Giải SGK Khoa học tự nhiên 8 Bài 25 (Cánh diều): Truyền năng lượng nhiệt

3.5 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 8 Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt chi tiết sách Cánh diều giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KHTN 8. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KHTN lớp 8 Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

Mở đầu trang 116 Bài 25 KHTN lớp 8: Bằng cách nào mà năng lượng nhiệt có thể truyền từ phần này sang phần khác của một vật hoặc từ vật này sang vật khác có nhiệt độ thấp hơn?

Trả lời:

Năng lượng nhiệt có thể truyền từ phần này sang phần khác của một vật hoặc từ vật này sang vật khác có nhiệt độ thấp hơn qua các hình thức dẫn nhiêt, đối lưu hoặc bức xạ nhiệt.

I. Các hình thức truyền năng lượng nhiệt

Câu hỏi 1 trang 116 KHTN lớp 8: Khi chạm vào một vật có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của tay, em cảm thấy nóng hay lạnh? Vì sao?

Trả lời:

Khi chạm vào một vật có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của tay, em cảm thấy nóng vì năng lượng nhiệt truyền từ vật nóng sang tay của em làm tay của em nhận được lượng nhiệt và tăng nhiệt độ.

Luyện tập 1 trang 116 KHTN lớp 8: Nêu ví dụ về hiện tượng dẫn nhiệt và mô tả sơ lược sự truyền năng lượng ở hiện tượng đó.

Trả lời:

- Ví dụ: Nung nóng một đầu thanh kim loại trên ngọn lửa, lát sau đầu kia cũng nóng lên.

- Mô tả sự truyền năng lượng: Vì năng lượng nhiệt truyền từ nơi có nhiệt độ cao tới nơi có nhiệt độ thấp nên ngọn lửa đã truyền năng lượng nhiệt cho đầu thanh kim loại được hơ, các phân tử kim loại cấu tạo nên đầu đó chuyển động nhanh hơn làm các phân tử liền kề cũng chuyển động nhanh theo dần dần lan sang đầu còn lại của thanh làm năng lượng nhiệt của đầu thanh đó tăng lên dẫn tới ta thấy đầu còn lại của thanh cũng nóng lên.

Câu hỏi 2 trang 117 KHTN lớp 8: Nêu ví dụ về hiện tượng đối lưu và mô tả sơ lược sự truyền năng lượng ở hiện tượng đó.

Trả lời:

- Ví dụ: Cho dầu vào chảo bật bếp, một lúc sau, dầu sôi.

- Mô tả sự truyền năng lượng: Nhiệt lượng từ ngọn lửa của bếp truyền qua đáy chảo làm cho lớp dầu ở sát đáy chảo nóng lên và nở ra, khối lượng riêng của nó nhỏ hơn khối lượng riêng của lớp dầu phía trên. Do đó, lớp dầu nóng ở phía dưới sẽ chuyển động lên, lớp dầu ở phía trên có khối lượng riêng lớn hơn sẽ đi xuống. Quá trình này tạo ra dòng đối lưu làm cho cả khối dầu trong chảo nóng lên.

Luyện tập 2 trang 117 KHTN lớp 8: Vì sao khi đun nấu thức ăn, phải đun từ phía dưới?

Trả lời:

Khi đun nấu thức ăn, phải đun từ phía dưới để xuất hiện hiện tượng truyền nhiệt bằng hình thức đối lưu, giúp thức ăn được chín nhanh hơn và đều hơn.

Luyện tập 3 trang 117 KHTN lớp 8: Một bạn học sinh phát biểu: Năng lượng nhiệt được truyền nhờ chuyển động thành dòng của chất lỏng. Phát biểu này nói về sự dẫn nhiệt hay sự đối lưu?

Trả lời:

Phát biểu của bạn học sinh nói về sự truyền nhiệt bằng hình thức đối lưu.

Câu hỏi 3 trang 118 KHTN lớp 8: Máy điều hòa thường có dàn nóng được đặt ở phía ngoài và dàn lạnh được đặt ở trong nhà. Dàn lạnh là nơi có luồng không khí lạnh bay ra. Vì sao dàn lạnh của máy điều hòa thường treo ở sát trần nhà?

Trả lời:

Dàn lạnh của máy điều hòa thường treo ở sát trần nhà vì khi hoạt động dàn lạnh thổi ra luồng không khí lạnh, luồng khí này có khối lượng riêng lớn hơn luồng không khí nóng nên dễ dàng đi xuống, chiếm chỗ luồng không khí nóng; luồng không khí nóng có khối lượng riêng nhẹ hơn di chuyển lên phía trên, bị quạt gió trong dàn lạnh hút vào, đẩy qua dàn lạnh để làm lạnh rồi đưa trở lại phòng và di chuyển xuống phía dưới. Cứ như vậy, sự di chuyển của các luồng không khí lạnh và nóng tạo thành dòng đối lưu không khí, làm mát cả căn phòng.

Luyện tập 4 trang 118 KHTN lớp 8: Ở hình 25.4, mũi tên màu đỏ chỉ hướng chuyển động của dòng khí có nhiệt độ cao hơn dòng khí chuyển động theo mũi tên màu xanh. Dàn lạnh của tủ lạnh này nằm ở phía trên hay phía dưới? Vì sao?

Ở hình 25.4 mũi tên màu đỏ chỉ hướng chuyển động của dòng khí có nhiệt độ cao hơn dòng khí chuyển động theo mũi tên màu xanh

Trả lời:

Dàn lạnh của tủ lạnh này nằm ở phía trên vì mũi tên màu xanh là hướng dịch chuyển của luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn, luồng khí này được tạo ra từ dàn lạnh, có khối lượng riêng nặng hơn nên đi xuống, chiếm chỗ luồng không khí có nhiệt độ cao hơn làm luồng khí nóng này di chuyển lên trên theo mũi tên màu đỏ. Cứ như vậy tạo thành dòng đối lưu không khí trong tủ lạnh.

Câu hỏi 4 trang 118 KHTN lớp 8: Nêu ví dụ về hiện tượng bức xạ nhiệt và mô tả sơ lược sự truyền năng lượng ở hiện tượng đó.

Trả lời:

- Ví dụ: Khi để tay gần ngọn lửa, một lúc sau ta thấy tay nóng lên.

- Mô tả sự truyền năng lượng: Khi để tay gần ngọn lửa, năng lượng nhiệt từ ngọn lửa truyền ra xung quanh thông qua các tia nhiệt, truyền tới tay ta làm tay ta nóng lên.

II. Truyền năng lượng trong hiệu ứng nhà kính

Câu hỏi 5 trang 119 KHTN lớp 8: Trong cuộc sống hằng ngày, từ “Hiệu ứng nhà kính” thường được nói đến. Hiệu ứng nhà kính là gì?

Trả lời:

Hiệu ứng nhà kính là khái niệm dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi coi Trái Đất và bầu khí quyển bao quanh nó chứa nhiều khí CO2 như một nhà kính.

Tìm hiểu thêm trang 119 KHTN lớp 8: Hiệu ứng nhà kính đối với Trái Đất khi bầu khí quyển bao quanh nó chứa nhiều CO2.

Hiệu ứng nhà kính là khái niệm dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi coi Trái Đất và bầu khí quyển bao quanh nó chứa nhiều khí CO2 như một nhà kính.

Trong “nhà kính Trái Đất” này, mặt đất và không khí của Trái Đất nóng lên do sự truyền năng lượng nhiệt thông qua tia nhiệt của Mặt Trời chiếu xuyên qua tầng khí quyển đến Trái Đất. Mặt đất hấp thụ năng lượng nhiệt này sẽ nóng lên và cũng phát ra các tia nhiệt, hình 25.7.

Hiệu ứng nhà kính đối với Trái Đất khi bầu khí quyển bao quanh nó chứa nhiều CO2

Do phần năng lượng hấp thụ lớn hơn phần năng lượng phát ra ngoài không gian nên mặt đất, các đại dương và không khí trên toàn bộ Trái Đất nóng lên.

Nêu ví dụ về hậu quả của việc nóng lên này.

Trả lời:

Tác hại của hiệu ứng nhà kính lên môi trường và trái đất:

- Biến đổi khí hậu: Mùa đông càng ẩm, mùa hè càng khô, hạn hán nặng, lượng mưa tăng,….

- Hiện tượng băng tan làm nước biển dâng khiến đất đai bị nhiễm mặn, chất lượng và số lượng nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt của con người, cho nông nghiệp, công nghiệp bị ảnh hưởng, …..

- Nóng lên toàn cầu: Sa mạc ngày càng mở rộng, hệ sinh thái bị biến đổi, ….

III. Công dụng của vật cách nhiệt và vật dẫn nhiệt

Thực hành 1 trang 120 KHTN lớp 8: Chuẩn bị

Một thanh thủy tinh, một thanh nhôm, một thanh đồng, giá, đèn cồn, các đinh sắt, sáp (hình 25.8a).

Tiến hành

- Lắp các dụng cụ như hình 25.8b, ở mỗi thanh khoảng cách từ đầu thanh cắm đến các đinh sắt đều bằng nhau.

- Dùng đèn cồn đun nóng để giữ ba đầu thanh.

Quan sát thứ tự rơi của các đinh sắt gần trên mỗi thanh. Từ đó rút ra kết luận về tính dẫn nhiệt của chất làm các thanh.

Chuẩn bị Một thanh thủy tinh một thanh nhôm một thanh đồng giá đèn cồn

Trả lời:

- Quan sát thí nghiệm ta thấy: Chiếc đinh gắn ở thanh đồng rơi xuống trước, tiếp theo là đinh gắn ở thanh nhôm và cuối cùng là đinh gắn ở thanh thủy tinh.

- Kết luận về tính dẫn nhiệt của chất làm các thanh: Đồng dẫn nhiệt tốt hơn nhôm, nhôm dẫn nhiệt tốt hơn thủy tinh.

Thực hành 2 trang 120 KHTN lớp 8: Chuẩn bị

Đèn cồn, ống nghiệm có chứa nước, miếng sáp.

Tiến hành

- Lắp các dụng cụ thành bộ như hình 25.9, miếng sáp được để ở đáy ống nghiệm.

- Dùng đèn cồn đun nóng miệng của ống nghiệm.

Quan sát nước ở phần trên của ống nghiệm bắt đầu sôi thì miếng sáp ở đáy cốc có bị nóng chảy không? Từ đó rút ra tính dẫn nhiệt của nước.

Chuẩn bị Đèn cồn ống nghiệm có chứa nước miếng sáp

Trả lời:

Khi nước ở phần trên của ống nghiệm bắt đầu sôi thì miếng sáp ở đáy cốc chưa bị nóng chảy Nước có tính dẫn nhiệt kém.

Câu hỏi 6 trang 121 KHTN lớp 8: Ở hình 25.10b, bộ phận nào cần dẫn nhiệt tốt, bộ phận nào cần cách nhiệt tốt?

Ở hình 25.10b bộ phận nào cần dẫn nhiệt tốt, bộ phận nào cần cách nhiệt tốt?

Trả lời:

Hình 25.10b, bộ phận cần dẫn nhiệt tốt là bộ phận thân nồi, bộ phận cần cách nhiệt tốt là cán nồi.

Câu hỏi 7 trang 122 KHTN lớp 8: Nêu công dụng của các bộ phận trong cấu tạo phích nước ở hình 25.11.

Nêu công dụng của các bộ phận trong cấu tạo phích nước ở hình 25.11

Trả lời:

- Nút phích và vỏ phích có tác dụng ngăn cản sự truyền nhiệt bằng đối lưu ra bên ngoài.

- Lớp chân không có tác dụng ngăn cản sự dẫn nhiệt.

- Lớp tráng bạc có tác dụng phản xạ các tia nhiệt trở lại nước đựng trong phích.

- Vỏ phích có công dụng bảo vệ ruột phích bên trong và giúp cách nhiệt để người sử dụng không bị bỏng khi chạm vào phích nước nóng.

Vận dụng trang 122 KHTN lớp 8: Để nóng thêm một độ, một kilôgam nước biển cần thu vào một nhiệt lượng gấp khoảng 5 lần một kilôgam đất. Ở ven biển, vào những trưa hè nóng, gió thổi từ biển vào đất liền. Vì sao?

Trả lời:

Ở ven biển, vào những trưa hè nóng, gió thổi từ biển vào đất liền vì đất liền tăng nhiệt độ nhanh hơn nước biển nên không khí ở đất liền nóng hơn không khí ở biển, chúng nở ra, có khối lượng riêng nhẹ hơn bay lên tạo chỗ trống, không khí ở biển có nhiệt độ thấp hơn, khối lượng riêng nặng hơn nên di chuyển lấp đầy chỗ trống đó, tại đất liền không khí lạnh lại được làm nóng. Cứ như vậy, tạo nên dòng đối lưu không khí từ biển tràn vào đất liền tạo ra gió.

Lý thuyết KHTN 8 Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

I. Các hình thức truyền năng lượng nhiệt

1. Hiện tượng dẫn nhiệt

Dẫn nhiệt là hình thức truyền nhiệt chủ yếu ở các vật rắn.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

Năng lượng nhiệt truyền từ nơi có nhiệt độ cao đến nơi có nhiệt độ thấp hơn.

2. Hiện tượng đối lưu

- Dòng đối lưu là dòng chuyển động của chất lỏng mang năng lượng từ nơi nóng hơn đến nơi lạnh hơn.

- Quá trình truyền nhiệt tạo ra dòng đối lưu được gọi là sự truyền nhiệt bằng sự đối lưu.

- Đối lưu là hình thức truyền nhiệt chính trong chất lỏng và chất khí. Trong chất khí và chất lỏng cũng có sự dẫn nhiệt, nhưng sự truyền nhiệt bằng dẫn nhiệt chậm hơn so với truyền nhiệt bằng sự đối lưu.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

3. Hiện tượng bức xạ nhiệt

Bức xạ nhiệt là sự truyền nhiệt bằng các tia nhiệt và có thể truyền qua chân không.

Ví dụ: Giữa Mặt Trời và khí quyển Trái Đất là chân không. Ở đó, không có sự dẫn nhiệt và đối lưu. Năng lượng này truyền đến Trái Đất bằng bức xạ nhiệt.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

II. Truyền năng lượng trong hiệu ứng nhà kính

Nhà kính là nhà được che bởi mái kính dùng để trồng cây bên trong.

Năng lượng do các tia nhiệt truyền từ ngoài vào bên trong nhà kính lớn hơn năng lượng các tia nhiệt từ bên trong nhà kính truyền ra ngoài. Kết quả là nhiệt độ bên trong nhà kính sẽ tăng lên.

Ứng dụng hiện tượng này, ở những vùng nhiệt độ không khí thấp, người ta làm nhà kính để trồng cây, giúp cây phát triển và sinh trưởng tốt hơn so với cây được trồng bên ngoài.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

III. Công dụng của vật dẫn nhiệt và vật cách nhiệt

1. Tính dẫn nhiệt của các chất

Chất rắn dẫn nhiệt tốt. Chất lỏng và chất khí dẫn nhiệt kém hơn.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

2. Vật dẫn nhiệt

Dựa vào tính dẫn nhiệt tốt hay kém của các chất mà người ta sử dụng chúng thích hợp trong khoa học và đời sống.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 25: Truyền năng lượng nhiệt

Xem thêm các bài giải SGK Khoa học tự nhiên lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá