Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 5 Tập 2 | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 12

827

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 5 Tập 2 Ngữ văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 5 Tập 2

1. Yếu tố siêu thực trong thơ trữ tình

Siêu thực thường được hiểu là sự kì lạ, khác thường, phá vỡ những quy luật thông thường của thế giới thực tại, gọi nhắc đến sự bí ẩn, phi logic của những giấc mơ và của những ám ảnh vô thức.

Yếu tố siêu thực: Ngoài việc tái hiện thế giới tình cảm, cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trữ tình, một số tác phẩm thơ trữ tình có thể xây dựng một thế giới khác lạ bằng việc sử dụng các kết hợp từ ngữ, những hình ảnh rất xa nhau, thông thường khó liên kết với nhau. Việc kết hợp này nhằm phá vỡ trật tự thông thường của tư duy lí tính, gọi nhắc sự bí ẩn, phi logic của những giấc mơ, ẩn ức sâu trong vô thức. Chẳng hạn, sự kết hợp giữa hình ảnh “mặt nhật” (mặt trời) và “máu”, “khối” và “lòng tôi”, “cứng” và “si” trong thơ của Hàn Mặc Tử:

Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng tôi cứng tợ si

(Hàn Mặc Tử, Những giọt lệ)

2. Hình tượng và biểu tượng

Hình tượng là những hình ảnh, nhân vật được xây dựng một cách sống động, sáng tạo trong tác phẩm, vừa phản ánh đời sống vừa thể hiện quan niệm, tư tưởng và ý đồ, tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chẳng hạn như hình tượng Mô-na Li-sa (Mona Lisa) trong bức tranh cùng tên của Lê-ô-na-đô đờ Vanh-xi (Leonardo da Vinci), hình tượng nàng Kiều trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), hình tượng người mẹ anh hùng trong thơ Tố Hữu,...

Biểu tượng là một loại hình ảnh đặc biệt, thông qua hình thức cụ thể, trực quan để gọi lên những tư tưởng, triết lí có ý nghĩa sâu xa. Chẳng hạn, hình ảnh cây tre trong đời sống và nhiều tác phẩm nghệ thuật đã trở thành biểu tượng cho những đức tính, phẩm chất cao đẹp, cho vẻ đẹp tâm hồn của con người, dân tộc Việt Nam.

3. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt

Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu nhạc tính, giàu chất tạo hình; có khả năng diễn đạt đầy đủ và chính xác tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam.

Các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc đều được phản ánh trong ngôn ngữ của dân tộc ấy. Tiếng Việt là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt cũng chính là giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc.

Để giữ gìn và phát triển tiếng Việt, khi giao tiếp, chúng ta cần phải tuân theo những chuẩn mực và quy tắc chung của tiếng Việt ở các phương diện ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp,... Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố mới (từ ngữ mới, nghĩa mới của từ ngữ) để có thể diễn tả chính xác những khái niệm mới đồng thời làm phong phú cho ngôn ngữ dân tộc.

Lưu ý:

1. Tiếp nhận những yếu tố mới (từ ngữ mới, nghĩa mới của từ) không đồng nghĩa với việc dùng ngôn ngữ lai căng, pha tạp; đánh mất vẻ đẹp của tiếng Việt.

2. Tuân theo những chuẩn mực và quy tắc chung của ngôn ngữ dân tộc không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn những cách diễn đạt mới, những cách diễn đạt với mục đích tạo ra hiệu quả tu từ cho văn bản.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Tri thức ngữ văn trang 5

Đây thôn Vĩ Dạ

Đàn ghi ta của Lor-ca

San-va-đo Đa-li và Sự dai dẳng của kí ức

Thực hành tiếng Việt trang 13

Tự do

Đánh giá

0

0 đánh giá