Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12

Tải xuống 137 1.8 K 5

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 tài liệu bao gồm 137 trang, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 12- HỌC KỲ 1

- Hình thức: Như thi THPT Quốc Gia. (120 phút )

 -Giới hạn chương trình: hết tuần 15 theo PPCT

A.NỘI DUNG ÔN TẬP

I . Đọc hiểu (3 điểm)     Ôn tập lý thuyết đọc hiểu:

- Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh, nghị luận.

- Phong cách  ngôn ngữ: PCNN Sinh hoạt, PCNN nghệ thuật, PCNN báo chí, PCNN chính luận, PCNN khoa học.

- Các thao tác lập luận: giải thích ,phân tích, chứng minh ,so sánh, bác bỏ, bình luận.

- Thể loại văn bản, đặc biệt là văn bản thơ: Thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn, thơ tự do, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, ….

- Xác định nội dung văn bản

- Các biện pháp tu từ (về  ngữ âm ,từ, câu)trong văn bản: Chỉ ra và nêu tác dụng.

- Nghĩa của từ, nghĩa và ngữ pháp của câu.

- Theo tác giả , một câu nói , một nội dung …trong văn bản được hiểu như thế nào?

- Anh(chị) hiểu câu nói trong văn bản như thế nào?hoặc tại sao tác giả lại cho rằng ….

- Anh (chị )có đồng ý với ý kiến cho rằng, câu nói cho rằng …?Lí giải vì sao đồng ý hoặc không đồng ý .

- Thông điệp ý nghĩa nhất rút ra từ văn bản ?(Chỉ ra thông điệp và lí giải vì sao lại chọn thông điệp đó )…

II. Làm văn (7 điểm) HS tập trung vào ôn tập một số kiến thức sau:

Câu 1: NLXH (2,0 đ)

a. Cách thức triển khai bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

- Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

- Phân tích, biểu dương các mặt đúng, phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.(Lấy 1 đến 2 dẫn chứng tiêu biểu )

- Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lí.

* Để bài làm được điểm cao , các em có thể dẫn dắt vấn đề bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp  (dẫn từ câu danh ngôn , câu nói nổi tiếng …có liên quan đến vấn đề nghị luận)

b. Cách thức triển khai bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống.

* Nghị luận về hiện tượng đời sống tốt , tích cực

- Nêu rõ hiện tượng cần bàn .

- Phân tích mặt tốt của hiện tượng , mở rộng trong đời sống

- Nêu ý nghĩa của hiện tượng

- Rút ra bài học liên hệ với bản thân

* Nghị luận về hiện tượng đời sống xấu , tíêu cực

- Nêu rõ hiện tượng cần bàn .

- Chỉ ra nguyên nhân .

- Nêu hậu quả

- Nêu giải pháp

- Rút ra bài học liên hệ với bản thân

- Bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng đó

=> Yêu cầu viết đúng hình thức đoạn văn , kết hợp các thao tác lập luận để tăng sức thuyết phục trong nghị luận …

 

Câu 2. NLVH (5,0 đ)

a. Nắm chắc cách làm bài :

- Nghị luận về một  bài thơ, đoạn thơ

- Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

b. Hệ thống nội dung kiến thức các bài học đọc hiểu văn bản ngữ văn 12, kỳ 1 .Nắm vững cả về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm , đoạn trích …

1.Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)

- Nêu nguyên lí chung …/  Tố cáo tội ác của thực dân Pháp   / Tuyên bố độc lập.

- Nghệ thuật lập luận chặt chẽ ,lí lẽ đanh thép , ngôn ngữ hùng hồn , bằng chứng xác thực …

2. TâyTiến (Quang Dũng)

- Bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội nhưng vô cùng mĩ lệ, trữ tình và hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân .

- Cảnh đêm liên hoan rực rỡ lung linh, chung vui với bản làng xứ lạ và Cảnh sông nước và con người miền Tây một chiều sương giăng hư ảo.

- Hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân: gian khổ, hi sinh mà vẫn ngang tàng, tâm hồn vẫn trẻ trung, lãng mạn….

- Bút pháp lãng mạn , tài hoa , sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu , các biện pháp tu từ được sử dụng hiệu  quả, chất thơ, chất họa , chất nhạc hòa quyện …

3. Việt Bắc (Tố Hữu)

- Tám câu thơ đầu: Khung cảnh chia tay và tâm trạng của con người.

+ Bốn câu trên: Lời ướm hỏi, khơi gợi kỉ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình; qua đó, thể hiện tâm trạng của người ở lại.

+ Bốn câu thơ tiếp: Tiếng lòng người về xuôi bâng khuâng lưu luyến.

- Tám mươi hai câu sau: Những kỉ niệm về Việt Bắc hiện lên trong hoài niệm.

+ Mười hai câu hỏi: Gợi lên những kỉ niệm ở Việt Bắc trong những năm tháng đã qua, khơi gợi, nhắc nhớ những kỉ niệm trong những năm cách mạng và kháng chiến. VB từng là chiến khu an toàn, nhân dân ân tình, thủy chung, hết lòng với cách mạng và kháng chiến.

+ Bảy mươi câu đáp: Mượn lới đáp của người về xuôi, nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết với VB; qua đó, dựng lên hình ảnh chiến khu trong kháng chiến anh hùng và tình nghĩa thủy chung.

Nội dung chủ đạo là nỗi nhớ VB, những kỉ niệm về VB ( bốn câu đầu đoạn khẳng định tình nghĩa thủy chung son sắt; hai mươi tám câu tiếp nói về nỗi nhớ thiên nhiên, núi rừng và con người, cuộc sống nơi đây; hai mươi hai câu tiếp theo nói về cuộc kháng chiến anh hùng; mười sáu câu cuối đoạn thể hiện nỗi nhớ cảnh và người VB, những kỉ niệm về cuộc kháng chiến)

- Thơ trũ tình chính trị và nghệ thuật biểu hiện đậm đà tính dân tộc (thể thơ lục bát , kết cấu đối đáp của ca dao , ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian , giọng điệu vừa ngọt nào vừa hùng tráng , các biện pháp tu từ quen thuộc …)

4. Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)

- Phần 1: Nêu lên cách cảm nhận độc đáo về quá trình hình thành, phát triển của đất nước; từ đó khơi dậy ý thức về trách nhiệm thiêng liêng với nhân dân, đất nước.

+ Đất nước được hình thành từ những gì nhỏ bé, gần gũi, riêng tư trong cuộc sống của mỗi con người.

+ Đất nước là sự hòa quyện không thể tách rời giữa cá nhân  và cộng đồng dân tộc.

+  Mỗi người phải có trách nhiệm với đất nước.

- Phần 2: Tư tưởng “ Đất Nước của Nhân dân” được thể hiện qua ba chiều cảm nhận về đất nước.  Từ không gian địa lý;  Từ thời gian lịch sử;  Từ bản sắc văn hóa.

- Giọng thơ trữ tình chính luận sâu lắng , tha thiết ,sự vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hóa và văn học dân gian, thể thơ tự do phù hợp với cảm xúc 

5.Sóng (Xuân Quỳnh)

- Cảm  nhận theo khổ:Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu.

- Cảm nhận theo hình tượng:Hình tượng sóng và em…

- Những đặc sắc về nghệ thuật : kết cấu , xây dựng hình ảnh , nhịp điệu và ngôn từ

6.Đàn ghi ta của Lorca. (Thanh Thảo)

- Hình ảnh  Lor- ca- người công dân  tự do, người nghệ sĩ tài hoa ...

- Cái chết của Lor- ca và nỗi xót xa về sự dang dở của nghệ thuật cách tân .

- Nỗi xót thương và suy tư về sự  giã từ của Lor-ca

- Hình thức nghệ thuật độc đáo :phong cách thơ tượng trưng , kết hợp hài hòa hai yếu tố thơ và nhạc về cấu tứ ; sức gợi mở đa dạng, phong phú về hình ảnh và sự mới mẻ về ngôn từ …

7. Người lái đò sông Đà. (Nguyễn Tuân)

a. Hình tượng con sông Đà

* Sông Đà hung bạo, dữ dội:

+ Thành vách dựng đứng, dòng chảy ghê gớm, thác đá

+ Sức mạnh của gió, sóng, đá

+ Những hút nước ghê rợn

+ Những thác nước

+ Bày thạch trận như một bầy thuỷ quái hung bạo

* Sông Đà thơ mộng, trữ tình

+ Một vẻ đẹp đầy nữ tính- “ áng tóc trữ tình”

+ Sông Đà đẹp ở không gian và thời gian khác nhau

+ Cảnh hai bên bờ

+ Tình yêu tha thiết với sông Đà

b. Hình tượng ông lái đò trong cuộc chiến đấu với con SĐ hung bạo:

- Người anh hùng lao động trên sông nước đưa đò vượt qua ba trùng vi thạch trận ..

+ Cuộc đấu tranh không cân sức ( SĐ hung bạo- con người nhỏ bé)

+ Con người đã chiến thắng sức mạnh của tự nhiên. Dòng sông càng hung bạo thì hình tượng ông lái đò càng đẹp đẽ, uy nghi.

+ Nguyên nhân làm nên chiến thắng: do người lái đò mang những phẩm chất tốt đẹp  : kinh nghiệm lái đò sông nước, nắm được quy luật của dòng sông, sự ngoan cường,dũng cảm , ý chí quyết tâm, tài hoa nghệ sĩ trên lĩnh vực chèo đò vượt thác

tâm hồn đẹp : vô danh, thầm lặng, bình dị.

- Chất vàng của thiên nhiên và thứ vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn những con người lao động .

- Công phu lao động nghệ thuật khó nhọc , cùng sự tài hoa , uyên bác  của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hóa và những kì tích lao động của con người .

 

B.ĐỀ MINH HỌA

                                      

                                               

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian:120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Nhiều người vẫn thường tự hỏi tại sao mình lại bị ám ảnh trước tiền tài, địa vị, danh vọng và nhiều ham muốn khác đến vậy? Câu trả lời là do họ không biết trân trọng những gì họ đang có. Khi những gì ta có xuất phát từ niềm khát khao mong mỏi thực sự, tâm trí ta sẽ không vướng bận vào những suy nghĩ quẩn quanh, ta sẽ sống thực với cảm xúc của mình hơn. Đó cũng là khi ta không phải đương đầu với cảm giác hoang mang lo lắng; không cảm thấy khiên cưỡng như khi buộc bản thân làm những điều đáng chán. Tiền tài và địa vị không thể khỏa lấp sự trống rỗng trong tâm hồn. Vì thế, trước khi làm một việc gì, hãy tự hỏi: "Ta đang muốn làm gì?".

Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân, nếu không bạn sẽ lãng phí cuộc đời mình một cách vô nghĩa. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình. Tiền tài, địa vị tựa như một thứ chất kích thích. Nó làm nảy sinh trong mỗi người ham muốn sở hữu để xoa dịu những khát khao mà họ chưa giành được hoặc để thỏa mãn sự tò mò trong họ. Không nên để bản thân rơi vào cạm bẫy đó. Sống thực với chính mình tựa như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng.

Trước đây, tôi từng sai lầm khi mải mê tìm kiếm mình trong cái nhìn của người khác để rồi lạc lối trong mê cung của họ. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng người ta chỉ có thể tìm thấy mình trong chính những suy nghĩ và hành xử của bản thân. Con đường ấy, không ai khác mà chính ta phải làm chủ lấy nó.

         (Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh)

Câu 1. Anh/chị hãy xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Tại sao tác giả cho rằng: “Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân.”

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói của tác giả: “Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình.”

Câu 4. Thông điệp nào trong văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa khi sống thật với chính mình.

