Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
Đề bài: Viết đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
Dàn ý Viết đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
a. Tả ngoại hình:
- Vóc dáng: cao, gầy (hoặc thấp, đậm người, vạm vỡ...), nước da rám nắng, hồng hào, khoẻ mạnh.
- Khuôn mặt: cằm vuông, khuôn mặt chữ điền, mắt sáng, mũi cao.
- Phục sức: chú mặc bộ quân phục màu xanh rêu, đồng phục của công an hành chính quận. Túi áo ngực có thêu tên, ve áo đính phù hiệu cấp bậc.
b. Tả hoạt động, tính cách:
- Chú công an phường trực ban để bảo vệ an ninh trật tự của khu phố.
- Chú hướng dẫn nhân dân các thủ tục hành chính về nhân khẩu, tạm trú, thường trú tại khu vực thuộc phường em đang sinh sống.
- Chú vui vẻ hoà nhã với nhân dân, ân cần hướng dẫn nhân dân mọi thủ tục cần thiết.
- Nhờ có chú công an, khu phố có an ninh trật tự ổn định, hạn chế được tình trạng mất trộm tài sản, gây gổ, đánh nhau.
- Nêu tình cảm của em đối với chú công an: biết ơn, quý mến.
Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến - Chú công an giao thông
Trên đường từ nhà đến trường em phải đi qua một ngã tư đông đúc người qua lại. Sáng nào cũng vậy cứ đi qua ngã tư ấy em lại nhìn thấy một chú công an đứng điều khiển giao thông. Từ ngày có sự xuất hiện của chú, nút giao thông ở đây không bao giờ bị tắc, điều đó làm mọi người rất vui mừng.
Mọi người nói rằng đó là chú Tuấn công an giao thông, năm nay chú 31 tuổi. Vóc người chú to lớn, vạm vỡ; bắp tay, bắp chân rắn chắc. Chú có khuôn mặt chữ điền với làn da nâu bóng bánh mật. Mái tóc chú đen nhánh, lúc nào cũng được cắt tỉa gọn gàng. Chú có đôi mắt to và thông minh ẩn dưới cặp lông mày rậm rạp. Cũng như bao chú công an giao thông khác, chú mặc bộ dồ ka ki vàng sậm. Trên chiếc áo ngắn tay cạnh cầu vai có đeo phù hiệu thuộc sắc phục cảnh sát giao thông và trên ngực bảng tên, đơn vị bằng tấm mê-ka nền trắng chữ xanh, chấn đi giày đen bóng lộn, chiếc thắt lưng bằng da màu nâu to bản hơi lệch về dưới bởi khẩu súng ngắn đeo bên hông kéo xuống, càng tàng thêm vẻ oai vệ, đĩnh đạc của người cảnh sát giao thông giữ gìn trật tự đường phố. Chiếc mũ kết đội trên đầu có đính huy hiệu cảnh sát khiến cho gương mặt của chú vừa oai nghiêm vừa rắn rỏi.
Có lần đi học ngang qua, em đã chứng kiến chú bắt lỗi người vi phạm giao thông. Sau khi bắt lỗi người vi phạm, chú nhẹ nhàng khuyên bảo ba người đừng vi phạm luật giao thông lần nữa và giở sổ ghi biên bản. Gương mặt chú nghiêm khắc nhưng hứa trước sự khoan hồng. Sau đó, chú lại tiếp tục công việc của mình. Trên con đường nắng chiếu rực rỡ, xe cộ đi lại trật tự nên chú rất hài lòng. Bỗng thấy một người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chú liền huýt còi và chặn chiếc xe. Chiếc xe vẫn cứ ngang nhiên đi thẳng. Chú phải gọi cả mấy chú cảnh sát ở gần đấy bắt chiếc xe lại. Chàng trai điều khiển xe tỏ ra rất hối hận, liền nộp phạt và xin lỗi chú. Vẫn nụ cười tươi phô hàm răng trắng bóng, chú nhắc nhở chàng trai phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình. Mọi người trong phố đều rất quý chú vì chú xử phạt công minh và công bằng với mọi người.
Vì trong giờ chú đang làm nhiệm nên em không có thời gian để nói chuyện với chú, nhưng qua những cử chỉ và hành động của chú mà em quan sát được, em chắc chắn chú là một người công an tốt. Em rất nhiều quý chú Tuấn và hi vọng sau này mình cũng sẽ trở thành một người công an tốt, đem lại sự yên bình cho xã hội.
Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến - Cô hàng xóm
Đường Lê Duẩn Trung tâm thương mại huyện Tân Châu, nơi gia đình em ở có khoảng hai trăm hộ, phần lớn là dân buôn bán và cán bộ Nhà nước. Cạnh nhà cậu Út, nhà nào cũng có cửa hàng buôn bán cần thiết phục vụ đời sống bà con trong xóm cũng như khách thập phương hàng ngày. Trong cửa hàng mà gia đình em thường đến đây để mua sắm, do cô Cẩm phụ trách.
Em rất thích cô vì cô có thái độ phục vụ niềm nở và chu đáo đối với khách hàng. cô Cẩm khoảng ba mươi tuổi, dáng người cân đối. Chị có mái tóc đen huyền xõa ngang vai rất phù hợp với gương mặt trắng hồng xinh đẹp. Làn mi dài cong vút với đôi mắt long lanh như biết cười, biết nói. Đôi môi phơn phớt hồng càng làm cho nụ cười của cô thêm thân thiện dễ gần. Mỗi lần cô cười để lộ hàm răng trắng đều như hạt bắp. Vì thế, khách đến mua hàng rất thiện cảm với cô Cẩm. Cửa hàng của cô, hàng hoá được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng nên những lúc đông khách, đôi tay nhanh nhẹn của cô chỉ vài động tác quen thuộc là vớ đúng món hàng mà khách hàng cần đến. Không để khách phải đợi lâu, cô luôn tươi cười giới thiệu các chủng loại mặt hàng và giá trị sử dụng hợp với túi tiền của người dân ở xa đến cũng như bà con lối xóm khi cần. Không ba ngoa, nói thách như những người bán hàng trong khu phố chợ, cô dịu dàng giải thích những gì khách hàng chưa rõ và đổi lại hàng theo yêu cầu của khách. Đối với những khách hàng khó tính, cô vui vẻ lựa lời sao cho “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” . Em chưa bao giờ thấy cô gắt gỏng với người mua hàng. Bởi vậy, nên cửa hàng của cô lúc nào cũng đông khách. Người vào mua đồ cũng có, người đến xem hàng cũng có. Thật là một cửa hàng nhộn nhịp. Ai cũng vui vẻ nhận thấy: cô Cẩm là người bán hàng có duyên tạo được nhiều thiện cảm với khách hàng. Mỗi khi thưa khách, em mới có dịp nhỏ to cùng cô: cô Cẩm ơi! cô hay ghê, chỉ tích tắt đã giải quyết xong công việc một cách nhanh chóng. Em ngồi nãy giờ mãi mê xem cô bán hàng mà quên mất, cô bán cho em một bọc ống hút và viên xà phòng hiệu “Cỏ may” bạc hà mà mẹ cháu thường đến mua chọn nhé! Có ngay . . . để cô lấy cho cháu, nhanh như cắt mọi thứ đã được vào túi nylon gọn gàng. Công việc buôn bán là thế đấy. Tuy vui thật nhưng thật khó, không như chúng tôi thường tổ chức “nhà chòi” về việc mua bán hàng. Khi có khách đến đông thì đòi hỏi phải nhanh và vui tươi chiều khách như cô Cẩm mới có thể giải quyết xong cong việc một cách nhanh chóng và thu hút khách như thế này.
