SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 32 (Cánh diều): Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật

2.2 K

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 7. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật

Bài 32.1 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Sinh sản là gì?

Lời giải:

Khái niệm sinh sản: Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới bảo đảm sự phát triển kế tục của loài. Có hai kiểu sinh sản là sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.

Bài 32.2 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Sinh sản vô tính là gì? Cho ví dụ minh họa.

Lời giải:

- Khái niệm sinh sản vô tính: Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái. Do vậy, cơ thể con chỉ nhận được chất di truyền từ cơ thể mẹ nên giống nhau và giống cơ thể mẹ.

- Ví dụ sinh sản vô tính:

+ Cây thuốc bỏng con được sinh ra từ lá của cây mẹ.

+ Củ gừng mọc lên cây gừng con.

+ Thủy tức con được tạo ra bằng hình thức nảy chồi từ cơ thể mẹ.

+ Trứng không thụ tinh phát triển thành ong đực.

+ Sao biển con được sinh ra từ một phần của cơ thể sao biển mẹ.

Bài 32.3 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Trình bày các hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật theo bảng sau.

Hình thức sinh sản sinh dưỡng

Cây con được hình thành

Ví dụ

Sinh sản từ lá

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời giải:

Hình thức sinh sản sinh dưỡng

Cây con được hình thành

Ví dụ

Sinh sản từ lá

Cây con được hình thành từ lá cây.

Cây thuốc bỏng, cây càng cua, cây sam nhật,…

Sinh sản từ thân bò

Cây con được hình thành từ mấu thân của cây mẹ.

Cây rau má, cây dâu tây, cây khoai lang, cây trầu không, cây rau muống,…

Sinh sản từ thân rễ

Cây con được hình thành từ phần rễ của cây mẹ.

Gừng, cỏ mần trầu, cỏ gà,…

Sinh sản từ rễ củ

Cây con được hình thành từ phần củ của cây mẹ.

Cây khoai lang, củ cải, cà rốt, củ đậu,…

Bài 32.4 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Trong sinh sản sinh dưỡng ở thực vật, cây mới được tạo ra

A. từ một phần của cơ quan sinh dưỡng của cây.

B. chỉ từ rễ của cây.

C. chỉ từ một phần thân của cây.

D. chỉ từ lá của cây.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong sinh sản sinh dưỡng ở thực vật, cây mới được tạo ra từ một phần của cơ quan sinh dưỡng của cây như lá, thân hoặc rễ.

Bài 32.5 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Đặc điểm nào sau đây không thuộc sinh sản vô tính?

A. Cơ thể con sinh ra hoàn toàn giống nhau và giống cơ thể mẹ ban đầu.

B. Tạo ra cá thể mới rất đa dạng về các đặc điểm thích nghi.

C. Tạo ra số lượng lớn con cháu trong một thời gian ngắn.

D. Tạo ra các cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp yếu tố đực và yếu tố cái. Do vậy, cơ thể con chỉ nhận được chất di truyền từ cơ thể mẹ nên giống nhau và giống cơ thể mẹ. Từ đó, có thể thấy ưu điểm của sinh sản vô tính là có thể tạo ra số lượng lớn con cháu trong một thời gian ngắn, tạo ra các cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định. Tuy nhiên, cũng chính do không có sự biến đổi chất di truyền nên nhược điểm của hình thức sinh sản vô tính chính là đời con có độ đa dạng di truyền thấp, khả năng thích nghi với những biến đổi của môi trường kém, dễ bị chết hàng loạt khi điều kiện môi trường thay đổi.

Bài 32.6 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Trường hợp nào sau đây không phải là sinh sản vô tính ở thực vật?

A. Cây cỏ gấu non phát triển từ rễ củ.

B. Cây dương xỉ non phát triển từ bào tử.

C. Cây sắn dây phát triển từ một đoạn thân.

D. Cây táo non phát triển từ hạt.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Hạt được tạo ra do sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái → Cây táo non phát triển từ hạt không phải là hình thức sinh sản vô tính mà là hình thức sinh sản hữu tính.

- Cây cỏ gấu non phát triển từ rễ củ, cây sắn dây phát triển từ một đoạn thân là hình thức sinh sản sinh dưỡng ở thực vật – một hình thức sinh sản vô tính ở thực vật.

- Cây dương xỉ non phát triển từ bào tử là hình thức sinh sản bằng bào tử ở thực vật – một hình thức sinh sản vô tính ở thực vật.

Bài 32.7 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7: Lợi ích của việc nhân giống cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp chiết cành là

A. cây con dễ trồng và tốn ít công chăm sóc.

B. nhân giống cây nhanh và hiệu quả cao.

C. cây tránh được sâu bệnh gây hại cho lá, hoa, quả.

D. rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, sớm thu hoạch và biết trước đặc tính của quả.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Chiết cành là làm cho cành ra rễ ngay trên cây rồi mới cắt đem trồng thành cây mới. Phương pháp này là phương pháp phổ biến để nhân giống các loại cây lâu năm thời gian sinh trưởng dài. Vì cây con được hình thành từ một phần cành của cây trưởng thành nên ưu điểm của phương pháp chiết cành là rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, sớm thu hoạch và biết trước đặc tính của quả (đặc tính quả giống cây mẹ).

Bài 32.8 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Động vật nào sau đây chỉ có hình thức sinh sản vô tính?

A. Bọt biển.

B. Voi.

C. Giun đũa.

D. Chuồn chuồn.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Bọt biển có thể sinh sản bằng hình thức sinh sản vô tính hoặc hữu tính. Hình thức sinh sản vô tính thường thấy ở bọt biển là nảy chồi hoặc phân mảnh.

- Voi, giun đũa, chuồn chuồn sinh sản bằng hình thức sinh sản hữu tính.

Bài 32.9 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Hình thức sinh sản nào sau đây chỉ tạo ra đúng hai cá thể con giống hệt nhau từ một cá thể mẹ?

A. Trinh sinh.

B. Phân đôi.

C. Nảy chồi.

D. Phân mảnh.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

- Phân đôi là hình thức sinh sản tạo ra đúng hai cá thể con giống hệt nhau từ một cá thể mẹ. Trong hình thức sinh sản phân đôi, cơ thể mẹ tự co thắt tạo thành 2 phần giống nhau, mỗi phần sẽ phát triển thành một cá thể; sự phân đôi có thể theo chiều dọc, ngang hoặc nhiều chiều.

- Trinh sinh, nảy chồi, phân mảnh là những hình thức sinh sản vô tính có thể tạo ra nhiều hơn 2 cá thể con từ một cá thể mẹ.

Bài 32.10 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Sinh sản vô tính ở động vật là từ một cá thể

A. sinh ra một hay nhiều cá thể giống hoặc khác mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

B. luôn sinh ra nhiều cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

C. sinh ra một hay nhiều cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

D. luôn sinh ra chỉ một cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Sinh sản vô tính ở động vật là từ một cá thể sinh sản vô tính ở động vật là từ một cá thể. Ở động vật có các hình thức sinh sản vô tính như nảy chồi (ví dụ ở thủy tức), phân mảnh (ví dụ ở đỉa, sao biển), trinh sản (ví dụ ở ong, kiến,… và một số loài cá, lưỡng cư, bò sát).

Bài 32.11 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Nhóm động vật có hình thức trinh sinh là

A. ong, kiến, rệp, mối.

B. thủy tức, bọt biển, giun dẹp, sứa.

C. giun dẹp, giun tròn, giun đốt, thủy tức.

D. bọt biển, giun dẹp, thủy tức, bọ cạp.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trinh sinh hay trinh sản là một hình thức sinh sản vô tính mà trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới. Trinh sản gặp ở ong, kiến, rệp, mối,… và một số loài cá, lưỡng cư, bò sát.

Bài 32.12 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Điều kiện sống thay đổi đột ngột có thể là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cá thể động vật sinh sản vô tính bị chết. Giải thích.

Lời giải:

Khi điều kiện sống thay đổi đột ngột có thể dẫn đến hàng loạt cá thể động vật sinh sản vô tính bị chết vì: Sinh sản vô tính sẽ tạo ra các thế hệ con cháu giống nhau về mặt di truyền và chỉ thích nghi với một điều kiện sống nhất định, do đó khi điều kiện sống thay đổi đột ngột, chúng sẽ có phản ứng giống nhau trước thay đổi đó, dẫn đến chết hàng loạt nếu thay đổi vượt quá ngưỡng chịu đựng.

Bài 32.13 trang 70 SBT Khoa học tự nhiên 7: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời các câu hỏi:

Vai trò của nuôi cấy mô tế bào thực vật

Nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp các nhà làm vườn tạo ra những cây sạch bệnh hoặc cây có khả năng kháng bệnh và chịu được sâu bệnh tốt hơn. Nó còn giúp rút ngắn được thời gian sản xuất, cho “ra lò” số lượng lớn các cây giống đồng đều nhau, thời gian nhân giống nhanh và nhiều cây giống trên cùng một diện tích nhỏ. Vì thế, khi đưa cây giống đi trồng cũng như khi đưa ra thị trường, cây nuôi cấy mô sẽ có sự thuận tiện, bảo quản dễ dàng, hạn chế bị chết,…

Nhờ các ưu điểm này làm cho giá thành cây giống giảm.

Câu hỏi:

1. Nêu vai trò của nuôi cấy mô tế bào thực vật trong thực tiễn.

2. Vì sao nuôi cấy mô tế bào thực vật lại có thể cho “ra lò” số lượng lớn các cây giống đồng đều nhau, thời gian nhân giống nhanh và nhiều cây trồng trên một diện tích nhỏ?

3. Vì sao nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp giảm giá thành sản xuất cây giống?

Lời giải:

1. Vai trò của nuôi cấy mô tế bào thực vật trong thực tiễn:

- Tạo ra số lượng lớn các cây giống đồng đều nhau trong thời gian ngắn, trên cùng một diện tích nhỏ. Nhờ đó, làm hạ giá thành cây giống.

- Tạo ra những cây sạch bệnh hoặc cây có khả năng kháng bệnh và chịu được sâu bệnh tốt hơn.

2. Nuôi cấy mô tế bào thực vật có thể cho “ra lò” số lượng lớn các cây giống đồng đều nhau, thời gian nhân giống nhanh và nhiều cây trồng trên một diện tích nhỏ: Trong phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, các nhà khoa học có thể nuôi cấy các mẩu mô của thực vật, thậm chí từng tế bào trong ống nghiệm rồi sau đó cho chúng tái sinh thành các cây. Bởi vậy, bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, từ một mẩu tế bào của cây mẹ trong một thời gian ngắn có thể tạo ra rất nhiều cây giống, đồng đều về phẩm chất (các cây con đều có đặc điểm di truyền giống cây mẹ) trên một diện tích nhỏ.

3. Nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp giảm giá thành sản xuất cây giống vì trong phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, chỉ từ một mẩu tế bào của cây mẹ có thể tạo ra số lượng lớn các cây con trên một diện tích nhỏ, trong một thời gian ngắn.

Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật

Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật

Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

Đánh giá

0

0 đánh giá