Văn bản Cảm hứng và sáng tạo - Nguyễn Trần Bạt - Nội dung, tác giả, tác phẩm

114

Tài liệu tác giả tác phẩm Cảm hứng và sáng tạo Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Cảm hứng và sáng tạo lớp 12.

Tác giả tác phẩm: Cảm hứng và sáng tạo - Ngữ văn 12

I. Tác giả Nguyễn Trần Bạt

Văn bản Cảm hứng và sáng tạo - Nguyễn Trần Bạt - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 2)

Tiểu sử

-Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946, ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

-Năm 1954, ông theo mẹ ra Hà Nội. Tại đây ông phải vất vả kiếm sống. Ông từng phải bán nước chè dạo ở ga Hàng Cỏ. Năm 1963, ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1973, ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường trường Đại học Xây dựng. Ông tiếp tục phục vụ quân đội cho đến năm 1975.

-Ông còn có bằng cử nhân luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 1975 đến 1984, Ông từng giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải. Năm 1984, ông thôi việc Nhà nước.

-Năm 1987, Nguyễn Trần Bạt khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các -hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam

-Năm 1989, dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Việt Nam, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là Invest Consult Ltd). Kể từ đó, InvestConsult Ltd. chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

-Tối ngày 15 tháng 12 năm 2020, ông Nguyễn Trần Bạt bị đột quỵ, cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi hưởng thọ 75 tuổi.

Sơ đồ tư duy Tác giả Nguyễn Trần Bạt

Văn bản Cảm hứng và sáng tạo - Vũ Trọng Phụng - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 1)

II. Tìm hiểu Tác phẩm Cảm hứng và sáng tạo

Sách đã xuất bản của tác giả Nguyễn Trần Bạt:

- Suy tưởng, 612 trang kích thước 14.5cmx20.5 cm, Nhà xuất bản: Hội nhà văn, 9/2005, ISBN 5105102217297; Cuốn sách sau khi phát hành đã bị thu hồi

- Cải cách và sự phát triển, 400 trang kích thước 13.5cmx20.5 cm, Nhà xuất bản: Hội nhà văn, 12/2005, ISBN 137143;

- Văn hoá và Con người, 244 trang kích thước 13cmx20cm, Nhà xuất bản: Văn hóa Thông tin, 12/2006, ISBN 8935077016802;

- Cội nguồn cảm hứng, 420 trang kích thước 14.5cmx20.5 cm, Nhà xuất bản: Hội nhà văn, 11/2008, ISBN 5105102217280;

- Đối thoại với tương lai, 940 trang kích thước 16 cm*24 cm, Nhà xuất bản: Hội nhà văn, 3/2010, ISBN 218562.[7]

- Vượt qua những giới hạn (2 tập), NXB Hội nhà văn, 2013

- Con người là tinh hoa của nhau, NXB Hội nhà văn, 2015

- Tình thế và giải pháp, NXB Hội nhà văn, 2015

- Gạo và sạn, NXB Hội nhà văn, 2016

- Sức mạnh của cái đúng, NXB Hội nhà văn, 2018

- Không gian tinh thần, NXB Hội nhà văn, 2019

III. Đọc tác phẩm: Cảm hứng và sáng tạo

Cảm hứng và sáng tạo

(Trích)

Nguyễn Trần Bạt

[...] Cảm hứng thường được biểu hiện dưới hình thức của văn hoá, nó là một trạng thái tinh thần được phát tán, lan truyền, ảnh hưởng rất nhanh và hiệu quả thông qua văn hoá. [...] Mọi sáng tạo không chỉ theo đuổi ngôn ngữ hay cái vỏ hình thức bên ngoài mà còn phải theo đuổi tinh thần cơ bản thuộc về con người để tạo ra giá trị phổ quát có tính chất kích thích sự phát triển của đời sống của tâm hồn con người. Chính cái tinh thần cơ bản ấy là yếu tố quan trọng nhất khơi dậy sự đồng cảm của con người. Sự lan toả các giá trị văn hoá giúp con người hiểu nhau dễ hơn, truyền tải chất lượng tâm hồn con người dễ hơn, và do đó, tác động thúc đẩy sự phát triển giữa các quốc gia diễn ra một cách dễ dàng hơn. Có như thế mới thoả mãn nhu cầu tham gia tích cục của mỗi người vào các cộng đồng công dân khác, tức là giúp con người có ích trong nhiều nền văn hoá khác nhau. Một con người có ích là một con người góp phần vào sự phát triển ở những nơi mà anh ta đến, tức là tại nhiều nền văn hoá mà người đó có mặt.

