Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 85 Tập 2 | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 12

53

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 85 Tập 2 Ngữ văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 85 Tập 2

1. Bố cục, mạch lạc của văn bản thông tin

 Bố cục: Trong văn bản thông tin, để đạt được mục đích viết, đa số tác giả kết hợp sử dụng nhiều kiểu sắp xếp, tổ chức các phần của văn bản, trong đó phổ biến là bốn kiểu cơ bản sau: trật tự thời gian, trật tự không gian, mức độ quan trọng của thông tin, trật tự logic (so sánh và đối chiếu, phân loại đối tượng, liệt kê, quan hệ nhân - quả, vấn đề và cách giải quyết,...).

Mạch lạc: Sự mạch lạc của văn bản thông tin được thể hiện ở việc các phần, đoạn, câu trong văn bản đều cùng bàn về một chủ đề và được sắp xếp theo trình tự, bố cục hợp lí. Thông thường, người viết có thể sử dụng hệ thống đề mục, một số từ ngữ cụ thể ứng với từng kiểu bố cục để tạo sự kết nối giữa các phần, đoạn, câu trong văn bản.

Dữ liệu nghiên cứu là những dữ liệu mà dựa vào đó, người nghiên cứu có thể đưa ra những kết luận đáng tin cậy. Trong nghiên cứu, dữ liệu có thể được chia thành hai nhóm chính là dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp.

Dữ liệu sơ cấp là loại dữ liệu nguồn hay dữ liệu gốc, thường chưa được phân tích, diễn giải, xử lí. Loại dữ liệu này cung cấp thông tin chưa được xử lí hoặc bằng chứng, báo cáo, sự tường thuật trực tiếp, đầu tiên về một sự việc/ hiện tượng hoặc một phát hiện mới. Chẳng hạn: hiện vật/ tranh ảnh gốc, nhật kí, thư từ, diễn văn, nội dung phỏng vấn, bản tường thuật của nhân chứng, tác phẩm nghệ thuật, dữ liệu thống kê,...

Dữ liệu thứ cấp là loại dữ liệu cung cấp thông tin đã được người viết xử lí, kể lại, mô tả, tóm tắt, tổng hợp hoặc diễn giải, đánh giá từ những nguồn dữ liệu sơ cấp. Tiêu biểu cho dữ liệu thứ cấp là dữ liệu trong các sách, báo, tạp chí như: bách khoa toàn thư, từ điển, sách tham khảo, sách giáo khoa, các bài báo, tạp chí có tính diễn giải, phân tích, bình luận, tổng hợp,... thông tin, bài phê bình tác phẩm nghệ thuật,...

Việc chia dữ liệu thành hai loại nêu trên chỉ có tính tương đối. Mỗi loại đều có ưu thế, tác dụng riêng. Vì thế, trong nghiên cứu, chúng ta nên sử dụng kết họp cả hai loại dữ liệu.

Tính mới mẻ, cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu, thông tin trong văn bản: Dữ liệu, thông tin trong văn bản được xem là mới mẻ, cập nhật và có độ tin cậy khi đáp ứng một số yêu cầu sau:

- Được trích từ các tài liệu có tính học thuật như tạp chí khoa học chuyên ngành, sách chuyên khảo, giáo trình; thông tin trên trang web/ báo cáo của các tổ chức, cơ quan, nhà xuất bản có uy tín; văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của cơ quan quản lí nhà nước;...

- Được công bố bởi chuyên gia trong lĩnh vực đó và có người đọc là học giả hoặc chuyên gia trong lĩnh vực đó.

- Có tính minh bạch nếu dữ liệu được thu thập và phân tích hợp lí, có thể kiểm chứng được.

- Có tính khách quan, không có tính định kiến và không được công bố vì mục đích thương mại hay chính trị.

- Mới cập nhật hoặc được xuất bản trong thời gian gần nhất.

2. Tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong học tập, nghiên cứu

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp,... Một vài biểu hiện của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong học tập, nghiên cứu: liệt kê đầy đủ các tài liệu tham khảo đã sử dụng và trình bày tài liệu tham khảo đúng quy cách; chú thích trích dẫn và ghi cước chú đúng quy cách; tham khảo thông tin từ các nguồn có độ tin cậy cao;...

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá