Giải SGK Lịch sử 11 Bài 1 (Chân trời sáng tạo): Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản

7.7 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Lịch sử lớp 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản chi tiết sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Lịch sử lớp 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản

Video bài giải Lịch Sử 11 Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản - Chân trời sáng tạo

Khởi động trang 4 Lịch Sử 11: Vậy tiền đề, động lực của các cuộc cách mạng tư sản là gì? Mục tiêu, nhiệm vụ cũng như kết quả, ý nghĩa ra sao?

Lời giải:

- Các cuộc cách mạng tư sản bùng nổ và giành thắng lợi từ giữa thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX dựa trên các tiền đề về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng.

- Động lực của cách mạng tư sản bao gồm các giai cấp và tầng lớp đối lập với chế độ phong kiến.

- Nhiệm vụ: các cuộc cách mạng tư sản bùng nổ đều hướng tới 2 nhiệm vụ chính là: nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ:

+ Nhiệm vụ dân tộc: giành độc lập dân tộc; xóa bỏ tình trạng phong kiến cát cứ, thống nhất thị trường dân tộc; hình thành quốc gia dân tộc.

+ Nhiệm vụ dân chủ: xóa bỏ tính chất chuyên chế phong kiến; xác lập nền dân chủ tư sản.

- Mục tiêu: các cuộc cách mạng tư sản đều hướng tới những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể như sau:

+ Mục tiêu chung: lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế, gạt bỏ những trở ngại trên con đường xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản.

+ Mục tiêu cụ thể: thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa; hướng đến một nền sản xuất tập trung, cải tiến kĩ thuật; xây dựng nhà nước pháp quyền, là nhà nước dân chủ tư sản, dựa trên việc quản lí đất nước bằng pháp luật.

- Kết quả:

+ Cách mạng tư sản bùng nổ từ thế kỉ XVI, lan rộng khắp châu Âu và Bắc Mỹ, trải qua nhiều giai đoạn, thậm chí nhiều nơi kéo dài đến thế kỉ XX. Các cuộc cách mạng tư sản đã lật đổ, xóa bỏ được tàn dư của chế độ phong kiến, thiết lập quan hệ sản xuất mới, xây dựng nhà nước pháp quyền.

+ Tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử của mỗi nước mà kết quả của các cuộc cách mạng tư sản có sự khác nhau.

- Ý nghĩa:

+ Cách mạng tư sản thắng lợi đã đặt dấu mốc cho chế độ tư bản chủ nghĩa ra đời. Sau các cuộc cách mạng tư sản, cách mạng công nghiệp bùng nổ, thúc đẩy kinh tế tư bản phát triển vượt bậc. Đến đầu thập kỉ 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đã được xác lập ở châu Âu và Bắc Mỹ.

+ Các bản tuyên ngôn, hiến pháp được công bố sau các cuộc cách mạng tư sản mang tư tưởng tiến bộ về quyền dân tộc, quyền con người, quyền công dân. Do đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cách mạng chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Á - Phi - Mỹ Latinh.

1. Tiền đề của các cuộc cách mạng tư sản

Câu hỏi trang 5 Lịch Sử 11: Trình bày tiền đề kinh tế của các cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

Lời giải:

- Giai đoạn hậu kì trung đại, các ngành kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển mạnh ở khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.

+ Các công trường thủ công ra đời với các nghề phổ biến như len, dạ, vải, đóng tàu, khai thác mỏ, luyện kim,…

+ Nhiều trung tâm công - thương nghiệp, tài chính xuất hiện như  An-véc-pen, Am-xtéc-đam (Nê-đéc-lan); Luân Đôn (Anh); Mác-xây (Pháp); Bô-xtơn (Bắc Mỹ),

+ Kinh tế nông nghiệp đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, hỗ trợ cho  công, thương nghiệp. Nhiều lãnh chúa phong kiến chuyển sang kinh doanh ruộng đất, sản xuất hoặc cho thuê.

- Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã dần được hình thành ở Tây Âu và Bắc Mỹ từ cuối thời trung đại, dẫn tới sự thay đổi về chính trị và xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển này gặp phải nhiều rào cản từ phía nhà nước phong kiến hoặc chính sách cai trị hà khắc của chính quốc.

Câu hỏi trang 6 Lịch Sử 11: Trình bày những chuyển biến về chính trị, xã hội ở Tây Âu và Bắc Mỹ trước khi cách mạng tư sản bùng nổ.

Lời giải:

* Về chính trị:

- Vào hậu kì trung đại, chế độ phong kiến ở các nước Tây Âu đã bộc lộ nhiều khủng hoảng sâu sắc. Các vương triều phong kiến vẫn duy trì chế độ quân chủ độc đoán, nắm giữ cả vương quyền và thần quyền, với công cụ thống trị gồm quân đội, cảnh sát và nhà thờ.

- Tình hình chính trị rối ren với các vấn đề như:

+ Khủng hoảng về tài chính, xung đột trong nghị viện (ở Anh);

+ Mâu thuẫn của chế độ ba đẳng cấp (ở Pháp).

+ Ở các vùng đất bị xâm lược và cai trị bởi các thế lực bên ngoài (như: Nê-đéc-lan, Bắc Mỹ,…) người dân bị mất tự do về chính trị, bị đàn áp về tôn giáo, chịu sự bất bình đẳng về kinh tế.

* Về xã hội:

- Sự phát triển của nền kinh tế đã làm biến đổi xã hội Tây Âu và Bắc Mỹ, xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới, đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

+ Một bộ phận giai cấp quý tộc phong kiến phân hoá thành quý tộc mới, tiêu biểu như Anh.

+ Sự lớn mạnh của các ngành công - thương nghiệp đã tạo điều kiện ra đời giai cấp tư sản có thực lực, đầy tiềm năng (ở Anh, Pháp, Bắc Mỹ).

+ Phương thức kinh doanh trong các đồn điền đã hình thành nên giai cấp chủ nô giàu có ở các bang miền Nam (ở Bắc Mỹ).

=> Các giai cấp này có mâu thuẫn với chế độ phong kiến bảo thủ hoặc chủ nghĩa thực dân, họ muốn làm cách mạng để xác lập chế độ mới tiến bộ hơn.

- Giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp bình dân thành thị, tầng lớp tiểu tư sản bị bóc lột, chèn ép bởi các chính sách cai trị hà khắc của lãnh chúa, quý tộc sẵn sàng đi theo giai cấp tư sản để làm cách mạng.

Câu hỏi trang 7 Lịch Sử 11: Trình bày tiền đề về tư tưởng của các cuộc cách mạng tư sản

Lời giải:

- Cùng với sự phát triển của mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa, tư tưởng tư sản dần được hình thành và được biểu hiện trên các mặt khác nhau.

+ Phong trào Cải cách tôn giáo đã cho ra đời những giáo phái mới phù hợp hơn với giai cấp tư sản như Tân giáo (Nê-đéc-lan), Thanh giáo (Anh),...

+ Ở Pháp, xuất hiện trào lưu tư tưởng “Triết học Ánh sáng” với những cuộc đấu tranh trên các lĩnh vực như Triết học, Sử học, Văn học,... Thời đại Khai sáng bùng nổ ở châu Âu với tư tưởng mới hướng về giải phóng con người, thực hiện quyền dân chủ, bình đẳng hoặc nêu cao tinh thần dân tộc đối với những nước bị lệ thuộc.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của các cuộc cách mạng tư sản

Giải Lịch Sử 11 trang 8

Câu hỏi 1 trang 8 Lịch Sử 11: Phân tích mục tiêu của các cuộc cách mạng tư sản. Cho ví dụ minh hoạ

Lời giải:

♦ Mục tiêu: các cuộc cách mạng tư sản đều hướng tới những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể như sau:

- Mục tiêu chung: lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế, gạt bỏ những trở ngại trên con đường xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Về kinh tế: thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa; hướng đến một nền sản xuất tập trung, cải tiến kĩ thuật.

+ Về chính trị: xây dựng nhà nước pháp quyền, là nhà nước dân chủ tư sản, dựa trên việc quản lí đất nước bằng pháp luật.

♦ Ví dụ minh họa: Cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ (cuối thế kỉ XVIII) hướng tới các mục tiêu sau:

+ Mục tiêu chung là: lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, giải phóng dân tộc; mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Bắc Mỹ.

+ Mục tiêu cụ thể: thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa; hướng đến một nền sản xuất tập trung, cải tiến kĩ thuật; xác lập nền dân chủ tư sản.

Câu hỏi 2 trang 8 Lịch Sử 11: Tại sao các cuộc cách mạng tư sản lại đặt ra nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ?

Lời giải:

- Các cuộc cách mạng tư sản bùng nổ, hướng tới giải quyết các nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ, vì: chế độ phong kiến chuyên chế hoặc chủ nghĩa thực dân không chỉ kìm hãm sự phát triển của quốc gia, dân tộc mà còn tước đoạt đi nhiều quyền lợi cơ bản của con người, ví dụ như: quyền tự do, quyền bình đẳng,…

Giải Lịch Sử 11 trang 9

Câu hỏi trang 9 Lịch Sử 11: Phân tích vai trò của tầng lớp quý tộc mới trong Cách mạng tư sản Anh.

Lời giải:

- Vai trò của tầng lớp quý tộc mới trong Cách mạng tư sản Anh:

+ Tầng lớp quý tộc mới đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc Cách mạng tư sản Anh đi đến thành công.

+ Tuy nhiên, chính sự tham gia của tầng lớp quý tộc mới trong lực lượng lãnh đạo, là một trong những nguyên nhân đưa đến tính “không triệt để” của cuộc Cách mạng tư sản Anh. Vì: tầng lớp quý tộc mới muốn lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế để tự do sản xuất và kinh doanh, nhưng tinh thần chống phong kiến của họ không triệt để, không quyết tâm xóa bỏ tận gốc chế độ phong kiến mà chỉ muốn cải tạo chế độ phong kiến chuyên chế cho phù hợp với lợi ích của mình.

Câu hỏi trang 9 Lịch Sử 11: Tại sao nói quần chúng nhân dân là động lực của cách mạng tư sản?

Lời giải:

- Quần chúng nhân dân là động lực của cách mạng tư sản, vì:

+ Quần chúng nhân dân (bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp, như: nông dân, công nhân, bình dân thành thị, tiểu tư sản,…) là lực lượng đông đảo nhất tham gia vào cách mạng tư sản để lật đổ chế độ phong kiến hoặc thực dân, giành những quyền lợi về chính trị, kinh tế và xã hội.

+ Quần chúng nhân dân với tính thần cách mạng triệt để là động lực cơ bản tạo nên những biến cố cách mạng, thúc đẩy cách mạng phát triển. Khi quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, liên tục, thì thắng lợi của cách mạng càng triệt để. Tiêu biểu như trong cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII): nông dân, thợ thủ công và công nhân đã tích cực tham gia đấu tranh chống phong kiến cùng các thế lực phản động trong và ngoài nước, đưa cách mạng đạt đến đỉnh cao dưới thời kì cầm quyền của phái Gia-cô-banh.

3. Kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản

Câu hỏi trang 10 Lịch Sử 11: Trình bày kết quả của các cuộc cách mạng tư sản.

Lời giải:

- Cách mạng tư sản bùng nổ từ thế kỉ XVI, lan rộng khắp châu Âu và Bắc Mỹ, trải qua nhiều giai đoạn, thậm chí nhiều nơi kéo dài đến thế kỉ XX. Các cuộc cách mạng tư sản đã lật đổ, xóa bỏ được tàn dư của chế độ phong kiến, thiết lập quan hệ sản xuất mới, xây dựng nhà nước pháp quyền.

- Tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử của mỗi nước mà kết quả của các cuộc cách mạng tư sản có sự khác nhau. Ví dụ như:

+ Cách mạng ở Nê-đéc-lan và các bang thuộc địa ở Bắc Mỹ đã giải phóng thuộc địa, lập ra nhà nước cộng hòa tư sản;

+ Cách mạng tư sản Anh giành được quyền lực cho phe Nghị viện, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến;

+ Cách mạng tư sản Pháp đập tan chế độ phong kiến chuyên chế, xây dựng nền cộng hòa dân chủ.

Câu hỏi trang 11 Lịch Sử 11: Chọn một cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu và trình bày ý nghĩa của cuộc cách mạng đó.

Lời giải:

(*) Lựa chọn: Trình bày ý nghĩa của cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII)

+ Mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Pháp.

+ Làm lung lay chế độ phong kiến khắp châu Âu.

+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng các nước.

+ Những tư tưởng tiến bộ trong trào lưu Triết học Ánh sáng ở Pháp đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới, làm cho thế kỉ XVIII đi vào lịch sử với tên gọi “thế kỉ Ánh sáng”.

Luyện tập (trang 12)

Giải Lịch Sử 11 trang 12

Luyện tập 1 trang 12 Lịch Sử 11: Trong các tiền đề bùng nổ cách mạng tư sản, theo em, tiền đề về kinh tế có ý nghĩa như thế nào?

Lời giải:

- Trong các tiền đề bùng nổ cách mạng tư sản, theo em, tiền đề về kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhất. Vì: sự hình thành của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tạo cơ sở và dẫn đến những thay đổi, chuyển biến trong đời sống chính trị - xã hội - tư tưởng. Ví dụ:

+ Sự phát triển của nền kinh tế đã làm biến đổi xã hội Tây Âu và Bắc Mỹ, làm xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, như: giai cấp tư sản, quý tộc mới, chủ nô… Các giai cấp, tầng lớp này có mâu thuẫn với chế độ phong kiến bảo thủ hoặc chủ nghĩa thực dân, do đó, họ muons làm cách mạng để xác lập chế độ mới, tiến bộ hơn.

+ Cùng với sự xuất hiện và phát triển của mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa, tư tưởng tư sản dần được hình thành trong lòng xã hội phong kiến.

Luyện tập 2 trang 12 Lịch Sử 11: Hoàn thành bảng so sánh các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu ở Tây Âu và Bắc Mỹ thời cận đại theo gợi ý dưới đây:

Hoàn thành bảng so sánh các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu ở Tây Âu và Bắc Mỹ

Lời giải:

Nội dung

Cách mạng tư sản Anh

Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ

Cách mạng tư sản Pháp

Mục tiêu

- Lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế (đứng đầu là vua Sác-lơ I)

- Thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản và quý tộc mới;

- Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

- Lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, giành độc lập dân tộc;

- Thiết lập chính quyền của giai cấp tư sản và chủ nô;

- Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

- Lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế (đứng đầu là vua Lu-i XVI)

- Thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản và quý tộc mới;

- Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Nhiệm vụ

- Xóa bỏ tính chất chuyên chế phong kiến;

- Xác lập nền dân chủ tư sản.

- Giành độc lập dân tộc;

- Thống nhất thị trường dân tộc, hình thành quốc gia dân tộc.

- Xác lập nền dân chủ tư sản.

- Hình thành thị trường dân tộc thống nhất;

- Chống ngoại xâm và nội phản, bảo vệ độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng.

- Xác lập nền dân chủ tư sản; xóa bỏ chế độ đẳng cấp, ban hành các quyền tự do, bình đẳng;

- Đảm bảo quyền tư hữu về ruộng đất cho nông dân.

Giai cấp lãnh đạo

Giai cấp tư sản và quý tộc mới

Giai cấp tư sản và tầng lớp chủ nô

Giai cấp tư sản

Động lực

Lực lượng lãnh đạo và quần chúng nhân dân (nông dân, công nhân, bình dân thành thị, tiểu tư sản,…)

Kết quả

- Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế

- Thiết lập chế độ quân chủ lập hiến.

- Lật đổ ách thống trị của thực dân Anh.

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ra đời.

- Lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế; thiết lập nền dân chủ tư sản.

Ý nghĩa

- Mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Anh.

- Mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Bắc Mỹ

- Góp phần thúc đẩy phong trào chống phong kiến ở châu Âu và phong trào đấu tranh giành độc lập ở các nước thuộc địa khắp nơi trên thế giới.

- Mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

- Lung lay chế độ phong kiến khắp châu Âu.

- Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng các nước.

- Tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái được truyền bá rộng rãi.

Vận dụng (trang 12)

Vận dụng trang 12 Lịch Sử 11: Tìm hiểu và trình bày về bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (gợi ý: tác giả, nội dung, giá trị lịch sử, trong đó có sự ảnh hưởng tới bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh,...).

Lời giải:

(1) Thông tin tham khảo về: Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ

- Tác giả:

+ Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được soạn thảo bới một ủy ban 5 người, gồm các nghị sĩ: Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert R. Livingston.

+ Phần lớn nội dung trong Tuyên ngôn Độc lập được chấp bút bởi Thomas Jefferson.

- Nội dung:

+ Tuyên bố các quyền tự do dân chủ tư sản.

+ Tố cáo tội ác của nhà vua và chính quyền thực dân Anh đối với nhân dân bắc Mỹ.

+ Tuyên bố ly khai khỏi Anh và khẳng định nền độc lập của các bang ở Bắc Mỹ.

- Giá trị lịch sử:

+ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ là một văn kiện có tính chất dân chủ tự do, thấm nhuần những tư tưởng tiến bộ về quyền dân tộc, quyền con người và quyền công dân của thời đại mới,… Tinh thần tiến bộ, nhân văn của bản tuyên ngôn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cách mạng chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc.

+ Khẳng định nền độc lập và tuyên bố sự ra đời của quốc gia mới - Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

- Ảnh hưởng đến Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh: trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một đoạn trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.

(2) Thông tin tham khảo về: Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp

- Tác giả: La Fayette.

- Nội dung: nêu lên quyền tự do, bình đẳng của con người; khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân; ban hành các quyền tự do tư sản đồng thời khẳng định quyền sở hữu tài sản tư nhân.

- Giá trị lịch sử: Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền là một văn kiện có tính chất tiến bộ và cách mạng: lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp và châu Âu, chủ quyền tối cao được tuyên bố thuộc về nhân dân, quyền lực của nhà vua cùng chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị xóa bỏ. Tinh thần tiến bộ, nhân văn của bản tuyên ngôn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cách mạng chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc.

- Ảnh hưởng đến Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh: trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một đoạn trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp.

Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá