Văn bản Đêm trăng và cây sồi - Lép Tôn-xtôi - Nội dung, tác giả, tác phẩm

594

Tài liệu tác giả tác phẩm Đêm trăng và cây sồi Ngữ văn lớp 12 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Đêm trăng và cây sồi lớp 12.

Tác giả tác phẩm: Đêm trăng và cây sồi - Ngữ văn 12

I. Tác giả Lép Tôn-xtôi

Văn bản Đêm trăng và cây sồi - Lép Tôn-xtôi - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 1)

- Lép Tôn-xtôi (1828-1910), là nhà văn vĩ đại của Nga và thế giới

- Các sáng tác của ông luôn tìm tòi sự thật, về bản chất con người Nga. Ông coi quần chúng nhân dân như người sáng tạo lịch sử, như ngọn nguồn đạo đức và sức mạnh của cộng đồng.

- Tác phẩm tiêu biểu: Thời thơ ấu (1852); Thời niên thiếu (1855); Nguời tù Kavzaz (1863); Chiến tranh và hòa bình (1865); Anna Karenina (1877);…

II. Tìm hiểu văn bản Đêm trăng và cây sồi

1. Thể loại

- Tác phẩm Đêm trăng và cây sồi thuộc thể loại: tiểu thuyết.

2. Xuất xứ

- In trong Chiến tranh và hoà bình, tập một, NXB Văn học, Hà Nội, 2017.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự.

4. Tóm tắt

Đoạn trích kể về cuộc gặp gỡ vô tình giữa An-đrây và Na-ta-sa trong chuyến đi đến nhà bá tước Rô-xtốp. Thể hiện những thay đổi trong tâm trạng của An-đrây trong và sau chuyến đi đến nhà bá tước Rô-xtốp.

5. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (từ đầu đến…ngủ thiếp đi): cuộc gặp gỡ vô tình giữa An-đrây và Na-ta-sa.

- Phần 2 (đoạn còn lại): tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc của nhân vật An-drây.

6. Giá trị nội dung

- Đoạn trích kể về cuộc gặp gỡ vô tình giữa An-đrây và Na-ta-sa trong chuyến đi đến nhà bá tước Rô-xtốp. Thể hiện những thay đổi trong tâm trạng của An-đrây trong và sau chuyến đi đến nhà bá tước Rô-xtốp.

 7. Giá trị nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí con người đặc sắc.

- Sử dụng ngôn ngữ độc thoại, đối thoại linh hoạt, tinh vi.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Đêm trăng và cây sồi

1. Nhân vật Na-ta-sa

- An-đrây chú ý đến Na-ta-sa trong tình huống: Anh đến nhà bá tước Rô-xtop thỉnh cầu về công việc, anh chú ý đến Na-ta-sa đang vui đùa trong đám thanh niên, anh mấy lần nhìn cô và băn khoăn trong lòng về cô.

- Na-ta-sa mang một vẻ đẹp của sức sống, cô luôn vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy nhiệt huyết. Là “một cô gái mảnh dẻ, xinh xắn” mang tâm hồn bay bổng, thể hiện rõ nhất qua đêm trăng thơ mộng.

Đêm trăng và cây sồi - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

2. Khung cảnh đêm trăng và cây sồi già

- Đó là một đêm trăng tràn đầy ánh trăng, không khí mát mẻ, trong sáng và yên tĩnh, nền trời trong sáng, lác đác mấy vì sao.

=> Chính tại đêm trăng đấy, chàng một lần nữa tình cờ gặp gỡ Na-ta-sa ở tầng trên. Cả hai người đều đăm chiêu trước vẻ đẹp đêm trăng ấy, hai tâm hồn gặp gỡ, hòa quyện.

- An-đrây quan tâm đến cây sồi già bên đường vì chàng có những ấn tượng khó quên “Chàng bỗng vô cớ có cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong người mình đổi mới, sống lại”, “Chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình”

- Những chi tiết cho thấy sự thay đổi của cây sồi già :

+ “Cây sồi già đã hoàn toàn đổi mới, tỏa rộng một vòm lá xum xuê xanh tốt”

+ “Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết nứt sứt sẹo”

=> Cây sồi tượng trưng cho thế giới nội tâm của chính nhân vật An-đrây. Từ cảm xúc buồn bã, chán nản, bi quan của An-đrây đầu chuyến đi xa, giờ đây đã trở thành một tâm hồn hồi sinh, tràn ngập lòng yêu đời, yêu sự sống. Tác giả sử dụng thiên nhiên làm tấm gương phản ánh tâm lý con người.

3. Nhân vật An-đrây

- Diễn biến tâm trạng của nhân vật An-đrây:

+ Đầu đoạn trích, An-đrây mang tâm trạng không vui và tư lự đến nhà bá tước Rô-xtop thỉnh cầu về công việc

+ Lần đầu gặp gỡ với Na-ta-sa, anh cảm thấy “chợt thấy lòng se lại”, mọi thứ xung quanh đều trở nên rực rỡ, tươi vui.

+ Khi gặp lại cây sồi : “bỗng vô cớ có cảm giác vui mừng, sảng khoái” sau đó anh “nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình”

+ Những dòng suy tư, thức tỉnh về cuộc đời “Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt”, sống sao cho “cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta”

=> Tác giả thể hiện quá trình phát triển tâm lý con người đạt đến trình độ phân tích tâm lý xuất sắc. Ông luôn coi cuộc sống là một quá trình vận động và tâm lý con người “như một dòng sông”, lưu chuyển không ngừng.

IV. Đọc tác phẩm: Đêm trăng và cây sồi

Đêm trăng và cây sồi

(Trích Chiến tranh và hòa bình)

Lép – tôn – xtôi

Vì những công việc giám hộ điền trang Ri-a-dan (Ryazan), công tước An-đrây phải tiếp xúc với viên đô thống quý tộc là bá tước I-ly-a An-đrây-ê-vích Rô-xốp (Ilya Andreyevich Rostov), và vào trung tuần tháng Năm, công tước An-đrây đến nhà ông ta.

Mùa xuân bấy giờ đã chuyển sang tiết oi bức. Rừng đã khoác bộ áo xanh um tùm, không khi đầy bụi và khí trời nóng nực đến nỗi hễ đi ngang chỗ có nước là thấy thèm tắm.

Công tước An-đrây lòng không vui và tư lự vì nghĩ tới việc phải đến thỉnh cầu viên đô thống quý tộc về công việc. Xe chàng tiến vào khu vườn lớn của gia đình Rô-xtốp ở Ô-trát-nổi-ê (Otradnoye). Về bên phải, sau mấy khóm cây, chàng bỗng nghe một giọng con gái vui vẻ reo lên, rồi thấy một tốp thiếu nữ chạy ùa về phía lối xe đi. Người chạy trước đến gần xe nhất là một cô thiếu nữ mắt đen, tóc đen, vóc người mảnh dẻ lạ lùng, mặc chiếc áo dài bằng vải hoa vàng, đầu chít một tấm khăn mùi soa trắng để tuột ra ngoài mấy món tóc rối. Cô thiếu nữ vừa chạy vừa cất tiếng reo to, nhưng chợt nhận ra người lạ, cô nhìn lảng đi nơi khác rồi phì cười bỏ chạy trở lại.

Công tước An-đrây chợt thấy lòng se lại, chẳng hiểu vì sao. Ngày hôm nay trời đẹp quá, ánh nắng rực rỡ quá, chung quanh tươi vui quá, và cô gái mảnh dẻ, xinh xắn kia không hề biết và không muốn biết rằng có chàng tồn tại trên đời này, cô bằng lòng và vui sướng với cuộc sống riêng của mình – chắc là một cuộc sống vô nghĩa nhưng vui tươi và hạnh phúc.

“Cô ta có chuyện gì mà vui thế? Cô nghĩ đến cái gì? Hẳn không phải đến quy chế quân sự hay việc tổ chức nông dân ở điền trang Ri-a-dan. Cô ta nghĩ gì thế? Cái gì làm cho cô ta sung sướng?” – Công tước An-đrây bất giác băn khoăn tự hỏi.

Bá tước I-li-a An-đrây-ê-vích năm 1809 cũng sống ở Ô-trát-nổi-ê như mọi năm trước, nghĩa là tiếp đãi hầu hết cả tỉnh, suốt ngày săn bắn, tiệc tùng, diễn kịch, đàn sáo.

Cũng như đối với bất cứ người khách nào mới đến, bá tước Rô-xốp mừng rỡ tiếp đãi Suốt một ngày dài dằng dặc, công tước An-đrây phải trò chuyện với hai ông bà Rô-xtốp và các vị thượng khách đến chật cả nhà để dự mấy ngày lễ thánh sắp đến.

Bôn-côn-xki mấy lần nhìn Na-ta-sa vui đùa giữa đám thanh niên, trong lòng cứ băn khoăn tự hỏi: “Không biết cô ấy nghĩ gì? Cái gì làm cô ta sung sướng thế?”.

Đến tối, nằm một mình trong phòng lạ, chàng lạ nhà không sao ngủ được. Chàng lấy sách đọc, rồi tắt nến đi, rồi lại thắp lên. Căn phòng đóng cửa sổ kín mít, rất nóng bức. Chàng thấy bực cái lão giả ngốc nghếch kia (chàng gọi bá tước Rô-xtốp như vậy) đã giữ chàng lại, bảo là các giấy tờ cần thiết đang ở trên tỉnh, còn phải cho người lên lấy. Chàng nghĩ bực mình sao mình lại ở lại đây làm gì.

Công tước An-đrây đứng dậy, ra mở cửa sổ. Chàng vừa mở cánh cửa chớp ra thì ánh trăng lùa vào phòng, tựa hồ nãy giờ đã chực sẵn từ lâu ngoài cửa sổ. Chàng mở rộng cửa. Đêm hôm ấy mát mẻ, trong sáng và yên tĩnh. Ngay trước cửa sổ có một hàng cây xén phẳng, một phía thì tối đen, phía kia thì óng ánh như bạc. Ở phía dưới hàng cây cao có những khóm cây gì ướt mọng, cánh lá lăn tăn phản chiếu ánh trăng bạc. Xa hơn, ở phía sau hàng cây đen có một cái nhà sương đọng lấp lánh, về phía bên phải có một cây to um tùm, thân và cành đều trắng muốt, và ở phía trên là vầng trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao. Công tước An-đrây chống khuỷu tay lên khung cửa sổ, mắt chàng dăm dăm nhìn lên bầu trời.

Phòng của công tước An-đrây ở tầng giữa, các phòng tầng trên cũng có người, họ cũng chưa ngủ. Chàng nghe có tiếng nói của một người con gái ở phía trên vắng xuống:

– Một lần nữa thôi mà. – Công tước An-đrây nhận ngay ra giọng người con gái vừa nói câu này.

- Thế thì bao giờ cô mới chịu đi ngủ? – Một giọng khác đáp lại.

- Em không ngủ, em không thể ngủ được đâu, biết làm thể nào được! Nào, lần cuối cùng thôi mà...

Hai giọng phụ nữ hoà nhau hát một câu, có lẽ là câu cuối của một bài nhạc nào đấy.

– Chà, tuyệt quá! Thôi, bây giờ thì ngủ nhé.

– Chị đi ngủ đi, còn em thì chịu. – Giọng người ban nãy đáp, nghe như đang đi ra phía cửa sổ. Có lẽ cô thiếu nữ nhô hẳn người ra ngoài cửa sổ, vì có thể nghe rõ cả tiếng áo sột soạt và tiếng thở. Mọi vật đều im bặt và lắng lại như vầng trăng, như ánh trăng và bóng tối trong vườn. Công tước An-đrây cũng không dám cử động, sợ mấy cô gái ở tầng trên biết mình đang thức. Giọng nói ban đầu lại vắng xuống:

– Xô-nhi-a (Sonya)! Xô-nhi-a! Ngủ làm sao được kia chứ! Xem này, tuyệt quá! Ôi! Đẹp quá đi mất! Kìa dậy đi, chị Xô-nhi-a. – Giọng nói nghe gần như muốn khóc. – Thật chưa bao giờ, chưa bao giờ có một đêm huyền diệu như thế này.

Xô-nhi-a cằn nhằn đáp lại một câu gì không rõ.

– Không, chị phải ra đây xem cơ, trăng đẹp quá...

Ôi! Tuyệt quá! Chị ra đây. Xô-nhi-a ơi, Xô-nhi-a yêu quý của em, chị ra đây! Đấy, chị thấy không? Đây này, cứ ngồi xổm như thế này nhé, vòng tay xuống dưới hai đầu gối thế này ôm thật chặt, thật chặt vào, phải cố lấy sức thì thế nào cũng bay bổng lên cho mà xem. Đây này!

– Thôi thôi, lại ngã bây giờ.

Có tiếng hai người giằng co nhau, rồi giọng trách móc của Xô-nhi-a.

– Hơn một giờ sáng rồi còn gì.

— Ô, chị thì chỉ làm hỏng hết cái thú của em thôi. Chị đi đi, đi đi....

Mọi vật lại im lặng, nhưng công tước An-đrây biết rằng nàng vẫn ngồi đấy; thỉnh thoảng chàng lại nghe tiếng cử động khe khẽ, thỉnh thoảng lại có tiếng thở dài.

- Ồ, trời ơi! Trời ơi! Làm sao thế này! - Nàng bỗng kêu lên. – Thôi, đi ngủ thì đi ngủ vậy! – Rồi nàng đóng cửa lại.

“Vẫn không hay biết gì đến ta!” – Công tước An-đrây nghĩ trong khi lắng tai nghe tiếng nói của nàng, và không hiểu tại sao, chàng cứ chờ đợi và sợ rằng nàng sẽ nói một điều gì về mình. “Lại cô ấy, cứ như là cố tình vậy.” – Chàng nghĩ. Trong tâm hồn chàng bỗng trào lên một mở ý nghĩ rối ren bất ngờ cùng với bao nhiêu hi vọng trẻ trung không ăn nhập gì với cuộc đời chàng. Cảm thấy mình không đủ sức hiểu nổi tâm trạng mới mẻ của mình, công tước An-đrây vào giường ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, công tước An-đrây từ biệt mỗi một mình lão bá tước và ra về trước khi các tiểu thư xuống phòng khách.

Bấy giờ đã là đầu tháng Sáu. Trên đường về nhà, công tước An-đrây lại đi ngang khóm rừng bạch dương có cây sồi già đã từng gợi cho chàng những ấn tượng kì lạ khó quên. Tiếng lục lạc trong rừng nghe còn mơ hồ xa xăm hơn một tháng rưỡi trước đây. Cánh rừng đã rậm rạp và um tùm thông non rải rác trong rừng không còn tương phản với cảnh đẹp chung quanh, bây giờ chúng đã hoà mình vào khung cảnh chung, đã đâm những búp chồi non xanh mịn.

Suốt ngày hôm ấy, trời oi bức. Đâu đây một trận dông đang sửa soạn kéo đến, nhưng chỉ có một đám mây đen nhỏ hắt mấy giọt mưa trên bụi đường và trên khóm lá xanh mọng. Phía bên trái, cánh rừng tối sẫm với những bóng cây rợp mát; phía bên phải, rừng ẩm ướt, bóng lộn, lá cây óng ánh dưới nắng, chỉ khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Cảnh vật đều nở hoa, có tiếng hoạ mi thánh thót khi xa khi gần.

“Phải, ở đây, trong khóm rừng này có cây sồi mà dạo nọ ta đã từng đồng tình. – Công tước An-đrây nghĩ thầm. – Nó đâu rồi nhỉ?”. Chàng nhìn sang bên trái đường và bất giác đưa mắt ngắm nghía một cây sồi lớn, không nhận ra rằng đây chính là cây sồi mà chàng đang tìm kiếm. Cây sồi già bây giờ đã hoàn toàn đổi mới, toả rộng một vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang như say sưa ngất ngây, khẽ đung đưa trong ánh nắng chiều.

Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rầu trước kia cũng không còn dấu vết. Xuyên qua lớp vỏ cứng giả hàng thế kỉ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được rằng, chính cây sồi cằn cỗi kia đã sinh ra những chòm lá xanh mơn mởn ấy.

“Phải, chính cây sồi dạo trước.” – Công tước An-đrây nghĩ, và chàng bỗng vô cớ có một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại. Và trong cùng một lúc, chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình. Chiến trường Au-xtéc-lít với bầu trời cao lồng lộng, khuôn mặt đầy vẻ trách móc của vợ khi đã tắt thở, Pi-e trên chuyến phà, người con gái bồi hồi rung động trước cảnh đẹp đêm ấy, và cả cái đêm hôm ấy, vầng trăng – tất cả những cái đó đều cùng hiện lên trong kí ức của chàng.

“Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt! Công tước An-đrây đột nhiên nghĩ thầm, và ý nghĩ này có cái sức mạnh của một điều quyết định, không thể nào thay đổi được nữa. - Ta biết rõ những gì ở trong ta ư? Không đủ. Phải làm thế nào cho mọi người cùng đều biết kia: cả Pi-e, cả người con gái đêm nào muốn bay lên trời; phải làm sao cho mọi người đều biết rõ ta, sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta, sao cho họ dừng sống cách biệt với cuộc sống của ta như vậy, sao cho cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta!”.

(Chiến tranh và hoà bình, tập một, NXB Văn học, Hà Nội, 2017)

V. Văn mẫu

Đề: Em thích nhất hình ảnh, nhân vật hoặc sự việc nào trong đoạn trích? Vì sao?

Mẫu 1:

Em thích nhất hình ảnh cây sồi già bên đường. Bởi lẽ đó là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa và tư tưởng. Cây sồi tượng trưng cho thế giới nội tâm của nhân vật An-đrây. Sự thay đổi của cây sồi với những mần xanh mơn mởn chính là biểu tượng cho một tâm hồn hồi sinh, tràn ngập lòng yêu đời, yêu sự sống. Thông qua hình ảnh cây sồi, Lép Tôn-xtôi đã lấy thiên nhiên làm tấm gương phản chiếu tâm hồn con người, đưa nghệ thuật miêu tả tâm lý lên một tầm cao mới với những biến thái tinh vi và sâu sắc hơn.

Mẫu 2:

Em thích nhất là hình ảnh An-đrây trong đoạn trích vì em thấy được An-đrây hiện lên là một chàng trai thông minh, sắc sảo, tinh tế, giàu nghị lực và nhiều hoài bão. Là mẫu người quý tộc tiên tiến, lý tưởng của thời đại, của nước Nga thế kỷ XIX, là người khao khát sống chân thực, cao thượng, căm ghét mọi giả dối, xấu xa, thấp hèn, luôn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về chân lý, hạnh phúc, về những giá trị đạo đức, tinh thần. 

Đánh giá

0

0 đánh giá