Giải SGK Kinh tế Pháp luật 11 Bài 7 (Cánh diều): Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

8.9 K

Lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế Pháp luật lớp 11 Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Kinh tế Pháp luật 11 Bài 7 từ đó học tốt môn KTPL 11.

Giải bài tập KTPL lớp 11 Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Mở đầu trang 45 KTPL 11: Em hãy chia sẻ với bạn một ý tưởng kinh doanh mà em thấy hấp dẫn.

Lời giải:

- Một số ý tưởng kinh doanh: kinh doanh mặt hàng ống hút giấy; kinh doanh mặt hàng cây cảnh mini; kinh doanh sản phẩm bánh ngọt handmade…

1. Ý tưởng kinh doanh

Câu hỏi trang 46 KTPL 11: a) Theo em, vì sao các hãng sản xuất điện thoại luôn cần phải có ý tưởng kinh doanh?

Theo em, vì sao các hãng sản xuất điện thoại luôn cần phải có ý tưởng kinh doanh

Lời giải:

Để duy trì được lợi thế cạnh tranh, tăng doanh số, thu được lợi nhuận cao, giữa vững thị phần và mở rộng sự phát triển trong tương lai, nên các hãng sản xuất điện thoại luôn cần phải có ý tưởng kinh doanh.

Câu hỏi trang 46 KTPL 11: b) Em hãy khai thác nội dung trong hình ảnh để làm rõ các dấu hiệu nhận diện một ý tưởng kinh doanh.

Em hãy khai thác nội dung trong hình ảnh để làm rõ các dấu hiệu nhận diện

Lời giải:

Những dấu hiệu nhận diện một ý tưởng kinh doanh tốt là:

Tính vượt trội, thể hiện ở việc: sản phẩm/ dịch vụ của bạn có điểm gì nổi trội so với các sản phẩm/ dịch vụ khác trên thị trường?

Tính mới mẻ và độc đáo, thể hiện ở việc: sản phẩm/ dịch vụ của bạn có điểm gì mới mẻ, độc đáo, khác biệt so với các sản phẩm/ dịch vụ khác trên thị trường?

Tính hữu dụng, thể hiện ở việc: sản phẩm/ dịch vụ của bạn có sức sống lâu dài, tính hữu dụng cao và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng hay không?

Tính khả thi, thể hiện ở việc: sản phẩm/ dịch vụ của bạn có thể thực hiện chứ không phải là nghĩ hay vẽ ra những ý tưởng kinh doanh bất khả thi.

- Lợi thế cạnh tranh, thể hiện ở việc: cách thức kinh doanh của bạn phải tiến bộ, có khả năng cạnh tranh hơn so với cách thức kinh doanh đang có.

Câu hỏi trang 48 KTPL 11: a) Em hãy cho biết ý tưởng kinh doanh của các chủ thể được nhắc đến ở mỗi thông tin trên đến từ những nguồn nào. Theo em, nguồn tạo ý tưởng kinh doanh có vai trò như thế nào đối với quá trình kinh doanh của các chủ thể đó?

Em hãy cho biết ý tưởng kinh doanh của các chủ thể được nhắc đến

Lời giải:

* Phân tích thông tin 1:

- Nguồn hình thành ý tưởng kinh doanh:

+ Lợi thế nội tại, bao gồm:

▪ Kiến thức chuyên môn và sự hiểu biết của Gauri Nanda (vì cô là sinh viên của học viên công nghệ Massachusetts);

▪ Khả năng sáng tạo dồi dào của Gauri Nanda (xuất phát từ tình huống thực tế của bản thân, cô đã ngay lập tức nảy ra ý tưởng về một chiếc đồng hồ báo thức “biết chạy”).

+ Cơ hội bên ngoài, bao gồm:

▪ Nhu cầu rất lớn về sản phẩm (do rất nhiều người vào mỗi buổi sáng, khi đồng hồ báo thức kêu, họ lại tắt chuông ngủ thêm vài lần).

▪ Trên thị trường chưa có sản phẩm nào tương tự.

- Vai trò của nguồn tạo ý tưởng kinh doanh: với ý tưởng kinh doanh độc đáo, sản phẩm của Gauri Nanda đã nhanh chóng được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và Gauri Nanda đã được trao giải Ig Nobel kinh tế vào năm 2005.

* Phân tích thông tin 2:

- Nguồn hình thành ý tưởng kinh doanh:

+ Lợi thế nội tại:

▪ Sự đam mê, hiểu biết và khả năng sáng tạo dồi dào của các em học sinh

▪ Bản thân sản phẩm ống hút từ hạt bơ có nhiều tính năng nổi trội, như: có thể ăn được; thân thiện với môi trường; giá thành rẻ…

+ Cơ hội bên ngoài:

▪ Nhu cầu sử dụng ống hút trên thị trường rất lớn.

▪ Xu hướng “tiêu dùng xanh” và ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam được nâng cao.

▪ Nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ (vì thành phần chính để làm ra sản phẩm là: hạt bơ - đây là phế phẩm nông nghiệp; ngoài ra, còn có các nguyên liệu khác, như: rau ngót, lá cẩm, lá nghệ,…)

▪ Các sản phẩm ống hút tương tự trên thị trường có giá thành cao hơn.

- Vai trò của nguồn tạo ý tưởng kinh doanh: ý tưởng độc đáo này đã giúp các bạn học sinh đạt giải nhất trong cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup-2020) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Câu hỏi trang 48 KTPL 11: b) Ngoài những nguồn trên, theo em còn có những nguồn nào giúp tạo ý tưởng kinh doanh?

Ngoài những nguồn trên, theo em còn có những nguồn nào giúp tạo ý tưởng

Lời giải:

Các nguồn hình thành ý tưởng kinh doanh bao gồm: lợi thế nội tại và cơ hội bên ngoài. Trong đó:

- Lợi thế nội tại, bao gồm: sự đam mê; hiểu biết, khả năng huy động các nguồn lực (tài chính, kết nối với khách hàng, nhà cung cấp đầu vào, nhà tài trợ,...).

- Cơ hội bên ngoài, bao gồm: nhu cầu sản phẩm trên thị trường; nguồn cung ứng; sự cạnh tranh; vị trí triển khai; chính sách vĩ mô của Nhà nước….

2. Cơ hội kinh doanh

Câu hỏi trang 49 KTPL 11: a) Em hãy khai thác nội dung của hình ảnh để làm rõ các dấu hiệu nhận diện một cơ hội kinh doanh và cho biết thế nào là cơ hội kinh doanh.

Em hãy khai thác nội dung của hình ảnh để làm rõ các dấu hiệu nhận diện

Lời giải:

- Dấu hiệu nhận diện một cơ hội kinh doanh tốt:

+ Tính hấp dẫn: cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, sức ép cạnh tranh thấp.

+ Tính thời điểm: cơ hội kinh doanh hợp thời, không sớm hoặc muộn so với thị trường.

+ Tính ổn định: cơ hội kinh doanh có tính lâu dài và bền vững.

+ Hướng đến nhu cầu của thị trường: cơ hội kinh doanh tạo ra được giá trị cho khách hàng và người tiêu dùng.

- Cơ hội kinh doanh là tập hợp các hoàn cảnh thuận lợi tạo ra nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ của một nhóm khách hàng dẫn đến xuất hiện cơ hội thoả mãn nhu cầu này, qua đó thực hiện được mục tiêu kinh doanh (thu lợi nhuận).

Câu hỏi trang 49 KTPL 11: b) Theo em, các chủ thể sản xuất kinh doanh trong trường hợp trên đã nhận diện cơ hội kinh doanh như thế nào?

Theo em, các chủ thể sản xuất kinh doanh trong trường hợp trên đã nhận diện cơ hội

Lời giải:

Trong trường hợp trên, doanh nghiệp X đã: tận dụng thời điểm và xu hướng thời trang những năm gần đây để đưa ra quyết định sản xuất những mẫu áo thun có kiểu dáng đơn giản, mẫu mã đa dạng và giá thành phù hợp với khách hàng tiềm năng như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và những người trẻ tuổi.

3. Tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh và xác định, đánh giá các cơ hội kinh doanh

Câu hỏi trang 51 KTPL 11: a) Em hãy quan sát sơ đồ trên để làm rõ mối quan hệ giữa ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh.

Em hãy quan sát sơ đồ trên để làm rõ mối quan hệ giữa ý tưởng kinh doanh

Lời giải:

Mối quan hệ: ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Trong đó:

- Ý tưởng kinh doanh là cơ sở, tiền đề để chủ thể kinh tế nắm bắt, xác định được cơ hội kinh doanh.

- Ngược lại, cơ hội kinh doanh cung cấp cho các chủ thể kinh tế những hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi để triển khai ý tưởng kinh doanh.

Câu hỏi trang 51 KTPL 11: b) Em hãy mô tả việc xác định, đánh giá cơ hội kinh doanh được thể hiện qua thông tin trên. Theo em, việc xác định, đánh giá cơ hội kinh doanh có vai trò như thế nào?

Em hãy mô tả việc xác định, đánh giá cơ hội kinh doanh được thể hiện qua thông tin

Lời giải:

- Trong đoạn thông tin trên, các chủ thể kinh tế đã dựa vào mô hình phân tích SWOT để đánh giá cơ hội kinh doanh:

+ Mô hình SWOT được sử dụng để giúp các cá nhân hay tổ chức xác định ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và thách thức trong kinh doanh.

+ Mô hình này được trình bày dưới dạng bảng ma trận gồm 2 cột, 2 hàng và chia thành 4 phần - tương ứng với 4 thành tố là: S - Strengths (Điểm mạnh); W - Weaknesses (Điểm yếu); O − Opportunities (Cơ hội); T - Threats (Thách thức).

Xây dựng ý tưởng và xác định, đánh giá cơ hội kinh doanh có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh.

+ Người kinh doanh biết xây dựng ý tưởng và đánh giá đúng cơ hội kinh doanh thì có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đem lại giá trị cho người mua và đạt được mục tiêu lợi nhuận.

+ Nếu xây dựng ý tưởng không tốt và đánh giá không đúng cơ hội kinh doanh thì hiệu quả thu được không cao, thậm chí có thể khiến các chủ thể sản xuất kinh doanh thất bại.

Câu hỏi trang 51 KTPL 11: c) Theo em, việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, xác định và đánh giá cơ hội kinh doanh đã mang lại lợi ích gì cho anh Hưng trong trường hợp trên?

Theo em, việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, xác định và đánh giá cơ hội kinh doanh

Lời giải:

Nhờ việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, xác định và đánh giá đúng cơ hội kinh doanh, nắm rõ lượng khách hàng tiềm năng nên việc kinh doanh của anh Hưng đã đạt được những thành công ban đầu.

4. Các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Câu hỏi trang 52 KTPL 11: a) Em hãy cho biết các các chủ thể trong mỗi trường hợp trên có những năng lực kinh doanh nào?

b) Theo em, ngoài các năng lực trên, người kinh doanh cần có những năng lực nào nữa? Hãy nêu hiểu biết của em về những năng lực đó.

Em hãy cho biết các các chủ thể trong mỗi trường hợp trên có những năng lực kinh doanh

Lời giải:

♦ Yêu cầu a)

- Trường hợp 1: Những năng lực kinh doanh của chị Hạnh là:

+ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (được tích lũy và rèn luyện qua quá trình rất dài chị H học hỏi kiến thức và kinh nghiệm làm bánh).

+ Năng lực lãnh đạo, tổ chức (thể hiện ở việc: chị Hạnh luôn tự tin trong việc lãnh đạo, quản lí doanh nghiệp; thường xuyên giám sát và động viên cấp dưới kịp thời).

+ Khả năng phân tích, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh (thể hiện ở việc: chị Hạnh luôn có kế hoạch kinh doanh phù hợp ở từng thời điểm, giúp cho doanh nghiệp duy trì được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường).

- Trường hợp 2: Những năng lực kinh doanh của anh Bắc là:

+ Năng lực thiết lập quan hệ (thể hiện qua chi tiết: anh Bắc luôn khéo léo trong giao tiếp và thuyết phục khách hàng; thực hiện hợp tác với các thương hiệu mĩ phẩm nổi tiếng).

+ Năng lực nắm bắt cơ hội kinh doanh (thể hiện ở chi tiết: nhận thấy sự phát triển của thương mại điện tử, anh Bắc đã quyết định kết hợp kinh doanh trực tiếp và trực tuyến).

♦ Yêu cầu b) Ngoài những năng lực trên, người kinh doanh còn cần một số năng lực khác, như:

+ Năng lực dự báo và kiểm saots rủi ro.

+ Năng lực huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh doanh.

+ Luôn kiên trì với mục tiêu, nỗ lực hết mình với công việc kinh doanh và thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 52 KTPL 11: Em hãy lấy ví dụ về một ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh trong một số lĩnh vực của nền kinh tế hiện nay.

Lời giải:

- Ví dụ về ý tưởng kinh doanh: Kinh doanh mặt hàng ống hút được làm từ các nguyên liệu như: giấy, thân cây sậy, tre, bột gạo,…

- Ví dụ về cơ hội kinh doanh:

+ Nhu cầu sử dụng ống hút trên thị trường rất lớn.

+ Xu hướng “tiêu dùng xanh” và ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam được nâng cao.

+ Nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào, đa dạng.

Luyện tập 2 trang 52 KTPL 11: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

A. Một ý tưởng kinh doanh mới có tính khả thi thể hiện ở việc phân biệt sản phẩm; dịch vụ mới với các sản phẩm/ dịch vụ hiện có.

B. Một ý tưởng kinh doanh tốt phải là một ý tưởng tạo ra sự khác biệt, chẳng hạn như sự tiện lợi, giá trị, tốc độ so với các dịch vụ hiện có.

C. Ý tưởng kinh doanh muốn thành công phải là ý tưởng mới hoàn toàn, chưa có người kinh doanh nào nghĩ ra ý tưởng đó.

D. Ý tưởng kinh doanh là xương sống của kế hoạch kinh doanh.

E. Ý tưởng kinh doanh chỉ là yếu tố phụ, vốn để kinh doanh mới là yếu tố trọng nhất quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

G. Không cần thiết phải có ý tưởng kinh doanh, chỉ cần sao chép ý tưởng của một sản phẩm, dịch vụ khác cũng có thể thành công.

Lời giải:

- Ý kiến A, không đồng tình. Vì: tính khả thi của ý tưởng kinh doanh thể hiện ở việc: sản phẩm/ dịch vụ của bạn có thể thực hiện chứ không phải là nghĩ hay vẽ ra những ý tưởng kinh doanh bất khả thi.

- Ý kiến B, đồng tình. Vì: Việc tạo ra sự khác biệt (ví dụ: sự tiện lợi, giá trị, tốc độ… so với các sản phẩm/ dịch vụ hiện có) là biểu hiện của tính mới mẻ, sáng tạo, độc đáo trong ý tưởng kinh doanh.

- Ý kiến C, không đồng tình. Vì:

+ Ý tưởng kinh doanh là những suy nghĩ, hành động sáng tạo, có tính khả thi, có thể đem lại lợi nhuận trong kinh doanh.

+ Trong kinh doanh, ý tưởng kinh doanh không nhất thiết phải là ý tưởng mới hoàn toàn; mà chúng ta có thể cải tiến trên cơ sở ý tưởng kinh doanh đã có trước đó.

- Ý kiến D, đồng tình. Vì: ý tưởng kinh doanh là điểm xuất phát của quá trình sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở xây dựng được ý tưởng kinh doanh độc đáo, sáng tạo, các chủ thể kinh tế mới có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho việc sản xuất, kinh doanh của mình, để có thể thu được lợi nhuận, duy trì được lợi thế cạnh tranh và mở rộng sự phát triển trong tương lai.

- Ý kiến E, không đồng tình. Vì:

+ Sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, có những yếu tố rất quan trọng như: ý tưởng và cơ hội kinh doanh; năng lực kinh doanh của chủ thể kinh tế,…

+ Nếu có nguồn vốn tốt, nhưng chủ thể kinh tế không có ý tưởng kinh doanh độc đáo, mới mẻ; không tận dụng, nắm bắt được các cơ hội kinh doanh; không có chiến lược kinh doanh phù hợp trong từng giai đoạn,… thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc có thể dẫn đến thất bại.

Luyện tập 3 trang 52 KTPL 11: Em hãy vẽ sơ đồ tư duy về các năng lực cần thiết của người kinh doanh và cho biết tầm quan trọng của mỗi năng lực đó.

Lời giải:

(*) Sơ đồ:

Em hãy vẽ sơ đồ tư duy về các năng lực cần thiết của người kinh doanh

(*) Tầm quan trọng: Năng lực kinh doanh của chủ thể kinh tế là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luyện tập 4 trang 52 KTPL 11: Em hãy cho biết những biểu hiện dưới đây là sự thể hiện cho năng lực nào của người kinh doanh?

A. Sự khéo léo, chủ động trong giao tiếp, đàm phán; tự tin và biết kiểm soát cảm xúc; giải quyết hài hoà các mối quan hệ bên trong và bên ngoài liên quan đến công việc kinh doanh.

B. Biết lập kế hoạch kinh doanh, tổ chức nguồn lực, phối hợp công việc, giám sát cấp dưới, chuyển giao và chia sẻ quyền lực cho cấp dưới để đội ngũ nhân lực phát huy hết hiệu quả, tính sáng tạo trong kinh doanh.

C. Có ý chí bền bị cả về thể chất và tinh thần, duy trì thái độ lạc quan và dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh; biết tự đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, giá trị, khả năng, điều kiện và các quan hệ xã hội của bản thân. D. Biết tạo ra sự khác biệt trong ý tưởng kinh doanh, phân tích được cơ hội và thách thức trong công việc kinh doanh của bản thân.

E. Thực hiện trách nhiệm của người kinh doanh với tổ chức, cộng đồng và xã hội.

G. Có kiến thức, kĩ năng về ngành nghề/ lĩnh vực kinh doanh.

H. Có chiến lược kinh doanh rõ ràng, biết xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

I. Biết đánh giá cơ hội kinh doanh, lựa chọn và chớp cơ hội kinh doanh.

Lời giải:

- Biểu hiện A. Thể hiện năng lực: thiết lập quan hệ.

- Biểu hiện B. Thể hiện năng lực: tổ chức, lãnh đạo.

- Biểu hiện C. Thể hiện năng lực: kiên trì với mục tiêu, nỗ lực hết mình với công việc.

- Biểu hiện D. Thể hiện năng lực: phân tích và sáng tạo

- Biểu hiện E. Thể hiện năng lực: thực hiện trách nhiệm với xã hội.

- Biểu hiện G. Thể hiện năng lực: chuyên môn, nghiệp vụ.

- Biểu hiện H. Thể hiện năng lực: có tầm nhìn chiến lược.

- Biểu hiện I. Thể hiện năng lực: nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 53 KTPL 11: Hãy tìm hiểu cơ hội kinh doanh một sản phẩm, dịch vụ mà em cho rằng có thể mang lại lợi nhuận cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.

Lời giải:

(*) Tham khảo: cơ hội kinh doanh sản phẩm: ống hút thân thiện với môi trường

+ Nhu cầu sử dụng ống hút trên thị trường rất lớn.

+ Xu hướng “tiêu dùng xanh” và ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam được nâng cao.

+ Nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào, đa dạng (giấy, tre, thân cây sậy, bột gạo,…).

Vận dụng 2 trang 53 KTPL 11: Hãy xây dựng một ý tưởng kinh doanh phù hợp với năng lực của bản thân và làm rõ tính vượt trội; tính mới mẻ, độc đáo; tính hữu dụng; tính khả thi và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của mình so với các sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Ý tưởng kinh doanh sản phẩm: cây cảnh mini

- Tính vượt trội:

+ Có thể thiết kế thành các tiểu cảnh, phù hợp với từng mục đích, sở thích và yêu cầu khác nhau của khách hàng.

+ Chi phí sản xuất nhỏ, thời gian sản xuất ra sản phẩm ngắn hơn so với mặt hàng cây cảnh thông thường.

+ Có thể kết hợp kinh doanh sản phẩm chính với các sản phẩm phụ trợ khác, như: hạt giống, cây giống, chậu trồng cây mini, các phụ kiện phục vụ việc thiết kế tiểu cảnh,…

- Tính mới mẻ, độc đáo:

+ Giá thành rẻ hơn so với mặt hàng cây cảnh thông thường.

+ Nhỏ, gọn, chiếm ít không gian, linh hoạt trong việc dịch chuyển => phù hợp cho việc trang trí ở nhiều địa điểm, như: bàn học, bàn uống nước, kệ sách,…

+ Đa dạng về loại cây trồng; có thể linh hoạt trong việc thiết kế kiểu dáng,… từ đó phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, như: học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, người dân lao động,…

- Tính hữu dụng:

+ Đáp ứng được nhu cầu chơi cây cảnh của nhiều người.

+ Phù hợp với xu hướng “tiêu dùng xanh” của nhiều người hiện nay.

- Tính khả thi:

+ Chi phí đầu tư không lớn.

+ Bản thân đã có sẵn một số lợi thế nội tại về: kiến thức, kinh nghiệm trồng các loại cây cảnh; có địa bàn để thực hành; có sự hỗ trợ (cả về vốn và kinh nghiệm sản xuất) từ người thân trong gia đình.

- Lợi thế cạnh tranh:

+ Kết hợp bán hàng trực tiếp và bán online.

+ Xung quanh địa bàn đang sinh sống chưa có ai kinh doanh mặt hàng này nên đối thủ cạnh tranh ít.

+ Có thể khai thác và tận dụng tệp khách hàng sẵn có là: các bạn học sinh cùng trường, người dân xung quanh khu phố,…

Lý thuyết KTPL 11 Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

1. Ý tưởng kinh doanh

a. Ý tưởng kinh doanh và sự cần thiết của ý tưởng kinh doanh

- Ý tưởng kinh doanh là điểm xuất phát của quá trình sản xuất kinh doanh, thể hiện sự sáng tạo của cá nhân hoặc tổ chức trong việc lựa chọn loại sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho thị trường nhằm thu được lợi nhuận.

- Để có một ý tưởng kinh doanh tốt, các chủ thể sản xuất kinh doanh cần phải quan tâm đến tính vượt trội; tính mới mẻ, độc đáo; tính hữu dụng; tính khả thi và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

- Có hai dạng ý tưởng kinh doanh là: ý tưởng cải tiến kinh doanh và ý tưởng kinh doanh mới.

- Để tồn tại và phát triển, các chủ thể sản xuất kinh doanh cần phải có ý tưởng kinh doanh ban đầu và không ngừng sáng tạo, đổi mới ý tưởng kinh doanh để có thể thu được lợi nhuận, duy trì lợi thế cạnh tranh và mở rộng sự phát triển trong tương lai.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Những yếu tố không thể thiếu của một ý tưởng kinh doanh tốt

b. Các nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh

- Các nguồn tạo ý tưởng kinh doanh có vai trò quan trọng đối với quá trình kinh doanh của các chủ thể. Các nguồn tạo ý tưởng kinh doanh có thể xuất phát từ:

+ Lợi thế nội tại như sự đam mê; hiểu biết, khả năng huy động các nguồn lực (tài chính, kết nối với khách hàng, nhà cung cấp đầu vào, nhà tài trợ,...).

+ Cơ hội bên ngoài như nhu cầu sản phẩm trên thị trường; nguồn cung ứng; sự cạnh tranh; vị trí triển khai; chính sách vĩ mô của Nhà nước.

- Trên cơ sở các nguồn đó, các chủ thể sản xuất kinh doanh xây dựng ý tưởng kinh doanh của mình sao cho khả thi nhất và ra quyết định để biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực.

2. Cơ hội kinh doanh

- Cơ hội kinh doanh là tập hợp các hoàn cảnh thuận lợi tạo ra nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ của một nhóm khách hàng dẫn đến xuất hiện cơ hội thoả mãn nhu cầu này, qua đó thực hiện được mục tiêu kinh doanh (thu lợi nhuận).

- Một cơ hội kinh doanh tốt cần phải có tính hấp dẫn, ổn định, đúng thời điểm, khả năng duy trì sản phẩm, dịch vụ và tạo ra giá trị cho người tiêu dùng.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Những nhân tố không thể thiếu của một cơ hội kinh doanh

3. Tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh và xác định, đánh giá các cơ hội kinh doanh

- Xây dựng ý tưởng và xác định, đánh giá cơ hội kinh doanh có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Người kinh doanh biết xây dựng ý tưởng và đánh giá đúng cơ hội kinh doanh thì có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đem lại giá trị cho người mua và đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Nếu xây dựng ý tưởng không tốt và đánh giá không đúng cơ hội kinh doanh thì hiệu quả thu được không cao, thậm chí có thể khiến các chủ thể sản xuất kinh doanh thất bại.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Để ý tưởng kinh doanh thành hiện thực phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài

4. Các năng lực cần thiết của người kinh doanh

- Để thành công, mỗi người kinh doanh cần phải có các năng lực cơ bản như:

+ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Năng lực tổ chức, lãnh đạo;

+ Năng lực nắm bắt cơ hội kinh doanh;

+ Năng lực thiết lập quan hệ;

+ Có khả năng phân tích và sáng tạo, có tầm nhìn chiến lược;

+ Luôn kiên trì với mục tiêu, nỗ lực hết mình với công việc kinh doanh và thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 7: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Một số năng lực quan trọng của các nhà lãnh đạo đích thực

Xem thêm lời giải bài tập Kinh tế pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Đánh giá

0

0 đánh giá