Giải SGK Kinh tế Pháp luật 11 Bài 8 (Chân trời sáng tạo): Đạo đức kinh doanh

4.5 K

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 11 Bài 8: Đạo đức kinh doanh sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Kinh tế Pháp luật 11 Bài 8 từ đó học tốt môn KTPL 11.

Giải bài tập KTPL lớp 11 Bài 8: Đạo đức kinh doanh

Mở đầu trang 54 KTPL 11: Hãy chia sẻ hiểu biết của em về nội dung các câu dưới đây:

- Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

- Phải thì mua, vừa thì bán.

Lời giải:

- “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” được hiểu là: sự “vui lòng, vừa lòng” của khách hàng là kết quả của chất lượng sản phẩm, thái độ và tinh thần phục vụ, thể hiện văn minh thương mại trong kinh doanh.

- “Phải thì mua, vừa thì bán” được hiểu là: giá cả và giá trị của hàng hóa, dịch vụ cần đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa bên sản xuất, cung ứng sản phẩm (bên bán) với bên có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm (bên mua).

1. Quan niệm, vai trò của đạo đức kinh doanh

Câu hỏi trang 56 KTPL 11: Em hãy nhận xét việc làm của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Công ty T và Công ty D trong các thông tin, trường hợp trên. Những việc làm đó ảnh hưởng như thế nào đến người sản xuất, người tiêu dùng và xã hội?

Em hãy nhận xét việc làm của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Công ty T và Công ty D

Lời giải:

 Phân tích đoạn thông tin về doanh nhân Bạch Thái Bưởi:

- Nhận xét: Sự thành công của doanh nhân Bạch Thái Bưởi không chỉ đến từ: tầm nhìn chiến lược nhạy bén và năng lực kinh doanh xuất sắc; mà còn đến từ sự mẫu mực, đạo đức kinh doanh. Điều này được thể hiện qua các chi tiết, như:

+ Trong quá trình kinh doanh, Bạch Thái Bưởi luôn đặt “chữ tín” lên hàng đầu, ông tâm niệm “Tiền mất có thể tìm lại được, chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này”.

+ Trong công việc, Bạch Thái Bưởi tỏ ra rất khắc nghiệt khi nghiệm thu sản phẩm, nhằm tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

+ Bạch Thái Bưởi luôn tin tưởng và đãi ngộ tốt đối với các cộng sự và nhân viên.

+ Cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ thông qua việc: vận dụng tinh thần yêu nước, khai thác tinh thần tự tôn dân tộc.

- Ảnh hưởng:

+ Việc kinh doanh có đạo đức đã giúp cho Bạch Thái Bưởi: nâng cao uy tín; làm hài lòng khách hàng; có được sự tận tụy, trung thành của đội ngũ nhân viên,… từ đó, hoạt động kinh doanh của ông đã chiến thắng được các đối thủ khác.

+ Đối với người tiêu dùng, hoạt động kinh doanh có đạo đức của Bạch Thái Bưởi giúp cho họ: có thể an tâm sử dụng sản phẩm; đồng thời tăng thêm sự tự hào về sản phẩm và thương hiệu của người Việt.

+ Đối với xã hội, hoạt động kinh doanh có đạo đức của Bạch Thái Bưởi đã góp phần tạo dựng môi trường và các quan hệ xã hội lành mạnh, văn minh.

 Phân tích trường hợp 1

- Nhận xét: Công ty T luôn giữ vững các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được thể hiện qua việc:

+ Đặt lợi ích và yêu cầu của khách hàng lên hàng đầu;

+ Tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

- Ảnh hưởng:

+ Việc kinh doanh có đạo đức đã đem đến cho công ty T nhiều lợi ích, như: nâng cao uy tín, danh tiếng của công ty được lan toả rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước; nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng; nhận được nhiều giải thưởng uy tín của quốc gia và quốc tế.

+ Đối với người tiêu dùng, hoạt động kinh doanh có đạo đức của công ty T giúp cho họ có thể an tâm sử dụng sản phẩm.

+ Đối với xã hội, hoạt động kinh doanh có đạo đức của công ty T đã góp phần tạo dựng môi trường và các quan hệ xã hội lành mạnh, văn minh.

 Phân tích trường hợp 2

- Nhận xét: Công ty D đã vi phạm pháp luật và không có đạo đức trong kinh doanh. Điều này được thể hiện qua việc: công ty D đã xả thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lí ra môi trường.

- Ảnh hưởng:

+ Đối với công ty D, hành vi kinh doanh thiếu đạo đức tuy giúp họ tiết kiệm một phần chi phí sản xuất nhưng cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như: mất uy tín trong mắt khách hàng; phải chịu các hình thức xử lí từ phía cơ quan nhà nước,…

+ Đối với người tiêu dùng, hành vi kinh doanh thiếu đạo đức của công ty D khiến họ bị mất niềm tin vào doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

+ Đối với xã hội, hành vi kinh doanh thiếu đạo đức của công ty D đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường…

Câu hỏi trang 56 KTPL 11:Theo em, người kinh doanh cần có những phẩm chất gì?

Lời giải:

- Một số phẩm chất cần có của người kinh doanh:

+ Tinh thần trách nhiệm.

+ Trung thực, giữ chữ tín trong kinh doanh.

+ Luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích của nhân viên, khách hàng và cộng đồng.

+ Tuân thủ đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. Ví dụ: thực hiện tốt nghĩa đóng thuế; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ,…

+ Cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ.

+ Luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đổi mới,…

Câu hỏi trang 56 KTPL 11: Em hiểu thế nào là đạo đức kinh doanh? Đạo đức kinh doanh có vai trò gì?

Lời giải:

- Khái niệm: Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh.

- Vai trò của đạo đức kinh doanh:

+ Thay đổi thái độ, điều chỉnh hành vi của chủ thể theo hướng tích cực;

+ Nâng cao danh tiếng, tạo lập niềm tin, uy tín với khách hàng;

+ Nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp;

+ Góp phần xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh, có trách nhiệm - nghĩa tình - văn minh - hiện đại

2. Các biểu hiện của đạo đức kinh doanh

Câu hỏi trang 56 KTPL 11: Em hãy xác định các hành vi, việc làm phù hợp/ chưa phù hợp với đạo đức kinh doanh trong các trường hợp trên.

Em hãy xác định các hành vi, việc làm phù hợp/ chưa phù hợp với đạo đức kinh doanh

Lời giải:

Phân tích các trường hợp

- Trường hợp 1: Các hành vi, việc làm phù hợp với đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp A là:

+ Luôn trung thực về chất lượng sản phẩm đã cam kết với khách hàng.

+ Tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập và nhu cầu của khách hàng.

+ Chủ động tham khảo ý kiến phản hồi của khách hàng để điều chỉnh, cải tiến sản phẩm.

+ Thực hiện các chính sách chăm sóc khách hàng tận tâm, tận tụy.

- Trường hợp 2: Các hành vi, việc làm phù hợp với đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp B là:

+ Đặt chữ tín, trách nhiệm doanh nghiệp lên hàng đầu.

+ Áp dụng mô hình và công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Đảm bảo lợi ích chính đáng theo đúng cam kết với người lao động

- Trường hợp 3: Các hành vi, việc làm chưa phù hợp với đạo đức kinh doanh của công ty P là: làm hàng giả, hàng nhái theo thương hiệu của một hãng mĩ phẩm nước ngoài nhằm thu lợi nhuận bất chính.

Câu hỏi 5 trang 56 KTPL 11: Em hãy kể thêm các biểu hiện khác của đạo đức kinh doanh và lấy ví dụ minh hoạ.

Em hãy xác định các hành vi, việc làm phù hợp/ chưa phù hợp với đạo đức kinh doanh

Lời giải:

- Các biểu hiện khác của đạo đức kinh doanh:

+ Tôn trọng và tuân thủ đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước.

+ Vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh.

- Ví dụ:

+ Ví dụ 1: các chủ thể sản xuất kinh doanh cần thực hiện đúng nghĩa vụ đóng thuế; thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ,…

+ Ví dụ 2: trong quá trình cạnh tranh, các chủ thể sản xuất kinh doanh không nên thông đồng với nhau để bán phá giá nhằm triệt hạ đối thủ; không nên thực hiện hành vi đánh cắp bí mật thương mại của đối thủ; không đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng/ thông tin sai sự thật,… gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đối thủ,…

Câu hỏi 6 trang 56 KTPL 11: Em hãy liệt kê các hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh và đề xuất cách xử lí của em đối với hành vi đó.

Em hãy xác định các hành vi, việc làm phù hợp/ chưa phù hợp với đạo đức kinh doanh

Lời giải:

- Một số hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh:

+ (1) Buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

+ (2) Xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường.

+ (3) Thiếu tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động; thực hiện không đúng các cam kết về tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với người lao động…

+ (4) Thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như: bán phá giá; đánh cắp thông tin, bí mật thương mại của đối thủ; đưa ra những thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về đối thủ,…

- Đề xuất cách xử lí:

+ Đối với hành vi (1):

▪ Tuyên truyền để người tiêu dùng đề cao cảnh giác

▪ Tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức như: cơ quan quản lí thị trường; Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng,…

▪ Có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,…

▪ Tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc kinh doanh có đạo đức.

+ Đối với hành vi (2):

▪ Có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường.

▪ Tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc kinh doanh có đạo đức.

+ Đối với hành vi (3):

▪ Tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ các quy định pháp luật trong Bộ Luật lao động năm 2019.

▪ Có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định tại Bộ Luật lao động năm 2019.

▪ Tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc kinh doanh có đạo đức.

+ Đối với hành vi (4): Tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc kinh doanh có đạo đức.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 57 KTPL 11: Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?

a. Đạo đức kinh doanh đòi hỏi các doanh nghiệp chỉ cần giữ gìn tính trung thực trong các hoạt động kinh tế.

b. Nhà kinh doanh trung thực, có trách nhiệm và luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm sẽ được khách hàng đánh giá cao, doanh thu doanh nghiệp tăng lên.

c. Giữ gìn đạo đức trong kinh doanh sẽ duy trì và hoàn thiện thái độ, hành vi của nhà kinh doanh theo hướng đúng đắn, tốt đẹp, có lợi cho người tiêu dùng và xã hội.

d. Đạo đức kinh doanh giúp thay đổi thái độ, điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho nhà kinh doanh.

Lời giải:

- Nhận định a. Không đồng tình, vì: bên cạnh trung thực, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp còn được thể hiện thông qua nhiều phẩm chất khác, ví dụ như: tinh thần trách nhiệm; giữ chữ tín; cạnh tranh lành mạnh,…

- Nhận định b. Đồng tình, vì: việc kinh doanh có đạo đức sẽ giúp cho doanh nghiệp nhận được sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng, từ đó, khách hàng sẽ tin dùng sản phẩm của doanh nghiệp, dẫn tới việc tăng doanh thu và lợi nhuận.

- Nhận định c. Đồng tình, vì: thực hiện tốt đạo đức kinh doanh sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng và uy tín doanh nghiệp; làm hài lòng và đem lại lợi ích cho khách hàng; đồng thời cũng thúc đẩy xây dựng sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia.

- Nhận định d. Không đồng tình, vì: có nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu và để đạt được mục tiêu đó, họ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh.

Luyện tập 2 trang 58 KTPL 11: Em hãy nhận xét việc làm của doanh nghiệp M và chỉ ra các biểu hiện của đạo đức kinh doanh trong trường hợp sau:

Trường hợp. Từ khi khởi nghiệp, doanh nghiệp M đã xuất phát từ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để chủ động đổi mới và sáng tạo trong việc tạo ra nhiều loại sản phẩm độc đáo, có chất lượng. Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm của doanh nghiệp, thị phần được mở rộng, năng lực cạnh tranh cùng danh tiếng của doanh nghiệp từng bước nâng cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng phát triển quan hệ, hỗ trợ cộng đồng với những việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Lời giải:

- Nhận xét: Việc làm của doanh nghiệp M đã tuân thủ đạo đức trong kinh doanh.

- Biểu hiện của đạo đức kinh doanh trong trường hợp trên:

+ Luôn chủ động đổi mới và sáng tạo trong việc tạo ra nhiều loại sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

+ Hỗ trợ cộng đồng với những việc làm có ý nghĩa thiết thực

Luyện tập 3 trang 58 KTPL 11: Em hãy chỉ rõ vai trò của đạo đức kinh doanh trong các trường hợp sau:

- Trường hợp a. Bà K là giám đốc của một công ty thời trang lớn. Trong việc quản lí, bà biết thông cảm với những sai sót của nhân viên, hướng dẫn họ cách khắc phục. Những nhân viên có sáng kiến tốt, giúp tăng năng suất lao động đều nhận được khen thưởng theo chế độ đãi ngộ công minh, bình đẳng. Bà K cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ những gia đình công nhân, nhân viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Do vậy, đội ngũ công nhân viên luôn gắn bó và hết lòng cống hiến cho công ty.

- Trường hợp b. Anh Q, Giám đốc Công ty A là một doanh nhân bản lĩnh. Với kinh nghiệm thương trường dày dặn, anh đã xác lập được mối quan hệ rộng rãi, uy tín với nhiều đối tác quan trọng. Các đối tác rất hài lòng với phong cách làm việc vừa quyết đoán, vừa linh hoạt, mềm dẻo của anh. Anh Q luôn duy trì quan hệ vừa hợp tác cùng có lợi, vừa kiên quyết cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ các nhãn hiệu, thương hiệu với chất lượng độc đáo của công ty. Do vậy, danh tiếng và năng lực cạnh tranh của công ty luôn giữ vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Lời giải:

- Trường hợp a. Việc kinh doanh có đạo đức đã giúp cho bà K nhận được: sự tận tâm làm việc và gắn bó lâu dài, cống hiến hết lòng của đội ngũ nhân viên.

- Trường hợp b. Việc kinh doanh có đạo đức đã giúp cho anh Q nhận được: sự hài lòng, tin tưởng của các đối tác và khách hàng; danh tiếng và năng lực cạnh tranh của công ty luôn giữ vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Luyện tập 4 trang 58 KTPL 11: Em hãy chỉ ra những biểu hiện của đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp B và nhận xét về việc làm của anh P trong tình huống sau:

Tình huống. Anh P có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và có kinh nghiệm ba năm làm trợ lí giám đốc ở nước ngoài. Vừa về nước, anh được bố giao quyền điều hành doanh nghiệp B. Anh biết doanh nghiệp này từng bị xử phạt về vệ sinh an toàn thực phẩm và đang gặp rất nhiều khó khăn vì đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, cũng như các đối tác. Sau một thời gian đấu tranh với các quan điểm kinh doanh không phù hợp của ban giám đốc, anh từng bước tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng bằng các sản phẩm chất lượng, đúng cam kết. Ngoài ra, anh chú trọng thu hút nhân viên với các chính sách đãi ngộ và học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp khác. Năm năm sau, doanh nghiệp B phát triển lớn mạnh và được đề cử giải thưởng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” của tỉnh nhà. Phóng viên C của một tờ báo uy tín trong tỉnh tìm gặp và phỏng vấn anh P về nền tảng giúp doanh nghiệp từng mất uy tín trong kinh tế thị trường vươn lên thành công, anh P chia sẻ doanh nghiệp đã thực hiện việc đổi mới quan niệm kinh doanh theo hướng trung thực, giữ chữ tín về chất lượng sản phẩm và các đơn hàng. Anh biết cách dựa vào nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đề chủ động đổi mới và sáng tạo các sản phẩm phù hợp. Doanh nghiệp cũng đối xử bình đẳng và đảm bảo các quyền lợi của người lao động và của các đối tác kinh doanh.

Lời giải:

- Biểu hiện của đạo đức kinh doanh trong tình huống:

+ Sản xuất kinh doanh các sản phẩm chất lượng tốt, đúng cam kết với khách hàng.

+ Thu hút nhân viên với các chính sách đãi ngộ tốt.

+ Đổi mới quan niệm kinh doanh theo hướng trung thực, giữ chữ tín về chất lượng sản phẩm và các đơn hàng.

+ Không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

+ Đối xử bình đẳng và đảm bảo các quyền lợi của người lao động và của các đối tác kinh doanh.

- Nhận xét: việc làm của anh P đã giúp cho doanh nghiệp B khôi phục, tạo dựng lại niềm tin của người tiêu dùng và đạt được nhiều thành công.

Luyện tập 5 trang 59 KTPL 11: Em hãy nhận xét việc làm và đưa ra lời khuyên cho bà B và ông T trong các trường hợp sau:

- Trường hợp a. Bà B là chủ cửa hàng kinh doanh hải sản. Để bảo quản mực, tôm không bị hư hỏng và bán được lâu, bà đã ngâm những thực phẩm này vào chậu nước có chứa hoá chất. Theo bà, nếu dùng ít hoá chất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

- Trường hợp b. Doanh nghiệp A có đội ngũ nhân viên nhiều kinh nghiệm. Gần đây, Ông T - giám đốc mới đã giảm lương nhân viên và cắt giảm các chế độ đãi ngộ khiến nhiều nhân viên than phiền. Nhiều nhân viên đã viết đơn xin nghỉ việc khiến ông T rất lo lắng.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Việc làm của bà B đã vi phạm đạo đức kinh doanh.

+ Lời khuyên: bà B không nên sử dụng hóa chất để bảo quản thực phẩm, vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng; làm mất uy tín kinh doanh; đồng thời, đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ phải chịu các hình thức xử lí của cơ quan chức năng.

- Trường hợp b.

+ Việc làm của ông A đã vi phạm đạo đức kinh doanh.

+ Lời khuyên: ông A không nên cắt giảm lương và các chế độ đãi ngộ với nhân viên, vì hành động này sẽ khiến cho ông mất đi đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm. Ngược lại, đối với những nhân viên giỏi, ông A nên tăng lương hoặc thưởng cho họ để khuyến khích, động viên tinh thần làm việc của người lao động.

Vận dụng

Vận dụng trang 59 KTPL 11: Em hãy sưu tầm một tấm gương doanh nhân tiêu biểu, cho biết những phẩm chất đạo đức kinh doanh của nhân vật đó và chia sẻ điều em có thể học tập, vận dụng đối với bản thân.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Tấm gương doanh nhân tiêu biểu

Ông Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 tại làng An Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông chính là người đầu tiên khẳng định vị thế của doanh nhân Việt, người làm kinh doanh với khát vọng to lớn là cải tạo xã hội, mà cụ thể là ước vọng có thể xây dựng một Hà Nội lung linh, hoa lệ như Paris.

Từ một công chức làm trong một hãng thầu công chánh của Pháp, một dịp may đến với ông là năm 1895, Hội chợ Bordeaux được tổ chức tại Pháp, Bạch Thái Bưởi được chọn, qua đề cử của công sứ Bonnet. Trong những ngày ở Pháp, không như những người khác dành thời gian du hí đây đó, ông nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lí sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp.

Trên chuyến tàu trở về nước, Bạch Thái Bưởi đã manh nha một quyết định táo bạo: xin nghỉ việc để đi vào con đường kinh doanh với quan điểm “phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần. Nhưng phải kịp thời”. Ông đã hùn tiền với một người Pháp để chuyên khai thác gỗ làm tà-vẹt bán cho Sở Hoả xa Đông Dương. Trong công việc, Bạch Thái Bưởi tỏ ra rất khắc nghiệt khi nghiệm thu sản phẩm. Ông bảo: “Tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này”.

Bạch Thái Bưởi thành công và thu hút được nhiều người tài về cùng dựng nghiệp vì ông là người rất biết cách đối đãi và tin tưởng những cộng sự của mình. Ông cũng quan tâm đến đời sống của giới thợ thuyền, dành chế độ đãi ngộ tốt cho nhân viên, trợ cấp cho học sinh nghèo đi du học,… Có lẽ, Bạch Thái Bưởi là nhà doanh nghiệp Việt Nam trước nhất đầu thế kỉ XX đã có ý thức vận dụng tinh thần yêu nước, khai thác tinh thần tự tôn dân tộc như một vũ khí sắc bén để chiến thắng vẻ vang đối thủ cạnh tranh của mình.

- Đạo đức kinh doanh của nhân vật:

+ Trong quá trình kinh doanh, Bạch Thái Bưởi luôn đặt “chữ tín” lên hàng đầu.

+ Trong công việc, Bạch Thái Bưởi tỏ ra rất khắc nghiệt khi nghiệm thu sản phẩm, nhằm tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

+ Bạch Thái Bưởi luôn tin tưởng và đãi ngộ tốt đối với các cộng sự và nhân viên.

+ Cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ thông qua việc: vận dụng tinh thần yêu nước, khai thác tinh thần tự tôn dân tộc.

- Bài học cho bản thân:

+ Giữ chữ tín trong kinh doanh.

+ Tôn trọng và đảm quyền lợi cho nhân viên, tôn trọng khách hàng.

Lý thuyết KTPL 11 Bài 8: Đạo đức kinh doanh

1. Quan niệm, vai trò của đạo đức kinh doanh

Quan niệm: Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh.

- Vai trò của đạo đức kinh doanh:

+ Thay đổi thái độ, điều chỉnh hành vi của các chủ thể theo hướng tích cực;

+ Nâng cao danh tiếng, tạo lập niềm tin, uy tín với khách hàng;

+ Nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp;

+ Góp phần xây dựng quan hệ xã hội lành mạnh, có trách nhiệm - nghĩa tình - văn minh - hiện đại.

Lý thuyết KTPL 11 Chân trời sáng tạo Bài 8: Đạo đức kinh doanh | Kinh tế Pháp luật 11

2. Các biểu hiện của đạo đức kinh doanh

- Giữ chữ tín, trung thực, trách nhiệm, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của khách hàng; hướng đến lợi ích chung và có lợi cho nhiều người.

- Biểu hiện của đạo đức kinh doanh trong các mối quan hệ cụ thể:

♦ Giữa chủ thể sản xuất kinh doanh với khách hàng:

+ Giữ chữ tín, thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết;

+ Trung thực, trách nhiệm trong kinh doanh;

+ Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng...

♦ Giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh với người lao động:

+ Tôn trọng, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động theo đúng cam kết;

+ Đối xử bình đẳng, công bằng với nhân viên.

♦ Giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh với cộng đồng, xã hội:

+ Tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội;

+ Tuân thủ các quy định của pháp luật.

♦ Giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh với nhau: vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh.

Lý thuyết KTPL 11 Chân trời sáng tạo Bài 8: Đạo đức kinh doanh | Kinh tế Pháp luật 11

Trung thực là một trong những biểu hiện của đạo đức kinh doanh

Xem thêm các bài giải SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá