Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu 10 đề thi thử THPT môn Ngữ Văn chọn lọc, tài liệu bao gồm 13 trang. Đề thi được tổng hợp từ các trường THPT trên cả nước giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
Đề thi thử 1
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU: (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại - nhất là thất bại trong cấc mối quan hệ - thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn... Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa... Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.
(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 -
Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)
Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2: (0,5 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa…
Câu 3: (1,0 điểm) Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói: đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng.
Câu 4: (1,0 điểm) Thông điệp mà Anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Tại sao chọn thông điệp đó?
PHẦN II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.
ĐỀ 2
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ
Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là một ý tưởng lớn.
Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình. Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.
Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viễn vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện. Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma,
NXB Trẻ, 2014, Tr. 29)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau chỗ nào?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là người vô lí?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr155)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ trên.
ĐỀ 3
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều trường hợp, sự chủ động rất quan trọng.Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.
Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.
Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.
Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.
(Vân Anh – https://petrotimes.vn/hay-tu-.......-cua-chinh-minh-554998.html/)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm”.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ.Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa.Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó.Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được
(Người lái đò sông Đà - Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
HẾT
ĐỀ 4
Phần I: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc trích dẫn sau và thực hiện các yêu câu từ câu 1 đến câu 4:
"Nghĩa cử ấm áp tình người trên mảnh đất hình chữ S đã khiến truyền thông quốc tế ngỡ ngàng và dành không ít lời khen ngợi.
Đánh giá về sáng kiến “ATM gạo,” kênh Truyền hình CNN của Mỹ ngày 13/4 chạy dòng tin “một chiếc máy cho ra gạo miễn phí - một điều khó tin - nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh.”
Trên mạng Twitter, nhà văn Mỹ Marianne Williamson dẫn bài báo ca ngợi sáng kiến “ATM gạo” tại Việt Nam trên CNN và khẳng định: “Đây là ý tưởng mà chúng ta nên thực hiện.”
Mới đây, tờ International Business Times (Mỹ) cũng có bài viết bày tỏ sự ấn tượng về cây “ATM gạo” tại Việt Nam và ví đây là “một cách khéo léo” để hỗ trợ những người gặp khó khăn vì dịch bệnh.“Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất.” Một độc giả người nước ngoài đã bình luận như vậy dưới bài viết đăng trên tờ báo The Straits Times của Malaysia về những cây “ATM gạo” của Việt Nam. Hơn cả lương thực, những chiếc máy này đang cho đi sự tử tế, lan tỏa lòng tốt của người Việt ra thế giới.
Những hành động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã phần nào làm vơi bớt khó khăn của người dân nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến cam go chống đại dịch Covid-19.
Những việc làm này cũng thể hiện rõ truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời nay của dân tộc ta; tiếp thêm sức mạnh để toàn dân chung sức, chung lòng quyết tâm vượt qua hoạn nạn. Điều quan trọng là sau khi dịch bệnh đi qua, tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục duy trì, phát huy để người nghèo được hỗ trợ, tự vươn lên trong cuộc sống.
(Theo Ngọc Nhi, Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/,
ngày 24/4/2020)
Câu 1: Văn bản trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào là chính?
Câu 2: Chỉ ra các từ ngữ biểu hiện của tình tương thân tương ái trong đoạn trích?
Câu 3: Nêu ngắn gọn ý nghĩa nội dung đoạn trích?
Câu 4: Anh/chị hiểu câu: “Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất.” như thế nào?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ về vấn đề sau: "Những việc làm này cũng thể hiện rõ truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời nay của dân tộc ta; tiếp thêm sức mạnh để toàn dân chung sức, chung lòng quyết tâm vượt qua hoạn nạn. Điều quan trọng là sau khi dịch bệnh đi qua, tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục duy trì, phát huy để người nghèo được hỗ trợ, tự vươn lên trong cuộc sống".
Câu 2. (5,0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích và nêu cảm nhận về ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước trong đoạn thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
Trích Đất Nước - Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm,
Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr 119 - 120).
Hết
ĐỀ 5
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có những ước mơ xa: đến đỉnh cao nhất. Có những ước mơ gần: Một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với ước mơ ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay xa quá và không thể điểu khiển đời mình nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào tầm thường. Và chúng học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.
Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng đươc ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác.(...)
Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn- Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn; 2017; tr160)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thèm khát vị trí cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác” ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan niệm: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường. Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: Chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu qua hai khổ thơ sau:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Và:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 - Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.155-156)
Từ đó, bình luận về những sáng tạo tài hoa của nhà thơ Xuân Quỳnh qua việc thể hiện khát vọng tâm hồn của người phụ nữ
ĐỀ 6
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi việc học hành hoàn tất hay có gia đình, có công việc ổn định. Nhưng khi đã có được những điều ấy rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều mối bận tâm và lo lắng khác nữa. Chúng ta thường không hài lòng khi cuộc sống không như những gì mình mong muốn.
Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.
Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc.
Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?
Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! Nhưng chắc chắn không bao giờ là quá muộn – và thời gian là người bạn tốt nhất của bạn, của tất cả mọi người.
