Tài liệu tác giả tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam Ngữ văn lớp 10 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam lớp 10.
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - Ngữ văn lớp 10
I. Tác giả văn bản Trần Quốc Vượng
- Trần Quốc Vượng (1934 - 2005)
- Quê quán: Hải Dương
- Phong cách nghệ thuật: Khoa học, có những tìm tòi, phát hiện bộc lộ nét tài hoa
- Tác phẩm chính: “Theo dòng lịch sử” (1995); “Việt Nam - Cái nhìn địa văn hoá” (1998); “Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm” (2000), “Trên mảnh đất nghìn xưa văn vật” (2001)
II. Tìm hiểu tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam
1. Thể loại: Văn bản thông tin tổng hợp
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Sáng tác năm 2010 và được Trích từ trong cuốn sách “Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm”
3. Phương thức biểu đạt: Nghị luận
4. Tóm tắt
Văn bản viết về Hà Nội với sự hình thành của văn hóa Hà Nội và nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
5. Bố cục
- Đoạn 1: Sự hình thành của văn hóa Hà Nội
- Đoạn 2: Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
6. Giá trị nội dung
- Cung cấp những thông tin về lịch sử văn hóa và nếp sống người Hà Nội
- Khuyến khích gìn và phát huy nét truyền thống trong văn hóa Hà Nội
7. Giá trị nghệ thuật
- Lập luận chặt chẽ, logic
- Sử dụng nhiều tục ngữ ca dao để làm chặt chẽ thêm luận điểm
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam
1. Sự hình thành của văn hóa Hà Nội
- Lịch sử văn hóa hình thành từ lâu đời và phong phú
- Lịch sử hình thành văn hóa Hà Nội qua các triều đại lịch sử: Triều đình Lý –Trần; nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê.
- Thờ phụng các anh hùng dân tộc giữa phố phường hoặc xóm trại ven đô
- Các yếu tố dẫn đến sự hình thành văn hóa Hà Nội
+ Sự kết hợp giữa yếu tố Văn hóa dân gian và văn hóa cung đình
- Tổ chức sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian thường niên.
2. Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
- Người Hà Nội thông minh, tài hoa
- Hà Nội là nơi tập trung của những người Việt Nam lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi.
- Là nơi hội tụ tinh hoa bốn phưong
- Người Hà Nội biết thưởng thức, sành ăn, sành mặc
+ Nhu cầu lựa chọn, đòi hỏi và có điều kiện thỏa mãn việc tiêu dùng “của ngon vật lạ” từ các nơi đổ về.
+ Từ đó có mạng lưới làng quê tập trung sản xuất đặc sản chuyên biệt
- Người Hà Nội nhanh nhạy, hiểu biết
+ Có điều kiện thuận lợi để giao lưu và tiếp thu văn hóa cộng thêm truyền thống hiếu học
=> Qua thời gian đã mài giũa ra những người con Hà Nội thanh lịch, tinh tế, tài hoa, phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần, sang trọng mà không xa hoa, rất cởi mở và thân thiện.
IV. Đọc tác phẩm: Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam
1 Hà Nội, như các nhà địa lí học nhận định, là thủ đô tự nhiên của lưu vực sông Hồng, của miền Bắc Việt Nam trước khi lớn lên cùng với sự lớn lên mở nước của dân tộc – thành trung tâm đầu não của cả nước.
Đông, Nam, Đoài, Bắc, mỗi vùng đều có một trữ lượng folklore (dân gian) phong phú: ca dao, tục ngữ, dân ca, chèo, múa rối, truyện cổ tích,... Toàn bộ trữ lượng văn hoá dân gian ấy được chuyển dồn về trung tâm Hà Nội, kết tụ chọn lọc và nâng cao trên cái có sẵn của vùng non nước Hồ Tây – Hồ Gươm, núi Nùng, núi Khán mà trở thành folklore Hà Nội. Triều đình Lý, Trần đưa việc thờ cúng các anh hùng dân tộc như Phù Đổng, Hai Bà Trưng, Bố Cái (Phùng Hưng), Mai Hắc Đế,... về giữa phố phường và xóm trại ven đô. Dân dã về Hà Nội sinh sống lại đưa thần điện của làng xóm mình về kinh kì Kẻ Chợ, kèm theo đó là các lễ hội dân gian. Sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, xã hội của Thủ đô do vậy mà phong phú nhiều dạng vẻ. Nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê lại nâng các lễ hội đua thuyền, đấu vật, hất phết, tung còn, múa rối nước, múa chạy đàn dân gian lên thành quốc lễ, có đội hình chuyên hóa, có sân khấu đàng hoàng, có phục trang sang trọng hơn. Văn hoá dân gian không tách rời mà kết hợp, hoà hợp với văn hoá cung đình và được “chính thức hoá” và “sang trọng hoá”. Cái sang trọng bao giờ cũng là một sắc thái cần và bắt buộc của văn hoá Thủ đô, văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Cái sang trọng ấy, trên nền tảng một nếp sống phong lưu do công thương phát triển ngấm vào phong cách, thế ứng xử của người Thăng Long – Hà Nội về ăn, mặc, ở và đi lại.
2 Trước hết, người Hà Nội, kết quả của tỉnh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, đua tài, học hỏi người ngoài và nâng cao nên trở thành những người Việt Nam lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi.
Khi người ta lao động giỏi ở một trung tâm giao dịch, một trung tâm “mở cửa”, đón gió muôn phương thì nảy sinh nhu cầu lựa chọn (kén cá, chọn canh), đòi hỏi và có điều kiện thỏa mãn việc tiêu dùng “của ngon vật lạ” từ các nơi đổ về.
Gắng công kén được cốm Vòng
Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui.
Hình thành một mạng lưới làng quê sản xuất đặc sản nông phẩm và sản phẩm thủ công ven đô cùng với phố phường thủ công nội đô, giao lưu với nhau ở bốn chợ chính trước bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc.
Từ đó, tất nhiên người Hà Nội trở nên sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, đại diện của hùng anh cả nước, làm ăn tài, đại diện của tỉnh hoa dân tộc. Người Thăng Long - Hà Nội nhờ truyền thống hiếu học, nhờ có điều kiện giao lưu văn hoá xã hội, thu nhận nhanh nhạy nhiều liều lượng thông tin khác nhau, trở nên đặc biệt mẫn cảm về chính trị – tình cảm.
Với một nếp sống phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần, lịch sử ngàn năm văn vật của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã hun đúc cho người Hà Nội một nếp sống thanh lịch: từng trải mà nhẹ nhàng, kiên định mà duyên dáng, hào hoa mà thanh thoát, sang trọng mà không xa hoa, cởi mở mà không lố bịch, nhố nhăng,... từ lời ăn tiếng nói đến phong cách làm ăn, suy nghĩ,...
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh.
Thành phố Rồng Bay có trường cao cấp về Văn (Quốc Tử Giám), về Võ (Giảng Võ đường) từ thế kỉ XI cho nên Thăng Long vừa thượng võ với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, vừa văn hiến với Chu An, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Chiêu Hổ, Bà Huyện Thanh Quan,...
Văn hoá Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là một “hằng số tuyệt vời” của văn hoá Việt Nam.
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Tác giả - tác phẩm: Thị Mầu lên chùa (Trích chèo Quan Âm Thị Kính)
Tác giả - tác phẩm: Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam
Tác giả - tác phẩm: Lễ hội Đền Hùng
Tác giả - tác phẩm: Lễ hội dân gian đặc sắc của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận (theo Đào Bình Trịnh)