Em yêu cô Cẩm, cô đúng là người hàng xóm thân thiết nhất của mọi người và mọi nhà cũng như khách thập phương.
Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến - Bác tổ trưởng tổ dân phố
"Anh Hải ơi, tối nay họp lúc bảy giờ tại nhà tôi nha."Tiếng gọi ba em vừa dứt, em biết ngay người ấy là bác Thành. Được mọi người trong tổ yêu thương và tín nhiệm, bác Thành là tổ trưởng nơi em ở đã chục năm nay.
Bác Thành đã bốn mươi bốn tuổi, bằng tuổi ba em. Vóc dáng cao ráo, dáng đi nhanh nhẹn chẳng xứng với mái tóc muối nhiều hơn tiêu, bác rất năng nổ trong việc xóm giềng. Bác ấy có khuôn mặt chữ điền biểu hiện của một người nhiều nghị lực, đôi mắt sáng, tinh anh nói lên lòng nhiệt tình, luôn quan tâm đến mọi người. Ngoài giờ làm việc tại một phân xưởng sản xuất, bác Thành thường lui tới thăm nom những gia đình neo đơn như nhà cụ Hơn, cụ Chiên, chú Hiệu v.v... Đó là các gia đình thương binh liệt sĩ. Công việc của bác rất cụ thể và luôn đạt hiệu quả cao. Năm ngoái, nhờ sự can thiệp và lòng kiên trì của bác Thành mà má Năm, người mẹ liệt sĩ đã có được căn nhà tình nghĩa khang trang cùng một số tiết kiệm do ủy ban quận tặng.
Đầu trên xóm dưới, ai có việc gì cần, gia đình nào gặp khó khăn, bất hòa đều nhờ một tay bác giúp đỡ và giải quyết thỏa đáng. Lãnh đạo phường, nhất là chú Sơn, công an khu vực rất nể và quý bác.
Mọi người đang chuẩn bị một buổi lễ Tuyên dương gương điển hình cho bác. Bọn nhỏ chúng em hay đòi bác kể chuyện chiến đấu ngày xưa của bác ở chiến trường Tây Nam. Bác Thành là một tâm gương để mọi người noi theo. Có tổ trưởng tốt, mọi người rất vui và an tâm với công việc của mình. Tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến - Cụ bán hàng
Tôi sinh ra ở một miền quê yêu dấu. Đã hai năm trôi qua không có gì thay đổi nhiều. Vẫn cây bàng đầu làng, vẫn dòng sông với con đò trở khách, vẫn nết nhà ngói đỏ đơn sơ và thanh bình. Ở đầu làng, vẫn bà cụ bán hàng nước chè dưới gốc bàng râm mát.
Cây bàng này là cây cao tuổi nhất làng tôi đấy. Bóng bàng rộng, rợp mát cả một vùng đất. Vào nhưng ngày hè oi bức, mọi người đi đâu xa về lại rẽ vào quán nước dưới gốc bàng. Được nghỉ ở đây thì bao mệt mỏi tự nhiên tan biến. Và chỉ dưới gốc bàng này có một hàng nước của bà cụ làng tôi mà thôi. Bà bán hàng cũng từ lâu lắm rồi, nhưng được bao nhiêu năm thì tôi không biết. Năm nay có lẽ bà đã hơn 70 tuổi. Sức nặng của thời gian thể hiện rõ nhất trên cái lung còng của bà. Tóc bà đã bạc, bạc tráng như cước vậy. Mái tóc đó được vẩn xung quanh đầu rồi đội bên ngoài chiếc khăn mỏ quạ nhìn rất khéo. Khuôn mặt bà tuy đã nhiều nếp nhăn, đôi chỗ chai sạm nhưng hông hào, phúc hậu như một bà tiên. Đôi mắt bà thỉnh thoảng hấp háy nhưng vẫn còn tinh tường. Đôi bàn tay nhăn nheo, trai sạm nổi rõ những đường gân chằng chịt. Bà cụ rất thích ăn trầu. Mỗi lần nhìn bà bỏm bẻm nhai trầu tôi lại nghĩ đến khi bà tôi còn sống. Nhìn dáng gầy guộc của bà tôi biết bà đã chịu vất vả cả cuộc đời.
Bà cụ là một người hiền từ, nhân hậu. Ai là khách đã từng ngồi quán thì cũng phải cảm động vì lòng tốt của bà. Mỗi khi khách đến bà lại đon đả rót nước. Nước uống của bà mát và thơm lắm. Những cốc nước chè tươ hay nươc bối dường như dưới bàn tay của bà nó ngon đến lạ lùng, ai cũng tấm tác khen. Có lẽ nó ngon còn bởi sự ân cần của bà cụ. Khác ngồi uống nước bà còn dùng quạt nan quạt cho mát rồi ân cần hỏi chuyện thật thân mật. Có những lúc, người qua đường còn gọi bà bằng cái tên thật thân mật" Bà, mẹ, u…" bà vui lắm.
Những lúc ấy bà cười xúc động nhưng nụ cười ấy sao mà thân thương quá bởi tôi nghe người trong làng kể bà từ nơi khác chuyển đến chứ không phải người làng nên không có người thân thích. Chiều chiều, mỗi khi đi học về là tôi lại rẽ vào quán bà ngồi chơi. Có khi khách đông tôi phụ bà rót nước nữa. Càng ở gần bà, tôi càng hiểu bà hơn. Cảm giác thân thương như bà tôi vậy.
Bao năm trôi qua hình ảnh bà cụ đã gắn liền với gốc bàng, với mùa hè. Hằng năm, mỗi khi thấy bà cụ dọn đồ ra quán là tôi biết mùa hạ đã đến rồi. Bà lại mang đến cho mọi người sự dịu mát và cả những tình cảm ấm nồng.
Đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến - Bác trưởng thôn
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chi một mẹ thôi..”
Quê hương, chỉ hai tiếng ấy thôi mà thân thương biết mấy! Tất cả những gì của quê hương đã ghi sâu vào trái tim mỗi người con, ghi sâu vào trái tim em. Người dân quê em vùa hiền lành vừa chăm chỉ. Đặc biệt là bác trưởng thôn. Em rất yêu quý và kính trọng bác ấy.
Từ những ngày còn thơ bé, em đã quen với việc nhìn thấy bác khắp làng trên xóm dưới. Em không biết tên đầy đủ của bác, chỉ nghe mọi người gọi bác là bác Rạng. Bác là đồng đội cùng nhập ngũ với bác cả nhà em, năm nay bác đã ngoài năm mươi tuổi. Nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh lắm. Dáng người bác cao và hơi gầy, nước da sạm đen vì sương vì gió của cuộc sống nông thôn. Có lần, bác trao phần thưởng khuyến học ở thôn cho em, em được bắt tay bác. Đôi tay ấy rất to, chai sần và thô ráp. Có lẽ bởi vì những gian nan, vất vả mà bác đã trải qua hơn nửa đời người. Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy bác chính là khuôn mặt chữ điền chính trực, chất phác. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Đôi mắt bác vẫn sáng, tinh nhanh và nụ cười luôn thường trực trên môi. Giọng bác trầm ấm, dõng dạc, gặp ai bác cũng không quên chào hỏi, tiếng cười cứ vang lên không ngớt.
Bác hiền lành, thân thiện và rất tốt bụng. Bác là người trưởng thôn mẫu mực nhất. Ngày ngày, bác vẫn luôn dậy sớm, cùng vợ và bà con chăm lo cánh đồng lúa, nông sản trong thôn. Bác không ngại chân lấm tay bùn, lội bì bõm dưới ruộng, làm cỏ, bón phân, cùng trò chuyện với bà con. Nhiều người ở thôn khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Bác đưa tay lấm bùn, quệt mồ hôi đầm đìa trên trán, cười thoải mái: “Ngày xưa, cụ Hồ dạy, làm cán bộ cũng phải ăn cùng, ngủ cùng, làm cùng với dân. Huống chi cũng là bà con lối xóm, cùng nhau làm việc để giúp đỡ lẫn nhau. Bà con ấm no, tôi cũng vui vẻ”. Câu trả lời của bác khiến ai cũng cảm động. Cuộc sống nhà bác trước kia khó khăn, vất vả nhưng nhiều năm nay đã khá giả hơn rất nhiều rồi. Bác đi học tập về, làm kinh tế giỏi nhưng cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, dộng viên bà con mạnh dạn làm kinh tế. Rất nhiều hộ gia đình ở thôn em nhờ bác giúp đỡ, hỗ trợ vốn mà vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, điều mà em ấn tượng và kính trọng nhất ở bác là tấm lòng nhân ái, trân trọng và phát triển tinh thần hiếu học. Bác lập ra một quỹ khuyến học dành riêng cho những bạn nhỏ có thành tích học tập tốt. Đến mùa thi đại học, bác vẫn chỉ mặc bộ quần áo màu xanh bộ đội giản dị, đến những nhà có con sắp thi đại học, động viên và trao cả quà tặng. Bà con được bác động viên, ai cũng quyết tâm cho con đi học. Quê hương em ngày càng phát triển hơn, trở thành khu vực nông thôn mới, xanh, sạch, đẹp, văn minh, tiến bộ. Tất cả đều nhờ công lao và tấm lòng của bác. Bác lặng lẽ quan tâm đến từng người, từng gia đình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người về cả tài chính lẫn tinh thần. Học được cái gì mới, cái gì hay là bác ngay lập tức về chỉ lại cho người dân, chỉ mong cuộc sống cảu mọi người bớt khổ cực hơn. Cảm động vì tấm lòng và năng lực của bác, gần mười năm nay, bao thế hệ người trong thôn vẫn luôn tin tưởng bầu bác làm trưởng thôn. Rất nhiều người con xa quê, nhớ về quê mẹ thân yêu, nhớ gia đình, nhớ cánh đồng, dòng sông, nhớ cây đa quán nước, và nhớ cả bác trưởng thôn hiền lành, nhân hậu có nụ cười ấm áp.
Mỗi mảnh đất ta từng gắn bó đều khiến ta yêu thương. Quê hương chính là mảnh đất ấy. Quê hương đã in vào máu thịt em. Em cảm thấy rất may mắn khi quê hương mình có bác trưởng thôn như vậy.
Anh bật đèn bàn và mở máy vi tính. Dáng anh gầy gầy nghiêng mình trên bàn phím. Những sợi tóc mai loà xoà trước trán nên anh thường lấy tay hất tóc lên. Anh em có cái nhìn tư lự nhưng cương quyết. Hình như anh lúc nào cũng bận suy nghĩ về cách giải toán. Dưới vầng trán rộng, đôi mắt của anh đưa đi đưa lại theo dõi màn hình. Ánh đèn bàn chiếu sáng sống mũi cao, bè bè của anh, soi rõ đôi môi hình trái tim xinh xinh của anh. Anh tập trung học tập, lúc thì gõ phím, lúc dùng bút ghi chép, gạch xoá, tính toán. Ánh sáng của màn hình thay đổi theo nhịp gõ phím, tay anh thoăn thoắt lướt trên bàn phím. Công nghệ phần mềm là ngành mà anh theo học, là môn học mà anh yêu thích nhất, cũng là môn anh giỏi nhất trong tất cả các môn. Những ngón tay thon dài của anh lướt trên bàn phím, tiếng lốc cốc vang lên theo nhịp gõ nghe to hơn trong không gian yên tĩnh của căn nhà. Ngồi học chăm chú trong hai giờ liền, anh đứng dậy vươn vai cho đỡ mỏi rồi đi ra hàng hiên hóng mát. Nghỉ ngơi một chút cho đỡ mỏi mắt, anh lại ngồi vào bàn. Dáng anh cần mẫn, chăm chỉ như chú ong thợ xây tổ. Anh đang xây từng viên gạch kiến thức cho mình để đủ năng lực phục vụ ngành Công nghệ thông tin mai sau.
Sáng sớm tinh mơ của một ngày chủ nhật, em vừa thức dậy, tuy vẫn còn ngái ngủ nhưng đã thấy bố trồng cây ở khoảng đất sau nhà. Bố đang hì hục cuốc đất. Với vóc người cao lớn da ngăm ngăm lại thêm trang phục bộ quần áo công nhân xanh đậm nên trông bố thật khỏe. Bố quai những nhát cuốc chắc nịch xuống đất, lớp đất cứng đã được đào lên, cỏ dại rạp mình run rẩy. Bố giũ cỏ rồi bỏ thành đống. Đôi tay rắn chắc ấy lại giữ vững cán cuốc, đưa lên rồi giáng xuống. Phụp! Phụp! Chỉ một lát, khoảnh vườn đã sạch cỏ, lớp đất cứng đã tơi xốp. Bố đào hố và bỏ phân xanh xuống, rải một lớp đất mỏng, rồi bố đặt cây con vào hố lấp đất lại. Trồng xong bố dùng cọc tre rào xung quanh mỗi cây, rồi bố dùng bình tưới phun nước lên cây con, tưới cho gốc ướt. Những chiếc lá xoè ra như dang rộng bàn tay đón lấy những giọt nước mát lành. Nhìn lại hàng cây, đôi mắt bố ánh lên một niềm vui khó tả.
Đó là một buổi sáng mùa thu, tiết trời ấm áp, em đã được quan sát cô giáo chấm bài tập làm văn. Dáng cô nghiêng nghiêng bên chồng vở cao ngất. Mái tóc dài óng ả của cô bay bay theo làn gió mùa thu. Có lẽ đôi mắt cô tập trung cao độ vào việc chấm bài, đọc bài viết của học sinh. Đôi mắt màu hạt dẻ ấy đăm đăm nhìn vào từng bài làm, cô đọc từng câu, từng chữ. Đọc xong mỗi bài, cây bút bi quen thuộc hằng ngày lại cùng cô làm việc, nó là bạn đồng hành với cô. Bàn tay thon thả của cô ghi điểm nhanh thoăn thoắt. Những quyển vở chấm xong cô xếp sang một bên. Bỗng cô nhíu mày lại, vầng trán cao của cô lại xuất hiện những nếp nhăn. Em nghĩ mỗi nếp nhăn ấy là một chuỗi ngày cô vất vả vì chúng em. Có lẽ, cô không hài lòng bởi những bài văn sơ sài, thiếu ý, trình bày thiếu cẩn thận... Cô ghi điểm và ghi lời nhận xét rất tỉ mỉ, rồi cô lại đặt quyển vở ấy riêng một góc bàn. Em đoán chắc cô muốn gặp riêng chủ nhân quyển vở ấy để sửa sai, uốn nắn. giúp các bạn tiến bộ hơn.
Bé Na đã được mười lăm tháng tuổi. Bé đã biết đi chập chững. Đi được năm bảy bước, bé ngồi bệt xuống sàn nhà cười toe toét, khuôn mặt hồng lên thật đáng yêu. Mẹ bé cầm tay, dắt bé đi từng bước một thì bé đi được nhiều hơn. Có lúc bé đi khệnh khạng như muốn ngã nhưng có mẹ dắt nên bé đứng vững lại, rồi hăng hái đi tiếp. Đi được năm bảy bước vững vàng, bé rụt tay lại, đòi đi một mình. Bàn chân nhỏ xíu của bé bước nhanh vài bước rồi sà ngay vào lòng mẹ. Mẹ bé hôn bé thật kêu: “Con mẹ giỏi quá! Cố lên! Cố lên!”. Bé cười, úp mặt vào ngực mẹ như xấu hổ rồi tụt xuống đòi đi tiếp. Bé Na thật dễ thương. Em rất thích đi chơi với bé. Em rất yêu bé Na.
Buổi sáng chủ nhật, em cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Hôm ấy, mẹ mặc một chiếc tạp dề màu xanh. Mẹ lấy đồ trong tủ lạnh ra rửa rồi gọt cắt nhanh thoăn thoắt. Chỉ một lát củ, quả đã biến thành những hình thù rất đẹp mắt và dễ thương. Sau khi chuẩn bị các nguyên liệu cho các món ăn, mẹ bắt tay vào nấu nướng. Mẹ bật bếp lên. Đầu tiên là mẹ chiên cá. Cá sôi xèo xèo trên bếp. Với đôi bàn tay nhỏ nhắn, mẹ lật cá qua lại, miếng cá vàng ươm tỏa mùi thơm phức. Tiếp theo là mẹ nấu canh, luộc rau, xào rau. Mẹ làm việc rất tập trung. Khuôn mặt mẹ đỏ hồng, rạng rỡ và tràn ngập niềm vui. Trán lấm tấm mồ hôi, mấy sợi tóc xoà xuống trông mẹ rất xinh. Các món ăn đã được nấu xong, mẹ nhanh nhẹn cho đồ ăn ra đĩa và trang trí thật đẹp mắt. Mùi thơm của các món ăn toả ra thơm phức làm cho cả nhà ai cũng thấy đói bụng. Cả nhà ngồi vào bàn ăn thưởng thức thành quả lao động của mẹ.
Mẹ em là người luôn yêu thích việc nấu ăn và là một đầu bếp giỏi. Mẹ thường ăn mặc gọn gàng, tóc búi cao, rửa tay thật sạch rồi mới vào bếp. Mẹ cho thịt vào lò vi sóng để rã đông. Trong thời gian chờ thịt rã đông, mẹ vo gạo nấu cơm. Sau đó, mẹ lấy thịt ra đặt trên thớt và bắt đầu thái thịt. Tay trái mẹ giữ thịt, tay phải mẹ cầm dao đưa từng nhát thận trọng thái tảng thịt ra từng lát mỏng. Mẹ ướp gia vị, khéo léo trộn thịt vào gia vị rồi bắt đầu gọt rau củ. Bàn tay thon đẹp của mẹ thao tác nhanh gọn, khéo léo. Chỉ trong năm, mười phút là rau củ đã được gọt, nhặt rửa sạch sẽ. Mẹ bật bếp, đặt chảo lên bếp, Khi dầu trong chảo nóng lên, mẹ em trút thịt vào chảo nghe một tiếng “xèo” nhẹ rồi nhanh tay đảo thịt. Từng lát thịt đã thấm gia vị được trộn đều trong chảo, mùi thơm bắt đầu bốc lên thật hấp dẫn. Mẹ bớt lửa rồi lăn đi lăn lại miếng thịt cho xém vàng. Khuôn mặt mẹ hồng lên vì hơi nóng của bếp. Mắt mẹ long lanh, hấp háy ánh cười. Cùng lúc với việc làm món thịt rang, mẹ hầm thịt nấu canh. Cẩn thận đưa vả vớt bọt thịt ra ngoài, mẹ trút rau củ vào nồi thịt hầm. Xong đâu đấy mẹ rửa tay rồi gọi các con dọn cơm. Mẹ em nấu ăn rất ngon. Em thích phụ làm bếp và dọn cơm giúp mẹ.
Trưa nào cũng vậy, cứ đi làm về, mẹ thay bộ đồ là mẹ vội vàng vào bếp. Tay mẹ thoăn thoắt thái rau. Tiếng dao thái lạch cạch trên thớt. Chỉ loáng thôi, cái bắp cải mẹ đã thái xong để xào. Rồi mẹ vo gạo để nấu cơm. Tiếng nước chảy tồ tồ trong bồn, mẹ đưa tay xoa thật đều gạo trong rá. Rồi mẹ canh nước cho nồi cơm điện và nhấn nút. Trong khi chờ cơm chín, mẹ lấy thức ăn để trong tủ lạnh đã được mẹ chuẩn bị từ sáng ra và đặt lên bàn bếp.Cách mẹ nấu nướng thật khéo léo,nhìn từ việc mẹ chọn món ăn hàng ngày cũng để hiểu mẹ là người rất khéo. Mẹ thoăn thoắt lau chùi lại bàn nấu , gọn gàng dao thớt. Chỉ loáng thôi, Đĩa thịt kho đậu cùng đĩa cá chiên vàng ươm thơm phức đặt cạnh đĩa rau xào thật bắt mắt , một mùi thơm lan tỏa xung quanh khiến ai cũng cảm giác muốn ăn liền. Em nhanh nhảu dọn ra để ăn,sắp chén bát ra mời mọi người ra ăn,ai cũng vui vẻ ngồi ăn và khen nức nở món ăn mẹ nấu. Em nhận thấy niềm vui nở trên khuôn mặt mẹ.
Buổi chiều khi sau đi làm về, mẹ em nhanh chóng thay chiếc váy màu hồng trẻ trung và mặc bộ quần áo ở nhà để thuận tiện chế biến thức ăn cho bữa tối. Vừa xuống dưới bếp, tôi đã thấy hình bóng thấp thoáng của mẹ. Dáng mẹ thoăn thoắt, đôi bàn tay mẹ nhanh chóng chuẩn bị những nguyên liệu để nấu ăn. Em chú ý cách mẹ chế biến từng món ăn để học hỏi. Đầu tiên, mẹ vo gạo thật sạch và cho nước nấu cơm. Tiếp đó mẹ tiến hành mổ cá, những chú cá tươi rói, khỏe mạnh đã nhanh chóng được mẹ sơ chế và ướp. Em vừa hộ mẹ nhặt rau vừa quan sát mẹ bắt đầu rán cá. Mẹ khéo léo lật cá mặt này đến mặt khác để cá chín đều. Những con cá vàng ươm, thơm phức được đặt lên chiếc đĩa sứ dài xinh xắn. Tiếp đến mẹ bóc tỏi và cầm lấy rổ rau em vừa rửa sạch để xào. Từng cọng rau muống mẹ em xào vẫn giữ được màu xanh tươi và hương thơm đậm đà. Tất cả những món ăn đã được mẹ chế biến trong vòng một tiếng đồng hồ. Bố em về đến nhà, em hộ mẹ dọn đồ ăn ra mâm và cả nhà cùng thưởng thức những món ăn mẹ nấu. Với em, những món ăn mẹ nấu là những món ăn tuyệt vời nhất, bởi trong đó còn chứa đựng cả tình thương và hạnh phúc gia đình.
Mỗi ngày mẹ em đều chuẩn bị cho gia đình những món ăn rất ngon và bổ dưỡng, để bữa cơm gia đình trở nên ngon miệng hơn, mẹ em sẽ đi chợ từ sáng sớm để mua những thực phẩm tươi ngon nhất, mỗi ngày mẹ sẽ nấu những món ăn khác nhau. Em thích nhất là ngắm nhìn hình ảnh mẹ nấu ăn trong bếp, dáng mẹ cao, gầy nhưng mọi hành động đều rất nhanh nhẹn, tỉ mỉ. Mẹ cẩn thận nhặt từng hạt sạn bị lẫn trong gạo rồi cẩn thận vo sạch với nước vì vậy cơm mẹ nấu trắng, mềm và dẻo. Những món ăn do mẹ em nấu tuy đơn giản nhưng hương vị đặc biệt thơm ngon, đó là món canh chua, là món thịt kho tàu đậm đà hương vị. Khi nấu xong em giúp mẹ bày những món ăn nóng hổi, thơm ngon ra đĩa, chỉ trong chốc lát, mâm cơm gia đình ngập tràn hương vị được mẹ em hoàn thành. Bữa cơm gia đình em trở nên ấm cúng, thân tình hơn bởi hương vị những món ăn mẹ nấu. Em yêu thích những khoảnh khắc được ngắm nhìn mẹ nấu cơm, được giúp mẹ làm những công việc đơn giản như nhặt rau, quét nhà, khi ấy em sẽ kể cho mẹ những câu chuyện vui mình gặp ở trường, cũng có nhiều khi mẹ hướng dẫn em cách nhặt rau hay làm những món ăn đơn giản. Em sẽ luôn trân trọng những khoảnh khắc được bên mẹ, người phụ nữ đảm đang, tài giỏi mà em yêu nhất trên đời.
Cô giáo em cao cao, dáng người thon gọn, da trắng hồng, mặc áo dài rất đẹp. Bước vào lớp, cô như mang theo cả mùi thơm của nắng. Cả lớp ngây người nhìn cô. Cô dịu dàng mời cả lớp ngồi xuống. Bắt đầu giờ học, cô nhẹ nhàng viết lên bảng dòng chữ mềm mại. Bàn tay cô lướt nhanh như một hoạ sĩ. Chỉ một loáng, hàng chữ đẹp hiện ra. Cô giảng bài rất dễ hiểu. Giọng đọc của cô thật ấm áp và truyền cảm. Khi giảng bài, khuôn mặt của cô luôn tươi cười biểu lộ sự thân thiện. Bàn tay cô nhẹ nhàng đánh nhịp theo từng câu văn, câu thơ. Đôi mắt cô luôn nhìn thẳng về phía học sinh thể hiện sự cổ vũ, động viên chúng em. Cô giảng bài say sưa đến nỗi chán cô lấm tấm những giọt mồ hôi mà cô vẫn không để ý. Thỉnh thoảng cô đi xuống lớp xem chúng em ghi bài, thảo luận nhóm. Trong bài giảng, cô thường đặt câu hỏi từ dễ đến khó để kích thích sự suy nghĩ của tất cả học sinh trong lớp. Cô lúc nào cũng gần gũi chúng em. Trong những giờ học căng thẳng, cô thường kể cho chúng em nghe những mẩu chuyện ngắn rất hay và bổ ích. Kết thúc tiết học, bao giờ cô cùng lưu ý những điều cần nhớ cho chúng em. Cả lớp em ai cũng yêu quý và kính trọng cô.
Cả lớp im phăng phắc, chăm chú nghe cô giảng bài. Cô giáo em đứng trên bục gỗ, dáng đứng hơi nghiêng nghiêng để học sinh theo dõi bài tập Toán cô đang đưa ra trong ví dụ. Tóc cô cắt ngắn, gọn gàng. Nếp áo dài lụa màu mỡ gà tha thướt, yêu kiều buông lơi trong cái dáng thanh thanh. Những con số hiện ra dưới nét phấn ghi lại phép tính. Xong phần ví dụ minh hoạ, cô quay mặt về phía học sinh, gõ một nhịp thước lên bàn (đó là hiệu lệnh dùng bảng con). Cô gọi hai bạn lên bảng rồi đọc đề Toán. Giọng cô to, rõ ràng. Nét mặt cô dịu dàng, ánh mắt khuyến khích học sinh như thúc giục chúng em làm bài nhanh lên. Cô thong thả đi lại giữa hai dãy bàn, đưa mắt quan sát bài làm của học sinh. Đứng ở đầu bàn một, cô mỉm cười gõ hai nhịp thước. Tất cả chúng em đưa bảng con lên. Cô gọi một bạn nhận xét bài làm trên bảng rồi tươi cười: “Giỏi lắm, các em tiếp thu bài rất tốt!”. Xoay nhanh người rất thuần thục, cô ghi một chữ s lên bảng (đó là hiệu lệnh dùng sách giáo khoa). Cô đi lại giữa hai dãy bàn, nhắc nhở những bạn còn chậm. Tiếng gót giày của cô vang lên khe khẽ. Tà áo dài lụa rũ êm êm theo những bước đi.
Năm nào cũng vậy, cứ đến 29 Tết, em và mẹ lại rủ nhau đi chợ xuân. Trên đường đi, các phương tiện lưu thông thuận lợi.
Gần Tết, không khí thường trở lạnh. Cái lạnh như cắt da cắt thịt, mưa phùn lại rơi nhiều hơn khiến cho mọi người ai cũng muốn nhanh thật nhanh trở về nhà sum họp bên tổ ấm gia đình.
Đường Trường Chinh vốn là một con đường thường xuyên xảy ra hiện tượng ách tắc. Gần Tết, số người tham gia giao thông lại càng đông hơn, khiến cho con đường tắc cả một đoạn dài. Em và mẹ phải cố gắng lắm mới nhích lên được một chút. Trời mưa mỗi lúc một mau khiến cho đường càng trở nên trơn và bẩn. Giữa dòng người đông đúc, thấp thoáng bóng dáng một chú công an. Chú mặc bộ đồng phục công an, bên ngoài khoác một chiếc áo mưa màu xanh lá vối. Tay chú cầm một chiếc dùi cui giơ lên giơ xuống không ngừng.
Đầu chú đội một chiếc mũ công an ngay ngắn bên dưới là khuôn mặt chữ điền, toát lên vẻ hiền lành, phúc hậu. Trong làn mưa, đôi mắt đen to của chú lấp lánh. Còn làn da hơi ngăm màu bánh mật càng tỏ rõ vẻ rắn rỏi, khỏe mạnh của người chiến sĩ. Trên ngực chú đeo một chiếc thẻ đề tên và chức vụ rất ngay ngắn. Thỉnh thoảng chú lại đưa chiếc còi đeo trên ngực lên miệng thổi đế’ báo hiệu cho các phương tiện giao thông. Mọi động tác của chú rất nhanh chóng và chính xác.
Càng lúc dòng người càng đông, con đường Trường Chinh trở nên chật chội hơn. Các phương tiện không đi theo một hàng lối nhất định, xe nào xe nấy mạnh ai nấy đi. Vỉa hè giờ cũng trở thành đường đi.
Trước tình hình đó, chú vừa thổi còi vừa hướng dẫn cho một số chiếc xe máy đi lùi vào phía trong và tiến lên phía trên để lấy chỗ cho chiếc xe ô tô phía sau tiến thẳng lên không lấn sang phần đường ngược chiều. Chú cố gắng chia đường làm hai: một dòng đi lên, một dòng đi xuống. Nhanh nhẹn tháo vát, chú chạy lên chạy xuống để hướng dẫn cho xe đi đúng phần đường qui định. Chiếc áo mưa màu xanh rách mất mảng lớn phía sau nhưng chú cũng chẳng nề hà. Mặt chú ướt đẫm nước mưa nhưng tay chú vẫn luôn điều chỉnh hướng đi cho xe. Dòng xe cộ lộn xộn dần dần được phân thành hai luồng. Một luồng đi lên, một luồng đi xuống không bên nào lấn đường bên nào.
Giải quyết tạm ổn chỗ ách tắc, chú nhanh nhẹn chạy lại phía dầu ngã tư, chỗ đèn xanh đèn đỏ rồi ra hiệu cho luồng xe đi lên được phép rẽ phải. Được khoảng một phút khi luồng ngược chiều đã nhiều xe, chú lại ra hiệu cho luồng xe rẽ phải dừng lại nhường đường cho luồng xe đi thẳng. Cứ thế hai luồng xe thay phiên nhau đi. Em và mẹ cũng tuân thủ rất tốt hiệu lệnh của chú công an. Khoảng một lúc sau đường đã thông hơn. Trên khuôn mặt ướt nước mưa và mồ hôi của chú thoáng nở một nụ cười mãn nguyện trước thành quả lao động của mình.
Em rất khâm phục các chú – những con người luôn ngày đêm không quản gian khó phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Sau này nhất định em sẽ trở thành một chiến sĩ công an, trở thành người đảm bảo an toàn cho xã hội.
Trong lớp, người bạn thân nhất của em chính là bạn Hoàng. Chủ nhật vừa rồi,em sang nhà Hoàng chơi. Em thấy bạn đang học bài. Lúc ấy bạn thật chăm chú.
Lúc đó, trời đã tờ mờ tối. Những tia nắng đã dần dần tắt trên những mái nhà. Bóng tối đang dần bao phủ xuống làng em. Những ánh đèn từ mỗi ngôi nhà đã bắt đầu bật sáng. Đó cũng là lúc Hoàng ngồi học bài. Hoàng có một góc học tập riêng rất ngay ngắn và gọn gàng. Một cái bàn bằng gỗ kê cạnh cửa sổ. Hoàngkéo ghế gỗ vào ngồi rồi bắt đầu học bài. Ánh đèn điện thắp sáng, in bóng bạn trên bức tường trắng. Lúc đó bạn mặc một chiếc áo thun ngắn tay để lộ ra cánh tay chắc nịch, trắng hồng . Chiếc quần bò lửng , ôm lấy vóc hình nở nang của một cậu học sinh lớp Năm đang lớn. Chiếc quạt thổi nhè nhẹ làm cho mái tóc cắt ngắn bay bay. Bên trái là chiếc tủ làm bằng gỗ chứa rất nhiều truyện cổ tích.. Chúng được bạn xếp ngay ngắn y như một thư viện nhỏ. Bên phải là chồng sách gọn gàng và chiếc đồng hồ bàn nhỏ nhắn . Dưới chân bàn là một chú cún con rất dễ thương. Chắc bạn yêu quý thú cưng lắm đây.
Bây giờ, Hoàng lúi húi bên một hộp bút sáp màu. Một tờ giấy trắng tinh đã trải ra trước mặt bạn. Một tay bạn giữ tờ giấy còn tay bên kia bạn đang cầm một chiếc bút chì đưa nhanh thoăn thoắt. Một ngọn núi đã hiện ra trên tờ giấy. Rồi bạn vẽ cánh đồng lúa chín mùa thu. Bạn vẽ con sông Kiền hiền hòa chảy qua làng bạn. Bạn vươn vai xong lại vẽ tiếp. Bên này là người mẹ thân của Hoàng đang cấy lúa. Bạn vẽ dòng nước xanh mát uốn khúc lượn quanh. Bọn dùng viên tẩy xóa những nét thừa. Đã đến lúc bạn tô màu. Bạn tô mái nhà đỏ như son. Tô hàng cây xanh tốt tươi, vui mắt. Bạn tô cánh đồng lúa chín rộ. Vẽ xong bạn giơ bức tranh lên hỏi em: “ Bạn thấy tớ vẽ như thế nào.? “ . Em liền reo lên: “ Ôi, Bức tranh này thật đẹp!”. Bạn mỉm cười sung sướng. Nụ cười thật tươi nở trên khuôn mặt tròn trịa , trắng hồng của bạn.
Hoàng đúng là bạn tốt của em. Ngắm bạn học bài , em thấy bạn rất siêng năng cần cù. Hoàng mong ước mơ trở thành họa sĩ . Em mong ước mơ của bạn sớm thành hiện thực. Hoàng của em là thế đó.
Sáng chủ nhật, em được theo mẹ ra đồng màu Lạc Thổ đưa nước cho thợ cày. Các ruộng lúa mới gặt xong độ một tuần đã bắt đầu cày vỡ, làm đất trồng màu vụ đông.
Trong làng, một số gia đình đã có máy cày, máy bừa, nhưng phần đông các hộ vẫn nuôi trâu, bò vừa để cày bừa, vừa lấy phân chuồng bón ruộng. Gia đình em chỉ có 6 sào ruộng, mẹ chỉ dùng hình thức đổi công.
Bác Huấn vẫn cày bừa, làm đất cho nhà em. Nhìn thấy hai mẹ con em đứng trên bờ, bác giơ nón vẫy rồi lại xăm xăm cày. Bác Huấn ngót 50 tuổi, bác nói tuổi bác là tuổi Sửu, "cái tuổi làm hùng hục như trâu bò". Tính bác vui, cởi mở, vừa nói vừa cười rất dễ mến. Bác to khỏe, quần nâu xắn cao, áo lính bạc màu, sau lưng giắt cái điếu cày mà bác gọi là "đại bác". Người lực lưỡng, bắp chân bắp tay cuồn cuộn. Nước da màu nâu sẫm, đúng là vóc dáng của một con người quanh năm chân lấm tay bùn, quen dầm mưa dãi nắng.
Con trâu mộng to béo, da đen nhánh kéo cày đi trước. Bác Huấn tay trái nắm thừng để điều khiển, tay phải cầm đốc cày, theo sau. Đường cày thẳng, bác nhoai người về phía trước. Đến hai đầu bờ, bác nhấp cày lên, cho trâu quay lại cày tiếp. Bác nhấp cày nhẹ nhàng như không. Lâu lâu, bác lại cất tiếng "tắc, rì… họ", lần đầu tiên em mới nghe thấy những tiếng ấy của thợ cày. Bác chia ruộng thành nhiều khoảnh, mỗi khoảnh là một luống cày; mỗi luống cày có nhiều đường cày. Ruộng đồng màu, đất xốp vừa độ ẩm, nhưng luống cày lượn sóng úp vào nhau, trông thật đẹp.
Xong một luống cày, bác cho trâu đứng nghỉ. Bác lên bờ đến chỗ hai mẹ con em đứng đợi. Mẹ em lấy ra bốn củ khoai lang bày ra trên đĩa, rót chè xanh ra bát mời bác. Bác lấy chiếc nón đang đội trên đầu quạt một lúc rồi đặt xuống làm "ghế" ngồi rất thoải mái. Vừa nói chuyện với hai mẹ con em, bác vừa bật lửa rít thuốc lào. Tiếng rít thuốc giòn tan. Cặp mắt lờ đờ, bác phun khói ra cả mũi, cả miệng, làm em ngạc nhiên quá. Cả con người bác toát ra một vẻ sảng khoái kì lạ. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, hai vai áo. Trán lấm tấm mồ hôi. Cặp lông mày sâu róm nhíu lai. Bác xoa hai tay vào nhau, vỗ vỗ mấy cái, cầm lấy củ khoai mẹ em mời, bác bóc vỏ ăn một cách ngon lành. Bác uống liền một lúc hai bát nước, rồi nói:
– Chè chị mua ở chợ Đồng à? Thơm và đậm lắm. Cứ để tất cả mọi thứ lại, hai mẹ con chị cứ ra về kẻo nắng. Tôi sẽ lo liệu hết.
Bác lại xăm xăm bước đến chỗ con trâu. Tiếng "tắc… rì…" nghe rất rõ. Trâu kéo cày băng băng. Lúc thì bác Huấn khom lưng, lúc thì nhoài người ra phía trước, tay phải nắm đốc cày một cách thiện nghệ. Những đường cày thẳng tăm tắp, những luống cày lượn sóng. Đi theo sau người và trâu là đàn sáo mỏ vàng năm, sáu con, lúc bay lúc nhảy để tìm mồi.
Cả cánh đồng màu chuyển động. Những luống cày màu nâu óng ánh dưới nắng tháng mười. Trâu và người cặm cụi, mải miết làm việc. Đi được một quãng, ngoái lại nhìn, em vẫn còn nhìn thấy bóng nón trắng của bác Huấn đang nhấp nhô trên thửa ruộng gia đình em.
Mẹ vừa đi vừa nói: "Bác Huân chỉ học hết lớp 7, rồi đi thanh niên xung phong. Bác chất phác, cày bừa giỏi, cả làng ai cũng quý. Cuối tuần, bác lại bừa và làm luống giúp để nhà ta trồng đậu cô-ve giống mới. Bố bác Huấn ngày xưa là lão nông tri điền, 70 tuổi mà còn đi cày quanh năm…".
Từ bé em chưa phải lần nào đi khám bác sĩ, nhưng nghe mọi người kể thì trong tâm trí em bác sĩ là người không tốt, hay quát nạt bệnh nhân, đòi bồi dưỡng trước khi chăm sóc bệnh nhân. Nhưng từ khi lên thăm ông nội tại bệnh viện, gặp bác sĩ Hải, suy nghĩ của em đã thay đổi về những người làm nghề bác sĩ.
Bác sĩ Hải năm nay chừng 50 tuổi, dáng người cân đối khỏe mạnh, mái tóc thường chải ngược về phía sau để lộ vầng trán rộng điểm vài cọng tóc bạc. Bác sĩ có ánh mắt hiền từ và nét mặt biểu lộ những nét tươi tỉnh. Cũng như các cán bộ y tế khác, bác sĩ Hải mặc một chiếc áo bờ lu trắng, đầu đội chiếc mũ trắng có dấu chữ thập đỏ.
Khi ông được đưa vào giường bệnh, người bác sĩ vào thăm hỏi bệnh tình của ông là bác sĩ Hải. Bác sĩ đã một mình đỡ nội nằm xuống giường bệnh. Rồi bác sĩ quay lại nói với cô y tá chuẩn bị dụng cụ đo huyết áp cho nội. Dặn dò xong, bác sĩ sang giường bên cạnh để tiếp tục thăm khám cho bệnh nhân khác. Vừa khám và luôn hỏi han, động viên bệnh nhân. Cử chỉ thật ôn tồn thân thiết.
Có lúc, em thấy nếp nhăn trên trán bác sĩ co lại thành những hằn sâu, chạy dài sang hai thái dương. Em nghĩ bác sĩ đang cố tìm, cắt nghĩa những diễn tiến của bệnh tình để có phương pháp điều trị đúng thuốc, đúng bệnh nên mới ưu tư đến như vậy.
-Khi nào bác thấy nhức mỏi trở lại, bảo y tá báo cho tôi biết.
-Cô hôm nay có đỡ hơn không? Cô có ăn hết phần cơm không?
Cứ ân cần, cẩn thận như thế, bác sĩ đi hết giường bệnh này đến giường bệnh khác. Cả phòng ai cũng nhìn bác sĩ với ánh mắt tin yêu, trìu mến. Em còn nhớ lúc quay lại giường nội, bác sĩ còn hỏi han việc học hành của em và dặn dò em lưu ý, động viên, an ủi nội.
Em thấy rất vui mừng khi gặp được bác sĩ Hải, em nhận ra rằng không phải bác sĩ nào cũng không tận tình với bệnh nhân. Tấm lòng của bác sĩ Hải với bệnh nhân thật cao cả, là người hết lòng vì bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình. Phẩm chất đáng quý đó của người bác sĩ đó đã thôi thúc em có mơ ước học thật giỏi để trở thành một bác sĩ có cả đức cả tài, giúp ích cho dân cho nước.
Mỗi một ngành nghề lại có một nhiệm vụ và phục vụ ở những mặt khác nhau cho xã hội. Nếu những người thầy, thầy cô ươm mầm tri thức, nâng cao học vấn cho tuổi trẻ, bác sĩ chữa bệnh giúp mọi người, các kĩ sư xây nhà xây dựng những công trình phục vị đất nước, những nghệ sĩ làm tâm hồn con người đẹp đẽ và phong phú hơn,...thì những người lao công lại làm sạch cho cuộc sống này.
Nhiều người thường chê thậm chí khinh bỉ, miệt thị những người lao công vì công việc của họ nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên có thái độ như vậy vì mỗi một ngành nghề có những cống hiến riêng, chỉ có điều cách cống hiến của họ là khác nhau.
Ở chỗ tôi ở, tối nào cũng có một cô lao công đi quét rác. Năm nay cô đã ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người cô dong dỏng cao và có phần hơi gầy. Nước da của cô đen sạm đi vì nắng, vì gió. Mái tóc cô đã có những sợi điểm bạc- bạc vì tuổi, bạc vì những vất vả, sương gió trong cuộc đời. Nhưng mắt cô lại rất đẹp và sáng, ánh mắt luôn ngập tràn những điều hi vọng và những ước mơ. Đặc biệt là khi cô cười, nụ cười của cô rất rạng rỡ và rất duyên, để lộ hàm răng trắng và đều tăm tắp như những hạt bắp.
Cô lao công ấy không chỉ duyên mà cô còn rất chăm chỉ làm việc. Bao giờ cũng vậy, buổi tối nào cô cũng quét rất đúng giờ và quét rất sạch. Tiếng chổi loẹt quẹt của cô vang lên trong con đường buổi tối yên tĩnh. Lúc cô làm việc, cô rất chú tâm và bao giờ cũng hoàn thành tốt công việc của mình. Cô lao động ấy không chỉ chăm chỉ mà còn rất tốt bụng. Có lần khi cô quét rác, nhặt được tiền của ai đó làm rơi, cô liền mang số tiền đó đến phường công an để trả lại cho người đánh mất.
Có lần, tôi trò chuyện với cô, tôi hỏi cô rằng vì sao cô lại chọn nghề lao công thì cô đã không ngần ngại mà chia sẻ với tôi rằng: cô thấy mỗi nghề đều có lợi ích, đều cống hiến cho xã hội theo những cách riêng và mặc dù nhiều người không thích công việc này, cô vẫn rất vui vẻ và tự hào vì nhờ có cô và những người giống như cô mà mọi người mới có đường phố xanh- sạch- đẹp. Lời chia sẻ của cô khiến tôi càng trân trọng và yêu mến cô cùng bao người lao công khác hơn.
Những người lao công mãi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Hãy cảm ơn họ vì nhớ có họ, chúng ta mới được sống trong môi trường trong lành.
Với mỗi người chắc hẳn ai cũng có những kỉ niệm không thể nào quên được, và với em kỉ niệm đáng nhớ ấy là lần được quan sát bác Thắng, một người thợ mộc lâu năm đang làm việc.
Có thể nói bác Thắng là người thợ mộc lành nghề nhất trong làng. Tuy năm nay bác đã ngoài 40 nhưng trông bác vẫn đầy vẻ tâm huyết và yêu mến nghề.
Đợt ấy em được cùng bố sang nhà bác chơi nhưng lại đúng lúc bác đang có đơn hàng gấp nên bố và em vào xưởng giúp bác làm việc. Công việc với bác đơn giản là thế nhưng nó cũng khiến bố và em cảm thấy khá chật vật nên từ việc bê những thanh gỗ lớn vào xưởng rồi đến công đoạn đo đạc, xẻ gỗ, tất cả đều do bác Tuấn một tay làm hết, bố và em muốn giúp nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào nên đành đứng đó và đợi bác sai việc. Và trong lúc rảnh rỗi ấy em đã được chiêm ngưỡng dáng vẻ thực thụ của một thợ mộc chuyên nghiệp.
Đầu tiên bác bê những thanh gỗ vào xưởng rồi sau đó mới bắt đầu đo đạc. Bác dùng cánh tay vạm vỡ của mình vận chuyển những mảnh gỗ lớn rồi sau đó lại dùng hai cánh tay ấy thể hiện sự khéo léo của mình. Một tay bác cầm bút, một tay tỉ mỉ ghi chép số liệu, mắt bác không rời tấm gỗ đặt ở trên bàn cho đến khi đã đo và cắt xong. Tiếp sau đó bác đi đến một chiếc bàn khác, nơi bộn bề những đồ chuyên dụng để lấy chiếc máy bào. Hai tay bác đưa lên đưa xuống liên tục, mắt nhìn chăm chăm vào những chỗ mà chiếc bào vừa đi qua, thỉnh thoảng bác lại lấy tay sờ thử xem nhẵn chưa rồi mới tiếp tục chuyển sang chỗ khác. Cuối cùng bác đi lấy dụng cụ để chạm khắc lên mảnh gỗ đã được gia công, bác cặm cụi, chăm chú đến cực độ và làm mọi thứ thật chính xác và cuối cùng sản phẩm ấy cũng đã hoàn thành, bác ngắm nghía một hồi rồi phun sơn đó một lớp sơn và cuối cùng là bàn giao sản phẩm cho bên mua hàng.
Cuối cùng thì sản phẩm của bác cũng đã hoàn thiện. Qua buổi hôm ấy em đã được chứng kiến trực tiếp quá trình làm việc của một người thợ mộc thực thụ, đó là sự tỉ mỉ, nhiệt huyết đầy quyết tâm khiến cho em ấn tượng không thể nào quên được.