Câu 2. (5.0 điểm) Cho đoạn thơ :     

                                  

“ Ta về , mình có nhớ ta

     Ta về, ta nhớ những hoa cùng người .

   Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

  Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng .

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

 

  (Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.110, 111).

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên .Qua đó,nhận xét về phong cách thơ Tố Hữu  ?

 

 

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP _ HỒ CHÍ MINH

ĐỀ 1 : Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.
Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?

GV định hướng HS lập dàn ý và hoàn thiện thành bài văn.

a. Giới thiệu chung
- Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm có giá trị.
- Tuyên ngôn độc lập là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: trên thế giới chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nền độc lập vừa mới dành được của ta bị đe dọa bởi các thế lực phản động: quân đồng minh, đế quốc Mĩ. Trong nước, cả nước nổi dạy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945 cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội. Đến ngày 26/8, chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
- Khi bàn về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập có ý kiến cho rằng: “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.

b. Giải thích 2 ý kiến
* Ý kiến thứ nhất
- Văn kiện lịch sử: là văn bản ghi lại những sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc.
- Văn kiện lịch sử vô giá: vai trò, tầm quan trọng có liên quan đến việc quyết định vận mệnh của một dân tộc.
* Ý kiến thứ hai
- Văn chính luận: là những tác phẩm văn chương sử dụng lập luận, dẫn chứng, lí lẽ để khẳng định một tư tưởng nào đó khiến độc giả tin vào điều được khẳng định là đúng sự thật.
- Áng văn chính luận mẫu mực: là những áng văn đạt chuẩn mực cao về nội dung và nghệ thuật có sức thuyết phục, quy tụ lòng người.
=> Hai ý kiến đều đánh giá cao tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Bác xét trên hai góc độ chính trị lịch sử và văn chương nghệ thuật.

c. Phân tích giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập
1. Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá
- Là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta.
- Là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.
- Là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới.
2. Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực
* Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc,…
* Biểu hiện:
- Lập luận chặt chẽ
Tác phẩm có bố cục ngắn gọn, súc tích gồm 3 phần liên kết chặt chẽ với nhau trong hệ thống lập luận:
+ Phần mở đầu: Nêu cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản “Tuyên ngôn” bằng việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791.
+ Phần thứ hai: Khi nêu cơ sở thực tế của bản Tuyên ngôn Độc lập Bác vừa tố cáo tội ác của thực dân Pháp vừa khẳng định thực tế lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.
+ Phần kết luận: Lời tuyên bố của bản “Tuyên ngôn”.
- Lí lẽ sắc bén
+ Sức mạnh của lí lẽ chính là sự thật. Tác giả đã dùng hàng loạt thực tế lịch sử để chứng minh: Thực dân Pháp đã không “bảo hộ” được Việt Nam và đã gieo rắc nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam.
+ Dùng thực tế để khẳng định sự khoan hồng và nhân đạo của dân tộc ta với kẻ thù, công lao của Việt Minh – đại diện duy nhất của nhân dân Việt Nam.
=> Sự độc lập của Việt Nam phù hợp với lẽ phải, công lí và đạo lí.
- Bằng chứng xác thực
Bản Tuyên ngôn đưa ra những bằng chứng hoàn toàn xác thực, không thể chối cãi được (dẫn chứng): về chính trị (5 tội ác), về kinh tế (4 tội ác)
- Ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc
+ Từ ngữ chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tình cảm của người đọc, người nghe.
+ Câu văn uyển chuyển, sinh động. Ví dụ: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Câu văn 9 tiếng nhưng khái quát được những sự kiện lịch sử trọng yếu của dân tộc, tinh thần quật khởi của nhân dân và sự thất bại nhục nhã của kẻ thù và bọn tay sai bán nước.
+ Hình ảnh đặc sắc: thẳng tay chém giết, tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu, bóc lột đến xương tủy…
+ Cần chú ý thêm cách sử dụng hàng loạt điệp từ, điệp ngữ (có tính khẳng định và nhấn mạnh): sự thật là, độc lập tự do…
d. Bình luận, đánh giá
Cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau tưởng như đối lập, mâu thuẫn nhưng thực chất là bổ sung cho nhau cùng khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử chính trị và văn chương nghệ thuật.
=> Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, là áng văn chính luận mẫu mực; là văn bản pháp lý, văn hoá của muôn đời; là hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh cũng như của toàn dân tộc Việt Nam – Bản Tuyên ngôn xứng đáng là “áng thiên cổ hùng văn”

e. Kết thúc vấn đề
- Tuyên ngôn độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh như có lần Người từng tâm sự. Giây phút xúc động, thiêng liêng khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ta có thể thấy trong câu thơ của Tố Hữu:
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây
- Khẳng định tấm lòng vĩ đại cũng như tài năng xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn độc lập. Người không chỉ đem lại ánh sáng tự do, hòa bình cho dân tộc mà còn đóng góp những tài sản tinh thần vô giá cho lịch sử và văn học nước nhà.

ĐỀ 1. Mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh trích dẫn hai bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791, trong đó có câu: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”; Sau đó Người lại viết: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn nhân đạo và chính nghĩa”.

Từ việc cảm nhận những câu văn trên, anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật lập luận của Bác trong bản“Tuyên ngôn Độc lập”

Hướng dẫn

1.Mở bài:

– Giới thiệu tác giả HCM và tác phẩm “TNĐL”

– Nêu vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về hai câu văn và nghệ thuật lập luận trong bản “Tuyên ngôn Độc lập”

2.Thân bài:

Khái quát sơ lược về tác phẩm

* Hoàn cảnh sáng tác

– Ngày 19/08/1945, chính quyền Hà Nội về tay nhân dân. Ngày 26/08/1945, Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội và tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn “Tuyên ngôn Độc lập”.

– Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 “Tuyên ngôn Độc lập” ra đời trong một tình thế vô cùng cấp bách : nền độc lập vừa mời giành được bị đe dọa bởi các thế lực phản động, bọn đế quốc thực dân đang chuẩn bị chiếm lại nước ta: tiến vào từ phía Bắc là quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc, đằng sau là đế quốc Mĩ; tiến vào từ phía Nam là quân đội Anh, đằng sau là lính viễn chinh Pháp. Lúc này thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp

* Giá trị lịch sử và văn học, mục đích,  đối tượng của bản “Tuyên ngôn Độc lập”

– Giá trị lịch sử: Là văn kiện lịch sử vô giá, là lời tuyên bố của một dân tộc đã đứng lên xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, thực dân, thoát khỏi thân phận thuộc địa để hòa nhập vào cộng đồng nhân loại với tư cách là một nước độc lập, dân chủ, tự do.

– Giá trị  văn học:

             + Giá trị tư tưởng: “Tuyên ngôn Độc lập” là tác phẩm kết tinh lí tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần yêu chuộng độc lập, tự do. Tác phẩm có tính nhân văn sâu sắc.

             + Giá trị nghệ thuật: Là áng văn chính luận mẫu mực với lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, những bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục, ngôn ngữ gợi cảm, hùng hồn.

– Đối tượng: Nhân dân Việt Nam; Các nước trên thế giới; Bọn đế quốc, thực dân đang lăm le xâm lược nước ta : Mỹ, Pháp.

– Mục đích: Tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới; Ngăn chặn âm mưu xâm lược của bọn đế quốc, thực dân.

Giới thiệu vị trí, tái hiện hai câu văn

– Câu: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791) thuộc phần mở đầu – cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn Độc lập.

– Câu “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn nhân đạo và chính nghĩa”.thuộc phần 2 – cơ sở thực tiễn của bản Tuyên ngôn Độc lập.

Phân tích

* Câu văn trích dẫn trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”

– Trước hết, để đưa ra cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã viện dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ – một cường quốc thế giới lúc này, Người cũng không quên đưa ra những khẳng định hùng hồn của người Pháp – đất nước trực tiếp đi đô hộ dân tộc Việt Nam – về quyền con người: quyền tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đồng thời Người khẳng định đó là những chân lí lớn của thời đại đã được thế giới công nhận, không ai có thể chối cãi được.

