Văn bản Cốm vòng - Vũ Bằng - Nội dung, tác giả, tác phẩm

5.1 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Cốm vòng Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Cốm vòng lớp 7.

Cốm vòng - Ngữ văn lớp 7

I. Tác giả Vũ Bằng

Cốm vòng | Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

1. Tiểu sử

- Vũ Bằng (03/06/1913-07/04/1984), tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng. sinh tại Hà Nội

- Quê quán: làng Lương Ngọc, huyện Bình Ginag, tỉnh Hải Dương

- Gia đình: cha mất sớm, Vũ Bằng ở với mẹ là chủ một tiệm bán sách ở phố Hàng Gai (Hà Nội) nên không bị thiếu thốn.

2. Sự nghiệp

- Ngay còn nhỏ đã say mê viết văn, làm báo. Năm 116 tuổi ông đã có truyện đăng báo, liền sau đó ông lao vào nghề văn, nghề báo với tất cả niềm say mê

- Năm 17 tuổi, ông xuất bản tác phẩm đầu tay Lọ Văn

- Ngay còn lúc rất trẻ, ông đã là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký toàn soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn…
- Phong cách sáng tác: trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở; văn phong tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế.

- Các tác phẩm tiêu biểu: Lọ Văn (tập văn trào phúng, 1931), Miếng ngon Hà Nội (bút kí, 1960), Miếng lạ miền Nam (bút kí, 1969), Thương nhớ mười hai (bút kí, 1972)...

II. Tìm hiểu tác phẩm Cốm vòng

1. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ

- Thuộc chương 8 trong Miếng ngon Hà Nội (1952)

- Vài nét về tác phẩm Miếng ngon Hà Nội: là một tác phẩm bút ký tập trung giới thiệu mười lăm món ăn đặc sản của Hà Nội cũng như cảm nhận, tâm tình và kỷ niệm của tác giả với Hà Nội thông qua các món ăn.

b. Thể loại

Văn bản Cốm vòng thuộc thể loại tùy bút

c. Phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt của văn bản Cốm vòng là tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm

2. Giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Giá trị nội dung của văn bản Cốm vòng

Qua văn bản, ta thấy tâm hồn của nhà thơ Vũ Bằng là một tâm hồn tinh tế, bay bổng, thiết tha, ông có một tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước sâu sắc, sự trân trọng và nâng niu món ăn dân dã, bình dị của người dân Việt Nam

b. Giá trị nghệ thuật của văn bản Cốm vòng

- Ngôn ngữ giàu cảm xúc

- Lối viết hấp dẫn, thú vị

- Cách triển khai ý kiến, lí lẽ mạch lạc, rõ ràng

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Cốm Vòng

1. Giới thiệu về cốm

- Cốm và hồng nhìn tương phản nhưng thực chất khi ăn cùng lại nâng vị ngon của nhau lên. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh: “như trai gái xứng đôi” 

- Hình ảnh những cô gái làng Vòng đi bán cốm thật mộc mạc, bình dị: “đầu trùm nón lá” vắt vẻo đi từ sớm “tinh mơ” lên phố bán cốm.

- Thôn Vòng Hậu và Vòng Sở ở Làng Vòng chính là nơi sản xuất ra cốm. 

- Cốm nguyên là cái hạt non của “thóc nếp hoa vàng” . 

- Mùi cốm thấm mùi cỏ, mùi đất quê hương làm ta “nhẹ nhõm”, “phơi phới”

→ Cốm là món quà đặc trưng của quê hương

2. Các công đoạn làm ra cốm

- Lúa ngắt ở cánh đồng về, phải tuốt cho những hạt thóc rơi ra, mà không được “vò hay đập” 

- Những người đàn bà làng Vòng khéo léo đảo cốm sao cho thật dẻo, lửa thật đều, củi phải dùng “củi gỗ cháy âm” 

- Người làm ra cốm giã cốm cũng phải đều tay, không được giã nặng hay nhẹ quá 

- Thóc giã ra rồi sàng

- Tiếp theo, họ đến công đoạn hồ cốm: “lấy mạ giã ra hòa với nước”, làm thành thứ nước màu xanh lá cây để hồ cốm 

- Cuối cùng được trình bày trên lá chuối, lá sen để đem đi bán. 

→  Qua những công đoạn để làm ra món cốm làng Vòng thơm ngon, ta thấy được ở đó sự tinh tế, khéo léo, tỉ mẩn của những người làm ra cốm

3. Tác giả bày tỏ suy nghĩ về cách thưởng thức cốm

- Cốm là một thứ quà “trang nhã của Thần Nông”, được đem từ những đồng quê bát ngát của tổ tiên để lại cho ta

- Người thưởng thức cốm cũng phải thật tinh tế, thanh lịch: “nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm”

→ Tình cảm yêu mến, trân trọng của tác giả dành cho cốm – thứ quà quê hương

IV. Đọc tác phẩm: Cốm Vòng

[…]

Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai gái như hồng và cốm!

Mầu sắc tương phản mà lại tôn lẫn nhau lên; đến cái vị của hai thức đó, tưởng là xung khắc mà ai ngờ lại cũng thắm đượm với nhau! Một thứ gì giản dị mà thanh khiết, một thứ thì chói lọi mà vương giả; nhưng đến lúc ăn vào thì vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, […] như trai gái xứng đôi, như trai gái vừa đôi… mà những mảnh lá chuối tước tơi để đệm hồng chính là những sợi tơ hồng quấn quýt.

Có ai, một buổi sáng mùa thu, ngồi nhìn ra đường phố, thấy những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu đương?

Đó là những cô gái mộc mạc ưa nhìn “đầu trùm nón lá” vắt vẻo đi từ tinh mơ lên phố để bán cốm cho khách Hà Nội có tiếng là sành ăn.

Nhưng tại sao lại chỉ có con giá, đàn bà làng Vòng đi bán cốm? Mà tại sao trong tất cả đồng quê đất Việt ngút ngàn những ruộng lúa thơm tho lại chỉ riêng có làng Vòng sản ra được cốm?

Đó là một câu hỏi mà đến bây giờ người ta vẫn còn thắc mắc, chưa nhất thiết trả lời phân minh bề nào. Là tại vì đất làng Vòng được tưới bón với một phương pháp riêng nên ruộng của họ sản xuất ra được thứ lúa riêng làm cốm? Hay là tại vì nghệ thuật truyền thống rất tinh vi của người làng Vòng nên cốm của họ đặc biệt thơm ngon?

Dù sao, ta cũng nên biết rằng làng Vòng (ở cách Hà Nội độ sáu, bảy cây số) chia ra làm bốn thôn là Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung; nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là sản xuất được cốm quý.

Cốm nguyên là cái hạt non của “thóc nếp hoa vàng”. Một ngày đầu tháng tám, đi dạo những vùng trồng lúa đó, ta sẽ thấy ngào ngạt mùi lúa chín xen với mùi cỏ, mùi đất của quê hương làm cho ta nhẹ nhõm và đôi khi… phơi phới.

Hỡi anh đi đường cái, hãy cúi xuống hái lấy một bông lúa mà xem. Hạt thóc nếp hoa vàng trông cũng giống hạt thóc nếp thường, nhưng nhỏ hơn một chút mà cũng tròn trặn hơn. Anh nhấm thử một hạt, sẽ thấy ở đầu lưỡi ngọt như sữa người.

Người làng Vòng đi ngắt lúa về và nội trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ phải bắt tay vào việc chế hóa hạt thóc ra thành cốm.

[…]

Lúa ngắt đem ở cánh đồng về, kị nhất là không được vò hay đập, nhưng phải tuốt để cho những hạt thóc vàng rơi ra. Người ta cho rằng bí quyết của cốm Vòng là lúc đem đảo ở trong những nồi rang.

Tất cả cái khéo tay, cộng với những kinh nghiệm lâu đời xui cho người đàn bà làng Vòng đảo cốm trong những nồi rang vừa dẻo; lửa lúc nào cũng phải đều; nhất là củi đun phải là thứ củi gỗ cháy âm, chứ không được dùng đến củi rơm hay củi đóm.

Công việc xay, gãi cũng cần phải gượng nhẹ, chu đáo như vậy: chày giã không được nặng quá, mà giã thì phải đều tay, không được chậm vì cốm sẽ nguội đi, thứ nhất là phải đào từ dưới lên, từ trên xuống cho đều, không lỏi.

Những hạt thóc nào hái vừa vặn thì dẻo; hơi già, ăn cứng mình; mà non quá, hãy còn nhiều sữa thì quánh lại với nhau từng mảng. Thứ cốm sau đó gọi là cốm dót.

Thóc giã xong rồi, người ta sàng. Trấu bay ra cùng với những hạt cốm nhẹ nhàng nhất: cốm đó là cốm đầu nia. Còn các thứ cốm khác thì là cốm thường, nhưng tất cả ba thứ đó không phải sàng sảy xong là đã ăn được ngay đâu; còn phải qua một giai đoạn nữa là hồ.

Người ta lấy mạ giã ra, hòa với nước, làm thành một thứ phẩm xanh màu lá cây rồi hồ cốm cho thật đều tay: cốm đương mộc mạc, nổi hẳn màu lên và duyên dáng như cô gái dậy thì bỗng tự nhiên đẹp trội lên trong một buổi sáng mùa xuân tươi tốt.

Bây giờ, chỉ còn việc trình bày nữa là xong: cốm được tãi ra thật mỏng trên những mảnh lá chuối hay những cái lá sen (người ta gọi thế là lá cốm hay mẻ cốm) rồi xếp vào thúng để gánh đi bán, tinh khiết và thơm tho lạ lùng. […]

Đã có lúc ngồi nhìn người hàng cốm xẻ từng mẻ cốm sang chiếc lá sen to để gói lại cho khách hàng, tôi đã tẩn mẩn ngẫm nghĩ nhiều. Ờ mà thật vậy, sao cứ phải là lá sen mới gói được cốm? Mà sao cứ phải là rơm tươi của cây lúa mới đem buộc được gói cốm? Có một khi tôi đã thử tưởng tượng người ta dùng giấy bóng kính tốt đẹp để gói cốm và dùng dây lụa để buộc gói cốm, nhưng mới thoáng nghĩ như thế, tôi đã thấy tất cả một sự lố lăng, tất cả một sự thô kệch, nói tóm lại là tất cả một sự… khó thương! Còn gì là cốm nữa! Làm vậy, cốm có còn là cốm đâu!

Cốm, một món quà trang nhã của Thần Nông đem từ những đồng quê bát ngát của tổ tiên ta lại cho ta, không thể hứng chịu được những cái gì phàm tục.

Vì thế, ăn miếng cốm cho ra miếng cốm, người ta cũng cần phải tỏ ra một chút gì thanh lịch, cao quý; phải biết tiếc từng hạt rơi, hạt vãi, và nhất là phải ăn từng chút một, lấy ngón tay nhón lấy từng chút một, chứ không được phũ phàng.

Ta vừa nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm thoang thoảng mùi lúa đòng đòng, tính chất ngọt của cốm phiêu phiêu như khí trời trong sạch và ta sẽ thấy rằng ăn một miếng cốm vào miệng là ta nuốt cả hương thơm của những cánh đồng quê của ông cha ta vào lòng. Dịu dàng biết chừng nào! Mà cảm khái nhường bao!

[…]
Xem thêm tại: https://loigiaihay.com/van-ban-com-vong-a116210.html

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Sức hấp dẫn của truyện ngắn chiếc lá cuối cùng

Tác giả - tác phẩm: Cốm Vòng

Tác giả - tác phẩm: Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát

Tác giả - tác phẩm: Thu sang

Tác giả - tác phẩm: Mùa phơi sân trước

Đánh giá

0

0 đánh giá