TOP 30 bài Trao đổi vấn đề Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu

12.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Trao đổi vấn đề Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:

Trao đổi vấn đề Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu

Đề bài: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu

Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu - mẫu 1

Người lớn đã từng là trẻ em, nhưng trẻ em thì chưa từng làm người lớn”, dù là trong sinh hoạt hằng ngày, học tập, vui chơi hay đời sống tinh thần, thì con trẻ cũng rất cần nhận được sự lắng nghe và chia sẻ từ bố mẹ. Thực tế cho thấy rất nhiều ông bố, bà mẹ vẫn chưa thực sự lắng nghe con, vẫn chưa thực sự thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của con trẻ.

Bản thân mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã là một cá thể riêng biệt, mỗi con sẽ có những tính cách và thói quen, tố chất khác nhau. Bởi vậy, cách dạy dỗ đối vói mỗi đứa trẻ cũng khác nhau. Bố mẹ không thể áp sở thích, đường hướng học tập của trẻ này lên trẻ khác. Bó mẹ cũng không thể để một đứa trẻ thích vận động ngồi một chỗ làm thơ, hay bắt một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật phải học tốt về các con số. Nếu như không lắng nghe, không trò chuyện với con, thì vô tình cha mẹ đang kìm hãm những ước mơ của con. Khi cha mẹ thật sự lắng nghe thì trẻ em sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với cha mẹ. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ. Kỳ thực, con trẻ suy nghĩ vô cùng đơn giản, chúng chỉ muốn hằng ngày cha mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn. Cho dù đó chỉ là một số chuyện vặt.

Tuy nhiên, cũng có những lúc vì gánh nặng mưu sinh mà cha mẹ lại sao nhãng đi việc trò chuyện thấu hiểu với chúng ta. Những lúc như vậy, thay vì trách cứ cha mẹ chúng ta hãy tiến lại gần trò chuyện, tâm tình với cha mẹ. Điều đó vừa giúp cha mẹ giải tỏa bớt áp lục, đồng thời cũng giúp họ hiểu được suy nghĩa của chúng ta hơn.

Tôi tin rằng nếu chúng ta mở lòng thì cha mẹ sẽ luôn sẵn lòng lắng nghe chúng ta.

Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu - mẫu 2

Xin chào thầy cô và các bạn. Mình là …. Hôm nay, mình xin đưa ra ý kiến của bản thân thông qua trao đổi về vấn đề: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.

"Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan"

Những lời thơ này chúng ta vẫn thường nghe qua lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ hay thầy cô: phải biết cố gắng chăm chỉ, học thật tốt, kết quả thật cao, phải ngoan ngoãn, lễ phép,... Phải chăng người lớn đang kỳ vọng và mong muốn ở chúng ta quá nhiều. Phải chăng người lớn đang quên rằng chúng ta cũng cần được lắng nghe, thấu hiểu? Ở vị trí là một người con, mình hiểu gia đình luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta. Mình hiểu được những kỳ vọng mà mọi người đặt vào bản thân, đơn giản vì ai cũng muốn con cháu của mình sau này có được thành công và hạnh phúc. Nhưng đôi khi, mình cũng thấy buồn và áp lực từ những kỳ vọng đó. Mình nghĩ rằng các bạn cũng vậy, đúng không?

Chúng ta là những đứa trẻ may mắn, được yêu thương và bảo vệ, nhưng đôi lúc cũng mong muốn được giãi bày, được lắng nghe cảm xúc, tâm tư của riêng mình. Vậy mà những lời cất giấu trong lòng ấy chẳng thể nói ra... Có lẽ vì bận rộn với cuộc sống mưu sinh mà người lớn ít có thời gian bên cạnh chúng ta. Mình không có ý trách móc những người thân mà chỉ buồn và ước được chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Mình tin rằng, không ai trong chúng ta muốn nghe những lời trách mắng từ bố mẹ khi bị điểm kém. Cũng không muốn bố mẹ bắt học thật giỏi môn học mà mình không thấy hứng thú,...

Điều mà bản thân mình mong muốn là được người lớn nhìn nhận sự cố gắng, sở trường và đam mê của chính mình thay vì chỉ nhìn vào kết quả rồi buông lời than trách. Chúng ta khao khát nhận được sự đồng cảm, động viên từ bố mẹ cho những nỗ lực của bản thân. Bản thân mình muốn được ba mẹ dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ, nguyện vọng, tâm tư của riêng mình.

Nếu được người lớn thấu hiểu và lắng nghe thì thật tuyệt vời phải không? Ba mẹ sẽ luôn bên cạnh đồng hành, ủng hộ những sở thích của mình. Họ sẽ dành thời gian để lắng nghe, gợi mở cho mình những điều hay, lẽ phải, đưa ra những lời khuyên, những giải pháp mà mình có thể chưa nghĩ đến. Nếu được người lớn thấu hiểu, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn hơn, hạnh phúc hơn trong chính ngôi nhà mình. Ngược lại, nếu thiếu đi sự sẻ chia, thấu hiểu từ người lớn, chúng ta sẽ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Chúng ta cảm thấy mình thật tệ và đôi khi chán ghét chính bản thân vì không được như kỳ vọng của những người thân yêu.

Nếu người lớn không lắng nghe những đứa trẻ, liệu chúng có đủ trưởng thành để đi đúng hướng hay lại sa vào những sai lệch, rồi mất phương hướng trong chính tương lai mình? Lắng nghe để thấu hiểu, mình luôn mong muốn có được điều ấy từ người lớn. Rằng người lớn hãy thực sự lắng nghe nguyện vọng của con, lắng nghe tâm tư, mong ước của con. Rằng người lớn hãy dành thời gian bên con, chia sẻ cùng con những điều giản đơn trong cuộc sống.

Hãy vòng tay ôm con vào lòng khi còn thất bại, mỉm cười bao dung khi con phạm lỗi, khích lệ con khỉ con có ý định từ bỏ điều gì đó. Rằng người lớn hãy luôn là điểm tựa tinh thần vững chãi bên những đứa trẻ để các con có thể vững bước, tự tin vào đời.

Bài trình bày của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Mình rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để bài làm của mình thêm hoàn chỉnh.

Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu - mẫu 3

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay, mình xin đưa ra ý kiến trao đổi về vấn đề: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.

Chào các bạn, mình từng đọc được ở đâu đó rằng: "Người lớn từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa từng là người lớn.". Chúng ta đều là những đứa trẻ với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng riêng. Chúng ta cũng khao khát được lắng nghe, sẻ chia và thấu hiểu từ người lớn. Đôi lúc, mình vẫn ước rằng ba mẹ hiểu về con người mình nhiều hơn, không gây áp lực bằng cách đặt quá nhiều kỳ vọng.

Đã có những khi, mình thấy bản thân bị áp lực từ chính những kỳ vọng của bố mẹ. Mình mong chờ những lời động viên, những cái nắm tay ủi an mỗi khi thất vọng về điều gì đó. Nhưng có lẽ điều ấy không dễ dàng có được. Mình luôn thấu hiểu thay vì trách móc ba mẹ không quan tâm và để ý con cái bởi mình biết họ còn nhiều điều phải lo, còn nhiều việc phải làm. Nhưng mình vẫn buồn vì thiếu đi sự thấu hiểu từ chính người thân.

Điều mình mong muốn từ những người lớn là hãy dành thời gian bên con trẻ. Hãy hiểu và đặt mình vào vị trí của con để lắng nghe và động viên. Hãy dành cho thời gian để bên cạnh, hiểu hơn những đam mê, sở thích của con thay cho kỳ vọng của bố mẹ. Hãy để con học cách tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình thay vì áp đặt con vào lựa chọn của bố mẹ. Chắc hẳn, khi mỗi đứa trẻ được người lớn lắng nghe và thấu hiểu chúng sẽ hạnh phúc biết bao khi bên cạnh luôn có người động viên, đồng hành và sẵn sàng góp ý. Từ đây, mỗi đứa trẻ sẽ được tự do trong thế giới của riêng mình, được an toàn trong sự lắng nghe và thấu hiểu của mẹ cha.

Ai trong chúng ta cũng cần được thấu hiểu và chia sẻ, những đứa trẻ lại càng cần điều đó hơn bao giờ hết. Vì vậy, mình mong rằng thế giới tâm hồn non nớt của trẻ em sẽ được người lớn bước vào, dìu dắt và nâng đỡ để mỗi người có thể tự tin vững bước trên con đường xây đắp tương lai mình.

Bài trình bày của mình đến đây là kết thúc, cảm ơn các cô và bạn đã lắng nghe.

Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu - mẫu 4

Chào tất cả các bạn, hôm nay mình xin trao đổi với các bạn về vấn đề: Trẻ em cần được người lớn lắng nghe và thấu hiểu. Các bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này? Bản thân mình thấy đây là một vấn đề thú vị để chúng ta có thể nói hết những điều mà bản thân mong muốn từ người lớn.

Các bạn ạ, ai trong chúng ta sinh ra đều mang trong mình những cảm xúc, tâm tư riêng. Và đặc biệt mỗi người đều khao khát được lắng nghe và thấu hiểu đúng không? Trẻ em, những mầm non với tâm hồn nhạy cảm, những đứa trẻ khao khát được khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, khao khát được khẳng định mình thì lại cần điều điều đó hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, trong thực tế, mình thấy không ít bậc phụ huynh chưa thực sự hiểu con em mình. Cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao ở con, vô tình gây áp lực cho chính những đứa trẻ. Cha mẹ không thực sự biết về sở thích, đam mê hay năng khiếu của con cái. Thay vào đó là những lời la mắng, trách móc khi kết quả học tập của con không cao. Chính vì thế, đứa trẻ về nhà chỉ biết làm bạn với điện thoại, xa cách với mọi người xung quanh. Dần dần những đứa trẻ ấy chỉ biết sống thu mình trong thế giới của riêng mình mà thôi. Có những mệt mỏi, buồn chán, áp lực cần được sẻ chia cũng đành dấu trong lòng bởi không biết bày tỏ cùng ai. Chúng lạc lõng bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình. Chính những trạng thái cảm xúc tiêu cực ấy có khi dẫn đến hành động đáng buồn xảy ra mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.

Những đứa trẻ đơn thuần, chúng nào mong ước gì lớn lao. Chúng mong rằng khi trở về nhà được ăn bữa cơm gia đình, được kể cho mẹ nghe những chuyện hôm nay đã trải qua ở trường lớp. Chúng thèm những cái nắm tay động viên, ánh mắt khích lệ và cái ôm vỗ về khi không may gặp phải chuyện không hay. Những đứa trẻ như chúng ta không mong gì hơn, chỉ mong được bố mẹ ủng hộ sở thích đam mê của mình, tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Những điều đó không quá khó khăn nhưng để có được thì đâu phải dễ dàng.

Các bạn ạ, chúng ta cứ hay trách rằng bố mẹ không hiểu chúng ta, bố mẹ hay rầy la và đặt kỳ vọng vào chúng ta. Nhưng liệu có bao giờ các bạn nghĩ rằng họ đang phải gồng gánh trên mình trách nhiệm nặng nề hơn chúng ta rất nhiều. Mình nghĩ rằng chúng ta nên chủ động mở lòng, chủ động chia sẻ và nói những điều mình mong muốn với người lớn để họ hiểu chúng ta hơn. Hãy là người kết nối tình cảm gia đình, sẻ chia với những vất vả của ba mẹ, tâm sự với ba mẹ về những tâm tư của chính mình. Mình tin rằng, nếu làm được những điều ấy, người lớn sẽ thấu hiểu và lắng nghe chúng ta nhiều hơn

Bài trình bày suy nghĩ của mình xin dừng tại đây. Hi vọng các bạn sẽ góp ý để mình hoàn thiện tốt hơn trong những lần sau nhé! Cảm ơn các bạn đã lắng nghe!

Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu - mẫu 5

Shakespeare đã từng nói rằng: “Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến”. Và trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mọi người đang chạy theo vòng xoáy kim tiền thì căn bệnh đó ngày càng phổ biến, đặc biệt là giữa người lớn và trẻ em. Người lớn khi quá bận rộn với công việc và họ đã vô tình quên đi việc chia sẻ, thấu hiểu những đứa con của mình và trong khi đó, trẻ em lại vô cùng mong muốn được sẻ chia. Vì thế, việc đó đã làm ảnh hưởng rất lớn tới suy nghĩ cũng như sự phát triển của trẻ em.

Vậy lắng nghe là gì? Nghe là tiếp nhận âm thanh một cách thụ động, còn lắng nghe là một quá trình chủ động. Lắng nghe là sự tập trung vào nội dung, câu chuyện của người nói. Hơn nữa khi lắng nghe, người nghe phải hiểu và có thể đưa ra lời khuyên, lời đáp lại cho người đối diện. Đó mới thực sự là lắng nghe. Thế nhưng việc tưởng chừng như đơn giản đó đang dần bị lãng quên trong xã hội ngày nay. Người lớn hiện nay chưa thực sự hiểu và chia sẻ với những đứa trẻ của mình bởi họ có quá nhiều mối quan tâm khác. Nhiều trẻ em khi chưa thực sự được lắng nghe sẽ bộc lộ nhiều tính cách cũng như hành động tiêu cực.

Việc lắng nghe có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Lắng nghe thể hiện sự chân thành và mong muốn thấu hiểu, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người khác. Đặc biệt, đối với trẻ em, việc lắng nghe là một điều vô cùng cần thiết bởi điều đó giúp người lớn dễ dàng nắm bắt được những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm và nhu cầu của trẻ nhỏ. Trẻ em cũng có rất nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống, chúng chưa đủ trưởng thành để có thể hiểu và đối mặt với những vấn đề mới lạ xảy đến với chúng. Và khi đó chúng rất cần sự thấu hiểu của người lớn để có thể đưa ra được cách giải quyết tốt nhất. Trẻ em sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông và có được một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Đây chính là sợi dây liên kết tinh thần, tình cảm giữa người lớn và con trẻ, khoảng cách thế hệ sẽ được rút ngắn lại và từ đó cha mẹ sẽ dễ dàng tác động đến quá trình hình thành nhân cách và suy nghĩ của trẻ em. Bởi người ta thường nói, cách tốt nhất để gần gũi và hiểu được suy nghĩ của con trẻ là làm bạn với chúng. Việc làm bạn sẽ giúp chúng dễ dàng chia sẻ hơn. Thế nhưng nếu không biết lắng nghe, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng tuỳ vào mức độ của từng vấn đề và nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ luỵ về sau. Khi chúng muốn được quan tâm và thấu hiểu thì cha mẹ lại không sẵn sàng lắng nghe điều đó, chúng sẽ không có được những lời khuyên chân thành cũng như những giải pháp cho vấn đề và nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ em sẽ sống khép mình và ngại chia sẻ với mọi người xung quanh.

Thế giới nội tâm của trẻ em như một cuốn sách vậy, nếu cha mẹ muốn hiểu nỗi lòng của con trẻ cần đọc bằng cả tấm lòng. Xã hội ngày càng hiện đại, với sự phát triển của các trang mạng xã hội, trẻ em dành thời gian cho internet quá nhiều và chúng có xu hướng tìm đến những người bạn “online”. Thế nhưng điều đó sẽ ít xảy ra nếu cha mẹ có thể thường xuyên quan tâm và hỏi han con trẻ. Vậy làm thế nào để hiểu được trẻ em? Trước tiên người lớn hãy dành nhiều thời gian bên con, thay vì những lời trách mắng thì hãy ngồi lại nói chuyện nhẹ nhàng và nói với chúng những lời động viên, khích lệ. Bởi đó sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất cho chúng lúc đó và là phương pháp giáo dục vô cùng hiệu quả. Hơn nữa, người lớn cần lắng nghe đúng những tâm tư của trẻ với một thái độ muốn thấu hiểu và đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất dành cho chúng.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh những hệ quả có thể xảy đến nếu trẻ em không được thấu hiểu và lắng nghe. Đó là sự việc vô cùng thương tâm khi một em học sinh lớp 10 của một trường chuyên đã nhảy từ tầng 28 của một căn chung cư trước sự chứng kiến của người bố và em đã để lại một bức thư trong quyển vở Địa lý. Khi đó trời đã tờ mờ sáng nhưng em vẫn phải ngồi trên bàn học và trong một khoảnh khắc nào đó em đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách vô cùng đau đớn. Và nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng đó đến từ những áp lực mà em phải chịu đựng và điều đáng nói nhất chính là cách quan tâm chưa đúng của cha mẹ em. Em chưa thực sự được lắng nghe, những suy nghĩ tiêu cực cứ thế chiếm lấy tâm hồn em và khiến em phải chọn cái chết để giải thoát cho mình. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho gia đình và xã hội về sự cần thiết của việc lắng nghe. Ngoài ra, nhận thức được sự quan trọng đó, đài truyền hình Việt Nam VTV đã xây dựng một chương trình mang tên “Thiếu niên nói”, đó là nơi trẻ em được nói ra những tâm tư và suy nghĩ của mình. Đây là một cách tuyên truyền vô cùng hiệu quả.

Vì vậy, người lớn hãy quan tâm và chia sẻ với trẻ em nhiều hơn và trẻ em cũng đừng ngần ngại mà hãy nói ra hết những suy nghĩ và vấn đề với người lớn. Mỗi người sẽ có cách quan tâm, yêu thương khác nhau thế nhưng cần yêu con theo cách đúng đắn. Việc người lớn chưa thực sự lắng nghe trẻ em vẫn còn phổ biến trong xã hội ngày nay, vì vậy chúng ta cần nâng cao nhận thức của bản thân, đừng vì quá bận bịu với công việc mà quên đi những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Gia đình và nhà trường cần phải luôn quan tâm, theo dõi những tâm tư của trẻ để có cách đối xử phù hợp.

Hãy biết lắng nghe bằng cả trái tim của mình và bạn sẽ có được trái tim của người khác. Trẻ em cần được hiểu và sẻ chia, cần có người đưa ra cho chúng những lời khuyên tốt nhất khi chúng gặp những khó khăn trong cuộc sống. Hơn nữa, hãy biến những lời nói thành hành động cụ thể.

Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu - mẫu 6

Lời đầu tiên, em xin gửi lời chào tới cô Trâm và các bạn lớp 7A. Em xin giới thiệu, em tên là Hà. Thưa cô và các bạn, tiết học ngày hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề "Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu". Em tin chắc rằng đây là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh và học sinh quan tâm theo dõi.

Các bạn ơi, theo các bạn thì ngày nay phụ huynh đã thực sự lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chúng mình hay chưa? Theo mình, phụ huynh hiện tại chưa thực sự lắng nghe con cái. Họ luôn phớt lờ những mong ước của chúng ta. Thay vào đó, họ thường bắt ép chúng ta học cái này, làm cái kia. Tất cả việc chúng ta làm đều phải theo ý muốn và kỳ vọng của cha mẹ.

Chính bởi người lớn luôn hành động theo ý mình mà không chịu lắng nghe, thấu hiểu trẻ em nên đã dẫn đến những câu chuyện buồn. Trẻ em chúng ta khi bị cha mẹ phớt lờ ước mơ, mong muốn sẽ dẫn đến ngại giao tiếp, nói chuyện với người lớn về các vấn đề học tập, đời sống. Ngoài ra, điều này còn làm tăng mâu thuẫn trong gia đình, đẩy khoảng cách của con cái và cha mẹ thêm xa.

Vậy, để không khí gia đình lúc nào cũng hòa thuận và chứa chan tình yêu thương thì chúng ta cần làm gì? Trước hết, trẻ em luôn muốn người lớn lắng nghe, thấu hiểu. Nếu người lớn chưa lắng nghe, thấu hiểu những nguyện vọng, tâm tư đó thì trẻ nên tâm sự và cố gắng hết sức để chứng minh cho họ thấy bản thân có thể làm được. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên chú tâm lắng nghe những tâm sự của con, đưa ra góp ý hoặc định hướng phù hợp.

Phần trình bày của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.. Mong rằng, mỗi người dù đứng trên cương vị nào cũng sẽ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề "Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu".

Đánh giá

0

0 đánh giá