Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10

Tải xuống 10 10.7 K 27

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 10 tài liệu sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí hay nhất, gồm 10 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí Ngữ văn lớp 10.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10:

Đọc Tiểu Thanh kí

Bài giảng: Đọc tiểu thanh kí (Nguyễn Du)

A. Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí

Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí

B. Tìm hiểu bài Đọc Tiểu Thanh kí

I. TÁC GIẢ

- Nguyễn Du (1765 - 1820).

- Quê cha: Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Thăng Long.

- Gia đình có truyền thống khoa bảng, văn hóa văn học. 

- Cha mẹ mất sớm, sống với anh cùng cha khác mẹ.

- Là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

II. TÁC PHẨM

1. Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.

2. Bố cục

Đề, thực, luận, kết.

3. Giá trị nội dung

Số phận bất hạnh của những người phụ nữ tài sắc. Xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp.

4. Giá trị nghệ thuật

Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lí, phép đối.                                                       

III. DÀN Ý PHÂN TÍCH

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du (đôi nét về tiểu sử, tài năng, con người, sáng tác chính,... ).

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Đọc Tiểu Thanh kí” (giá trị nội dung, nghệ thuật). 

2. Thân bài

a. Vài nét nàng Tiểu Thanh

- Phùng Tiểu Thanh (1594- 1612), người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

- Là cô gái thông minh, tài sắc, giỏi văn chương nhưng bạc mệnh.

- Năm 16 tuổi, lấy lẽ một người họ Phùng, bị vợ cả ghen, bắt ra ở một mình trên núi Cô Sơn (Hàng Châu - Trung Quốc), lâm bệnh, mất năm 18 tuổi.

- Khi nàng mất, người vợ cả đốt hết thơ từ, chỉ còn sót lại một số bài thơ, do nàng viết trên hai tờ giấy gói tặng mấy vật trang sức cho một cô gái (phần dư).

b. Hai câu đề

* Câu 1:  

Vườn hoa bên Tây Hồ><       Gò hoang

Vẻ đẹp huy hoàng            Vẻ hoang vu, cô quạnh                                                             

      Quá khứ                                        Hiện tại.

 Sự đối nghịch gay gắt giữa quá khứ và hiện tại gợi lẽ đời dâu bể. Chứa đựng sự xót xa, thương cảm cho cái đẹp bị tàn phá, vùi dập, huỷ hoại phũ phàng - là cảm xúc mang tính nhân văn khá phổ biến trong văn học trung đại (thơ Nguyễn Trãi, Bà huyện Thanh Quan,...)

* Câu 2:

“Độc điếu”- một mình viếng thương → tâm thế cô đơn của tác giả.

“Nhất chỉ thư”- một tập sách - tập kí về cuộc đời Tiểu Thanh.

 Nghĩa câu 2: Một mình viếng thương nàng qua một tập sách viết về cuộc đời nàng, đọc trước cửa sổ. 

 Câu dịch chưa chuyển tải hết ý thơ.

 Câu thơ nguyên tác cho thấy hình ảnh một con người với tâm thế cô đơn, mang một lòng đau tìm gặp một hồn đau. Nó cho thấy sự đồng cảm sâu sắc của trái tim vĩ đại. 

c. Hai câu thực

- Đối chỉnh.

- Biện pháp: ẩn dụ tượng trưng.

Son phấn → sắc đẹp.

Văn chương → tài năng

Tất cả đều có hồn, có thần. Cảm hứng khẳng định sự quý giá, vĩnh hằng của cái đẹp và tài năng con người.

- Điểm gặp gỡ của hai cách cắt nghĩa ý thơ (SGK chọn cách 1): Tấm lòng tri âm, thương cảm sâu sắc của Nguyễn Du trước cuộc đời, số phận oan trái của người sắc tài kì nữ khiến trời đất ghen.

d. Hai câu luận

-“ Những mối hận cổ kim” - những mối hận của người xưa và nay.

+ Người xưa: Tiểu Thanh và những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. 

+ Người nay: Những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố cùng thời với Nguyễn Du và thế hệ những nhà thơ tài năng nhưng gặp nhiều khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời như Nguyễn Du.

Ở 4 câu đầu, Nguyễn Du chủ yếu hướng sự thương cảm đến Tiểu Thanh thì đến câu 5, trái tim Nguyễn Du đã hướng tới sự đồng cảm, xót thương đến mọi kiếp hồng nhan bạc mệnh tương đố.

“Thiên nan vấn” - khó hỏi trời được. Một câu hỏi lớn không lời đáp - hỏi trời lời giải đáp mối hận vì sự phi lí của cuộc đời: hồng nhan đa truân, bạc mệnh, tài tử đa cùng.

Mối hận càng nhức nhối, con người càng bế tắc, bất lực.

Ngã: tôi, ta, cái tôi trực tiếp hiện diện hiếm có trong thơ cổ.

Khách: khách thể nói chung → làm mất ý chủ thể, cái tôi của Nguyễn Du.

- Sự vận động của cảm xúc trong 6 câu đầu: Từ xúc cảm xót thương cho Tiểu Thanh, thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh nói chung → tự thương mình.

 Đó là quy luật vận động tâm lí tự nhiên.

  Cho thấy sự đồng cảm đạt đến mức tri âm.

e. Hai câu kết

“Ba trăm năm lẻ nữa” → thời gian ước lệ, chỉ tương lai xa xôi.

“Khóc” → thương cảm.

→ thấu hiểu.

- Tố Như (sợi tơ trắng) là tên chữ, bút hiệu của Nguyễn Du, tư cách một nhà thơ, một nghệ sĩ, một cái tôi cá nhân → việc xưng danh này hiếm thấy trong VHTĐVN.

Điều Nguyễn Du băn khoăn:

+ Cách hiểu 1: Nguyễn Du lo lắng, băn khoăn không biết có ai trong hận thế thấu hiểu, thương cảm ông như ông đã đồng cảm, khóc thương nàng Tiểu Thanh. 

+ Cách hiểu 2: Nguyễn Du lo lắng, băn khoăn không biết ai là người trong hậu thế phải chịu số phận bất hạnh như Tiểu Thanh và như ông không.

Cả hai cách hiểu đều cho thấy:

+ Khao khát tri âm.

+ Cảm hứng tự thương – nét mới mang tinh thần nhân bản của VHTĐVN giai đoạn thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX - thời đại con người không chỉ ý thức về nhân phẩm, về tài năng cá nhân mà còn thức tỉnh về nỗi đau của chính mình, đó là dấu hiệu của cái tôi cá nhân.

+ Tấm lòng nhân đạo lớn lao, “con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” của Nguyễn Du. Bởi ông không những khóc thương cho Tiểu Thanh, cho những kiếp hồng nhan bạc phận thuở trước, khóc thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh đương thời, trong đó có cả chính ông mà còn khóc cho người đời sau phải khóc mình (kiếp tài hoa bạc mệnh vẫn còn trong tương lai).

- Đó là nỗi băn khoăn hợp với lôgíc vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình hợp lí, chính đáng.

- Nỗi băn khoăn đó đã tìm được sự tri âm của bao thế hệ người Việt Nam sau này:

+ Từ khi tác phẩm của Nguyễn Du ra đời đến nay, ông luôn có vị trí trang trọng trong lòng người Việt Nam.

+ Đặc biệt, ở thế kỉ XX, chưa đến 300 năm, cả dân tộc ta “khóc” Nguyễn Du qua tiếng khóc, tiếng ca của Tố Hữu: “Tiếng thơ ai động đất trời....”(Kính gửi cụ Nguyễn Du).

+ Năm 1965, cả nước ta long trọng kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Thế giới công nhận ông là danh nhân văn hóa.

3. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

+ Nội dung: Nguyễn Du xót xa, thương cảm cho Tiểu Thanh- một hồng nhan bạc mệnh, một tài năng thi ca đoản mệnh, cho những kiếp hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng nói chung.

 + Nghệ thuật: Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lí. Sử dụng tài tình phép đối và khả năng thống nhất những hình ảnh đối lập trong hình ảnh, ngôn từ.

IV. MỘT SỐ CÂU HỎI ĐỌC HIỂU VÀ BÀI PHÂN TÍCH

Câu hỏi: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

(Đọc Tiểu Thanh kí, Trang 131, Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD, 2006)

1/ Văn bản trên thể hiện tâm trạng gì của Nguyễn Du?

2/ Xác định thể thơ của văn bản?

3/ Xác định phép đối trong câu thơ 3 và 4? Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó?

4/ Viết đoạn văn ngắn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về sự đồng cảm trong cuộc sống hôm nay từ văn bản trên.

Trả lời:

1/ Văn bản trên thể hiện tâm trạng xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối vời nỗi oan của những người tài hoa bạc mệnh.

2/ Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

3/ Phép đối trong câu thơ 3 và 4:  Son phấn có thần - Văn chương vô mệnh; Chôn vẫn hận-đốt còn vương.

Hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó: Khẳng định cái đẹp văn chương sẽ không bao giờ chết, dẫu người sở hữu chúng thì luôn long đong, lận đận, thậm chí là chết trong buồn tủi, cô đơn.

4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành.

-Nội dung: từ sự đồng cảm, sẻ chia của nhà thơ Nguyễn Du với cái đẹp và người làm ra cái đẹp (nàng Tiểu Thanh), thí sinh suy nghĩ về sự đồng cảm trong cuộc sống hôm nay. Đoạn văn cần trả lời các câu hỏi: Đồng cảm là gì? Ý nghĩa của sự đồng cảm? Phê phán lối sống vô cảm. Rút ra bài học nhận thức và hành động.

Bài phân tích

Phân tích bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du.

  Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ ca trung đại Việt Nam. Ông để lại cho đời số lượng lớn bài thơ trong đó có những sáng tác đạt đến trình độ cổ điển và mẫu mực. Trong đó phải kể đến bài thơ "Đọc Tiểu Thanh kí", bài thơ được khơi nguồn từ hình ảnh người con gái tài hoa bạc mệnh.

  Tương truyền Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc có tài và có sắc, sống khoảng đầu thời Minh. Cô được biết đến là người con gái thông mình, nhiều tài nghệ thuật như thi ca, âm nhạc. 16 tuổi cô về làm vợ lẽ cho một nhà quyền quý. Vì vợ cả hay ghen bắt cô phải sống một mình trên Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Sống trong sự cô đơn, buồn tủi, Tiểu Thanh sinh bệnh và từ giã cuộc đời ở năm 18 tuổi. Vì quá thương thay cho thân phận người con gái tài hoa bạc mệnh nên Nguyễn Du đã viết nên bài thơ này. Mở đầu bài thơ với hai câu đề đã như tiếng trút lòng của Tiểu Thanh.

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

(Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.)

   Câu thơ không nhằm mục đích miêu tả cảnh đẹp Tây Hồ mà ngụ ý tác giả chỉ là mượn không gian để nói lên suy nghĩ, cảm nhận về sự biến đổi trong cuộc sống. Tây Hồ vốn được biết đến là cảnh đẹp có tiếng nhưng với cuộc đời của nàng Tiểu Thanh thì cảnh đẹp nơi ấy "hóa gò hoang". Người nằm dưới lòng "gò hoang" kia là nàng Tiểu Thanh bạc mệnh chỉ để lại trên trần thế "mảnh giấy tàn" là phần di sản của Tiểu Thanh.

Trong không gian điêu tàn ấy, con người xuất hiện với dáng vẻ cô đơn qua từ ngữ "độc điếu". Hai hình ảnh "gò hoang" và "mảnh giấy tàn" đã làm cho nhà thơ cảm giác "thổn thức bên song". Hai câu đầu chỉ là lời giới thiệu thì sang hai câu thực nhà thơ đã làm sáng tỏ hơn cảm giác buồn thương ngậm ngùi trong hai câu đề.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.)

  Mượn hình ảnh "son phấn" và "văn chương" ngụ ý nhắc đến nàng Tiểu Thanh. Cả cuộc đời nàng chỉ biết làm bạn với son phấn và văn chương để vơi đi những buồn tủi, bất hạnh. Nhà thơ dùng từ "son phấn" để ẩn dụ khi nói về nhan sắc của nàng Tiểu Thanh nhưng cái đẹp ấy lại bị vùi dập không thương tiếc.

   Dù đã chết "chôn" nhưng linh hồn nàng vẫn chưa siêu thoát vẫn ôm một nỗi "hận" trần thế. "Hận" vì sự ghen tuông vô lý của bà vợ cả đã đẩy nàng vào cái chết khi tuổi vừa mới mười tám đôi mươi, hận vì những trang văn vốn chẳng có tội tình gì cũng bị đốt cháy nhưng như còn chút nuối tiếc "còn vương" nên vẫn còn lại một số bài. Từ số phận của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến trong hai câu luận tiếp theo:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.)

  Dường như nỗi oan ức của Tiểu Thanh không phải chỉ của riêng mỗi nàng mà là cái án, cái kết thúc chung của những con người "tài hoa bạc mệnh" có từ thời "cổ" chí "kim". Nhà thơ dùng từ "hận sự" như muốn nhắc đến một mối hận suốt đời nhắm mắt cũng không thể quên. Có tài, có sắc nhưng lại không thể an yên, vui vẻ với kiếp người. Khi đọc những vần thơ trên người đọc còn sẽ liên tưởng đến hình ảnh nàng Kiều của Nguyễn Du. Đó cũng là một số phận sinh ra trong xã hội phong kiến tài sắc chẳng kém ai vậy mà cuộc đời nàng lênh đênh, bạc mệnh quá. Nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết 2 câu thơ ngậm ngùi, xót xa:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

  Những oan khuất của nghìn đời ấy chỉ có trời mới hiểu "trời khôn hỏi" nhưng dẫu có biết thì cũng không thể làm gì được. Đó như một cái án của nhiều nạn nhân, nhiều con người trong cái xã hội lúc bấy giờ phải "tự mang". Hai câu thơ khóc thương người nhưng dường như cũng để thương mình của Nguyễn Du đã thể hiện được tầm vóc lớn lao của chủ nghĩa nhân đạo và cách nhìn sâu sắc của ông. Khép lại bài thơ với hai câu kết là những dòng suy tư, cảm nghĩ của chính nhà thơ về thời thế, thời cuộc:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

   Khóc cho Tiểu Thanh của ba trăm năm trước bằng sự đồng điệu về suy nghĩ, thấu hiểu về cảm xúc nhưng nhà thơ đã tự vấn, hoài nghi và đặt câu hỏi cho chính mình. Một câu hỏi chứa đựng nhiều xót xa, nếu như ba trăm năm sau những vần thơ của Tiểu Thanh vẫn còn có Nguyễn Du thương cảm nhưng liệu ba trăm năm sau có còn "ai khóc Tố Như chăng". Người đời khi ấy liệu có nhớ hay đã quên đến ông, câu hỏi như xoáy sâu vào suy nghĩ của người đọc. Câu thơ như bộc lộ nỗi bi phẫn của nhà thơ trước thời cuộc để rồi khóc thương người, nhà thơ tự khóc thương chính mình. Nhưng đến ngày hôm nay, ai trong chúng ta đều biết đến, đều ghi nhớ đến Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc, một tượng đài bất tử của nền văn học Việt Nam bởi những tác phẩm đồ sộ mang giá trị cao đã và đang được lưu truyền cho các thế hệ sau.

   “Đọc Tiểu Thanh ký” là một bài thơ để lại những thương cảm trong lòng người đọc về số phận bất hạnh của những con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đây, tác giả cũng đã phản ánh thực trạng xã hội phong kiến tàn ác đã đẩy con người vào những bước đường cùng, chà đạp lên nhân phẩm và lãng quên những giá trị mà họ đã để lại cho đời.

Xem thêm
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 1)
Trang 1
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 2)
Trang 2
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 3)
Trang 3
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 4)
Trang 4
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 5)
Trang 5
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 6)
Trang 6
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 7)
Trang 7
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 8)
Trang 8
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 9)
Trang 9
Sơ đồ tư duy bài Đọc Tiểu Thanh kí dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 10)
Trang 10
Tài liệu có 10 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

5

1 đánh giá

1
Tải xuống