Chuyên đề Lịch sử 10 Cánh diều Chuyên đề 1: Các lĩnh vực của Sử học

12.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 1: Các lĩnh vực của Sử học sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Lịch sử 10. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Lịch sử 10 Chuyên đề 1: Các lĩnh vực của Sử học

I. Thông sử và lịch sử theo lĩnh vực

Mở đầu trang 4 Chuyên đề Lịch sử 10Lịch sử thường được trình bày bằng những cách nào? Lịch sử được phân chia theo những lĩnh vực nào? Thế nào là lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới? Nội dung chính của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới; đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế Việt Nam là gì?

Trả lời:

- Lịch sử thường được trình bày theo 2 cách: câu truyện lịch sử bằng lời kể và lịch sử thành văn

- Lịch sử được phân chia thành 4 lĩnh vực: lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng, lịch sử xã hội và lịch sử kinh tế.

- Phân biệt lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới:

+ Lịch sử dân tộc: là lịch sử của một quốc gia.

+ Lịch sử thế giới: là lịch sử chung của các quốc gia - dân tộc trên thế giới.

- Đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hóa Việt Nam

+ Đối tượng: là những giá trị vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử. Do tính đa dạng đó, đối tượng thường tập trung vào những giá trị văn hoá cốt lõi, tiêu biểu.

+ Phạm vi: là những giá trị vật chất và tinh thần trên lãnh thổ Việt Nam (về không gian) từ khi con người xuất hiện đến nay (về thời gian).

- Đối tượng và phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam

+ Đối tượng: là hệ thống những quan điểm, nhận thức của người Việt Nam về tự nhiên, xã hội và con người trong quá khứ.

+ Phạm vi: tập trung vào hai lĩnh vực chính là tư tưởng chính trị và tư tưởng tôn giáo.

- Đối tượng và phạm vi của lịch sử xã hội Việt Nam

+ Đối tượng của lịch sử xã hội Việt Nam là những vấn đề xã hội diễn ra trong quá khứ.

+ Phạm vi của lịch sử xã hội Việt Nam là những lĩnh vực như cơ cấu giai cấp, quan hệ xã hội, phân tầng xã hội,...

- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của lịch sử kinh tế Việt Nam:

+ Đối tượng: là các nền kinh tế, các hiện tượng và lĩnh vực kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam trong quá khứ.

Phạm vi: chủ yếu tập trung vào các ngành kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ,... và mối quan hệ giữa các ngành kinh tế đó trong nền kinh tế nói chung.

1. Khái quát về một số cách trình bày lịch sử truyền thống

Câu hỏi trang 6 Chuyên đề Lịch sử 10Đọc thông tin và quan sát các hình từ 1.1 đến 1.5, hãy nêu tóm tắt một số cách trình bày lịch sử truyền thống. Lấy ví dụ.

Trả lời:

Lịch sử truyền thống thường được trình bày qua những cách thức khác nhau, phổ biến nhất là các câu chuyện lịch sử bằng lời kể, tác phẩm lịch sử thành văn.

- Câu chuyện lịch sử bằng lời kể:

+ Không có tác giả cụ thể

+ Được truyền miệng từ đời này sang đời khác.

+ Nội dung truyện thường có yếu tố hoang đường.

+ Một số câu chuyện có thể được sưu tầm và biên soạn thành sách.

+ Ví dụ: sự tích bánh chưng, bánh giày; truyện Phù Đổng Thiên vương; truyền thuyết An Dương vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy; (sách) Lĩnh Nam chích quái…

Tác phẩm lịch sử thành văn là công trình lịch sử được trình bày bằng chữ viết. Về cơ bản, các tác phẩm lịch sử thành văn được trình bày theo hai cách khác nhau:

+ Công trình ghi chép lịch sử (xuất hiện từ thời cổ đại, gồm: sử biên niên, sử kỉ truyện, sử cương mục, sử thực lục, tiểu thuyết lịch sử,...). Ví dụ, các bộ sử: sử kí Tư Ma Thiên; Đại Việt sử kí toàn thư; Khâm định Việt sử thông giám cương mục; Đại Nam thực lục…

+ Công trình nghiên cứu lịch sử (xuất hiện phổ biến từ thế kỉ XIX, gồm: sách chuyên khảo, bài báo, luận văn, luận án,...). Ví dụ: sách Lịch sử Đông Nam Á từ nguyên thủy đến ngày nay do GS. Lương Ninh (chủ biên); sách chuyên khảo “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam từ 1940 – 2000” của GS. Vũ Dương Ninh…

Ngoài ra,  lịch sử còn được trình bày và thể hiện thông qua phim, kịch, chèo, tuồng, lễ hội,... Ví dụ: vở chèo “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt; phim tài liệu “Hà Nội 12 ngày đêm”; lễ cày Tịch điền ở Đọi Sơn (Hà Nam)…

2. Thông sử

Câu hỏi trang 6 Chuyên đề Lịch sử 10: Đọc thông tin, hãy:

- Giải thích khái niệm thông sử.

- Nêu nội dung chính của thông sử.

Trả lời:

Khái niệm: Thông sử là lịch sử trình bày một cách có hệ thống, toàn diện về các lĩnh vực của đời sống con người trong quá khứ.

Nội dung chính của thông sử thường tập trung vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

3. Lịch sử theo lĩnh vực

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Lịch sử 10Đọc thông tin và quan sát sơ đồ hình 1.1, hình 1.6, hãy nêu khái quát một số lĩnh vực của lịch sử. Giải thích ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực

Trả lời:

- Một số lĩnh vực của lịch sử:

+ Lịch sử văn hóa: nghiên cứu về những thành tựu vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra

+ Lịch sử tư tưởng: nghiên cứu về hệ thống những quan điểm, nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội và con người.

+ Lịch sử kinh tế: nghiên cứu về các hoạt động của con người liên quan đến quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối của cải vật chất.

+ Lịch sử xã hội: nghiên cứu về quan hệ xã hội, phân tầng xã hội, cơ cấu giai cấp, mâu thuẫn xã hội

- Ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực:

+ Tìm hiểu, cung cấp những tri thức chuyên sâu về một lĩnh vực trong quá khứ

+ Giúp bổ sung và làm phong phú thêm tri thức tổng quát về lịch sử.

4. Lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát các hình 1.7, 1.8 hãy nêu khái niệm và nội dung chính của lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới

Trả lời:

- Lịch sử dân tộc:

+ Khái niệm: là lịch sử của một quốc gia. Ví dụ: lịch sử Việt Nam, lịch sử Nhật Bản,...

+ Nội dung chính: phản ánh quá trình vận động, phát triển của quốc gia - dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội,... Quá trình này là lịch sử chung của các địa phương, các dân tộc đã và đang tạo thành dân tộc đó.

- Lịch sử thế giới:

+ Khái niệm: là lịch sử chung của các quốc gia - dân tộc trên thế giới.

+ Nội dung chính: phản ánh về quá trình vận động, phát triển của nhân loại theo tiến trình thời gian. Quá trình này là sản phẩm tương tác của nhiều chủ thể và lực lượng lịch sử, không phải là phép cộng đơn thuần của lịch sử tất cả các quốc gia, cũng không chỉ giới hạn ở lịch sử của một số quốc gia - dân tộc có vai trò nổi bật.

II. Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam

1. Lịch sử văn hóa Việt Nam

Câu hỏi trang 10 Chuyên đề Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát các hình từ 1.9 đến 1.12, hãy:

- Nêu đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hóa Việt Nam

- Tóm tắt những nét chính của lịch sử văn hóa Việt Nam trên trục thời gian.

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hóa Việt Nam

- Đối tượng: là những giá trị vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử. Do tính đa dạng đó, đối tượng thường tập trung vào những giá trị văn hoá cốt lõi, tiêu biểu.

- Phạm vi: là những giá trị vật chất và tinh thần trên lãnh thổ Việt Nam (về không gian) từ khi con người xuất hiện đến nay (về thời gian).

Yêu cầu số 2: sơ đồ trục thời gian (tham khảo)

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam – Cánh diều (ảnh 1)

2. Lịch sử tư tưởng Việt Nam

Câu hỏi trang 11 Chuyên đề Lịch sử 10Đọc thông tin và quan sát các hình từ 1.13 đến 1.16, hãy:

- Nêu đối tượng và phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam

- Tóm tắt những nét chính của lịch sử tư tưởng Việt Nam trên trục thời gian

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Đối tượng và phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam

- Đối tượng: là hệ thống những quan điểm, nhận thức của người Việt Nam về tự nhiên, xã hội và con người trong quá khứ.

- Phạm vi: tập trung vào hai lĩnh vực chính là tư tưởng chính trị và tư tưởng tôn giáo.

Yêu cầu số 2: sơ đồ trục thời gian (tham khảo)

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam – Cánh diều (ảnh 1)

3. Lịch sử xã hội Việt Nam

Câu hỏi trang 13 Chuyên đề Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát hình 1.17, hãy:

- Nêu đối tượng và phạm vi của lịch sử xã hội Việt Nam

- Tóm tắt những nét chính của lịch sử xã hội Việt Nam trên trục thời gian

Trả lời:

Yêu cầu số 1: Đối tượng và phạm vi của lịch sử xã hội Việt Nam

- Đối tượng của lịch sử xã hội Việt Nam là những vấn đề xã hội diễn ra trong quá khứ.

- Phạm vi của lịch sử xã hội Việt Nam là những lĩnh vực như cơ cấu giai cấp, quan hệ xã hội, phân tầng xã hội,...

Yêu cầu số 2: Sơ đồ trục thời gian (tham khảo)

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam – Cánh diều (ảnh 1)

4. Lịch sử kinh tế Việt Nam

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Đọc thông tin và quan sát hình 1.18 đến 1.21, hãy:

- Giải thích đối tượng của lịch sử kinh tế Việt Nam. Lấy ví dụ về một công trình lịch sử kinh tế Việt Nam

- Tóm tắt những nét chính của lịch sử kinh tế Việt Nam trên trục thời gian

Trả lời:

Yêu cầu số 1:

Đối tượng của lịch sử kinh tế Việt Nam là các nền kinh tế, các hiện tượng và lĩnh vực kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam trong quá khứ.

- Ví dụ: một số công trình lịch sử kinh tế Việt Nam:

+ Sách Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989 của tác giả Đặng Phong

+ Sách Lịch sử kinh tế Việt Nam của tác giả Võ Văn Sen

+ Sách Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 – 2000 do tác giả Đặng Phong (chủ biên).

Yêu cầu số 2: Sơ đồ trục thời gian (tham khảo)

Chuyên đề Lịch sử 10 Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam – Cánh diều (ảnh 1)

Câu 1 trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới khác nhau như thế nào?

Trả lời:

  Lịch sử dân tộc Lịch sử thế giới
Khái niệm Là lịch sử của một quốc gia. - Là lịch sử chung của các quốc gia - dân tộc trên thế giới
Nội dung - Là quá trình vận động, phát triển của quốc gia - dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội,... - Là quá trình vận động, phát triển của nhân loại theo tiến trình thời gian.

Câu 2 trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Đọc đoạn trích dưới đây trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) và cho biết cuốn sách này được trình bày theo cách nào?

“Ất Mão, năm thứ 4 (1075). (Tống, năm Hi Ninh thứ 8). Bắt đầu khảo thi học trò bằng ba kì thi.

Tuyển lấy những người minh kinh bác học và thi nho học bằng ba kì thi. Lê Văn Thịnh đỗ đầu, được lựa vào hầu vua học tập. Khoa cử nước ta bắt đầu từ đấy.

Mùng 1, tháng 8, mùa thu. Nhật thực. Sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành, không được, kéo quân về.

Tháng 11, mùa đông. Sai bọn Lý Thường Kiệt đem đại binh sang đánh nhà Tông, phá được Khâm Châu và Liêm Châu”.

Trả lời:

- Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) là công trình ghi chép lịch sử được biên soạn theo lối biên niên (tức là: ghi chép lịch sử theo trình tự thời gian).

Câu 3 trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Lập bảng khái quát đặc điểm nổi bật của tư tưởng Việt Nam qua các thời kì lịch sử theo gợi ý sau:

Thời kì Đặc điểm nổi bật
? ?

Trả lời:

Thời kì Đặc điểm nổi bật
Thời nguyên thủy - Người Việt cổ tin rằng sau khi chết sẽ sang “thế giới bên kia"- Sùng bái sức mạnh tự nhiên.
Thời kì dựng nước - Tin vào “thế giới bên kia”- Sùng bái sức mạnh tự nhiên.- Tư duy về sự đoàn kết, thống nhất dân tộc được hình thành.
Thời Bắc thuộc (thế kỉ VII TCN - - Các tư tưởng từ thời dựng nước tiếp tục duy trì, phát triển.- Tiếp thu những hệ tư tưởng từ bên ngoài như: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Thời kì quân chủ độc lập - Nho giáo luôn là hệ tư tưởng chính trị chính thống. - Tư tưởng lấy dân làm gốc;  trọng dụng hiền tài được chú trọng.
Thời kì Pháp thuộc - Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, tư tưởng dân chủ tư sản du nhập vào Việt Nam- Đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam.
Thời kì hiện đại Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng chủ yếu của xã hội Việt Nam.

Câu 4 trang 16 Chuyên đề Lịch sử 10: Sưu tầm, lựa chọn 10 sự kiện lịch sử kinh tế Việt Nam thời kì Đổi mới và trình bày theo cách biên niên.

Trả lời:

- Năm 1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương đổi mới đất nước một cách toàn diện và triệt để, trong đó, trọng tâm là đổi mới về kinh tế.

- Năm 1989, Nhà nước phân quyền sử dụng và chuyển giao quyền sử dụng đất cho từng hộ gia đình theo Nghị quyết 10 (Khoán 10), xóa bỏ độc quyền nhà nước trong hoạt động ngoại thương; bãi bỏ chế độ tem phiếu và kiểm soát giá cả.

- Năm 1990, nhiều chính sách mới trở thành đòn bẩy đưa đất nước bước vào một giai đoạn mới, ổn định hơn, ví dụ như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Thuế doanh thu…

- Năm 1992, Việt Nam kí kết với các nước EU Hiệp định buôn bán hàng dệt may

- Năm 1993, Việt Nam tham gia vào Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN; Việt Nam bình thường hóa quan hệ với 3 định chế tài chính quốc tế lớn là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

- Năm 1997, Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

- Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (ký tháng 7/2000, có hiệu lực từ tháng 12/2001) là bước tiến tiếp theo trong tiến trình hội nhập.

- Tháng 12/2004, Hiệp định về tiếp cận thị trường song phương Việt Nam – EU được kí tắt. Tiếp theo Hiệp định này, EU đồng ý ngừng áp dụng các hạn chế bằng hạn ngạch đối với hàng dệt-may nhập khẩu từ Việt Nam qua Hiệp định "thu hoạch sớm". Ðổi lại, Việt Nam đồng ý chính thức hóa cam kết không phân biệt đối xử với các công ty EU và một số biện pháp mở cửa thị trường trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp EU quan tâm.

- Năm 2007, Việt Nam ra nhập WTO và trở thành thành viên tứ 150 của tổ chức này

- Năm 2008, Việt Nam  đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo

Đánh giá

0

0 đánh giá