Văn bản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp - Nội dung, tác giả, tác phẩm

197

Tài liệu tác giả tác phẩm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp Ngữ văn lớp 12 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp lớp 12.

Tác giả tác phẩm: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp - Ngữ văn 12

I. Tác giả

- Bài viết của người biên soạn sách.

II. Tìm hiểu văn bản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp

1. Thể loại

- Tác phẩm Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp thuộc thể loại: nghị luận văn học.

2. Xuất xứ

- In trong Ngữ văn 12, tập hai, Lã Nhâm Thìn, Đỗ Ngọc Thống (đồng Tổng Chủ biên), NXB Đại học Huế, 2024.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

4. Tóm tắt

Văn bản Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp nói về những thông tin quan trọng, liên quan tới sự nghiệp của Người. Người là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất và cũng là nhà văn, nhà thơ lớn.

5. Bố cục đoạn trích

- Phần 1: Hồ Chí Minh – Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

- Phần 2: Hồ Chí Minh – Nhà văn, nhà thơ lớn.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản đem đến những thông tin về bối cảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20, quê hương, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc và sự nghiệp văn học của Người. 

- Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thường phản ánh và gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của Người, là một phong cách nghệ thuật vừa đa dạng, vừa thống nhất. Bác không chỉ là một nhà văn, nhà thơ lớn mà còn là một người lãnh đạo cách mạng tài ba của Việt Nam.

7. Giá trị nghệ thuật

- Bài viết đã đề cập đến cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với sức thuyết phục cao bởi lập luận chặt chẽ, chứng cứ phong phú, xác thực, cụ thể.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp

1. Những điểm nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc

- Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của Người biểu hiện :

+ Tất cả các sáng tác của người đều hướng đến mục đích lớn nhất – sự nghiệp giải phóng dân tộc.

+ Nội dung sáng tác của Người tập trung vào đề tài chống thực dân, phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc.

+ Thơ của người thương thể hiện tình cảm sâu nặng đối với đất nước, ca ngợi, động viên những con người kháng chiến.

- Sự nghiệp văn học lớn lao và phong phú :

+ Người viết bằng nhiều thể loại với bút pháp và phong cách khác nhau. Nổi bật trong sự nghiệp của Người là các tác phẩm văn nghị luận, truyện và kí, thơ ca.

+ Các tác phẩm của Người được viết bằng nhiều ngôn ngữ ( tiếng Pháp, tiếng Hán, chữ Quốc ngữ)

+ Sự nghiệp văn học của Người mang lại giá trị tinh thần to lớn, để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn người dân Việt và bạn bè quốc tế

- Phong cách nghệ thuật của người: đa dạng được thể hiện qua các tác phẩm của Người được viết dưới nhiều thể loại, nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng chúng đều mang tính thống nhất. Tính thống nhất ấy đến từ việc tất cả các sáng tác của người đều hướng đến mục đích lớn nhất – sự nghiệp giải phóng dân tộc.

IV. Đọc tác phẩm: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp

I. Hồ Chí Minh – Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất

1. Anh hùng dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969) thuở nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác. Từ năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, quê ở làng Kim Liên (làng Sen), nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Song thân của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Thuở nhỏ, Nguyễn Tất Thành học chữ Hán, sau đó học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường Quốc học Huế. Năm 1910, Người vào dạy học ở trường Dục Thanh, ít lâu sau, vào Sài Gòn rồi từ đó ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Từ năm 1912 đến 1916, Nguyễn Tất Thành ở Mỹ và Anh. Năm 1918, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước. Năm 1919, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị hoà bình họp ở Véc-xây (Versailles, Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam2, kí tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Người tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Từ năm 1923 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ yếu hoạt động ở Nga, Trung Quốc, Thái Lan. Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 2-1941, Người về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị lực lượng để giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946), Người được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Tiếp đó, Người lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhằm giữ vững độc lập, tự do của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh đã sớm hấp thụ truyền thống văn hoá của dân tộc mà giá trị tập trung nhất là lòng yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, tinh thần khoan dung, nhân ái,...

Từ ngày ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc Việt Nam.

Người đã lãnh đạo dân tộc ta làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh đổ chế độ thuộc địa phong kiến, thành lập nhà nước Việt Nam mới, dẫn dắt dân tộc qua các cuộc kháng chiến,... Người là hiện thân cho khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

2. Danh nhân văn hoá kiệt xuất

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà yêu nước, nhà cách mạng, Anh hùng dân tộc mà còn là nhà văn hoá kiệt xuất.

Đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá thể hiện rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, từ sáng tác văn học nghệ thuật đến báo chí, tuyên truyền, giáo dục; từ những lời huấn thị đến các hoạt động thực tiễn;... Hoạt động văn hoá của Người không chỉ ở phương diện lí luận mà còn toả sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

Cốt lõi của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, “Dân tộc trên hết”, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hầu như tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống văn hoá, văn học nghệ thuật, Người đều quan tâm và có những ý kiến rõ ràng, sâu sắc và nhất quán.

Về văn học, Hồ Chí Minh luôn quan niệm văn chương trước hết là vũ khí chiến đấu. Người từng nói: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em

là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Hồ Chí Minh rất linh hoạt trong việc xác định rõ mục đích và đối tượng hướng tới, từ đó mới quyết định nội dung và cách viết. Với quan niệm ấy, Người đã tạo nên một sự nghiệp văn học rất đa dạng, phong phú cả ở văn nghệ thuật và văn tuyên truyền. Về báo chí, Người là một bậc thầy, là người đặt nền móng và có nhiều đóng góp trong việc phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Về giáo dục, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục lớn, có những cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới,....

Do những đóng góp hết sức quan trọng và to lớn về sự nghiệp giải phóng dân tộc và về văn hoá của Người, năm 1990, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận và tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.

II. Hồ Chí Minh – Nhà văn, nhà thơ lớn

1. Một sự nghiệp văn học lớn lao và phong phú

Sinh thời, Hồ Chí Minh không tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, nhưng thực tiễn toàn bộ sáng tác thơ văn của Người với hàng trăm tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau là một bằng chứng hùng hồn về một sự nghiệp văn học lớn lao.

Sự phong phú, đa dạng trong sự nghiệp văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều phương diện. Xuất phát từ “ham muốn tột bậc” là đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, Hồ Chí Minh coi văn chương trước hết phải là vũ khí chiến đấu, có đối tượng và mục đích rõ ràng. Vì thế, Người viết bằng nhiều thể loại với những bút pháp và phong cách khác nhau; viết bằng nhiều ngôn ngữ, khi viết bằng tiếng Pháp, lúc viết bằng tiếng Hán, nhiều sáng tác bằng tiếng Việt (chữ Quốc ngữ),... Nổi bật lên trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh là các tác phẩm văn nghị luận, truyện và kí, thơ ca.

Văn nghị luận của Hồ Chí Minh gồm những tác phẩm chủ yếu nhằm mục đích đấu tranh chính trị, phục vụ cách mạng qua các chặng đường lịch sử. Từ những năm đầu của thế kỉ XX, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, bằng tiếng Pháp, Người đã viết rất nhiều bài báo chính luận đăng trên các tờ báo Người cùng khổ (Le Paria), Nhân đạo (L’Humanité),... Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Française) đã vạch trần chính sách vô nhân đạo, tội ác và sự lừa dối của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa từ những bằng chứng xác thực, lí lẽ đanh thép, lời văn sắc bén,...

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập – một văn kiện lịch sử bất hủ, một tác phẩm nghị luận mẫu mực: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục...

Trong các giai đoạn sau này, Hồ Chí Minh còn viết nhiều tác phẩm nghị luận nổi tiếng khác, đặc biệt là các bài viết trong những thời khắc lịch sử của dân tộc. Đó là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Người viết nhằm kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được; lời kêu gọi Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966), Người viết khi đế quốc Mỹ ồ ạt ném bom đánh phá miền Bắc. Cuối đời, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc (1969) đầy ân tình, thiết tha, vừa thể hiện tầm nhìn sâu rộng vừa thể hiện tình yêu thương mênh mông vô tận với đồng bào, đồng chí,... Các tác phẩm này không chỉ là những văn kiện lịch sử quý giá mà còn là những áng văn nghị luận mẫu mực; nội dung đều là các vấn đề trọng đại, sâu sắc, lời văn hào hùng, tha thiết, có tác động mạnh mẽ đến trái tim và khối óc của hàng trăm triệu con người.

Truyện và kí dù chiếm số lượng không nhiều trong sự nghiệp văn học của Người nhưng cũng để lại nhiều thành tựu, mang rõ dấu ấn phong cách Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh.

Về truyện, có thể kể một số truyện ngắn ra đời vào những năm 1922 – 1925 được Người viết bằng tiếng Pháp như Pa-ri, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, “Vi hành”, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Con người biết mùi hun khói,... Đây là các tác phẩm văn chương hư cấu, thường nhân một sự kiện, sự việc, câu chuyện có thật, Người tưởng tượng và sáng tạo ra nhằm thể hiện tư tưởng, thái độ của mình. Chẳng hạn, nhân tin quốc vương nước Nam là Khải Định sắp làm “khách của nước Pháp”, Người viết các truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc, “Vi hành”. Trước sự kiện nhà cách mạng Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc (1925) ở Trung Quốc giải về giam ở Hoả Lò – Hà Nội và sắp bị xử bắn, còn Va-ren thì chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, Người viết truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu. Với các tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng hình ảnh biếm hoạ sắc sảo về ông vua bù nhìn Khải Định, tên thực dân Va-ren trơ tráo, giả dối và dựng lên hình tượng Phan Bội Châu uy nghi, lẫm liệt,... Truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc rất cô đọng, tình huống độc đáo, cốt truyện sáng tạo; có sự quan sát tinh tường, trí tưởng tượng phong phú và lời văn linh hoạt, hóm hỉnh, sắc sảo.

Về kí, ngoài tác phẩm Nhật kí chìm tàu (1931), Hồ Chí Minh còn có tập hồi kí Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963) ghi bút danh là T. Lan,... Qua tập hồi kí này, người đọc thấy hiện lên một “cái tôi” rất đỗi trẻ trung và hồn nhiên, giản dị; thể hiện một tình cảm chân thành, nồng hậu,...

Thơ ca là lĩnh vực mang lại các giá trị sáng tạo văn học nổi bật, thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh. Trước hết phải kể đến tác phẩm Nhật kí trong tù, tập thơ được Người viết bằng chữ Hán trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc ở tỉnh Quảng Tây từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943. Với 133 bài thơ, Nhật kí trong tù phản ánh tâm hồn, tình cảm nhân đạo, ý chí kiên cường và nhân cách cao đẹp của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”) trong hoàn cảnh cực khổ chốn lao tù. Nhật kí trong tù cũng là bức tranh hiện thực đầy cảnh bất công, tàn bạo được Người tái hiện một cách sinh động, chân thực nhằm tố cáo mạnh mẽ chế độ nhà tù của Quốc dân đảng. Tập thơ chan chứa tình cảm nhân đạo và một tinh thần lạc quan cách mạng – từ trong ngục tối, Người luôn nhìn ra ánh sáng, hướng đến tương lai:

“Trong ngục giờ đây còn tối mịt,

Ảnh hồng trước mặt đã bừng soi”

(Buổi sớm)

Ngoài Nhật kí trong tù, còn có những bài thơ Người viết ở Việt Bắc từ năm 1941 đến 1945 và trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thơ Hồ Chí Minh viết trong các giai đoạn trên gồm những bài thơ tuyên truyền vận động cách mạng (nhiều nhất là thời kì xây dựng mặt trận Việt Minh) và thơ trữ tình. Thơ trữ tình của Người hầu hết là thơ tứ tuyệt Đường luật, có các bài viết bằng tiếng Việt như Tức cảnh Pác Bó, Cảnh rừng Việt Bắc, Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy, Thăm lại Pác Bó, Không đề 2, Không đề 3,..., nhiều bài viết bằng chữ Hán như Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Tặng Bùi công (Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn), Thu dạ (Đêm thu), Báo tiệp (Tin thắng trận), Đăng sơn (Lên núi),... Đây là những bài thơ thể hiện tình cảm sâu nặng của Hồ Chí Minh đối với đất nước, ca ngợi, động viên những con người kháng chiến. Những bài thơ này cũng thể hiện một tài năng lớn, một tâm hồn nghệ sĩ phong phú, tinh tế trước vẻ đẹp của tạo vật và tình người.

2. Một phong cách nghệ thuật đa dạng mà thống nhất

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Thế thì viết cái gì?”, “Cách viết thế nào?”). Và chính toàn bộ sự nghiệp báo chí và văn học nghệ thuật của Người là bằng chứng hùng hồn cho quan điểm viết ấy.

Phong cách nghệ thuật đa dạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thể hiện ở đề tài, mục đích, nội dung, thể loại và cách viết rất khác nhau.

Từ những năm 20 của thế kỉ XX tại Pháp, Người đã viết truyện ngắn “Vi hành” và hàng loạt truyện, kí. Những tác phẩm này chủ yếu hướng đến công chúng Pháp nên viết bằng tiếng Pháp với văn phong hài hước, châm biếm kiểu Pháp. Đó là những áng văn xuôi theo phong cách châu Âu hiện đại.

Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho cả thế giới, nói với cả kẻ thù đang âm mưu xâm lược đất nước ta. Vì thế, nội dung là lời tuyên bố hùng hồn về quyền bình đẳng, độc lập, tự do của một dân tộc, là quyết tâm giữ gìn độc lập, tự do của dân tộc cho nên lời văn hào sảng, mạnh mẽ, đanh thép và truyền cảm,...

Nhật kí trong tù là Hồ Chí Minh viết cho chính mình, nội dung ghi lại những sinh hoạt hằng ngày ở nhiều thời khắc khác nhau trong tù ngục. Tập thơ viết bằng chữ Hán theo thể thơ Đường luật rất cô đọng, hàm súc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi viết cho mình hoặc viết tặng những nhân sĩ, trí thức uyên thâm Hán học, Người làm các bài thơ Đường luật bằng chữ Hán như Nguyên tiêu, Tặng Võ công (Tặng cụ Võ Liêm Sơn), Tặng Bùi công, Báo tiệp,... Những bài thơ này là tiếng nói sâu sắc và tinh tế của tâm hồn Hồ Chí Minh: hồn nhiên, lạc quan mà thâm trầm; trẻ trung, hiện đại mà đậm đà phong vị cổ điển; đầy chí khí mà chan chứa tình người; nặng lòng lo việc nước mà vẫn dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên;...

Trong thời kì tiền khởi nghĩa, để tuyên truyền vận động cách mạng rộng rãi cho các tầng lớp, nhất là dân nghèo không biết chữ, Người đã viết các bài ca bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng châm ngôn, tục ngữ, ca dao, hò, vè nôm na, dễ thuộc, dễ nhớ như Bài ca du kích, Ca dân cày, Ca binh linh, Nhóm lửa, Con cáo và tổ ong....

Phong cách nghệ thuật Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vừa đa dạng vừa thống nhất. Thống nhất bởi tất cả sự nghiệp sáng tác của Người chủ yếu hướng đến mục đích lớn nhất là vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân — điều mà Người từng tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”. Do mục đích ấy nên nội dung các sáng tác của Người chủ yếu tập trung vào đề tài “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tính thống nhất trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh còn thể hiện ở hình thức, cách viết. Lối viết của Người bao giờ cũng ngắn gọn, trong sáng, giản dị, phù hợp với đối tượng; rất linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các thể loại, ngôn ngữ và bút pháp nghệ thuật đa dạng để có được hiệu quả biểu đạt cao nhất.

Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho văn học cách mạng Việt Nam, nhiều tác phẩm của Người đã trở thành mẫu mực cho một số thể loại văn học như văn nghị luận, truyện, kí và thơ.

Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng dân tộc mà còn là Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Người là lãnh tụ cách mạng, đồng thời là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ văn của Người luôn gắn với sự nghiệp cách mạng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng. Thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước và tâm hồn cao cả, giàu lòng nhân ái.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá đối với dân tộc Việt Nam, để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Sự nghiệp ấy vừa mang đậm phong cách Hồ Chí Minh, vừa thấm đẫm bản sắc văn hoá Việt Nam.

V. Văn mẫu

Đề bài: Hãy nêu dàn ý cho bài thuyết trình về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu em được chuẩn bị cho buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học.

* Mở bài:

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu, Người không chỉ là anh hùng dân tộc mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất. Để hiểu rõ hơn về Người, ngay sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Thân bài

- Tiểu sử :

+ Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước

+ Quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

+ Thuở nhỏ được học chữ Hán, sau đó học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường Quốc học Huế.

- Hoạt động cách mạng

+ 1911: Người ra đi tìm đường cứu nước

+ Người đi đến nhiều quốc gia trên hành trình đi tìm đường cứu nước: Mỹ, Anh, Pháp.

+ 1930: Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam

+ 2/1941: Người về nước thành lập mặt trận Việt Minh

+ 2/9/1945: Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- Sự nghiệp văn chương :

+ Quan niệm sáng tác: Văn học là vũ khí chiến đấu

+ Người sáng tác đa dạng về thể loại (nghị luận, truyện và kí, thơ ca) và ngôn ngữ (tiếng Pháp, tiếng Hán, chữ Quốc ngữ)

+ Phong cách sáng tác: Đa dạng mà thống nhất, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, lời văn ngắn gọn, trong sáng, giản dị.

+ Một số tác phẩm tiêu biểu của Người như: Bản án chế độ thực dân Pháp; Tuyên ngôn độc lập; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến,…

* Kết bài:

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một hành trình cách mạng đầy thách thức mà còn là một ví dụ về tinh thần yêu nước và sự giản dị. Ông đã để lại một di sản vĩ đại cho dân tộc Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau học tập và làm theo.

Đánh giá

0

0 đánh giá