Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 38: Quy luật di truyền của Mendel sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 9. Mời các bạn đón xem:
Giải SBT Khoa học tự nhiên 9 Bài 38: Quy luật di truyền của Mendel
Bài 38.1 trang 95 Sách bài tập KHTN 9: Phát biểu nào dưới đây không đúng về cây đậu hà lan?
A. Có nhiều cặp tính trạng tương phản dễ nhận biết.
B. Tự thụ phấn nghiêm ngặt nên dễ tạo dòng thuần và kiểm soát được phép lai.
C. Có thể thu được số lượng lớn ở đời con cháu từ bất kì phép lai nào.
D. Có thời gian thế hệ dài.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Một trong những đặc điểm thuận lợi cho nghiên cứu của Mendel của cây đậu Hà Lan là có thời gian thế hệ ngắn, nhờ đó các phép lai nhanh chóng có kết quả, rút ngắn được thời gian nghiên cứu.
Bài 38.2 trang 95 Sách bài tập KHTN 9: Phép lai giữa cây đậu hà lan thuần chủng hoa màu tím với cây đậu hà lan thuần chủng hoa màu trắng thu được cây F1 là hoa màu tím. Điều này chứng tỏ
A. có sự di truyền hòa hợp giữa tính trạng ở bố và mẹ để con lai có tính trạng trung gian giữa bố và mẹ.
B. có sự di truyền trội lặn ở tính trạng này.
C. các cây F1 đều có kiểu gene thuần chủng hoa màu tím.
D. ngoài phép lai giữa các cây bố mẹ (P) với nhau, các cây bố mẹ (P) này cũng tự thụ phấn.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
P thuần chủng khác nhau về một cặp tính trạng, F1 đồng tính về một trong 2 tính trạng của P chứng tỏ tính trạng di truyền trội lặn hoàn toàn. Trong phép lai trên, hoa màu tím sẽ là tính trạng trội, hoa màu trắng sẽ là tính trạng lặn.
Bài 38.3 trang 95 Sách bài tập KHTN 9: Trong phép lai một cặp tính trạng, Mendel phân tích kết quả lai không chỉ ở F1 mà cả F2 và đưa đến nhận xét nào dưới đây?
A. Kiểu hình trội ở thế hệ F2 không xuất hiện ở thế hệ F1.
B. Ở F2 xuất hiện tính trạng trung gian giữa bố mẹ ở thế hệ P.
C. Cá thể F2 có kiểu hình tương tự với cá thể F1.
D. Những đặc điểm của bố mẹ không được quan sát thấy ở F1 lại xuất hiện ở F2.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Trong phép lai một cặp tính trạng, Mendel phân tích kết quả lai không chỉ ở F1 mà cả F2 và đưa đến nhận xét những đặc điểm của bố mẹ không được quan sát thấy ở F1 lại xuất hiện ở F2. Ví dụ như trong phép lai P thuần chủng hoa tím lai với hoa trắng, F1 chỉ xuất hiện hoa tím, nhưng F2 lại xuất hiện cả hoa tím và hoa trắng với tỉ lệ 3 : 1.
Bài 38.4 trang 95 Sách bài tập KHTN 9: Sự khác nhau giữa phép lai một cặp tính trạng và phép lai hai cặp tính trạng là gì?
A. Phép lai một cặp tính trạng chỉ có một cặp bố mẹ (P) còn phép lai hai cặp tính trạng có hai cặp bố mẹ (P).
B. Phép lai một cặp tính trạng tạo ra một thế hệ con cháu, trong khi phép lai hai cặp tính trạng tạo ra hai thế hệ con cháu.
C. Phép lai một cặp tính trạng xét sự di truyền của một cặp tính trạng, phép lai hai cặp tính trạng xét sự di truyền của hai cặp tính trạng.
D. Phép lai một cặp tính trạng cho tỉ lệ 9 : 3 : 3 : 1 trong khi phép lai hai cặp tính trạng cho tỉ lệ 3 : 1.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
A. Sai. Phép lai một cặp tính trạng và phép lai hai cặp tính trạng đều sử dụng một cặp P cho mỗi phép lai.
B. Sai. Phép lai một cặp tính trạng và phép lai hai cặp tính trạng đều được Mendel nghiên cứu ở nhiều đời con.
C. Đúng. Phép lai một cặp tính trạng xét sự di truyền của một cặp tính trạng, phép lai hai cặp tính trạng xét sự di truyền của hai cặp tính trạng.
D. Sai. Ở F2 trong phép lai thí nghiệm của Mendel, phép lai một cặp tính trạng cho tỉ lệ 3 : 1 trong khi phép lai hai cặp tính trạng cho tỉ lệ 9 : 3 : 3 : 1.
Bài 38.5 trang 96 Sách bài tập KHTN 9: Kết luận quan trọng nhất của Mendel từ các thí nghiệm của ông trên cây đậu hà lan là gì?
A. Có nhiều biến dị xuất hiện đáng kể ở cây đậu hà lan.
B. Các tính trạng được quy định theo một đơn vị riêng biệt gọi là "nhân tố di truyền".
C. Gene là một đoạn của phân tử DNA.
D. Tính trạng lặn sẽ luôn xuất hiện ở thể hệ F1.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Kết luận quan trọng nhất của Mendel từ các thí nghiệm của ông trên cây đậu hà lan là các tính trạng được quy định theo một đơn vị riêng biệt gọi là "nhân tố di truyền". Mendel là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về "nhân tố di truyền" (gene) quy định tính trạng và tìm ra quy luật di truyền và chi phối tính trạng: quy luật phân li và phân li độc lập.
Bài 38.6 trang 96 Sách bài tập KHTN 9: Mendel giải thích tính trạng không xuất hiện ở thế hệ F1 lại xuất hiện ở thế hệ F2 như thế nào?
A. Có đột biến mới ở F2 làm xuất hiện kiểu hình mới đã bị biến mất ở F1.
B. Cơ chế kiểm soát biểu hiện các tính trạng ở F1 khác với F2.
C. Ở thế hệ F1, mỗi cá thể chỉ chứa một nhân tố di truyền nhưng cá thể ở thế hệ F2 chứa hai nhân tố di truyền quy định tính trạng.
D. Các tính trạng có thể là trội hoặc lặn và các tính trạng lặn bị che khuất bởi tính trạng trội ở thế hệ F1.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Mendel giải thích tính trạng không xuất hiện ở thế hệ F1 lại xuất hiện ở thế hệ F2 do tính trội – lặn của tính trạng gây nên: Các tính trạng có thể là trội hoặc lặn và các tính trạng lặn bị che khuất bởi tính trạng trội ở thế hệ F1.
Bài 38.7 trang 96 Sách bài tập KHTN 9: Số loại giao tử có thể được tạo ra từ cơ thể có kiểu gene AaBbDDEeHH là
A. 4.
B. 6.
C. 8.
D. 16.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Kiểu gene AaBbDDEeHH có 3 cặp gene dị hợp → Số loại giao tử có thể được tạo ra từ cơ thể có kiểu gene AaBbDDEeHH là 23 = 8.
Bài 38.8 trang 96 Sách bài tập KHTN 9: Ở một loài thực vật, khi cho hai cây bố mẹ lai với nhau cho thế hệ con có tỉ lệ kiểu hình 3 : 1 ở một loại tính trạng cụ thể. Điều này có thể chứng tỏ
A. cặp bố mẹ đem lai thuần chủng về tính trạng đang nghiên cứu.
B. các con đều có cùng một loại allele.
C. đây không phải hiện tượng di truyền trội lặn hoàn toàn.
D. bố mẹ đều có kiểu gene dị hợp tử.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Số tổ hợp kiểu hình thu được ở đời con là 3 + 1 = 4 = 2 × 2 → Mỗi bên P đều cho 2 loại giao tử → P đều có kiểu gene dị hợp tử về tính trạng đang xét.
Bài 38.9 trang 97 Sách bài tập KHTN 9: Ở một cơ thể động vật lưỡng bội có kiểu gene dị hợp về hai cặp gene (AaBb). Loại giao tử bình thường có thể được tạo ra từ cơ thể này là
A. AB.
B. Aa.
C. АаВb.
D. bb.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Kiểu gene dị hợp về hai cặp gene (AaBb) tiến hành giảm phân bình thường có thể cho ra 4 loại giao tử là: AB, Ab, aB và ab.
Bài 38.10 trang 97 Sách bài tập KHTN 9: Ở một loài thực vật, khi lai cơ thể đồng hợp tử lặn về hai tính trạng với cơ thể dị hợp tử, khả năng sinh ra con cái có kiểu gene đồng hợp tử lặn về cả hai tính trạng là bao nhiêu? Biết mỗi tính trạng do một gene quy định.
A. 0%.
B. 25%.
C. 50%.
D. 75%.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Giải sử 2 cặp gen đang xét là Aa và Bb.
P: Đồng hợp tử lặn (aabb) × Dị hợp tử (AaBb) → Tỉ lệ kiểu gene đồng hợp tử lặn về cả hai tính trạng thu được ở đời con là: 1/2 aa × 1/2 bb = 1/4.
Bài 38.11 trang 97 Sách bài tập KHTN 9: Theo cơ sở tế bào học quy luật di truyền của Mendel, sự phân li các allele trong quá trình hình thành giao tử diễn ra ở giai đoạn nào dưới đây của quá trình phân bào?
A. Kì đầu I của quá trình giảm phân.
B. Kì giữa I của quá trình giảm phân.
C. Kì sau I của quá trình giảm phân.
D. Kì cuối I của quá trình giảm phân.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Gene nằm trên nhiễm sắc thể nên sự phân li của các allele tương ứng với sự phân li của nhiễm sắc thể trong quá trình hình thành giao tử. Như vậy, theo cơ sở tế bào học quy luật di truyền của Mendel, sự phân li các allele trong quá trình hình thành giao tử diễn ra ở kì sau I của quá trình giảm phân.
Bài 38.12 trang 97 Sách bài tập KHTN 9: Quy luật phân li độc lập của Mendel có cơ sở dựa vào sự kiện nào dưới đây của quá trình giảm phân I?
A. Sự sắp xếp của các cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở mặt phẳng xích đạo của thoi tơ vô sắc.
B. Các cặp nhiễm sắc thể tương đồng nhận diện và tiếp hợp với nhau.
C. Sự phân tách bộ nhiễm sắc thể của tế bào mẹ thành hai tế bào con ở kì cuối.
D. Sự phân li đồng đều của các nhiễm sắc thể ở kì sau của giảm phân I.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Nội dung quy luật phân li độc lập là: Các cặp nhân tố di truyền đã phân li độc lập trong quá trình phát sinh giao tử. Như vậy, quy luật phân li độc lập của Mendel có cơ sở dựa vào sự sắp xếp của các cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở mặt phẳng xích đạo của thoi tơ vô sắc ở kì giữa của giảm phân I. Cách sắp xếp của các cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở mặt phẳng xích đạo của thoi tơ vô sắc ở kì giữa của giảm phân I sẽ quyết định các cặp nhân tố di truyền nào đi về cùng một phía ở kì sau của giảm phân I từ đó quyết định các loại giao tử được tạo ra.
Bài 38.13 trang 97 Sách bài tập KHTN 9: Ở chuột, lông đen (B) trội hoàn toàn so với lông nâu (b), đuôi ngắn (E) trội hoàn toàn so với đuôi dài (e). Khi cho hai cá thể có kiểu gene BbEe × Bbee, tỉ lệ cá thể con có kiểu hình lông đen và đuôi dài là
A. 1/16.
B. 3/16.
C. 3/8.
D. 1/2.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Bb × Bb → 1BB : 2Bb : 1bb (3/4 lông đen : 1/4 lông nâu).
Ee × ee → 1Ee : 1ee (1/2 đuôi ngắn : 1/2 đuôi dài).
Vậy P: BbEe × Bbee → Tỉ lệ cá thể con có kiểu hình lông đen và đuôi dài là:
3/4 × 1/2 = 3/8.
Bài 38.14 trang 97 Sách bài tập KHTN 9: Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis) ở người là bệnh do allele lặn quy định và tuân theo quy luật di truyền của Mendel. Cặp bố, mẹ bình thường sinh ra hai người con mắc bệnh. Nếu cặp bố, mẹ này tiếp tục sinh con thì xác suất để người con tiếp theo bình thường về tính trạng này là bao nhiêu?
A. 0.
B. 1/2.
C. 1/4.
D. 3/4.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
Quy ước gene: A – bình thường trội hoàn toàn so với a – bị bệnh.
Cặp bố, mẹ bình thường (A-) sinh ra hai người con mắc bệnh (aa) → Cả bố và mẹ đều có kiểu gene dị hợp Aa.
Ta có phép lai: Aa × Aa → 1AA : 2Aa : 1aa (3/4 bình thường : 1/4 bị bệnh).
Xác suất kiểu gene của con ở mỗi lần sinh là độc lập, không phụ thuộc vào lần sinh trước → Nếu cặp bố, mẹ này tiếp tục sinh con thì xác suất để người con tiếp theo bình thường về tính trạng này là 3/4.
Bài 38.15 trang 98 Sách bài tập KHTN 9: Bệnh alcapton niệu (Alkaptonuria) là một bệnh hiếm gặp do rối loạn chuyển hóa. Người bị bệnh được thể hiện bằng hình tròn (người nữ) màu đen và hình vuông (người nam) màu đen. Dưới đây là sơ đồ phả hệ của một gia đình.
a) Xác định tính trạng bị bệnh do allele trội hay allele lặn quy định.
b) Xác định kiểu gene có thể có của từng cá thể trong gia đình trên.
Lời giải:
a) Bệnh do allele lặn nằm trên nhiễm sắc thể thường quy định do người số 7 và 8 bình thường nhưng sinh ra con gái bị bệnh (số 12).
b) Quy ước gene: A – bình thường >> a – bị bệnh.
Xác định kiểu gene có thể có của từng cá thể trong gia đình trên:
- Người số 2, 4, 6, 12 bị bệnh có kiểu gene aa.
- Người số 1 có kiểu gene Aa vì 1 và 2 có hai người con bị bệnh (4, 6).
- Người số 5, 7, 9, 10 có kiểu gene Aa vì họ đều có bố hoặc mẹ bị bệnh.
- Người số 7 và 8 bình thường đều có kiểu gene Aa vì sinh ra con (số 12) bị bệnh.
- Người số 3, 11 và 13 bình thường có thể có kiểu gene Aa hoặc AA.
Bài 38.16 trang 98 Sách bài tập KHTN 9: Ở cây đậu hà lan, hoa tím (A) trội hoàn toàn so với hoa trắng (a); cây thân cao (B) trội hoàn toàn so với cây thân thấp (b). Xác định kiểu gene của bố mẹ trong mỗi trường hợp có kết quả lai như sau:
a) 318 cây hoa tím, thân cao và 98 cây hoa tím, thân thấp.
b) 323 cây hoa trắng, thân cao và 106 cây hoa trắng, thân thấp.
c) 401 cây hoa tím, thân cao.
d) 150 cây hoa tím, thân cao; 147 cây hoa tím, thân thấp; 51 cây hoa trắng, thân cao và 48 cây hoa trắng, thân thấp.
e) 243 cây hoa tím, thân cao; 82 cây hoa tím, thân thấp; 79 cây hoa trắng, thân cao và 27 cây hoa trắng, thân thấp.
Lời giải:
a) 318 cây hoa tím, thân cao và 98 cây hoa tím, thân thấp
Phân tích tỉ lệ kiểu hình thu được ở đời con:
Hoa tím = 100% → P: AA × AA, AA × Aa, AA × aa.
Thân cao : thân thấp = 318 : 98 ≈ 3 : 1 → P: Bb × Bb.
→ Các cặp P thỏa mãn: AABb × AABb; AABb × AaBb hoặc AABb × aaBb.
b) 323 cây hoa trắng, thân cao và 106 cây hoa trắng, thân thấp.
Phân tích tỉ lệ kiểu hình thu được ở đời con:
Hoa trắng = 100% → P: aa × aa.
Thân cao : thân thấp = 323 : 106 ≈ 3 : 1 → P: Bb × Bb.
→ Các cặp P thỏa mãn: aaBb × aaBb.
c) 401 cây hoa tím, thân cao.
Phân tích tỉ lệ kiểu hình thu được ở đời con:
Hoa tím = 100% → P: AA × AA, AA × Aa, AA × aa.
Thân cao = 100% → P: BB × BB, BB × Bb, BB × bb.
→ Các cặp P thỏa mãn: AABB × AABB, AABB × AABb, AABB × AAbb, AABB × AaBB, AABB × AaBb, AaBB × AABb, AABB × Aabb, AaBB × AAbb, AABB × aaBB, AABB × aaBb, aaBB × AABb, AABB × aabb, aaBB × AAbb.
d) 150 cây hoa tím, thân cao; 147 cây hoa tím, thân thấp; 51 cây hoa trắng, thân cao và 48 cây hoa trắng, thân thấp.
Phân tích tỉ lệ kiểu hình thu được ở đời con:
Hoa tím : hoa trắng = (150 + 147) : (51 + 48) ≈ 3 : 1 → P: Aa × Aa
Thân cao : thân thấp = (150 + 51) : (147 + 48) ≈ 1 : 1 → P: Bb × bb.
→ Các cặp P thỏa mãn: AaBb × Aabb.
e) 243 cây hoa tím, thân cao; 82 cây hoa tím, thân thấp; 79 cây hoa trắng, thân cao và 27 cây hoa trắng, thân thấp.
Phân tích tỉ lệ kiểu hình thu được ở đời con:
Hoa tím : hoa trắng = (243 + 82) : (79 + 27) ≈ 3 : 1 → P: Aa × Aa
Thân cao : thân thấp = (243 + 79) : (82 + 27) ≈ 3 : 1 → P: Bb × Bb.
→ Các cặp P thỏa mãn: AaBb × AaBb
Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 37: Đột biến nhiễm sắc thể
Bài 38: Quy luật di truyền của Mendel
Bài 39: Di truyền liên kết và cơ chế xác định giới tính
Bài 41: Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống
Bài 42: Giới thiệu về tiến hoá, chọn lọc nhân tạo và chọn lọc tự nhiên