Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 4: Rừng xuân | Chân trời sáng tạo

1 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 4: Rừng xuân sách Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 4: Rừng xuân

Đọc: Rừng xuân trang 22, 23

Nội dung chính Rừng xuân:

Văn bản đề cập đến vẻ đẹp của khu rừng với nhiều màu sắc khác nhau. Tất cả tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo.

* Khởi động

Câu hỏi (trang 22 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Cùng bạn hỏi đáp về màu sắc của các sự vật trong tự nhiên.

Bầu trời

Biển cả

?

Trả lời:

- Bầu trời có màu gì?

- Bầu trời có màu xanh trời.

- Biển cả có màu gì?

- Biển cả có màu xanh biển.

- Cây cối có màu gì?

- Cây cối có màu xanh lá cây.

-….

* Khám phá và luyện tập

Văn bản: Rừng xuân

Rừng hôm nay như một ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau. Những mầm cây bụ bẫm còn đang ở màu nâu hồng chưa có đủ chất diệp lục để chuyển sang màu xanh. Những lá cời non mới thoáng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng. Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa li ti và trắng như những hạt mưa bay. Những chiếc lá ngoã non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ. Tất cả những sắc xanh non tơ ấy in trên nền xanh sẫm đậm đặc của những tán lá già, của những cây quéo, cây vải, cây dâu da, cây đa, cây chùm bao...

Giữa những đám lá sòi xanh, có những đốm lá già còn rớt lại đỏ như những viên hồng ngọc. Lác đác trên nhiều cành, còn có những chiếc lá già đốm vàng, đốm đỏ, đốm tím, và kia, ở tận cuối xa, những chùm hoa lại vàng lên chói chang như những ngọn lửa thắp sáng cả một vùng.

Rừng xuân lớp 5 (trang 22, 23) | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

Nắng đậm dần lên chiếu qua các tầng lá đủ màu sắc rọi xuống tạo ra một vùng ánh sáng mờ tỏ chỗ lam, chỗ hồng, có chỗ nắng chiếu vào những hạt sương toé lên những tia ngũ sắc ngời ngời như ta nhìn qua những ống kính vạn hoa.

Trong bầu ánh sáng huyền ảo ấy, hôm nay diễn ra buổi hội của một số loài chim.

Theo Ngô Quân Miện

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 23 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Mỗi loại lá cây đóng góp gì cho "ngày hội của màu xanh”

Lá cời non

Lá sưa

Lá ngõa

Lá cây quéo, cây vải, cây dâu da, cây đa, cây chùm bao...

Trả lời:

- Những lá cời non mới thoáng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng.

- Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa li ti và trắng như những hạt mưa bay.

- Những chiếc lá ngoã non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ.

- Nền xanh sẫm đậm đặc của những tán lá già, của những cây quéo, cây vải, cây dâu da, cây đa, cây chùm bao...

Câu 2 (trang 23 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Ngoài màu xanh, rừng xuân còn được miêu tả với những màu sắc nào?

Trả lời:

Ngoài màu xanh, rừng xuân còn được miêu tả với các tầng lá đủ màu sắc rọi xuống tạo ra một vùng ánh sáng mờ tỏ chỗ lam, chỗ hồng, có chỗ nắng chiếu vào những hạt sương toé lên những tia ngũ sắc ngời ngời như ta nhìn qua những ống kính vạn hoa.

Câu 3 (trang 23 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Lá sưa và lá ngoã được so sánh với sự vật nào? Cách so sánh ấy có gì thú vị?

Trả lời:

- Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa li ti và trắng như những hạt mưa bay.

- Những chiếc lá ngoã non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ.

=> Cách so sánh ấy khiến lá sưa và lá ngõa trở nên sinh động, gần gũi, gợi hình gợi cảm hơn.

Câu 4 (trang 23 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Vì sao nắng chiếu qua các tầng lá lại tạo nên bầu ánh sáng huyền ảo?

Trả lời:

Nắng chiếu qua các tầng lá lại tạo nên bầu ánh sáng huyền ảo vì nắng đậm dần lên chiếu qua các tầng lá đủ màu sắc rọi xuống tạo ra một vùng ánh sáng mờ tỏ chỗ lam, chỗ hồng, có chỗ nắng chiếu vào những hạt sương toé lên những tia ngũ sắc ngời ngời như ta nhìn qua những ống kính vạn hoa.

Câu 5 (trang 23 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Nêu cảm nghĩ của em về rừng xuân được tả trong bài.

Trả lời:

Rừng xuân được tả trong bài rất lung linh, huyền ảo với nhiều màu sắc khác nhau. Cảnh vật như một ngày hội của màu sắc.

Luyện từ và câu: Luyện tập về cách nối các vế trong câu ghép trang 23, 24

Câu 1 (trang 23 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Sử dụng dấu câu hoặc chọn kết từ phù hợp trong khung để ghép mỗi cặp câu đơn sau thành một câu ghép:

hoặc, còn, và, nên, nhưng

a.

– Chị Mai nấu cơm, kho cá.

– Tôi nhặt rau và quét nhà.

b.

– Sáng nay, em đến trường.

– Em sẽ đến thư viện để đọc sách.

c.

– Mùa xuân đang về.

– Các loài hoa đua nhau khoe sắc trong vườn trường.

d.

– Luống này là hồng nhung đỏ thắm.

– Luống kia là thược dược rực rỡ.

Trả lời:

a. Chị Mai nấu cơm, kho cá; tôi nhặt rau và quét nhà.

b. Sáng nay, em đến trường và em sẽ đến thư viện để đọc sách.

c. Mùa xuân đang về nên các loài hoa đua nhau khoe sắc trong vườn trường.

d. Luống này là hồng nhung đỏ thắm còn luống kia là thược dược rực rỡ.

Câu 2 (trang 24 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Thay □ trong mỗi trường hợp sau bằng một kết từ và vế câu phù hợp để tạo thành câu ghép:

a. Đường vào bản rất xa □.

b. Những cây xoan đã lắm tắm nụ □.

c. Hội đua thuyền tổ chức vào thứ Bảy □.

d. Tôi thích những món đồ chơi kết từ lá dừa □.

Trả lời:

a. Đường vào bản rất xa nên tôi đi xe máy.

b. Những cây xoan đã lắm tắm nụ và cây còn mọc chi chít lộc non.

c. Hội đua thuyền tổ chức vào thứ Bảy nên tôi sẽ tham gia.

d. Tôi thích những món đồ chơi kết từ lá dừa và tôi thường tự làm chúng.

Câu 3 (trang 24 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Viết 3 – 4 câu về một loài vật em thích, trong đó có ít nhất một câu ghép. Chỉ ra cách nối các vế câu đã sử dụng.

Luyện từ và câu lớp 5 trang 23, 24 (Luyện tập về cách nối các vế trong câu ghép) | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Miu là một chú mèo tinh ranh. Vì chú có bộ móng vốt sắc nhọn nên chú luôn rình bọn chuột phá phách, làm chúng không còn chạy vào đâu được. Chú bắt chuột thì giỏi vậy nhưng ngủ thì cũng chẳng ai bằng. Cứ khi nào chán nản là chú lại nằm phơi nắng, rồi lăn ra ngủ. Lúc đó trông chú rõ là yêu!

=> Sử dụng cặp kết từ.

Viết: Viết đoạn mở bài cho bài văn tả người trang 24, 25

Câu 1 (trang 24 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Đọc các đoạn mở bài của mỗi đề bài sau:

a. Đề bài: Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em.

1. Trong nhà, bà nội là người gần gũi với chị em tôi hơn cả.

Hoài Vũ

2. Năm nay, cây ổi vườn nhà trổ hoa sớm. Nhìn những chùm hoa trắng muốt, ken dày mỗi đầu cành, em lại mong chóng đến hè để được gặp ông nội – người đã trồng cây ổi này để ghi dấu ngày em chào đời.

Theo Nam Nguyên

b. Đề bài: Viết bài văn tả một thầy giáo hoặc cô giáo mà em quý mến.

1. “Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh...”. Mỗi khi nghe giai điệu bài hát “Cô giáo em” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, em lại nhớ tới cô Thị – cô giáo dạy em năm lớp Một. Nụ cười tươi tắn và sự ân cần của cô đã đem đến cảm giác ấm áp, thân thương cho chúng em những ngày đầu tới lớp.

Theo Ngân Thương

2. Năm học này, lớp 5A của em được thầy Trung chủ nhiệm. Ngay từ lần gặp đầu tiên, chúng em đã rất ấn tượng với giọng nói trầm ấm và khiếu hài hước của thầy.

Theo Phan Thu Trang

Trả lời:

Em đọc các mở bài.

Câu 2 (trang 25 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Xếp các đoạn mở bài ở bài tập 1 vào hai nhóm:

Mở bài trực tiếp

Mở bài gián tiếp

Giới thiệu chung về người chọn tả:

- Tên.

- Mối quan hệ.

- Ân tượng đặc biệt.

-?

Sử dụng một trong các cách dưới đây để dẫn vào giới thiệu người chọn tả:

– Liệt kê một số người => giới thiệu người chọn tả.

– Giới thiệu người, vật, việc,... gợi nhớ đến người chọn tả.

– Giới thiệu bài thơ, bài hát,... có nhắc đến người chọn tả.

Trả lời:

Mở bài trực tiếp

Mở bài gián tiếp

1. Trong nhà, bà nội là người gần gũi với chị em tôi hơn cả.

 

2. Năm nay, cây ổi vườn nhà trổ hoa sớm. Nhìn những chùm hoa trắng muốt, ken dày mỗi đầu cành, em lại mong chóng đến hè để được gặp ông nội – người đã trồng cây ổi này để ghi dấu ngày em chào đời.

2. Năm học này, lớp 5A của em được thầy Trung chủ nhiệm. Ngay từ lần gặp đầu tiên, chúng em đã rất ấn tượng với giọng nói trầm ấm và khiếu hài hước của thầy.

 

1. “Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh...”. Mỗi khi nghe giai điệu bài hát “Cô giáo em” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, em lại nhớ tới cô Thị – cô giáo dạy em năm lớp Một. Nụ cười tươi tắn và sự ân cần của cô đã đem đến cảm giác ấm áp, thân thương cho chúng em những ngày đầu tới lớp.

Câu 3 (trang 25 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Viết đoạn mở bài cho bài văn tả một người thân trong gia đình em theo một trong hai cách:

a. Mở bài trực tiếp:

- Người chọn tả.

- Ấn tượng nổi bật.

- ?

b. Mở bài giản tiếp:

Người, vật, việc,... có liên quan. => Người chọn tả.

Trả lời:

Trong ca dao tục ngữ, tình mẹ thường được ví với dòng nước mát lành từ trong nguồn chảy ra. Dòng nước ấy luôn đầy ăm ắp, không bao giờ vơi đi, nuôi lớn bao sinh mệnh hai bên bờ. Mẹ cũng vậy. Mẹ đưa em đến với thế giới này. Yêu thương em, nuôi dạy em, bao dung và chở che em vô điều kiện. Mẹ của em tuyệt vời như thế đó!

* Vận dụng

Câu hỏi (trang 25 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Ghi lại 3 – 5 từ ngữ dùng để miêu tả lá cây trong bài đọc “Rừng xuân” mà em thích dựa vào gợi ý:

- Từ

- Nghĩa của từ

- Lí do mà em thích

Trả lời:

- Từ: xanh sẫm, xanh mờ mờ, xanh rờn,…

- Nghĩa của từ: miêu tả mức độ của màu xanh.

- Lí do em thích: Vì màu xanh với nhiều sắc độ khi miêu tả cây cối giúp cây trở nên có sắc độ, tầng lớp hơn, tả được kĩ hơn từng loài cây giúp người đọc dễ hình dung.

Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 3: Mùa xuân em đi trồng cây

Bài 4: Rừng xuân

Bài 5: Bầy chim mùa xuân

Bài 6: Thiên đường của các loài động vật hoang dã

Bài 7: Lộc vừng mùa xuân

Bài 8: Dưới những tán xanh

Đánh giá

0

0 đánh giá