Văn bản Mục đích của việc học - Nguyễn Cảnh Toàn - Nội dung, tác giả, tác phẩm

1.4 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Mục đích của việc học Ngữ văn lớp 9 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Mục đích của việc học lớp 9.

Tác giả tác phẩm: Mục đích của việc học - Ngữ văn 9

I. Tác giả Nguyễn Cảnh Toàn

Mục đích của việc học - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

- Nguyễn Cảnh Toàn sinh ngày 28 tháng 9 năm 1926 tại làng Nghiêm Thắng, tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

- Nguyễn Cảnh Toàn vào học ở Trường Quốc học Huế năm 1942 và tốt nghiệp tú tài Toán năm 1944. Đây là thời kỳ có các giáo sư người Pháp giảng dạy nên ông đã hấp thu được một số kiến thức tiến bộ của phương Tây.

- Cuối năm 1946, trong kỳ thi toán học đại cương, Nguyễn Cảnh Toàn đã tham dự và đỗ thủ khoa. Năm 1947, trong thời gian kháng chiến, Sở Giáo dục Khu 4 triệu tập ông về dạy toán cho Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng.

- Năm 1951, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam điều lên dạy đại học ở Khu học xá Trung ương, đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc).

- Năm 1954, Nguyễn Cảnh Toàn giảng dạy toán tại trường Đại học Khoa học Hà Nội.

- Năm 1957, ông nằm trong số chín cán bộ giảng dạy đại học đầu tiên sang Liên Xô làm thực tập sinh. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) tại Đại học Lomonosov.

- Trở về Việt Nam năm 1959, ông giảng dạy tại khoa Toán và tự nghiên cứu đề tài khoa học về hình học.

- Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học về hình học, ông tiếp tục giảng dạy tại khoa Toán Đại học sư phạm Hà Nội và đảm nhiệm các chức vụ: chủ nhiệm bộ môn hình học, chủ nhiệm khoa toán, hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1967 – 1975), Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo (1976 – 1989).

- Năm 1994, ông nghỉ hưu. Cho đến năm 2006, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy bộ môn toán.

- Ông mất ngày 8 tháng 2 năm 2017 tại Hà Nội.

II. Tìm hiểu văn bản Mục đích của việc học

1. Thể loại

- Tác phẩm Mục đích của việc học thuộc thể loại: văn bản nghị luận

2. Xuất xứ

- In trong Học và dạy cách học, Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên), Nguyễn Kỳ, Lê Khánh Bằng, Vũ Văn Tảo, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

4. Bố cục Mục đích của việc học

- Phần 1 (từ “bước vào thế kỉ” đến … “học để làm người”): giới thiệu vấn đề.

- Phần 2 (tiếp theo đến … “văn hóa cơ bản”): học để hiểu.

- Phần 3 (tiếp theo đến … “xã hội học tập): học để làm.

- Phần 4 (tiếp theo đến … “làm người”): học để hợp tác, cùng chung sống.

- Phần 5 (đoạn còn lại): học để làm người.

5. Tóm tắt Mục đích của việc học

Văn bản Mục đích của học là văn bản phân tích, chỉ ra mục đích của việc học, nhấn mạnh việc học suốt đời sẽ là chìa khóa bước vào thế kỉ XXI cùng với các luận điểm logic, đầy thuyết phục: học để hiểu, học để làm, học để hợp tác cùng chung sống và học để làm người.

6. Giá trị nội dung Mục đích của việc học

- Văn bản Mục đích của học đã nhấn mạnh trong tâm mục đích của việc học: học để hiểu, học để làm, học để hợp tác cùng chung sống, học để làm người. Qua đó, giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của việc học, việc học là diễn ra suốt đời.

7. Giá trị nghệ thuật Mục đích của việc học

- Luận điểm rõ ràng, thuyết phục.

- Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, các ý được dấn dắt tự nhiên.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Mục đích của việc học

1. Bối cảnh vấn đề

- Bối cảnh: xu thế toàn cầu hóa kinh tế thị trường, kinh tế tri thức và chuyển sang xã hội thông tin, xã hội học tập.

- Vấn đề nghị luận là việc học suốt đời có ý nghĩa then chốt để bước vào thế kỉ XXI.

Mục đích của việc học - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

2. Hệ thống luận điểm của văn bản

- Học để hiểu:

+ Là đi sâu nắm bắt bản chất; khai thác, phân tích; tư duy.

+ Là cách học khoa học, tự nghiên cứu, tạo cho mình năng lực tự học.

+ Mối quan hệ giữa học và hiểu.

- Học để làm:

+ Các quan điểm của Hồ Chí Minh, Kant, Piaget.

+ Cần có năng lực xử lí tình huống mới.

+ Mối quan hệ giữa học và làm.

- Học để hợp tác, cùng chung sống:

+ Cần hiểu bản thân và người khác

+ Ý nghĩa

+ Mối quan hệ giữa học và hợp tác

- Học để làm người:

+ Giải thích

+ Khám phá ra bản thân, vượt qua chính mình

+ Kết quả: tạo ra con người tự chủ, sáng tạo…

=>

- Hệ thống luận điểm mạch lạc, rõ ràng và được liên kết chặt chẽ với nhau.

- Các lí lẽ và dẫn chứng được trình bày theo kết cấu khá giống nhau ở mỗi luận điểm tạo sự logic, nhất quán.

- Bằng chứng đưa ra thuyết phục, xác đáng, tạo được niềm tin cho người đọc.

3. Ý nghĩa của văn bản

- Tác giả muốn khẳng định học phải có mục đích, phải hướng tới những giá trị cốt lõi.

- Điều đó rất đúng trong xã hội ngày nay khi con người có xu thế toàn cầu hóa.

IV. Đọc tác phẩm: Mục đích của việc học

MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC HỌC

1. Bước vào thế kỉ XXI, thế giới đang chịu sự chi phối của xu thế toàn cầu hoa kinh tế thị trường, kinh tế tri thức và chuyển dịch theo hướng xã hội thông tin, xã hội học tập, bắt đầu buổi bình minh của một nền văn minh mới - văn minh trí tuệ. Trước bối cảnh đó, việc học suốt đời trong một xã hội học tập là chìa khoá mở cửa đi vào thế ki XXI; nó phải nhằm mục đích phát triển bền vững dựa trên bốn trụ cột theo khuyến cáo của UNESCO là: Học để hiểu; Học để làm; Học để hợp tác, cùng chung sống; Học để làm người.

2. Học để hiểu

Ngày nay, học không thể dừng lại ở trình độ nhận biết, ghi nhớ, tái hiện mà phải đạt trình độ thông hiểu. Học - hiểu là đi sâu, nắm được bản chất sự vật, hiện tượng, nhận thức được quy luật của hiện thực khách quan, hiểu được chính bản thân mình để có thể tự biến đổi mình. Học - hiểu là phát hiện, khai thác, phân tích, lí giải, xử lí được thông tin, giải quyết được vấn đề một cách có hiệu quả; tức là phát huy trí lực, đặc biệt là cách tư duy. Học - hiểu là học cách tư duy để tạo ra cho mình năng lực tư duy.

Trong bối cảnh diễn ra cách mạng thông tin và sự bùng nổ thông tin, nếu học chỉ là tiếp thu, ghi nhớ kiến thức thì không thể nào đáp ứng nổi tình hình kiến thức mới nảy sinh dồn dập và tăng nhanh. Học - hiểu là học cách học, cách tự học, tự nghiên cứu, tự mình tìm ra kiến thức bằng hành động và thao tác tư duy của chính mình. “Hãy học phương pháp chứ đừng học dữ liệu.” (Ti-ơ-ri Gô-đanh - Thierry Gaudin). Học - hiểu là học cách học để tạo ra cho mình năng lực tự học và thói quen tự học suốt đời.

Khối lượng kiến thức của loài người mênh mông như biển cả, không ai có thể học để hiểu hết được. Chỉ có thể học một cơ sở văn hóa chung đủ rộng để kết hợp với khả năng làm việc sâu trên một số lĩnh vực hẹp. Học để hiểu là đi vào kiến thức chuyên sâu, kiến thức ngành nghề trên cơ sở vốn văn hoa cơ bản. Cơ sở văn hóa cơ bản đó đặt nền móng cho việc học suốt đời và cho khả năng tự tạo ra việc làm mới.

Học để hiểu. Hiểu để học. Hiểu vừa là mục đích, vừa là cách học. Học là đi từ cái đã hiểu đến cái chưa hiểu, liên kết những cái đã hiểu, tạo ra các cầu nối nhận thức. Vốn hiểu biết càng rộng, càng sâu thì việc học suốt đời càng có hiệu quả. Vốn hiểu biết đó là tổng hoà của những thông tin có thể lưu trữ trong não, tức là trí nhớ được cấu tạo bởi những cái đã hiểu. Học - hiểu là phát huy đồng thời cả hai tố chất chính của trí lực là tư duy và trí nhớ. Học - hiểu là học cả cách tư duy và cách nhớ, làm cho trí nhớ ngày càng bền vững và tư duy ngày càng sắc bén. Hiểu để nhớ. Nhớ để hiểu. Hiểu để học.

Tính đến những thay đổi nhanh chóng do tiến bộ khoa học và những hình thức mới từ hoạt động kinh tế và xã hội mang đến, mục đích học để hiểu là nhằm học cách học, cách tư duy và cách nhớ, tạo ra cho mình năng lực tư duy, năng lực tự học, năng lực làm việc sâu về một số lĩnh vực hẹp trên cơ sở văn hoa cơ bản.

3. Học để làm

Học không chỉ để hiểu mà còn để ứng dụng, triển khai, học để làm. Học để hành. “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy.” (Hồ Chí Minh). “Cách tốt nhất để hiểu là làm.” (Can-tơ - Kant). “Suy nghĩ gắn với hành động." (Pi-a-giê - Piaget). Tay làm, trí nghĩ. Học làm, học chữ quyện lấy nhau. Và làm dần dần trở thành biết làm, muốn làm và cuối cùng muốn tồn tại và phát triển bền vững, tức là tự tạo ra cho mình tay nghề và việc làm.

Trước thị trường lao động toàn cầu đầy biến động, ngoài việc học một nghề để có việc làm, con người cần có năng lực xử lí được nhiều tình huống mới nảy sinh trong cuộc sống nghề nghiệp mà thường không thể lường trước được, đó là năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực tự học, tự đào tạo để có thể thích nghi kịp thời với thị trường việc làm.

Ngày nay, làm việc hay hoạt động bao giờ cũng đòi hỏi con người phải hợp tác với người khác, với đồng đội. Học để làm. Làm là hợp tác. Phải có tinh thần và năng lực hợp tác, làm việc đồng đội. Học để làm gắn liền với học để hợp tác, cùng chung sống.

Học để làm. Làm để học. Làm vừa là mục đích vừa là cách học. Học là tự tìm ra kiến thức bằng hành động và suy nghĩ của chính mình. Hành để học. Vừa làm vừa học hay vừa học vừa làm, học xen kẽ với làm, học lí thuyết kết hợp với lao động thực tiễn, đó là một đặc trưng cơ bản của việc học suốt đời trong một xã hội học tập.

4. Học để hợp tác, cùng chung sống

“Học để hiểu”, "Học để làm” là những nhân tố cơ sở của “Học để hợp tác, cùng chung sống". Học để hiểu, trước hết là để hiểu bản thân mình, từ đó mới hiểu được người khác tốt hơn. Thật sự tự đặt mình vào địa vị người khác mới có thể hiểu rõ các tác động qua lại khách quan, mới tôn trọng những giá trị đa phương, đa dạng của con người thuộc các dân tộc và có thái độ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau để có thể cùng chung sống với nhau. Trước hết là biết hợp tác, cùng chung sống với người thân trong gia đình, với các thế hệ khác, với dòng họ, xóm làng, quê hương, đất nước, dân tộc.

Hiểu người khác nói rộng ra là phải hiểu thế giới tốt hơn, một thế giới còn tồn đọng biết bao xung đột và căng thẳng do lịch sử để lại, do hiện tại đặt ra. Cần hiểu biết lẫn nhau tốt hơn để giải quyết hoà bình mọi sự gay cấn, dần dần xoá bỏ thành kiến và hiềm khích tiềm ẩn, thay vào đó là sự hợp tác lành mạnh, là tình hữu nghị cùng chung sống hoà bình.

Học để hợp tác, cùng chung sống sẽ làm cho con người chẳng những có ý thức làm công dân tốt của đất nước mà còn là thành viên tích cực của loài người, vừa có ý thức bảo vệ Tổ quốc mình, giữ vững bản sắc văn hoa dân tộc, vừa có ý thức bảo vệ hoà bình thế giới, quan tâm đến các vấn đề chung của nhân loại như bảo vệ môi trường, chống thiên tai, đói nghèo, nghèo, bệnh tật, ...

Học để hợp tác, cùng chung sống có nghĩa chung là mong muốn cam kết hợp tác làm ăn với nhau lâu dài, cảm nhận sâu sắc được tính phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn cùng làm việc với nhau, từ đó mà có thể biến đổi xung đột, căng thẳng thành đoàn kết và hợp tác, hoà bình và hữu nghị trong những cố gắng chung. Học để hợp tác, cùng chung sống là cách học hợp tác để giải quyết vấn đề, giải quyết công việc để dần dần tạo ra cho mình năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề.

Học để hợp tác. Hợp tác để học. Hợp tác vừa là mục đích vừa là cách học. Học cá nhân phải kết hợp với học nhóm hay thảo luận lớp. Học cá nhân đi đôi với học hợp tác. Phương pháp hợp tác đảm bảo cho quá trình học suốt đời đạt được kết quả mong muốn.

Học - hiểu, Học - làm, Học - hợp tác là ba mặt của một tổng thể đan xen lẫn nhau, quyện vào nhau nhằm tạo ra những năng lực cơ bản như năng lực tư duy, năng lực phát hiện, hợp tác và giải quyết vấn đề, năng lực tự học, ... và tổng hoà năng lực đó thành nhân cách: Học để làm người.

5. Học để làm người

Học để làm người là nhằm phát triển đầy đủ nhất tiềm năng sáng tạo của chủ thể cùng với toàn bộ sự phong phú và phức tạp của nhân cách con người.

Học là tự hiểu mình, khám phá ra “Mình là ai?” thông qua một hành trình nội tại bao gồm cả “học - hiểu - làm - hợp tác” cả học tri thức, cách học, cách tư duy, cách hợp tác, cách giải quyết vấn đề cùng với cách tự kiểm tra, tự đánh giá. Hành trình nội tại đó giúp cho chủ thể tự biến đổi mình, vượt qua chính bản thân, phát triển mọi tiềm năng sáng tạo để tự làm phong phú thêm giá trị con người mình. Đó là con người lao động tự chủ, năng động và sáng tạo, có năng lực tư duy, năng lực hợp tác, phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực tự học. [ ... ]

Học để làm người. Làm người phải học. “Học, học nữa, học mãi.” (Lê-nin - Lenin). Học suốt đời.

Xem thêm các bài Tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Ông lão bên chiếc cầu

Tác giả - tác phẩm: Chiếc lược ngà

Tác giả - tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng

Tác giả - tác phẩm: Bàn về đọc sách

Tác giả - tác phẩm: Khoa học muôn năm

Tác giả - tác phẩm: Mục đích của việc học

Đánh giá

0

0 đánh giá