Tài liệu tác giả tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Nỗi buồn chiến tranh lớp 12.
Tác giả tác phẩm: Nỗi buồn chiến tranh - Ngữ văn 12
I. Tác giả Bảo Ninh
- Bảo Ninh (1952) tên thật là Hoàng Ấu Phương, ngoài ra ông cò nhiều bút danh khác như Nhật Giang, Mã Pí Lèng,…
- Quê quán: xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
- Ông là nhà văn quân đội, từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam trước năm 1975.
+ Bảo Ninh vào bộ đội năm 1969.
+ Chiến đấu tại mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10.
+ Năm 1975, ông giải ngũ.
- Từ 1976 - 1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam.
- Từ 1984 - 1986 học khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du, làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ.
- Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
- Bảo Ninh ra mắt công chúng bằng truyện ngắn đầu tay Trại “Bảy chú lùn” in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987.
- Ít lâu sau, cuốn tiểu thuyết đầu tay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất hiện nhưng do thị hiếu người đọc lúc bấy giờ nhà xuất bản đã đặt cho nó cái tên Thân phận của tình yêu.
- Sau Nỗi buồn chiến tranh, tác giả hầu như chỉ sáng tác truyện ngắn.
- Ngoài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận của tình yêu) và các tập truyện ngắn, Bảo Ninh còn viết một số bài trên báo Văn nghệ trẻ bàn về sự đổi mới của văn học.
- Bảo Ninh là một nhà văn từng xông pha trận mạc nên ông rất am hiểu về chiến tranh, ông chuyên viết về đề tài về chiến tranh và muốn “văn của mình phải mang vẻ đẹp quân đội”. Ông từng chia sẻ mình “biết nhiều câu chuyện đương thời ở Việt Nam, nhưng không viết” , nhà văn chỉ tập trung viết về quá khứ chiến trường và cái quá khứ xa hơn của nó ở Hà Nội mà ông vẫn gọi là “thành phố quê hương thứ hai của tôi” .
- Luôn đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn. Ông cho rằng mỗi nhà văn phải đi tìm cho mình một cái gì đó thật mới, thật riêng không lẫn với người khác. Bởi thế mà khi chọn viết về đề tài chiến tranh, Bảo Ninh cũng đã có nhiều trăn trở để tìm cho mình một góc cạnh khác trên mảnh đất ấy.
- Quan niệm đã viết văn là phải có vốn văn hóa, hiểu biết sâu, phải có khả năng tìm tòi khám phá để nhận ra viên ngọc quý lấp lánh bên trong. Văn Bảo Ninh đẹp, một thứ văn có phần trau chuốt và giàu sức biểu cảm, một thứ văn có nghiêng về “vị nghệ thuật”.
II. Tìm hiểu đoạn trích Nỗi buồn chiến tranh
1. Thể loại Nỗi buồn chiến tranh
- Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh thuộc thể loại: tiểu thuyết.
2. Xuất xứ Nỗi buồn chiến tranh
- Tác phẩm được trích trong Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học, Hà Nội, 1991, tr89 – 92, 277 - 283)
3. Phương thức biểu đạt Nỗi buồn chiến tranh
- Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm.
4. Bố cục đoạn trích Nỗi buồn chiến tranh
- Phần 1 (từ đầu đến trí tưởng tượng): Trạng thái luôn sống với kí ức chiến tranh của nhân vật Kiên - dòng kí ức đã thôi thúc anh cầm bút để ghi chép lại tất cả trải nghiệm của một đoạn đời đặc biệt.
- Phần 2 (phần còn lại): Những ấn tượng, cảm xúc và suy tư của mình khi đối diện với “núi bản thảo” bộn bề mà Kiên bỏ lại.
5. Tóm tắt Nỗi buồn chiến tranh
Đoạn trích được tác giả Bảo Ninh dùng thủ pháp đồng hiện và bút pháp “dòng ý thức” để nói về đời sống nội tâm của nhân vật Kiên – một anh bộ đội bước ra từ cuộc chiến tranh với chấn thương tâm hồn nặng nề trước những hi sinh, mất mát, đổ vỡ do chiến tranh gây nên và trước khả năng mai một của trí nhớ cộng đồng về một thời kì lịch sử đặc biệt đã qua. Kiên luôn tự cật vấn đến đau đớn về tâm thế tồn tại trong cuộc đời, về thân phận của tình yêu, về chiến tranh như một môi trường thử thách khốc liệt đối với nhân tính.
6. Giá trị nội dung Nỗi buồn chiến tranh
- Qua đoạn trích, ta thấy rằng ý nghĩa của sự nhớ lại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Những kỉ niệm về những người mình yêu quý, những trải nghiệm đáng nhớ và những thành tựu đã đạt được đều là những điểm sáng tạo nên màu sắc và ý nghĩa của cuộc sống. Nhớ lại quá khứ cũng là một nguồn động viên và sức mạnh khi ta đối mặt với nhứng khó khăn.
7. Giá trị nghệ thuật Nỗi buồn chiến tranh
- Sử dụng ngôi kể thứ ba xen lẫn ngôi kể thứ nhất, nvật trong đoạn trích gần như không có "hành động bên ngoài" mà chỉ có "hành động bên trong”.
III. Tìm hiểu chi tiết đoạn trích Nỗi buồn chiến tranh
1. Nhân vật Kiên
- Nhân vật Kiên hiện lên là một người mang chồng chất những nỗi đau, cả ở quá khứ và cả ở hiện tại, vậy nhưng Kiên đã lựa chọn nhớ lại và viết về câu chuyện quá khứ để phục sinh về tinh thần.
- Như nhân vật “tôi” đã nói sau khi đọc số bản thảo tưởng như lộn xộn, khó hiểu của Kiên sau đó chúng ta mới biết rằng đó chính là “niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ”. Nơi quá khứ đó tưởng như đau đớn nhưng lại chan chứa tình người, ngày son trẻ, trong trắng và chân thành.
- Trạng thái tâm lí thường trực của nhân vật Kiên chính là trạng thái mơ màng, đăm chiêu, âu sầu.
- Những từ ngữ được tác giả sử dụng để miêu tả tâm lí đó: giật mình; hồn xiêu phách lạc, ý thức mờ mịt, lú lẫn, mê mẩn; cô quạnh, âu sầu;…
- Trong hồi ức của Kiên, chiến tranh hiện lên với “khuôn mặt” đau khổ, tàn khốc.
- “Khuôn mặt” tàn khốc không phải là là khuôn mặt duy nhất trong chiến tranh. Vì đâu thể khẳng định rằng chiến tranh chỉ ngập tràn đau thương, cũng sẽ có lúc tình yêu thương thay thế, cũng có lúc niềm yêu đời, lạc quan xuất hiện như trong những tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật.
2. Nhận xét bản thảo của nhân vật Kiên
- “Lúc đầu không thể hiểu nổi, vì bản thảo quá lộn xộn, không theo trật tự nào cả nhưng sau đó anh đã hiểu ra và nhận định “khá cuốn hút”.”
- Những nhận xét trên có thể liên tưởng tới các cuốn tiểu thuyết hiện đại: tiểu thuyết hiện đại có thể không cần bắt buộc theo trình tự thời gian mà có thể là kể về hiện tại trước rồi mới vòng về quá khứ rồi lại quay lại hiện tại. Việc sắp xếp trên dựa vào tâm lí nhân vật và dụng ý của người sáng tác.
=> “Nỗi buồn chiến tranh” nói về một vấn đề rộng, phản ánh lên mức độ nguy hiểm, sát thương cho chính con người trong thời chiến và sau thời chiến. Đó là nỗi đau không chỉ xuất hiện nơi thể xác mà còn in hằn ở tâm hồn. Do đó lựa chọn tiểu thuyết sẽ là phù hợp nhất, với quy mô rộng và khả năng chứa nội dung thì chỉ tiểu thuyết mới có thể giúp nhà văn giãi bày những dụng ý nghệ thuật trong tác phẩm.
IV. Đọc tác phẩm: Nỗi buồn chiến tranh
Nỗi buồn chiến tranh
(trích)
Bảo Ninh
Nhưng cho đến tận bây giờ và có thể là mãi mãi, Kiến cũng không thể cắt nghĩa được vì sao mà vào cái đêm lạnh giá ấy, đứng trước cửa sổ nhìn màn mưa mỏng đang chầm chậm tràn ngang qua bầu không khí xanh xám run rẩy, uốn ngả theo chiều gió đông bắc, lòng đăm đắm nhớ tới Phương, anh lại chợt nhìn thấy mùa mưa Cánh Bắc, nhìn thấy Ngọc Bơ Rây, truông Gọi Hồn. Vì sao? Vì sao lại gương mặt của từng anh em trong trung đội hiện lên. Và phép mầu nào ngay sau đó đã đẩy lùi thời gian về xa hơn, dựng lại trước mắt anh trận đánh ghê rợn đã xoá sổ tiểu đoàn 27 của anh? Không khí trong căn phòng này khi đấy thật kì lạ, như thể bị hút vào trường hấp dẫn của quá khứ: cùng rung lên, xô giật, đập thình thịch vì sóng xung kích của hàng trăm trái đạn pháo dội cấp tập xuống lòng truông Gọi Hồn. Và tường vách căn phòng rầm rầm run lên trong tiếng động cơ máy bay bổ nhào. Kiên giật mình bật lùi khỏi cửa sổ.
Hồn phách xiêu lạc, ý thức mờ mịt, lú lẫn, mê mẩn Kiên đi đi lại lại, kí ức loé chớp. Loạng choạng ngồi xuống bên bàn, một cách máy móc anh cầm lấy bút và thay vì viết thư, anh viết một cái gì hoàn toàn khác.
Suốt đêm ấy, đến sáng, giữa mớ đồ đạc và bàn ghế tồi tàn, giữa bốn bức tường tróc lở, những sách những báo chồng đống trên sàn nhà bụi bặm, nứt nẻ, những vỏ chai lăn lóc, cái tủ đầy gián, chiếc giường xiêu vẹo bừa bãi chăn màn xơ xác anh đã viết một mạch trọn vẹn với thần hứng không bao giờ còn có lại – thiên truyện đầu tiên trong đời làm sống dậy một cách đặc biệt tàn nhẫn trận tử chiến truông
Gọi Hồn với những diễn biến nặng nề của nó và số phận bi thảm của tiểu đoàn anh. Tay mỏi tê, run lên, tìm như rách dần, cả hai buồng phổi nghẹt khói thuốc, miệng khô đắng, cổ tắc lại, nấc, anh cắm dầu viết. [...]
Suốt cả ngày Chủ nhật hôm ấy, như thành người ngày, Kiên lang thang trong phố. Một niềm vui buồn thảm tựa như một buổi bình minh pha trộn ảnh hoàng hôn soi chiếu những suy nghĩ của Kiên. Toàn bộ cuộc sống bấy lâu nay được rọi sáng trong luồng tâm tưởng ngược chiều thời gian. Những mối bận tâm, những niềm đau khổ, những xót xa cay đắng trong lòng những năm gần đây đã trở nên tầm thường, nhợt nhạt và lúc đó Kiên nghĩ chúng chẳng còn nghĩa lí gì đối với mình. Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện. Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh.
Buổi chiều vào công viên, anh đi dọc theo những lối sỏi hai bên um tùm cỏ và hoa, bước qua những bụi cây đọng nước, tìm tới một ghế đá bỏ trống gần nơi trai gái đang tình tự, và ngồi im cả giờ nghe gió thầm thổi qua hồ.
Con người nội tâm trong anh cô quạnh, âu sầu không hề cảm thấy gió lạnh chiều tà, lặng lẽ đưa mắt nhìn vượt khỏi tầm mắt, vươn tới cõi xa xăm bên ngoài biên giới của tư duy, đạt đến cõi hoà đồng người sống và người chết, hạnh phúc và khổ đau, hồi ức và ước mơ. Mênh mang trời nước. Mênh mang hương sắc mùa xuân tươi sáng đượm sầu xao xuyến truyền lan theo sóng hồ. Và, trên vùng không gian tinh thần ấy Kiên thấy hiện lên rõ rệt một cách bí ẩn, khó giải thích một đoạn đời, một khung cảnh, một hình ảnh, một gương mặt mà đã từ lâu rồi anh quên lãng. Và sau đó lại những đoạn đời khác, những kỉ niệm khác, lần lượt kế tiếp nhau âm thầm chậm rãi duyệt lại quá khứ... Kí ức về một trưa mùa khô rực rỡ nắng, hoa nở đầy trong những khoảnh rừng thưa... Kí ức một ngày mưa lũ gian truân bên bờ Sa Thầy vào rùng hai măng đào củ... những bờ suối, bãi lau, buôn nhỏ hoang tàn... những gương mặt đàn bà mến thương xa lạ gọi niềm nhớ nhung âu yếm... niềm đau của mối tình... Kí ức xa vời, trập trùng và lặng lẽ. Khắc nghiệt và thẳm sâu như rừng như núi trong lòng anh chiều ấy, một chiều xuân lạnh lẽo sáng trong bên lề trống không của trời nước một màu làm cho tâm hồn từ đấy không còn có thể dùng mắt lại ở điểm nào nữa trên cõi không cùng của quá khứ.
Nhiều tháng và có lẽ nhiều năm đã trội qua. Từng đêm lần hồi, cần mẫn và do dự, bản thảo tiểu thuyết của Kiên dầy dần lên và dẫn đến đoạn kết, song đồng thời cũng như thể mỗi ngày một thêm dang dở. Những chương sau như là điệp khúc của các chương phía trước. Những khung cảnh và những tình tiết đã có tự phần đầu rốt cuộc lại đang chờ Kiên ở phần chót. Tuy nhiên ấy là bởi dòng trôi của tiểu thuyết này nó như thế, tự nó chứ không phải tự Kiên. Tác phẩm tự nó cấu trúc nên thời gian của nó, tự định hướng, chọn luồng và tự chọn lấy một bến bờ. Còn Kiên, anh chỉ là người viết, bền bỉ và lặng lẽ hoà nhập thân phận mình vào cộng đồng số phận các nhân vật. Nói chung anh hết sức thụ động, hầu như trở thành bất khả tri trước các trang viết của chính mình. Mạch truyện nó thế nào thì buông theo như thế, anh như hoàn toàn cam chịu cái logic bí ẩn của trí nhớ và trí tưởng tượng
[…] Khi “nhà văn của phường chúng tôi” từ bỏ khu phố này, anh chẳng hề cho ai hay, mà rồi thực ra cũng chẳng ai người ta để ý. Anh vẫn thường biến mất, khi một tuần, khi hàng tháng. Lần này có thể là hàng năm chăng, thậm chí mãi mãi.
Chuyện đó chẳng có gì lạ, cũng chẳng khó gì, bởi nếu biết làm cho mình tự do thì con người ta vẫn nhiều vận hội và vẫn có muôn ngả đời để sống, như gió trời. Hôm anh ta đi, phòng để ngỏ. Vào lúc rạng mai gió bấc tràn về bung màn của sổ, Bụi xám mưa phùn thổi vào buồng, phủ lên chút ít đồ đạc sơ sài, những tàn tích của một lối sống đã quá thời. Tro than từ lò sưởi toả phù ra, và giấy má từ mặt bàn, giá sách, từ đống bản thảo chất trong góc tung xoả, vương khắp trên sàn.
Người đàn bà hôm ấy đã ở lại qua đêm trong phòng, tỉnh dậy, còn lại một mình. Âm thầm chị thu dọn căn buồng bừa bộn xơ xác. Tất cả giấy tờ tan tác chị nhặt hết lại, dồn gộp vào với chồng bản thảo, thành cả một toà núi non. Sau đó người ta thấy chị lễ mễ khuân toàn bộ núi giấy ấy lên tầng áp mái, nơi chị ở […]
Về sau, khi bằng một cách nào đó, có được trong tay toàn bộ bản thảo trữ trên tầng áp mái trong phòng người đàn bà bị câm, không hiểu sao tôi thấy khá yên tâm với sự đảm bảo thầm lặng của chị để có thể kiên nhẫn lần đọc kĩ càng, thậm chí từng trang. Tất nhiên, tôi cố gắng như thế còn do sự cám dỗ bởi sự tò mò muốn tìm hiểu đôi chút về một nhân vật mà bàn dân thiên hạ trong phố coi là hiện tượng dị biệt, khó cắt nghĩa. [...] Tuy nhiên, trong thời buổi mà hầu hết chúng ta đều chung một tuyến cảm xúc, tôi thường bị hấp dẫn bởi những nhân cách lạc điệu và vì vậy tôi đã gắng đọc của anh ta, dù rằng thật là cực nhọc.
Thoạt tiên, tôi cũng gắng sắp xếp để tìm lại một trình tự mong có thể dọc dược như tôi vẫn thường đọc. Song hoài công. Có vẻ như chẳng một trình tự nào hết. Trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ như trang cuối. Tôi nghĩ, ngay dù có đánh số trang, ngay dù không có những trường đoạn bị đốt, bị mối xông không có những trang mà tác giả đã loại nhưng vẫn lẫn bản thảo thì đây vẫn là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời. Tôi không muốn nói là điên rồ.
Từng trang, từng trường đoạn một thì có thể theo dõi được, đôi khi khá cuốn hút. Những địa danh không còn ai nhớ tới của mặt trận thân thuộc khiến tôi xúc động. Những cận cảnh chiến trận, những tiểu tiết của cuộc sống binh sĩ, những gương mặt đồng đội hiện lên ngắn ngủi, thoáng lướt nhưng đậm nét trên lùng trang. Tuy nhiên mạch chuyện không ngừng đứt gãy. Tác phẩm từ đầu đến cuối không hề có nổi một tuyến chung, một bề mặt đại khái nào mà hoàn toàn là những khối thù hình. Tất cả đang diễn ra đột nhiên đứt gãy và bị quét sạch khỏi giữa chừng trang giấy y như thể rơi vào một kẽ nút nào đó của thời gian tác phẩm. Ta vẫn gọi đó là sự mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, thiếu bao quát nhiều khi chứng tỏ sự hụt hẫng của tư duy người viết, chứng tỏ cái vẻ “lực bất tòng tâm” của y.
[...] Dần dà chính tôi đã đi đến chỗ cho phép mình đọc theo một phương thức rất tuỳ nghi. Tôi đọc cả núi giấy ấy một cách giản đơn là tờ trước rồi đến tờ sau bất kể trình tự đó là ngẫu nhiên, bất kể đó là một trang bản thảo hay là một lá thư, một trang ghi chép rời ra từ sổ tay, một trang nhật kí, một bản nháp của bài báo. Tôi đọc gộp cả lại, giở lần lượt từng tờ ra mà đọc.
Tôi thấy lẫn trong đó những bức ảnh, những bài thơ, những bản nhạc chép tay, những tờ khai lí lịch, giấy chứng nhận huân chương, chứng nhận thương tật, và cả những quân bài quăn nát, lem nhem từ con 2 đến con át…
Cái lối tuỳ tiện ấy có hiệu quả đối với nhận thức của tôi. Trước mắt tôi lúc này tác phẩm bị dẹp bỏ của “nhà văn phường chúng tôi” hiện lên trong một cấu trúc khác, trong sự hoà đồng với cuộc đời thực không hề hư cấu của anh. Tôi đã chép lại hầu như toàn bộ theo đúng cái tình cờ tôi có được ấy, chỉ lược đi những trang không thể đọc nổi vì mục bị phai, vì viết tháu, những trang rõ ràng là trùng lặp, những mẫu thư từ nói chuyện người thứ ba không thể hiểu nổi hoặc những mẩu ghi chép linh tinh tối nghĩa. Không hề có một chữ nào là của tôi trong bản thảo mới, tôi chỉ xoay xoay vặn vặn như một người chơi ru-bích vậy thôi. Nhưng sau khi chép xong, đọc lại, tôi ngỡ ngàng nhận thấy những ý tưởng của mình, những cảm giác của mình, thậm chí cả những cảnh ngộ của mình nữa. Dường như do sự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hoà đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau. Thậm chí tôi ngờ rằng có quen anh trong chiến tranh.
[...] Nhưng chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, trong ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời, những cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng vẫn là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể hi vọng, bởi vì đấy là đời sống hoà bình. Đấy chắc chắn là điều mà tác giả thực sự của tác phẩm này muốn nói.
Tuy nhiên riêng anh thì nỗi buồn chiến tranh do nhiều lí do mà nặng nề hơn nhiều so với tôi. Nỗi buồn ấy ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại. Ngày tháng của đời anh cứ lùi lại mãi.
Có lẽ ấy là một cảnh ngộ trái khoáy, một sự bi quan bế tắc như ta thường nói, một đời sống tinh thần vô vọng. Nhưng mặc dù thế, tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn, tâm hồn anh mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng. Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh. Tôi cảm thấy ghen tị với niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ của anh. Bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hi sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.
(Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1991, tr. 89 – 92, 277 – 283)