– Ý nghĩa của việc trích dẫn:

+ Tuyên ngôn muốn được mọi người thừa nhận phải xuất phát từ lí lẽ, nền tảng vững chắc, có giá trị như một chân lí không ai chối cãi được. Hồ Chí Minh đã mượn lời trong tuyên ngôn của hai nước Mĩ và Pháp, tức là xuất phát từ những nguyên tắc của hai cường quốc lớn trên thế giới.

+ Việc trích dẫn này nhằm mục đích “gậy ông đập lưng ông”. Cách viết của Hồ Chí Minh vừa khéo léo, vừa kiên quyết. Khéo léo vì tỏ ra tôn trọng lời của người Mĩ và Pháp, tức là tôn trọng những đanh ngôn bất hủ. Kiên quyết ở chỗ nhắc nhở bọn đế quốc đừng đi ngược lại những gì cha ông đã dạy, đừng đạp đổ lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái mà tổ tiên chúng đã giương lên.

* Câu “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn nhân đạo và chính nghĩa”.

– Vạch trần bộ mặt xảo quyệt của thực dân Pháp trong suốt hơn 80 năm qua khi chúng “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Hành động thực tế của chúng đã đi ngược lại với những chân lí tốt đẹp mà cha ông chúng tạo nên.

– Ý nghĩa: là cơ sở để Hồ Chí Minh lần lượt đập tan luận điệu xảo trá “khai hóa”, “bảo hộ” của thực dân Pháp, tố cáo những hành vi trái hẳn nhân đạo và chính nghĩa của chúng  đối với nhân dân ta ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.

Nhận xét nghệ thuật lập luận

– Quan hệ giữa đoạn mở đầu với đoạn tiếp theo trong bản“Tuyên ngôn Độc lập” của Bác là quan hệ ngữ nghĩa đối lập: đối lập nội dung, đối lập chữ nghĩa, đối lập về thái độ. Tất cả đã được diễn đạt trang trọng, chặt chẽ, đanh thép, hùng hồn và xúc động.

+ Thứ nhất, đi từ một chân lý đã biết, đã được công nhận, suy ra một chân lý tương tự, có chung logic bên trong, làm cơ sở cho Tuyên ngôn của Bác.

+ Thứ hai, đối chiếu mặt trái ngược để làm nổi bật điều mình muốn hướng tới là phương pháp lập luận so sánh tương phản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi đối chiếu nội dung đoạn trích “Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1791, cho kết luận hết sức thuyết phục: “Thế mà hơn80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạovà chính nghĩa”.

– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén.

– Cơ sở lập luận của kết luận trên được xây dựng bằng lí lẽ: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Rõ ràng, xét một cách hiển ngôn, tác giả “Tuyên ngôn Độc lập” đã đánh giá lời trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mĩ là “bất hủ” và lời trích dẫn Tuyên ngôn của nước Pháp “là những lẽ phải không ai chối cãi được” thể hiện rõ hành động chính trị, nhằm trả lời một đối một đối với những lí lẽ của những người chống đối hoặc phòng xa nguy cơ chống đối.

=> Có thể nhận thấy, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tư tưởng chính trị chứa đựng trong những lời trích dẫn ấy được ghi bằng chữ vàng trong lịch sử không chỉ của nước Mĩ, nước Pháp mà cả toàn nhân loại; mặt khác Người lên án việc xâm phạm, áp bức các dân tộc, chà đạp nhân quyền là phi pháp lí và đạo lí, là phi văn hóa. Ở đây, chúng ta bắt gặp một cách nói, cách viết vừa khéo léo, vừa kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết bài:

– Khẳng định giá trị của hai câu văn cũng như của toàn bộ tác phẩm.

– Nghệ thuật lập luận của Hồ Chí Minh

Tài liệu có 137 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống