Tài liệu tác giả tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu lớp 12.
Tác giả tác phẩm: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu - Ngữ văn 12
I. Tác giả Hồ Chí Minh
- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, lúc trưởng thành có tên là Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quốc.
- Quê quán: làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Gia đình: nhà Nho nghèo có tinh thần yêu nước.
- Người là nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, được UNESCO công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn.
- Quá trình hoạt động cách mạng:
+ Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước; hoạt động cách mạng ở nhiều nước: Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…
+ Ngày 3-2-1930, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
+ Năm 1941, trở về nước, lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.
+ Tháng 8-1942, sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 9-1943.
+ Ra tù, Người trở về nước, lãnh đạo phong trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.
+ Ngày 2-9-1945, đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, giữ chức vụ Chủ tịch nước.
+ Lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
- Quan điểm sáng tác: Văn chương là vũ khí chiến đấu phục vụ sự nghiệp cách mạng, chú trọng tính chân thực, tính dân tộc.
- Di sản văn học:
+ Văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966)…
+ Truyện và kí: Pari (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Con người biết mùi hun khói (1922), Vi hành (1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), Nhật kí chìm tàu (1931), Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)…
+ Thơ ca: tập thơ Nhật kí trong tù (1960), chùm thơ viết ở Việt Bắc từ 1941 - 1945.
- Phong cách nghệ thuật
+ Văn chính luận: có sức thuyết phục cao, lập luận đanh thép, lí lẽ sắc bén, chứng cứ rõ ràng, mang tinh thần duy lí, tư duy khoa học, giọng điệu chân thành, uyển chuyển.
+ Truyện, kí: lối viết hiện đại, mang đậm tính hài hước linh hoạt, giàu tính điện ảnh; dung dị, gãy gọn, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay.
- Thơ: thơ tuyên truyền cách mạng mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc; thơ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại, cô đọng, súc tích.
1. Thể loại
- Tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu thuộc thể loại: truyện ngắn
2. Xuất xứ
- Tác phẩm được Phạm Huy Thông dịch, trích trongHồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1924 1929), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 183 – 188)
3. Hoàn cảnh sáng tác
- Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là truyện ngắn trong tập Truyện kí Nguyễn Ái Quốc, viết bằng tiếng Pháp đầu những năm 20 của thế kỉ XX ở Pháp.
- Đoạn trích kể về trò lố thứ tư, trò lố cuối cùng do toàn quyền Va - ren bày ra tưởng đề cao bản thân và nước Pháp nhưng ngược lại mua cười cho thiên hạ.
4. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
5. Tóm tắt
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Va-ren, tên toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ và Phan Bội Châu, hiện là một người tù bị bắt giam vì hoạt động Cách mạng. Trong cuộc gặp gỡ tại nhà tù giam giữ Phan Bội Châu, Va-ren ra sức dùng lời lẽ dụ dỗ người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu phản bội dân tộc, làm tay sai cho Pháp. Những với tinh thần dân tộc, ý chí Cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã đáp trả Va-ren bằng thái độ dửng dưng, khinh bỉ thậm chí là nhổ vào mặt tên toàn quyền Đông Dương ấy.
6. Bố cục văn bản
- Phần 1 (Từ đầu đến “giam trong tù”): Mở đầu câu chuyện
- Phần 2 (Từ “Đến Sài Gòn” đến “vẫn nằm tù”): Trò lố 1 (Va-ren tuần du Sài Gòn).
- Phần 3 (Từ “Từ Sài Gòn” đến “vẫn nằm tù”): Trò lố 2 (Triều đình Huế nghênh tiếp Va-ren).
- Phần 4 (Từ “Nhưng chúng ta” đến “hiểu Phan Bội Châu”: Trò lố 3 (Va-ren vào nhà lao thuyết phục Phan Bội Châu hợp tác).
- Phần 5 (Từ “Cuộc gặp gỡ” đến hết): Kết thúc.
7. Giá trị nội dung
Tác phẩm khắc họa một cách rất sắc nét hai nhân vật với hai tính cách, đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau trên đất nước ta thời pháp thuộc: Va-ren là kẻ gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, xứng đáng là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.
8. Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng triệt để biện pháp tương phản, đối lập nhằm khắc họa hai hình tượng nhân vật đối lập.
- Lựa chọn các chi tiết miêu tả độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng
- Sáng tạo hình thức ngôn ngữ độc thoại
- Giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh
- Giàu khả năng liên tưởng, hư cấu.
1.Nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu
Va-ren |
Phan Bội Châu |
|
Địa vị |
Toàn quyền Đông Dương |
Tù nhân |
Tiểu sử/lai lịch |
Đảng viên đảng Xã hội Pháp |
Chí sĩ yêu nước chống thực dân Pháp |
Hành vi |
- Hứa “sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu” - Tuần du Sài Gòn. - Dự yến, nhận tưởng lệ - Vào xà lim “tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu”. |
Nằm tù |
Lời nói |
- Dài dòng “Tôi đem... Toàn quyền...!” |
Im lặng |
Thái độ |
Kể cả, ngạo nghễ” “tôi biết rõ”, “ông nghe tôi”. “ông hãy nhìn tôi”,... |
- Dửng dưng - Khinh bỉ (nhếch mép, nhổ vào mặt) |
2. Cảm hứng trào lộng
- Nhan đề: hạ bệ một sự kiện chính trị thành “những trò lố” nực cười.
- Xây dựng tình huống chuyện trào phúng: tưởng tượng về cuộc gặp gỡ giữa hai bên, hai lực lượng đối địch.
- Xây dựng nhân vật: dựng chân dung hí họa về quan Toàn quyền Đông Dương.
- Ngôn ngữ, giọng điệu: giễu nhại, châm biến, trào phúng.
3. Điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu
- Điểm nhìn: nhiều điểm nhìn khác nhau (người kể chuyện, nhân vật Va-ren, dân chúng, anh lính dõng, nhân chứng thứ hai)
=> Câu chuyện được kể tự nhiên, sinh động gợi ra nhiều tầng nghĩa. Tình trạng xung đột giữa các lực lượng xã hội hiện ra cụ thể và khách quan hơn.
- Ngôn ngữ, giọng điệu:
+ Giễu nhại: “Sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu
+ Ngôn ngữ miêu tả mang sắc thái châm biếm: “hai con mắt của ông Va-ren được thấy hiển hiện cái huyền diệu của một thành phố Đông Dương"; "đôi bàn chân trần giẫm lạch bạch trên mặt đường nóng bỏng"; "những quả dưa hấu bổ phanh đỏ lòm lòm”; “những xâu lạp xường lủng lắng dưới mái hiên".
+ Nói mỉa: "ông Va-ren đã nửa chính thức hứa".
+ Trùng điệp: “vẫn bị giam trong tù", "vẫn nằm tù"...
+ Nghịch ngữ: "Ông hứa thế; giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi".
+ Chơi chữ: "Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy”....
IV. Đọc tác phẩm: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Những trò lố hay là Va – ren và Phan Bội Châu
Nguyễn Ái Quốc
Do sức ép của công luận ở Pháp và ở Đông Dương, ông Va-ren đã nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Ông hứa thế; giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao.
Trước hết, ngài chỉ muốn chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã. Nhưng ngài lại chỉ vừa mới xuống tàu, mà hành trình từ Mác-xây (Marseille) đến Sài Gòn kéo chừng bốn tuần lễ cơ. Như vậy có nghĩa là trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.
Đến Sài Gòn thì ông Va-ren, có gì mà không lường trước được, sẽ bị quấn quýt lấy, lôi kéo đi, giằng co, ru vỗ, ấp ủ trong mớ bòng bong những buổi chiêu đãi, những cuộc tiếp với rước, những lời chúc với tụng. Tiếp đấy là một cuộc tuần du linh đình qua khu phố bản xứ, giữa hàng nghìn người da vàng đã được nước Pháp hàng phục bằng sức mạnh của lưỡi lê, nay giao phó vận mệnh trong tay quan Toàn quyền. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình, hai con mắt của ông Va-ren được thấy hiển hiện cái huyền diệu của một thành phố Đông Dương, dưới lòng đường, trên vỉa hè, trong cửa tiệm. Những cu liu xe kéo xe tay phóng cật lực, đôi bàn chân trần giẫm lạch bạch trên mặt đường nóng bỏng những quả dưa hấu bổ phanh đỏ lòm lòm; những xấu lạp xường lủng lẳng dưới mái hiện các hiệu cơm; cái rốn một chú khách trung ra giữa trời; một viên quan uể oải bước qua, tay phe phẩy cái quạt, ngực đeo tấm Bắc Đẩu bội tinh hình chữ thập. Thật là lộn xộn! Thật là nhốn nháo!
Bỗng dưng tất cả dừng lại, dưới cây đũa thần, hay đúng hơn dưới ngọn roi gân bò mà viên đội xếp Tây vừa vung lên vừa quát tháo: “Cái giống tởm nhà mày! Có cút đi không, cái giống tởm!”. Thế là cái đám đông lúc đứng sắp hàng, vừa yên lại vừa lặng, hai bên lề đường.
Gì thế nhỉ? Xe ô tô quan Toàn quyền sắp đi qua đấy... Xe kia rồi! Lại cả ông Toàn quyền đây rồi!
- Quan có cái mũ hai sừng trên chóp sọ! Một chú bé con thầm thì.
- Ồ! Cái áo dài đẹp chửa! Một chị con gái thốt ra.
- Ngài sắp diễn thuyết đấy! Một anh sinh viên kêu lên.
- Đôi bắp chân ngài bọc ủng! Một bác cu li xe thở dài.
- Rậm râu, siêu mắt! Một nhà Nho lẩm bẩm.
Thế là ô tô ông Va-ren chạy qua giữa hai hàng rào con người, lưng khom lại khi ngài đến gần. Cùng lúc, một tiếng rào rào nổi lên: “Lạy quan lớn! Bẩm lạy quan lớn a!"
Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù.
Từ Sài Gòn ra Hà Nội, ông Va-ren sẽ dừng lại Huế. Triều đình An Nam, do hoàng đế hay hình bóng hoàng đế dẫn đầu sẽ tất tuổi di nghênh tiếp hiện thân tôn nghiêm của nước Pháp. Đức Kim thượng " Khải Định sẽ thỉnh ông Va-ren thăm hoàng cung, và ông Va-ren sẽ vào. Hoàng thượng Khải Định sẽ thỉnh ông Va-ren dự yến, và ông Va-ren sẽ ăn. Đến lúc tráng miệng, hoàng thượng đứng dậy, ngài uy nghi tiến đến gần quan Toàn quyền; đưa những ngón tay dài và mảnh, lấp lánh châu ngọc đỏ xanh, ngài cài lên ngực ông Va-ren loại tưởng lệ 2 phong tặng cao quý nhất của hoàng triều: Nam Long bội tinh, và thế là ông Va-ren được gắn mề đay
Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù.
Nhưng chúng ta hãy theo dõi, theo dõi bằng đôi cánh của trí tưởng tượng, những trò lố chính thức của ông Va-ren. Hãy theo ông đến tận Hà Nội, tận cổng nhà lao chính, tận xà lim, nơi người đồng bào tôn kính của chúng ta đang rên xiết.
Ôi thật là một tấn kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai, đày đoạ trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ.
Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng, giữa hai con người đó xảy ra chuyện gì đây?
Tôi đem tự do đến cho ông đây! Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Bội Châu trong nhà tù ảm đạm.
“Nhưng, có đi phải có lại, tôi yêu cầu ông lấy danh dự hứa với tôi là sẽ trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp để tiến hành ở Đông Dương một sự nghiệp khai hoá và công lí.
“Ông Phan Bội Châu, tôi biết rõ tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hi sinh, nhiều nguy nan của ông, và chính tôi, tôi xin là người đầu tiên, với tư cách là Toàn quyền Đông Dương, được bày tỏ tấm lòng rất mực quý trọng ông. Song những ý tưởng hào hiệp nhất phải chăng bao giờ cũng hay nhất? Phải chăng bao giờ cũng thực hiện được? Than ôi, không đâu, ông ạ! Vả lại, trời ơi! Tại sao chúng ta lại cứ cố chấp cãi lộn nhau mãi thế này, trong lúc ông và tôi, tay nắm chặt tay, chúng ta có thể làm được biết bao công việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương này? Chúng ta có thể cùng nhau làm cho nước ông trở thành một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở châu Á!
“Ô! Ông nghe tôi, ông Phan Bội Châu này! Ông hãy để mặc đấy những ý nghĩ phục thù của ông, hãy từ bỏ đi những mưu đồ xưa cũ, và, thôi, chớ tìm cách xúi giục đồng bào ông nổi lên chống lại chúng tôi nữa; trái lại, ông hãy bảo họ cộng tác với người Pháp, và, làm như vậy là ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông!
“Về chuyện này, tôi có thể kể ông nghe gương của một trong những trợ thủ cũ của ông là ông Nguyễn Bá Trác; ông biết đấy, ông này đã biết điều rồi và hiện nay thì đã đứng về phía chúng tôi. Nhưng nếu gương của người đồng bào ông, ông cho là chưa đủ, thì tôi xin kể gương đồng bào của chính tôi cho ông nghe, gương các bạn học của tội từ hồi còn nhỏ, các chiến hữu của tôi, Guy-xta-vợ (Gustave), A-lếch-xăng-đro (Alexandre), A-ri-xtít (Aristide), An-be (Albert), Pôn (Paul) và Lê-ông (Léon). Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy. Như vậy các vị ấy có sao không? Chẳng sao cả. Nền dân chủ của chúng tôi, nhờ Chúa!
Rất là tốt! Thật thế, nền dân chủ hào hùng của nước Pháp, mà hôm nay tôi được vinh dự thay mặt giữa các ông, khoan dung với những người, như tôi, đã đoạn tuyệt với những lầm lạc của tuổi trẻ.
“Nhưng sao thế, ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền...”,
Ừ thì Phan Bội Châu nhìn Va-ren. Nhưng, lạ chưa!
Những lời nói của Va-ren hình như lọt vào tai Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai, và cái im lặng dựng dưng của Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Va-ren sửng sốt cả người.
Không phải vì một bên nói tiếng Nam, một bên nói tiếng Tây: đã có một viên quan ở đấy làm thông ngôn cơ mà. Nhưng cứ xét binh tình, thì đó chỉ là vì Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu Bội Châu.
Cuộc gặp gỡ chấm dứt ở đấy, hay ít ra là không ai biết được gì hơn nữa. Chỉ có anh lính dõng An Nam bồng súng chào ở cửa ngục là cứ bảo rằng nhìn qua chấn song, có thấy một sự thay đổi nhẹ trên nét mặt người tù lừng tiếng. Anh quả quyết – cái anh chàng ranh mãnh đó – rằng có thấy đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi.
Nếu quả thật thế, thì có thể là lúc ấy Bội Châu có mỉm cười, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy.
T.B. - Một nhân chứng thứ hai của cuộc hội kiến Va-ren - Phan Bội Châu (xin chẳng dám nêu tên nhân chúng này) lại quả quyết rằng Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren; cái đó thì cũng có thể.
Phạm Huy Thông dịch
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1924 – 1929), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 183 – 188)
V. Văn mẫu
Đề: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận, suy nghĩ của bạn về một thủ pháp trào lộng đã được tác giả sử dụng hoặc đoạn kết của tác phẩm những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Tác phẩm "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" sử dụng thành công thủ pháp tương phản để vạch trần bộ mặt lố bịch, giả dối của Va-ren và ca ngợi khí phách bất khuất của Phan Bội Châu. Điển hình là sự đối lập giữa Va-ren và Phan Bội Châu trong cuộc gặp gỡ: Va-ren "vẻ mặt vênh vang, ra vẻ quan trọng", "bộ mặt béo bở, phè phỡn" đại diện cho thực dân Pháp độc ác, xâm lược. Phan Bội Châu "gầy gò, xanh xao", "vẫn ung dung, tự tại" đại diện cho người Việt Nam yêu nước, kiên cường. Sự tương phản này được thể hiện qua hành động, lời nói, thái độ của hai nhân vật. Va-ren "dòm ngó" Phan Bội Châu như "con mắt cú vọ", "nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu". Phan Bội Châu "im lặng", "phớt lờ" Va-ren. Kết thúc mở của tác phẩm khi Va-ren "chỉ biết im lặng" trước thái độ của Phan Bội Châu càng làm nổi bật sự bất lực của thực dân Pháp và khí phách hiên ngang của nhà yêu nước. Thủ pháp tương phản góp phần làm cho tác phẩm thêm sinh động, hấp dẫn, đồng thời khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.