Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức năm 2024

0.9 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 1 Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức năm 2024

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Tiểu thuyết hiện đại

Khái niệm

Đặc điểm

- Tiểu thuyết là loại tác phẩm tự sự quy mô lớn, có khả năng thể hiện các nội dung da dạng và bao quát một phạm vi hiện thực rất rộng, trải ra trên nhiều không gian, thời gian khác nhau nhưng thường dành sự chú ý đặc biệt cho đời tư hay số phận của con người cá nhân.

- Tiểu thuyết hiện đại là loại tiểu thuyết thể hiện một cách tư duy mới, mang tính hiện đại về đời sống, phân biệt với tiểu thuyết cổ điển ra đời trước thời đại tư bản chủ nghĩa.

– Nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư; quan tâm đến cái thường ngày, cái đang diễn biến với cách tiếp cận gần gũi; không lí tưởng hoá hiện thực.

- Nhân vật là "con người nếm trải”, không bất biến, có quá trình phát triển nhiều khi quanh co, phức tạp về tính cách, tâm lí

– Có kết cấu nhiều tầng lớp, tuyến tính hoặc phi tuyến tính; có sự đan xen của nhiều “bè” ngôn ngữ, phản ánh sự tồn tại, xung đột thường xuyên giữa các ý thức xã hội.

– Có khả năng tổng hợp cao

 b. Thơ (biểu tượng và yếu tố siêu thực trong thơ)

Khái niệm

Đặc điểm

Biểu tượng là hình ảnh mang tính ngụ ý, vượt lên chức năng miêu tả, tạo hình đơn giản; chứa dựng nhiều tầng nghĩa phong phú; gợi cảm nhận, suy tư về những điều mang tính phổ quát.

- Thường được hình thành trong khoảng thời gian dài nên ý nghĩa không ngừng được bổ sung và có thể “sống” bên ngoài văn bản

- Thể hiện được những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống

- Thường mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả

Siêu thực trong thơ là việc sử dụng các hình ảnh, tình tiết và ý tưởng không thật sự hiện hữu trong thực tế để tạo ra một không gian, một cảm xúc đặc biệt cho người đọc.

- Biểu hiện trước hết qua những hình ảnh có vẻ kì lạ, gắn kết với nhau theo một logic khác thường.

- Yếu tố siêu thực đã xuất hiện thấp thoáng trong một số tác phẩm thơ thời trung đại hoặc thơ dân gian, nhưng chỉ trở thành hiện tượng thẩm mĩ đặc

thù trong sáng tác của các nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa này ở thời hiện đại.

 c. Văn bản nghị luận (lập luận và các thao tác trong văn bản nghị luận)

Khái niệm

Đặc điểm

Lập luận là sử dụng lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người dọc về một vấn đề.

Giá trị của văn bản nghị luận được quyết định bởi ý nghĩa của vấn đề đặt ra (luận đề) và nghệ thuật lập luận (cách dùng lí lẽ và bằng chứng) của người viết.

Các thao tác:

- Chứng minh là dùng lí lẽ và bằng chứng giúp người đọc thấy rằng ý kiến được nếu là hoàn toàn có cơ sở, đáng tin cậy.

- Bình luận là đánh giá về sự đúng – sai, hay – dở, tốt – xấu, tích cực – tiêu cực của một quan điểm, ý kiến, sự việc, hành động...

- Bác bỏ là chỉ ra sự sai lầm, phiến diện hoặc thiếu chính xác của một quan điểm, ý kiến

- Giải thích là cắt nghĩa về đối tượng (sự vật, hiện tượng, khái niệm,..) một cách chi tiết, tỉ mỉ

- Phân tích là chia tách đối tượng thành nhiều bộ phận

- So sánh là đặt đối tượng này bên cạnh đối tượng khác

Trong bài văn nghị luận, các thao tác trên thường được phối hợp với nhau một cách linh hoạt nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất

 d. Truyện truyền kì

Khái niệm

Đặc điểm

- Là thể loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ văn học Trung Quốc.

- Truyện truyền kì phát triển trên nền tảng thần thoại, truyền thuyết,… của văn học dân gian và những tín ngưỡng văn hóa trong đời sống tinh thần của các dân tộc

- Trong truyện truyền kì, yếu tố kì ảo được sử dụng như một phương thức nghệ thuật có tính đặc thù nhằm thể hiện các vấn đề của thực tại

- Ngôn ngữ truyện truyền kì: thường sử dụng lối nói so sánh - ẩn dụ; ưa hình thức biểu đạt cầu kì, khoa trương, phóng đại; chuộng ngôn từ hoa mĩ; dùng nhiều điển cố, hình ảnh biểu trưng;…

 e. Hài kịch

Khái niệm

Đặc điểm

Các thành phần

Là thể loại kịch, dùng tiếng cười để chế giễu những thói tật, hiện tượng đáng phê phán vốn đi lệch các chuẩn mực tốt đẹp của con người và cộng đồng

Tiếng cười hài kịch cất lên từ sự vênh lệch, không tương thích giữa mục đích và phương tiện thực hiện, bản chất và biểu hiện, hành động và hoàn cảnh, tham vọng vá nhân và các khả năng thực hiện,… tức là từ những cái ngộ nghĩnh, ngược đời, bất hợp lí

- Nhân vật trong hài kịch: là những nhân vật tiêu biểu cho một thói tật đáng cười, đáng phê phán, hoặc những nhân vật thường xuyên nhầm lẫn, có cách ứng xử không phù hợp với hoàn cảnh thực tế

- Tình huống hài kịch: là những tình huống hài hước diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt, thế sự với những toan tính đời thường, làm nổi bật những thói tật đáng cười của con người

- Xung đột trong hài kịch: thường được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa ảo tưởng vớ những chuẩn mực và tiến bộ xã hội

 2. Phần tiếng Việt

a. Nói mỉa và nghịch ngữ

Biện pháp

Khái niệm

Đặc điểm

Nói mỉa

Là biện pháp tu từ thể hiện thái độ mỉa mai hay sự đánh giá mang tính phủ định ngầm ẩn của người nói, người viết đối với sự vật, sự việc được đề cập

Người nói, người viết tạo ra sự mâu thuẫn cố ý giữa phần hiển ngôn và phần hàm ngôn của một lời nói hay của cả chuỗi phát ngôn

Nói mỉa chủ yếu được nhận ra nhờ hiệu quả châm biếm mà lời nói mang lại

Nghịch ngữ

Là biện pháp tu từ, ở đó, người nói, người viết dùng một cụm từ gây ấn tượng mạnh, làm nổi bật tính chất hai mặt của một tình thế, tâm trạng nào đó, hoặc làm phát lộ sự thật về đối tượng theo quan điểm của mình

Nghĩa của nghịch ngữ đối lập với nghĩa của các cụm từ khác trong câu hoặc trong các câu khác gần kề

Nghịch ngữ thường xuất hiện trong nói mỉa

 b. Một số biện pháp tu từ trong thơ

Biện pháp

Khái niệm

Tác dụng

Nhân hóa

là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi ... vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối

Làm cho những vật vô tri vô giác trở nên có hồn và suy nghĩ sống động hơn.

Ẩn dụ

là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó

Nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm

Điệp ngữ

là một biện pháp tu từ trong văn học, trong đó tác giả lặp lại một từ, một cụm từ hoặc cả một câu với dụng ý cụ thể

- Nhấn mạnh

- Tạo nhịp điệu

- Tăng tính biểu cảm

Đối

là biện pháp tu từ, theo đó người viết (người nói) xếp đặt những từ ngữ hoặc câu có đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp tương tự hoặc tương phản nhau ở những vị trí đối xứng trong câu hoặc trong văn bản

Tạo nên vẻ đẹp cân xứng, hài hòa cho lời thơ, câu văn

 c. Lỗi logic, lỗi câu mơ hồ và cách sửa

Lỗi

Khái niệm

Ví dụ

Lỗi logic

Là câu có sự mâu thuẫn giữa các ý được trình bày, lẫn lộn các bình diện khi nói về đối tượng, đặt các đối tượng không cùng cấp độ trong quan hệ đồng đẳng

Bên cạnh việc hăng hái cách tân thi ca, ông còn là một chiến sĩ nhiệt thành đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít

- Vế đầu câu nói về hoạt động của chủ thể, vế sau lại nói đến vị thế xã hội của chủ thể, mặc dù câu được cấu trúc theo mẫu: bên cạnh… còn…

- Chính sự lẫn lộn các bình diện như thế khi nói về đối tượng đã khiến câu mắc lỗi logic

Lỗi câu mơ hồ

Là câu khiến người đọc có thể hiểu theo những cách khác nhau

Tôi đồng ý với những đánh giá về truyện ngắn của ông ấy

- Khó xác định câu này muốn đề cập những ý kiến của ông ấy đánh giá về truyện ngắn hay có những ý kiến của người khác đánh giá về truyện ngắn do ông ấy sáng tác

 d. Điển cố trong tác phẩm văn học

Khái niệm

Đặc điểm

Tác dụng

là sự việc hay câu chữ trong sách xưa, được dẫn lại trong văn bản của các tác giả đời sau

- Nguồn gốc: Xuất phát từ các tác phẩm văn học, lịch sử, dân gian có giá trị.

- Tính cô đọng: Mang trong mình ý nghĩa sâu sắc, hàm súc, cô đọng.

- Tính đa nghĩa: Có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh.

- Tính gợi hình: Tạo ra những hình ảnh, liên tưởng sinh động, gợi cảm.

- Tính truyền thống: Là một phần di sản văn hóa của dân tộc.

- Làm phong phú ngôn ngữ: Tạo ra sự đa dạng và phong phú cho cách diễn đạt.

- Tăng sức gợi hình, gợi cảm: Giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về sự vật, hiện tượng được miêu tả.

- Tăng sức biểu cảm: Thể hiện rõ nét tình cảm, cảm xúc của người viết.

- Nâng cao giá trị thẩm mỹ của văn bản: Làm cho văn bản trở nên uyên bác, sang trọng hơn.

- Tạo ra sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại: Giúp người đọc hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc.

 3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu hai tác phẩm truyện được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh

giả; nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.

Thân bài

Cần triển khai các ý:

+ Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong dời sống văn học...

+ Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy (ví dụ: hai tác phẩm cùng đề cập một loại hiện tượng đời sống hay một loại hình nhân vật; hai tác giả có cùng quan điểm thẩm mĩ và cách tiếp cận hiện thực; có hiện tượng tác giả này chịu ảnh hưởng tác giả kia về đề tài, cảm hứng, bút pháp, phong cách sáng tác;...).

+ Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy (ví dụ: mỗi nhà văn có quan điểm thẩm mĩ, cách tiếp cận hiện thực và cá tính sáng tạo riêng; mỗi nhà văn chịu ảnh hưởng của một truyền thống văn hoá, văn học khác nhau; đối tượng được miêu tả, câu chuyện được kể lại ở mỗi tác phẩm có điểm đặc thù;).

+ Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.

Kết bài

Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

 b. Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu ngắn gọn về hai bài thơ và nếu cơ sở lựa chọn để so sánh, đánh giá.

Thân bài

Có nhiều cách trình bày nội dung so sánh, đánh giá. Người viết cần linh hoạt trong việc lựa chọn cách trình bày phù hợp với hiểu biết và hứng thú của bản thân, điều này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của bài viết. Có thể triển khai các nội dung so sánh, đánh giá theo những cách sau:

– Cách 1: Lần lượt phân tích từng bài thơ, sau đó chỉ ra điểm tương đồng, sự gặp gỡ và những điểm khác biệt, II giải nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt đó; đồng thời đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ.

– Cách 2: Phân tích bài thơ thứ nhất theo các phương diện đã xác định, khi phân tích bài thơ thứ hai sẽ so sánh với bài thơ thứ nhất theo từng phương diện và lí giải nguyên nhân của những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ, từ đó, đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ.

- Cách 3: So sánh lần lượt các phương diện đã lựa chọn đối với hai bài thơ, chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt; lí giải nguyên nhân sự tương đồng và khác biệt đó; đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ từ các nội dung so sánh.

Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; nêu cảm nhận và ấn tượng của bản thân về các bài thơ.

 c. Viết bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ (những hoài bão, ước mơ)

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, nêu quan điểm của người viết về vấn đề đó.

Thân bài

– Giải thích từ ngữ, khái niệm để làm rõ bản chất vấn đề cần bàn luận liên quan đến tuổi trẻ.

- Trình bày các khía cạnh của vấn đề (Vì sao vấn đề này thiết yếu đối với tuổi trẻ? Vấn đề gợi cho tuổi trẻ những suy nghĩ và hành động như thế nào? Cần có những điều kiện gì để tuổi trẻ thực hiện yêu cầu mà vấn đề nêu ra?...). Với từng luận điểm, cần dùng lí lẽ và bằng chứng phù hợp để lập luận nhằm tạo nên sức thuyết phục của bài viết.

– Bình luận về sự đúng đắn, thiết thực của vấn đề, bác bỏ ý kiến trái ngược để củng cố quan điểm của mình.

– Định hướng hành động của bản thân sau khi nhận thức về vấn đề.

Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của vấn đề, liên hệ với đời sống thực tại, rút ra bài học cho bản thân.

 d. Viết bài văn nghị luận về việc vay mượn – cải biến – sáng tạo trong một tác phẩm văn học

Phần

Nội dung

Mở bài

Giới thiệu ngắn gọn các thông tin về tác giả, tác phẩm, trọng tâm vấn đề (khía cạnh nào của sự vay mượn – cải biến) mà bài viết bàn luận.

Thân bài

Cần triển khai các ý chính sau đây:

+ Nhận diện về phạm vi, tính chất của việc tiếp nhận, chịu ảnh hưởng

+ Phân tích, đánh giá sự vay mượn, tiếp nhận, chịu ảnh hưởng trên các phương diện cụ thể.

+ Phân tích, đánh giá những điểm cải biến, sáng tạo của tác giả trong quá trình vay mượn.

Lưu ý: Việc sắp xếp hệ thống ý chính cần linh hoạt, phụ thuộc vào ý tưởng triển khai mạch nghị luận. Ví dụ, có thể sắp xếp theo cấu trúc: các phương diện chỉ vay mượn mà không cải biến, vay mượn nhưng cải biến một phần, vay mượn về mặt hình thức nhưng cải biến hoàn toàn về nội dung.

Kết bài

Ý nghĩa của việc tìm hiểu về sự vay mượn và cải biến trong tác phẩm. Nếu đánh giá chung và hướng khám phá, tìm tòi tiếp theo.

 e. Viết báo cáo nghiên cứu mộ vấn đề tự nhiên, xã hội

Phần

Nội dung

Lựa chọn đề tài

Đề tài lựa chọn hoàn toàn có thể hướng về những gì liên quan đến cuộc sống và hoạt động học tập của bản thân, miễn nó thử thách được khả năng thu thập, xử lí dữ liệu từ nhiều nguồn, khả năng nêu những luận điểm thể hiện tầm nhìn bao quát về đối tượng hay vấn đề.

Thu thập, phân tích và đánh giá thông tin

Cần rút ra những bài học bổ ích trên phương diện này từ bài viết tham khảo – một báo cáo nghiên cứu được triển khai dựa trên khối lượng dữ liệu lớn, có được nhờ tác giả theo dõi sát sao thực tế và đọc nhiều tài liệu tham khảo liên quan.

Xây dựng đề cương

* Để xây dựng luận điểm cho báo cáo nghiên cứu, cần tập trung suy nghĩ về các câu hỏi sau:

- Vấn đề được chọn nghiên cứu có ý nghĩa gì?

- Cần xác định hưởng nghiên cứu như thế nào?

– Những khía cạnh nào của vấn đề cần được tập trung phân tích?

– Những cứ liệu minh hoạ nào có thể huy động?

- Thái độ nên có trước các đối tượng được đề cập là gì

* Cần sắp xếp các luận điểm đã có vào đúng vị trí trong bố cục của báo cáo nghiên cứu:

- Đặt vấn đề: Nếu động cơ, niềm hứng thú, sự thôi thúc ở người viết khi quyết định chọn đề tài để nghiên cứu (bao hàm trong đó việc gọi tên vấn đề).

- Giải quyết vấn đề: Lần lượt đánh giá hay trình bày quan điểm về từng khía cạnh của vấn đề (đánh giá bao quát, phân tích từng mặt của đối tượng, tranh luận với các quan điểm đánh giá khác, nếu khuyến nghị,... ).

- Kết luận. Khái quát ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu và kết quả nghiên cứu đạt được.

B. ĐỀ THI MINH HỌA

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp

NHÀ THỊ TRƯỞNG HÂN HOAN

(Quan thanh tra – Gô gôn)

Tóm tắt hài kịch Quan thanh tra:

Hồi I: Thị trưởng một thị trấn tỉnh lẻ ở nước Nga đột ngột triệu tập quan chức để tuyên bố về việc nhận được mật báo: có quan thanh tra cấp cao bí mật tới thị trấn. Cả bọn kinh hãi, bởi việc gì trong thị trấn khó có thể coi là tử tế... Cả bọn tưởng một người khách ở thị trấn là quan thanh tra, nên sửa soạn đến cung phụng để che tội mình.

Hồi II: I-van A-lếch-xan-đrô-vích Khơ-lét-xta-cốp (Ivan Alexandrovitr Khlestacov) vốn là một nhân viên thư kí quèn ở văn phòng của một vụ ở Pê-téc bua (Petersburg). Anh ta từng sống chui lủi để trốn tiền trọ, song vẫn luôn giữ diện mạo bảnh bao. Khi hắn đang hết tiền, đói khát thì đám quan chức trong thị trấn, tưởng gã là quan thanh tra, tới cung phụng. Thị trưởng mời hắn chuyển đến ở nhà mình.

Hồi III: Khơ-lét-xta-cốp nhập vai quan thanh tra đến ở nhà thị trưởng. Việc được thết đãi linh đình tạo cảm hứng cho gã khoác lác về vị thế sang trọng và danh tiếng tưởng tượng của mình. Vợ và con gái thị trưởng sán lại làm thân. Lũ quan tham trong thị trấn lại thêm phần sợ hãi.

Hồi IV: Quan chức, những kẻ tò mò và cả những người bị oan khuất trong thị trấn lũ lượt xin vào gặp Khơ-lét-xta-cốp. Gã thoạt đầu còn sượng sùng vay tiền đám quan chức, tiến tới đòi hỏi, quát nạt để ăn hối lộ công khai của cả người bị hiếp đáp. Khơ-lét-xta-cốp còn tận dụng cơ hội để tán tỉnh cả vợ lẫn con gái thị trưởng, rồi cầu hôn với con gái ông ta.

Hồi V: Thị trưởng vênh váo với việc con gái mình sẽ kết hôn với “quan lớn” thanh tra, đang hân hoan thì chủ sự bưu vụ báo tin Khơ-lét-xta-cốp không phải là quan thanh tra. Đúng lúc đó, một viên hiến binh xuất hiện, tuyên bố: Quan thanh tra thực vừa mới đến thành phố, yêu cầu tất cả tới trình diện khiến tất cả kinh hoàng, đờ ra như hoá đá, chuyển vào Lớp Câm – kết thúc hài kịch.

Đoạn trích Nhà thị trưởng hân hoan là lớp 7, hồi 5 của vở hài kịch.

Cảnh sát trưởng:

Tôi hân hạnh chúc mừng ông lớn, và cầu mong ông lớn được sống lâu trăm tuổi.

Thị trưởng: Cảm ơn, cảm ơn! Thưa các vị, xin mời các vị ngồi. (Khách ngồi.)

Am-mốt phi-ô-đô-rô-vích:

Nhưng ông Am -mốt phi-ô-đô-rô-vích, xin ông cho biết, câu chuyện này bắt đầu ra sao, diễn biến như thế nào?

Thị trưởng: Chuyện thật kì lạ, chính anh ấy hỏi xin chứ lị.

An-na An-drây-ép-na:

Anh ấy hỏi một cách kính cẩn, tế nhị. Anh ấy nói rõ ràng minh bạch như thế này: “Thưa bà An-na An-đrây-ép-na, chỉ vì tối một niềm kính trọng phẩm giá của bà. Con người điển trai, có học thức, đứng đắn như thế lại nói: “Thưa bà An-na An-đrây-ép-na, không hiểu bà có tin cho không, đối với tôi cuộc đời không đáng giá một đồng xu nhỏ; chỉ vì tôi quý trọng những đức tính hiếm có của bà quá thể.”

Ma-ria An-tôn-nốp-na: Hứ! Mợ ạ, anh ấy nói với con như thế chứ.

An-na An-drây-ép-na:

Im đi, mày thì biết cái gì, đừng có dúng vào những việc không phải của mình

Anh ấy lại nói tiếp: “Bà An-na An-đrây-ép-na, bà làm cho tôi đâm thẫn thờ sửng sốt.” Anh ấy còn nhiều câu khen ngợi tôi đại loại như thế nữa. Khi tôi muốn nói với anh ấy rằng chúng tôi không hi vọng được cái vinh dự như vậy, thế là anh ấy quỳ ngay xuống, kêu lên một cách rất lịch sự: “An-na An-đrây-ép-na, bà đừng làm tôi đau khổ. Xin đáp lại mối tình của tôi, nếu không sẽ tự kết liễu cuộc đời mình.

Ma-ria An-tôn-nốp-na: Mợ ạ, đó là những câu anh ấy nói về con.

An-na An-drây-ép-na:

Phải, tất nhiên... Anh ấy cũng có nói về mày, tao không bảo là không.

Thị trưởng:

Rồi anh ấy lại còn doạ tự sát. Anh ấy nói: tôi sẽ tự tử, tôi sẽ tự bắn vào đầu.

Nhiều người nói: Thật thế kia à!

Am-mốt Phi-ô-đô-rô-vích: Chuyện kì lạ nhỉ!

Lu-ca Lu-kích: Thực là số trời run rủi.

Ác-tê-mi Phi-líp-pô-vích:

Bố ơi, không phải số trời đâu, số trời là cái quái gì, đó là do có tài nên danh phận đây. (Nói riêng) Thằng cha ngu như lợn này, số nó bao giờ cũng gặp may.

Am-mốt Phi-ô-đô-rô-vích:

Ông An-tôn An-tô-nô-vích, ông có muốn tôi để lại cho ông con chó đực, cái con ông muốn mua ấy...

Thị trưởng: Không, bây giờ tôi không có thì giờ nghĩ đến chó má nữa.

Am-mốt Phi-ô-đô-rô-vích: Nếu ông không muốn lấy con ấy thì chọn con khác.

Vợ Rô-cô-rốp-krin:

Chà, An-na An-đrây-ép-na, chị thật không thể tưởng tượng được em vui sướng biết bao thấy chị được hạnh phúc!

Rô-cô-rop-krin:

Xin ông cho biết, hiện nay vị khách lừng danh ở đâu? Tôi nghe nói ngài có việc phải đi rồi!

Thị trưởng: Phải, anh ấy đi một ngày thôi, có việc quan trọng.

An-na An-đrây-ép-na: Đi đến nhà chú đấy, để xin ông ta tán thành việc hôn nhân.

Thị trưởng:

Để xin ông ta tán thành; nhưng ngày mai. (Hắt hơi, mọi người cùng kêu: “Sống lâu, giàu bền”) Cảm ơn vạn bội! Nhưng ngày mai, anh ấy trở lại. (Hắt hơi. Tất cả mọi người lại kêu lên: “Sống lâu, giàu bền”)

Cảnh sát trưởng: Chúc ngài sống lâu.

Bốp-chin-xki: Sống lâu trăm tuổi, tiền của như núi.

Đốp-chin-xkhi: Sống một trăm thêm năm tuổi lẻ.

Ác-tê-mi Phi-líp-pô-vích: Phỉ thui, chết mẹ mày đi.

Vợ Kô-rốp-kin: Phỉ phui, quỷ bắt mày đi!

Thị trưởng: Cảm ơn, tôi cũng chúc các vị như thế.

An-na An-drây-ép-na:

Bây giờ chúng tôi có ý định sống ở thủ đô. Không khí ở đây, tôi thú thật, quê mùa lắm, rất khó chịu... Nhà tôi ấy mà, sẽ được phong nguyên soái.

Thị trưởng: Thưa các vị, tôi thú thực rất muốn làm nguyên soái, khỉ thế chứ lại.

Lu-ca Lu-kích: Cầu Chúa cho ông được toại nguyện.

Ra-xta-cốp-xki: Sức người không làm gì được, mọi việc đều do ý Chúa cả.

Am-mốt Phi-ô-đô-rô-vích: Thuyền to thì cần biển rộng chứ.

Ác-tê-mi Phi-líp-pô-vích: Thật vinh dự, xứng đáng với công trạng.

Am-mốt phi-ô-đô-rô-vích: (Nói riêng)

Nếu nó làm nguyên soái, thì thật là trò hề. Nó mà mang lon tướng thì như bò được thắng yên ngựa! Hử, không đâu, anh bạn, bài ca ấy nghe hãy còn xa xôi lắm! Ở đời khối thằng tài cán hơn anh mà chẳng được làm nguyên soái nữa là.

Ác-tê-mi Phi-líp-pô-vích: (Nói riêng)

Chà đồ chó chết, nó lại muốn leo lên chức nguyên soái. Chưa biết chừng nó được là cũng nên, nó có cái vẻ tinh ranh, khéo xoay xở lắm. (Nói với thị trưởng) An-tôn An-tô-nô-vích, lúc ấy đừng quên anh em nhé.

Am-mốt Phi-ô-đô-rô-vích:

Và nếu có việc gì xảy ra chẳng hạn như anh em cần giúp đỡ việc gì, đừng quên che chở anh em đấy nhé.

Kô-rốp-kin:

Sang năm, tôi cho cháu ra thủ đô, để nó làm việc cho nhà nước; nhờ ông nâng đỡ cháu, coi cháu như con ông vậy.

Thị trưởng: Về phía tôi, tôi xin sẵn sàng, sẵn sàng cố gắng.

An-na An-drây-ép-na:

Antôsa, lúc nào cậu cũng hay hứa trước. Lúc bấy giờ, còn thì giờ đầu mà nghĩ tới việc đó. Sao lại cứ hứa hẹn hão cho nặng mình ra

An-na An-drây-ép-na:

Tất nhiên là có thể, nhưng không thể che chở cho bất kì thằng tẹp nhẹp nào, Vợ Kô-rốp-kin: Các vị nghe chưa, bà ấy đối xử với chúng ta như thế đấy.

(Gôgôn, Quan thanh tra, Vũ Đức Phúc dịch, NXB Sân khấu, Hà Nội, 2006)

(*) Tên văn bản do nhóm biên soạn đặt.

(1) Nguyễn văn là “một lời chúc tụng”. Nhưng những người mê tín ở Việt Nam hay nói: “Sống lâu”

(2) Khi hắt hơi, người ta có hai kiểu mê tín: một là chức tụng, hai là nói để giải hoạ. Ac-lê-mi là kế quỷ quyệt, lợi dụng việc đó, xỏ thị trưởng.

* Nikolay Vasilievich Gogol (Gô-gôn) (1809 – 1852) là một văn sĩ, thi sĩ, kịch tác gia và phê bình gia người Nga gốc Ukraina – Ba Lan. Ông là một nhà văn hiện thực lớn của nước Nga và của toàn thế giới thế kỉ XIX.

Câu hỏi:

Câu 1. Tóm tắt nội dung và mâu thuẫn/xung đột thể hiện trong trích đoạn hài kịch Nhà thị trưởng hân hoan (Quan thanh tra của Gô-gôn) (0.5 điểm)

Câu 2. Vì sao vợ chồng nhà thị trưởng vênh váo như vậy? Họ là người như thế nào? Điều này khiến em dự đoán drama (kịch) nào sẽ xảy ra tiếp theo? (0.5 điểm)

Câu 3. Đặc điểm của nhân vật hài kịch hiện lên trong đoạn trích như thế nào? Em ấn tượng với thủ pháp nghệ thuật khắc hoạ nhân vật hài kịch nào của tác giả

Gô-gôn? (1.0 điểm)

Câu 4. Đọc đoạn thoại sau và trả lời câu hỏi a, b, c. (1.0 điểm)

An-na An-đrây-ép-na: Anh ấy hỏi một cách kính cẩn, tế nhị. Anh ấy nói rõ ràng minh bạch như thế này: “Thưa bà An-na An-đrây-ép-na, chỉ vì tôi một niềm kính trọng phẩm giá của bà”. Con người điển trai, có học thức, đứng đắn như thế lại nói: “Thưa bà An-na An-đrây-ép-na, không hiểu bà có tin cho không, đối với tôi cuộc đời không đáng giá một đồng xu nhỏ; chỉ vì tôi quý trọng những đức tính hiếm có của bà quá thể..”

Ma-ria An-tôn-nốp-na: Hứ! Mợ ạ, anh ấy nói với con như thế chứ.

An-na An-đrây-ép-na: Im đi, mày thì biết cái gì, đừng có dúng vào những việc không phải của mình! Anh ấy lại nói tiếp: “Bà An-na An-đrây-ép-na, bà làm cho tôi đâm thẫn thờ sửng sốt”. Anh ấy còn nhiều câu khen ngợi tôi đại loại như thế nữa. Khi tôi muốn nói với anh ấy rằng chúng tôi không hi vọng được cái vinh dự như vậy, thế là anh ấy quỳ ngay xuống, kêu lên một cách rất lịch sự: “An-na An-đrây-ép-na! Bà đừng làm tôi đau khổ. Xin đáp lại mối tình của tôi, nếu không sẽ tự kết liễu cuộc đời mình”

Ma-ria An-tôn-nốp-na: Mợ ạ, đó là những câu anh ấy nói về con.

a) Xác định nhân vật “anh ấy”, người gọi “anh ấy” và chỉ ra sự phi lí, hài hước

trong cách xưng hô này.

b) “Mợ ạ, anh ấy nói với con như thế chứ” là lời của ai? Lời nói ấy phản ánh được “vấn đề” nào?

c) Tiếng cười cất lên từ đâu? Tác giả đã gửi gắm điều gì qua đoạn hội thoại ấy?

Câu 5. Văn bản trên sử dụng những thủ pháp gây cười nào? Theo em, thủ pháp nào đặc sắc nhất? Vì sao? (1.0 điểm)

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. Xác định cảm hứng, những thói hư, tệ nạn cần phê phán trong trích đoạn hài kịch Nhà thị trưởng hân hoan và cho biết hiện tượng, thói xấu nào vẫn tồn tại trong đời sống hôm nay? Theo, em, thói xấu nào gây nhiều tác hại cho xã hội? Vì sao? (Đoạn văn 200 chữ) (2.0 điểm)

Câu 2. Viết văn bản (600 chữ) so sánh để làm nổi bật nét khác biệt và điểm tương đồng nội dung phê phán và thủ pháp trào phúng - nghệ thuật gây cười của 2 văn bản hài kịch Thuỷ thủ tàu viễn dương (Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ) ở đề 1 và Nhà thị trưởng hân hoan (Quan thanh tra của Gô-gôn). Từ đó chia sẻ ngắn về tác động của 2 trích đoạn hài kịch tới nhận thức của em.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

ĐÁP ÁN

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1 (0,5 điểm)

- Tóm tắt nội dung: Thị trưởng vênh váo, say sưa với việc con gái mình sẽ kết hôn với “quan lớn” thanh tra, gia đình sẽ chuyển về thủ đô, sẽ thật thần thế, danh giá, các quan chức địa phương đến chúc mừng, cầu cạnh. Ngoài mặt kẻ nào cũng ra sức nịnh bợ nhưng bên trong coi nhau không ra gì.

- Mâu thuẫn: giữa cái thấp hèn với cái thấp hèn (Thị trưởng vênh váo cậy thần thế, danh giá chưa có của mình >< kẻ nịnh bợ để cầu lợi, nhưng trong lòng vẫn khinh bỉ nhau)

Câu 2 (0,5 điểm)

- Vợ chồng nhà thị trưởng vênh váo vì tin chắc rằng mình sẽ có con rể danh giá là quan thanh tra, sẽ đến thủ đô sống, sẽ được phong nguyên soái, sẽ được giao tiếp với giới thượng lưu, sẽ có nhiều người cầu cạnh,...

- Là những kẻ háo danh, hám lợi, cả tin, dễ bị lừa

- Drama (kịch) tiếp theo: nhận ra mình bị lừa cay đắng, thất vọng và căm tức kẻ thanh tra rởm.

Câu 3 (1 điểm)

- Các nhân vật hài kịch, phẩm chất bên trong không tương xứng với vị trí thân phận của họ và do vậy, họ đáng là nạn nhân của tiếng cười:

+ Thị trưởng: kẻ hám lợi bị công chức quèn lừa nhưng đang mong được phong nguyên soái.

+ Vợ thị trưởng: ngu dốt, mê trai; đang đê mê với lời có cánh giả dối (“Tôi một niềm kính trọng phẩm giá của bà”; “Bà đừng làm tôi đau khổ. Xin đáp lại mối tình của tôi.)

- Thủ pháp nghệ thuật khắc hoạ nhân vật hài kịch của tác giả Gô-gôn

+ Độc thoại để lột tả tính cách, bản chất nhân vật qua những chỉ dẫn sân khấu (nói riêng): (A-mi-mốt Phi-ô-đô-rô-vích: (Nói riêng) Nếu nó làm nguyên soái, thì thật là trò hề. Nó mà mang lon tướng thì như bò được thắng yên ngựa! Hử, không đâu, anh bạn, bài ca ấy nghe hãy còn xa xôi lắm! Ở đời khôi thẳng tài cán hơn anh mà chẳng được làm nguyên soái nữa là; Ác-tê-mi Phi-líp-pô-vích: (Nói riêng) Cha đồ chó chết, nó lại muốn leo lên chức nguyên soái. Chưa biết chừng nó được là cũng nên, nó có cái vẻ tinh ranh, khéo xoay sở lắm) → Những kẻ đểu giả nghĩ một đằng nói một nẻo.

+ Sự mâu thuẫn, vô lí, sáo rỗng trong lời thoại nhân vật.

Câu 4 (1 điểm)

a) Anh ấy là: quan thanh tra (kẻ đang bị nhận nhầm là quan thanh tra), là người sắp cưới con gái của thị trưởng; người gọi “anh ấy” chính là vợ thị trưởng, mẹ vợ tương lai của anh ta.

b) “Mợ ạ, anh ấy nói với con như thế chứ!” là lời con gái của vợ chồng nhà thị trưởng. Chứng tỏ kẻ “anh ấy” đang tán tỉnh cả hai mẹ con (vợ, con gái của thị trưởng).

c) Tiếng cười cất lên từ:

+ Thái độ của vợ thị trưởng: Bà ta nói cứ như nói về người của mình, tỏ tình với mình mà không hề ngượng ngùng, bà ta gạt phắt lời của con gái để kể say mê: bà ta cũng mê gã thanh tra rởm.

+ Từ “nội dung” lời tán tỉnh toàn những lời bóng bẩy, phi logic, vô nghĩa (“Đối với tôi, cuộc đời không đáng giá một đồng xu nhở”; “chỉ vì tôi quý trọng những đức tính hiếm có của bà quá thể”; “bà làm cho tôi đâm thẫn thờ, sửng sốt”,...)

+ Từ thực tế: Cả hai mẹ con ngu dốt, mê muội danh vọng không nhận ra bộ mặt thật của quan thanh tra rởm.

- Tác giả gửi gắm thông điệp: Những kẻ mê muội danh tiếng hão, mong hưởng thụ lợi lộc từ kẻ khác thì sẽ bị chính những thứ đó lừa dối.

Câu 5.

– Tạo tình huống kịch tính; Điệu bộ gây cười; Nghệ thuật phóng đại (nói quá, cường điệu); Chơi chữ, gây hiểu lầm. (Học sinh tự đưa dẫn chứng.)

- Đánh giá thủ pháp đặc sắc nhất: Học sinh tự làm theo quan điểm cá nhân nhưng cần có đủ các yếu tố sau đây:

+ Xác định đoạn/ câu chứa thủ pháp gây cười.

+ Lí giải bằng hai lí do trở lên (gây cười, tác động tới độc giả).

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Triển khai đoạn đảm bảo dung lượng; nội dung hướng vào các ý sau đây:

- Cảm hứng: châm biếm, phê phán thói háo danh, dựa hơi, cậy quyền, lừa lọc để từ đó con người nhận thức mà tránh xa, bài trừ, lên án cái xấu.

- Hiện tượng, thói xấu vẫn tồn tại trong đời sống hôm nay: háo danh, dựa hơi, cậy quyền, lừa lọc (các thói xấu có biểu hiện đa dạng, khó lường...).

- Thói xấu gây nhiều tác hại cho xã hội: Học sinh tự trả lời (cần có 2 đến 3 lí do thuyết phục để bảo vệ ý kiến của mình).

Câu 2.

Viết văn bản (600 chữ) so sánh để làm nổi bật nét khác biệt và điểm tương đồng nội dung phê phán và thủ pháp trào phúng - nghệ thuật gây cười của 2 văn bản hài kịch Thuỷ thủ tàu viễn dương (Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ) ở đề 1 và Nhà thị trưởng hân hoan (Quan thanh tra của Gô-gôn). Từ đó chia sẻ ngắn về tác động của 2 trích đoạn hài kịch tới nhận thức của em.

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu ngắn gọn về hài kịch, hai tác phẩm cần so sánh, đánh giá

- Nêu luận đề: nét khác biệt và điểm tương đồng trong nội dung phê phán thủ pháp trào phúng - nghệ thuật gây cười của hai văn bản hài kịch và thành công riêng của mỗi tác giả.

Thân bài

2,5đ

* Nét tương đồng trong nội dung phê phán: háo danh

(Học sinh tự làm)

* Khác biệt trong nghệ thuật trào phúng:

- Thuỷ thủ tàu viễn dương (Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ)

+ Xây dựng tình huống kịch (Học sinh tự làm)

+ Ngôn ngữ đậm chất hài hước: Viết thư nói bốc phét còn dễ đằng này mình phải đóng kịch, cháu ngượng lắm; viễn dương hàng hải, hơn cả phi công, hơn cả lái tàu vũ trụ, nào ngờ... Mày lái tàu chở cứt hả cháu?; chết cũng phải là Vốt-xcô,...

- Khắc hoạ chân dung nhân vật ông Nha: không xuất hiện trực tiếp trong đoạn trích, chỉ qua lời nói của nhân vật khác mà hiện lên khá rõ nét,...

– Nhà thị trưởng hân hoan (Quan thanh tra của Gô-gôn)

+ Các nhân vật hài kịch, phẩm chất bên trong không tương xứng với vị trí thân phận của họ và do vậy, họ đáng là nạn nhân của tiếng cười.

+ Thủ pháp nghệ thuật khắc hoạ nhân vật hài kịch của tác giả Gô-gôn: Độc thoại để lột tả tính cách, bản chất nhân vật qua những chỉ dẫn sân khấu (nói riêng).

Kết bài

0,5

Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu

- Ý nghĩa của sự tương đồng, khác biệt.

- Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân sau khi đọc văn bản hài kịch.

Yêu cầu khác

0,5

- Sử dụng thành thạo thao tác so sánh, tổng hợp, chứng minh.

- Dẫn chứng phong phú, đa dạng phù hợp với lí lẽ, luận điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá