SBT Khoa học tự nhiên 6 Bài 14 (Chân trời sáng tạo): Một số lương thực thực phẩm

1.9 K

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 6 Bài 14: Một số lương thực thực phẩm sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 6. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 14: Một số lương thực thực phẩm

Bài 14.1 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Cây trồng nào sau đây không được xem là cây lương thực?

A. Lúa gạo.                                       B. Ngô.

C. Mía.                                              D. Lúa mì.

Lời giải:

Đáp án C

Cây mía không được xem là cây lương thực. Cây lương thực là  những loại cây cung cấp tinh bột cho cơ thể như lúa gạo, lúa mì, ngô …

Bài 14.2 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Trong các thực phẩm dưới đây, loại nào chứa nhiều protein (chất đạm) nhất?

A. Gạo.                                              B. Rau xanh.

C. Thịt.                                              D. Gạo và rau xanh.

Lời giải:

Đáp án C

Thịt là loại thức ăn chứa nhiều protein nhất trong số các loại thức ăn trên.

Bài 14.3 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Gạo sẽ cung cấp chất dinh dưỡng nào nhiều  nhất cho cơ thể?

A. Carbohydrate (chất đường, bột).    B. Protein (chất đạm)

C. Lipit (chất béo).                               D. Vitamin.

Lời giải:

Đáp án A

Gạo cung cấp chủ yếu là carbohydrate (chất đường, bột).

Bài 14.4 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Ta đã biết, 100 g ngô và 100 g gạo đều sinh ra năng lượng là 1 528 kJ. Vậy tại sao ta không ăn ngô thay gạo?

Lời giải:

100 gam gạo cung cấp năng lượng bằng 100 gam ngô nhưng người ta thường xuyên ăn gạo vì gạo dễ tiêu hóa hơn ngô. Ngoài ra, gạo còn chứa các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nhiều hơn ngô.

Bài 14.5 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Trong khẩu phần ăn của Dũng (13 tuổi) gồm có: 350 g carbohydrate, 100 g lipid, 200 g protein và nhiều loại vitamin, muối khoáng khác. Em hãy cho biết khẩu phần của Dũng đã hợp lý chưa và giải thích rõ vì sao. Biết:

- Hiệu suất hấp thụ của cơ thể đối với carbohydrate là 90%, đối với lipid là 80%, đối với protein là 60%.

- Nhu cầu dinh dưỡng của nam tuổi từ 13 – 15 là khoảng 2500 – 2600kcal/ ngày.

- 1 g carbohydrate tạo ra 4,3 kcal; 1 gam lipid tạo ra 9,3 kcal; 1 gam protein tạo ra 4,1 kcal.

Lời giải:

Khối lượng carbohydrate hấp thụ: 350.90% = 315 gam.

- Năng lượng sinh ra từ 315 gam carbohydrate: 315.4,3 = 1354,5 kcal.

- Khối lượng lipid hấp thụ: 100.80% = 80 gam.

- Năng lượng sinh ra từ 80 gam lipid: 80.9,3 = 744 kcal.

- Khối lượng protein hấp thụ: 200.60% = 120 gam.

- Năng lượng sinh ra từ 120 gam protein: 120.4,1 = 492 kcal.

- Tổng năng lượng hấp thụ trong ngày là: 1354,5 + 744 + 492 = 2590,5 kcal.

Như vậy khẩu phần ăn của bạn Dũng là hợp lý vì đủ năng lượng và dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Bài 14.6 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Khẩu phần ăn có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sự phát triển của cơ thể con người. Hãy cho biết:

a) Khẩu phần ăn đầy đủ phải bao gồm các chất dinh dưỡng nào.

b) Để xây dựng khẩu phần ăn hợp lí, ta cần dựa vào các căn cứ nào.

Lời giải:

a) Khẩu phần ăn đầy đủ phải có đủ các chất dinh dưỡng: protein, lipid, carbohydrate, vitamin và chất khoáng.

b) Để xây dựng khẩu phần ăn hợp lý ta cần căn cứ vào:

- Đảm bảo đủ lượng thức ăn phù hợp với từng đối tượng;

- Đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng hữu cơ, vitamin và muối khoáng;

- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu của cơ thể.

Bài 14.7 trang 45 sách bài tập KHTN 6: Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

a) Gạo là lương thực hay thực phẩm?

b) Kể tên hai khu vực sản xuất lúa gạo chính ở Việt Nam.

c) Tại sao phải thu hoạch lúa đúng thời vụ?

Lời giải:

a) Gạo là lương thực, cung cấp lượng lớn tinh bột cho con người.

b) Khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

c) Cần phải thu hoạch lúa đúng thời vụ để:

- Đảm bảo hạt gạo có chất lượng tốt nhất.

- Tránh bị hao phí khi thu hoạch vì thu hoạch vào lúc lúa chín quá thì hạt lúa bị rơi rụng ra rất nhiều.

- Chuẩn bị đất, kịp thời làm vụ khác.

Bài 14.8 trang 46 sách bài tập KHTN 6: Hiện tượng ngộ độc thực phẩm tập thể ngày càng nhiều. Trong đó, không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.

a) Kể tên một vài vụ ngộ độc thực phẩm mà em biết.

b) Em hãy nêu một số nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

c) Khi bị ngộ độc thực phẩm em cần phải làm gì?

d) Làm thế nào để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm?

Lời giải:

a) Một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học: (sưu tầm trên báo)

 - Trưa ngày 9/9/2020, Tại một trường tiểu học tại huyện Đông Anh, Hà Nội có tổ chức bữa ăn cho các em học sinh bán trú. Đến 15 giờ cùng ngày, nhà trường có thêm bữa phụ là sữa. Đến 21h ngày 9/9, một học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài và được người nhà đưa đến BV Đa khoa Đông Anh cấp cứu.

- Vào ngày 23/12/2019, Tại một trường mầm non ở tỉnh Thanh Hóa cho học sinh ăn cháo thịt bò bí đỏ và bánh cuốn. Đến hơn 10h cùng ngày, nhiều trẻ em có các biểu hiện nôn, ói, mệt mỏi, được đưa đến Bệnh viện nhi Thanh Hóa cấp cứu.

b) Một số nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm:

- Thực phẩm quá hạn sử dụng;

- Thực phẩm nhiễm khuẩn;

- Thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại;

- Thực phẩm chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh.

c) Khi bị ngộ độc thực phẩm cần phải:

- Dừng ăn ngay thực phẩm đó;

- Có thể kích thích họng để tạo phản ứng nôn, nôn hết thực phẩm đã dùng;

- Pha orezol với nước cho người bị ngộ độc uống để tránh mất nước và trung hòa chất độc trong cơ thể.

- Nếu ngộ độc nặng cần đưa tới bệnh viện cấp cứu; 

- Nên lưu lại mẫu thực phẩm để tìm hiểu nguyên nhân ngộ độc khi cần.

d) Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, cần lưu ý:

- Ăn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng;

- Kiểm tra kĩ thực phẩm trước khi ăn;

- Đảm bảo thực phẩm đưa vào chế biến trước khi ăn là thực phẩm sạch, không nhiễm hóa chất độc hại;

- Chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Đánh giá

0

0 đánh giá