự vận chuyển các chất qua màng sinh chất, phát biểu nào dưới đây là đúng?

A. Tất cả các phương án còn lại đều đúng

B. Vận chuyển chủ động là kiểu vận chuyển các chất từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp

C. Vận chuyển thụ động tiêu tốn nhiều năng lượng

D. Xuất bào là kiểu vận chuyển các chất ra ngoài tế bào thông qua sự biến dạng màng sinh chất.

B. Tự luận

Câu 1: Trình bày cấu trúc và chức năng của màng sinh chất ở tế bào nhân thực. (5 điểm)

Câu 2: Tại sao khi tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác trong vũ trụ, các nhà khoa học trước hết lại tìm xem ở đó có nước hay không? (1 điểm)

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

A. Trắc nghiệm

Câu 1: Chọn B.

đều sống dị dưỡng (không tự tổng hợp được chất hữu cơ mà phải lấy từ môi trường ngoài)

Câu 2: Chọn C.

Giới Khởi sinh (nhân không có màng bọc – nhân sơ, các đại diện còn lại có nhân thực)

Câu 3: Chọn D.

Phân cực (do phân cực nên phân tử nước này hút phân tử nước kia qua liên kết H và hút các phân tử phân cực khác tạo cho nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sống)

Câu 4: Chọn B.

Zn (chiếm khối lượng nhỏ hơn 0,01%)

Câu 5: Chọn A.

đường fructôzơ và đường glucôzơ.

Câu 6: Chọn D.

Cấu trúc bậc 4

Câu 7: Chọn B.

Nhiệt độ cao (nhiệt độ cao sẽ làm mất chức năng sinh học của đại phân tử này)

Câu 8: Chọn A.

Bảo vệ và quy định hình dạng tế bào

Câu 9: Chọn C.

Ribôxôm

Câu 10: Chọn D.

Xuất bào là kiểu vận chuyển các chất ra ngoài tế bào thông qua sự biến dạng màng sinh chất.

B. Tự luận

Câu 1: Cấu trúc và chức năng của màng sinh chất:

- Cấu trúc:

+ Màng sinh chất có cấu trúc khảm động với 2 thành phần chính là phôtpholipit và prôtêin (gồm có prôtêin bám màng, xuyên màng và bán xuyên màng). Ở tế bào người và động vật, màng sinh chất có thêm colestêron giúp ổn định cấu trúc màng. (1 điểm)

+ Ngoài các thành phần kể trên, màng sinh chất còn có glicôlipit, glicôprôtêin (1 điểm)

- Chức năng:

+ Trao đổi chất với môi trường một cách có chọn lọc: trong đó, lớp phôtpholipit chỉ cho các phân tử nhỏ tan trong dầu mỡ đi qua (không phân cực). Các chất phân cực và tích điện đều phải ra vào tế bào qua kênh prôtêin chuyên biệt. Do sự vận chuyển có chọn lọc này mà màng sinh chất còn được gọi là màng bán thấm. (2 điểm)

+ Thu nhận thông tin cho tế bào (thông qua các thụ thể): Ví dụ: màng tế bào thần kinh người thu nhận các tín hiệu từ xung thần kinh do các tế bào trước đó giải phóng ra. (0,5 điểm)0

+ Nhận biết các tế bào cùng cơ thể và các tế bào lạ (khác cơ thể): thông qua dấu chuẩn là glicôprôtêin trên màng tế bào (0,5 điểm)

Câu 2: Khi tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác, các nhà du hành vũ trụ trước tiên đều kiểm tra xem nơi đó có nước hay không vì nước là phân tử hóa học đóng vai trò quan trọng nhất cấu thành nên cơ thể sống và duy trì sự sống. Điều này có thể minh chứng qua những dẫn liệu sau:

- Nước chiếm 70-98% khối lượng cơ thể

- Nước là dung môi hòa tan các chất cần thiết đồng thời là môi trường cho mọi phản ứng sinh hóa trong cơ thể.

- Nước tham gia vào cấu tạo của mọi tế bào sống; tham gia vào quá trình vận chuyển và chuyển hóa các chất trong cơ thể sống

- Nước là khởi nguồn, là môi trường đầu tiên cho cho sự sống hình thành và sinh sôi (1 điểm)

Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề) - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa học kì 1

Môn: Sinh Học 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 2)

A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)

Câu 1: Cấp tổ chức sống nào dưới đây không phải là cấp tổ chức cơ bản?

A. Hệ sinh thái

B. Mô

C. Tế bào

D. Cơ thể

Câu 2: Vi khuẩn là đại diện của

A. giới Khởi sinh.

B. giới Nguyên sinh.

C. giới Nấm.

D. giới Động vật.

Câu 3: Có 4 nguyên tố hóa học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cấu tạo của thế giới sống, nguyên tố nào dưới đây không nằm trong số đó?

A. O

B. H

C. P

D. N

Câu 4: Nguyên tố nào dưới đây là nguyên tố vi lượng trong cơ thể thực vật?

A. K

B. P

C. N

D. Mo

Câu 5: Đường saccarôzơ còn có tên gọi khác là

A. đường phèn.

B. đường mía.

C. đường sữa.

D. đường mạch nha.

Câu 6: Loại vitamin nào dưới đây có bản chất là lipit?

A. Vitamin C

B. Vitamin D

C. Vitamin B6

D. Tất cả các phương án còn lại

Câu 7: Hoạt động của hêmôglôbin - một loại prôtêin – trong máu người là minh chứng điển hình cho thấy vai trò gì của đại phân tử này?

A. Dự trữ các chất cần thiết

B. Cấu tạo nên các hệ cơ quan

C. Vận chuyển các chất

D. Bảo vệ cơ thể

Câu 8: Nội dung nào dưới đây phản ánh đúng nguyên tắc bổ sung trong cấu tạo của phân tử ADN?

A. A liên kết với T bằng 3 liên kết hiđrô, G liên kết với X bằng 2 liên kết cộng hóa trị

B. A liên kết với T bằng 2 liên kết cộng hóa trị, G liên kết với X bằng 3 liên kết hiđrô

C. A liên kết với G bằng 2 liên kết hiđrô, T liên kết với X bằng 2 liên kết hiđrô

D. A liên kết với T bằng 2 liên kết hiđrô, G liên kết với X bằng 3 liên kết hiđrô

Câu 9: Tế bào được cấu tạo từ bao nhiêu thành phần chính?

A. 2

B. 3

C. 4

D. 5

Câu 10: Trong tế bào, bào quan nào đóng vai trò tổng hợp prôtêin?

A. Ribôxôm

B. Lizôxôm

C. Không bào

D. Lưới nội chất

B. Tự luận

Câu 1: Trình bày chức năng của các thành phần chính và bào quan có trong tế bào nhân thực. (5 điểm)

Câu 2: Tơ tằm, sừng hươu, thịt gà, trứng đều có bản chất là prôtêin nhưng chúng lại khác nhau về rất nhiều đặc tính, vì sao vậy? (1 điểm)

Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề) (ảnh 1)

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

A. Trắc nghiệm

Câu 1: Chọn B.

Mô (các cấp tổ chức cơ bản bao gồm: tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái)

Câu 2: Chọn A.

giới Khởi sinh (có cấu trúc tế bào nhân sơ)

Câu 3: Chọn C.

P (4 nguyên tố quan trọng nhất của sinh giới là C, H, O, N, chiếm 96% khối lượng cơ thể sống)

Câu 4: Chọn D.

Mo (chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 1 nguyên tử trên 16 triệu nguyên tử H)

Câu 5: Chọn B.

đường mía (đường saccarôzơ là thành phần chủ yếu trong dịch ép thân cây mía)

Câu 6: Chọn B.

Vitamin D

Câu 7: Chọn C.

Vận chuyển các chất (vận chuyển O2 và CO2)

Câu 8: Chọn D.

A liên kết với T bằng 2 liên kết hiđrô, G liên kết với X bằng 3 liên kết hiđrô

Câu 9: Chọn B.

3 (màng sinh chất, tế bào chất, nhân hoặc vùng nhân)

Câu 10: Chọn A.

Ribôxôm

B. Tự luận

Câu 1: Chức năng của các thành phần chính và bào quan có trong tế bào nhân thực:

- Màng sinh chất: bảo vệ, tham gia vào quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi trường ngoài, ngoài ra còn có vai trò thu nhận thông tin và dấu chuẩn nhận biết (0,5 điểm)

- Nhân tế bào: lưu trữ, bảo quản vật chất di truyền và điều khiển mọi hoạt động sống của tế bào (0,5 điểm)

- Lưới nội chất: tổng hợp prôtêin, tổng hợp lipit, chuyển hóa đường và phân hủy các chất độc hại đối với cơ thể (0,5 điểm)

- Bộ máy Gôngi: Là nơi lắp ráp, đóng gói và phân phối các sản phẩm của tế bào (0,5 điểm)

- Ribôxôm: là nơi tổng hợp prôtêin (0,5 điểm)

- Ti thể: tham gia vào quá trình chuyển hóa, sản xuất năng lượng cho tế bào (0,5 điểm)

- Lục lạp (chỉ có ở tế bào thực vật): tổng hợp chất hữu cơ cho tế bào (0,5 điểm)

- Không bào: dự trữ các chất (bao gồm cả sắc tố, chất dinh dưỡng và chất thải độc hại), tham gia vào quá trình hút nước (0,5 điểm)

- Lizôxôm: phân hủy tế bào già, bào quan già, tế bào bị tổn thương không có khả năng phục hồi cũng như các đại phân tử (0,5 điểm)

- Khung xương tế bào: Là giá đỡ cơ học cho tế bào, giúp cho tế bào động vật có hình dạng xác định. (0,5 điểm)

Câu 2: Mặc dù tơ tằm, sừng hươu, thịt gà, trứng đều có bản chất là prôtêin nhưng sinh giới có khoảng hơn 20 loại axit amin cấu thành nên prôtêin, trong đó, mỗi loại prôtêin lại khác nhau về thành phần, trình tự sắp xếp cũng như số lượng axit amin góp mặt, chính điều này đã tạo nên sự sai khác lớn về các đặc tính mà prôtêin quy định (hình thái, cấu trúc, chức năng, kích thước…), góp phần tạo nên sự đa dạng về sinh giới như ngày hôm nay. (1 điểm)

 

--------------------------------------------------

Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề) - Đề 3

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa học kì 1

Môn: Sinh Học 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 3)

A. Trắc nghiệm

(trả lời đúng mỗi câu được 0,4 điểm)

Câu 1: Trong cơ thể sống, các nguyên tố đại lượng đóng vai trò chủ yếu là gì?

A. Cấu tạo nên các enzim có hoạt tính mạnh

B. Tham gia cấu tạo nên các đại phân tử hữu cơ

C. Tạo môi trường trong cho các phản ứng sinh hóa

D. Cấu tạo nên các tế bào sắc tố và vitamin

Câu 2: Thành phần nào dưới đây không được tìm thấy trong cấu tạo của một tế bào nhân sơ?

A. Lông và roi

B. Thành tế bào

C. Bộ máy Gôngi

D. Ribôxôm

Câu 3: Bào quan nào dưới đây có ở tế bào thực vật mà không có ở tế bào động vật?

A. Tất cả các phương án còn lại

B. Ribôxôm

C. Lưới nội chất

D. Lục lạp

Câu 4: Khi nói về quá trình khuếch tán, nhận định nào dưới đây là không chính xác?

A. Tốc độ khuếch tán tỉ lệ thuận với diện tích khuếch tán

B. Tiêu tốn nhiều năng lượng

C. Các chất hòa tan trong nước vận chuyển qua màng theo chiều građien nồng độ

D. Sự khuếch tán của các phân tử nước qua màng sinh chất được gọi là thẩm thấu

Câu 5: Trong cơ thể người, nồng độ các chất được duy trì trong mức độ nhất định và khi xảy ra biến động gây mất cân bằng thì sẽ xuất hiện cơ chế điều hòa để đưa các giá trị về mức bình thường. Nhận định trên phản ánh đặc điểm nào ở các tổ chức sống?

A. Hoạt động theo nguyên tắc thứ bậc

B. Liên tục tiến hóa

C. Khả năng tự điều chỉnh

D. Là hệ thống mở

Câu 6: Nấm nhầy là đại diện của giới sinh vật nào?

A. Giới Thực vật

B. Giới Nguyên sinh

C. Giới Khởi sinh

D. Giới Nấm

Câu 7: Hình thức vận chuyển nào dưới đây gây ra biến dạng rõ rệt trên màng sinh chất?

A. Vận chuyển chủ động

B. Thẩm thấu

C. Khuếch tán

D. Thực bào

Câu 8: Đường glucôzơ có vai trò chủ yếu là

A. xúc tác cho các phản ứng sinh hóa trong tế bào và cơ thể.

B. cung cấp năng lượng cho hoạt động của tế bào và cơ thể.

C. vận chuyển các chất từ nơi này đến nơi khác trong tế bào.

D. cấu tạo nên các bào quan trong tế bào.

Câu 9: Đường mạch nha là tên gọi khác của loại đường nào?

A. Đường fructôzơ

B. Đường saccarôzơ

C. Đường lactôzơ

D. Đường mantôzơ

Câu 10: Mỗi phân tử mỡ đều được hình thành do

A. một phân tử glixêrol liên kết với ba axit béo.

B. ba phân tử glixêrol liên kết với một axit béo.

C. một phân tử glucôzơ liên kết với ba axit béo.

D. một phân tử glixêrol liên kết với ba axit amin.

B. Tự luận

Câu 1: Trình bày cấu tạo hóa học và chức năng của cacbohiđrat (đường). (5 điểm)

Câu 2: Tại sao muốn rau tươi lâu, ta phải thường xuyên vảy nước vào rau? (1 điểm)

Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề) (ảnh 2)

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

A. Trắc nghiệm

Câu 1: Chọn B.

Tham gia cấu tạo nên các đại phân tử hữu cơ

Câu 2: Chọn C.

Bộ máy Gôngi (chỉ có ở tế bào nhân thực)

Câu 3: Chọn D.

Lục lạp

Câu 4: Chọn B.

Tiêu tốn nhiều năng lượng (các chất đi từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp nên không tiêu tốn năng lượng)

Câu 5: Chọn C.

Khả năng tự điều chỉnh

Câu 6: Chọn B.

Giới Nguyên sinh

Câu 7: Chọn D.

Thực bào (màng sinh chất biến dạng để bao lấy khối “thức ăn”)

Câu 8: Chọn B.

cung cấp năng lượng cho hoạt động của tế bào và cơ thể.

Câu 9: Chọn D.

Đường mantôzơ

Câu 10: Chọn A.

một phân tử glixêrol liên kết với ba axit béo.

B. Tự luận

Câu 1: Cấu tạo hóa học và chức năng của cacbohiđrat (đường):

- Cấu trúc hóa học:

+ Là hợp chất hữu cơ được cấu thành từ 3 nguyên tố hóa học: C, H, O (1 điểm)

+ Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân với sự góp mặt của các đơn phân, trong đó loại đơn phân điển hình là đường 6 cacbon (glucôzơ, fructôzơ và galactôzơ) (0,5 điểm)

+ Dựa vào số lượng đơn phân, người ta chia đường thành 3 loại:

* Đường đơn (chỉ gồm một đơn phân: glucôzơ, fructôzơ và galactôzơ) (0,5 điểm)

* Đường đôi (gồm hai đơn phân, ví dụ: mantôzơ, lactôzơ) (0,5 điểm)

* Đường đa (gồm nhiều đơn phân liên kết với nhau, ví dụ: tinh bột, xenlulôzơ…) (0,5 điểm)

- Chức năng:

+ Là nguồn năng lượng dự trữ cho tế bào và cơ thể (Ví dụ: glicôgen là nguồn năng lượng dự trữ ngắn hạn trong cơ thể người, tinh bột là nguồn dự trữ năng lượng cho cây) (1 điểm)

+ Cấu tạo nên tế bào và các bộ phận của cơ thể (Ví dụ: xenlulôzơ cấu tạo nên thành tế bào thực vật, kitin cấu tạo nên thành tế bào nấm…) (1 điểm)

Câu 2: Sau khi thu hoạch, rau sẽ mất dần nước do mất nguồn cung cấp nước từ rễ lên (vì thu hoạch rau thường cắt ngang thân) và thất thoát nước từ quá trình thoát hơi nước ở lá, chính vì vậy mà rau sẽ héo dần. Để tránh tình trạng này, ta nên vảy nước thường xuyên vào rau vì khi đó, nước sẽ thẩm thấu từ bên ngoài vào tế bào, làm tế bào căng nước, trương lên và giúp rau tươi lâu hơn (1 điểm)

 

--------------------------------------------------

Đề thi Sinh học lớp 10 Giữa kì 1 có đáp án (4 đề) - Đề 4

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Giữa học kì 1

Môn: Sinh Học 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 4)

A. Trắc nghiệm (Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm)

Câu 1: Đơn phân của prôtêin là gì?

A. Axit amin

B. Glucôzơ

C. Nuclêôtit

D. Axit béo

Câu 2: Thành phần nào dưới đây không có trong cấu tạo của tế bào nhân sơ?

A. Màng sinh chất

B. Màng nhân

C. Nhân con

D. Tế bào chất

Câu 3: Loại đường nào dưới đây là đường đơn?

A. Mantôzơ

B. Fructôzơ

C. Lactôzơ

D. Saccarôzơ

Câu 4: Điền số liệu thích hợp vào chỗ trống để hoàn thành câu sau: Các nguyên tố vi lượng là những nguyên tố chiếm tỉ lệ nhỏ hơn … khối lượng cơ thể sống.

A. 1%

B. 0,01%

C. 0,1%

D. 0,001%

Câu 5: Khi nói về giới Nấm, phát biểu nào dưới đây là đúng?

A. Tế bào không có màng nhân

B. Chứa lục lạp

C. Sống dị dưỡng

D. Không có thành tế bào

Câu 6: Nhóm sinh vật nào dưới đây không phải là một đại diện của giới Thực vật?

A. Hạt kín

B. Rêu

C. Tảo

D. Dương xỉ

Câu 7: Thế giới sinh vật được phân loại thành các đơn vị theo trình tự nhỏ dần là:

A. giới – ngành – lớp – bộ – họ – chi – loài.

B. giới – ngành – lớp – họ – bộ – chi – loài.

C. giới – lớp – ngành – bộ – họ – chi – loài.

D. giới – ngành – chi – bộ – họ – lớp – loài.

Câu 8: Đặc điểm nào dưới đây không phải là đặc điểm chung của các cấp tổ chức sống?

A. Liên tục tiến hóa

B. Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc

C. Là hệ thống khép kín

D. Có khả năng tự điều chỉnh

Câu 9: Colesterôn có bản chất là

A. gluxit.

B. mỡ.

C. phôtpholipit.

D. stêrôit.

Câu 10: Trong tế bào nhân thực, bộ máy Gôngi có vai trò gì?

A. Lắp ráp, đóng gói và phân phối các sản phẩm của tế bào

B. Tổng hợp các chất cho tế bào

C. Tổng hợp prôtêin

D. Phân hủy các tế bào già, bào quan già và chất thải độc hại

B. Tự luận

Câu 1: Nêu cấu trúc và chức năng của prôtêin. (5 điểm)

Câu 2: Kích thước nhỏ và cấu tạo đơn giản của vi khuẩn đem đến cho chúng ưu thế gì? (1 điểm)

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

A. Trắc nghiệm

Câu 1: Chọn A.

Axit amin

Câu 2: Chọn B.

Màng nhân (không có màng bao bọc, chỉ là một vùng nhân nên gọi là nhân sơ)

Câu 3: Chọn B.

Fructôzơ (cấu tạo chỉ gồm 1 đơn phân, các loại đường còn lại đều là đường đôi)

Câu 4: Chọn B.

0,01%

Câu 5: Chọn C.

Sống dị dưỡng

Câu 6: Chọn C.

Tảo

Câu 7: Chọn A.

giới – ngành – lớp – bộ – họ – chi – loài.

Câu 8: Chọn C.

Là hệ thống khép kín (các cấp tổ chức sống đều là những hệ thống mở, thường xuyên trao đổi chất và năng lượng với môi trường)

Câu 9: Chọn D.

stêrôit.

Câu 10: Chọn A.

Lắp ráp, đóng gói và phân phối các sản phẩm của tế bào

B. Tự luận

Câu 1: Cấu trúc và chức năng của prôtêin:

- Prôtêin có 4 bậc cấu trúc:

+ Cấu trúc bậc 1: chính là trình tự sắp xếp đặc thù của các loại axit amin trong chuỗi pôlipeptit (0,5 điểm)

+ Cấu trúc bậc 2: được tạo thành do sự co xoắn hoặc gấp nếp của chuỗi pôlipeptit sau khi tổng hợp (0,5 điểm)

+ Cấu trúc bậc 3: tạo thành do sự tiếp tục co xoắn của chuỗi pôlipeptit dạng xoắn hoặc gấp nếp (0,5 điểm)

+ Cấu trúc bậc 4: tạo thành do sự liên kết của hai hay nhiều chuỗi pôlipeptit ở trạng thái thái co xoắn (0,5 điểm)

- Chức năng của prôtêin:

+ Cấu tạo nên tế bào và cơ thể. Ví dụ: keratin, elastin…(0,5 điểm)

+ Dự trữ axit amin. Ví dụ: prôtêin sữa…(0,5 điểm)

+ Vận chuyển các chất. Ví dụ: hêmôglôbin…(0,5 điểm)

+ Bảo vệ cơ thể. Ví dụ: kháng thể…(0,5 điểm)

+ Thu nhận thông tin. Ví dụ: thụ thể…(0,5 điểm)

+ Xúc tác cho các phản ứng hóa sinh. Ví dụ: enzim…(0,5 điểm)

Câu 2: Kích thước nhỏ và cấu tạo đơn giản của vi khuẩn đem đến cho chúng những ưu thế sau:

- Kích thước nhỏ bé nên con đường vận chuyển các chất từ nơi này đến nơi khác của tế bào hoặc giữa môi trường với tế bào rất ngắn, nhu cầu về vật chất và năng lượng ít, không chỉ vậy, tỉ lệ S/V (diện tích/thể tích) lớn nên vi khuẩn có tốc độ sinh trưởng, phát triển cũng như phân chia tế bào cực nhanh (0,5 điểm)

- Cấu tạo cơ thể đơn giản nên vi khuẩn dễ dàng biến đổi sang một chủng khác khi có sự thay đổi về vật chất di truyền. Sự thay đổi này sẽ cộng hưởng cùng khả năng phân bào nhanh, tạo ra nhiều biến dị di truyền qua các thế hệ, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho tiến hóa và giúp vi khuẩn dễ dàng thích nghi trong điều kiện môi trường thường xuyên thay đổi (0,5 điểm)

 

--------------------------------------------------

 

 

 

Tài liệu có 21 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống