Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 3: Mùa xuân em đi trồng cây | Chân trời sáng tạo

182

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 3: Mùa xuân em đi trồng cây sách Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 3: Mùa xuân em đi trồng cây

Đọc: Mùa xuân em đi trồng cây trang 17, 18

* Nội dung chính Mùa xuân em đi trồng cây:

          Bài thơ đề cập đến câu chuyện các bạn nhỏ đi trồng cây với mong muốn phủ xanh đồi trọc. Các bạn làm việc rất vui vẻ, hào hứng khiến cho thiên nhiên cũng vui theo. Qua đó, tác giả gửi gắm thông điệp, con người cần trồng cây xanh.

* Khởi động

Câu hỏi (trang 17 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Bày tỏ suy nghĩ của em khi đọc câu thơ sau:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Hồ Chí Minh

Trả lời:

Câu thơ đã khẳng định tầm quan trọng của việc trồng cây - hành động giúp cho đất nước thêm tươi trẻ, phát triển, như là đang bước tới mùa xuân của chính mình vậy. Em thấy mình cần trồng thật nhiều cây xanh.

* Khám phá và luyện tập

Văn bản: Mùa xuân em đi trồng cây

Mùa xuân em đi trồng cây

Nắng lên từ phía bàn tay em trồng

Đồi hoang sẽ hoá rừng thông

Núi loang lổ cháy sẽ bùng màu xanh.

Này em, này chị, này anh

Người vun gốc, kẻ nâng cành non tơ

Dốc nghiêng, mũ nón nhấp nhô

Đàn chim vui, hót líu lo quanh đời.

 

Gió ngoan chạm giọt mồ hôi

Để gương mặt nở nụ cười hồn nhiên

Nắng xuân lấp lánh mọi miền

Niềm vui háo hức trải trên núi đồi.

 

Từ bàn tay nhỏ đấy thôi!

Góp mầm xanh với đất trời yêu thương

Rồi đây trên khắp quê hương

Màu xuân xanh biếc nẻo đường tương lai.

Nguyễn Lãm Thắng

Mùa xuân em đi trồng cây lớp 5 (trang 17, 18, 19) | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 18 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Ở khổ thơ đầu, bạn nhỏ thể hiện mong ước gì khi trồng cây?

Trả lời:

Ở khô thơ đầu, bạn nhỏ thể hiện mong ước:

- Đồi hoang sẽ hoá rừng thông

- Núi loang lổ cháy sẽ bùng màu xanh.

Câu 2 (trang 18 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Những từ ngữ, hình ảnh nào cho thấy hoạt động trồng cây rất vui?

Trả lời:

Những từ ngữ, hình ảnh cho thấy hoạt động trồng cây rất vui:

- Nắng lên từ phía bàn tay em trồng

- Dốc nghiêng, mũ nón nhấp nhô

- Đàn chim vui, hót líu lo quanh đời.

- Gương mặt nở nụ cười hồn nhiên

- Niềm vui háo hức trải trên núi đồi.

Câu 3 (trang 18 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Mỗi sự vật sau được tả bằng những từ ngữ, hình ảnh nào? Cách tả đó có gì thú vị?

Đàn chim

Gió

Nắng

Trả lời:

- Đàn chim: vui, hót líu lo

- Gió: ngoan chạm giọt mồ hôi

- Nắng: lấp lánh

=> Cách tả đó khiến các sự vật trở nên sinh động, gần gũi, gợi hình gợi cảm hơn.

Câu 4 (trang 18 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Theo em, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua bài thơ?

Trả lời:

Tác giả muốn gửi gắm thông điệp mọi người nên trồng cây vì cây mang lại rất nhiều lợi ích.

Học thuộc lòng bài thơ.

2. Đọc mở rộng:

Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách

Chủ điểm Giữ mãi màu xanh

(a) Tìm đọc truyện hoặc đoạn kịch:

Mùa xuân em đi trồng cây lớp 5 (trang 17, 18, 19) | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

(b) Ghi chép và trang trí Nhật kí đọc sách:

Mùa xuân em đi trồng cây lớp 5 (trang 17, 18, 19) | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

c. Cùng bạn chia sẻ:

– Truyện hoặc đoạn kịch đã đọc.

– Nhật kí đọc sách.

- ?

d. Thi "Tuyên truyền viên nhí": Kể và nêu bài học rút ra từ câu chuyện hoặc đoạn kịch.

e. Ghi chép tóm tắt về một truyện hoặc đoạn kịch được nghe bạn kể bằng 4 – 5 câu.

Trả lời:

Em tìm đọc truyện hoặc đoạn kịch dựa vào gợi ý và hoàn thành yêu cầu.

(a) Câu chuyện: Người gác rừng tí hon

      Ba em làm nghề gác rừng. Tình yêu rừng của ba đã sớm truyền sang em.

      Sáng hôm ấy, ba về thăm bà nội ốm. Chiều đến, em đi loanh quanh theo lối ba vẫn đi tuần rừng. Phát hiện những dấu chân người lớn hằn trên đất, em thắc mắc: "Hai ngày nay đâu có đoàn khách tham quan nào?" Thấy lạ, em lần theo dấu chân. Khoảng hơn chục cây to cộ đã bị chặt thành từng khúc dài. Gần đó có tiếng bàn bạc:

      - Mày đã dặn lão Sáu Bơ tối đánh xe ra bìa rừng chưa?

        Qua khe lá, em thấy hai gã trộm. Lừa khi hai gã mải cột các khúc gỗ, em lén chạy. Em chạy theo đường tắt về quán bà Hai, xin bà cho gọi điện thoại. Một giọng nói rắn rỏi vang lên ở đầu dây bên kia:

       - A lô! Công an huyện đây!

       Sau khi nghe em báo tin có bọn trộm gỗ, các chú công an dặn dò em cách phối hợp với các chú để bắt bọn trộm, thu lại gỗ. 

        Đêm ấy, lòng em như lửa đốt. Nghe thấy tiếng bành bạch của xe chở trộm gỗ, em lao ra. Chiếc xe tới gần... tới gần, mắc vào sợi dây chão chăng ngang đường, gỗ văng ra. Bọn trộm đang loay hoay lượm lại gỗ thì xe công an lao tới.

        Ba gã trộm đứng khựng lại như rô bốt hết pin. Tiếng còng tay đã vang lên lách cách. Một chú công an vỗ vai em:

       - Cháu quả là chàng gác rừng dũng cảm!

Theo NGUYỄN THỊ CẨM CHÂU

(b) Ghi chép và trang trí Nhật kí đọc sách:

- Tên truyện: Người gác rừng tí hon.

- Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Châu.

- Các sự việc chính:

+ Cậu bé sớm có tình yêu rừng.

+ Cậu bé phát hiện có viết chân lạ của những người trộm gỗ trong rừng và gọi điện báo công an.

+ Bạn nhỏ tự nguyện tham gia việc bắt bọn trộm gỗ vì bạn ấy hiểu rằng rừng là tài sản chung, ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ.

- Ý nghĩa: Truyện biểu dương ý thức bảo vệ rừng; sự thông minh và dũng cảm của một công dân nhỏ tuổi.

c. Cùng bạn chia sẻ: Nhật kí đọc sách truyện Người gác rừng tí hon.

d.

Bài tập đọc Người gác rừng tí hon thông qua hành động dũng cảm và thông minh của bạn nhỏ. Đã gửi gắm bài học cho các bạn đọc, rằng hãy yêu quý và bảo vệ thiên nhiên nói chung và rừng cây nói chung bằng khả năng của mình. Bởi thiên nhiên có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người.

Mùa xuân em đi trồng cây lớp 5 (trang 17, 18, 19) | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

e.

Mẫu 1: Câu chuyện “Người gác rừng tí hon” kể về tình yêu rừng và sự can đảm của bạn nhỏ. Ba bạn làm nghề gác rừng, bạn có ý thức bảo vệ rừng cao. Khi thấy có lâm tặc, bạn đã báo ngay cho công an. Bọn lâm tặc bị bắt, bạn nhỏ là người gác rừng dũng cảm.

Mẫu 2: Đoạn kịch “Người công dân số 1” kể về việc nhân vật Thành và Lê trò chuyện cùng nhau. Nội dung cuộc trò chuyện lủng củng, không được ăn nhập với nhau, vì anh Thành luôn lo nghĩ việc cứu nước, không nghĩ đến kiếm việc làm nữa, và chia sẻ với anh Lê vì họ cùng là công dân nước Việt Nam. Thông qua câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê, người đọc cảm nhận được tình yêu nước của những người dân Việt Nam trong thời kì đất nước lâm nguy. Cả hai người đều có khát khao tìm cách giải phóng đất nước, cứu nhân dân khỏi cảnh lầm than. Tuy có nhiều điều khác nhau, sau ở cả hai anh vẫn có chung một tình yêu nước, chảy chung dòng máu con Rồng cháu Tiên.

Luyện từ và câu: Cách nối các vế trong câu ghép trang 19, 20

Câu 1 (trang 19 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Các vế trong mỗi câu ghép sau được nối với nhau bằng cách nào?

a. Sóng chồm dữ dội, bọt tung trắng xoá.

b. Mặt trời lặn hẳn và những ngôi sao xuất hiện.

c. Vì sương dày đặc nên chúng tôi không nhìn rõ đường.

d. Những đám khoai lang, khoai môn xanh mướt; mấy vạt rau, vạt đậu xanh non mỡ màng,

e. Nước dâng lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi núi cao lên bấy nhiêu.

Trả lời:

a. Sử dụng dấu phẩy.

b. Sử dụng kết từ.

c. Sử dụng cặp kết từ.

d. Sử dụng dấu chấm phẩy.

e. Sử dụng cặp từ hô ứng.

Ghi nhớ

Có nhiều cách để nối các về trong câu ghép:

– Nối bằng dấu câu: dấu phẩy, dấu chấm phẩy.

 Nối bằng kết từ: và, nhưng, còn, hay hoặc...

– Nối bằng cặp kết từ: vì ... nên ..., tuy ... nhưng ..., nếu ... thì ..., ....

– Nối bằng cặp từ hô ứng: ... càng ... càng..., ....mới....đã......, .....bao nhiêu ... bấy nhiêu,....

Câu 2 (trang 20 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Đọc các đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu:

a. Trước nhà, mấy cây hoa giấy nở hoa tưng bừng. Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bằng lên rực rỡ.

Trần Hoài Dương

b. Nắng ẩm, sân rộng và sạch. Mèo con chạy giỡn hết góc này đến góc khác, hai tai dựng đứng lên, cái đuôi ngoe nguẩy.

Theo Nguyễn Đình Thi

c. Tuy gió chưa mạnh lắm nhưng cây trong vườn đã xạc xào rụng lá. Lũ chim líu ríu gọi nhau. Mưa đến. Lúc đầu, mưa chỉ lác đác rồi mưa ào ào trút xuống. Chẳng bao lâu, cả khu vườn tắm sũng trong mưa.

Lê Ngọc Thạch

– Tìm các câu ghép trong mỗi đoạn văn.

– Các vế câu trong mỗi câu ghép tìm được được nối với nhau bằng cách nào?

Trả lời:

a. Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bằng lên rực rỡ.

=> Nối với nhau bằng cách sử dụng cặp từ hô ứng.

b. Nắng ẩm, sân rộng và sạch.

=> Nối với nhau bằng cách sử dụng dấu phẩy.

Mèo con chạy giỡn hết góc này đến góc khác, hai tai dựng đứng lên, cái đuôi ngoe nguẩy.

=> Nối với nhau bằng cách sử dụng dấu phẩy.

c. Tuy gió chưa mạnh lắm nhưng cây trong vườn đã xạc xào rụng lá.

=> Nối với nhau bằng cách sử dụng cặp kết từ.

Lúc đầu, mưa chỉ lác đác rồi mưa ào ào trút xuống.

=> Nối với nhau bằng cách sử dụng kết từ.

Câu 3 (trang 20 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Tìm kết từ phù hợp thay cho mỗi □ để nối các vế câu ghép có trong đoạn văn sau:

Cò và vạc là hai anh em □  tính nết rất khác nhau. Cò thì ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập □  vạc thì lười biếng, mải chơi. Cò khuyên mãi □ vạc chẳng nghe.

Theo Truyện dân gian Việt Nam

Trả lời:

Cò và vạc là hai anh em nhưng tính nết rất khác nhau. Cò thì ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập còn vạc thì lười biếng, mải chơi. Cò khuyên mãi nhưng vạc chẳng nghe.

Câu 4 (trang 20 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Viết 3 – 4 câu nói về hoạt động của các bạn nhỏ trong bài đọc “Mùa xuân em đi trồng cây", trong đó có ít nhất một câu ghép. Chỉ ra cách nối các về cấu trong câu ghép đó.

Trả lời:

Các bạn nhỏ trong bài đọc đã tích cực tham gia trồng cây. Các bạn mong muốn có thể phủ xanh đồi trọc, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Chính vì suy nghĩ tốt đẹp ấy, các bạn cảm thấy rất vui và thiên nhiên cũng ủng hộ các bạn.

=> Cách nối vế trong câu ghép: Sử dụng kết từ.

Viết: Lập dàn ý cho bài văn tả người trang 20, 21

Đề bài: Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em.

Câu 1 (trang 20 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Lập dàn ý cho bài văn dựa vào kết quả bài tập 2 trang 16 và gợi ý:

Mở bài: Giới thiệu người thân:

– Em chọn tả ai?

– Người đó gắn bó với em như thế nào?

- ?

Lập dàn ý cho bài văn tả người trang 20, 21 lớp 5 | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

Thân bài

1. Tả đặc điểm hình dáng

– Chọn tả đặc điểm nổi bật về ngoại hình của người thân:

+ Mắt

+ Miệng

+ Tóc

+ ?

– Sử dụng từ ngữ chỉ hình dáng, màu sắc,...

– Sử dụng biện pháp so sánh.

2. Tả tính tình, hoạt động:

- Chọn tả đặc điểm nổi bật về tinh tinh, hoạt động quen thuộc của người thân:

+ Khi làm việc.

+ Lúc sinh hoạt gia đình hoặc nghỉ ngơi.

+ Cách cư xử với mọi người.

+ ?

– Sử dụng từ ngữ chỉ tinh nết, hoạt động....

– Sử dụng biện pháp so sánh.

Lưu ý: Cũng có thể chọn tả đặc điểm nổi bật về ngoại hình hoặc tính tình thông qua hoạt động.

Kết bài

- Tình cảm

- Sự quan tâm, chăm sóc

- ?

Trả lời:

a) Mở bài: Trong gia đình, mẹ là người gần gũi em nhất.

b) Thân bài:

- Tả hình dáng:

+ Dáng người tầm thước, thon gọn.

+ Gương mặt đầy đặn, mái tóc dài đen mượt, khi làm việc nhà mẹ thường buộc tóc gọn sau gáy.

+ Mẹ ăn mặc rất giản dị. Khi đi làm mẹ thường mặc áo sơ mi. Ở nhà mẹ mặc đồ bộ cho tiện làm việc nhà.

+ Mẹ có đôi mắt đen long lanh. Mỗi khi dạy bảo con cái, ánh mắt ấy rất dịu dàng và thân thiện.

- Tả tính tình, hoạt động:

+ Mẹ là người chu đáo, cẩn thận, đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng.

+ Tính mẹ rất ôn hoà, ăn nói nhã nhặn.

+ Mẹ là người hết lòng với con cái. Ban ngày mẹ làm lụng vất vả, tối đến mẹ luôn quan tâm đến việc học của con cái.

c) Kết bài: Mẹ luôn gần gũi em, chăm sóc, dạy bảo em nên người. Em luôn cố gắng học giỏi để đem lại niềm vui cho gia đình.

Câu 2 (trang 21 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Chia sẻ trong nhóm, thêm vào dàn ý đã lập:

- Từ ngữ gợi tả

- Hình ảnh so sánh

- ?

Trả lời:

Em chia sẻ trong nhóm, thêm vào dàn ý đã lập dựa vào gợi ý.

* Vận dụng

Câu hỏi (trang 21 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2): Dựa vào bài đọc “Mùa xuân em đi trồng cây”, đóng vai phóng viên để phỏng vấn các bạn nhỏ tham gia trồng cây.

Lập dàn ý cho bài văn tả người trang 20, 21 lớp 5 | Chân trời sáng tạo Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

- Phóng viên: Bạn cảm thấy như thế nào khi tham gia trồng cây?

- Các bạn nhỏ: Chúng mình cảm thấy rất vui và hào hứng.

- Phóng viên: Vì sao các bạn lại cảm thấy như vậy?

- Các bạn nhỏ: Vì chúng mình đã làm được một việc tốt, góp phần bảo vệ môi trường.

- Phóng viên: Các bạn mong ước điều gì khi tham gia trồng cây?

- Các bạn nhỏ: Chúng mình mong đồi núi sẽ được phủ xanh nhờ những chiếc cây này!

Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 2: Giờ Trái Đất

Bài 3: Mùa xuân em đi trồng cây

Bài 4: Rừng xuân

Bài 5: Bầy chim mùa xuân

Bài 6: Thiên đường của các loài động vật hoang dã

Bài 7: Lộc vừng mùa xuân

Đánh giá

0

0 đánh giá