Cảm hứng có thể xúc tiến khả năng phát triển nhưng cũng có thể xúc tiến khả năng phá hoại khi nó không được cân bằng. Cảm hứng không được cân bằng là biểu hiện của sự mất cân đối trong đời sống tinh thần và trạng thái này rất nguy hiểm. [...] Đó là biểu hiện đáng sợ nhất của sự giận dữ đầy cảm hứng của những con người không biết mình đang làm gì và không kiểm soát được chính mình. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác lập được sự cân đối giữa năng lực và cảm hứng của con người. [...]. Tôi cho rằng, chỉ có trí tuệ mới có thể cân bằng được cảm hứng. Con người phải biết tự cân bằng cảm hứng của mình bằng trí tuệ của mình. Con người không thể để cho cảm hứng của mình được thể hiện một cách tuỳ tiện, mù quáng, nhưng con người cũng không được để cho cảm hứng bị tiêu diệt. Bởi vì, khi không còn cảm hứng, con người trở nên khô khốc trong sự tỉnh táo, mất cảm hứng là mất đi động lực phát triển các giá trị tinh thần. Hiện tượng này thường xảy ra ở những xã hội mà tính đa dạng của cuộc sống bị hạn chế hay bị tiêu diệt. Trong cuộc sống đã từng tồn tại những xã hội như thế, đó là xã hội mà mọi cảm hứng đều bị dồn nén, con người không muốn làm gì cả, con người bằng lòng với sự nghèo khổ, thậm chí thiêng liêng hoá sự nghèo khổ của mình. Việc dồn nén các cảm hứng đã tạo ra mặt trái của nó là chủ nghĩa hoài cổ, chủ nghĩa yêu chuộng quá khứ và đấy là một trong những nguyên nhân gây ra sự chậm phát triển...

Như vậy, cảm hứng là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển. Một con người không có cảm hứng, một dân tộc không có cảm hứng thì sẽ luôn luôn lười biếng và không còn khát vọng để đi tìm cái mới ngoài những thứ mà mình đã có, và do đó, không thể phát triển được. Tất cả các dân tộc đều phải ý thức một cách rõ ràng về việc gieo trồng cảm hứng phát triển xã hội và tất nhiên, quá trình này buộc phải bắt đầu từ việc khích lệ cảm hứng của mỗi cá nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc phải xây dụng chế độ dân chủ để tự do trở thành cảm hứng cơ bản khích lệ con người tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình phát triển của cá nhân và của cả cộng đồng.

Vậy thông qua cảm hứng, tự do biến thành sự sáng tạo như thế nào? Con người sáng tạo thông qua năng lực tưởng tượng của mình và cảm hứng chính là chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng ấy. Như vậy, rõ ràng, tự do là chất xúc tác cho mọi sáng tạo của con người, và con người không thể sáng tạo được nếu không có tự do. Tự do tạo ra cảm hứng làm chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng, đồng thời nó khuyến khích sự phát triển năng lực tưởng tượng và làm bùng nổ nặng lực sáng tạo ở mỗi người. Có một thế giới tưởng tượng tràn ngập trong mình, con người mới có đam mê sáng tạo. Nói cách khác, con người chỉ sáng tạo được nếu tự nguyện lao động nếu yêu mến cái mình đang làm, yêu mến cuộc sống và đất nước mình đang sống. Tự do là không gian của mọi sự sáng tạo từ văn hoá, nghệ thuật cho đến khoa học công nghệ,... Mi-ken-lăng giơ (Michelangelo) từng nằm ngửa trên các quang treo mấy năm ròng để vẽ bức hoạ Sáng tạo thế giới trên nóc vòm nhà thờ Xích-xtin (Sixtine) nổi tiếng ở I-ta-li-a (Italia). Nếu không có thiên thần nhập vào trong tâm hồn của Mi-ken-lăng giờ, nếu Mi-ken-lăng-gia không bay trong tự do, không để mình bay lên cùng với sự thăng hoa của trí tưởng tượng thì làm sao ông có thể tìm thấy hạnh phúc bằng cách nằm ngửa trên quang treo để vẽ ra tác phẩm mà hàng trăm năm sau con người vẫn còn tấm tắc, trầm trồ? Chính cảm hứng và năng lực tưởng tượng phong phú làm nên sự đa dạng các giá trị tinh thần, nơi con người có thể nhặt được sự sáng tạo ở trong bất kì góc tối nào của cuộc sống

Nói đến sự sáng tạo không thể không nói đến cái đẹp vì sáng tạo chính là cái đẹp. Cái đẹp tồn tại ở ngay bên trong mỗi con người nếu con người biết yêu cái đẹp. Cái đẹp là thông điệp của sự hợp lí, sự cao thượng, thậm chí có thể khẳng định cái đẹp là biểu hiện cao nhất của trạng thái phát triển của con người, tức là sự sáng tạo. [...] Nước Pháp sẽ giảm đi biết bao nhiêu sự vẫy gọi nếu như chúng ta bỏ đi của Pa-ri (Paris) sông Xen (Seine), điện Lu-vrơ (Louvre), điện Păng-tê-ông (Panthéon),... Cho nên cái đẹp là biểu hiện tổng hợp của cuộc đời, là biểu hiện cao nhất không chỉ của sự thịnh vượng mà của cả sự bất tử. Trong đó, vượt lên tất cả, con người là sự tổng hợp cao quý nhất, là hiện thân cao nhất của cái đẹp. Bức tượng Đa-vít (David) luôn được ca ngợi là một trong những biểu tượng đẹp nhất của nghệ thuật tạo hình theo phong cách cổ điển chính vì nó thể hiện vẻ đẹp cân đối và hoàn mĩ nhất của con người.

Cái đẹp bao giờ cũng tồn tại cùng với sự đa dạng và tự nhiên của đời sống tinh thần con người. Nếu con người không có trí tưởng tượng, không nhận biết được vẻ đẹp bằng chính tâm hồn mình thì con người không biết cách tạo ra vẻ đẹp và càng không thể có được nó. Mỗi người chỉ có một tâm hồn, một đời sống tinh thần, do vậy, nếu nó khô cúng, đơn điệu hoặc méo mó thì con người không thể có động lực làm bất cứ việc gì mà cảm thấy hạnh phúc. Nếu xây dựng các tiêu chuẩn để con người trở thành những kẻ ngốc nghếch và đơn điệu, hay nếu làm cho con người méo mó và mất đi sự đa dạng tinh thần vốn có thì đấy là tội diệt chủng về mặt tinh thần. Xét trên quan điểm phát triển, sự diệt chủng về mặt tinh thần là một tội ác chống lại loài người bởi nó tiêu diệt khả năng sáng tạo của con người. Thế giới vẫn lên án tội ác diệt chủng về mặt sinh học nhưng dường như chưa nhận ra một sự diệt chủng khác còn nguy hiểm hơn, đó là sự diệt chủng con người về mặt tinh thần. Vì thế, phải xây dựng con người ở giá trị cá nhân của nó. Tôn trọng giá trị cá nhân con người là tôn trọng cuộc đời và giá trị của chính mình, của người khác và tôn trọng sự trong sạch của đời sống xã hội. Khi xác nhận được giá trị của mình thì con người mới có giá trị đóng góp cho xã hội. [...]

Tóm lại, cảm hứng và sáng tạo luôn đi liền với nhau, gắn kết với nhau bởi xúc tác là tự do. Có thể nói, chính cảm hứng và tình yêu tự do đã tạo ra những thành tựu và những dấu ấn có giá trị vĩnh cửu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

(Nguyễn Trần Bạt, Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội Nhà văn – Công ti TNHH Phát hành sách Sài Gòn, Hà Nội, 2011, tr. 37 – 47)

Đánh giá

0

0 đánh giá