Văn bản Năng lực sáng tạo - Phan Đình Diệu - Nội dung, tác giả, tác phẩm

1.1 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Năng lực sáng tạo Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Năng lực sáng tạo lớp 12.

Tác giả tác phẩm: Năng lực sáng tạo - Ngữ văn 12

I. Tác giả Phan Đình Diệu

Văn bản Năng lực sáng tạo - Vũ Trọng Phụng - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 1)

- Ông sinh ngày 12 tháng 6 năm 1936, lớn lên tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

- Năm 1954, ông tốt nghiệp trung học tại trường kháng chiến Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh, ra Hà Nội thi vào trường Đại học Khoa học.

- Hết năm thứ nhất, ông chọn trường Đại học Sư phạm Khoa học. Cũng chính tại đây, Phan Đình Diệu đã tìm thấy sự say mê đối với ngành toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.

- Năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán học tính toán và Điều khiển học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov.

- Năm 1965, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông được đề nghị ở lại làm tiếp luận án tiến sĩ khoa học và đến năm 1967, ông về nước với học vị Tiến sĩ Khoa học.

- Năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Toán học tính toán của Uỷ ban Khoa học Nhà nước

- Năm 1975, trong một chuyến thực tập tại Pháp, ông đã được tiếp xúc với nhiều thành tựu hiện đại của ngành tin học trên thế giới. Từ đó, ông đã say mê tìm hiểu hai hướng phát triển mà ông cho là có triển vọng nhất và có thể ứng dụng và phát triển ở Việt Nam là vi tin học (trên cơ sở kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính) và viễn tin học (trên cơ sở công nghệ viễn thông và mạng máy tính).

- Năm 1977, Viện Khoa học tính toán và điều khiển được chính thức thành lập, và ông được phân công làm viện trưởng. Ông là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam). Là người dự thảo kế hoạch và cũng là người quản lý, từ năm 1977 đến 1985, ông đã đưa viện vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại của buổi đầu hoạt động, xây dựng được một số hướng nghiên cứu chính về tin học.

- Sau đó, ông làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin khóa I (1993-1997), Thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (từ năm 1992).

- Ông còn là người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên Hội Tin học Việt Nam.

- Ông giảng dạy các môn học: độ phức tạp tính toán, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin, lập luận logic trong các hệ tri thức cho sinh viên và học viên sau đại học tại Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Thập niên 90, ông được Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan bảo lãnh, giới thiệu trở thành một Ủy viên của Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khoá III, IV, V, VI, VII, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa V, Quốc hội Việt Nam khóa VI.

- Ông hoạt động phong trào dân chủ, đòi đổi mới chính trị (đa nguyên, đa đảng) để -phát triển đất nước, do đó bị gạt bỏ khỏi danh sách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên tiếng nói của ông có tính khoa học cao, nên có sức thuyết phục lớn, đặc biệt là đối với giới khoa học tại Hà Nội.

- Ông mất tại nhà riêng ngày 13 tháng 5 năm 2018 sau hơn một năm điều trị sau khi bị đột quỵ

Sơ đồ tư duy Tác giả Phan Đình Diệu

Văn bản Năng lực sáng tạo - Vũ Trọng Phụng - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 2)

II. Tìm hiểu tác phẩm Năng lực sáng tạo

1. Thể loại

- Tác phẩm Năng lực sáng tạo thuộc thể loại: văn bản nghị luận.

2. Xuất xứ

- Nhiều tác giá, Một góc nhìn của trí thức, tập bốn, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.200 - 205.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

4. Tóm tắt Năng lực sáng tạo

Văn bản nhằm đề cao tầm quan trọng của sự sáng tạo trong đời sống con người, bằng việc chỉ ra những minh chứng có thật là các nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Qua đó, tác giả muốn khẳng định năng lực sáng tạo là phẩm chất thiết yếu giúp con người phát triển bản thân, thành công trong cuộc sống và góp phần xây dựng đất nước.

5. Bố cục Năng lực sáng tạo

- Phần 1 (từ đầu đến ánh chớp mà thôi): giải thích khái niệm, chỉ ra vai trò trong sáng tạo của con người.

- Phần 2 (tiếp theo đến ý nghĩa mà thôi): những yếu tố quyết định đến năng lực sáng tạo của con người.

- Phần 3 (đoạn còn lại): khẳng định vai trò của năng lực sáng tạo trong cuộc sống hiện đại.

6. Giá trị nội dung

- Đề cao tầm quan trọng của sự sáng tạo trong đời sống con người, bằng việc chỉ ra những minh chứng có thật là các nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng.

- Qua đó, tác giả muốn khẳng định năng lực sáng tạo là phẩm chất thiết yếu giúp con người phát triển bản thân, thành công trong cuộc sống và góp phần xây dựng đất nước.

7. Giá trị nghệ thuật

- Lập luận rõ ràng, rành mạch.

- Lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Năng lực sáng tạo

1. Giới thiệu khái quát về sáng tạo và năng lực sáng tạo

a. Khái niệm sáng tạo

- Sáng tạo là hoạt động tạo ra cái mới, có giá trị, khác biệt và hữu ích cho con người.

- Sáng tạo không chỉ là tạo ra sản phẩm mới mà còn là cải tiến, đổi mới những sản phẩm đã có.

- Sáng tạo có thể xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, văn học đến kinh doanh, quản lý.

b. Năng lực sáng tạo

- Năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra cái mới, có giá trị, khác biệt và hữu ích cho con người.

- Năng lực sáng tạo là một phẩm chất quan trọng của con người, giúp con người giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, thích ứng với những thay đổi của môi trường và tạo ra những giá trị mới cho xã hội.

- Năng lực sáng tạo bao gồm các yếu tố như: kiến thức, kỹ năng, tư duy sáng tạo, động lực sáng tạo và môi trường thuận lợi cho sáng tạo.

Ngoài ra, tác giả Phan Đình Diệu còn phân biệt sáng tạo với một số khái niệm khác như:

- Phát minh: là tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới, chưa từng có trước đây.

- Cải tiến: là làm cho những sản phẩm đã có trở nên hoàn thiện hơn.

- Giải quyết vấn đề: là tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang tồn tại.

Tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực sáng tạo trong xã hội hiện đại:

- Năng lực sáng tạo là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Năng lực sáng tạo giúp con người thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của môi trường.

- Năng lực sáng tạo giúp con người tạo ra những giá trị mới cho xã hội.

Năng lực sáng tạo - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức

2. Vai trò của ý tưởng trong sáng tạo của con người

- Ý tưởng là khởi nguồn của mọi hoạt động sáng tạo:

+ Bất kỳ sản phẩm sáng tạo nào, từ những công trình khoa học kỹ thuật vĩ đại đến những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đều bắt đầu từ một ý tưởng.

+ Ý tưởng là tia lửa lóe lên trong tâm trí con người, khơi gợi niềm hứng thú, thôi thúc con người khám phá, sáng tạo.

+ Không có ý tưởng, con người sẽ không có mục tiêu, định hướng để bắt đầu hành trình sáng tạo.

- Ý tưởng là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm sáng tạo:

+ Một ý tưởng độc đáo, mới mẻ sẽ dẫn đến một sản phẩm sáng tạo đột phá, có giá trị cao.

+ Ngược lại, một ý tưởng tầm thường, cũ kỹ sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm sáng tạo thiếu tính đột phá, không có sức hút.

=> Do vậy, việc tìm kiếm, phát triển và nuôi dưỡng ý tưởng là vô cùng quan trọng trong quá trình sáng tạo.

- Ý tưởng thể hiện bản sắc, cá tính của người sáng tạo:

+ Mỗi người có một cách nhìn nhận, cảm nhận thế giới riêng, do đó, những ý tưởng sáng tạo của họ cũng sẽ mang những dấu ấn độc đáo, khác biệt.

+ Qua những ý tưởng sáng tạo, con người thể hiện được trí tuệ, óc sáng tạo, tâm hồn và quan điểm sống của mình.

- Ý tưởng là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội:

+ Những ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa thành những sản phẩm mới, những giải pháp mới sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và xã hội.

+ Nhờ những ý tưởng sáng tạo, con người có thể giải quyết những vấn đề phức tạp, cải thiện chất lượng cuộc sống và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

IV. Đọc tác phẩm Năng lực sáng tạo

Năng lực sáng tạo

(trích)

Phan Đình Diệu

[...] Khó tìm được một định nghĩa rõ ràng nào cho khái niệm sáng tạo và năng lực sáng tạo. Các từ điển thường chỉ cho ta một vài hiểu biết khái quát và phiến diện về nội dung phong phú của các khái niệm đó. Ta biết hoạt động sáng tạo là một loại hoạt động tinh thần riêng có của con người, mà sản phẩm của nó thường là những phát minh hoặc phát hiện mới mẻ, độc đáo của tư duy và trí tưởng tượng. Có người nói “... sáng tạo là nhìn cùng một việc như mọi người nhung nghĩ về một điều nào đó khác”. Tính mới, tính độc đáo là những tính chất cốt yếu của kết quả sáng tạo; khả năng tư duy và trí tưởng tượng là những năng lực cần thiết cho sáng tạo; có nhà khoa học đã tổng kết thành công thúc “thiên tài sáng tạo là bằng ý thức đổi mới, không lệ thuộc nếp cũ nhân với bình phương của trí tưởng tượng và khả năng trừu tượng hoá” (F. Ba-li-ba – F. Balibar, nhà vật lí Pháp, khi nói về thiên tài của A. Anh-xtanh – A. Einstein). Điều cốt lõi trong một tiến trình sáng tạo là việc xuất hiện các ý tưởng (ideas) từ trong suy nghĩ và tưởng tượng của nhà nghiên cứu. Nhà khoa học nổi tiếng H. Poanh-ca-rê (H. Poincaré) từng nói “trong sáng tạo khoa học, ý tưởng chỉ là những ánh chớp, nhung ảnh chớp đó là tất cả”. Và ta hiểu, ánh chớp không xuất hiện trong trời yên biển lặng, ánh chớp sáng tạo cũng chỉ có thể loé lên một cách đột biến và tức thời như sự bùng phát của những tích tụ trí tuệ đến tột cùng. Mỗi chúng ta, dù là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc hay nhà mĩ thuật, là người làm toán hay vật lí, sinh học, nhà kinh tế hay quản lí, trong cuộc đời trải nghiệm sáng tạo của mình hẳn đã có lúc bất ngờ được hưởng hạnh phúc cảm nhận ánh hào quang xuất hiện những ánh chớp như vậy. Vâng, những ánh chớp ý tưởng có ý tưởng, có nhiều ý tưởng là sẽ có kết quả sáng tạo; nhà nghiên cứu không thể đặt kế hoạch cho sự xuất hiện các ánh chớp mà chỉ có thể bằng lao động cần mẫn của mình tạo nên trạng thái tích tụ những “gió mây giông bão” trí tuệ để hi vọng một lúc bất thần nào đó xuất hiện các ánh chớp mà thôi.

