Sách bài tập Ngữ Văn 7 Viết trang 8 | Kết nối tri thức

550

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Viết trang 8 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Viết trang 8

Bài tập 1 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Viết đoạn văn (8 - 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về lời con kiến nói với con mối (từ Kiến rằng: “Trên địa cầu muôn loại đến Nhà kia đổ xuống đi đời các anh”) trong truyện ngụ ngôn Con mối và con kiến của Nam Hương.

Trả lời:

- Tuy bài tập chỉ yêu cầu trình bày ý kiến về quan niệm của kiến, nhưng để viết đúng hướng, em cần đọc lại cả truyện để thấy được lối sống khác nhau giữa mối và kiến (mối thì không nhấc tay động chân việc gì, chỉ “đục vào chỗ ở” mà vẫn đầy đủ mọi thứ và “béo trục béo tròn”; ngược lại, kiến thì “làm ăn tìm kiếm khắp ngày” mà cơ thể vẫn gầy gò). Đặc biệt, cần chú ý thái độ và lời con mối nói với con kiến, khiến kiến phải đáp lại bằng những lời thẳng thắn, sắc sảo.

- Xem lại yêu cầu viết bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống ở SGK, tr. 16

để nắm được các bước thực hiện.

- Em có thể đặt ra một số câu hỏi, suy nghĩ cách trả lời nhằm tìm ý cho đoạn văn. Ví dụ: Theo kiến, đâu là quy luật chung trong sự sinh tồn của muôn loài? Có loài nào đứng ngoài quy luật chung được không? Vì sao mỗi loài cần chấp nhận khó nhọc? Hành động tệ hại nào của mối đã bị kiến vạch trần? Hậu quả của những hành động đó là gì? Mượn lời của kiến, tác giả muốn nói gì với con người?

- Kiểm soát dung lượng, bố cục đoạn văn và các yêu cầu về diễn đạt.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Trong truyện ngụ ngôn “Con mối và con kiến” của Nam Hương, con kiến đã nói với con mối rằng: “Trên địa cầu muôn loại…. Nhà kia đổ xuống đi đời các anh”. Đấy là lời đáp thẳng thắn và sắc sảo của Kiến dành cho Mối. Nếu như mối kia không muốn lao động, sợ vất vả, chỉ biết hưởng thụ trước mắt và nghĩ đến bản thân thì kiến lại có hiểu biết, nắm vững quy luật “có làm thì mới có ăn”. Những kẻ chỉ biết hưởng thụ mà không lao động như mối thì của cải dẫu có bao nhiêu cũng sẽ hết. Hơn nữa kiến biết lo xa, biết rằng “sinh tồn là cuộc khó khăn” nên kiến luôn chăm chỉ, cố gắng tích luỹ để cuộc sống được đầy đủ, bền vững, dài lâu. Dù biết lao động vất vả có thể làm cơ thể gầy mòn, kiến vẫn luôn chăm chỉ, bởi sự vất vả đó có ích cho đàn, cho tổ, nói rộng ra là có ích cho cộng đồng, cho cả con cháu mai sau. Mượn lời của kiến, tác giả muốn nói với con người quan niệm sống rằng: Trên đời này, thực tế là không ai mong muốn một cuộc sống vất vả; ai cũng mong muốn được sống an nhàn, ăn ngon, mặc đẹp. Tuy nhiên, nếu chỉ sống hưởng thụ mà không biết lao động, chỉ biết hưởng thụ cho mình mà không có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, đất nước, thì cuộc sống như vậy không chỉ không thể bền lâu, mà còn là cuộc sống vô ích.

Bài Tập 2 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nêu cách hiểu của em về câu tục ngữ: "Đói cho sạch, rách cho thơm.". Lập dàn ý cho đề văn trên.

Trả lời:

- Giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”:

+ "Đói" và "rách" biểu hiện cho sự nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn đến cùng cực của con người

+ "sạch" và "thơm" biểu hiện cho sự sạch sẽ, thơm tho, tươm tất

+ “Đói cho sạch, rách cho thơm” mang ý nghĩa: dù đói rách, cùng khổ hay gặp khó khăn vất vả cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, sống ngay thẳng, trong sạch.

+ Giá trị của câu tục ngữ: Là đạo lý giáo hóa, khuyên răn sâu sắc giúp con người gìn giữ nhân phẩm và đạo đức.

- Gợi ý về cách lập dàn ý:

I. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm": Ông cha ta từ xa xưa đã nhắc nhở con cháu dù sống trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho trong sạch, thanh cao, điển hình là câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm"

II. Thân bài

1. Nêu số tiếng, cách ngắt nhịp, hiệp vần trong câu tục ngữ.

2. Giải thích nghĩa của các từ và nghĩa của câu tục ngữ.

- Giải thích:

+ Đói, rách: "Đói và rách" chính là tượng trưng cho hai yếu tố ăn và mặc, đói là trạng thái ăn không đủ no, thiếu thốn, lúc nào cũng phải lo miếng cơm ăn. Rách là biểu hiện ở quần áo mặc trên người không được lành lặn tươm tất, chắp chỗ này vá chỗ kia

+ Sạch, thơm: "Sạch và thơm" là tính từ nói chung về cách ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh, mặc đồ gọn gàng, thơm tho

+ Nghĩa tường minh: Dù có đói đến đâu cũng phải tìm miếng ăn sạch sẽ để ăn, dù có phải mặc quần áo rách cũng phải giữ cho thơm tho, đừng để hôi hám bẩn thỉu

+ Nghĩa hàm ẩn: Dù có phải sống trong nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc nhưng vẫn phải sống sao cho trong sạch, thanh cao và lành mạnh

- Bình luận:

+ Là một quan niệm sống tốt đẹp

+ Là sự tự khẳng định phẩm giá và nhân cách con người

+ Nhắc nhở con người phải biết vươn lên hoàn cảnh, không bị hoàn cảnh làm tha hóa nhân cách

3. Trình bày ý nghĩa của câu tục ngữ đối với đời sống hiện nay: Vẫn còn nguyên vẹn giá trị với mọi thế hệ, trong mọi hoàn cảnh, …

III. Kết bài: Liên hệ đến đời sống của bản thân.

Bài học nhận thức qua câu tục ngữ: Câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" dù ở thời đại nào vẫn giữ nguyên giá trị, có thể nói câu tục ngữ như đại diện cho nhân cách con người Việt Nam, giống như những bông hoa sen vẫn đẹp rạng rỡ thanh cao và ngát hương giữa bùn lầy.

Đánh giá

0

0 đánh giá