Văn bản Nhật trình Sol 6 - Andy Weir - Nội dung, tác giả, tác phẩm

7.3 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Nhật trình Sol 6 Ngữ văn lớp 7 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Nhật trình Sol 6 lớp 7.

Nhật trình Sol 6 - Ngữ văn lớp 7

I. Tác giả Andy Weir

Nhật trình Sol 6 - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 7 Cánh diều

- Andy Weir sinh ngày 16-6-1972 (49 tuổi), sinh ra tại Bang California, Mỹ.

- Andy Weir vốn là một lập trình viên máy tính người Mỹ làm việc tại một phòng thí nghiệm quốc gia. Nhưng với niềm đam mê khoa học vũ trụ, ông đã quyết định viết tác phẩm Người về từ sao Hỏa (tựa gốc: The Martian ).

- Tác phẩm của Weir trở nên thành công ngoài mong đợi, và ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản lớn trên thế giới.

II. Tìm hiểu tác phẩm Nhật trình Sol 6

1. Thể loại: Tiểu thuyết

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

Nhật trình Sol 6 - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 7 Cánh diều

- Văn bản Sol 6 được trích từ cuốn tiểu thuyết “Người về từ Sao Hỏa” là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi bật

- Người về từ Sao Hỏa kể về Mark Watney, một phi hành gia trên Sao Hỏa. Trong một trận bão, đồng đội để lạc mất anh. Vì tưởng anh đã chết, họ rời đi mà không có anh. Bất ngờ thay, Watney vẫn xoay xở sống sót được sau trận bão đó. Vấn đề là bây giờ anh không còn tàu để mà về nữa. Phải rất lâu sau mới có chuyến tàu khác lên đây, trong khi anh thì không có cách nào liên hệ với Trái Đất hay con tàu vừa rời đi, không có nhu yếu phẩm, và nguồn ôxi thì đang cạn dần. Truyện xoay quanh hành trình sinh tồn của Watney và những nỗ lực của NASA trong việc đưa anh về lại Trái Đất.

3. Phương thức biểu đạt: Tự sự + Biểu cảm

4. Tóm tắt: Đoạn trích là sự tuyệt vọng của phi hành gia Mác Oát – ni khi nhận ra mình bị mắc kẹt trên Sao Hỏa do một sự cố không mong muốn và mất tín hiệu với Trái Đất. Anh ta đã rất cố gắng tự chữa vết thương cho mình và tìm cách duy trì cuộc sống.

5. Bố cục

Chia văn bản thành 2 đoạn

- Đoạn 1: Từ đầu đến “tình trạng này quá lâu”: Phi hành gia Mác Oát – ni gặp phải sự cố trong chuyến du hành lên Sao Hỏa

- Đoạn 2: Còn lại: Sự tuyệt vọng của anh khi biết mình bị bỏ lại trên Sao Hỏa

6. Giá trị nội dung

- Văn bản như một câu hỏi gợi mở: nếu có người mắc kẹt trên Sao Hỏa, liệu chúng ta có đưa anh ta quay về Trái Đất an toàn được không?

- Ca ngợi sự bình tĩnh, thông minh của nhà phi hành gia Mác Oát – ni trước những sự cố bất ngờ

7. Giá trị nghệ thuật

- Nghệ thuật dựng cảnh độc đáo

- Xây dựng tình huống truyện hấp dẫn

- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện để nhân vật bộc lộ phẩm chất tính cách của mình.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Nhật trình Sol 6

1. Hoàn cảnh của nhân vật “tôi”

- Đoàn phi hành gia không may mắn khi gặp phải một trận bão cát ác liệt trên Sao Hỏa trong chuyến du hành.

- Họ buộc phải dừng nhiệm vụ và trở về chiếc MAV

- Những phi hành gia phải đi ra ngoài trong cơn bão gió từ căn Háp đến chiếc MAV

- Nhân vật “tôi” thật không may mắn khi bị chiếc ăng ten dài mỏng đâm thẳng vào người và bị hút vào cơn gió lốc

→ Hoàn cảnh hiểm nguy, trớ trêu xảy ra với nhân vật “tôi”

2. Cách đối diện với thử thách của nhân vật “tôi”

Tuyệt vọng

- Nghĩ đến cái chết và mong chết đi cho rồi: “Tiếng bíp bíp đều đặn đáng ghét cuối cùng cũng kéo tôi tỉnh lại từ khao khát mãnh liệt sâu sắc rằng xin được chết đi cho rồi”, “vì sao tôi chưa chết, chết nữa, chết mãi đi cho rồi”

Gắng gượng tìm lấy sự sống

- Tự sửa chữa bộ đồ phi hành của mình

- Tự băng bó lại vết thương

- Bình thản chờ đợi kết cục

→ Hoàn cảnh trớ trêu của nhân vật “tôi” từ đó thấy được những hiểm nguy, vất vả, gian nan của nghề phi hành gia.

IV. Đọc tác phẩm: Nhật trình Sol 6

(1) […] Bạn có thể tưởng tượng tôi thất vọng thế nào khi phát hiện chiếc MAV đã biến mất. Một chuỗi sự kiện điên rồ đã dẫn đến việc tôi suýt chết. Rồi một chuỗi sự kiện còn điên rồ hơn dẫn đến việc tôi sống sót.

Phi vụ bay được thiết kế để có thể chịu được một cơn bão cát với sức gió tận 150 km/h. Nên cũng dễ hiểu khi Hiu-xtơn (Houston) thấy lo lắng khi chúng tôi bị một cơn gió với vận tốc 175 km/h quất một phát. Tất cả chúng tôi mặc bộ đồ phi hành của mình vào và tụm lại với nhau ở giữa căn Háp, để phòng khi bị mất áp suất. Nhưng căn Háp không phải là vấn đề.

Chiếc MAV là một con tàu không gian. Nó có nhiều bộ phận tinh xảo. Nó có thể chịu những cơn bão đến độ nào đó nhưng chỉ là nó không thể bị bão cát đánh vào mãi được. Sau một giờ rưỡi chịu trận, những cơn gió không dứt, NASA ra lệnh hủy nhiệm vụ. Không ai muốn ngừng một phi một tháng chỉ mới sau sáu ngày nhưng nếu chiếc MAV chịu thêm sự trừng phạt nào nữa thì tất cả chúng tôi đều bị mắc kẹt ở đây.

Chúng tôi phải đi ra ngoài trong cơn bão từ chỗ căn Háp đến chiếc MAV. Chuyện đó khá là mạo hiểm, nhưng chúng tôi có sự lựa chọn nào khác chứ? Mọi người đều đến nơi, trừ tôi.

Đĩa liên lạc chính của chúng tôi, dùng để gửi tín hiệu từ căn Háp đến Hơ-mét, hoạt động như một cái dù bay, đã bị dỡ khỏi bệ đỡ và bị thổi bay theo dòng xoáy. Trên đường bay, nó đâm sầm vào mạng ăng-ten thu tầm. Rồi một trong những chiếc ăng-ten dài mỏng bay thẳng, đâm vào người tôi. Nó xuyên thủng qua bộ đồ của tôi ngọt xớt như đạn bắn vào bơ sữa và tôi cảm nhận được cơn đau đớn nhất cuộc đời mình, như thế nó đã xé toạc một bên người tôi. Tôi nhớ mang máng bỗng dưng cơn gió hút mạnh vào người tôi và đôi tai tôi ù lên đau đớn khi áp suất trong bộ đồ của tôi giảm dần, xì hết ra ngoài.

Điều cuối cùng tôi nhớ là đã thấy Giô-han-xen (Johanssen) tuyệt vọng nhìn theo hướng của tôi.

 Tôi thức dậy nhờ tiếng báo động oxi (oxygen) trong bộ đồ. Tiếng bíp bíp đều đặn đáng ghét cuối cùng cũng kéo tôi tỉnh lại từ khao khát mãnh liệt sâu sắc rằng xin được chết đi cho rồi.

Cơn bão đã dịu đi; tôi đang nằm sấp, gần như bị chôn vùi trong cát. Khi tôi chếnh choáng đứng lên, tôi tự hỏi vì sao tôi chưa chết, chết nữa, chết mãi cho rồi.

Chiếc ăng-ten có đủ lực để chọc xuyên thủng bộ đồ và bên hông tôi, nhưng nó bị khung chậu của tôi chặn lại. Cho nên chỉ có một cái lỗ trên bộ đồ (và đương nhiên một cái lỗ trên người tôi).

Tôi đã bị đánh bật ra khá xa về phía sau và lăn xuống một ngọn đồi dốc. Bằng cách nào đó, mặt tôi tiếp đất, nhờ đó, chiếc ăng-ten phải nằm vào một góc chếch sắc đến độ đưa một lực xoáy rất lớn vào cái lỗ trên áo. […]

Rồi, một dòng máu tuôn trào từ vết thương của tôi chảy xuống cái lỗ. Khi máu đến chỗ rách, lượng nước trong máu nhanh chóng bốc hơi do dòng khí lưu thông và áp suất thấp, để lại một đống cặn. Thêm máu rỉ rả chảy ra và chúng được khử nước, còn lại cặn. Cuối cùng, máu đóng lại những khe hở quanh cái lỗ và giảm sự rò rỉ xuống, đủ cho bộ đồ trung hòa trở lại.

Bộ đồ du hành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó. Khi áp suất bị giảm, nó liên tục tự làm đầy bằng khí lấy từ bình nitơ (nitrogen) của tôi để cân bằng. Một khi lỗ rỉ có thể tự câm cự được, nó chỉ phải chầm chậm nhỏ giọt không khí mới để bù vào lượng khí đã mật. [...]

Cứ mỗi bước trong các quá trình trên đều đã có báo động kêu bim bíp, hết báo nguy rồi đến cảnh báo. Nhưng chính báo động nhiều oxi là thứ đã đánh thức tôi. Lượng kiến thức bao gồm trong những buổi huấn luyện cho một chuyến du hành không gian thật đáng kinh ngạc. Khi còn ở Trái Đất, tôi đã dành cả tuần lễ chỉ để luyện tập những tình huống khẩn cấp khi áo du hành gặp trục trặc. Tôi biết phải làm gì. Cẩn thận xem bên hông mũ áo, tôi lấy bộ đồ nghề sửa lỗ thủng. Nó chẳng khác gì mấy với một ống phễu có van ở đầu nhỏ, và có một loại nhựa dính không thể tin được ở đầu to. Nó hoạt động khi bạn mở van và để đầu to lên trên lỗ thủng. Khí có thể thoát ra khỏi van, và không can thiệp vào chuyện nhựa dán lỗ kín lại. Rồi bạn đóng van lại, thế là bạn đã dán được chỗ thủng.

Cái khó là phải lấy chiếc ăng-ten ra cho khỏi choán chỗ. Tôi kéo nó ra thật nhanh trong khả năng của mình, người tôi co rúm vì áp suất bị giảm bất ngờ làm tôi chóng mặt, tôi thét gào trong đau đớn. Tôi lấy bộ đồ nghề và dán lỗ thủng kín lại. Nó giữ kín được. Nhưng bộ đồ lại lấp đầy lượng khí bị mất bằng cách thêm oxi vào nữa. Kiểm tra thiết bị trên tay áo, tôi thấy bộ áo hiện đã có 85% là khí oxi. So với tỉ lệ khí quyển Trái Đất khoảng 21%, tôi sẽ không sao, miễn là đừng ở trong tình trạng này quá lâu.

(2) Tôi loạng choạng đi lên đồi trở về căn Háp. Khi nhấp nhô bước lên đến đỉnh, tôi thấy một thứ khiến tôi vui mừng khôn tả và một thứ khiến tôi buồn da diết: Căn Háp vẫn nguyên vẹn và chiếc MAV đã đi rồi.

Ngay lúc đó, tôi biết mình đã tàn đời. Nhưng tôi không muốn chết ngay trên bề mặt này. Tôi khập khiễng về căn Háp và lần mò tìm cái khoá khí. Ngay khi nó được trung hoà, tôi ném cái mũ của mình ra. Bước vào căn Háp, tôi cởi bộ đồ phi hành và lần đầu được xem xét rõ ràng vết thương của mình. Nó cần được khâu lại. May thay, tất cả bọn tôi đều được huấn luyện những thủ thuật y tế cơ bản, và vật dụng y tế được trang bị trong căn Háp thật quá xuất sắc. Một mũi tiêm nhanh để gây tê, lau chùi sạch sẽ, chín mũi khâu, thể là xong. Tôi sẽ phải uống thuốc kháng sinh vài tuần, nhưng ngoài chuyện đó ra thì tôi sẽ ổn thôi.

Tôi biết đó là vô vọng, nhưng tôi vẫn cố khởi động thiết bị liên lạc. Không có đem theo cả chiếc ăng ten thu tín hiệu nữa. Căn Háp có hệ thống liên lạc phụ thứ hai tín hiệu, đương nhiên rồi. Đĩa vệ tinh chính đã tách rời, nhớ không nào? Và nó còn và thứ ba, nhưng chúng chỉ để liên lạc với chiếc MAV, và nó lại phải dùng một hệ thống mạnh hơn thì mới chuyển tải thông tin đến Hơ-mét được. Cái nữa là, cách đo chỉ thực hiện được khi chiếc MAV vẫn còn đây. Tôi không có cách nào để liên lạc được với Hơ-mét. [...]

Khi kiểm tra bộ đồ của mình, tôi thấy chiếc ăng-ten đã quét thủng máy tính giám sát hoạt động sinh học của tôi. Khi ở trên EVA, tất cả những bộ đồ của cả đoàn đều mang để chúng tôi có thể biết trạng thái của nhau. Những người còn lại trong phi hành đoàn đã thấy áp suất trong áo tôi tụt xuống gần con số không, kế đó là những tín hiệu sinh học hoàn toàn không còn. Thêm vào cảnh tôi bị ngã lăn xuống đồi với một ngọn giáo xuyên thủng vào người giữa cơn bão cát... Vâng. Họ nghĩ rằng tôi đã chết. Làm sao mà lại không nghĩ thế cơ chứ?

Họ có lẽ còn có một thảo luận ngắn ngủi tìm cách lấy xác tôi về, nhưng quy định đã rõ ràng. Trong trường hợp một phi hành gia chết trên Sao Hoả, anh ta sẽ ở lại trên Sao Hoả. Để xác lại đó sẽ giảm trọng lượng của chiếc MAV trong chuyến khứ hồi. Có nghĩa là có thêm nhiên liệu cũng như tăng thêm giới hạn sai sót được phép trong cú xuất phát trở về. Chẳng có lí do gì mà bỏ chuyện đó vì những tình cảm uỷ mị.

Tình hình là vậy đó. Tôi mắc kẹt trên Sao Hoả. Tôi không có cách nào liên lạc được với Hơ-mét hoặc Trái Đất. Ai cũng nghĩ tôi đã chết. Tôi ở trong căn Háp được thiết kế để dùng đến 31 ngày.

Nếu máy tạo oxi bị hỏng, tôi sẽ chết ngộp. Nếu máy lọc nước bị hỏng, tôi sẽ chết khát. Nếu căn Háp thủng lỗ, chỉ là tôi sẽ nổ tung mà thôi. Nếu không có cái nào trong ba trường hợp đó xảy ra, rồi tôi cũng sẽ hết thức ăn và đói đến chết.

Vâng, thế đấy. Chết tôi rồi.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Chất làm gỉ

Tác giả - tác phẩm: Nhật trình Sol 6

Tác giả - tác phẩm: Thiên nhiên và con người trong truyện “Đất rừng phương Nam”

Tác giả - tác phẩm: Vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng gà trưa”

Tác giả - tác phẩm: Sức hấp dẫn của tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển”

Đánh giá

0

0 đánh giá