Xưa nay, khi nói đến sáng tạo, thường ta chỉ xem đó là hoạt động riêng của một lớp người được gọi là “trí thức”, như các nhà khoa học, các nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ,... Và bây giờ, bỗng nhiên ta nghe nói đến “kinh tế tri thức”, đến năng lực sáng tạo như là yếu tố quyết định của khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế đó. Và phải chăng khả năng cạnh tranh đó chỉ có thể tạo nên bởi các “nhà” trí thức? Sức cạnh tranh của một nền kinh tế phải được tạo nên trước hết từ những lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, trong những lực lượng đó tất nhiên là có, nhưng không phải chỉ có, các nhà trí thức. Vậy thì, cái năng lực sáng tạo để làm nên sự giàu có và sức cạnh tranh của nền kinh tế mới phải là từ mọi thành phần của nền kinh tế đó, tức là từ mọi người trong xã hội. Trong nền kinh tế mới, mọi người đều tham gia sáng tạo, và mọi người đều có năng lực sáng tạo, đó là điểm mới đầu tiên mà tôi nhận thức được trong quá trình đổi mới tư duy của mình. Nói mọi người đều sáng tạo thì có vẻ khó tin, nhưng “đổi mới tư duy” ở đây đòi hỏi trước hết phải xác lập niềm tin đó: anh là người sáng tạo, tôi là người sáng tạo, mỗi người đều sáng tạo; sáng tạo, có năng lực sáng tạo là thuộc tính tự nhiên của con người. Trong danh sách mười chìa khoá hàng đầu để phát triển năng lực sáng tạo cá nhân do tổ chức CoachVille đề xuất, điều tin rằng mình là người sáng tạo được xem là chìa khoá quan trọng số một. Chín chìa khoá tiếp theo là: hãy mở rộng những điều mà mình quan tâm để có thêm nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm mới; hãy thu thập thêm nhiều rung cảm, ấn tượng, nhiều thông tin mới chuẩn bị cho sáng tạo; hãy tìm kiếm các mối quan hệ liên kết, kể cả các mối liên hệ ít ngờ nhất; từ bỏ những thói quen thường ngăn cản ta đến với những điều mới; tạo cho mình một môi trường thoải mái theo sở thích; bố trí thời gian thuận tiện cho mọi hoạt động, có nghỉ ngơi thư giãn, có suy nghĩ, nhớ rằng có những quãng thời gian dài không nghĩ được gì, nhưng cũng có thể có những “năm phút” làm nên sự khác biệt; cần có đức kiên trì; mở rộng mọi giác quan để tiếp nhận mọi tri thức trực giác; và cuối cùng là biết quên đi nhiều điều mà mình đã biết để luôn có một trí tuệ nguyên lành với đôi mắt tươi sáng.

[….] Cái chung nhất của sáng tạo là tìm kiếm những cái mới, một tri thức mới hay một cách vận dụng mới của những tri thức đã có, một phương pháp mới hay một giải pháp mới cho một vấn đề tưởng rằng đã cũ, nói gọn lại là tìm những đóng góp mới để giải quyết các vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống. Có những sáng tạo lớn làm nên những tên tuổi lẫy lừng, nhưng phải chẳng đối với đại đa số con người bình thường chúng ta, phấn đấu trở thành người sáng tạo, chúng ta không hi vọng sẽ có tên tuổi được thế giới thừa nhận, mà chỉ mong được vui hưởng chút hạnh phúc thầm lặng của một sự thoả mãn tinh thần, của một đời sống có ý nghĩa mà thôi.

Sáng tạo là một loại lao động phức tạp và vất vả. Ta nhớ câu nói nổi tiếng của nhà phát minh Ê-đi-xơn (Edison): “Trong mỗi phát minh có 1% cảm hứng và 99% việc đổ mồ hôi”. Vậy để con người có thể hăng say sáng tạo hẳn phải có những động lực mạnh mẽ. Ham hiểu biết, tìm kiếm cái hay cái đẹp đã từng là động lực thúc đẩy sự nghiệp sáng tạo của biết bao thế hệ các nhà bác học, văn nhân, nghệ sĩ. Rồi kinh tế thị trường xuất hiện cùng với chủ nghĩa tư bản, và thị trường với cơ chế cạnh tranh ngày càng khốc liệt dần trở thành nguồn động lực cho sáng tạo, sáng tạo trong sản xuất, trong phát triển công nghệ, trong quản lí kinh doanh,... Và đến ngày nay, kinh tế thế giới đã phát triển đến giai đoạn của “kinh tế tri thức” toàn cầu hoá với một thị trường mở rộng ra phạm vi toàn thế giới, yếu tố “năng lục sáng tạo” trở thành chìa khoá chính cho mọi quốc gia đi vào tiến trình hội nhập, thì việc chăm lo tạo dụng và phát huy năng lực sáng tạo không còn là việc của từng cá nhân, mà trở thành vấn đề chiến lược của mọi quốc gia. ...

Sáng tạo cho đến nay vẫn là năng lực riêng có của con người. Sáng tạo thường là việc riêng của từng bộ óc, từng con người. Nhưng sự tiếp xúc, trao đổi giữa các bộ óc, thường giúp cho các ý tưởng gặp gỡ, đối sánh, chọn lựa, ý tưởng làm nẩy sinh ý tưởng.... cho nên sáng tạo cũng có thể được coi là kết quả của tập thể. Ngoài ra còn có sự tham gia đắc lực của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung cấp các kho thông tin và tri thức ngày càng phong phú và các phương tiện xử lí tri thức ngày càng tinh tế. Đó là sự cộng năng sức mạnh của công nghệ tri thức hiện đại với trí tuệ sáng tạo riêng có của con người để làm nên năng lực sáng tạo chung của dân tộc. Năng lực sáng tạo là vấn đề hung vong của quốc gia, đất nước; nó cũng là vấn đề thành bại của mỗi tổ chức, doanh nghiệp; và cũng là vấn đề sống còn của mỗi cá nhân. Lợi ích chung và lợi ích riêng hoà hợp một cách hữu cơ trong cùng một nhiệm vụ là nâng cao năng lực sáng tạo chung đó. Ta hi vọng là với tiềm năng vốn có, với những nhận thúc mới về cuộc sống mới và thế giới mới, với những hiểu biết mới về những yêu cầu đối với tri thức trong thời đại mới, chúng ta sẽ tạo dụng được một năng lục sáng tạo hùng hậu, đủ đưa đất nước ta tiến kịp thế giới, tiến cùng thế giới, trong thời đại mới.

(Nhiều tác giả, Một góc nhìn của trí thức, tập bốn, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 200 – 205)

V. Văn mẫu

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trả lời câu hỏi: Phải chăng sự sáng tạo sẽ giúp cuộc sống của mỗi người có thêm ý nghĩa?

     Phải chăng sự sáng tạo sẽ giúp cuộc sống của mỗi người có thêm ý nghĩa? Đúng vậy. Sự sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi người. Nó giúp chúng ta khám phá tiềm năng bản thân, thể hiện bản sắc riêng và tạo ra những giá trị mới cho thế giới. Sáng tạo có thể được thể hiện qua nhiều cách khác nhau: từ việc sáng tác nghệ thuật, khoa học kỹ thuật đến việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta sáng tạo, chúng ta đang sử dụng trí tưởng tượng, tư duy độc lập và khả năng đổi mới để tạo ra những điều mới mẻ. Chúng ta có thể thấy rằng sự sáng tạo mang lại nhiều lợi ích cho mỗi người. Khi sáng tạo, chúng ta học hỏi được nhiều điều mới, rèn luyện tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề Sự sáng tạo tăng cường sự tự tin: Khi thành công trong việc sáng tạo, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và khả năng của mình. Ngoài ra nó còn mang đến niềm vui và sự hài lòng: Sáng tạo giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn: Khi chúng ta sáng tạo, chúng ta đang đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội và để lại dấu ấn của mình trên thế giới. Vì vậy, có thể khẳng định rằng sự sáng tạo sẽ giúp cuộc sống của mỗi người có thêm ý nghĩa. Nó giúp chúng ta phát triển bản thân, mang lại niềm vui và sự hài lòng, và làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá