Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 6: Thư của bố | Kết nối tri thức

1.1 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 6: Thư của bố sách Kết nối tri thức gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 6: Thư của bố

Đọc: Thư của bố trang 30, 31, 32

Nội dung chính Thư của bố: Người con của bố đã quen với cuộc sống phải xa bố, chờ mong những lá thư xa bờ từ bố. Dù không được nghe bố kể về những vất vả, khó khăn nhưng vì tình yêu bố, người con vẫn hiểu và biết hết những điều ấy; con tự hào là người con của hải quân Việt Nam.

Câu hỏi trang 30 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Nói điều em biết về những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc

Trả lời:

Những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc rất vất vả. Các chú phải ở nơi biên cương đảo xa, cách đất liền nhiều ngày đi biển. Hai quần đảo lớn của nước ta có vị trí chiến lược quan trọng, nơi đóng quân của các người lính đông đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Những người lính khi làm nhiệm vụ phải xa nhà, không được về thăm quê thường xuyên, phải lấy đồ tiếp tế từ đất liền gửi ra đảo, sống và sinh hoạt trực tiếp trên đảo.

Văn bản: Thư của bố

Con lớn lên, quen vắng bố trong nhà

Hai mẹ con, nhà một phòng cũng trống

Chỉ mong đợi những lá thư gió lộng

Và mặn mòi hương biển xa xôi...

Nghe êm đềm sóng lặng lững lờ trôi,

Thấy đàn cá heo giỡn đùa mặt nước.

 

Thư không kể về cơn bão chờ phía trước,

Dải đá ngầm, thăm thẳm nước đen.

Nhịp bước khẩn trương khi khẩu lệnh vang lên,

Mắt dõi theo vật ra-đa rà quét,

Áo đọng muối khô, da nhận mùi nắng khét,...

Thư chỉ nói về nỗi nhớ với thương yêu...

 

Con đã lớn khôn, đọc được cả những điều

Chưa được viết trong thư người lính biển

Nơi đầu sóng, sẵn sàng nghênh chiến

Vẫn dịu dàng, êm ái lá thư xanh...

(Thuỵ Anh)

Thư của bố lớp 5 (trang 30, 31, 32) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Ở khổ thơ thứ nhất, bạn nhỏ đã chia sẻ điều gì?

Trả lời:

Ở khổ thơ thứ nhất, bạn nhỏ đã chia sẻ cuộc sống từ nhỏ vắng bố, mong đợi những lá thư của bố từ nơi xa kể về cuộc sống ngoài khơi biển đảo.

Câu 2 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những chi tiết nào cho thấy bố bạn nhỏ phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc?

Trả lời:

Những chi tiết cho thấy bố bạn nhỏ phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc: cơn bão phía trước, dải đá ngầm, thăm thẳm nước đen; áo đọng muối khô, da nắng khét.

Câu 3 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Theo em, vì sao trong thư bố bạn nhỏ không kể về những khó khăn, vất vả của mình?

Trả lời:

Trong thư bố bạn nhỏ không kể về những khó khăn, vất vả của mình vì bố bạn nhỏ không muốn bạn nhỏ phải lo lắng cho cuộc sống của bố nơi xa. Muốn bạn nhỏ được hạnh phúc vui vẻ.

Câu 4 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Bạn nhỏ đã thể hiện tình cảm của mình đối với bố qua những hành động, việc làm nào? Em chọn ý nào dưới đây? Vì sao?

A. Làm quen với cuộc sống vắng bố.

B. Mong đợi những lá thư của bố.

C. Hiểu được cả những điều bố chưa viết trong thư.

Trả lời:

Bạn nhỏ đã thể hiện tình cảm của mình đối với bố qua những hành động, việc làm:
C. Hiểu được cả những điều bố chưa viết trong thư.

Vì bạn nhỏ đã biết ngoài khơi phải vất vả như thế nào so với những lời bố kể. Bố nói về cuộc sống với những điều lạ lẫm không khỏi tránh được chông gai, khó khăn.

Câu 5 trang 31 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Hai dòng thơ “Nơi đầu sóng, sẵn sàng nghênh chiến/Vẫn dịu dàng, êm ái lá thư xanh...” cho em hiểu điều gì về người lính biển?

Trả lời:

Hai dòng thơ “Nơi đầu sóng, sẵn sàng nghênh chiến/Vẫn dịu dàng, êm ái lá thư xanh...” cho em hiểu người lính biển là người luôn trong tâm thế sẵn sàng, không khi nào chủ quan, mất cảnh giác với mọi tình huống. Dù vậy, họ mang trong mình tình cảm đẹp, chan chứa và chỉ biết gửi gắm vào những lá thư tay.

* Học thuộc lòng 12 dòng thơ đầu (hoặc cả bài thơ).

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 32 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Xếp các từ in đậm trong đoạn thơ dưới đây vào nhóm thích hợp.

Thư của bố lớp 5 (trang 30, 31, 32) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Con lớn lên, quen vắng bố trong nhà

Hai mẹ con, nhà một phòng cũng trống

Chỉ mong đợi những lá thư gió lộng

Và mặn mòi hương biển xa xôi...

Nghe êm đềm sóng lặng lững lờ trôi

Thấy đàn cá heo giỡn đùa mặt nước.

Trả lời:

Động từ

êm đềm, giỡn đùa

Tính từ

trống, mong đợi, xa xôi

 

Câu 2 trang 32 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm từ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm ở bài tập 1.

Trả lời:

– Từ đồng nghĩa êm đềm: nhẹ nhàng

– Từ đồng nghĩa giỡn đùa: đùa cợt

– Từ đồng nghĩa trống: vắng

– Từ đồng nghĩa mong đợi: trông chờ

– Từ đồng nghĩa xa xôi: xa cách

Câu 3 trang 32 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Viết 1 – 2 câu ghép về bạn nhỏ trong bài thơ Thư của bố, trong đó có sử dụng kết từ để nối các vế câu.

Trả lời:

Là người con hiểu chuyện nên bạn nhỏ thực sự hiểu được những khó khăn nằm ngoài những gì bố viết trong thư. Có lẽ một nơi sống giữa biển nước chẳng thể nào yên bình như cuộc sống mỗi ngày của cậu.

Viết: Viết bài văn tả người (Bài viết số 1) trang 32

Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:

Đề 1: Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em

Đề 2: Viết bài văn tả một người đã để lại cho em những ấn tượng tốt đẹp

 

Câu 1 trang 32 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 4, viết bài văn theo yêu cầu của đề bài đã chọn.

Lưu ý:

– Tập trung tả những nét nổi bật làm nên vẻ riêng của người được tả.

– Kết hợp tả với bộc lộ cảm nghĩ của em về người đó.

– Lựa chọn từ ngữ gợi tả hoặc sử dụng biện pháp so sánh để làm nổi bật đặc điểm của người được tả, đồng thời giúp bài văn thêm sinh động, có sức cuốn hút đối với người đọc.

Trả lời:

* Đề 1: Viết bài văn tả một người thân trong gia đình em

Được sống trong gia đình có đầy đủ tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ là điều hạnh phúc nhất của em. Bố cáng đáng những công việc nặng nhọc, mẹ nhẹ nhàng sắp xếp, lo toan những việc còn lại, chúng em vui vẻ và hồn nhiên hưởng thụ những hạnh phúc mà bố mẹ gây dựng. Vậy nhưng, có lẽ em đã dành nhiều hơn tình yêu và thương nhớ cho mẹ của em. Mẹ dịu dàng hơn, mẹ khéo léo hơn và luôn tạo cho em niềm vui mỗi ngày.

Năm nay, mẹ em đã đến tuổi 35 rồi. Vậy mà trông mẻ em vẫn trẻ lắm! Bố em vẫn thường khen: Bố là già nhất nhà này rồi. Mẹ cao dong dỏng, hơi gầy nhưng nước da mẹ thì trắng hồng. Trên mặt mẹ lộ rõ nhất những nếp nhăn của tháng năm. Thi thoảng, trên má mẹ xuất hiện một vài chấm tàn nhang. Có lẽ mẹ đã phải lo toan rất nhiều cho cả gia đình mỗi ngày mà không tránh khỏi nghĩ suy, nhăn nhúm một chút. Nhưng cũng vì thiên chức cao cả của người phụ nữ mà ở mẹ luôn có một năng lượng dồi dào lan toả tới mọi người, khuôn mặt mẹ phúc hậu và tròn làm sao. Có thể coi mẹ em là người có tướng đẹp vì người ta nói gò má đầy đặn, hay cười là người có phúc. Mẹ hợp cắt tóc ngang vai lắm, tóc xoăn nhẹ thêm một chút, tôn lên gương mặt của mẹ hơn so với những lần mẹ để tóc dài. Đôi mắt mẹ đen và lấp lánh tràn đầy hi vọng. Bố, con và em có lẽ là niềm vui khôn tả của mẹ, luôn hiện lên trong mắt mẹ chăng.

Mẹ em làm việc ở công ti, cứ từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ sáng đến tối mẹ đều phải làm. Trở về nhà sau một ngày học hành, em luôn thấy mẹ đã về trước tiên, mẹ nấu cơm với những món thơm lừng cả nhà, dọn dẹp sàn sạch bong, phơi quần áo thơm tho ngoài ban công,… Có những hôm vì học mệt, em đi về nhà sà vào lòng nũng mẹ. Mẹ âu yếm ôm lấy em, hai mẹ con bắt đầu cùng nhau kể những câu chuyện, cười ha hả như được mùa. Tính mẹ em hiền và cởi mở lắm! Mẹ chưa từng nặng lời với em khi nào. Chuyện buồn, chuyện sầu nào đến với mẹ cũng được biến chuyển, ảo thuật thành những câu chuyện vui vẻ, khiến em thoải mái và yên tâm hơn nhiều. Mẹ tốt bụng và nhiệt tình với mọi người xung quanh. Hễ hàng xóm có công việc gì, mẹ lại xắn tay sang cùng phụ giúp cho xong mới thôi. Cứ vậy mà mấy nhà hàng xóm quanh em thật thân thiết, cứ qua lại chơi đùa mỗi tối.

Mẹ em thích nấu ăn và thích nấu cho mọi người cùng ăn. Có lần, mẹ nói em mang đồ ăn sang cho cô Thu nhà kế bên. Chà! Món ngon như này mà mẹ lại đi cho mất. Mẹ như hiểu ý em, mẹ xoa đầu và nói: “Con yên tâm, mẹ đã nấu nhiều phần cho gia đình mình rồi; phải chia sẻ với mọi người nữa món mới thêm ngon con nhé!”. Em như chợt hiểu ra những gì mẹ nói, tức tốc mang món ngon tới cô Thu khoe cô ngay lập tức. Thật vui đáo để!

Mẹ em cứ ân cần, quan tâm và yêu thương gia đình, mọi người xung quanh như vậy. Mẹ là người gắn kết tình thân trong cả nhà, hoá giải mọi câu chuyện cãi vã, buồn mệt thêm phần nhẹ nhàng, vơi dịu đi. Em yêu mẹ rất nhiều. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui mỗi ngày.

Đề 2: Viết bài văn tả một người đã để lại cho em những ấn tượng tốt đẹp.

          Em thường nghe câu: “Lương y như từ mẫu”, ý muốn nói thầy thuốc như mẹ hiền. Nói vậy không phải ca tụng hay thần thánh những thầy thuốc, mà bởi họ đẹp thật, họ tốt thật! Trong một lần gần đây em bị ốm và phải nhập viện, em đã được gặp bác sĩ Phương – một cô bác sĩ dịu dàng, dễ mến và luôn đối xử tốt với mọi người bệnh, để lại trong em rất nhiều tình cảm và ấn tượng về cô.

Cô Phương là một nữ bác sĩ có ngoại hình thanh tú nhất mà em từng thấy. Trông cô trạc tuổi mẹ em mà lại không quá gầy, không quá béo, dáng người rất cân đối. Gương mặt cô hình trái xoan, mũi cao, đôi mắt to và môi đỏ, hay cười. Có lẽ cô sinh ra như để gán lấy vị trí làm bác sĩ cho cuộc sống vậy! Nước da cô hồng hào, mái tóc dài suôn mượt được búi gọn trong một chiếc kẹp tóc nhỏ màu xanh. Hàng ngày, cô thường mặc một chiếc áo dài màu trắng dành riêng cho bác sĩ, trông rất lịch sự và sang trọng. Trên cổ, cô đeo một chiếc ống nghe, như sẵn sàng thăm khám cho mọi người bệnh mà cô gặp. Lúc tiếp đón bệnh nhân, cô còn cẩn thận lấy chiếc khẩu trang y tế từ túi áo ra, che kín mặt, để lộ đôi mắt biết cười của mình.

          Nhìn cách mà cô Phương làm việc mới thấy cô có tác phong, suy nghĩ thật nhanh nhạy mà lại điềm đạm, bình tĩnh trong mọi câu nói, kết luận. Em xếp hàng và chờ những người đến khám trước mình, chăm chú quan sát và lắng nghe từng lời cô nói, từng việc cô làm. Cô hỏi kĩ tuổi tác của từng người, tiền sử bệnh của mọi người xem có mắc dị ứng, có bị bệnh nền nào không rồi mới chẩn đoán bệnh, kê đơn, cấp phát thuốc. Có lần, trời đã tối khuya, em nghe thấy tiếng một ca cấp cứu chạy rầm rầm ngoài hành lang. Tiếng cô Phương vọng lên, hô hoán bác sĩ vào phòng cấp cứu. Hôm sau em nghe tin, có một bạn nhỏ tình trạng bệnh nặng nhưng nhờ sự cố gắng, gấp rút, tập trung của các bác sĩ trong ca trực của cô Phương mà giúp bạn nhỏ hồi sức, xuất viện chỉ sau 2 tuần điều trị nội trú. Thật sự những phép màu đã xảy ra nơi đây, xuất hiện từ bàn tay những người thầy thuốc y đức.

          Cô Phương là một bác sĩ hiền từ, tốt bụng mà em được biết. Có rất nhiều bệnh nhân cần cứu chữa, rất cần những bác sĩ tâm huyết, cố gắng cứu chữa bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Song, ấy đương nhiên là nhiệm vụ của các bác sĩ như cô Phương; họ luôn sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ và cứu chữa kịp thời mọi ca bệnh. Em hi vọng mọi người luôn khoẻ mạnh để các bác sĩ có thêm thời gian nghỉ ngơi, không phải áp lực và lo lắng, vất vả mỗi ngày. 

Câu 2 trang 32 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc soát và chỉnh sửa bài viết.

a. Tự nhận xét bài làm của em theo những yêu cầu dưới đây:

– Trình tự sắp xếp ý hợp lí.

– Các chi tiết miêu tả thể hiện được đặc điểm nổi bật của nhân vật.

– Bộc lộ ra suy nghĩ, tình cảm của mình với người được tả. Cách dùng từ, viết câu tạo được sự chú ý của người đọc.

b. Chỉnh sửa lỗi (nếu có).

Trả lời:

Em đọc soát và chỉnh sửa bài viết theo các tiêu chí bài đưa ra.

Đọc mở rộng trang 33

Câu 1 trang 33 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc bài thơ thể hiện vẻ đẹp cuộc sống.

G:

Đọc mở rộng bài 6 Tập 2 trang 33 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trong đêm khuya vắng vẻ,

Chú đi tuần đêm nay,

Nép mình dưới bóng hàng cây,

Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!

Rét thì mặc rét, cháu ơi!

Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.

(Trần Ngọc, Chú đi tuần)

 

Kẽo cà kẽo kẹt

Xưa mẹ ru em

Cũng tiếng võng này

Cánh cò trắng muốt

Bay – bay – bay – bay...

(Trần Đăng Khoa, Tiếng võng kêu)

Đọc mở rộng bài 6 Tập 2 trang 33 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em đọc bài thơ thể hiện vẻ đẹp cuộc sống như gợi ý hoặc các bài thơ khác:

Tự nguyện

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương

Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm

Từ nam ra ngoài bắc báo tin nối liền

Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm

Cùng muôn trái tim ngất ngây hòa bình

Là mây, theo làn gió tung bay khắp trời

Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời

Là người, xin một lần khi nằm xuống

Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ.

(Trương Quốc Khánh)

Hạnh phúc đâu dành riêng cho ai

Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy

Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

 

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm

Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm

 

Những chồi non tự vươn lê tìm ánh sáng

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy

Không chỉ dành cho một riêng ai.

(Sưu tầm)

Câu 2 trang 33 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Viết phiếu đọc sách theo mẫu.

Đọc mở rộng bài 6 Tập 2 trang 33 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Dựa vào các câu chuyện gợi ý em đã đọc, em viết thông tin phù hợp vào phiếu đọc sách theo mẫu.

Câu 3 trang 33 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chia sẻ với bạn về điều em yêu thích trong một bài thơ thể hiện vẻ đẹp cuộc sống.

Trả lời:

Trong bài thơ “Tự nguyện” thể hiện vẻ đẹp cuộc sống mong muốn được cống hiến, mang những vẻ đẹp làm bản thân em yêu thích: Bài thơ có những ước nguyện rất chọn lọc: Ước nguyện được là chim nhưng là loài bồ câu trắng, là hoa nhưng chỉ là hoa hướng dương (loài hoa hướng về ánh mặt trời), là người sẽ là người biết yêu, có thể hi sinh mình cho quê hương Tổ quốc.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 33 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trao đổi với người thân về công việc của những người đang bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trả lời:

Em trao đổi với người thân về công việc của những người đang bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân: Những người ấy như: chiến sĩ, bộ đội, công an, cảnh sát. Họ có một chức năng đặc biệt riêng, có thể thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật để răn đe tội ác, bênh vực lẽ phải trong đời. Phải rất quả cảm và cố gắng, họ mới có thể chọn cho mình công việc thiêng liêng ấy.

Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 5: Giỏ hoa tháng Năm

Bài 6: Thư của bố

Bài 7: Đoàn thuyền đánh cá

Bài 8: Khu rừng của Mát

Bài 9: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân

Bài 10: Những búp chè trên cây cổ thụ

Đánh giá

0

0 đánh giá