Hãy làm việc say mê như thể bạn không còn cơ hội để làm lại một lần nữa. Hãy yêu chân thành và trọn vẹn như thể bạn chưa từng đau khổ vì tình yêu. Bạn hãy đón nhận cuộc sống với tất cả những điều bình dị, tinh khôi nhất của nó, như thể bạn chưa từng trải qua những năm tháng khổ đau, những phút giây tuyệt vọng. Như thế bạn vừa khám phá được ý nghĩa thật sự của tình yêu, và hơn hết là điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc.
(Theo Hạt giống tâm hồn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả thì khi nào bạn khám phá được ý nghĩa của tình yêu và điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình”.
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến “Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về khổ thơ sau:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ
(“Sóng”-Xuân Quỳnh)
ĐỀ 7
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
Tuổi trẻ, tự thân nó đã là một tài sản, tự thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị vùi xuống bùn, cơ hội để nó tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó phép thử trong tay còn mầu nhiệm, con tốt đó trong tay còn có thể phong Hậu, bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc. Còn khi bạn lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại, nếu bạn bị rớt xuống bùn, thì rất có thể, bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người đó cũng lem luốc giống với bạn.
Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quý mà không phải ai cũng biết: sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn móm cơm hàng ngày, chăm sóc nó quá no đủ nó sẽ chết yểu.
( Theo kênh 14.vn)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5đ)
Câu 2. Vì sao tác giả lại cho rằng: “ Tuổi trẻ, tự thân nó là một tài sản”?(0,5đ)
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “ ... khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại”? (1.0đ)
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức? (1.0đ)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm )
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ đoạn trích trong phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của tuổi trẻ.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn văn sau:
[…] Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lửa để bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi lửa như đêm trước.
( Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, tr13, NXB GD 2008)
ĐỀ 8
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão. Nó gắn liền với khát vọng chinh phục thử thách và giải được mật mã cuộc đời. Khát vọng luôn xanh và cuộc sống luôn đẹp, nhưng trong một thời khắc nào đó, có thể nhiều bạn trẻ đã thấy cuộc đời như một mớ bòng bong của những điều bỡ ngỡ với bao trăn trở không dễ tỏ bày. Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng, hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước. Nhưng dù thế nào chăng nữa, bạn hãy nhớ rằng: để trưởng thành, những thử thách và thất bại bao giờ cũng là điều cần thiết.
(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 - Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)
Câu 1. Hãy chỉ ra đi qua tuổi thơ cuộc đời của con người sẽ thế nào?.(0,5 điểm)
Câu 2. Nêu tác dụng biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu: Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. (0,5 điểm)
Câu 3. Tại sao có thể nói: Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu.(1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp mà Anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Tại sao chọn thông điệp đó?(1,0 điểm)
II LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói “để trưởng thành, những thử thách và thất bại bao giờ cũng là điều cần thiết”
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong bốn dòng thơ đầu của bài thơ Việt Bắc, người ở lại có hỏi người về xuôi;
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Có khi đáp lại, người về xuôi vừa hỏi, vừa gửi gắm nỗi nhớ:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
(Tố Hữu, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo Dục – 2008)
Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng kẻ ở - người đi trong các đoạn thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về tính dân tộc trong đoạn thơ.
ĐỀ 9
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi hỏi đất: - Đất sống với nhau như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: - Nước sống với nhau như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với nhau như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người: - Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người: - Người sống với nhau như thế nào?
Tôi hỏi người: - Người sống với nhau như thế nào?
(Hỏi - Hữu Thỉnh)
Câu 1. Chỉ ra những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên. (0.5 điểm)
Câu 2. Xác định nội dung chính của văn bản trên. Dựa vào nội dung đó, hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác. (0.5 điểm)
Câu 3. Nêu và giải thích lối sống của: đất, nước, cỏ trong văn bản. (1.0 điểm)
Câu 4. Xác định những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong ba câu cuối của văn bản và phân tích hiệu quả nghệ thuật của những biện pháp nghệ thuật ấy. (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) tìm lời giải đáp cho câu hỏi của tác giả: Người sống với nhau như thế nào?
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”.
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr.112-113)
ĐỀ 10
I. ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
… Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lí
Óc nghĩ suy không thể mượn vay
Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay
Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.
Ta tin ở sức mình, vô hạn
Như ta tin ở tuổi 25
Của chúng ta là tuần trăng rằm
Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái.
Ta tin ở loài người thúc nhanh thời đại
Những sông Thương bên đục, bên trong
Chảy về xuôi, càng đẹp xanh dòng
Lịch sử vẫn một sông Hồng vĩ đại...
(Trích Tuổi 25 của Tố Hữu, sách Tố Hữu Từ ấy và Việt Bắc, NXB văn học, tr332)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?
Câu 2 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm; Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái”?
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ 2. Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy?
Câu 4 (1,0 điểm). Nhà thơ đã tâm sự gì qua đoạn thơ trên?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về niềm tin của tuổi trẻ vào chính mình được gợi ra từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu